T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Mưa thưa…

clip_image002

Quãng cuối cuộc đời – Tranh : Mai Tâm

Nơi tôi ở rất ít khi trời mưa êm ả mà thường là mưa giông. Mỗi năm chỉ vào mùa này là có những cơn mưa tương đối nhẹ nhàng; nếu gọi là mưa phùn thì hoàn toàn không đúng vì ra ngoài trời một lát cũng ướt như chuột lột; và gọi là mưa xuân cũng trật vì mưa xuân là mưa tưới chồi non chứ đâu phải tưới cành khô sau đông tàn; tưới trôi đất khi cỏ chưa mọc lại kịp. Tôi chẳng biết diễn tả những cơn mưa tháng ba ở vùng Dallas này ra sao cho đúng! Nhưng người ở xứ sấm sét vang trời, gió mưa cuồng nộ tôi rất thích mưa tháng ba nơi tôi ở vì mưa không tới bằng một cơn giông tróc nóc nhà, mưa không mù mịt tới hết thấy đường lái xe, và mưa không ngắn ngủi như thần sấm thần sét nổi giận rất hung hãn nhưng qua cơn lẹ làng… Mưa tháng ba mà tôi gọi là mưa thưa, là những cơn mưa gần giống như mưa ngâu tháng bảy ở quê nhà, những cơn mưa không có gió, mưa không lớn, không nhỏ, không dứt… Mưa nhớ Tây nguyên Việt nam thì quá giàu tưởng tượng vì mưa Ban Mê mưa cả tháng, ở đây mưa chỉ từ sáng tới chiều, hay mưa qua đêm mà không xập nhà đã là mưa nhân hậu…

Mưa. Ở một ý nghĩa nào đó trong lòng người là thời gian lắng đọng ngoài ý muốn; giả sử như sáng thứ bảy trong kế hoạch tuần này là cắt cỏ, nhưng trời mưa! Chỉ còn biết ngồi nhìn những sợi mưa tháng ba như cô gái già cố níu thời xuân sắc, sợi mưa cố ở lại không trung vì chạm đất là hết! Nhìn lại bạn bè cũng rứa. Mươi năm trước, trời này thì điện thoại reo quên thôi, thế là đội mưa mà đi. Nhưng giờ ai cũng thúc thủ ngồi nhà nhìn mưa vì ngại lái xe ra đường. Tôi ngồi nhìn mưa tháng ba đang tẩm đẫm những nụ sồi trước nhà còn chưa bung lá; nghĩ về những giọt mưa tháng ba năm ngoái đã chu du một vòng thiên địa lại về tưới nụ tầm xuân – nụ tầm xuân nở ra xanh biếc – để thua vàng, đông rụng… mưa có linh hồn không? Chỉ biết những cuộc vui bất tận như mưa sẽ không còn nữa vì người đi không về như mưa; thời gian không trở lại; tuổi đời qua mau…

Những suy tư rời rạc bị cắt đứt vì số điện thoại lạ nên không bắt nhưng cứ gọi hoài. Nhưng khi biết được người gọi thì tôi đến Phở Bắc để gặp con trai của bạn tôi mà tôi biết chú nhóc này từ hồi còn nhỏ. Nhưng nay người thanh niên ở độ tuổi ngoài ba mươi – ẩn hiện phong độ của cha anh hồi tôi với cha của anh ta là bạn bè thường lui tới với nhau…

Anh ấy cho tôi biết, “Con về thăm ba con. Ba con nói con đi cắt điện thoại cho ông ấy vì đã lâu không dùng. Con xem qua thì ba con nói đúng, nghĩa là ông chẳng còn liên lạc với ai vì điện thoại không gọi ra đã lâu; vài người gọi vào là anh em con thì ba con cũng không bắt điện thoại. Trong bạn bè ít ỏi của ba con, con chỉ nhớ được chú nên lấy số từ điện thoại của ba con để gọi thăm chú…”

Bên ngoài tiệm phở vẫn mưa thưa như đời buồn nhiều hơn vui, chú nhóc hôm nào còn lăng xăng khi bạn bè của ba ghé nhà chơi cuối tuần thì nay đã là người cha trẻ. Đáng tiếc là không có gì để mừng cho hoàn cảnh của anh ta hiện sống ở Houston với gia đình riêng lục đục vì việc làm của anh ta bấp bênh, tương lai mù mịt…

Tạm biệt người bạn trẻ không đầy một phút bắt tay để chia tay nhau, nhưng điều anh nhờ cậy thì chỉ mới bắt đầu, “Ba con bây giờ sống một mình, ở share phòng nhà người ta. Ba con không muốn liên lạc với bất cứ ai nữa – sau khi chia tay với má con…” ; “ba con bây giờ yếu lắm, không đi làm được nữa…” ; “ba con bây giờ…” ; “ba con bây giờ…” ; “Con nhờ chú ghé thăm ba con. Ba con có chuyện gì, nhờ chú gọi cho con…”

Người thanh niên đi ra mưa như đi vào phần đời còn lại của anh ta. -Một tương lai bất định, một gia đình không được thuận hòa vợ chồng như nguyện; con cái rồi lớn khôn theo nhiều cách khó biết trước… Nhớ lại tôi với cha của anh ta hồi tới Mỹ cũng cỡ tuổi anh ta bây giờ; chúng tôi đã đi thật tình từ đó đến nay qua những cơn mưa lại về nên đời mãi lao đao.

Tôi tới thăm người bạn đã lâu không gặp, không liên lạc theo địa chỉ do con anh cho tôi. Dù anh tiếp tôi chứ không tránh mặt. Nhưng ngồi nhắc nhớ chuyện xưa, bạn bè… như kể chuyện cổ tích với một cụ già! Mà nói tới tương lai thì nói gì với người bạn đã lâu không gặp, không liên lạc; anh ta lại đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo cả tài chánh lẫn tinh thần, sức khoẻ hom hem…

Trời vẫn mưa thưa bên ngoài căn phòng trọ không mở đèn. Hai chai nước lọc duy nhất trong phòng cũng đã cạn. Tôi phải lôi người bạn một thời ra mưa, ra xe…, để ra quán. Chứ làm sao chịu nổi sự bế tắc càng ngồi càng thấm sang tôi!

Nhưng đêm về nghĩ lại lời bạn tôi nói ngoài quán thật thấm thía, “… Xin để tôi yên!”

Nhưng đêm đã cạn mà tôi còn chưa ngủ vì làm sao hiểu nổi sự bình yên của người này là khổ tâm của người khác thì ý nghĩa đích thực của “bình yên” là gì? Chẳng lẽ con bỏ cha trong hoạn nạn; bạn bè mặc xác nhau lúc khó khăn là cho nhau bình yên! Hay bình yên đích thực trong tâm hồn là đừng tiếc khi có thể cho để an lòng khi phải nhận. Sự bình yên đích thực không phải là hoàn cảnh tốt hay xấu vì hoàn cảnh nào cũng nhất thời thôi! Sự bình yên đích thực là cách nhìn cuộc đời và thái độ sống trong mọi hoàn cảnh… như chẳng có cơn mưa nào giống nhau ngoài việc cơn mưa nào rồi cũng tạnh; và cơn mưa nào cũng trở về hệt như lần trước. Lỗi lầm muôn thuở của con người là không nhớ hết những cơn mưa trong đời; không nhớ hết những vui buồn đã qua nên vui buồn sắp đến là sự tái sinh của vui buồn cũ mà cứ tưởng là mới.

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search