T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Đâu phải tại em!

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Nhà tôi chỉ có hai chị em gái. Lớn nhất là tôi. Kế đến là cô em út tên Tuyết Lam. Ngay từ thuở bé, Tuyết Lam đã mũm mĩm, xinh xắn nên tất cả mọi người trong gia đình, từ ông bà nội, ngoại cho đến chú, bác, cô, dì, ai cũng cưng yêu, chiều chuộng. Ngược lại, đứa con gái đầu lòng -là tôi- đã mang đến cho ba mẹ nỗi thất vọng ê chề khi ai nhìn tôi cũng lắc đầu… không thẳng thắn chê bai, nhưng câu nói lại chứa đầy hàm ý “con nhỏ này giống ai vậy hà? ba nó đẹp trai, mẹ nó xinh gái quá trời… mà….!”. Từ nhỏ tôi đã phải tủi thân vì sự hờ hững nếu không muốn nói là lạnh nhạt mà tôi phải cam lòng đón nhận từ những người thân, chỉ bởi một lý do duy nhất là tôi không xinh đẹp như Tuyết Lam. Cũng vì thế mà tôi luôn sống trong sự tự ti mặc cảm.

Không những trong gia đình mà bước đến trường học cũng thế. Trong khi Tuyết Lam lúc nào cũng có nhiều bạn bè vây quanh thì tôi lại thui thủi một mình. Không biết vì tôi là một đứa con gái xấu xí nên không ai muốn làm bạn hay vì mặc cảm mà tôi thu mình trong cái vỏ ốc lặng lẽ, lạnh lùng khiến mọi người không ai thích đến gần.

Cho đến một ngày kia…

Khi vừa bước xuống trạm xe buýt trong một buổi chiều trời mưa đường phố trơn trợt thì tôi bị trượt té. Một vài đứa bạn cùng lớp cũng xuống cùng trạm đã phá lên cười chế giễu:

-Trời! bộ tính chụp ếch để cuối tuần làm món nhậu cho “kép” hả?

-Đứng dậy đi, không có hoàng tử tới cứu đâu.

Vừa xấu hổ, vừa tức giận, lại vừa đau đớn, nên tôi gượng mãi mà cứ trượt tới trượt lui, không đứng lên được. Lại là cái cớ để cho những con người thiếu vắng lòng nhân đạo tiếp tục trêu chọc bằng những câu nói không thiếu sự tàn nhẫn. Đúng lúc đó, một người con trai xa lạ đã chạy đến và nâng tôi lên. Thấy bàn tay tôi chảy máu vì chống lên một thân cây khô xù xì những lớp vỏ, anh dìu tôi đi vào phía trong, đặt tôi ngồi dựa vào hàng rào của ngôi biệt thự trước mặt rồi mở túi xách, lấy chiếc khăn tay lau nhẹ những giọt máu đang tươm ra. Sau đó, anh xé một góc khăn sạch, cột vết thương lại và tình nguyện đưa tôi về tận nhà.

Lần đầu tiên tôi được săn sóc bởi một người con trai. Năm đó tôi mười sáu tuổi. Có nghĩa là… khi đến tuổi mười sáu tôi mới có thể nghĩ rằng, mình cũng không đến nỗi vô duyên. Kể từ ngày đó tôi có được một người bạn mà tôi có thể tin tưởng qua tính tình chân thật và giản dị để trao gửi những nỗi niềm rất riêng tư.

Có lần Lân nói với tôi:

-Tuyết Nhung không nghe người ta nói “cái nết đánh chết cái đẹp” sao?

Tôi không đồng ý với Lân:

-Nhưng ít ra cái đẹp cũng níu chân đối tượng từ ngay cái nhìn đầu tiên. Rồi qua sự tiếp xúc người ta mới nhận ra được cái nết. Chứ xấu xí quá đâu ai muốn đến gần… mà khi đã không gần thì làm sao biết cái nết để cho cái nết có cơ hội đánh chết cái đẹp.

