T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?

clip_image001

Lời Mào Đầu: Vì ít nhất có tới bảy, tám bài viết về bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác qua những lăng kính khác nhau. Lại nữa, những văn bản này vô hình chung có nhiều chi tiết trùng hợp như tiểu sử, nguồn gốc bài thơ từ báo Nam Phong, hay bản dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ, chữ “thương” thành “hồ trường”, chữ “cật” với “cột”, v..v.. Vì vậy bài Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu? dưới đây được cô đọng qua một góc cạnh nào đó. Xin chân thành cáo lỗi những chẳng đặng đừng với những tác giả có mặt trong bài tạp bút này – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.***

Dọc đường gió bụi mây bay quan san…Khách biên thùy nhìn chênh chếch về phía bắc, ngọn bắc phong vì vút, đá chạy cát dương, xa xa về phía nam, trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương. Ngước mắt lên bảng gỗ có tên quán nét chữ thô loằng nhoằng như khói, như mây. Nhìn lại chặng đường vừa đi qua với nỗi nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi, rải rác biên cương mồ viễn xứ nhớ người mấy độ phong sương, trong thiên cổ chi mê, khách đẩy cửa bước vào.(…)Quán ngật ngừ trong giấc rắn ngủ ngày, vắng tanh vắng ngắt với năm ba bàn mộc xộc xệch, mươi ghế đẩu cũ kỹ. Bước vào, mắt đảo tít như lạc rang, va vào mặt khách đằng góc quán có một chiếc bàn với hai chiếc ghế. Quay lưng về phía khách lặng lờ bóng dáng một nam nhân áo lương khăn lượt. Trước mặt nam nhân là cái bát, giữa bàn có một bầu rượu to vật. Phía bàn bên kia cũng có một cái bát. Bát kia ắt hẳn là bát đàn? Và…cái ghế trống? Ha! Học mót theo cụ Ngô Không thì bát đàn đây ắt hẳn là của làng Bát Đàn, đời Trần sơ để uống rượu, thời Nguyễn mạt, có tên là Bát Tràng để…ăn phở. Khách chắc mẩm nam nhân đợi tửu đồ nào đó và rồi lát nữa sẽ xuất hiện để đối ẩm với nam nhân chứ chả phải hành chần nước béo gì cả!

Bỗng nam nhân nhỏm người lên, nhòm từ sau lưng dáng người nham cổ, từ cái cổ mọc lên cái đầu to tầy giành, khách biết ngay đây là Phí quân. Hơ! Đất Kẻ Chợ trong buổi chợ chiều vắng khách chả ai mấy khi…vô duyên đối diện bất tương phùng với Phí quân. Vì bấy lâu nay Phí quân quên cả họ và tên, hồ đồ mình không biết mình là ai, không có tướng lại có tính, tính thích rượu, thơ văn. Ngoài sự đó, gối đầu lên giá sách Kinh thư Thể đại nhã của Mạnh tử bảo rằng: Say là tại…uống rượu. Bởi thế Phí quân mượn sự ấy để say cho biết đời biết ta, coi cuộc đời như sương khói mong manh, chớp mắt đã trăm năm. Phí quân lúc nào cũng say tít cù lì, cũng li bì mờ mịt gió mây, không biết cái già nó đã theo đến, mà cái vui trong tửu lượng vẫn chưa suy.

Chợt khách nhòm thấy Phí quân nhoài người qua bên kia bàn, rót rượu vào bát rỗng không. Tiếp, rót vào bát của mình. Xong, cả hai nhấc đấu rượu, ngửa cổ ực một cái nhẵn thín. Cái bát bên kia bàn, tay vẫn cầm đấu rượu, cổ vẫn ngửa lên. Và đậu vào mắt cái bát là ở trên cột quán treo tấm lụa có một bài thơ. Hốt nhiên, cái bát khà một tiếng rõ to rồi cảm khái mà rằng:

Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phươngMắt Phí quân cũng dán chặt vào phiến lụa phất phơ giống như giải phướn hay cờ đuôi nheo đình làng. Mặt thần ra trông thấy vì Phí quân không…thấy tựa đề và danh tính tác giả bài thơ. Danh bất chính, ngôn bất thuân, Phí quân lụng bụng rọ miệng vào tính danh…người thơ:

– Dương Bá Trạc.

Cái bát nheo mắt khinh khỉnh dòm Phí quân:

– Nguyễn Bá Trác, thưa tiên sinh.

“Tiên sinh” Phí quân bị “phay” cho một nhát vào mặt, mặt đực ra như cán cuốc. Cái bát

thưa thốt rồi, thò tay xuống gầm ghế moi lên cái iPhone “iOS 7” to bằng bàn tay, rồi hí hoáy

bấm nút, màn hình hiện lên một bản văn dài thun thút. Khách bên đàng trong một ngày trời

đất đang lùng nhùng, nhòm trộm thấy cái tựa đề: Bài thơ Hồ trường và Nam phương ca khúc.

Và tên tác giả bài lai cảo: Phạm Thắng Vũ. Lạ một nhẽ không ai bảo ai, khách và Phí quân, cả

hai mắt trắng dã như lợn luộc to hó mắt vào văn bản ngập một rổ chữ mờ nhân ảnh như sau…

clip_image003

“…Cho đến nay, có ít nhất 5 bản in Lời ca hồ Trường mà các bản nhiều chỗ không giống nhau. Để góp phần tham khảo được rộng rãi chúng tôi trích lục văn bản bằng chữ Hán, dịch sang chữ Việt đã in trên Nam Phong tạp chí nơi xuất xứ của lời ca cách nay đã 86 năm đối với Nam phương ca khúc và 84 năm đối với Hồ Trường.

Trong bài này chúng tôi quy ước như sau: Gọi Nam phương ca khúc là tên tạm đặt cho lời ca mà Nguyễn Bá Trác đã nghe được, chép lại. Hồ Trường là tên sau này.

 

Bài Nam phương ca khúc gốc chữ Hán do

Phạm Hoàng Quân sưu lục được ở Hà Nội

 

***

clip_image005Nam phương ca khúc được đăng lần đầu tiên trong thiên ký sự Hạn mạn du ký năm 1919 bằng chữ Hán, sau được chính tác giả dịch sang chữ Việt và đăng tải ở Nam Phong năm 1920, 1921.

