T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

CHÂU THẠCH : ĐỌC “NẾU MỘT MAI TÔI VỀ” THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO

clip_image001

Ảnh ( Courtesy of www.tubeid.net)

Đọc “Nếu một mai tôi về” thơ Trần Trung Đạo và được biết bài thơ nầy anh viết cho Đà Nẵng, nơi anh đã sống một thời trai trẻ và nơi tôi đang sống bây giờ khiến tôi cảm thấy mình như gần gủi với tâm tình được thổ lộ trong thơ. Tôi có hai thành phố thân yêu trong đời. Đó là Đà Nẵng quê hương tôi và Quảng Trị nơi tôi sống một thời trai trẻ. Bây giờ hai thành phố nầy không cách xa tôi nhưng sao trong lòng tôi vẫn thường hỏi nó “Có còn nhận ra tôi không?” như nhà thơ Trần Trung Đạo từ bên kia bờ đại dương đã hỏi:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời

Đà Nẵng ngày xưa là thế đấy: Những mái ngói xanh rêu/ Bức tường vôi loang lổ có lẽ vì đem so với những thành phố hoa lệ bên trời Âu Mỹ mà tác giả đã đi qua, nhưng nó là “Một bài thơ ghi dấu một phần đời” của tác giả. Được biết thời trai trẻ tác giả sống ở Đà Nẵng nhưng học trường Trần Quý Cáp ở Hội An. Hình ảnh trong thơ là hình ảng đậm nét của cả hai nơi còn lưu trong ký ức của nhà thơ. Ngày nay Đà Nẵng không còn “Những mái ngói xanh rêu/Bức tường vôi loang lổ”nữa. Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hoa lệ rồi, cho nên bạn sẽ không nhận ra nó mà nó cũng chẳng nhận bạn đâu. Hội An cũng thế, đã thành nơi của đèn lồng muôn màu và người Âu Mỹ rộn lối đi. Đà Nẵng, Hội An bây giờ vì đã thay hình biến dạng mà tâm hồn cũng đã đổi thay . Tâm hồn đó ngày nay không còn mơ ước như Trần Trung Đạo mơ ước thuở xa xưa:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.

Thế hệ tuổi hai mươi ngày xưa mơ ước gì? Mơ ước của ngày xưa chắc phải đẹp. Những mơ ước ấy xa lạ vô cùng với Đà Nẵng, Hội An ngày nay. Nhà thơ đã đoán được điều đó nên đã than thở cho sỏi đá ngậm ngùi nơi bến cũ, cho sông xưa dòng nước lạ để “Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên”. Thật ra bến cũ đâu còn, chỉ còn sông xưa với dòng nước lạ nhưng hình như sông xưa cũng đã hoá vào thiên cổ và thay vào đây một dòng sông rất mới. Có triết gia đã nói “không thể tắm hai lần trên một sông” vì dòng sông biến đổi từng giờ, huống chi bây giờ, khi tác giã trở về thì “sông xưa” đã thành “dòng nước lạ”. Tội nghiệp cho nhà thơ, anh còn tưởng tượng thêm ngày quay về sẽ tìm gặp lại nhưng dấu tích thân yêu khác:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.

Cây đa không còn nữa để đứng khóc cho anh đâu. Nó đã bị bứng gốc lên rồi từ ngày tốc độ đô thi hoá làm thay đổi cảnh quang thành phố vùn vụt từng ngày. Đa không còn đâu để hát và nhà thơ “có nhứt nhối trong đêm” thì cũng không có “bài ca buồn vạn cổ” ngày xưa đồng điệu với mình. Chổ của đa bây giờ có thể là một ngôi nhà cao tầng nào đó.

Đã thế Trần Trung Đạo lại còn muốn tìm hương vị ngày xưa của quán bên đường:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.

“Con đường nay đã thay tên” và ly rượu, ly cà phê anh đang uống đó chắc chắn cũng không còn cái đắng thưở xưa. Cái đắng thuở xưa là cái đắng thị vị chan chứa nhận ở đầu môi và tình yêu chất chứa trong lòng, còn cái đắng bây giờ là cái đắng vẫn thế ở đầu môi nhưng tràn vào con tim nỗi xót xa vì lạc lõng, cô đơn và hụt hẫng.

