T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (49)- NHẠC PHÁP – Tombe la neige (Tuyết rơi), ADAMO

clip_image001

Sau ba bài tạm gọi là “Intro” với các ca khúc Domino, Histoire d’un amour, L’amour c’est pour rien, kỳ này chúng tôi mới thực sự bước vào phần “nhạc Pháp” của thời “nhạc trẻ” ở Sài Gòn trước năm 1975, thời của những “baby boomers” mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới trong loạt bài này.

Đó là thời vàng son của nhạc Pháp tại Việt Nam nói riêng, các quốc gia nói tiếng Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp khác trên thế giới nói chung, và cả ở một số quốc gia không chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, chẳng hạn Nhật-bản, Đài-loan.

Những tên tuổi như Claude François, Johnny Hallyday, Adamo, Christophe, Michel Polnareff, Hervé Villard, Pascal Danel, JeanFrançois Michael, Art Sullivan, Françoise Hardy, Sylvie Vartan, Sheila, France Gall, Anne-Marie David…, không chỉ làm mưa gió trên làn sóng điện mà còn trở thành thần tượng của các “baby boomers” trong nhiều lĩnh vực của đời sống – từ lối tư duy cho tới thời trang, kiểu tóc…

* * *

Trước hết, chúng tôi trở lại với Claude François (1939-1978), chàng ca nhạc sĩ vắn số đã đặt lời Pháp cho ca khúc Donna Donna, và là tác giả của bản Comme d’habitude, sau này được Paul Anka đặt lời Anh với tựa My Way, trở thành ca khúc “cầu chứng” của Frank Sinatra, mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây.

clip_image003

Sở trường của Claude François – biệt hiệu “Cloclo” – là trình diễn những ca khúc “rock and roll” đang ăn khách của Mỹ được chàng đặt lời Pháp, cùng với hình thức phụ diễn sinh động, thu hút (mà chàng học được qua chuyến lưu diễn Las Vegas) với các nữ vũ công xinh đẹp ăn mặc hấp dẫn nhảy nhót ở phía sau (backup dancers), mà chàng đặt tên là Les Claudettes.

[Có lẽ độc giả chưa quên Maddly Bamy, người tình cuối đời của Jacques Brel – tác giả ca khúc Ne me quitte pas/If you go away bất hủ – cũng xuất thân từ ban vũ Les Claudettes]

Chính vì thế, Claude François nổi tiếng và ăn khách trên sân khấu (trình diễn “live” hoặc trên truyền hình) hơn là qua đĩa hát và làn sóng điện. Đó cũng là nguyên nhân khiến Claude François ít được biết tới tại miền nam Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1960. Phải đợi tới năm 1966, 1967, sau khi bản Donna Donna lời Pháp của chàng được phổ biến tại Sài Gòn, cùng với vụ chàng và France Gall chia tay nhau, Claude François mới được nhiều người yêu nhạc ở Hòn ngọc Viễn đông biết tới tên tuổi, và cũng tới lúc đó, ca khúc “cầu chứng” Je sais (Anh biết) do Claude François viết năm 1964 sau khi bị cô vợ Janet Woollacott bỏ đi theo đàn anh Gilbert Bécaud, mới trở nên phổ biến trong giới yêu nhạc Pháp tại miền nam VN.

Je sais

Je sais que cette fois, c’est la fin
Je sais que l’on n’y peut plus rien
Je sais, mais je ne peux pas croire
Je sais qu’il n’y a plus d’espoir
J’ai peur, si peur seul dans la vie
J’ai froid, si froid tout seul, la nuit
Je pleure de haine au petit jour
Je te hais en gémissant d‘amour
Oh, j’ai si mal, si mal
De penser qu’un autre déjà
Te serre dans ses bras
Oh, j’ai si mal, si mal
Et pourtant Depuis bien longtemps
Je sais, je sais
Je sais que je n’ai jamais su
Je sais que je n’aurais pas dû
Je sais que souvent, j’ai eu tort
Je sais que notre amour est mort
Oh, j’ai si mal, si mal
De penser qu’un autre déjà
Te serre dans ses bras
Oh, j’ai si mal, si mal
Et pourtant Depuis bien longtemps
Je sais, je sais
Mais je t’aime

Phụ lục (1): Je sais, Claude François

Video:

Claude François “Je sais” (live officiel) – Archive … – YouTube

Ngày ấy, Je Sais đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Cuộc Tình Tàn.