“…Khoảng năm 1912, khi lưu lạc ở Thượng Hải, gặp Nguyên quân, một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay. Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam”, họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem…”

Vừa lúc Phí quân tiêu pha chữ nghĩa của Phạm Thắng Vũ đến đây, cái bát ngửa cổ ực hết đấu rượu. Khà thêm một cái nữa, đấu bát tỉ tê với chữ nghĩa với Phí quân:

– Phương nam đây là chỉ miền Lãnh Nam, Trung Hoa, thưa tiên sinh.

Sau đấy, bát rượu lại nhí nhoáy ngón tay vào cái “iOS 7”. Bài Nam phương ca khúc hiện ra:

 

Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường

Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương

Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương

Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương

Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương

Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan

Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương

Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương

Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy

Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí

Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử

Về mặt văn bản chữ Hán mà xét, thì bài ca ấy rõ ra không có tựa đề, không biết tác giả là ai, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được chuyển sang chữ Việt thì lời ca này đã được Nguyễn Bá Trác dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải bài thơ Hồ Trường như nhiều người từng gọi. Vì vậy, trong bài viết này, người viết (Phạm Thắng Vũ) xin gọi theo cách cũ là “Lời ca hồ trường…”

Đợi Phí quân rót rượu xong, bát rượu lại rà rà trên mành ảnh để có bài thơ:

“…Sau đây là nguyên bản Lời ca hồ trường của Nguyễn Bá Trác dịch thoát từ Nam phương ca khúc trong Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920 mà người viết giữ nguyên các lỗi chính tả (*).

Trượng phu không hay sé gan bẻ cột (*) phù cương thường;Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương (*)

Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương

Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể (*) bóng tà dương.

Vỗ tay (*) mà hát, nghiêng đầu (*) mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường (*).

Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan

Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt (*), đá chạy cát dương;

Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay

Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây (*).Qua Lời ca hồ trường, chúng ta thấy có nhiều chỗ khác biệt với bài Hồ Trường sau này:

Ở câu 1: vài bản in là bẻ cật (*) (do liện hệ gan – cật nên thành xé gan bẻ cật thay vì bẻ cột).

Ở câu 2: nhầm thành tha phương (*) (nguyên bản là “tha hương”).

Ở câu 4: hầu hết các bản in lại đều là “thân thế (*)” (nguyên bản là “thân thể).

Ở câu 5: vài bản in “vỗ gươm (*)” (thay vì “vỗ tay”) và “nghiêng bầu (*)” (thay vì “nghiêng đầu”).

Ở câu 9 hầu hết các bản đều in “ngọn bắc phong vi vút (*)” (thay vì “vì vụt”).

Ở câu 1 cụm từ “xé gan bẻ cột”, theo điển tích “bẻ cột” từ sách Hán Thư – truyện Chu Vân:

“Thời Hán thành Đế, Chu Vấn tâu với vua xin giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận sai chém Chu vân. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào vặn cột điện, cột cung điện bị gãy, nhơn lúc lộn xộn ấy, Tân Khánh Kỵ giải cứu Chu Vân. Sau đó Thành đế biết Chu Vân xin giết Trương Vũ là vì lòng trung, bèn tha tội. Khi sửa cung điện, Thành đế lệnh phải giữ nguyên dạng phần cột bị gãy, lấy hình ảnh đó mà biểu dương lời nói ngay thẳng của Chu Vân. Đời sau thường dùng từ “chiết hạm – bẻ cột” để chỉ hành vi dũng cảm trong việc dùng lời lẽ để can gián vua”.

Chữ “Thương” ở cuối câu thứ 5 có thể đọc là “trường” mà tác giả đổi thành “Hồ trường (*)”, rồi thành tên bài ca, kể cũng kỳ thú! Thương có ba nghĩa:

1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu.

2. Mời rượu người khác một cách kính trọng được gọi là “thương”.

3. Tự uống rượu một mình cũng gọi là “thương”.

Chữ “phần tử” ở cuối bài Nam phương ca khúc là một từ chỉ quê hương (mà dịch giả Hồ trường đổi thành “cỏ cây (*)”). Phần và tử là tên hai loại cây. Cây phần là một loại Du trắng nên còn gọi là “Phần du”. Người làng Phần du (làng có trồng cây phần du, sau thành tên làng), người đời sau lấy chữ Phần du để chí cố hương. Cây Tử tức là cây Thị, gỗ dùng để đóng đàn, khắc bản in…Quê cha đất tổ gọi là “tử lý” hay “tang tử”. Truyện Kiều có câu “có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Hay: “Đoái thương muôn dặm tử phần; hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Nguyễn Du)…”

Tay cầm đấu rượu lên để đó, cái bát chữ lựng bựng chữ nghĩa với Phí quân rằng:

– Cho tới năm 1998, bài Lời thơ hồ trường mới được Đông Trình dẫn lời của Nguyễn Văn Xuân công bố là dịch từ một ca khúc của Trung Hoa. Gần đây Phạm Hoàng Quân mới sưu lục được tác phẩm gốc. Riêng bài Hồ Trường, theo tác giả Trần Văn Giang, qua sách báo có tới bốn dị bản khác nhau như trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (1965) của Phạm Thế Ngũ, Chơi Chữ (1970) của Lãng Nhân-Phùng Tất Đắc, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (năm 1998), và Tạp chí Thế Kỷ 21 (năm 1998) như ở trong máy đây, thưa tiên sinh:

“…Nhà văn học cổ thụ Thanh Lãng nhận định: Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ nên khó nhận định, và ngay cả bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác rất nổi danh đã bị tam sao thất bản. Thiên ký sự Hạn Mạn Du Ký dày 294 trang, bìa sách có in “Lời ký của một người đi chơi phiếm Xiêm, Tàu, Nhật Bản…” trong tác phẩm nầy thì cuộc hành trình 6 năm. Bài Hồ Trường ra đời trước hoàn cảnh trớ trêu giữa bản thân và đất nước, vì bắt gặp bài ca phù hợp với tâm trạng tạo thành ý thơ. Nếu có tài liệu từ tạp chí Nam Phong và tác phẩm Hạn Mạn Du Ký để chép lại thì bài Hồ Trường không tốn nhiều bút mực trong những thập niên qua…”

Trong cõi mụ mị nghe cái bát nghiệp ngão chữ nghĩa rằng nhà biên khảo tìm được bản gốc mà cụ Nguyễn Bá Trác dịch thoát ra tác phẩm bất hủ Hồ Trường. Khách chỉ nông nỗi rằng cụ Nguyễn Du khi xưa “dịch thuật” truyện Kiều đâu có mấy ai nói đến chuyện cụ tìm được cuốn cổ thư ở bến Hàng Châu. Nguyên bản gốc từ dị bản Kỳ Tiểu Trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn. Ấy vậy mà kẻ hậu sinh cứ đơn giản như đan rổ với truyện Kiều là “tác phẩm” của cụ Nguyễn Du thì đã có sao đâu !? Nhưng chuyện đâu vẫn còn đó, khách lại lõ mắt vào màn ảnh cái iPhone…

“…Trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu Giản Ước Tân Biên của GS Phạm Thế Ngũ đề cập đến những giai đoạn tác giả làm bài thơ Hồ Trường và bài thơ (xin đánh dấu ngoặc kép những chữ qua các bản văn thay đổi):

(……..)

Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha “phương”,

Trời Nam “ngàn” dặm thẳm, mây nước một màu sương.

Học “chẳng” thành công, trai trẻ bao “lâu” mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ “tay” mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây… một hồ trường.

Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Rót vế Tây phương, mưa Tây “rơi” từng trận chứa chan. Một vị thâm nho dẫn chứng là bài thơ vừa khí khái vừa ngông. Nếu như so với bản của Phạm Thế Ngũ trong vòng kép và bản trong tác phẩm Chơi Chữ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chỉ khác nhau vài chữ như: hương phương, nghìn ngàn, không chẳng, lăm lâu, sơnrơi …”

Nhấp chút rượu cặn, bát rượu chan canh đổ mẻ:

– Tuy vậy, Trần Văn Giang không đề cập đến bài Hồ Trường thứ năm, nguồn từ ái nữ của cụ Nguyễn Bác Trác qua tác giả Vương Trùng Dương bới bèo tìm bọ như sau đây, thưa tiên sinh:

“….Sau đó, cũng năm 1998, tạp chí Thế Kỷ 21 thêm một lần nữa, trong mục Bạn Đọc Viết đăng tải do Tôn Thất Hanh ở Canada gởi cuốn băng do chính ái nữ của Nguyễn Bá Trác thực hiện.

Bà cho biết bài thơ tên là Hồ Trường, là những hoài bão của ông ngoại để lại cho các cháu…

Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương

Trời Nam nghìn dặm thẳm

Non nước một màu sương

Chí chưa thành, danh chưa đạt

Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương

Vỗ gươm mà hát

Nghiêng bầu mà hỏi

Trời đất mang mang ai người tri kỷ

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường! Hồ trường!

Ta biết rót về đâu

Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn

Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan

Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, náo ai say

Lòng ta ta biết, chí ta ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

So với bản của Phạm Thế Ngũ thì khác nhau ở câu đầu thêm chữ đại: “Đại trượng phu”. Câu thứ 3: “Chí chưa thành danh chưa đạt”. Câu 4: “gươm”, “người”. Câu 8: “biển”, “loạn”. Câu 9: “phương Tây” với “đá chạy cát giương”. Câu 13: “Lòng ta ta biết, chí ta ta hay”…

Thế là nhờ ái nữ cụ Nguyễn Bá Trác bài thơ đã có một cái tên: Hồ Trường. Nhưng khách lại gật gỵa với nhà văn hóa cổ đại Thanh Lãng rằng: “Tiếc rằng tài liệu về Nam Phong không còn lưu trữ nên khó nhận định, và ngay cả bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác đã bị tam sao thất bản…”. Và tiếp đến với: “Nếu có tài liệu từ tạp chí Nam Phong và tác phẩm Hạn Mạn Du Ký để chép lại thì bài Hồ Trường không tốn nhiều bút mực trong những thập niên qua…”. Ấy thế mà qua Phạm Thắng Vũ: “Để góp phần tham khảo được rộng rãi chúng tôi trích lục văn bản chữ Hán, chữ Việt đã in trên Nam Phong tạp chí nơi xuất xứ của lời ca này cách nay đã 86 năm…”. Ha! Có bột mới gột lên hồ, với bài Lời ca hồ trường, khách chả hiểu Phạm Thắng Vũ nặn véo ở đâu ra?

Vì thế khách chắc như đinh đóng cột rằng:

Rằng ắt hẳn bài Lời ca hồ trường trong Nam Phong chỉ là…”dị bản”, chả phải là nguyên bản của cụ Nguyễn Bá Trác, để người sau hè nhau đục câu đẽo chữ “kèo” với chả “cột”. Vì cơm mắm thấm về lâu cho tới nay, chưa một ai, kể cả Phạm Thế Ngũ, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc có được bài thơ của cụ. Khách chỉ biết rằng bấy lâu nay trong những lúc tửu lạc vong bần, thì tửu sư lẫn tửu đồ bao giờ cũng cảm khái bằng vào: Đại trượng phu.Nào khác gì như các cụ thầy bói mù sờ voi, cụ mon men sờ đầu, cụ lân la mó cẳng. Vì vậy khách trộm mong manh cho rằng bài Hồ Trường từ ái nữ cụ mới là nguyên bản. Hay nói khác đi: Bài thơ trong tạp chí Nam Phong năm 1920, cứ theo khách thì đó chính là bài “Hồ Trướng” mà ái nữ cụ đã và đang có trong tay.

Làm như không hay biết những điều cóc cáy ấy của khách, bát rượu…rượu vào lời ra…

 

clip_image007 “…Thêm sự nhầm lẫn giữa Nguyễn Bá Trác với Dương Bá Trạc:

Nguyễn Bá Trạc đỗ cử nhân Nho học khoa Canh Tý. Ông cùng Phan Chu Trinh, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can lập Đông Kinh Nghĩa Thục lo việc diễn thuyết, biên soạn sách, dạy học để tài trợ gửi thanh niên theo phong trào Đông Du. Ông bị Pháp bắt rồi bị đày ra đảo Côn Lôn. Sau đấy ông được Toàn quyền Albert Sarraut ký lệnh ân xá, cho về. Về đến Hà Nội, Dương Bá Trạc mới biết chính quyền thực dân ban lệnh thả chỉ vì muốn mua chuộc những người trí thức như ông ra làm việc: Cân nhắc thiệt hơn, ông đành nhận làm một chân bỉnh bút cho Nam Phong tạp chí…”

Khách bên đàng trong một ngày lạc đường vào lịch sử với tứ thơ Lá hoa cồn của Bùi Giáng: “Lịch sử sang trang – Chạy quàng – Là lịch sử” nên cứ nẫu cả ruột gan vì chả biết đâu mà lần với hai nhà làm văn học trên trong sử thi. Làm như có đồng cảm với khách, bát chữ u nần:

“…Qua dữ kiện trên, giữa Tiêu Đẩu Dương Bá Trạc và Tuyết Huy Nguyễn Bá Trác có những trùng hợp là: Sau khi ở Côn Lôn, Dương Bá Trạc được đưa về an trí ở Long Xuyên. Ở đây ông sống bằng nghề dạy học. Trong khi ấy, phong trào Duy Tân và Đông Du bị khủng bố, Nguyễn Bá Trác lên tàu trốn vào Bến Tre và cũng dạy học. Ngoài ra hai ông đều làm cho báo Nam Phong. Và chỉ có khác biệt là Dương Bá Trạc làm một chân bỉnh bút cho tạp chí này. Trong khi Nam Phong được Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác sáng lập vào năm 1914. Chủ nhiệm kiêm chủ bút là Phạm Quỳnh, còn Nguyễn Bá Trác chỉ trông coi phần Hán văn. Nếu như Nguyễn Bá Trác có tác phẩm Bàn về Hán học thì Dương Bá Trạc cũng có tác phẩm Bàn về vấn đề học chữ Hán.

Nếu như Nguyễn Bá Trác viết Hạn mạn du ký thì Dương Bá Trạc cũng viết ký truyện và làm thơ. Có lẽ vì nghiệp dĩ và tâm trạng con người có tài nhưng chán ngán trước cảnh đời, sinh bất phùng thời mới mượn bầu rượu nhập vào ý thơ hào khí ngất trời trước thời thế đổi thay nên thập niên 50, có bài viết tên Biến thể ngông bài Hồ Trường, người viết dẫn giải và ngộ nhận bài thơ đó là của Dương Bá Trạc rồi chỉ trích, thật oan khiên nghiệp ngão cho Dương Bá Trạc!…”

***

Ha! Trong một ngày xô bụi, khách bên đàng lẫn đẫn trông thấy vì từ thập niên 20 đến 50, thiên hạ sự còn tha ma mộ địa với hai chữ “Trác” và “Trạc” để người sau cứ lụm khụm vật lộn với chữ nghĩa là vậy. Lại làm như có đồng cảm hay sao ấy, cái bát bép nép thêm với Phí quân:

– Qua văn học sử thì việc và người sờ sờ trước mắt còn sai quấy đến thế, đủ thấy việc chữ nghĩa dựa vào sách này, giai thoại kia, nhất là dựa vào miệng thế gian để viết về người và việc trước mấy chục, mấy trăm, mấy nghìn năm, nhiều khi tùy tiện đến thế nào! Thì…

Đến nhiễu sự này khách bấm bụng nghĩ không ra nhiễu nhương gì mà cái đấu rượu khó khăn đến thế. Thế nhưng chưa kịp lụi đụi thêm, cái bát đã nhoáng nhoàng tiếp rằng:

– Thì gần đây, có thêm hai bài biên chép, biên khảo của hai tác giả nữ giải luận rằng bài Nam phương ca khúc của Ta chứ không phải của Tàu. Trăm sự từ những góp nhặt của tiên sinh mới đây được bòn mót qua những người viết khác để có bài tạp bút Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu? Tiên sinh không hay là tạp bút gửi qua mạng lưới được “phản hồi” từ tác giả Đỗ Thụy Tú Chân Phương qua bài viết “Dư thương” hay “Hồ trường” và tác giả nữ này…phản biện rằng:

– Nguyễn Bác Trác là tác giả bài Nam phương ca khúc chứ không ai khác, thưa tiên sinh.

Để đấu rượu xuống, cái bát lại di di ngón tay lên cái “iOS 7” và bật ra…cái này:

“…Với nội dung dài hơn mười  chín trang vừa đánh máy vừa kèm hình ảnh vẽ và chụp. Bài “biên khảo” do một tác giả, ông Phí Ngọc Hùng tổng kết lấy ý kiến từ nhiều “khảo cứu” của các tác giả khác nhau về bài thơ được chuyển thành lời ca Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường mà Nguyễn Bá Trác đã đăng trong Nam Phong Tạp Chí trước tiên bằng Hán văn, rồi sau đó dịch lại bằng Quốc Ngữ trong ấn bản tiếng Việt. Trong giới hạn bài này, chúng tôi sẽ không cắt và dán lại toàn bộ mười chín trang đó mà chỉ đề cập đến nội dung cần được phản biện và làm sáng tỏ mà thôi.

Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường” là một bài thơ khuyết danh do một người Trung hoa nào đó sáng tác. Tuy nhiên, xét về mặt tư tưởng và ý nghĩa, khi còn bé được đọc qua Hồ Trường lần thứ nhất chúng tôi đã cảm nhận được ý tứ và hình ảnh gần như trọn vẹn của “chí làm trai” do Uy Viễn Tướng Quân viết ra gần trăm năm trước đó (từ 1920 ngược về 1830): Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo – Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Cũng bầu rượu, vỗ tay, reo cười, vùng vẫy (nay thành rót rượu) bốn phương Đông-Tây-Nam-Bắc. Cũng tang bồng, bốn bể, sóng cuồng, gió cả, mưa tuôn. Và, cả “cuồng lan – 狂瀾” từ “Kẻ Sĩ”. Cả hai bài này, Kẻ Sĩ và Chí Làm Trai, đều được cụ Nguyễn Công Trứ trước tác bằng chữ Nôm.

Bốn thập niên trước – năm 1973 tại Saigon, chúng tôi từng đọc được câu “Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường.” [Dường như nằm trong tập san Phổ Thông của Nguyễn Vỹ (xuất bản từ những năm 56-57 gì đó… ) giữa một bài thơ mang tựa là “Tiễn bạn lên đường”, được xem là của Cao Chu Thần]. Đến nay lục lọi trên internet để đối chiếu, chúng tôi tìm ra được cái này: Chí làm trai ở trong trời đất – Không xé gan bẻ cột giúp đời.

