T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Gia đình…

clip_image002

Hôm đầu tháng, tôi đi làm mắt kính mới vì hết năm thì lại uổng tiền bảo hiểm đóng cả năm mà không xài. Người cảnh cáo tôi rất quen mặt, chỉ có lòng ngày càng cứng rắn thay cho điệu mềm xa xưa…, “năm nay anh không đi làm kính thì sang năm em sẽ không mua bảo hiểm mắt cho anh nữa. Lúc nào cũng than là không đọc được, bảo hiểm có sẵn, chỉ đi làm kính thôi cũng lười. Không lẽ đi làm kính cho anh mà em đi?!”

Sáng mùa đông trân mình lái ra tiệm kính đeo mắt cũng mới mở gần nhà. Thật hết hồn khi bước vô cái tiệm kính mắt thôi mà mở chi cho lớn như cái nhà hàng, lại quá sang trọng đến làm ngại khách bình dân như tôi. Sáng cuối tuần và trời lạnh; lại tôi đi quá sớm nên tiệm vắng hoe, chỉ mình tôi với cô gái Mỹ trắng ngồi bàn information desk. Tôi đưa cái note do vợ ghi cho tôi, tôi rất muốn nói câu đầu tiên với cô gái Mỹ là “em đẹp lắm!” Nhưng nghĩ lại, nói đúng lời vợ dặn đi, Giáng sinh tới rồi, cháy nhà thì lạnh lắm! ! Tôi nói, “Vợ tôi nói, đây là số hồ sơ của gia đình tôi ở tiệm kính mắt này. Nhờ cô giúp tôi làm kính mới, vì tôi mới đến đây lần đầu.”

Cô gái đẹp bá cháy nhưng hơi yếu nội lực về computer nên tìm không ra hồ sơ của gia đình tôi trong system. Cô hỏi thêm những chi tiết, như tên họ của vợ tôi – cũng tạm chấp nhận được. Nhưng hỏi đến ngày sinh tháng đẻ của vợ tôi, thì tôi hơi khó chịu! Và hết chịu nổi khi hỏi tới số xã hội của vợ tôi. Tôi dừng câu chuyện lại ở đó, ra về, chứ không cho biết số xã hội của vợ tôi khi cô ấy đã biết tên họ, ngày sinh của vợ tôi… mà tôi thì chẳng biết cô ấy là ai, làm sao có thể nói ra được.

Tôi lái hai vòng quanh khu thương mại cũng mới mở, chỉ có một tiệm kính đeo mắt thôi. Tôi nghĩ tôi đúng vì chẳng ai cho mở hai tiệm làm mắt kính trong cùng một khu thương mại. Nhưng để chắc ăn, tôi gọi về nhà; xui là gặp hôm… đêm qua em không ngủ nên sáng nay ngủ bù, đêm qua em ho xù xụ nên tới sáng thuốc ho mới thấm, chết ngắc! Còn tôi thì chết chắc, ngồi trong xe phải mở máy sưởi vì trời rất lạnh, cả bãi đậu xe mênh mông mà lại vắng lặng nên gió càng làm tới. Tôi nhìn qua tiệm phở duy nhất bên đường, vì đây là khu thương mại của người Mỹ nên không có hàng quán Việt nhiều. Cái tiệm phở duy nhất cũng Mỹ hoá tới 11 giờ mới mở cửa.

Cứ ngồi chịu trận trong xe vì bên ngoài gió lạnh quá, định lái ra khu Việt nam để có cà phê, hủ tiếu… nhưng ngại xa cũng nhiều mà ngại gặp bạn bè càng lớn hơn! Trời này mà gặp bia hữu, tri tửu thì tới tối mới về; lại không làm kính thì tàn đời trai còn lại có chút xíu tóc đen với người yêu dấu…

Kể ra một sáng mùa đông, ngồi trong xe ngắm gió lạnh bên ngoài và sự cô quạnh của mùa đông cũng hay hay, những cánh chim báo bão chao lượn trên nền trời xám, chút mặt trời ngủ quên không suy tư… như người yêu dấu ở nhà. Cứ chừng nửa tiếng tôi lại gọi về một lần, và lần thứ tư khi ly trà nóng trong xe đã cạn. Nếu lần này em yêu cũng không bắt phone thì đúng là ý Chúa giao anh cho bạn bè hôm nay! Tối anh sẽ về với đôi vai gầy và đôi mắt sâu vì từ giờ đến tối thì tụi anh khiêng, vác cũng chừng vài thùng bia, mắt sâu hõm khói thuốc, tóc bạc thêm vài sợi tri kỷ mà em. Chỉ xin em đừng nhìn anh, yêu anh hơn… rồi chơi tới tấp kung-fu chổi chà.