Lân lắc đầu chịu thua:

-Chưa chắc mọi người đều nghĩ như Nhung. Bạn quá khắt khe trong vấn đề này rồi!

Tôi muốn nói với Lân rằng tôi không khe khắt mà chính những người chung quanh đã chứng minh cho tôi thấy rõ điều đó. Còn Lân, tôi đang chờ xem anh có gì khác với những người tôi đã biết và đã gặp không?

Vào dịp cuối năm, cả gia đình tôi đi dự đám cưới của cậu Út tại một nhà hàng sang trọng ở trung tâm thành phố. Thật bất ngờ Lân lại quen biết với gia đình mợ dâu của tôi, thế là những người trẻ được xếp chung bàn và cũng dịp này Tuyết Lam gặp mặt Lân. Tuyết Lam có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy tôi và Lân nói chuyện thân mật. Lam hỏi tôi, tại sao quen Lân, quen lúc nào sao không nói cho nó biết. Tôi mỉm cười không trả lời. Một nỗi vui chợt đến khi tôi nhìn thấy những ánh mắt ngạc nhiên của người thân như mới vừa khám phá một chuyện lạ “con nhỏ này mà cũng có bạn trai à?”. Nhưng nỗi vui bỗng trở thành nỗi lo lắng khi tôi nhìn thấy Tuyết Lam háo hức, xoắn xuýt lấy Lân. Cô em gái yêu quý của tôi luôn tự tin và lúc nào cũng muốn chứng tỏ sức quyến rũ của mình. Để rồi sau đó, ngày nào Tuyết Lam cũng đòi tôi phải gọi Lân đến nhà trò chuyện hoặc hẹn với Lân đi chơi vào cuối tuần. Lam không tự mình liên lạc với Lân vì cho rằng Lân là bạn của tôi, nhưng khi gặp Lân thì Lam xem tôi như người thừa thải trong những cuộc vui có ba người.

Không bao lâu tôi cảm thấy Lân gần như quên cả sự có mặt của tôi. Sự quan tâm dần dần ít đi rồi đến lúc gần như không có để tôi ngậm ngùi nhận biết tình cảm của Lân đã nghiêng hẳn về phía Tuyết Lam. Tôi lặng lẽ lùi lại phía sau bằng những bước chân hụt hẫng. Từng ngón tay gầy lau nhanh dòng lệ, lòng xót xa tự an ủi “thì Lân cũng là con người, cũng thích cái đẹp, ai bảo mình không biết thân mà cứ hoài mơ mộng về một hoàng tử khi ngây thơ nghĩ rằng mình là cô bé lọ lem trong chuyện cổ tích xa xưa!”.

Khi Tuyết Lam vừa xong trung học thì gia đình Lân được sang Mỹ theo diện HO của ba Lân. Tôi còn đang bàng hoàng khi nghĩ đến điều mà rất nhiều lần tôi đã nghĩ “nếu một ngày nào đó không còn được nhìn thấy Lân, tôi sẽ buồn bã như thế nào?” thì Tuyết Lam đã nôn nao hỏi mẹ:

-Mẹ ơi! mẹ có bằng lòng cho con theo Lân sang Mỹ không?

Mẹ còn đang “choáng” vì câu hỏi bất ngờ thì Tuyết Lam đã lên kế hoạch:

-Con phải bắt Lân làm lễ hỏi trước khi đi Mỹ để cột chân ảnh cho chắc…

Có lẽ mẹ cũng chưa lấy lại bình tĩnh vì quyết định đột ngột của Tuyết Lam thì nó đã chạy bay lên lầu sau khi nói với mẹ:

-Mẹ nói với ba dùm con. Ba mẹ phải đồng ý nha!

Thế là trước ngày Lân lên đường, Tuyết Lam và Lân tổ chức lễ hỏi. Dù biết rằng mình mãi mãi là một chiếc bóng mờ nhạt trong tình cảm của Lân nhưng sao trái tim tôi vẫn đau nhói. Bên cạnh cô em gái xinh đẹp đang líu lo, rộn rã nói cười với niềm hạnh phúc, tôi đã phải cố gắng giấu kín những giọt nước mắt lúc nào cũng chực chờ rơi xuống. Tôi giận tôi sao lạ kỳ, có ai bày tỏ, hứa hẹn đâu, sao không biết thân phận bọt bèo của mình là “đứa con gái trời bắt xấu” mà bày đặt “giấu kín trong tim bóng một người”.