Một bài thơ-ca dù được viết bằng Hán văn mà mượn lời của Cao Chu Thần Bá Quát ngay từ câu đầu và mượn hình ảnh cùng với ý tứ của Uy Viễn Tướng Quân ta trong toàn bài. Giả thuyết cho rằng nguyên tác Hán văn của Nam Phương Ca Khúc là một bài thơ có tác giả khuyết danh là người Trung hoa xem ra nhiều phần không đứng vững! Nam phương ở đây, rất nhiều phần vừa là tác giả đã dùng lời nhân vật “Nguyên quân” trong truyện ký – đã/đang sống và hát lời ca tại Thượng Hải, năm 1910/1912 – để nói lên lòng thương nhớ quê hương bản quán của chính mình mà thôi! Trong khi tìm hiểu ý nghĩa mỗi ngữ vựng, thành ngữ, điển tích có trong “Nam Phương Ca Khúc – Hồ Trường” cũng như khảo sát việc mượn lời mượn ý từ các tác giả tiền bối là Chu Thần và Uy Viễn, chúng tôi tin rằng bài ca nguyên tác Hán văn chính là trước tác của cụ Nguyễn Bá Trác.  Chúng tôi tin rằng đó là trước tác của cụ vì nó phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình, và chí hướng của chính cụ trong hồi ký Hạn Mạn Du Ký hơn ngay cả đối với nhân vật “Nguyên quân”, người bạn đồng chí đã cất lên lời ca trong truyện du ký kỳ thú…”.

Ngồi đồng sưng đít đã lâu nên khách bên đàng trong một ngày lãng du cho đời lãng quên thấy óc ách làm sao ấy! Của đáng tội, thập niên 20, cụ Nguyễn Bá Trác chả có cái của nợ “iOS 7” này để tầm chương trích cú ra bài “Tiễn bạn lên đường” của Cao Chu Thần. Thêm nữa, khách chả thấy hai câu thơ của Uy Viễn tướng công có dây mơ rễ má gì sất cả đến bài Nam phương ca khúc. Ngoại trừ…cái cột! Bỗng bát rượu như có gì…kỳ thú lắm thì phải, gịt gịt thêm:

– Tác giả Chân Phương dẫn chứng thêm nhà biên khảo Thụy Khuê Vũ Thị Tuệ viết về Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác và xuất sứ bài thơ qua đoạn tả Nguyên quân trong quán rượu:

“…Nguyên quân cả năm không hay uống rượu đã uống thì say, đã say hay hát. Hát không hiểu khúc, song tiếng hát trong mà cao, cứ nghêu ngao mấy câu cổ phong, tự người ngoại quốc nghe đã lấy làm kiêu hãnh lắm, cho nên ngày ở Quế Lâm, thi tốt nghiệp rồi, Nguyên quân say rượu tay gõ miệng hát, anh em đồng học đều khen là danh ca.

Chiều hôm ấy rượu ngà ngà. Cách phòng có một người khác tên là Lâm mỗ, là người Trực Lệ, hiện làm quan võ coi lính ở Qủang Tây, nghe Nguyên quân hát, bèn vào phòng chào nói tên họ rồi hỏi Nguyên quân: “Tôi nhớ năm xưa có gặp quý hữu một lần ở tại Đông Kinh nước Nhật”. Nguyên quân nói: “Lâu ngày không nhớ rõ”. Khách lại hỏi: “Vừa nghe quý hữu hát ấy là điều gì?”. Nguyên quân nói: “Ấy là điều đặc biệt ở phương nam!”. Khách nói: “Nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khẳng khái, nam phương có điệu hát đến như thế ru?”. Nói rồi, liền gọi thằng hầu lấy giấy bút, xin Nguyên quân viết bài hát cho mà xem. Nguyên quân cầm bút viết ngay. Bài hát dịch như sau:

“Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường

(…)

Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây…”Bỗng khi không bát rượu nhíu mày, rồi đắn đo: Trong…vô thức, cứ theo Thụy Khuê với Nguyễn Bá Trác có phải là tác giả Hồ Trường (tức Nam phương ca khúc) hay không? thì:

“…Bài mà Nguyên quân hát: Ất là một điệu hát đặc biệt ở phương Nam! – Một điệu phương Nam, mà phương Nam là đâu? Là nước Việt, nhưng người Việt có ai viết bài hát này, trừ Nguyễn Bá Trác? Vậy người sáng tác Hồ Trường phải là Nguyễn Bá Trác. Từ trước đến nay vì không có khảo sát văn bản, người ta vẫn cho rằng bài Hồ Trường là của Nguyên quân, người Tàu, được Nguyễn Bá Trác dịch sang tiếng Việt.

Sự thực Nguyên quân chỉ là Nguyễn quân bỏ dấu ngã. Tác giả phải giấu mình, nhưng trong vô thức luôn luôn có cái gì “phản lại” tác giả, ở đây là bốn chữ: Nguyên quán ở phương Nam…”.Hai chữ “phương Nam” chui rúc vào đầu khách ngọ nguậy vì lần mò theo Phạm Thắng Vũ thì

Phương nam trên là chỉ miền Lãnh Nam, Trung Hoa. Thêm nữa, Nam phương ca khúc nằm ở

chương 10: “Tại Thượng Hải, tác giả gặp Nguyên quân, một người đồng hương cùng chí hướng

trong một quán rượu, Ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang

hỏi là điệu gì thì được Nguyễn quân trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam”.

Văn dĩ tải đạo qua Thụy Khuê với Nam phương ca khúc thì có khác đôi chút: “…Cách phòng có một người khác tên là Lâm mỗ, là người Trực Lệ, hiện làm quan võ coi lính ở Qủang Tây, nghe Nguyên quân hát, bèn vào phòng chào nói tên họ rồi hỏi Nguyên quân…”

Khách ngất ngây như con gà tây vì chuyện trong quán rượu ở Thượng Hải có hơi ngúc ngắc. Vì với Thụy Khuê cùng một thời đi Tây đi Tàu, thế nên hóng hớt chuyện nhập thế tục bất khả vô văn tự với cóc nọ leo thang, voi kia đẻ trứng thì thảng như khách đây là Thụy Khuê! Khách bên đàng trong tâm thái đường xa xa mờ mờ núi và mây sẽ thi văn tác phú truyện Nguyễn quân trong buổi luân lạc ở bên Tàu thì của đáng tội qua văn phong biển ngẫu chả hàn lâm cho mấy.

Chả là cứ theo khách hay biết, thì cái bệnh của nhà sưu khảo, nói theo cụ thái Tây tên Nietzsche, là không viết được gì nếu không dựa trên trích dẫn của người khác. Chứ chả sáng tạo gì. Sáng tạo của viết là sự nấu nướng những gì đã có sẵn thành món ăn mới. Còn viết? Là bày biện món ăn với nhiều gia vị, dàn dựng nhân sinh vào mâm cỗ ngôn ngữ.