Nhưng số tôi chưa tới ngày tận mạng nên gọi lần cuối thì em yêu của tôi bắt phone. Tôi trở lại đúng cái tiệm kính mà ban nãy cô gái Mỹ đã xin lỗi không tìm được file của gia đình ông trong system… vì ông không cho số xã hội của bà – là người đứng tên chánh về bảo hiểm.

Lần này, bà Mỹ trắng làm manager ở tiệm đó tiếp tôi. Có lẽ cô nhân viên đã nói chuyện về tôi với bà nên bà đon đả lạ. Bà xin tôi gọi cho vợ tôi để bà nói chuyện. Tôi không cho. Tôi chỉ nhắc lại điều tôi đã nói với cô nhân viên ban nãy là vợ tôi đã làm kính ở đây hôm tháng trước. Nhưng con tôi vừa làm kính ở đây mới hai tuần trước, cứ gõ tên nó vào system thì sẽ ra hồ sơ của gia đình tôi.

manager làm được. Mừng quá, đã tìm ra file về gia đình tôi trong system dở ẹt của cái tiệm kính quá lớn và sang trọng. Bà đã lấy đủ information về tôi, về bảo hiểm thì đã có sẵn trong system rồi, bà bảo tôi đi sang tiệm bên cạnh để đo mắt, rồi trở lại đây để chọn gọng, làm kính…

Tôi sang tiệm bên cạnh còn hết hồn hơn với một phòng đo mắt thôi mà mở chi cho lớn như một cái bệnh viện nhỏ; không lẽ ở đây có mổ mắt luôn sao ta…?

Hai cô sinh viên người Trung đông, trùm đầu, bịt mặt thấy ớn luôn. Nhưng họ nói chuyện thì biết ngay là dân sinh viên đi làm part time, lời lẽ nhỏ nhẹ, lịch thiệp… Lại lấy information, hỏi bảo hiểm, rồi ngồi đọc báo chơi đi ông Hai… lúa, không biết chữ thì cứ coi hình răng cỏ người ta là tự động về nhà bỏ thuốc lá.

Nhưng tới khi hai cô cảm tử dễ thương mời tôi vô phòng khám để gặp bác sĩ thì tôi hãnh diện vô cùng! Vì cô bác sĩ mắt là người Việt. Ôi, một cô bé dễ thương như thiên thần, trẻ măng như còn trong trung học. Tôi nghĩ, nếu trên ngực áo blue của cô ấy không có chữ Bác sĩ thì ai mà tin được cô bé này là bác sĩ mắt. Phải nói là một sáng hiếm hoi được thấy lòng mình vui trong đời sống lê thê ở hải ngoại này. Cô bác sĩ hỏi tôi, “Chú… là người bác hả? (Cười) – Xin lỗi, chú là người Việt phải không?”

Tôi trả lời, “Dạ phải.”

“…Thì vậy, cháu phải gọi… là chú hay là bác?”

Tôi kiểm tra thêm khả năng tiếng Việt của cô bác sĩ, “Nếu bác sĩ là người con nhỏ trong gia đình của bác sĩ thì bác sĩ gọi tôi bằng chú, vì tôi nghĩ là tôi nhỏ tuổi hơn cha của bác sĩ. Ngược lại, bác sĩ là con lớn trong gia đình thì gọi tôi bằng bác vì tôi nghĩ con tôi lớn tuổi hơn bác sĩ nên cha của bác sĩ trẻ hơn tôi…”

“Cháu là con lớn, mà cũng là con nhỏ của ba mẹ cháu…”

Tôi nhớ mãi nụ cười và cái nheo mắt hóm hỉnh của cô bác sĩ. Tôi nói, “Sao cô đi làm mà không dẫn mẹ theo. Nói đúng hơn là, sao mẹ cô không dẫn cô đi làm… vì con một, mà lại xinh đẹp, duyên dáng như cô thì mẹ cô làm sao yên tâm cho cô đi ra đường một mình. Dù là đi làm…?”

“Chú nói chuyện cũng có duyên lắm đó…!” Cô ấy lại cười, cười rất tươi, nụ cười còn phảng phất hồn nhiên của tuổi học trò. Thật là một sáng tự hào trong lòng viễn xứ về thế hệ tiếp nối của người Việt ở hải ngoại. Cô ấy vừa mở những hộp đồ nghề, mở máy này, tắt máy nọ; mở đèn tím, tắt đèn vàng… quá nhiều máy móc và đèn đuốc như sân khấu ca nhạc không bằng. Tôi chưa bao giờ vào một phòng đo mắt để làm kính thôi mà lại tân tiến, hiện đại đến cỡ này.

Cô bác sĩ lại nói, “Cháu đã sẵn sàng. Bây giờ chú muốn cháu nói chuyện với chú bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?”

