T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyên Mục “Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn“ kết thúc

clip_image002

Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn –Tháng 11/2014 (Ảnh: T.Vấn)

Thấm thoát đã một năm kể từ ngày chuyên mục “Đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” bắt đầu xuất hiện trên một góc trang trọng của TV&BH. Tôi nhớ dịp cuối năm 2014, trong một chuyến đi bất ngờ tới miền nam California, được gặp gỡ một vài cây bút chủ lực của TV&BH, cùng cuộc hạnh ngộ vốn từ lâu mong đợi với nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Nhưng chuyến đi ấy đã đem tới cho tôi một bất ngờ khác. Đó là việc được nhà thơ gởi gấm hầu như toàn bộ những bài phát thanh của một chương trình đọc sách ông thực hiện cho đài VOA hồi đầu những năm 2000. Một bất ngờ khác cũng không kém phần thú vị, mà chỉ sau này, khi bắt đầu giới thiệu chuyên mục “Đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” trên TV&BH tôi mới “ngộ” ra, đó là giọng đọc rất chuyên nghiệp, rất ấm áp, và đặc biệt, rất “đài các” của một giọng Bắc Hà Nội không lai tạp, không bị trộn lẫn, dù sống ở miền Nam từ sau cuộc di cư 1954, của người bạn đời gần 60 năm của nhà thơ: chị Hồng Ngọc (tức bà Tú Xương Thu Hồng, theo cách gọi của nhà văn Ngô thế Vinh). Rất chính xác như người bạn trẻ Lưu Na trong phần giới thiệu chuyên mục đã nhận xét: ”Với riêng mình, tôi còn thấy đã hời được một khám phá, một phụ bản đặc biệt chưa từng có. Đó là giọng đọc, sự đóng góp đầu tiên và duy nhất của Hồng Ngọc, phu nhân NĐT. Sống nơi tập trung nhiều người Việt, nghe radio hằng ngày mới biết, không dễ có một giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc. Làm chương trình với nhau hằng ngày và lâu dài thì nhịp nhàng ăn ý như Vũ Kiểm và Quỳnh Anh đài Little Sài Gòn Radio đã đành, Đọc Sách của NĐT và Hồng Ngọc là việc không dự trù không chuẩn bị không kinh nghiệm với nhau từ trước, cái nhịp nhàng có được có lẽ do tình phu thê, do đồng cảm hơn là một bề dày nghề nghiệp với nhau. . . .”(Lưu Na: TIẾNG ĐỒNG VỌNG)

Nhớ lại, lần ấy, đối diện tôi là một người phụ nữ tuy lớn tuổi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp của một người “đầy cá tính” của thời tuổi trẻ. Nụ cười lúc nào cũng ở trên môi mỗi khi bà nhìn người đối diện. Bà không tham gia câu chuyện, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy đi châm bình trà mới mời khách. Dầu vậy, bà vẫn ngồi đó, bên cạnh chồng, suốt một buổi chiều cho đến khi khách đứng dậy lưu luyến ra về.

Nhà văn Ngô Thế Vinh, trong bài viết: ”Nguyễn Đình Toàn từ Đồng Cỏ tới Áo Mơ Phai“, cho tôi biết được nhiều hơn nữa về người phụ nữ đã gây cho tôi một ấn tượng khó quên ngay buổi đầu gặp gỡ. Theo ông, bà “Tú Xương Thu Hồng” (tức Hồng Ngọc) đã từng là một xướng ngôn viên của một chương trình cho đài phát thanh Sài Gòn trước 1975. Thảo nào giọng đọc Hồng Ngọc trong hơn 100 bài phát thanh của “Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn” mềm mại dịu dàng đến như thế, quyến rũ đến như thế.

clip_image004

Bà Tú Xương Thu Hồng -Tháng 11/2014 (Ảnh: T.Vấn)

Trong thư riêng gởi nhà thơ, tôi cho biết sẽ chấm dứt chuyên mục với bài về nhà thơ Tô Thùy Yên, cũng là bài mà ông đã dùng để chào tạm biệt thính giả đài VOA năm xưa, dù trong kho lưu trữ của tôi vẫn còn một số bài nữa nhưng nội dung của chúng nay đã không còn phù hợp. Vả chăng, so với số lưu trữ hết sức ít ỏi của chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên đài phát thanh Sài Gòn những năm 70s xuất hiện rải rác đây đó trong thế giới ảo, thì số lượng hơn 100 bài về chương trình “đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” hiện lưu trữ trên trang TV&BH là một sự an ủi không nhỏ cho người hâm mộ nhà thơ và cả giọng đọc truyền cảm của ông từ gần 50 năm nay.

Nhận thư hồi âm của nhà thơ, tôi không khỏi ngậm ngùi:

T.Vấn ơi,

Thôi chấm dứt đs đi. Bệnh quá. Uống thuốc đến mờ mịt cả người. Sắp “hết chuyện” chăng?NĐT

(*đs: Đọc Sách)

Tôi hiểu rằng, từ nay, chúng ta sẽ không còn dịp để nghe, đọc, những tác phẩm khác của một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ mà dấu ấn đậm nét những thành tựu đa dạng của ông đã đồng hành cùng với vận nước nổi trôi gần nửa thế kỷ nay.

Nguyễn Đình Toàn sắp bước vào tuổi 80. Ở tuổi này, ai mà không thấm mệt. Nhà thơ của chúng ta không là một ngoại lệ. Dầu vậy, đọc những dòng chữ “đầy mệt mỏi” của ông cũng không tránh được nỗi ngậm ngùi.

Người bạn đời gần 60 năm của ông, bà Tú Xương Thu Hồng, nay trí nhớ đã suy giảm rất nhiều. Hẳn chương trình “đọc sách với Nguyễn Đình Toàn” là phần góp tiếng cuối cùng với đời của bà. Và tất nhiên, hơn lúc nào hết, đây là lúc bà cần đến ông nhất. Ông hiểu điều đó.

Tôi nhớ lại hình ảnh nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trong một “buổi chiều Cali xuống chậm ngòai kia. Những gịot nắng cuối cùng rồi cũng tắt. Giữa sự tịch mịch của căn phòng, Nguyễn Đình Tòan như trong cơn mộng du đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng đọc như cách đây hơn 40 năm ông ngồi trước máy vi âm mỗi tối thứ năm giới thiệu chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn:

. . .

Đường em đi
Từ nay không có anh
Không còn ai
Đón chờ vui mừng
Con đã lớn khôn
Hay chim bầy giã đàn
Một mình em
Làm sao giang cánh che đầy
Họa phúc mênh mông
Còn có cây cao nào
Cho em về nương bóng

. . . .

(T.Vấn: T.Vấn & Bạn Hữu – Một Chặng Đường)

Và không thể không nhắc lại:

Đừng nỡ bạc đầu nghe em / Dù cho lòng khô héo.

Cám ơn nhà thơ và người bạn đời của ông đã đem đến cho chúng ta rất nhiều những bông hoa đẹp.

Rồi đây, bất kể thế nào, những gì ông đem đến cho đời sẽ ở lại lâu, rất lâu, lâu hơn cả sự hữu hạn có thể mường tượng ra ranh giới mà nó muốn áp đặt cho đời sống chúng ta.

T.Vấn

Ngày 08 tháng 12 năm 2015

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search