Với cảm hứng phồn thực, khách sào nấu chữ nghĩa như thể như thế này đây:

“…Một ngày mây ngang ngang đầu núi trên bến Tầm Dương, từ lộ phủ vào thị trấn thấy một điếm quán treo đèn bão đỏ ngỡ xóm yên hoa nên còn ngần ngừ. Nhưng thấy điếm quán tên Mã khốc khách, chợt nhớ tới người Tàu dậy khôn rằng “Nhất nhân bất ngật tửu” nghĩa là một người thì không…uống rượu được. Chợt quan hoài, quan san đến nước non ngàn dặm ra đi, dù đường thiên lý xa vời, dù tình cô lý chơi vơi, chẳng như cụ Cao Chu Thần “Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống” nên cũng chẳng cần Mã khốc khách để “Chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên”. Vì đang trống vắng nên bước tới, nhìn yết bảng lằng nhằng tên những danh tửu như Thiên hạ đệ nhất Ô Trình tửu, Cam Tuyền giai nhưỡng tửu, thế là Nguyễn quân thủng thẳng bước vào.

Nguyễn quân bước vào ngồi cô đơn một mình với hồ rượu Thiệu Hưng hắc tửu trong cái tâm tư “Dục phá sầu thành tu dụng tửu, dữ nhi đồng tiêu vạn cổ sầu” hiểu theo nghĩa cùng với mày, ta tiêu tán nỗi buồn nghìn năm. Thế nên với tình riêng nỗi cảnh, nỗi sầu bâng khuâng, khôn cầm lòng chẳng đặng nên cứ một chung rượu là trăm nghìn nỗi sầu dâng lên lan man bất định với cái tâm trạng bất đắc chí, sinh bất phùng thời. Mỗi chung rượu sầu tiêu sầu lại vướng vất đến câu thơ của người Đỗ Phủ: Rượu kia ai nấu ra mày, uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu.

Trong giây phút yên sĩ phi lý thuần qua bài Nam phương ca khúc của ông Tàu nào đó nằm ngủ yên từ lâu trong ngõ ngách của tâm khảm. Tiếp đến lay lắt cùng văn chương thiên cổ sự, thất đắc thốn tâm tri, lại tạm hiểu theo người Đỗ Phủ là văn chương tự muôn thưở, hay dở chỉ lòng mình mới biết mà thôi, trong cơn mê trần Nguyễn quân khật khừ nào ai tỉnh, nào ai say, lòng ta ta biết, chí ta ta hay. Vướng mắc nỗi cô quả trong u ẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây trong mê lộ, Nguyễn quân lẫm đẫm những non nước một màu sương, chí chưa thành danh chưa đạt. Bóng ngả đường chiều trong cô quạnh với trí cùng lực kiệt, Nguyễn quân ngật ngừ rằng trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương. Hốt nhiên hồn ma bóng quế người Bạch Cư Dị qua câu Đường thi, đường mòn đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, tương phùng hà tất tằng tương thức nhập vào Nguyễn quân. Hà tất tằng tương thức ư? Lọ sẵn quen nhau chăng?

Mã khốc khách chưa tới, bỗng dưng không đâu người Lý Bạch hiện về nhập hồn nhập vía vào Nguyễn quân với “Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu – Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu”, diễn nôm là rút gươm chém nước, nước vẫn trôi, nâng chén tiêu sầu, sầu vẫn sầu. Hà tất thành sầu đối cỏ cây, trong cơn đồng thiếp, Nguyễn quân lạc nẻo đường trần về với Nguyễn Bính bèn vỗ gươm mà hát: “Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén – Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay? – Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự – Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây”. Trước khi đi vào nơi gió cát, Nguyễn quân nghiêng bầu mà hỏi trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường…”

Hơ! Lập thân tối hạ thị văn chương, khi không khách đây học đòi cóc đòi đi guốc nên bị xiềng chân vào chuyện văn chương như anh tù văn. Với bún riêu nhà, cà hàng xóm thì ngay cả với hai nhà biên khảo nữ nhiều chữ quá thì thường hay mắc chứng “rối loạn tiền đình” nên mới có nhiễu sự hiện tượng giả, hư cấu thật là thế đấy, thế nên nên khách bên đàng cũng chả lấy gì làm lạ. Mà khách chỉ lạ một nhẽ là nhà nho với thuyết chính danh, cụ Nguyễn Bá Trác đã nhận mình là người phóng tác bài Nam phương ca khúc từ thưở tám kiếp nào rồi. Chưa hết, năm 1998, như thị ngã văn thì bài Lời thơ hồ trường đã được Đông Trình dẫn lời của Nguyễn Văn Xuân công bố là dịch từ một ca khúc của Trung Hoa. Thì mắc chứng chi đâu hai nhà biên khảo nữ cứ nhè bắt cụ Tiêu Đẩu thân già vác dùi nặng với bài Nam phương ca khúc làm người đọc cứ như anh Gù nhà thờ Đức Bà cõng cái gù trên lưng. Khách lắc lắc cái đầu đậu phụng chịu chết nghĩ không ra!

Chả là cứ theo nhà biên khảo tay ngang Võ Phiến thì viết biên khảo là làm cho sự việc sáng tỏ ra chứ chả phải làm cho nó rối rắm thêm…Thêm nữa, học đòi cụ Quế Đường Lê Quý Đôn qua sách Kiến văn tiểu lục dậy khôn người sau rằng sự bất can kỷ, phân hào mạc lý mà khách hiểu tuềnh toàng là việc chả liên hệ gì đến mình thì đừng rõ mồm vào. Thế nên để tránh cái vạ văn chương trong chốn làng văn xóm chữ, khách bên đàng không biết làm gì hơn là làm thinh.Đang lẫm đẫm đến đây lại nghe đấu rượu tinh tả trở lại chuyện xưa tích cũ với Phí quân:

– Thế nhưng qua bài viết của tác giả Chân Phương, với hoàn cảnh và chí hướng của Nguyễn Bá Trác thì nào có khác gì với Dương Bá Trạc. Vì sau khi Dương Bá Trạc cân nhắc thiệt hơn, ông đành nhận làm một chân bỉnh bút cho Nam Phong tạp chí để hợp tác với Pháp. Vậy mà khi ông mất, Dương Bá Trạc được truy điệu tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, và Vườn Ông Thượng Sài Gòn, người ta liệt tên Dương Bá Trạc cùng với tên hai nhà chí sĩ Phan Bội ChâuPhan Châu Trinh.