Ngày Lân đi, Tuyết Lam khóc như mưa, như gió. Lân hứa sẽ cố gắng học hành và sớm nhập tịch để trở thành công dân Mỹ ngay khi đủ điều kiện để có thể bảo lãnh Tuyết Lam nhanh chóng. Lân cũng không quên dặn dò tôi cố gắng an ủi và chăm sóc Tuyết Lam dùm cho Lân. Tôi đáp khẽ “Lân an tâm” mà lòng muốn hỏi “Lân ơi! Nhung cũng rất cần một sự an ủi. Lân có biết không?”.”

***

Thời gian đầu, ngày nào Tuyết Lam cũng email cho Lân, nhưng dần dần có thêm bạn bè với những cuộc vui mới, nên cô em gái của tôi không còn bận tâm đến việc gửi email cho Lân nữa. Những lần tôi lên tiếng nhắc nhở thì Tuyết Lam nói:

– Chị rảnh rỗi thì viết cho Lân dùm em đi. Đâu phải là thư viết tay mà sợ Lân nhận ra nét chữ của em hay của chị.

Tôi lắc đầu từ chối mà lòng đầy nỗi bất mãn. Tình yêu mà không có nỗi nhớ nhung xao xiết, liệu tình yêu đó có còn sâu đậm trong khoảng cách nghìn trùng hay không? Tôi ngầm theo dõi thì thấy Tuyết Lam vẫn vô tư vui vẻ với bạn bè và chẳng hề băn khoăn vì đã không làm tròn lời hứa với Lân trong lúc chia tay. Lam không băn khoăn -điều đó cũng dễ hiểu với mẫu người hời hợt như Lam- nhưng tôi thì lại vô cùng ray rứt. Tôi sợ Lân buồn mà xao lãng chuyện học hành. Tôi lo Lân khổ trong nỗi nghi ngờ nên đành phải thay thế Tuyết Lam để email cho Lân. Mỗi ngày, một lá thư dài được gửi đi qua email với những lời nhớ nhung tha thiết và những an ủi ngọt ngào. Lâu dần, tôi cảm thấy như mình là người trong cuộc. Điều này khiến tôi vô cùng sợ hãi. Rất nhiều lần tôi khuyên Tuyết Lam đừng vì ham vui mà có thể đánh mất một tình yêu rất đáng trân quý đang có trong tay. Nhưng Lam nói rằng, dù lười viết thư, dù luôn có mặt trong những cuộc vui với bạn bè mới nhưng không bao giờ Lam quên Lân. Tuy giọng nói rất quả quyết, nhưng Lam lại cho tôi nhìn thấy sự tính toán trong câu kế tiếp:

-Trời ơi, em đâu phải là chị…. cứ bắt em nhốt mình trong nhà hoài chắc em chết quá. Em phải có bạn chứ, không lẽ bắt em chờ đợi cho phí tuổi xuân… với lại ở bên Mỹ, chắc gì Lân không có bạn mới!

Thấy Tuyết Lam mỗi ngày càng sa đà trong tình cảm với những mối tình hờ -mà Lam nói rằng cho quên ngày tháng (!)- tôi cảm thấy xốn xang cho Lân. Ba mẹ tôi nhiều lần nhắc nhở, rày la, nhưng sau tiếng vâng vâng, dạ dạ, Tuyết Lam vẫn không có chút gì thay đổi. Thật ra, Tuyết Lam còn quá non nớt trong suy nghĩ. Lam chỉ sống theo cảm tính sung sướng, hãnh diện khi có quá nhiều người theo đuổi, si mê, quỳ lụy. Và đã như thế thì làm sao Tuyết Lam có thể chống chỏi lại sự cám dỗ như Lam đã từng trả lời những câu khuyên nhủ của tôi:

– Em không thiếu tiền vì Lân vẫn gửi cho em đều đặn, nhưng em thiếu sự săn đón, chiều chuộng mà Lân không thể cho em bây giờ.

