T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na & Nguyễn Đình Toàn: THÁNG TƯ HOA TÍM

clip_image002

Nhà văn Phan Lạc Phúc (Ảnh: Người Việt)

Tin Buồn: Nhà văn Phan lạc Phúc, tức Ký Giả Lô Răng, vừa qua đời  hôm Thứ Năm, 28 Tháng Tư, tại Sydney, Úc, hưởng thọ 88 tuổi. TV&BH xin chia buồn cùng nhà văn Phan Lạc Tiếp và tang quyến. Và cùng với Lưu Na trong bài viết ngắn dưới đây, chúng tôi xin “ xin mượn cánh hoa be bé tiễn đưa một khuôn mặt của quê hương về với đất trong những ngày cuối tháng Tư hoa tím.”.( T.Vấn & Bạn Hữu)

Cũng nhân cảm xúc từ bài viết ngắn của Lưu Na, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã “trồi” lên từ cuộc “nghỉ hưu” của mình, ngồi trước máy ghi âm, thu giọng đọc đã một thời chinh phục thính giả của đài phát thanh Sài Gòn qua chương  trình Nhạc Chủ Đề mỗi tối thứ Năm hơn 40 năm trước. Nay, tuy giọng đã già theo tuổi, cảm xúc có thể đã mòn theo với những kinh qua sau một cuộc dâu bể , nhưng vẫn còn đó một Nguyễn Đình Toàn như chúng ta đã biết.

Chỉ vì, cái cảm hoài của một người đi sau mình cả một thế hệ rưỡi, không dưng lách dao vào vết thương cũ đã 41 năm, vào cái lẽ hữu hạn của trời đất mà người già nào cũng đang nhìn trừng trừng  như thể muốn đọc cho rõ ngày tháng  cái hữu hạn của đời mình.

Tất cả vì sự ra đi không thể tránh khỏi của một Phan Lạc Phúc đã đến kỳ hay chỉ vì một cành hoa tím be bé nở “háp” bởi cái nóng tháng Tư ác nghiệt ?

Dù vì bất cứ lý do gì, xin mời nghe người già và đọc người trẻ để suy ngẫm về một thế hệ Việt Nam đang từ từ biến mất khỏi mặt đất trần gian này. (T.Vấn).

IMG_0137

Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn

Năm nay hoa tím nở sớm. Những cánh hoa be bé tím ngát cả bầu trời mang vào lòng nỗi buồn mênh mang. Trời cuối tháng Tư chợt trở gió, hoa bay bay như vạn giọt nước mắt tím của người mình khóc một ngày dâu bể tuy đã xa mà vết thương lòng không bao giờ khép. Nghe những bài tháng Tư lòng nát bươm như muôn cánh hoa tím nhòe nhoẹt dưới bước chân người. Cuộc chiến đã tàn, lịch sử đã sang trang, lớp trẻ lớn lên lòng trong như nước ruột rỗng như những cọng rau muống xanh tươi. Họ nhớ làm gì chuyện Quốc Cộng, biết làm gì lý lẽ phân tranh, bởi có ai đi ngược được dòng đời và có ai trả được mạng của người chết, xóa được nỗi khổ đau của kẻ còn … Để cho những người đã có mặt trong chặng đời bể dâu ấy mỗi người phải mang lấy riêng mình một nỗi tang thương. Đời càng dài nỗi tang thương càng ngấu càng đậm sâu, càng buồn hơn khi những chứng nhân còn sót lại của lịch sử rồi cũng lần lượt như bụi lắng yên bên bờ sông lịch sử. Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc rồi cũng đã đến bờ.

Nhìn lại, phải ngạc nhiên về cuộc đời rất dài của Phan Lạc Phúc. Dài không vì tuổi thọ mà vì những chặng đường ông đã đi qua. Mười tám tuổi đi kháng chiến, sau 4 năm ra bưng chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh thấy ra “cuộc chiến này không phải của mình,” về thành lại bị động viên vào Quân Đội Quốc Gia, mà thực chất là “đi lính Tây.” Lưu lạc vào Nam thành lính Cộng Hòa, từ “chiến binh lội ruộng” về tham mưu báo chí thành ký giả Lô Răng, từ sĩ quan cao cấp qua một ngày thành tù cải tạo “được thăng chức làm ‘phân cục trưởng’ chuyên môn đi gánh c…” Mười năm cải tạo 6 năm nín thở qua sông khốn khó cùng đất nước để sau cùng làm lưu dân trên đất Úc. Cuộc đời đó nếu kèo thêm đôi chuyến vượt biên ở đảo thì kể như trọn một bộ trường thiên Cuốn Theo Chiều Gió, vẹn nghiệp chứng nhân của trăm năm nước Việt.

