T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 86)

clip_image001

Chữ và nghĩa

Bạt chữ Hán có hai nghĩa: rút lên, nhẩy qua.

Cũng có nghĩa là đoạn viết sau một cuốn sách.

(Phụ chú: Nhiều tác giả khiêng lời bạt”nhẩy qua” viết ở đầu sách)

Giai thoại làng văn

Tô Hoài đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như những từ chung quanh chuyện ăn, uống, chết…

Ông biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ các nghề nghiệp. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”…

Có một chuyện rất vui là, vào những năm 60 của thế kỉ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này.

Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt (!).

Chính Tô Hoài nói cho tôi biết chuyện này!

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tiếng rao hàng II

Giọng người đàn ông rao hàng rất buồn thảm:

– Chân đạp gai tét giò đây!

Hãy hiểu dùm tiếng rao ấy là:

– Bánh chưng, bánh đập, bánh gai, bánh tét, bánh giò đây.

Xất bất xang bang

“Xất bất xang bang” có nghĩa “mất nước (nên phải) sang xứ người (sinh sống)”.

Bắt nguồn từ tiếng Hán “thất quốc tha bang”.

(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)

Chữ nghĩa trong sử thi

Với danh xưng ”Lê Đại Hành”. Các nhà sử học cứ đinh ninh cho rằng đó là đế hiệu của vua. Một đời vua có hai tên “hiệu”, đó là niên hiệu và miếu hiệu.

Niên hiệu do tự vua ban ra khi lên ngôi, dùng trong chiếu chỉ, văn biểu, công văn.

Miếu hiệu là khi nào vua mất, xác còn quàn trước khi đưa vào lăng thì được gọi là “đại hành”. Nghĩa là chuyến đi lớn sang bên kia thế giới. Sau khi đưa vào lăng yên ổn, vua kế vị và quần thần đặt miếu hiệu cho vua, như Thái Tổ, Thánh Tông, Nhân Tông.

Tên thụy là của dân thường. Còn được gọi là tên Bụt do thân nhân gọi sau khi chết để con cháu thờ cúng về sau.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam vô tửu như kỳ vô phong

Nữ vô phòng…kỳ vô phong cũng phất

Chữ nghĩa làng văn (III)

“Thơ thật là khó nói…Bàn về thơ, tuy phải nắm vững kỹ thuật, chữ viết; nhưng làm thơ, gốc ở tâm tình thi sĩ.” (Phù thi chi nan ngôn dã…phù luận thi tuy thủ kỳ cách pháp, tác thi, tất bản chư tính tình…)

Đó là câu Cao Bá Quát viết trong bài tựa tập thơ Thương Sơn của Tùng Thiện Vương.

(Tường Vũ Anh Thy – Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Khi các cụ ta xưa…xổ nho

Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi

Nhạt như nước ốc bạc như vôi

(Nguyễn Công Trứ)

Sách báo trong nước sau 75

Chu Văn Sơn phát giác ra rằng nhà nghiên cứu văn học miền Bắc Đỗ Lai Thúy đã “đạo văn” với cuốn “Con mắt thơ”.. Đỗ Lai Thúy đã gần như chép nguyên văn “Nhạc tính thơ” của của Lê Huy Oanh trong tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn ngày 20-11-1974. “Nhạc tính thơ” được đổi tên là “Tiếng không lời”.

Không những thế “Con mắt thơ” còn mượn ý và lời của những nhà văn miền Nam như Đào Trường Phúc, Phan Kim Thịnh, Huỳnh Phan Anh..v..v..Và đừng quên rằng Đỗ Lai Thúy là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng ở miền Bắc. Đồng thời họ còn xử dụng các công trình biên khảo của Đỗ Trọng Huề (Ca trù), Phạm Cao Dương nhưng không ghi xuất sứ, tựa đề bị thay tên.

Năm 2002, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội in lậu tập truyện ma quái của Nguyễn Ngọc Ngạn và đổi tên tác giả là …Nguyễn Ngọc.

(Quái thật!)

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

Trăng nước Hồ Tây

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ

Dựa theo Dương gia phả ký của dòng họ, tham khảo thêm Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn, tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã chép lại nguyên văn bài thơ Hà Nội tức cảnh trong thiên khảo luận Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm.

Bấy giờ là tháng 4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh được ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký Mười ngày ở Huế để kịp đăng trên tạp chí Nam Phong. Phạm Quỳnh viết: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca”.

