T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 84)

clip_image001

Ca dao hay thơ Bàng Bá Lân

Sau khi tốt nghiệp trường trung hoc bảo hộ (trường Bưởi-Lycée du Protectorat) đậu Diplôme d’Etudes Primaire Superieurs, Bàng Bá Lân ở tuổi 22 bắt đầu ham thích chụp ảnh và làm thơ. Tháng 12-1934 Bàng Bá Lân xuất bản thi phẩm đầu tay “Tiếng Thông Reo” do nhà xuất bản Thanh Hoa Tùng Thư ở Hà Nội in.

Ngay khi Tiếng Thông Reo ra đời, trên báo An Nam Nouveau ngày 11-4-1935, Nguyễn Nhược Pháp đã nhận xét: “…Tiếng Thông Reo đượm một mối sầu bâng khuâng kín đáo dịu dàng, người thơ mà ông yêu là cánh đồng quê với luỹ tre xanh. Vì ông biết hưởng thú quê như bài :

Trăng Quê

Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Hai câu kết của bài thơ đã được dân gian hoá thành ca dao. Như ta đã biết ca dao là thơ dân gian, có nội dung trữ tình. Có ý kiến cho rằng chữ ánh làm non hẳn bài thơ, nhưng chữ múc rất thi vị hai câu thơ này. Tất cả duyên dáng là ở chữ múc và đổ , nó giúp ta hình dung được hình ảnh tát nước đêm, gợi cho ta cái tiếng xich xòm. Ông đã dùng trăng vàng đặt đắc địa vào chỗ vốn là của nước, và múc trăng vàng – một cảm xúc đầy thẩm mỹ của thơ…”.
Bàng Bá Lân , Nguyễn Nhược Pháp đều đã đi vào thiên cổ, nhưng thơ còn mãi với đời. “Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar”, bốn chữ “múc ánh trăng vàng”, vừa là của nhà thơ vừa là của dân gian, âu cũng là cái độc đáo của thơ là thế chăng?
(Nguyễn Khôi – Thơ Bàng Bá Lân)

Về một cái tên

Trong những truyện viết thời tiền chiến, tên người gọi…“Đỏ” xuất hiện rất nhiều như trong Anh Đỏ Phụ, Sáng trăng suông của Hồ Dzếnh, Nằm vạ, Ma đậu của Bùi Hiển.

Lý do ở nhà quê ta, khi sinh con thấy con đỏ hon hỏn là mừng, là vui. Nên vì vậy các cụ ta xưa đặt tên con là Đỏ chăng?

Thành ngữ từ bàn nhậu sau 75

Sau 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”

về thuốc lá xuất xứ từ bàn nhậu, như:

Tiger : Tình iêu giết em rồi !

San Miguel : Sao anh nhớ mà ít ghé uống, em lo !

Carlsberg : Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường !

Heineken : Hôn em ít nên em khều, em nhéo….

(ngược lại : Nếu em khôn, em nằm im, em hưởng).

Saigon : Số anh iêu gái ở nhà !

Chữ nghĩa làng văn

Hôn phu hôn thê: “Hôn” là cưới, “phu” là chồng, “thê” là vợ. Trong chữ “phu” và chữ “thê” đã có nghĩa của chữ “hôn” rồi, cho nên gọi “hôn phu” và “hôn thê” là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau) thì được. Còn nói “hôn phu”, “hôn thê” thì có thể hiểu là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói “hôn quân” là nhà vua u mê vậy.

(Triêu Thanh tạp chí)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hút thuốc không phải là ngầu
Hút thuốc là để đi…cầu đỡ hôi.

Chữ nghĩa làng văn

“Áo ấm” tương đương với “áo lạnh”. “Nín thinh” giống như “làm thinh”. Trong khi “ấm” và “lạnh” phản nghĩa nhau “nín” và “làm” cũng là những động từ đối nhau.

(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Báo cáo văn học

Lúc làm viện trưởng Viện Văn học, Hoài Thanh phân công cho một nhà văn làm báo cáo về văn học của năm vừa qua. Sau khi đọc báo cáo cả mấy chục trang của nhà văn ấy nộp.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh…phê bình:

– Bài viết của anh có nhiều điểm đúng và nhiều điều mới. Nhưng…những điểm đúng thì nhiều người đã nói rồi.

Còn những điều mới thì lại…sai.

(Xuân Tùng – Giai thoại làng văn VN)

Khái Hưng, Trần Tiêu

Người đầu tiên gia nhập nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Khái Hưng, khi ông này viết một bài về truyện Kiều được Nhất Linh khen ngợi và mời gia nhập nhóm. Trong bấy nhiêu người được mời trong nhóm TLVĐ lúc ban đầu thì đây là một lời mời hợp tác mang nhiều ý nghĩa nhất, đem lại vinh dự nhất cho TLVĐ và cho văn học VN nói chung. Theo tôi, ngoài Thạch Lam, khó có ai trong TLVĐ có thể sánh bì với Khái Hưng. Nói ông là nhà văn hàng đầu, thật không quá đáng.

Rất tiếc ông đã bị Việt Minh thảm sát vào năm 1947, tại phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định dịp tết Đinh Hợi. (tài liệu của cộng sản nay cũng xác nhận Khái Hưng chết ở bến Đò Cựa Gà).

