T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Thương: VIẾT CHO CÔ GIÁO LAM HÀ TĨNH

clip_image002

 

Cô ơi, cô có biết…

Đất nước mình có nhiều điều rất ngộ **

Khi trẻ thơ kiếm con chữ giữa rừng

Sẽ đến chỗ … quanh trường em là mộ

Em đến trường bằng một đoạn dây thừng

Đu như xiếc trên vực sâu sông suối

Gió của đồi thổi tốc áo mong manh

Bóng mẹ tiễn…một nắm cơm và muối

Ráng nghe con theo thầy bạn học hành

Cơn mưa rừng có làm em chùn bước

Rét buốt này em chịu đựng nổi không

Thương sách vở trên đầu em … chưa ướt

Ngôi trường em xiêu vẹo giữa nắng hồng

 

Cô ơi, cô có biết…

Đất nước mình có vạn điều may rủi

Tuổi của em, tuổi cắp sách đến trường

Nhìn trang lứa em khóc thầm phận tủi

Vé số đây… chân lê khắp phố phường

Ly trà đá cho lòng em đỡ khát

Quán tình thương cơm gạo của một ngày

Biết lấy gì để cám ơn cô bác

Tạ ân lòng từ thiện – buổi cơm chay

Em mơ ước bàn tay em cầm viết

Chẳng cầm tiền, đội mưa nắng kiếm tìm

Nửa con chữ chẳng bao giờ em biết

Ta nghẹn lòng thương quá một cánh chim …

 

Cô ơi, cô có biết…

Có những em sống chung với đồi rác

Ngày lất lây theo mưa nắng đất trời

Đêm sinh ra em đã nghèo xơ xác

Rác “thành” cơm, nghề cha mẹ bao đời

Chưa từng biết mùi thơm của tóc mượt

Tuổi ngọc ngà son phấn với má hồng

Mớ ve chai, mớ phế liệu là phần phước

Bữa cơm chiều thêm chút cá no lòng

Ngày Tết đến, em chưa từng áo mới

Chưa được ngày ngủ đủ giấc thần tiên

Suốt cuộc đời chỉ nghe câu “Rác tới”

Tội nghiệp em, không sách vở bạn hiền …

 

Cô ơi, cô có biết…

Em và chữ sao lênh đênh đất khách

Tuổi thơ hồng lại tím lục bình trôi

Em nắn nót chữ Việt mềm trang sách

Ơn thầy cô, những giây phút bồi hồi

Em mơ ước được một lần lên phố

Nhìn đất bằng không dậy sóng mênh mông

Không làng nổi sống một đời thống khổ

Được một ngày không trôi nổi bềnh bồng

Biển Hồ đó chốn đói nghèo lam lũ

Nay cạn nguồn hồ trơ đáy phù sa

Làng nổi xưa và ngôi trường ngập lũ

Cũng chẳng còn, em chợt nhớ quê cha …

 

ô ơi, cô có biết…

Có những em chưa trăng tròn mười sáu

Chưa biết mơ làm Công chúa trong rừng

Mà phải bán cả gia tài ngọc báu

Xác thân em đổi cơm áo – người dưng

Mười ba tuổi em đã là người của…

Khách muôn phương, mời gọi “chú chơi con”!

Đất phương Nam còn biếc xanh màu lúa?

Em xanh xao gầy guộc những héo mòn

Chiếc răng khểnh của Mẹ cho tuổi ngọc

Thêm chút son, lơi lả chuốc rượu người

Cửa biên giới, một lần đi òa khóc

Địa ngục này là vĩnh viễn Mẹ ơi!

Còn nhiều nữa… những điều chưa kể hết

Chuyện nước mình như Ngàn Lẻ Một Đêm

Có những điều nghe mà lòng lặng chết

Cô giáo Lam ơi, người có trái tim mềm…

Như Thương

(Cuối Tháng 4, 2016)

** “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”- Tựa đề bài thơ của cô giáo Trần thị Lam- Hà Tĩnh

 

Sau đây là nội dung toàn bài thơ, nói lên nỗi lòng của một người Việt đối với đất nước mình:

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

TRẦN THỊ LAM (Hà Tĩnh)

Tác giả Trần Thị Lam là một giáo viên dạy văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Sau bài bài thơ này được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội thì công an đã mời cô Lam lên làm việc và sách nhiễu, facebook của cô giáo bị đóng,

Cập nhật tình hình cô giáo Lam (chiều ngày 28/4)

Sau khi bài thơ “đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam được phổ biến trên mạng, ngày 27/4 công an đã triệu tập cô Lam về công an phường làm việc và yêu cầu cô giáo phải xóa bài thơ này, facebook của cô cũng bị xóa, nhà trường cũng xem xét hình thức kỷ luật với cô giáo, nhiều người thân lo lắng cô có thể bị khởi tố hình sự vì bài thơ này.

Đến hôm nay (28/4) khi tin cô giáo phải làm việc với công an lan khắp nơi, trước sự phản ứng của cộng đồng mạng, nhà trường chỉ dứng ở mức cảnh cáo cô giáo nhưng chưa dám kỷ luật.

Đến trưa hôm nay facebook cô giáo Lam đã hoạt động trở lại https://www.facebook.com/an.nhu.775

Ánh Sáng

Bài Mới Nhất
Search