Cuộc Tình Tàn

Cuộc tình mà tôi đã biết tàn rồi
Cuộc tình mà tôi đã nghe tàn phai.
Than ôi ! Tôi biết nhưng vẫn mong ước
Ước mong nhưng biết sẽ mơ hoài công
Một mình buồn lo đi giữa cuộc đời,
Lạnh lùng hồn ma giữa đêm mù khơi
Than ôi ! Tôi khóc cho tới khi sáng
Tôi oán ghét, oán ghét tôi trong màn đêm
Lòng chua sót với đớn đau trong hồn tôi
Hỡi ôi ! Ôi chàng trai đã ôm ấp em rồi
Lòng chua sót với đớn đau đã từ lâu
Hỡi ôi ! Ôi tình hoa sẽ phai tàn mau
Cuộc tình dù tôi biết đã tàn rồi
Cuộc tình mà tôi lẽ ra còn nuôi
Than ôi ! Tôi biết tôi đã lầm lỡ
Tôi biết tôi sẽ giết đi tình tôi.
Lòng chua sót với đớn đau trong hồn tôi
Hỡi ôi ! Ôi chàng trai đã ôm ấp em rồi
Lòng chua sót với đớn đau đã từ lâu
Hỡi ôi ! Ôi tình hoa sẽ phai tàn mau
Than ôi ! Tôi biết tôi sẽ quên hết
Tôi biết tôi sẽ không khóc
Tôi biết yêu sẽ chưa chết
Tôi còn yêu, còn yêu, còn yêu,
Còn yêu, còn yêu.

Phụ lục (2): Cuộc tình tàn, Ngọc Lan

Claude François chết bất đắc kỳ tử vào tuổi 39. Hôm ấy là ngày 11/3/1978, sau khi thu một chương trình cho đài truyền hình BBC ở Thụy-sĩ, Claude François trở về apartment của mình ở Paris để ngày hôm sau xuất hiện trên show TV “Les Rendez-vous du Dimanche”.

Trong lúc tắm vòi bông sen, thấy cái đèn gắn trên tường bị lệch, Claude François với tay sửa lại cho ngay, và đã bị điện giật chết tại chỗ.

Ngày 11/3/2000, đánh dấu 22 năm ngày Claude François qua đời, quảng trường phía trước apartment cũ của chàng ca sĩ vắn số đã được Hội Đồng Thành Phố Paris đổi tên thành Quảng trường Claude-François (Place Claude-François).

* * *

Tiếp theo, chúng tôi viết về Johnny Hallyday, ra chào đời sau Claude François 4 năm và nổi tiếng cùng thời gian. Một cách chính xác, phải gọi Johnny Hallyday là ca sĩ kiêm diễn viên. Sinh năm 1943, tới khi bắt đầu khôn lớn Johnny Hallyday đã tôn “Ông vua nhạc rock” Elvis Presley của Mỹ làm thần tượng, và cố gắng noi bước.

clip_image005

Johnny Hallyday

Johnny Hallyday thu đĩa hát đầu tiên vào năm 1960, và qua năm 1961 đã đoạt đĩa vàng khi hát lại ca khúc Let’s Twist Again của nam ca sĩ Mỹ Chubby Checker bằng lời Pháp. Qua năm 1962, Johnny Hallyday bắt đầu đóng phim, trong số đó có D’òu viens-tu Johnny? (Johnny, anh từ đâu tới?), cuốn phim đầu tiên của Johnny Hallyday được chiếu tại Sài Gòn.

Mặc dù được ghi nhận là “nghệ sĩ Pháp thành công nhất tại những quốc gia không nói tiếng Pháp”, Johnny Hallyday đã không có nhiều ca khúc nguyên bản được giới trẻ Sài Gòn ưa chuộng. Những bản được yêu cầu nhiều nhất trên đài phát thanh (chương trình do Mỹ Linh phụ trách) thường là phiên bản lời Pháp của những ca khúc Anh Mỹ ăn khách, chẳng hạn Le Pénitencier (House of the Rising Sun) của ban The Animals, Quand revient la nuit (Mr Lonely) của Bobby Vinton, Noir c’est noir (Black is Black) của ban Los Bravos…

Trong những năm sau này, giới trẻ Sài Gòn có còn nhắc tới tên tuổi của Johnny Hallyday thì cũng chỉ vì Johnny là chồng của Sylvie Vartan hơn là vì các ca khúc của anh.