Tới tôi cười nghi ngại…, “Xin bác sĩ cứ nói tiếng Anh đi, tôi nghĩ là tôi sẽ hiểu chính xác hơn…”

Cô ấy lại cười lém lỉnh, tôi nhớ mãi ánh mắt học trò vừa ăn vụng, vừa nói chuyện trong lớp của những cô bạn học ngày xưa. Cô bác sĩ này chắc cũng là một tay quậy có hạng trong lớp cô ta. Không biết cô là con gái nhà ai mà duyên dáng, học thức đã hẳn, đối đáp lại thông minh; bằng chứng rõ ràng về tài năng đã hẳn, nhưng đối đáp của cô bác sĩ rất ấn tượng…! “Chú đừng tưởng cháu nói dở tiếng Việt. Cháu biết hát tiếng Việt luôn đó!”

Ôi trời ơi! Trong đời mù lòa của tôi từ bé, chưa bao giờ tôi được đo mắt tận tình với quá nhiều máy móc hiện đại như thế này; trong đời độc cô cầu bại từ hồi bỏ nước ra đi, chưa bao giờ tôi được nghe tiếng nước tôi ngọt ngào, trìu mến đến du dương như sáng nay. Lòng già nở hoa trong một sáng mùa đông ảm đạm ở xứ người, khi cô bác sĩ đồng hương đưa tôi ra bàn information desk của hai cô Trung đông. (Đến đây tôi phải dùng từ “cô bé” mới diễn tả hết tình cảm trong tôi; chứ cụm từ “cô bác sĩ” chỉ đủ lịch sự, còn nghe… xa lạ quá!)

Cô bé xoay màn hình computer của hai cô Trung đông về phía cô ấy, rồi dùng giấy, viết sẵn trên bàn để ghi ra và giải thích cho tôi. Tôi làm gì biết đến đủ thứ tiền tôi phải trả với những từ chuyên môn của cô ấy. Tôi chỉ biết (nghe) bạn bè tôi đi đo mắt để làm kính thường nói là hết $45; có người nói đi đo mắt ở bệnh viện – với máy móc hiện đại nên độ chính xác cao, nhưng phải trả lệ phí cũng hơi cao là $75. Suy ra ở đây tính không quá $100 là ô-kê với tôi.

Cô bé bác sĩ vừa ghi ra giấy, vừa giải thích líu lo với tiếng Việt có phần tự tin hơn lúc đầu. Tôi chỉ nhớ câu dễ thương nhất là, “lần đầu chú đến đây nên cháu tính discount cho chú vì… chú đến đây lần đầu! Bây giờ chú chỉ trả ra… bằng $15.”

Cô ấy nói tiếng Anh với hai cô Trung đông, “Tính ông ấy mười lăm đồng – cho tất cả.” Cô bé bác sĩ nói tiếng Anh nghe không phê bằng tiếng Việt vì ngữ âm rất bosses. Nhưng cô ấy lại cười, chào tạm biệt tôi để đi làm việc với người khách kế tiếp.

Tôi còn chưa trả tiền xong thì cô bé thiên thần lại tái xuất hiện, “Chú ơi! Bây giờ hai cô này sẽ in ra giấy đo mắt cho chú để cầm qua tiệm kính làm kính. Nhưng chú đừng bỏ giấy khám mắt đó sau khi làm kính, vì chú được quyền sử dụng giấy khám mắt này trong vòng một năm. Chú muốn đi làm kính ở tiệm nào cũng được. Nhớ nha chú… nhất là có gì trở ngại. Chú cứ tới đây gặp cháu… tỷ dụ như làm kính xong mà chú không ưng ý thì cháu có thể khám mắt lại cho chú. Làm kính lại cũng không phải trả tiền đâu. Chú nhớ đó!”

Tôi qua tiệm kính như đi trên mây với lòng vui khôn tả, chả biết cô bé bác sĩ mắt là con cái nhà ai; chỉ biết một cô gái Việt tài sắc vẹn toàn làm tôi hãnh diện; niềm vui ngập lòng với đức độ của cô bé còn hơn tài sắc của cô ta. Chữ “bằng” của cô ta dùng trong câu, “bây giờ chú chỉ trả ra… bằng $15” làm tôi cười một mình với cái dấu bằng tổ chảng trên giấy trắng mực đen như cô bé làm toán cộng, toán trừ.

Nhưng nụ cười vui lây của tôi tự tắt trong mắt cô gái Mỹ nhìn tôi vô hồn, không chào hỏi, không nở được một nụ cười. Tôi càng thấy cô ấy đẹp… như một pho tượng. Tôi đã dừng bước trong tiệm kính đến cả phút; đến tôi cảm thấy ngượng. Thế mà cô ấy vẫn không đứng lên chào hỏi, mời ngồi, hay gì gì đó cho phải phép của một nhân viên cửa hàng khi có khách hàng đến.

