T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Đọc Đỗ Xuân Tê: Truyện Của Tôi Một Thời U Ám…

bia_mot_thoi_u_am

Đó là một tuyển tập gồm 21 truyện kể, dày 300 trang, vừa phát hành trên mạng Amazon. Đó là những truyện kể từ những cảnh đời thực, có liên hệ tới dòng thác lịch sử 30-4-1975.

Đỗ Xuân Tê viết rất nhiều đề tài, nhiều thể loại trong hơn một thập niên qua, và bây giờ chỉ chọn ra một phần nhỏ các truyện có đề tài liên hệ tới chyển biến lịch sử 1975 – một dấu mốc đã đưa tác giả vào trại tù cải tạo nhiêu năm.

Văn của họ Đỗ thư thả, ngay cả khi kể những chuyện căng thẳng, như chuyện bạn tù tự tử; ngôn ngữ từ tốn thương xót, ngay cả khi kể chuyện vợ người bạn tù phải thất thân và có con thêm với một cán bộ thuế để mưu sinh nuôi con; dòng văn chỉ ngạc nhiên bất ngờ khi ra tù, về Sài Gòn, gặp một con bé hàng xóm năm xưa đã trở thành một người nữ giang hồ và nghe cô này nói rằng cô sẵn sàng trao tặng “tình yêu” cho tác giả; truyện kể vẫn điềm tỉnh ngay cả khi ghi lại chuyện bố của người bạn lãnh án tù 5 năm trước 1975 vì “nghi ngờ chừa chấp VC” cho tới khi ông cụ sắp lìa đời mới bảo rằng cháu nên vượt biên đi, và ông cụ thực ra là bị oan vì người bạn thân tới nhà đánh cờ tướng nhiều năm chính là VC thứ thiệt và nằm trong mạng lưới tình báo Hùynh Văn Trọng.
Tuyển tập “Truyện Của Tôi Một Thời U Ám” không chỉ là chuyện riêng của Đỗ Xuân Tê, đây là truyện của cả dân tộc, chúng ta đã chứng kiến một thời, và không chỉ thế, chính chúng ta cũng là các nhân vật trong đó, hay ít nhất cũng là nhân chứng.

Độc giả dễ dàng nhận ra hình ảnh một thời quê nhà, khi những người tù cải tạo ngồi chen chúc trong hầm tàu biển chở ra Bắc, khi những người tù cải tạo đói quanh năm, khi người từ trại tù về đã chứng kiến phố phường Sài Gòn xa lạ hẳn từ người tới cảnh… và xuyên suốt cuốn sách là một nỗi buồn cho cõi người, rằng chúng ta sống như trong một cõi lưu đày dưới thế, được tác giả ghi lại với ngôn ngữ điềm đạm, từ tốn, không óan than, không phẫn nộ.

Cuộc nội chiến quốc-cộng hiển hiện trong nhiều trang giấy, nhưng đây không phải chuyện chiến tranh. Tác giả Đỗ Xuân Tê không kể chuyện chiến trường. Ông kể chuyện cõi người, không phải cõi súng. Và cõi người này, từ tình thân bạn hữu, trở thành liên lụy quốc-cộng để bố của một người bạn vào tù oan, tới những người con là sĩ quan quân lực VNCH cũng nghi nghi ngờ ngờ, tới khi ông cụ từ trần mới rõ.

Đỗ Xuân Tê kể trong “Chuyện kể từ thị trấn sương mù” nơi các trang 68-77, về ông Trịnh và ông Tâm thân nhau từ hồi di cư vào Nam. Ông Trịnh không hề biết ông Tâm là VC nằm vùng, nằm trong ổ tình báo Hùynh Văn Trọng. Ông Tâm từ Đà Lạt hễ về Sài Gòn là tới nhà ông Trịnh, ngồi chơi cờ tướng, thân thiết như tri kỷ. Khi ông Tâm bị bắt, kêu án 18 năm tù, ông Trịnh bị án 5 năm. Những người con ông Trịnh, ngay cả sĩ quan VNCH, vẫn ngờ vực, không rõ bố mình có dính gì thực sự với VC chăng. Họ Đỗ kể cuối truyện:

“…Mười hai năm sau tôi từ trại tù trở về thành phố, vật đổi sao dời người xưa cảnh cũ quay đi ngoái lại cũng chẳng còn ai. Bà vợ tôi nhắc tôi đi thăm ông Trịnh lúc này ông đang bị ung thư thời kỳ chót. Lần đầu gặp ông, ông rất vui vì chắc ông nhớ lại thời các con ông và tôi chơi chung học chung nay thì chúng đã nghìn trùng xa cách. Lần sau thì ông đã quá yếu, thăm hỏi xong bỗng ngoắc tôi lại gần, vừa ngó quanh xem không có ai, ông thều thào, anh nên tìm đường mà đi, sống với chúng nó không nổi đâu. Tôi gật đầu ra dấu tôi hiểu. Cảm xúc ngay lúc đó tôi nhận biết ông còn quí tôi và điều làm tôi nhẹ mình là ông vẫn không phải là người của phía bên kia. Người sắp chết bao giờ cũng nói thật và chí tình. Tôi cúi xuống hôn ông như một người con giống lần từ giã bố tôi. Mấy ngày sau ông mất.