Video:

Johnny Hallyday Noir C´est Noir – YouTube

Tên tuổi thứ ba trong làng nhạc Pháp được giới yêu nhạc trẻ ở Việt Nam biết tới là Adamo, chàng ca nhạc sĩ Bỉ gốc Ý, tác giả và người thu đĩa ca khúc Tombe la neige chúng tôi giới thiệu trong bài này.

clip_image007

Adamo tên đầy đủ là Salvatore Adamo, ra chào đời ngày 1/11/1943 tại thị trấn Cosimo, đảo Sicily, Ý-đại-lợi, là con trai lớn trong một gia đình nghèo gồm 7 người con. Ông bố Antonio làm nghề đào giếng, khi Adamo lên 2 tuổi, vì cuộc sống quá khó khăn, ông quyết định đưa gia đình di cư sang Jemappes, một thị trấn ở miền nam vương quốc Bỉ, nơi ông trở thành một thợ mỏ. Sống ở Bỉ, cậu bé Adamo bắt buộc phải học thêm tiếng Pháp, không ngờ điều “khổ sở” này lại trở thành một thuận lợi cho sự nghiệp ca nhạc của cậu về sau.

[Vương quốc Bỉ có 3 ngôn ngữ chính thức được hiến pháp thừa nhận: tiếng Hòa-lan (còn gọi là tiếng Flemish), tiếng Pháp và tiếng Đức. Người nói tiếng Hòa-lan (khoảng 55%) sống ở miền Bắc (vùng Flanders), người nói tiếng Pháp (40%) sống ở miền Nam, người nói tiếng Đức (0.5%) sống ở miền Tây; riêng lãnh thổ thủ đô Brussells (tiếng Pháp gọi là Bruxelles) sử dụng cả tiếng Hòa-lan lẫn tiếng Pháp]

Năm lên 7 tuổi, Adamo bị viêm màng óc suýt chết. Sau khi con trai bình phục, không muốn trưởng nam nối nghiệp thợ mỏ của mình, ông bố đã cố gắng cho cậu vào học tại trường Công giáo của các Sư huynh Dòng La-san (tức Christian Brothers, tiếng Pháp: Frères des Ecoles Chrétiennes). Tại đây, tài năng thiên phú về âm nhạc, nghệ thuật của Adamo đã có cơ hội phát triển.

Năm 12 tuổi, cùng với việc được tuyển vào ca đoàn nhà thờ địa phương, Adamo được ông nội tặng cho cái đàn guitar. Đây là nhạc cụ đầu tiên cậu sở hữu trong đời, đã giúp cậu bước thẳng vào con đường âm nhạc mà không cần qua một trường lớp nào cả.

Năm 15 tuổi, Adamo bắt đầu sáng tác ca khúc để tự trình diễn. Lời hát của Adamo chịu ảnh hưởng tính lãng mạn trong thơ của hai thi hào Victor Hugo thế kỷ 19 và Jacques Prévert thế kỷ 20 (Jacques Prévert chính là tác giả bài thơ Les feuilles mortes, được Joseph Kosma phổ nhạc và trở thành một tình khúc bất hủ của nhân loại, tựa tiếng Anh: Autumn Leaves, tiếng Việt: Những chiếc lá úa, chúng tôi đã giới thiệu trong bài 13)

Về phần nhạc, những ca khúc của Adamo thường mang giai điệu của thể loại canzonette (nguyên là một thể loại ca khúc bình dân, đơn giản của Ý có từ thế kỷ thứ 16, gọi là “canzonetta”, về sau phổ biến sang nhiều quốc gia Âu châu, người Pháp gọi là “canzonette”)

Năm 16 tuổi, Adamo tham dự cuộc thi ca khúc ở Âu châu do Radio Luxembourg tổ chức vào cuối năm 1959, trình bày ca khúc Si j’osais (If I dared: Nếu tôi đã dám), đoạt giải nhất ở Bỉ, và sau đó đoạt giải nhất chung kết tổ chức tại Paris vào đầu năm 1960. Nhờ thành công này, Adamo đã được một hãng đĩa ký hợp đồng.