Bà manager từ trong phòng làm việc của bà ấy, nhìn ra thấy tôi nên bà vội bước ra chào hỏi, mời tôi ngồi. Bà nói với tôi, “Xin lỗi ông về việc sáng nay vì cửa hàng của chúng tôi mới mở nên hệ thống máy điện toán chưa thực sự hoàn chỉnh được như ý muốn.”

“Không sao. System nào cũng cần phải có thời gian để hoàn thiện. Không có chi. Theo tôi, cái cần hoàn thiện trước cả system điện toán của cửa hàng này là nụ cười của nhân viên khi có khách hàng bước vô tiệm.” Tôi nói.

“Cảm ơn ông đã cho ý kiến. Tôi nhất định làm được.”

“Cảm ơn bà.”

“Bây giờ, tôi xin giới thiệu với ông người nhân viên giàu kinh nghiệm nhất của cửa hàng chúng tôi, để phục vụ ông. Xin giới thiệu với ông, đây là cô Sea.”

Cô Sea bước đến, là người phụ nữ đã có tuổi, thân hình đẹp trong bộ đầm vét sang trọng, gương mặt chị hiền như… cô giáo. Chị chào tôi bằng tiếng Việt, và ngồi xuống thay chỗ bà manager để bắt đầu… tróc hết tiền tôi!

Ôi trời đất ơi! Một sáng mùa đông vui chưa từng có với đồng hương của tôi. Cô bé bác sĩ mắt bên hàng xóm còn phảng phất nụ cười học trò trên gương măt thiên thần mà tôi biết là tôi còn giữ rất lâu trong ký ức hải ngoại của mình. Nụ cười hồn nhiên đến động lòng người. Bây giờ, lết qua tiệm kính lại đụng một bà chị Việt nam, nhìn chị chừng tuổi tôi nhưng chị nói ra nghe hết hồn, “chị đã về hưu lâu rồi em, ra đây làm vài tiếng cuối tuần cho vui chứ ở nhà buồn quá!”

Chị Sea. Nói không phải nịnh chị ấy. Tuy chị có tuổi rồi, nhưng chị nói tiếng Việt còn dở hơn cô bé thiên thần bên hàng xóm… bởi chị qua Mỹ đã 45 năm. Chị em tôi sao mà dễ thân, chỉ năm phút trao đổi thì chị đã là chị Hai của tôi. Chị toàn quyền quyết định về việc chọn tròng kính cho tôi, nên lấy option nào, không nên mua option nào… Tóm lại là để chị lo cho em.

Tôi cũng tóm lại với mình là… thua sớm cho cao cờ với bà chị rất có tình đồng hương mà lại quá rành về đời sống Mỹ, thương mại Mỹ, thẩm mỹ Mỹ… Tới hai chị em đi lựa gọng như đi shopping vì tiệm kính quá lớn. Tôi chọn cái nào, chị Hai tôi cũng không cho mua, “Sao em toàn lấy mấy cái gọng mấy trăm đồng cho tốn tiền. Kính ở bên đây thì sang năm lại làm kính mới. Mua gọng tốt cũng bỏ thôi cưng.”

Nhịn chị được một lát thì tôi gạu, “Bà manager ở đây không biết tiếng Việt, chứ bà ấy mà nghe được thì chị tiêu. Sao chị cứ cản khách hàng mua gọng kính đắt tiền. Chị muốn xập tiệm hả?”

“Chị sợ gì, đi làm chơi thôi mà. Con chị còn không cho chị đi làm. Em cứ nghe lời chị đi, là em sẽ có hai cái kính mới tốt nhất mà rẻ nhất.”

Hai chị em cứ lượn miết để chọn gọng kính. Cô pho tượng mỹ nhân thỉnh thoảng liếc nhìn tôi… như không thích. Tôi cũng không rõ là cô ngượng với tôi về tắc trách của cô sáng nay với khách hàng tôi, hay cô kỳ thị? Tôi kể lại chuyện sáng nay cho chị Sea nghe. Chị nói cho tôi biết về hoàn cảnh gia đình cô ta. Khiến tôi nghĩ là một hoàn cảnh gia đình đã làm nên một gương mặt buồn, còn chuyện gương mặt đó đẹp là chuyện của tạo hóa. Tôi dư thời giờ tới kể tiếp chuyện về cô bé thiên thần bên hàng xóm cho chị Sea nghe. Chị lại nói cho tôi tin hơn là hoàn cảnh gia đình đã làm nên một gương mặt sáng ngời, đôi mắt biết cười, và trái tim nhân hậu.