Trăm năm nước Việt, Phan Lạc Phúc mang theo mình những gì, gửi lại cho chúng ta những gì?

Chỉ với Tuyển Tập Tạp Ghi là có thể thấy gần hết cuộc đời PLP, thấy những chấm phá sắc sảo của xã hội miền Bắc những năm tháng thanh bình với bờ ruộng lũy tre chợ búa thôn làng và những lễ tục in đậm vào lòng trẻ thơ, của những nẻo đường kháng chiến với tuổi đôi mươi mộng mơ đầy lý tưởng, của hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa văn nghệ thể thao văn hóa chính trị, của thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa trí thức không bằng cục phân…, của đời lưu vong cả ngày chỉ biết chỉ nghĩ về một quê hương đã mất.

Những cảm xúc, tâm tình, của PLP qua mỗi chặng đời mỗi kỷ niệm dường khơi mở trong lòng mình bao nỗi buồn vui, giải cho mình những thắc mắc nghi ngại, vẽ cho mình những khung cảnh xã hội chưa biết đến bao giờ. Qua Tạp Ghi của Phan Lạc Phúc tôi tìm được những câu trả lời hết sức đơn giản về những chuyện phải đọc thiên kinh vạn quyển: lễ khai tâm thì có làm cho mình sáng dạ đâu?, chiến tranh Việt Nam sao bị gọi là chiến tranh ủy nhiệm? Có lẽ điều quý nhất chính ở chỗ Phan Lạc Phúc là Ký giả Lô Răng, không phải nhà văn Phan Lạc Phúc, để tôi có thể tin mà không cần phải đắn đo về cái kiến thức mà Nguyễn Xuân Nghĩa gọi là uẩn súc. Bên cạnh những nhận định đơn giản mạch lạc và chắc chắn về thế cuộc, PLP còn có những thẩm nhận tinh tế về văn hóa, con người. Qua PLP, những bóng người đã một lần có mặt trong cuộc bể dâu hiện ra như phố đêm Sài gòn quanh co khuất nẻo, những uẩn khúc không ai biết đến nói lên can qua không chỉ trên đất nước mà còn trong nội tâm của tác giả, nơi hoàn cảnh mỗi gia đình, trong suy tư của người dân một đất nước.

Đọc Phan Lạc Phúc cứ thấy hình ảnh một con người văn hóa, không phải một quân nhân, một chính trị gia, một nhà giáo, hay một nghệ sĩ. Văn hóa nào làm nên con người ấy? Văn hóa Việt hay văn hóa loài người, văn hóa xã hội hay văn hóa trường lớp, văn hóa chuyên môn hay văn hóa tổng quát? Có lẽ là tất cả, nhào trộn thành một thứ mật tuôn chảy trong con người của ông, để đọc Tạp Ghi tôi thấy ra mình rỗng như cọng rau muống mà Phan Lạc Phúc là bể đời mênh mông, là nước Việt mênh mông.

Định cư nơi đất Úc, Phan Lạc Phúc có lần nhìn hoa tím jacaranda mà nhớ cây xoan già nơi chốn cội nguồn. Giờ đây về với nguồn cội, biết trời Úc hoa có vì ai nở ngát phút này. Nơi đây xin mượn cánh hoa be bé tiễn đưa một khuôn mặt của quê hương về với đất trong những ngày cuối tháng Tư hoa tím.

Vĩnh biệt, Phan Lạc Phúc.