Năm 1962, ca khúc Sans toi, ma mie của Adamo được thính giả nồng nhiệt đón nhận, và qua năm 1963, Tombe la neige, ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Adamo, đã một sớm một chiều biến chàng ca sĩ 20 tuổi thành một thần tượng quốc tế.

Năm 1964, Adamo tiếp tục đạt thành công rực rỡ với Vous permettez, monsieur?, La Nuit, Quand les roses, Si jamais…, trong số này bản La Nuit là ca khúc đầu tiên của Adamo được giới yêu nhạc Pháp tại Sài Gòn biết tới.

[Chúng tôi không hiểu vì nguyên nhân gì, sau đó Tombe la neige mới được phổ biến tại Hòn ngọc Viễn đông; rất có thể vì tiệm bán đĩa Anna (là nơi sau này sản xuất các băng nhạc ngoại quốc) đã nhập đĩa La Nuit trước đĩa Tombe la neige chăng?)

Phụ lục (3): La Nuit, Adamo

Ngày ấy, La Nuit đã được tới ba tác giả đặt lời Việt: Phạm Duy với tựa Tiếng cười trong đêm, Trường Kỳ với tựa Đêm đen, và Khắc Dũng với tựa Đêm khát.

Qua năm 1965, Adamo tiếp tục sáng tác và thu đĩa thêm nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó hai bản phổ biến nhất tại miền nam VN là Mes mains sur tes hanches Viens ma brune.

Phụ lục (4): Viens ma brune, Adamo

Trước năm 1975, Viens Ma Brune được đặt lời Việt với tựa Ngồi nghe sóng vỗ. Rất tiếc, chúng tôi không nhớ tên tác giả lời Việt, và sau này tại hải ngoại, khi thu âm ca khúc này với tiếng hát Billy Shane (hát lời Pháp) và Duy Quang (hát lời Việt), trung tâm thực hiện băng nhạc cũng không hề ghi tên tác giả lời Việt.

Phụ lục (5): Ngồi nghe sóng vỗ, Duy Quang & Billy Shane

Năm 1966, người ái mộ Adamo ở Sài Gòn lại được thưởng thức thêm hai tình khúc lãng mạn khác của anh,Ton Nom Une mèche de cheveux.

Qua năm 1967, Adamo đạt thành công rực rỡ với bản Une larme aux nuages, ngày ấy được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Nước mắt cho mây, và được Pauline Ngọc thu vào băng nhựa. Sau năm 1975 tại hải ngoại, Nước mắt cho mây đã được Ngọc Lan trình bày trong một CD của cô.

Nhưng năm 1967 cũng là năm Adamo bị sao quả tạ chiếu, tất cả chỉ vì thiện chí hòa bình!

Như những độc giả trung niên, cao niên còn nhớ, năm 1967 là năm xảy ra “Cuộc chiến 6 ngày” (Six Days War) giữa Do-thái và Liên quân Ả-rập gồm Ai-cập (ngày ấy gọi là Cộng Hòa Ả-rập Thống Nhất – United Arab Republic), Syria và Jordan, từ ngày 5 tới ngày 10/6/1967, với kết quả Liên quân Ả-rập bị thảm bại, quân Do-thái chiếm đóng Bán đảo Sinai của Ai-cập, Cao nguyên Golan của Syria, và toàn bộ thành Jerusalem, trước kia do Jordan làm chủ một nửa.

[Sau chiến cuộc chiến giành độc lập của Do-thái vào năm 1948, tân quốc gia này và Vương quốc Jordan đã ký kết một thỏa thuận song phương, theo đó, thành Jerusalem được chia đôi, Do-thái làm chủ nửa phía Tây, Jordan làm chủ nửa phía Đông cùng với tả ngạn sông Jordan (tây phương gọi là West Bank). Năm 1949, Thủ tướng Do-thái David Ben-Gurion tuyên bố Jerusalem (nửa phía Tây ) là thủ đô của Do-thái, tất cả các Bộ, Sở, cơ quan đầu não trong chính phủ được dời về Jerusalem, trừ Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục ở lại Tel Aviv]

Sau “Cuộc chiến 6 ngày”, Adamo đã sáng tác và thu đĩa ca khúc Inch’Allah với mục đích cổ súy hòa bình trong khu vực.

clip_image008

 

Inch’Allah tiếng Ả-rập có nghĩa là “God willing”, sử dụng để bày tỏ hy vọng vào tương lai; tín đồ Thiên chúa giáo và Do-thái giáo sống ở vùng Trung Đông cũng thường sử dụng nhóm từ này.