Nghe thủng xong, khách ngẫn ngẫn ra chả hiểu cái bát mang chuyện Dương Bá Trạc vào đây làm chi cho rách chuyện. Chợt nhòm thấy cái bát đàn thời Trần sơ để uống rượu, thời Nguyễn mạt để hành trần nước béo. Đột dưng khách bật ra chuyện một ngày ngồi trong tiệm phở, đang nhân sinh quý thích chí với chả có gì ngon hơn bát phở của Thạch Lam. Thế nên khách đâu cần biết thổ ngơi ông phở Cầu, ông phở Cống ở đâu và đang làm cổ quái gì trong bếp. Rồi cũng khi không với tâm cảm liêu xiêu gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Khách lay lắt qua cụ Tuần Trác đã về trời, không còn ở lại trong cõi nhân gian này nữa với cổ mạch hàn phong cộng nhất thiên nên khách bên đàng đành gậm nhấm với cái quan định mệnh là thế đấy!

Thế nhưng theo cái bát chữ, ăn xó mó niêu cho căng rốn thì chẳng thể thiếu vắng bài viết của nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng và bà Phan Thị Mỹ Khanh. Cái iPhone lại hiện ra hai bài viết:

“…Nguyễn Bá Trác là ai?: Theo tài liệu cung cấp thì ông sinh năm 1881, tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thi đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ. Sau đó, ông theo phong trào Đông Du qua Tàu rồi qua Nhật. 1907, Pháp ký với Nhật hiệp ước thương mãi, dành cho Nhật nhiều quyền lợi khác, để đổi lại, Nhật phải trục xuất các thanh niên Việt Nam theo phong trào Đông Du về nước. Nguyễn Bá Trác cùng một số bạn bè chạy qua Trung Hoa được ít lâu, rồi trở về Hà Nội tìm cách ra đầu thú với Pháp. Khoảng 1922-1932, ông vào làm Tham Tri Bộ Học ở Huế. Sau được thăng Tuần phủ Quảng Ngãi rồi Tổng đốc Thanh Hóa, Bình Định.

Nguyễn Bá Trác có phải là tác giả bài “Hồ Trường”?: Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm ra bài thơ “Hồ Trường” được chính thức đăng vào sách văn học trước 1945 hoặc trước 1975 tại Việt Nam. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có nghe bạn bè ngâm hay đọc bài thơ nầy, nhưng không biết rõ xuất xứ. Người ta nói tác giả bài thơ là Nguyễn Bá Trác. Nhưng tôi hỏi các cụ nhà Nho ở Huế mà nhiều người biết ông Nguyễn Bá Trác. Trong đó có những vị là Thầy dạy của tôi là cụ Võ Như Nguyện (trưởng nam của cụ Võ Bá Hạp), nhưng không ai nghe nói đến bài “Hồ Trường” nầy. Về Võ Bá Hạp và Nguyễn Bá Trác, ông Phạm Hải Hồ qua bài nhan đề Vui buồn vùng vịnh viết: “…Tôi xin kể một chuyện liên hệ đến một nhân vật khoa bảng Hán học, một nhà cách mạng, tác giả bài thơ bất hủ được nhiều người ca ngợi là quá hay. Ông Nguyễn Bá Trác với bài thơ Hồ Trường, chan chứa khí phách của một trượng phu, với tâm tư bi phẫn trước cảnh đất nước đang bị Pháp đô hộ. Vậy mà lúc yếu lòng nào đó, khiến ông đã về nước hàng phục Pháp. Trong thời gian làm Tổng đốc Thanh Hóa, ông can thiệp với Pháp khoan hồng cho đồng chí cũ của mình là nhà cách mạng Võ Bá Hạp bị Pháp bắt giam. Sau ông Nguyễn Bá Trác về hưu, đến năm 1945, VM lên cướp chính quyền, đã xử tử ông, như đã xử tử Phạm Quỳnh, Cung Đình Vận…”

Với nhăm hàng sử liệu này, khách bên đàng một chiều trên bến nước được thể ba chìm bẩy nổi với nhà sử học Fustel de Coulanges: Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá. Về phía Nguyễn Lý Tưởng, ông cũng là nhà sử học, ngoài ra lại còn là nhà văn, nên ông đề mục cảo văn lan man như viết tản mạn. Cớ sự này cụ Nguyễn Tuân đã luận giải rằng viết tản mạn như viết ký, ngoài phải có vốn văn hoá, kiến thức lịch sử, địa lý. Viết ký hơi nghiêng về phân tích một hiện tượng, hay phân tích tính cách nhân vật giữa những biến động của dòng lịch sử. Những nhân vật của nhà sử học, những các cụ nhà Nho ở bến Văn Lâu đã thuyền con ngược bến đi vào cõi tĩnh mịch nên chả ai biết đó là đâu.

Lại nữa, cứ theo khách thì viết ký là ký sự, là có sự…đi đi lại lại, là có…đứng lên ngồi xuống. Đang định đứng lên gọi cái hồ trường, vừa lúc cái bát chỉ vào màn hình cái “iOS 7”:

“…Tôi (tức bà Phan Thị Mỹ Khanh, con gái cụ Phan Khôi) chỉ sống gần Thầy tôi trong quãng thời gian mười một năm thôi, nhưng trong trí tôi giờ đây còn ghi không biết bao nhiêu kỷ niệm…

Năm tôi mới độ lên mười, ông Thượng Trác (ông Nguyễn Bá Trác) có vào chơi với Thầy tôi tại Bảo An vài lần. Lần nào ông cũng ở nói chuyện một ngày một đêm rồi mới về. Tôi còn bé, không hiểu hai ông thế nào, có tương đắc với nhau không, chỉ thấy câu chuyện ôn tồn, hòa thuận, không cãi lý và giận giữ. Nhưng khi khách về rồi, Thầy tôi chép miệng, nói một mình: “Chán quá cho cái ông Trác, nói toàn chuyện quan trường!”. Thế là tôi mang máng hiểu rằng ông Trác không phải là bạn tâm giao của Thầy tôi vậy…”

Bỗng dưng cái iPhone tắt ngúm, khách tạm hiểu là cụ Nguyễn Bá Trác đã đi vào quá khứ. Ngồi không, khách luôm nhuôm là mình chả được như người biên khảo Đỗ Thụy Tú chân phương, chân thật với: “…Bốn thập niên trước – năm 1973 tại Saigon, chúng tôi từng đọc được câu “Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường…”. Ha! Khách bên đàng chỉ biết rằng mình uống rượu mẻ bát thiên hạ và ngâm “hồ trường” đến mòn răng hở lợi, vậy mà chả nho nhe được câu cổ phong ngập ngụa huyễn hoặc ấy. Nói cho ngay, khách chỉ lơ mơ lỗ mỗ với Tam tự kinh thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu là hết đất. Nói dối phải tội chứ…chứ năm 75 là người di tản buồn, mười năm sau, nhằm vào cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, mặc dù biết uống rượu từ thời còn cóc nhái…Ấy vậy mà lần đầu tiên trong đời khách lân la bản lai diện mục với cụ Nguyễn Bá Trác, nhưng chỉ chén tạc chén thù “hàm thụ” qua người Nguyễn Lê Hồng Hưng. Tác giả mượn Amsterdam làm quê hương thứ hai, chọn nghề thủy thủ thương thuyền làm kế sinh nhai…Và ông dàn trải những nước chẩy qua cầu như thế này đây:

“…Tôi mới vừa 40 tuổi, những năm chập chững sống với đời phiêu bạt hải hồ, ghé bất cứ bến nào nghe có người Việt, tôi tìm tới làm quen cho vơi bớt nỗi buồn xa xứ. Nhớ lần tôi tới thành phố Hamburg, ghé nhà Sang. Trong lúc mọi người ngước cổ nốc ừng ực, anh lấy cây đờn máng trên vách, vừa đờn vừa ngâm bài Tống biệt hành, giọng Bắc Kỳ ngâm thơ hào khí ngất trời…. “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ. Chí lớn không về bàn tay không…”. Thật tình mà nói, bài thơ anh ngâm tôi không cảm thấy xúc động chút nào hết. Không hiểu tại sao đàn ông VN khi ra nước ngoài, hễ ngồi nhậu với nhau thì ngâm hồ trường, còn chia tay thì ngâm thơ tống biệt. Người nào cũng chí lớn ngất trời, nhưng phần đông chỉ làm được những chuyện tầm thường, nho nhỏ…”.

(,,,)

Cho đến lúc này khách bên đàng đùm đậu trong cái tâm thái mây ở đầu ô, mây lang thang. Nên đã và đang gió thổi muôn chiều lất phất với cụ Nguyễn Bá Trác, nên chả mảy may quan hoài đến những “nghi vấn văn học” đằng sau cụ qua ai đấy để rối mù thêm. Có đầu có đũa là trong một bài viết của khách khi xưa Về cụ Tuần Trác, duy hữu ẩm giã lưu kỳ danh với bài Hồ trường. Khách đã quấy quả rằng bài thơ Hồ trường tác giả đã gửi gấm những ngôn ngữ tài hoa ẩn nấp chìm nổi bể dâu của người thơ. Nhưng ít người quan tâm đến những kết hợp của từng câu thơ ngông nghênh, phóng túng, dàn trải giấc mơ thoát tục đầy trần tục của tác giả cùng nỗi sầu vạn cổ nhưng vẫn giữ được hào khí, sĩ khí của kẻ sĩ. Tác giả như thoát xác, vượt ra khỏi những chán chường và bế tắc qua những lời thơ chấp chới đào vong. Cơn say vọng tưởng đây là cách quên những hệ lụy công danh, với nhận thức chuyển mình của một đất nước tan hoang. Đồng thời hoài đồng vọng quá khứ xưa kia, những cũ càng của đất nước đã phôi pha. Nói cho cùng, tận cùng chỉ là bọt nổi trên biển, bèo trôi trên sông với mỗi tác giả có hệ lụy với một tác phẩm. Hay mỗi tác phẩm có một dòng sinh mệnh với tác giả. Như bài thơ Ông đồ với cụ Vũ Đình Liên, như bài Hồ trường với cụ Nguyễn Bác Trác để hai người thơ thênh thang một cõi đi vào văn học sử. Vì vậy thưở ấy, trong một ngày vắng gió đìu hiu khách đã vay mượn chữ nghĩa từ cụ đồ họ Vũ lây lất qua cụ Tuần Trác: “Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ”.

Khách đang luôm nhuôm đến tao đoạn này, vừa lúc Phí quân ngúc ngắc đầu mà rằng: “Nhất hữu ly biệt, thiên lý tống tiễn”, ý đồ Phí quân là cũng đến lúc phải giã biệt. Và Phí quân nhoài người rì rầm với cái bát chữ: “Hối nhữ tri chi hồ, tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả”. Khách hiểu nôm na là biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết. Như vậy là biết.

Nghe lạ! Vì với cái bát chữ hay bát đàn đây là bát tráng men thô, lại…nông choèn nên có gì mà rầm rì. Nhưng chưa lạ mấy, vừa lúc Phí quân đứng dậy, quay ngoặt lại, tay vuốt vạt áo cho thẳng nếp và dợm chân bước tới cái cột. Va vào mắt khách là cái thẻ ngà đeo ở ngực áo của…

Hơ! Khách bên đàngbiết điều gì thì nhận là biết vì…biết đây chả phải là…Phí quân.

clip_image009 Mà là…là…nam nhân áo lương khăn lượt. Nam nhân đang đứng ở chân cột ngay cạnh bàn và ve vé mắt nhìn tấm phướn như cờ đuôi nheo đình làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Nhưng đúng ra là bức thư pháp treo trên cột với bài thơ không có đề tựa, cũng chẳng có tên tác nhân. Nam nhân gật gừ đọc bài thơ dài ngoẵng từ trên xuống dưới. Xong, ngẫm ngợi một hồi lâu, thò tay vào vạt áo ở cái giải rút quần…rút ra cái bút lông.

Tiếp, chấm bút vào đấu rượu của cái bát đàn, rất từ tốn, ở đầu bài thơ nam nhân viết chữ thảo như rồng bay phượng múa hai chữ: Hồ Trường.

Vẫn chưa xong, nam nhân chậm rãi viết ở cuối bài thơ: Nguyễn Bá Trác.

Rồi thì khẽ khàng bước ra cửa, nam nhân khẽ khàng râm ran trong một cõi đi về…

Nào ai tỉnh, nào ai say

Lòng ta ta biết, chí ta ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

***

Bước khỏi ra cửa, nam nhân ngước mắt nhìn trời, mây bay quan san. Hong hanh mắt lên bảng gỗ có tên quán, nhưng phiến gỗ đã rơi vào quá vãng. Nhìn chênh chếch về phía bắc, ngọn bắc phong vì vút, đá chạy cát dương, quay người lại nhìn xa xa về phía nam, trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương. Bóng dáng nam nhân khuất nẻo vào nơi gió cát, rải rác biên cương mồ viễn xứ…Tất cả còn lại chỉ là hương tàn khói lạnh mong manh như sương, như mây trong hư không, chỉ nghe vọng âm u u minh minh từ cõi thiên cổ chi mê…

Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(viết xong 2011, thêm bớt 2015)

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search