T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 87)

clip_image001

Chữ và nghĩa: Sài Gòn

Từ năm 1784, theo hải hành đồ của các thương thuyền người phương Tây, với chữ La tinh đã ghi tên vùng Chợ Lớn (cũ) là Saigon.

Theo Trịnh Hoài Đức, dựa trên bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm Gia Long thứ 14 (1815). Bản đồ ghi trên vùng nhà thương Chơ Rẫy hiện tại ba chữ: Sài Gòn xứ. Chỗ này chính là Chợ Lớn (cũ).

Sau Sài Gòn xứ rời lên khu cao hơn ở phía Đồn Đất (nay là nhà thương Grall) vào năm 1836.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Giá sách cũ II

Buổi chiều, trong tiệm cà phê bánh mì Hòa Mã đường Cao Thắng tôi (Hoàng Hải Thủy) nghe Văn Thanh báo tin anh Chương đã chết, tôi đạp xe về nhà ở Ngã Ba Ông Tạ. Tôi nhớ một buổi tối chừng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, tôi gặp Hoài Bắc Phạm Đình Chương trên đường này, chúng tôi ghếch xe đạp lên vỉa hè đứng nói chuyện với nhau. Hoài Bắc kể:
– Trần Dần nhắn người vào nói với Vũ Hoàng Chương: “Thơ của anh, và thơ của anh Hùng không bao giờ mất được.”
Anh Hùng đây là Đinh Hùng. Và đúng như lời Trần Dần, Thơ Vũ Hoàng Chương không bao giờ mất được. Hai mươi năm sau những tập Thơ Mây, Thơ Say, Hồi Ký Ta Đã Làm Gì Cho Đời Ta của Vũ Hoàng Chương xuất hiện trên những giá sách ở đây.
Hôm nay Ngày Rằm Tháng Bẩy xá tội vong nhân, ngày cháo lá đa cúng cô hồn các đẳng, Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt…
Toát hơi may lạnh buốt sương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng…

(Hoàng Hải Thủy – Tháng bảy vào thu mưa lạnh bay…)

Giọng Sài Gòn I

Qua một bài viết của Sơn Nam về Sài Gòn – Gia Định:

Giọng Sài Gòn, cũng như và con người Sài Gòn là sự pha trộn của nhiều nơi.

Đó là người Chàm bản địa, những người Minh Hương và những người miền Trung đến đất Gia Định.

Từ đó hình thành một ngôn ngữ vừa bản điạ, vừa vay mượn của những người đi mở đất khai hoang.

(Người Sài Gòn – báo Sài Gòn nhỏ)

Về Kinh Bắc

Hậu quả chung quanh tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm từ 1959/1982, lưu truyền bằng chép tay là :
– Hoàng Cầm bị đi tù 16 tháng.
– Hoàng Hưng vì xin được, có trong tay mấy bài thơ trên nên bị đi tù 39 tháng.
– Nam Dao (Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng) – Việt kiều yêu nước Canada bị “cấm cửa” không được về Việt Nam trong 20 năm.

Sau” Đổi mới” (1986) mãi tới 1994 “Về Kinh Bắc” mới được NXB VH in bằng loại…giấy xấu.

(Nguyễn Khôi – Chimviet.free.fr)

Giai thoại làng văn

Truyện Kim Dung đã trở thành một đề tài phổ thông và hấp dẫn, mặc dù nhiều học giả coi đó là những truyện rẻ tiền, không đáng mất thì giờ. Tuy nhiên, ai ai cũng phải công nhận là Kim Dung có tài kể chuyện và những bộ tiểu thuyết của ông luôn luôn ly kỳ, khó đoán trước. Mỗi bộ có những nét đặc sắc riêng mà những tác giả khác không có được. Ngoài ra, tiểu thuyết của ông cũng chứa đựng nhiều tài liệu dựa trên những nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, nhân văn … không kiếm thấy trong những pho tiểu thuyết khác. Mặc dù không hiếm những chi tiết ông đặt ra để câu chuyện thêm phần thú vị, hoặc những thay đổi cho phù hợp với tình tiết, Kim Dung đã gói ghém gần như một bộ bách khoa toàn thư trong mười bốn truyện của ông, mà chính ông đã lấy những chữ đầu đặt thành đôi câu đối để cho dễ nhớ:.

Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc – Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên – Phi Hồ Ngoại Truyện – Tuyết Sơn Phi Hồ – Liên Thành Quyết – Uyên Ương Đao – Kế Tuyết Sơn Phi Hồ – Bạch Mã Khiếu Tây Phong – Kế Uyên Ương Đao – Thiên Long Bát Bộ – Xạ Điêu Anh Hùng Truyện – Lộc Đỉnh Ký – Tiếu Ngạo Giang Hồ – Thư Kiếm Giang Sơn – Thần Điêu Hiệp Lữ – Hiệp Khách Hành – Việt Nữ Kiếm – Ỷ Thiên Đồ Long Ký – Bích Huyết Kiếm

Kim Dung tên thật là Zha Liangyong, sinh năm 1924 tại trấn Viên Hoa, tỉnh Triết Giang. Theo ông kể lại, gia đình ông ở trong một ngôi nhà lớn, trước nhà có treo một tấm biển nhan đề Đạm Viễn Đường, là ngự bút của vua Khang Hi ban cho tổ tiên ông. Cuối đời Thanh, tổ phụ ông từng làm tri huyện Giang Tô. Ông sở dĩ có được một kiến thức phong phú chính là nhờ trong gia đình chứa rất nhiều sách và ngay khi còn nhỏ ông đã được đọc những tác phẩm nổi danh thời xưa như Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Năm lên tám tuổi, ông đọc bộ tiểu thuyết đầu tiên là bộ Hòang Giang nữ hiệp thấy say mê nên từ đó đã có mộng sẽ viết về bộ môn này.

(Nguyễn Duy Chính – Tại sao tôi lại dịch Kim Dung)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vào khoảng năm 1945, ông Hồ và cụ Phan Khôi ghé viếng đền thờ Đức Trần Hưng Đạo. Theo như cụ Phan Khôi thuật lại thì ông Hồ hỏi cụ giữa ông và Trần Hưng Đạo ai hơn ai? Sau đó ông Hồ làm bài “Viếng đền Kiếp Bạc” như sau:

Suy ra tôi bác cũng anh hùng

Sau trước cùng chung giữ núi sông

Bác đuổi giặc Nguyên thanh kiếm bạc

Tôi xua quân Pháp ngọn cờ hồng

Bác đưa dân tộc qua nô lệ

Tôi dẫn năm châu đến đại đồng

Bác có khôn thiêng cười một tiếng

Giùm tôi kháng chiến sớm thành công

(Lê Thương – Những bài thơ…)

Từ điển

Cuốn Từ Điển Anh Việt của Hà Nội định nghĩa chữ:

Okra là cây mướp tây.

Sự lầm lộn này có lẽ vì những nhà ngôn ngữ học Hà Nội mặc dù có học vị cao nhưng chỉ ngồi trong phòng sao chép từ sách vở tài liệu nên đã xa rời thực tế. Nếu họ bước vào một siêu thị nước ngoài chắc hẳn sẽ biết ngay okra chỉ là trái của cây đậu bắp.

Phải chăng khi nhìn tranh vẽ trái đậu bắp trong một cuốn sách tham khảo nào đó giống hình thù trái mướp nên gọi đại nó là trái mướp tây cho tiện việc mặc dù cây đậu bắp là loại cây nhỏ còn mướp thuộc loại dây leo. Nếu chỉ đoán theo tranh vẽ hay suy luận theo “tên” gọi thì quý vị ấy sinh trưởng ở miền Bắc dám nói cây “măng” cụt và “măng” tây là hai loại cây cùng họ với…tre trúc. Hay cây tầm vông cùng họ với cây vông mà không phải thuộc họ tre.

(Đặng Trần Huân – Cái khó khăn của người biên khảo)

Tiểu thuyết I

Tiểu thuyết Nga…chuyên viết chuyện tình bi thảm dầy cả ngàn trang. Chuyện của hai người từ trang đầu đến trang cuối:

Họ không yêu nhau và cũng không lấy nhau.