Thế nhưng, người Ả-rập lại cho rằng lời hát trong bản Inch’Allah có ý thiên vị Do-thái, và đã nhắc tới Jerusalem như là một thành phố của Do-thái. Hậu quả, bản Inch’Allah đã bị cấm tại tất cả các quốc gia Ả-rập, Adamo bị báo chí địa phương lên án là kẻ “ăn cháo đá bát”, bởi mới vài tháng trước đó, chàng đã lưu diễn một số quốc gia Ả-rập và được ái mộ nồng nhiệt.

Tuy nhiên, với người Tây phương đa số theo Thiên chúa giáo, Inch’Allah là một ca khúc mang đầy ý nghĩa.

Inch’Allah đứng trên bảng xếp hạng Hit Parade của Pháp trong 8 tháng liên tục, được Adamo thu đĩa bằng cả lời Anh, Ý, Tây-ban-nha… và trở thành một trong hai ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp của chàng; bản kia là Tombe la neige.

Inch’Allah

J’ai vu l’orient dans son écrin
Avec la lune pour bannière
Et je comptais en un quatrain
Chanter au monde sa lumière

Mais quand j’ai vu Jérusalem
Coquelicot sur un rocher
J’ai entendu un requiem
Quand sur lui je me suis penché

Ne vois-tu pas humble chapelle
Toi qui murmures paix sur la terre
Que les oiseaux cachent de leurs ailes
Ces lettres de feu danger frontière

Le chemin mène à la fontaine
Tu voudrais bien remplir ton seau
Arrête-toi Marie-Madeleine
Pour eux ton corps ne vaut pas l’eau

Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah
Et l’olivier pleure son ombre
Sa tendre épouse son amie
Qui repose sous les décombres
Prisonnières en terre ennemie
Sur une épine de barbelés
Le papillon guette la rose
Les gens sont si écervelés
Qu’ils me répudieront si j’ose
Dieu de l’enfer ou Dieu du ciel
Toi qui te trouves ou bon te semble
Sur cette terre d’Israël
Il y a des enfants qui tremblent
Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah
Les femmes tombent sous l’orage
Demain le sang sera lave
La route est faite de courage
Une femme pour un pavé
Mais oui j’ai vu Jérusalem
Coquelicot sur un rocher
J’entends toujours ce requiem
Lorsque sur lui je suis penché
Requiem pour 6 millions d’âmes
Qui n’ont pas leur mausolée de marbre
Et qui malgré le sable infâme
On fait pousser 6 millions d’arbres
Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah Inch’Allah

Phụ lục (6): Inch’Allah, Adamo

VIDEO:

Adamo – Inch’Allah ( English ) 1967

Inch’Allah được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Đường về đất thánh vào khoảng giữa thập niên 1980.

Đường về đất thánh

Ðường về đất thánh, như trám kim cương
Cờ liềm trăng treo đầy… trong trời quang.
Vọng lời hát tới, như tiếng kinh vang
Hàng ngàn câu kinh rền… dâng trời thiêng.
Nhẹ nhàng bước tới Jesusalem
Lòng thành tín ngưỡng bước qua đỉnh non.
Và còn nghe thấy những câu kinh cầu
Ðầu nghiêng xuống, chú ý nghe từng câu.
Người có thấy, đây đó ngôi đền
Người còn lâm râm khấn xin bình yên
Xin cho chim bay, chim bay rất an lành
Lửa nào còn soi lên, cũng xin lặng im.
Ðường này dẫn ta đi vào suối tiên
Người được dẫn đi theo mệnh số hên
Lòng thành nắm tay Marie-Madeleine
Xuống dưới nước, lỗi cũng trôi hết.
Inch’Allah… Inch’Allah… Inch’Allah… Inch’Allah
Chàng Olivier, âu yếm tay ôm
Người vợ thân yêu này, ru tình duyên
Ta yêu nhau trên đống hoang tàn này
Lửa tình luôn bay, chiến tranh tàn phai
Lòng thành ta bước, chân dẫm gai non,
Nụ hồng kia ơi, bướm đang vờn em.
Chung quanh đôi ta, ai ai cũng ngu đần
Loài người không dung tình yêu, hiểu không ?
Ðường của chúng sinh, sáu triệu cánh tay
Chẳng cần có ngay ngôi đền đá xây,
Mà trồng xuống nơi bãi cát nung nấu này
Bãi cát bóng mát, những bóng cây cao.
Inch’Allah… Inch’Allah… Inch’Allah… Inch’Allah