Và chuyện cặp kính mới của tôi cũng lại được chị Sea kết thúc với một chữ ‘bằng” – nghe vui không kém cô bé bên hàng xóm. “Chị đã bỏ mấy cái không cần mua như bảo hiểm cho kính gãy, kính vỡ, kính trầy… Tính hết ra là $1.257. Sau khi bảo hiểm trả cho em. Em chỉ phải trả ra… bằng $557.

Ôi, cái chữ “bằng” bên đo mắt nghe dễ thương làm sao thì bên móc mắt nghe “bằng” một cái là tôi muốn gục. Nhưng cũng phải móc cái thẻ nhựa ra cà chứ biết làm sao. Mười năm trước đi làm một cái kính đã hết $800- sau insurant cover. Nhưng càng về sau này càng rẻ vì kính rẻ, gọng rẻ, chứ không phải bảo hiểm trả nhiều hơn thì phần tự trả cũng chừng $500. Kỳ này làm hai cái (để cho ông bạn một cái) mà chỉ trả $557 thì đúng là chị Sea đã tiếp tay khách hàng chứ không ủng hộ chủ tiệm!

Tháng cuối năm không mau cũng không lâu. Chỉ tại tôi ít khi nào may mắn; ít khi nào được hanh thông, trót lọt một việc gì dễ dàng. Tôi đi lấy kính thì bị bỏ lộn tròng! Cái gọng của tôi chọn cho tôi lại bị bỏ tròng mà tôi làm cho ông bạn tôi – không có bảo hiểm mắt, và ngược lại!

Tôi chỉ hỏi đi hỏi lại chị Sea, “Chị coi kỹ lại giấy tờ. Nếu là lỗi của người thợ mài tròng kính đã nhầm lẫn tròng nào bỏ vô gọng nào, thì tiệm kính phải làm lại cho em. Nhưng nếu là lỗi của chị đã ghi chú sai mã số của kính và gọng, thì em không làm khó. Vì em không muốn chị gặp trouble với chủ tiệm. Cái bà chủ khiêm nhường tự gắn lên ngực áo bà ấy cái bảng tên là manager thôi. Nhưng em biết bà đó khó chịu lắm đó! Chị liệu hồn.”

Chị Sea quả quyết là chị không có lỗi. Nên tôi đâu chịu nhận hai cái kính làm không đúng như tôi muốn. Tôi lại thấy cái kính của mình khi làm xong không được ưng ý lắm vì nhìn nặng nề quá! Tôi đề nghị đổi gọng khi làm lại cho tôi, tôi bù tiền thêm vì cái gọng chọn sau mắc tiền hơn cái trước tới hơn trăm đồng.

Cũng là một ngày mưa gió cuối năm, tiệm chỉ có mình chị Sea ngồi hong chân sáng sớm với cái máy sưởi nhỏ dưới gầm bàn. Chị hỏi thăm vợ con tôi, khen con tôi đẹp trai. Tôi thăm hỏi gia đình chị, xem ảnh gia đình chị từ chồng chị tới đứa cháu nội mới nhất của chị… Tình hoài hương lai láng của bà chị đã xa quê 45 năm nghe thật nao lòng nhớ nhà khi năm hết tết đến.

Tôi thấy nhẹ nhàng ra về sau khi trò chuyện chơi với chị Sea, thậm chí chẳng nhớ tới chuyện đáng bực mình với cái tiệm kính to lớn, hiện đại… mà làm sai order! Nhưng chờ hoài không thấy chị gọi đi lấy kính, tôi gọi chị mới biết, “Chị cãi lộn với bà chủ quá trời về cái kính của em. Bà ấy đồng ý cho em đổi gọng vì đằng nào cũng phải làm lại, nhưng bắt em phải trả thêm $150 mắc hơn của cái gọng đổi so với cái gọng mà em đã mua trước. Chị đâu chịu. Chị nói với bà ấy, một là hai cái cùng phải làm lại hết thì khách hàng đã dễ dãi là làm lại một cái thôi-vì em muốn đổi gọng. Trong khi cái gọng kính của em cũng đã mắc tiền rồi, bây giờ gắn tròng của ông bạn em. Em cũng chịu lấy chứ không bắt làm lại. Khách hàng đã thông cảm cho tiệm không phải vứt bỏ hai cặp tròng mắc tiền thì tiệm cũng không được tính thêm tiền đổi gọng… mới là biết điều. Và như vậy khách hàng mới chịu trở lại lần sau. Bà ấy đồng ý là chị nói đúng nhưng tiếc tiền nên cãi ba ngày mới đưa kính của em đi làm lại. Nhớ đó, hôm nào ghé lấy mà không gặp chị thì cứ nói là bà Sea đã nói tôi không phải trả thêm đồng nào hết! Có gì gọi bà ấy. Nhớ chưa…”