Nhà thơ nhớ đến bạn. Anh trách bạn “Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về”:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.

Chia tay gì hôm nay nữa? Đã chia tay cái ngày bạn anh lên núi. Đã chia tay cái ngày anh xuống thuyền rời bỏ quê hương. Ngày đó anh đã vĩnh biệt rồi vì đâu biết anh còn có ngày quay lại. Hình như nhà thơ còn nghĩ xa hơn, nghĩ đến cái ngày chia tay là cái ngày rời bỏ thế gian, nhưng than ôi! cái ngày chia tay đó làm sao mà hẹn được. Cuối cùng nhà thơ tưởng tượng mình về ngồi trên ghế đá, ngồi trong ngôi nhà xưa để nghe “Trong đêm dài yên lặng/ sông núi gọi tên mình”:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.

Sông núi” gọi gì thì không biết nhưng chắc chắn rằng ghế đá năm xưa không còn, mái lá năm xưa biến mất và đêm cũng không còn yên lặng vì tất cả đã đổi thay, đổi thay hơn Từ Thức ngày xưa quay về trần gian sau tháng năm lạc đến miền tiên giới. Và rồi nhà thơ có chút giận hờn trong hai câu cuối:

Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.

Quên”, nhà thơ làm sao quên được khi anh nhớ tường tận từng kỷ niệm trong từng nơi chốn cũ. Chẳng qua chốn cũ và anh đều đổi thay nên không còn nhận được ra nhau, và có nhận được ra nhau thì cũng đã trở nên người xa lạ.

Đọc “Nếu một mai tôi về” hình như tôi muốn khóc, khóc không chỉ vì bài thơ cảm động mà còn khóc vì những mong ước của anh nếu được quay về cũng không còn đâu nữa. Khóc vì tủi lòng, vì thấy những người ở xa quá thật thà, chưa hiểu gì là “ tang điền biến vi thương hải”. Ôi! Tôi ước gì cảnh xưa còn đó dầu nó chỉ là “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tích dương”. Đất nước ngày nay thay đổi mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, nhưng “dấu xưa” không còn. “nền cũ” mất đi, tình người phân tán làm đau thương cho những tâm hồn hoài cổ, đau gấp mấy lần bà Huyện Thanh Quan. Hảy đọc bài thơ của bạn tôi, nhà thơ Thế Lộc còn đang sống trong thành phố quê nhà để hiểu thêm nỗi buồn của người ở lại còn nặng nề hơn nỗi lòng của kẻ xa quê:

Sông nầy không phải của tôi

Vẫn con nước ấy lặng trôi qua cầu

Núi nầy không phải của tôi

Thăng trầm cuộc sống nổi trôi núi rừng

Nắng thu chiều nhớ rưng rưng

Gió ra biển rộng bỗng dưng ngỡ ngàng

Kể từ cầu gảy rẽ ngang

Trùng khơi sóng vỗ mênh mang cõi trần

Cuối đời quảy gánh phong vân

Nhẩm tay Mẹo, Tý, Mùi, Thân rẽ bầy

Hồ mã tế, Bắc phong ngây

Sào Nam Việt điểu lất lây cuộc tình

Nắng chia nửa bải điêu linh

Hoàng hôn đứng đó một mình chờ ai !…

( Ngỡ Ngàng)

Thế Lộc

Bài thơ “Ngỡ Ngàng” nhắc đến điển tích “ ngựa Hồ chim Việt” ngày xưa. Khi có đông phong thì ngựa Hồ quay đầu về quê hương mà rống. Con chim nước Việt dầu phải bay xa kiếm sống nhưng vẫn làm tổ và chọn cành phương nam để đậu.

Thương thay cho Trần Trung Đạo, như con ngựa Hồ, như con chim Việt, đau đáu một niềm thương nhớ quê hương, mơ một ngày quay về cũng không trọn vẹn trong mơ. Vậy mà ngày nay khi quay về, chắc còn đối mặt với biết bao nhiêu điều xa lạ mà, ngay người ở lại cũng còn mang tâm trạng nhớ thương ./.

Châu Thạch

 

Nếu mai mốt tôi về

TRẦN TRUNG ĐẠO

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.

Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.

Trần Trung Đạo.

©T.Vấn 2015

clip_image002

Bài Mới Nhất
Search