Giá sách cũ

Tôi bắt đầu đọc truyện và đọc bất cứ cái gì tôi vớ được, ngay cả giấy gói thịt mua ngoài chợ. Tôi không nhớ rõ vì duyên cơ nào, tôi đọc Hồ Biểu Chánh khi tôi còn học lớp tư. Có lần chị hàng xóm bắt gặp tôi đang đọc bà Tùng Long, chị quát cho bảo là trẻ con thì không nên đọc thứ của người lớn đọc. Tôi lờ đi vì làm gì có báo trẻ con mà đọc. Nhưng may làm sao, ít lâu sau ông Nguyễn Vỹ làm báo Thằng Bờm, rồi sau đó có báo Tuổi Hoa và Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Tôi đọc ngốn ngấu hầu hết nhóm Báo Tuổi Ngọc với Duyên Anh như Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện. Có thể nói từ Duyên Anh tôi khám phá ra thêm Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa hay Tạ Tỵ là những tác giả Duyên Anh hay nhắc đến trong truyện của ông.

Tôi đọc hầu như toàn bộ tác phẩm của Duyên Anh, như Điệu Ru Nước Mắt, Ngựa Chứng Trong Sân Trường, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang. Các nhân vật chính trong ba truyện Hoa Thiên Lý, Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ, và Con Sáo Của Em Tôi đều có cuộc đời bất hạnh. Và tôi cũng muốn nói đến người cha bất hạnh trong truyện Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ.

Cái hình ảnh của người cha thất thời lỡ vận này đã theo đuổi dai dẳng trong trí nhớ tôi nhất là những năm 1975 cho đến 1985 khi mức sống ở Việt Nam đã xuống thấp cùng cực. Có lần đi trên dường phố Sài Gòn khỏang cuối năm 79, có rất nhiều người trước là công chức hay giáo viên vì thời thế ra ngôi lề đường sửa xe đạp.

Tôi bùi ngùi nhớ đến hình ảnh người cha trong truyện của Duyên Anh sau đây:

“…Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng… ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi “lắc lê” nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi. Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con…”

(Nguyễn thị Thái Hà – Qua cái nhìn của một người đọc…)

Nỏ mồm

Nỏ mồm ở đỏ mồm mà ra.

Tích Trần Nghệ Tôn nằm mộng thấy Trần Thuận Tông hiện về nói: “Trung gian truy hữu Xích chủy hầu – Ân cần tiếm thượng Bạch kê lâu”. Nghĩa là “trong ấy có con khỉ đỏ mồm đang tính chuyện lấn áp Bạch kê lâu”.

Trần Nghệ Tôn đem chiết tự mới biết Hồ Qúy Ly đang âm mưu chiếm ngôi nhà Trần.

Nghi vấn văn học II

Cụ Hoàng Xuân Hãn viết: “Từ năm 1926, ông Phan Huy Chiêm đà gửi thư cho báo Nam Phong nói rằng bản Chinh Phụ Ngâm là cụ Phan Huy Ích dịch ra văn Nôm, hiện dòng họ Phan còn giữ được “bản chính”, vừa chữ Nho, vừa chữ Nôm”.

Nhưng từ đó, mặc dầu nhiều nhà biên khảo yêu cầu, ông Huy Chiêm chưa đưa ra bản chính của cụ tổ mình. Mùa hè năm nay tôi (Hoàng Xuân Hãn) được ông Huy Chiêm gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ Nho và chữ Nôm chưa tìm lại được.

Sau này (1970) ông Nguyễn Văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc mà Hoàng Xuân Hãn đoán là của Phan Huy Ích dịch. Nhưng cuối bài “Tựa” chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại…bị mất.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Thư ngỏ gửi anh Nghiêm Xuân Hải)

Đề: Tả vườn rau muống.

Nhà em có một vườn rau muống. Chiều chiều mẹ em lại bắc thang lên hái lá về nấu canh.

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search