Tôi không lạ gì mình luôn gặp rắc rối trong mọi việc, nhưng rồi cũng hoàn thành. Nhưng cứ ám ảnh gương mặt đẹp mà buồn như pho tượng mùa đông của cô gái Mỹ; gương mặt sáng ngời, đôi mắt biết cười, và trái tim ở ngoài lồng ngực của cô bác sĩ mắt người Việt lại là do hoàn cảnh gia đình tạo nên. Đến cả gương mặt và tính cách của chị Sea cũng chịu nhiều ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình. Chị nói cho tôi nghe về gia đình chị, nghe ra rất êm ấm, hạnh phúc, con cháu đề huề. Một gia đình có đi chùa mỗi rằm, con cái đứa nào theo đạo Tin lành cũng đi nhà thờ đều đặn. Một gia đình tự do tôn giáo, thích giúp đỡ người khác, và đặc biệt không để ai ăn hiếp mình. Nên chị có gương mặt trẻ hơn tuổi tác của chị nhiều, có phong cách thân thiện, hiền. Nhưng… thấy bất bình chẳng tha. Chắc vì vậy mà chị cãi bà chủ để bảo vệ người đồng hương tôi – không sợ mất việc.

Lụi hụi rồi tôi cũng tới ngày đi lấy kính, rắc rối nào rồi cũng qua với tôi. Chị gọi tôi khi kính đã làm xong nhưng cho biết luôn là chị không có mặt ở tiệm vì chị nghỉ lễ Giáng sinh sớm để ở nhà lo tiệc tùng cho con cháu về. Chị nhắc lại tôi là không trả thêm đồng nào hết nha em.

Tôi đến tiệm kính chiều hăm ba, sau bữa làm cuối cùng ở hãng rồi về nghỉ lễ Giáng sinh. Tâm trạng tôi rất buồn, lòng ngập ngụa hối hận. Vì cả tháng nay, tôi cứ nghĩ đến cô gái Mỹ bị đuổi việc là do mình. Ý kiến của một khách hàng ở Mỹ có thể đuổi việc được cả một vị giám đốc, nói gì cô ấy chỉ là một nhân viên. Hoàn cảnh gia đình của cô ấy là điều nên được thông cảm thì mình lại chỉ vì một chút thượng đế trong máu khách hàng ở Mỹ là không được chào đón đúng mức là bực mình, và có phản ứng ngay. Sao cô bác sĩ mắt nhỏ bé kia có thể rót vào tai mình những lời lẽ đầy tình người, tình đồng hương xa xứ đến ấm lòng dạt trôi; chị Sea cũng chỉ vì một đồng hương mà cãi tới cùng với bà chủ – không sợ mất việc… Sao, chỉ vì một chút tự ái vặt mà mình lại báo hại một người… chỉ vì hoàn cảnh gia đình đã làm nên gương mặt pho tượng mùa đông của cô ta; chứ chắc gì bản chất của cô ấy là một người kỳ thị, hay thiếu thân thiện với đồng loại.

Thật thà trong tôi, nếu có tiền trong túi thì tôi đã đi làm kính ở tiệm khác! Có giấy khám mắt có giá trị một năm sẵn trong xe. Thà tốn tiền thêm lần nữa còn hơn trở lại tiệm kính để buồn dài lâu khi không thấy pho tượng mùa đông còn làm việc trong tiệm kính ấy nữa!

Tôi tin Chúa hiểu lòng ân hận của tôi nên ngài đã tha thứ cho tôi bằng cách giữ lại pho tượng mùa đông – để trang trí cho cái cái tiệm kính rất sang trọng, phải nói là gương mặt cô ấy làm sáng thêm cái tiệm vốn đã dư sáng và sang.

Nhưng Chúa ơi! Con tạ ơn ngài thương xót cả con và cô gái tội nghiệp kia. Con tạ ơn ngài trăm lần, ngàn lần khi con mới đậu xe lại cửa tiệm, nín thở nhìn vô, thấy pho tượng mùa đông còn đó! Lòng con nhẹ hều liền tức khắc sau cả tháng âm ỉ lòng hối hận. Có điều con nói Chúa biết thôi! Cô ấy bắt con trả thêm $150. Con không muốn tạo thêm rắc rối cho cô ta, nhưng đối xử với chị Sea bằng cách móc tiền ra trả để giữ việc làm cho cô ta, thì tấm lòng và tình đồng hương của chị Sea lại bị xem nhẹ đến thế sao?

Con phải xử sự làm sao cho tốt đẹp đôi đàng. Và các bạn biết không, Chúa lòng lành thổi bà chủ, bà manager vèo về tới tiệm lúc cần thiết nhất. Tôi đứng dậy, chào bà trước.