Năm năm sau khi sang được Cali bằng con đường người Mỹ tìm dùm cho anh em chúng tôi những cựu tù cộng sản, tôi học lại chuyện này với mấy cậu con, các bạn tôi hình như giờ này mới thực sự hiểu bố. Quả thật trong chiến tranh cốt nhục tương tàn, người Nam kẻ Bắc kẹt giữa hai lằn đạn ngay cha con cũng khó hiểu nhau.

Có một chi tiết mà sang đây tôi mới được em thằng San cho biết, bác Tâm sau 75 từ Côn Đảo trở về, bác được tiếp đón linh đình cùng nhóm Võ Thị Thắng, sau về Đà Lạt đảng bộ ưu ái sắp xếp vào chức phó thị ủy thành phố. Có điều hai gia đình đã hết thân hình như ông Trịnh còn ấm ức điều gì đó với ông bạn vong niên mà tôi ngờ rằng vốn đã biết chẳng cùng chung lối mà sao chỗ bạn hiền nỡ tâm để họa cho nhau.”

***

Những hoàn cảnh quê nhà buồn bi thảm. Ngay cả khi tác giả sau 12 năm tù cải tạo về, vẫn nhìn thấy những chuyện dị thường trong khu phố.

Trong truyện “Mụ Chó” ở các trang 90-102, Đỗ Xuân Tê kể:

“Không biết người ta gọi người đàn bà này là Mụ Chó từ hồi nào. Chỉ biết từ khi chuyển về sống ở cư xá tôi, thì biệt danh này đã phổ biến khá rộng rãi. Từ trẻ con hàng xóm đến các ông già bà cả, kể cả các cụ cao niên vốn nghiêm túc trong lời ăn tiếng nói cũng đều gọi mụ như vậy, tất nhiên cũng chỉ gọi sau lưng với nhau chứ nếu mụ nghe được thì chuyện lại khác và tất nhiên người thua cuộc không thể nào địch lại với cái miệng có gang có thép của mụ…”

Và sau 12 năm tù cải tạo, tác giả về lại khu phố:

“…Tôi trở về cư xá, sau một thập niên nhiều chuyện đổi thay, chuyện nhà, chuyện đời, chuyện xã hội, chuyện tình người. Lúc này mụ Chó đã chết, mà chết là hết chuyện, tôi chỉ hỏi thêm bé Nga chồng con ra sao. Vợ tôi cho biết sau ngày mẹ nó mất nó đi hoang, sau lấy thằng thợ hồ đẻ được đứa trai. Chồng không nuôi nổi, nó tự lo thân, cuộc sống khó khăn thân không nuôi nổi nó tự bán thân và thành gái chơi vừa có tiền chợ vừa thỏa mãn tình dục. Thậm chí lắm bữa ế khách, nó nói, cô biết không, con phải cho không mấy thằng dân phòng, chẳng hề mắc cỡ. Chuyện hết muốn nghe, vốn còn ngây thơ, tôi chỉ hỏi, sao em không giúp lời khuyên nó, vợ tôi nói sau 75 mỗi nhà một cảnh chẳng ai khuyên được ai, dù cha hay mẹ, dù thầy hay cô…”

***

Có một truyện nhiều người biết tới, về nhật ký Đặng Thùy Trâm – cuốn này về sau được Hà Nội biên tập lại, in sách, và cho lên phim. Mức độ phóng đại tô màu của Hà Nội cho cuốn này hẳn nhiên là có, nhưng bao nhiêu phần trăm chưa rõ. Nhưng người đọc cuốn nhật ký tịch thu từ chiến trường là người từng ở tù cải tạo chung với nhân vật xưng tôi trong truyện Đỗ Xuân Tê.

Nơi trang 53-67, Đỗ Xuân Tê viết truyện “Hắn và cuốn nhật ký.”

“…Có lúc hắn cũng tự nghĩ nếu hắn có công cứu sống được cô gaí thì có thể hắn sẽ “chường mặt” để nhận sự biết ơn, đằng này ngươì chết chẳng lấy laị được, cuốn sách cũng chỉ là an uỉ phần nào nôĩ trăn trở của ngươì còn sống, đặc biệt là Mẹ của TR, một ngươì hắn chưa được một lần gặp mặt, nhưng có lòng kính trọng sâu xa bà mẹ Việt Nam này. Một bà mẹ hơn hai mươi năm chăm sóc cho ngươì chồng baị liệt cùng nôĩ nhớ thương quay quắt đứa con gaí yêu quí của mình suốt hơn 1/3 thế kỷ.