Tóm lại, nay thì TLVĐ tạm gọi là đã có thất tinh (hay thất hiền?): Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Nguyễn Gia Trí không được nhắc tới nữa. Tuy là có bảy nhân vật chính, nhưng thực ra họ có mặt trong TLVĐ một cách tự nhiên, như anh em, không có nội quy, cũng chẳng có điều lệ gì. Nhưng đối với bên ngoài thì có 7 người là thành viên của TLVĐ. Chữ Tự Lực xuất phát từ ý chí muốn tự lập về tài chánh. Nói đúng ra không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai. Vì thế, quyết định rằng, mỗi thành viên phải đóng góp 500 đồng để gây quỹ. Nên nhớ, lương công chức thời đó không quá 20 chục đồng. Vì thế, có cái cảnh Khái Hưng phải vay tiền bà chị để ra làm báo.

Sau này, theo lời đề nghị của Khái Hưng có thêm Trần Tiêu, em của Khái Hưng với các tác phẩm Con Trâu, Năm Hạn, Chồng con.

Chữ và nghĩa

“Khuyến mãi” / “khuyến mại”. Hai từ này rất dễ bị dùng lộn. Ta thấy sự sai lầm này xảy ra rất thường xuyên trên báo chí và trên các đài phát thanh cũng như truyền hình cả trong lẫn ngoài nước. Mãi là mua và mại là bán.

Khi mở một dịp quảng cáo để khuyến khích người ta mua hàng, thì đó là một “quảng cáo khuyến mãi”.

Rất hiếm khi có trường hợp “khuyến mại” (khuyến khích bán).

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Nón đội

Khi ta lên tám chín tuổi, thấy các ông già đội nón ngoan xác, tục gọi là nón “mền giải” hay là nón “tam giang”; con nhà quan và học trò các học hiệu thì đội nón phương đẩu đại, tục gọi là “nón lá”; họ hàng nhà quan và các ông già thì đội nón cổ châu, tục gọi là “nón dâu”; người lớn và trẻ con đội nón liên diệp, tục gọi là “nón lá sen”; con trai con gái, đàn ông đàn bà ở chỗ kinh kỳ đội nón cổ châu, trẻ con đội nón tiểu liên diệp, tục gọi là “nón nhỡ khuôn”; đàn ông đàn bà thôn quê, đội nón xuân lôi tiểu lạp, tục gọi là “nón sọ nhỏ”; lính tráng đội nón trạo lạp, tục gọi là “nón chèo vành”; người hầu hạ và vợ con lính tráng đội nón viên đẩu, tục gọi là “nón khua”; nhà sư và thầy tu đội nón cẩu diện, tục gọi là “nón mặt lờ”; người có tang đội nón xuân lôi đại, tục gọi là “nón cạp”; người có chửa một năm trở xuống đội nón cổ châu, quai mây, nhà quan và nhà quyền thế có tang đội nón cẩu diện để phân biệt, người trong Thanh, Nghệ đội nón viên cơ, tục gọi là “nón Nghệ”.

Đến khoảng năm Nhâm Dần (1782) quân Tam phủ biến loạn, cậy công làm càn, nhiều người đội nón viên cơ, để lẫn với quân lính. Đến năm Bính Ngọ (1786) trong nước có biến, lại bỏ nón viên cơ, đội nón cẩu diện, người có tang một năm trở xuống, buộc quai sợi trắng để phân biệt. Ở thôn quê, theo dáng nón ngoan xác mà làm thấp đi, gọi là nón toan bì, tục gọi là “nón vỏ bứa”, thỉnh thoảng lại có người đội nón xuân lôi tiểu; còn những thứ nón tam giang, ngoan xác, phương đẩu, viên đẩu, cổ châu, liên diệptrạo lạp thì không thấy nữa.

(Phạm Đình Hổ – Vũ trung tùy bút)

Tiếng Việt trong sáng

Lãnh đạo: Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi.

Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”.

Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên…Tàu về.

Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

(Triêu Thanh tạp chí)

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Như những tác gia trước kia bị loại trừ, nay xuất hiện, như Hoàng Cao Khải, Lê Dư, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Văn Hùm, v.v…. Trần Trọng Kim được đề cao trong ba trang.

Riêng Trần Trọng Kim có phần phụ chú: Ông ngồi nhà vấn thuốc lá hút vặt và chép miệng: “Sự đời chả cái đếch gì ra cái đếch gì”.

Những người soạn từ điển đã tự trọng, thận trọng, tôn trọng, trân trọng kẻ khác mình, cái khác ta chăng?.

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Chim chuột

Chim chuột – Tức là…con chim,…con chuột.

Chữ Hán có câu “Điểu thú cọng vi thư hùng”, nghĩa là “con chim, con thú cùng làm việc trống mái như nhau”.

Bài Phú Tài bần có câu “Chim chuột là tốt, được thua cũng lời”

(Có thể vì vậy chuyện trai gái, ta có chuyện “chim chuột” chăng?)

Tiếng Việt trong sáng

Cảm giác: Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”.

Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”.

Thực là sai một cách trầm trọng.

(Triêu Thanh tạp chí)

Mưỡu

Có hàm răng cứ rụng dần
Chúng mày rụng hết :

Khỏi cần đánh răng

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search