Rồi làm như kẻ sành đời, Lam vỗ vai tôi, giọng kẻ cả:

-Em không ngu đâu, chị đừng lo… Em biết giữ thân mà.

-Nhưng lỡ ngày nào Lân biết được những việc em đang làm thì sao?

Tuyết Lam nhún vai, kê sát mặt tôi thì thầm, nửa đùa, nửa thật:

-Làm sao Lân biết được, trừ khi… chị kể cho Lân.

Tôi lắc đầu chịu thua. Dù Tuyết Lam không đúng, nhưng tôi vẫn cố gắng che chở cho em mình bằng cách gửi email thật đều đặn với những lời thư đầy nghĩa tình.

***

Hai năm sau.

Một buổi chiều.

Lân xuất hiện trước mặt tôi, ngay lối vào của căn nhà quen thuộc mà ngày xưa Lân vẫn thường lui tới. Tôi bàng hoàng trơ mắt nhìn Lân. Nỗi vui mừng ùa đến cùng lúc với nỗi lo lắng vì sự vắng mặt của Tuyết Lam ngay giây phút hội ngộ bất ngờ này làm tôi trở nên lúng túng, vụng về, không biết nói một câu cho đúng phép lịch sự.

-Tuyết Nhung vẫn vậy… không có gì thay đổi.

Tôi cười nhẹ:

-Chưa có bà tiên hiện ra để cho Nhung một điều ước, nên dù có muốn, Nhung cũng không thể thay đổi được!

Câu nói đầy ẩn ý của tôi Lân có hiểu không mà câu trả lời lại làm tôi nhớ đến ngày xưa. Cái ngày mà Lân nhất quyết rằng, câu nói của ông bà ta “cái nết đánh chết cái đẹp” muôn đời vẫn đúng.

-Lân vẫn muốn Nhung là Nhung của ngày Lân mới quen.

Tôi cắn môi bối rối. Chỉ là một câu nói xã giao để làm vui lòng người bạn cũ nhưng sao trái tim tôi bồi hồi như đang tiếp nhận một lời tỏ tình dễ thương. Cố gắng làm ra vẻ tự nhiên tôi mời Lân vào nhà mà đầu óc quẩn quanh tìm câu nói dối để che dấu việc Lam đang đi Vũng Tàu đến hai hôm nữa mới trở về. Không biết Lân có tin là Lam đang theo đoàn thiện nguyện để làm công tác xã hội, giúp trẻ em mồ côi như tôi đã nói hay không mà mắt Lân thoáng nét buồn.

Hai ngày sau Lân trở lại cũng vừa khi Tuyết Lam về đến nhà. Nhìn Tuyết Lam nhảy cỡn la hét trong sự vui mừng, nhìn ánh mắt trìu mến ngập tràn nỗi xúc động của Lân tôi như trút được gánh nặng trìu trĩu trong lòng. Dù mắt có cay, dù tim có xót, nhưng tôi vẫn thầm mong em gái và người con trai mình đang thương thầm, nhớ trộm được vui vẻ, hạnh phúc.

Niềm vui rồi cũng qua mau. Chỉ sau một tuần quấn quýt bên Lân, Tuyết Lam đã không cưỡng lại được những lời rủ rê của bạn bè. Lam nhiều lần thất hẹn với Lân, để có những buổi tối Lân ngồi lặng lẽ ngoài hiên nhà, đưa mắt nhìn mãi cánh cổng sắt chờ Lam trở về. Tôi lại một lần nữa phải thay thế Tuyết Lam ngồi tiếp người khách ngồi đây mà hồn bay đến tận nơi đâu -có thể là nơi có dấu chân của người con gái anh yêu đang xập xình nhún nhẩy theo điệu nhạc. Đôi ngày, điều này lại lặp lại một lần khiến mẹ giận dữ mắng nhiếc Lam. Cô em của tôi nhìn mẹ rồi nhăn mặt thú nhận:

-Mẹ ơi! hình như con không yêu Lân nữa!