Và ông đã sửa đổi hai câu đầu là:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Hai câu lục bát của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hòa vào “kho tàng văn học dân gian”. Mức độ phổ biến trở nên sâu rộng, một phần nhờ thiên hạ đua nhau… tranh luận quanh hai địa danh vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội”.

(PhanxipăngTừ một bài thơ ngắn)

Ca dao trữ tình

Không hoa có quả mới kỳ

Có hoa có quả cây gì mà không?

Không chồng mà chửa mới ngoan

Có chồng mà chửa thế gian sự thường!

Việt khác Tàu thế nào

Người Tầu trung với vua, người Việt yêu nước.
Người Tầu coi trọng gia đình, người Việt coi trọng gia tộc.
Người Tầu xưa ăn nhiều thịt, bánh bao, người Việt chủ yếu ăn cơm, rau.
Truyền thống dân gian Tầu bát quái, Việt Nam âm dương – ngũ hành.
Tín ngưỡng dân gian người Tầu thiên về nam thần, Việt Nam thiên hẳn về nữ thần.
Truyền thống Tầu luôn coi trọng đàn ông, Việt Nam coi trọng đàn bà.

(Trần Ngọc ThêmTìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Văn hoá chửi !

Hôm nay bàn đến văn hoá chửi theo kiểu toán học:
“Tiên sư đứa nào bắt mất con gà nhà bà, gà ở nhà bà con công con phượng, gà về nhà mày thành con cáo con diều hâu.
Bà … bà…bà… U cho con xin chén trà để con chửi tiếp….. bà chửi theo kiểu toán học cho mà nghe nhá…bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào ngoặc bà khai căn cả họ nhà mày… Bà rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu…Bà khai căn cả họ nhà mày, xong rồi bà tích phân n bậc, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà đạo hàm n lần.
Ái chà chà…. Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò “cộng trừ âm dương” trên giường với nhau à…..Bà là trị cho tuyệt đôi hết cả họ 9 đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là vô nghiệm, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi…Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cùng, sẽ gặp tai ương đến dương vô cùng, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến maximum của sự vô hạn tối tăm… ờ nhỉ, thôi, hôm nay thứ 7, bà nghỉ, ngày mai bà chửi tiếp.
À, mày chơi toán học với bà à…U cho con xin thêm chén nước ạ ..Thằng khốn ấy nó là tiến sĩ toán lý, không chửi bằng toán học thì không xong với nó u a…….Vâng vâng, u rót cho con đầy đầy vào, nữa đi…để con lấy hơi chửi tiếp, con sẽ chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho u xem…
Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò tiệm cận hàng rào nhà bà là bà không biết đấy phỏng ? Bà là bà giả thiết mày ăn cắp hơn hai chục con gà nhà bà,…mày về mày vỗ béo để nhồi đường cong cho con vợ mày, à à, mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đị. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi đường cong con vợ mày nó nứt toát, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ vuông góc một mạch thẳng xuống nóc tủ….thôi con ạ ……..ái chà chà…mày tưởng mày dùng cả Topo học mày vẽ thòng lọng mày bắt gà nhà bà mà được à ?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Ký là văn học…

Ký là loại hình văn học trung gian nằm giữa báo chí và văn học.

(Lê Dục Tú – Sự hình thành và phát triển của thể ký)

Âm vn Việt và Hán Việt

Vì hệ thống âm của tiếng Trung Quốc vốn nghèo hơn hệ thống âm của tiếng Việt Nam. Chúng ta hãy đối chiếu hệ thống âm vần của tiếng Việt Nam với hệ thống âm vần của tiếng Hán Việt.

Về âm thì trong 22 phụ âm của tự mẫu tiếng Việt, có âm r và âm g là không có trong hệ thống âm của tiếng Hán Việt.
Về vần thì trong số 150 vần của tiếng Việt, chỉ có 75 vần có trong tiếng Hán Việt thôi. Trong số ấy các vần o, oe, ăn, im lại là những vần rất hiếm trong tiếng Hán Việt.

(Ðào Duy Anh – Chữ Nôm – nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến)

Đề: Tả bác hàng xóm.

Bên cạnh nhà em có bác tên là Sẵn, ngày ngày bác ra đồng đi cày ruộng, con trâu đi trước bác đi theo sau. Mỗi lần bác kêu tắc tắc là con trâu lại đi qua bên phải qua bên trái trông thật vui mắt. Khi bác đưa cây roi lên đánh vào mông chú trâu thì ếch nhái hai bên bờ ruộng kêu inh ỏi.

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search