“Chào bà manager. Hôm nay chưa Giáng sinh mà trông bà đã đẹp như Giáng sinh năm tới…”

“Cảm ơn ông. Cảm ơn ông đã không trách khứ chúng tôi làm phiền ông phải chờ đợi cái kính cả tháng trời.”

“Không có gì. Tôi đến lấy kính, và rất mong được gặp bà để cảm ơn bà đã không tính thêm tiền tôi đổi gọng kính. Khi bà Sea gọi cho tôi biết, tôi đã nhờ bà Sea chuyển lời cảm ơn bà, không biết bà Sea đã nói với bà chưa?”

Người đẹp như mùa Giáng sinh năm tới… á khẩu! “Thế à! Thật à!… Nếu bà Sea đã nói với ông như thế… thì cũng được. Thôi cũng được!… vì lẽ ra…”

Chẳng có lẽ ra, lẽ vào gì nữa! Đá được pho tượng mùa đông ra khỏi cuộc tranh chấp tiền bạc bằng những lời lẽ dao găm và lựu đạn là mừng rồi, chẳng thể vịn cớ gì mà đuổi việc cô ta. Tôi chúc bà chủ năm mới trẻ đẹp hơn năm nay sắp hết… rồi chuồn êm.

Không biết bà ấy phóng theo tôi bao lời nguyền rủa. Tôi chỉ biết ra xe, vừa lái đi là vừa gọi chị Sea để báo cáo, nhất là lời nói láo, “tôi đã nhờ bà Sea chuyển lời cảm ơn bà, không biết bà ấy đã nói với bà chưa?” để nữ hiệp đồng hương biết đường đối phó với bà Trùm!

Tôi để cái kính mới lên mắt lái thử xem sao… dường như tôi cũng trẻ ra nhiều tuổi. Mọi sự trở nên rõ ràng hơn nhiều lắm! Điều thứ nhất tôi thấy được là Chúa không có rảnh để cứu mày hoài. Từ nay đừng tự ái vặt, thích đua đòi làm ông trời con ở Mỹ trong vai thượng đế là khách hàng. Nhớ bớt lời có thể gây hại cho người khác tối đa là thực sự biết ơn Chúa đã tha thứ! Nhớ nghe con…

Nhưng tôi lại nhìn trời qua cái kính mới quá đã mà hỏi Chúa, “Chúa ơi! Còn cách nào để ngôn ngữ dao găm và lựu đạn trong con tự biến mất? Nhiều khi con không muốn, dù thua thiệt một chút ở đời nhưng không phải ân hận cũng đáng lắm chứ! Tội nghiệp bà chủ á khẩu của con quá Chúa ơi!

Chúa nghe được nên cho tôi cách trả nợ đời bằng cú điện thoại của ông bạn già, “Thằng mắc dịch, mày đang ở đâu đó?”

“Về gần tới nhà rồi ông ơi!”

“Vậy thôi, khỏi trở lại, đỡ hao bia. Nhưng mày nhớ Noel năm nay làm mấy cái đùi gà tây nướng mọi nghe mảy. Năm ngoái mày làm ngon, nên bạn bè chôm hết, tao đâu còn cái nào để dành nhậu từ từ. Nói mày làm thì mày hứa lèo, hứa cuội… tới Noel nữa rồi!”

“Okay! Chiều mai có. Tui thấy mấy người lớn tuổi, tới mùa đông…”

“…chết thấy thương mà sao tao còn hoài, phải không?”

“Là tự ông nói à nha. Đừng có vô vài ve rồi trách tui hỗn! Mai tui đem lên cho. Lo đi mua bia đi. Vì mai chợ đóng cửa đó!”

“…”

Tôi ghé chợ Kroger, đang lựa mấy vỉ đùi gà tây cho ngon để về nướng mọi… cho thượng ăn! Nghĩ ra được câu đó để mai chọc quê ông bạn già đã thấy vui bụng nên cười thầm một mình. Bỗng đâu có cô gái Mễ đến hỏi tôi, “Ông ơi! Xin ông giúp dùm tôi một việc, không biết có được không?”

“Nếu tôi có thể…”

“Tôi muốn mua một hộp bia để tặng cha tôi đêm Giáng sinh. Nhưng bằng lái của tôi mới có hai mươi tuổi…”

“…”

Chúa ơi! Bây giờ con xài dao găm, lựu đạn với cô bé này. Hay Chúa lại thử thách lòng con có thực sự hối hận khi làm khó người khác không? Chúa nói trước đi, chứ con chẳng lạ gì đám nhóc tì thích hoang đàng sớm này…

Chúa nín thinh bên tai tôi, nhưng Chúa chắc cũng thấy cô bé ngần ngừ… nói cảm ơn tôi, rồi bỏ đi.