Qua phiên bản Việt ngữ Đường về đất thánh, chúng tôi không thể phủ nhận tài nghệ của Phạm Duy trong việc soạn ca từ sao cho phù hợp với giai điệu, tuy nhiên về mức độ trung thành với ý nghĩa trong nguyên tác, cũng có ít nhất hai điểm khiến những người từng đọc Kinh Thánh và có trình độ tiếng Pháp tương đối phải đặt câu hỏi.

Thứ nhất, hai câu “Lòng thành nắm tay Marie-Madeleine –
Xuống dưới nước, lỗi cũng trôi hết”
trong phiên bản tiếng Việt của Phạm Duy mang ý nghĩa khác hoàn toàn với hai câu tương ứng trong nguyên tác “Arrête-toi Arrête-toi Marie-Madeleine – Pour eux ton corps ne vaut pas l’eau”.

Thứ hai, trong nguyên tác, chữ “olivier” trong câu Et l’olivier pleure son ombre, chỉ có nghĩa đơn thuần là cây ô-liu (olive tree), nhưng trong phiên bản tiếng Việt, Phạm Duy lại biến “cây ô-liu” thành “chàng Olivier”. Một hình thức “nhân cách hóa” chăng”?!

Vẫn biết chẳng có mấy người chú ý tới hai chỗ “không ổn” nói trên, nhưng vì Elvis Phương đã đưa Đường về đất thánh vào một CD “Thánh Ca” của anh, chúng tôi nhận thấy cần làm sáng tỏ.

Phụ lục (7): Đường về đất thánh, Elvis Phương

Bước sang thập niên 1970, Adamo có thêm nhiều đĩa vàng (disque d’or) khác, như Petit Bonheur (1970), J’avais oublié que les roses sont roses (1971), C’est ma vie (1975)…

Năm 1984, Adamo bị giải phẫu tim và phải ngưng ca hát mấy năm. Năm 1987, Adamo trở lại với sân khấu trình diễn nhưng hầu như không còn sáng tác nữa, rất có thể vì thể loại ca khúc êm dịu không còn sức thu hút thế hệ trẻ. Từ thập niên 1990 trở về sau, các buổi trình diễn của Adamo cũng không còn mang mục đích thương mại mà chỉ có tính cách hoài niệm, hoặc gây quỹ từ thiện.

Tính cho tới nay, Adamo, với khả năng hát bằng nhiều ngôn ngữ, đã bán ra trên 100 triệu đĩa hát, gồm 80 triệu album và 20 triệu đĩa single (45 vòng), được ghi nhận là ca sĩ gốc Bỉ có số đĩa bán chạy nhất từ trước tới nay, và là một trong 10 ca sĩ hát tiếng Pháp được ái mộ nhất.

Về các hoạt động nhân đạo, năm 1993, Adamo trở thành Đại sứ danh dự của UNICEF (Tổ chức Nhi đồng LHQ); trong cương vị này, Adamo đã viếng thăm Việt Nam, Li-băng, Bosnia, Kosovo, A-phú-hãn, và nhiều quốc gia kém phát triển khác.

Năm 2001, Adamo được Quốc vương Bỉ Albert đệ Nhị phong tước Hiệp sĩ; qua năm 2002, được ân thưởng huân chương Order of the Crown của Hoàng gia Bỉ; và gần đây, năm 2014, được trao tặng giải âm nhạc Victoires de la Musique của Pháp, tương đương với giải Grammy ở Hoa Kỳ.

* * *

clip_image010

Tới đây, chúng tôi viết về Tombe la neige, ca khúc “cầu chứng” của Adamo. Xét về phần nhạc, nếu có nhà phê bình âm nhạc nào nhận xét rằng “chẳng có gì độc đáo”, chúng tôi không dám bác bỏ, mà chỉ xin viết thêm: đây là một trường hợp “the simple things are the best”, tương tự những tình khúc để đời của Trịnh Công Sơn, một người chỉ có trình độ nhạc lý căn bản!

Về lời hát, như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên, Adamo chịu ảnh hưởng thơ của Victor Hugo và Jacques Prévert, cho nên rất lãng mạn.