Chuyện càng ngày càng thêm phức tạp, ly kỳ. Nghe đâu cuốn nhật ký đã được dịch sang tiếng Anh, hiệu đính và bổ sung thêm vơi caí tựa đề “Đêm qua em mơ thấy hòa bình”, được nhà xuất bản Random House in ấn. Chưa hết, nhà nước còn cấp ngân phí cho dự án sản xuất một cuốn phim mang tựa đề trùng hợp vơí câu noí để đơì. Một phần ngoaị cảnh đang được quay bên miền Đông. Nghe đâu Fred được chọn đóng cho chính vai của anh. Tất nhiên thế nào chẳng có viên trung sĩ “ngụy”.Vai TR thì chưa chọn xong, bà mẹ ra điều kiện không chọn các cô gái “chân dài”, con bà phaỉ được thể hiện bằng một cô gái có học thức, đoan trang, có bản lãnh tuổi trẻ. Cộng đồng quận Cam đang theo dõi sát diễn biễn của công tác tuyên vận hải ngoaị có một không hai này.

Còn hắn quả tình hắn không muốn liên lụy thêm, hắn không muốn trở thành một “Trần Trường II”. Xin cám ơn những lời tán tụng, nếu kể là hắn có công thì như vậy đã đủ cho hắn rôì. Cũng đừng hiểu lầm về con người hắn, trước sau hắn vẫn là ngươì tị nạn và hắn muốn sống yên thân trên đất nước tạm dung này.

Sau phút hàn huyên, hai ngươì bạn đồng tù đi ăn trưa ở một nhà hàng trên đường Beach. Họ chia tay nhau trước lúc lên đèn. Trên đường về nơi tạm trú, tôi thở phào, chuyện chẳng có gì nguy hiểm và thông cảm cho hoàn cảnh của hắn. Ít ra hắn đã có ngươì để tâm sự, một điều lẽ ra Fred phải hiểu và giúp hắn.”

***

do_xuan_te_2
Nhà văn Đỗ Xuân Tê

Nhà văn Đỗ Xuân Tê tên thật Đỗ xuân Thảo. Xuất thân Đại học Sư Phạm Sàigòn/Ban Sử Địa khóa 1963. Cựu sĩ quan làm việc tại tổng cục CTCT. Ra hải ngoại định cư tại Nam California từ 1991. Làm guest teacher cho một số sở học vụ tại nam Cali. Hiện nghỉ hưu dành thì giờ đọc & viết lách.

Trong “Đôi dòng dẫn truyện” ở trang 7-8, Đỗ Xuân Tê viết:

“… Nếu đừng có tháng Tư, thì chắc các truyện này đã không được viết và tập sách này cũng chẳng có lý do để ra mắt bạn đọc. Hai mươi mốt câu chuyện được góp nhặt, hiệu đính sau khi đã đăng tải trên các nhật báo, tuần báo lớn tại Quận Cam (California) và xuất hiện trên nhiều trang mạng văn học nghệ thuật toàn cầu từ 10 năm nay.

“Hai truyện tiêu biểu đã nhận được giải Tưởng lệ của báo Viễn Đông viết về chuyện tù cải tạo, và giải Danh dự của Việt Báo viết về nước Mỹ. Hơn nửa số truyện đăng trên Vietbao Online dưới bút hiệu Xuân Đỗ đã có từ 100,000 tới 200,000 lượt người xem, các phản hồi nhìn chung là thuận lợi, đồng cảm.

“Tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm nếu có sự trùng hợp về nhân vật, bối cảnh, thời điểm và tình huống. Nhiều cốt truyện tác giả được xem như người viết hộ sau khi đã nghe, thấy và mặc nhiên truyện của tôi chưa hẳn là truyện của tôi chưa hẳn là chuyện của tôi.

“Sách in không bán, chỉ để tặng (cho bạn bè và bất cứ độc giả nào có nhu cầu cần đọc), như một hình thức lưu dấu về một thời u ám khó quên nhân bốn mươi năm nhìn lại.

“Mọi liên lạc để nhận sách xin gửi về:
thaoxdo@yahoo.com (tác giả chịu cước phí bưu điện).”

Độc giả cũng có thể mua từ mạng Amazon.com, xin tìm “do xuan te”…

Trên Amazon, giá tuyển tập này chỉ 12 đôla, nhưng là gói trọn hơn nửa thế kỷ “một thời u ám”…

Xin chúc mừng nhà văn Đỗ Xuân Tê, người viết về một thời rất mực u ám với những dòng chữ rất mực nhân ái.

Phan Tấn Hải

(Nguồn : Sangtao.org)

Bài Mới Nhất
Search