Tôi đẩy cái xe chợ ra parking để về, trên ấy chỉ có tội lỗi là sáu cái đùi gà tây, ba thùng bia loại bự nhất. Nhưng Chúa lại hiện thân để thử tôi, cái xe đậu trước xe tôi có hàng chữ viết bằng phấn trắng trên kính sau của chiếc xe hơi cũ…, FAMILY = Father And Mother, I Love You…!

Dấu bằng thứ ba này độc đáo khác với dấu bằng của cô bác sĩ và dấu bằng của chị Sea. Tôi nán lại trong xe tôi để xem người lái chiếc xe này là ai! Hoàn cảnh gia đình người này như thế nào mà có suy nghĩ… đến Chúa cũng chỉ biết mỉm cười mãn nguyện. Tôi đang nghĩ tới hoàn cảnh gia đình của pho tượng mùa đông, hoàn cảnh gia đình của cô bé thiên thần làm bác sĩ mắt, hoàn cảnh gia đình của chị Sea… đã biến ba người thành ba gương mặt, tính cách… rất đời. Nhưng hoàn cảnh gia đình của người viết câu này lên xe mình, có thể đoán được là hoàn cảnh tốt, tuy không giàu qua chiếc xe cũ đã nói lên. Nhưng người lái chiếc xe này, người con này chắc chắn là người con ngoan, người có ích cho xã hội về sau nhiều lắm đây!

Game chiều nay chơi với Chúa đã đủ hiểu nhau rồi hay sao mà Chúa cho tôi câu trả lời sớm. Người chủ xe, chủ nhân của dòng chữ tuyệt vời kia chính là cô gái Mễ đã nhờ tôi mua bia trong chợ.

Tôi làm được gì hơn suy nghĩ là điều tôi nhanh nhẹn nhất, cô bé này không phải dân chơi, thích hoang đàng sớm, vì dân chơi thì mua bia ở cây xăng cho nhanh gọn lẹ, mắc chút đỉnh đâu có nhằm nhò gì với dân chơi mà phải vô chợ để xếp hàng lâu, parking xa… Và dân chơi sớm thì chắc chắn biết những cây xăng bán bia cho người dưới hai mươi mốt tuổi với giá cao, dân chơi sớm đâu có lủi vô chợ để bị hỏi bằng lái, v.v… và v.v…

Tôi xuống xe, đón cô gái. Tôi nói cô mở cốp xe lên.

Cô bé nghe lời như bị thôi miên.

Tôi bỏ nhanh vào cốp xe của cô một thùng bia. Đóng xập cốp xe xuống ngay, nhìn quanh để an tâm là không ai thấy! Tôi nói, chúc Giáng sinh vui vẻ. Tôi đi.

Cô bé nước mắt đã ướt hoen mi, cứ vịn cửa xe tôi để xin gởi chút tiền mà cô có được, “Tôi cảm ơn ông nhiều lắm, chân thành cảm ơn ông. Cầu Chúa ban phước lành cho ông và gia đình ông thật nhiều…”

Chúa hiện thân là nam thì nói ít lắm, nhưng khi ngài hiện thân là nữ nên chuyện phải sang trang, hơi hao giấy mực, “tôi ở trường, hôm nay về nhà nghỉ lễ. Tôi đã mua quà Giáng sinh cho mẹ tôi, em tôi… lần đầu tiên tôi nghĩ đến cha tôi trên đường lái về nhà nghỉ lễ thì tôi chỉ còn đủ tiền để mua cho ông một hộp bia… chừng mười mấy đồng. Nhưng vô chợ tôi mới nhớ ra là tôi chưa đủ tuổi được mua bia. Tôi biết nói làm sao với ông đây. Tôi chỉ có mười mấy đồng, và tôi đã mua cho cha tôi một thiệp chúc mừng Giáng sinh nên tôi chỉ còn vài đồng. Mong ông nhận cho lòng biết ơn của tôi.

Tôi nhận. Chả biết mấy đồng. Nhưng đã hứa với Chúa là không làm khó người khác thì ráng giữ lời cho qua lễ cái đã! Tạm biệt cô bé Mễ, “Xin đừng lừa dối tôi. Vì tôi tặng thùng bia cho dòng chữ trên xe cô. Tôi không dám phiền cô cầu nguyện cho tôi quá nhiều vì Chúa đã giữ gìn tôi tới hôm nay để được đọc dòng chữ của cô. Chúc Giáng sinh vui vẻ.”

Cô bé đi rồi. Ở một góc mây xa xôi đang cuồng nộ vì chuyển gấp về nơi an nghỉ của cha mẹ tôi tấm lòng con cái mà tôi vừa học được từ một người trẻ, Father And Mother, I Love You = FAMILY.

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search