Tombe La Neige
Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Et mon cœur s’habille de noir
Ce soyeux cortège
Tout en larmes blanches
L’oiseau sur la branche
Pleure le sortilège
Tu ne viendras pas ce soir
Me crie mon désespoir
Mais tombe la neige
Impassible manège
Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Tout est blanc de désespoir
Triste certitude
Le froid et l’absence
Cet odieux silence
Blanche solitude
Tu ne viendras pas ce soir
Me crie mon désespoir
Mais tombe la neige
Impassible manège

Phụ lục (8): Tombe la neige, Adamo

VIDEO:

Tombe la Neige (paroles / lyrics) [The Snow is Fallin’] by Adamo

Tombe la neige nguyên tác lời Pháp đã đứng No.1 tại Pháp, Bỉ, Luxembourg và nhiều quốc gia nói tiếng Pháp, được Adamo hát và thu đĩa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó tiếng Anh, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Thổ-nhĩ-kỳ, Bảo-gia-lợi, và Nhật (với tựa Yuki Ga Furu).

VIDEO:

Adamo – 雪が降る – Yuki Ga Furu – “Tombe la neige” en japonais (1963) [Original Version]

Tombe la neige cũng được đặt lời bằng tiếng Phổ thông (Đặng Lệ Quân thu đĩa), tiếng Đại Hàn…, và dĩ nhiên, tiếng Việt.

Về phiên bản tiếng Việt, đa số các tài liệu phổ biến trên Internet đều ghi tác giả là Hùng Lân (1922-1986, nhạc sĩ kiêm giáo sư âm nhạc nổi tiếng), một vài tài liệu của các tác giả trong nước ghi là của Phạm Duy, và ít nhất một video clip ghi là của Lam Phương.

Chúng tôi cho rằng “Hùng Lân” là hợp lý nhất, bởi chính Phạm Duy, trong hồi ký của ông, đã không hề nhắc tới Tombe la neige trong danh sách ca khúc Pháp được ông đặt lời Việt, còn “Lam Phương” chúng tôi chưa bao giờ được nghe nói ông từng làm công việc đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng không đủ tư cách để đưa ra một sự khẳng định.

Tuyết rơi

Ngoài kia tuyết rơi đầy
em không đến bên anh chiều nay
ngoài kia tuyết rơi rơi
trong băng giá tim anh tả tơi
đâu đây đám tang u buồn
mắt ai vương lệ thẫn thờ
lũ chim trên cành ngu ngơ
khóc thương ai đời bơ vơ

Không có em vuốt ve đêm nay
môi mắt anh xanh xao hao gầy
tuyết vẫn rơi đầy trên cây
giông tố như vô tình qua đây
Tuyết vẫn rơi rơi
chiều nay sao em không đến bên anh?
tuyết rơi tuyết rơi
phủ kín hồn anh một màu tang trắng
Buồn ơi ta khóc thương thân mình
vắng em căn phòng giá lạnh
nỗi cô đơn nào không đau
nhớ thươngbao giờ qua mau.

Ngoài kia tuyết rơi mau
Người không đến khiến tôi buồn rầu.
Ngoài kia tuyết rơi lạnh
Như ngăn bước chân êm người tình.
Trông ra trắng xoá (trên) cây cành
Giống khăn tang phủ lên mình
Lũ chim trên cành giơ xương
Tuyết không tha đàn chim non.
Em muốn qua thăm tôi một chiều
Nhưng tuyết rơi rơi thật nhiều
Tuyết ngăn chân người em yêu
Không tới thăm được tôi đâu.
(la la la….)

Ngoài kia tuyết rơi mau
Người không đến khiến tôi buồn rầu.
Ngoài kia tuyết rơi lạnh
Như ngăn bước chân êm người tình.
Trông ra trắng xoá (trên) cây cành
Rét căm thêm vào vắng lạnh
Thế gian như lặng câm thôi
Tuyết không bao giờ ngưng rơi.


Em muốn qua thăm tôi một chiều
Nhưng tuyết rơi rơi thật nhiều
Tuyết ngăn chân người em yêu
Không tới thăm được tôi đâu

Phụ lục (9): Tuyết rơi, Duy Quang & Billy Shane

Phụ lục (10): Tuyết rơi, Ngọc Lan

 

 

Hoài Nam

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search