Lưu Na

04292016

©T.Vấn 2016

Nhà văn Phan Lạc Phúc qua đời, hưởng thọ 88 tuổi

(Nguồn: Người Việt)

SYDNEY, Úc (NV) – Nhà văn Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng, phụ trách mục Tạp Ghi của nhật báo Tiền Tuyến (trước năm1975) vừa qua đời lúc 1 giờ 32 phút chiều Thứ Năm, 28 Tháng Tư, tại Sydney, Úc, ông Phan Lạc Tiếp, em trai của người quá cố, xác nhận với nhật báo Người Việt.

“Gia đình tôi có năm anh em, chỉ có anh Phúc và tôi vào Nam, dựa nhau mà sống,” ông Tiếp, hiện sống ở San Diego, California, nói về người anh ruột. “Cho tới sau này, tôi có được học hành một chút tất cả là nhờ dựa vào anh, cả vật chất lẫn tinh thần.”

Ông chia sẻ thêm: “Năm 1975, là một sĩ quan Hải Quân, tôi mang được cả gia đình thoát khỏi Việt Nam, trên dương vận hạm 502, chở được 5,000 người, nhưng trong đó không có ông anh tôi, thành ra, có một thời gian tôi khốn khổ vô cùng. Nhưng rồi sau này, khi hai anh em gặp lại, dù mọi chuyện xảy ra thế nào, anh vẫn là chỗ dựa của tôi.”

Ông Phúc sinh năm 1928, tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Ðức. Ra trường, ông phục vụ tại Tiểu Ðoàn 6 Việt Nam. Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Ðịnh.

Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, New York, Mỹ. Về nước, ông được cử giữ chức vụ phụ tá trưởng phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu (trưởng phòng lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn Văn Châu, về sau là giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý) và lần lượt giữ các chức vụ khác như trưởng phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân; sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.

Sau biến cố 1 Tháng Mười Một, 1963, trường Chiến Tranh Chính Trị được thành lập với sự cố vấn của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, ông Phan Lạc Phúc về làm trưởng khối huấn luyện của trường, và phục vụ văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ Tổng Tham Mưu VNCH về “Lục Ðại Chiến.”

Năm 1965, ông Phan Lạc Phúc trở thành ký giả Lô Răng khi về giữ chức vụ chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến.

Năm 1973, ông từ giã nghề ký giả đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình rồi sau đó về giữ chức vụ tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị Quân Ðoàn III tại Biên Hòa, nhưng chỉ được một năm, đầu năm 1974, lại vướng nghiệp báo, ông về trường Cao Ðẳng Quốc Phòng để phụ trách tập san nghiên cứu của trường.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, Trung Tá Phan Lạc Phúc bị tù cải tạo qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu ở miền Nam, rồi các trại ở Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), Hà Nam Ninh tại miền Bắc, và sau cùng là trại Z 30 D ở Xuân Lộc ở miền Nam.

Ra tù năm 1985, vợ chồng ông được con gái bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình sang Sydney năm 1991.

Tại đây, nhà văn Phan Lạc Phúc có cái duyên gặp lại nhà văn Nhất Giang, một nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến năm xưa, chủ trương hai tờ báo tiếng Việt lớn nhất nước Úc lúc bấy giờ là nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ.

Thế là ông Phúc có cơ hội cầm bút lại, và cũng với thể loại tạp ghi. Ngoài Chiêu Dương, tạp ghi của Phan Lạc Phúc còn xuất hiện trên hai tờ báo khác là Việt Luận, Dân Việt (đều ở Úc), Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), và Thời Báo (Canada).

Những tác phẩm “tạp ghi” của ông đã được nhà xuất bản Văn Nghệ ở California xuất bản lần đầu tiên, sau đó được in lại tại Úc, trong mục đích gây quỹ giúp nạn lụt tại Việt Nam năm 2000 và giúp gây quỹ xây dựng nhà thờ quốc tổ cũng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng của Người Việt Tự Do tại New South Wales, Úc.

Những tác phẩm của nhà văn Phan Lạc Phúc là Bạn Bè Gần Xa (2000,) Tuyển Tập Tạp Ghi (2002)

Ngoài tên thật Phan Lạc Phúc và bút hiệu ký giả Lô Răng, ông còn dùng một số bút hiệu khác như Thiên Khải, Tường Huân, Huy Quân, Thiên Chương. (HP)

Bài Mới Nhất
Search