Một lần nữa mẹ tôi lại “choáng” vì câu nói của Lam.

-Lam! đây không phải là chuyện đùa. Hai đứa đã có lễ hỏi. Cũng là ngày xưa con quyết định chứ có phải ba mẹ ép buộc con đâu.

Tuyết Lam ngập ngừng:

-Con nghĩ … hồi trước con còn nhỏ, với lại…. tại con ham đi Mỹ!

Tôi bước vào phòng trong để khỏi phải nghe những câu nói vô tâm, vô tình của đứa em gái chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ tình yêu.

***

Cuối cùng Lân trở về Mỹ sớm hơn dự định. Tôi không hỏi lý do, nhưng nhìn vào mắt của Lân tôi đọc được sự thất vọng và buồn bã khôn cùng. Tuyết Lam thì đong đỏng lên giọng trách móc (có phải là giả vờ chăng?):

-Tại sao vậy? hồi mới về anh nói sẽ ở lại một tháng mà… bây giờ mới có ba tuần….

Tôi không biết Tuyết Lam không hiểu thật hay cố tình ngây thơ. Lân không trả lời chỉ đưa mắt nhìn xa xôi, trong nụ cười lạnh nhạt như chứa đựng cả một sự chán chường.

Ngày tiễn Lân ra phi trường, Lân cứ hỏi tôi có điều gì muốn nói với anh không. Tôi lắc đầu trốn tránh ánh mắt hoài nghi của Lân. Tôi không biết Lân đang nghi ngờ điều gì? Nghi ai? Tôi hay Tuyết Lam? Câu hỏi đó cứ ám ảnh lấy tôi từng giờ, từng phút, ngay cả trong giấc mơ cho đến khi Lân email cho tôi. Lân viết rằng, linh tính cho Lân biết những lá thư gửi qua email mà anh nhận được dù ký tên Tuyết Lam nhưng chắc chắn không phải do chính Tuyết Lam viết. Bởi vì lần gặp lại sau hai năm xa cách, Lân thấy rõ tình cảm của Tuyết Lam dành cho anh không giống những gì Lam đã gửi cho anh. Lân yêu cầu tôi hãy nói ra sự thật.

Tôi còn có thể nói được gì khi việc tôi làm là đồng loã, là gian dối, là xem thường tình cảm của Lân. Còn nếu nói với Lân rằng những lời tôi viết xuất phát từ con tim chân thành thì phải giải thích thế nào khi tình yêu tôi dành cho Lân bấy lâu là mối tình đơn phương. Tôi đã dặn lòng, sẽ mãi mãi cất giấu mối tình này và tôi cũng rất nhiều lần tự cảnh giác rằng, đừng mơ chuyện xa vời, đây là thời gian thử thách cho tình yêu của Tuyết Lam và Lân, qua cơn sóng gió họ sẽ kếp hợp với nhau, còn tôi mãi mãi vẫn là một kẻ thừa thải vô duyên.

Nghĩ vậy nên tôi chọn thái độ im lặng, dù ngày nào tôi cũng mở email để tìm kiếm và chờ đợi. Lân vẫn kiên nhẫn email cho tôi mỗi ngày, dù không nhận được sự hồi đáp của tôi. Trong mỗi lá thư, Lân thường nhắc lại kỷ niệm đầu tiên tôi và Lân gặp nhau. Và rồi thật bất ngờ khi có một ngày Lân email cho tôi bằng những dòng chữ rõ ràng, rành mạch:

“Tuyết Nhung ơi! Lân đã nhờ bạn bè ở Việt Nam tìm hiểu sự thật dùm Lân. Giờ thì Lân đã có đầy đủ hình ảnh và chứng cớ trong tay về sự phản bội của Tuyết Lam. Lạ quá, Lân không thấy buồn chút nào mà hình như còn cảm thấy vui vì một ý nghĩ, một khám phá khác lạ về tình cảm của mình. Lân muốn nói một điều… không phải với Tuyết Lam mà là người con gái đã miệt mài viết email cho Lân bằng tấm lòng chân thật, bằng tình cảm cao đẹp. Và hơn thế nữa, chính tình cảm mà Lân vừa nhận biết được trong trái tim của mình đã chứng minh câu nói mà Lân và Tuyết Nhung đã có lần tranh luận “cái nết đánh chết cái đẹp”, dù trước đó cái đẹp đã từng làm Lân điên đảo để không nhận ra có một viên ngọc quý đang ở trước mặt mình…””

Một kết cuộc không bao giờ tôi dám nghĩ đến là Lân trở về Việt Nam để chính thức xin hủy bỏ hôn ước giữa anh và Lam. Những giọt nước mắt hối hận (không phải vì tình yêu mà vì mất cơ hội đi Mỹ) của Lam không thể kéo lại một tình yêu đã mất. Nhưng rồi Lam đã nhanh chóng quên rất nhanh nỗi khổ đau mà ai cũng lầm tưởng rằng sẽ làm cho Lam chết được để bước chân lên xe hoa cùng một người đàn ông khác.

Một năm sau, khi chính thức trở thành công dân Mỹ, Lân lại trở về Việt Nam. Thật can đảm -trong sự trưởng thành chín chắn- Lân đã đến gặp ba mẹ và xin phép được kết hôn với tôi. Quyết định của Lân làm tôi run sợ. Tuyết Lam sẽ nghĩ gì? Ba mẹ tôi sẽ nghĩ gì? Trong khi mẹ và Lam nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng, trách móc thì ba lại rưng rưng nước mắt vuốt tóc tôi:

-Cuối cùng, con gái ba đã tìm được một hạnh phúc đích thực.

***

Bây giờ tôi đã là vợ của Lân. Chúng tôi đã trải qua mười năm hạnh phúc trong một mái gia đình thật ấm cúng với đứa con gái giống cha, xinh xắn như búp bê. Tuyết Lam thì đã ly dị chồng cách đây ba năm. Mỗi khi gọi điện thoại cho tôi, Lam đều khóc lóc, than thở cho số phận đen đủi của mình. Lam tỏ vẻ hối tiếc vì tuổi trẻ nông nổi, thiếu suy nghĩ mà đã tự mình đánh mất “hạnh phúc đáng lẽ là của em”. Câu nói của Lam khiến tôi ray rứt không yên. Có phải tôi là một người chị ích kỷ và đáng trách khi xen vào chuyện tình cảm của Lân và Lam? Nếu không có tôi, không có những lá thư bằng email, liệu chừng Lân có rời bỏ Lam một cách nhanh chóng và dễ dàng như thế không? Bây giờ, tôi phải bù đắp cho Tuyết Lam bằng cách nào để em tôi tìm được hạnh phúc, để tâm hồn tôi được nhẹ nhàng và thoát khỏi nỗi ám ảnh mình là kẻ thứ ba, kẻ đã phá hoại tương lai và hạnh phúc của em mình.

Tối hôm qua, khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạc do tôi viết cho chính tôi trong quyển sổ chi tiêu hàng tháng, Lân đã nâng mặt tôi, gửi lên đôi mắt ướt nụ hôn đằm thắm với giọng nói ngọt ngào:

-Trong chuyện này, người có lỗi không phải là anh, lại càng không phải là em mà chính là Tuyết Lam. Nếu Tuyết Lam đừng quá tự hào về nhan sắc của mình, đừng gieo gió thì sẽ không gặt bão. Trách nhiệm cuộc đời Tuyết Lam thuộc về cô ấy không phải là em. Nhưng em có trách nhiệm rất lớn đối với anh và con cùng mái gia đình mà chúng ta đang cố gắng giữ gìn và vun xới.

Nói gì thì nói, tôi vẫn không trút được nỗi buồn mỗi khi nhớ đến Tuyết Lam, đứa em gái xinh đẹp và đáng thương của tôi []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search