T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tạp Ghi Sau 40 Năm – Kỳ 14

Nội chiến Nam Bắc

Tháng Tư của 150 năm trước…

Tháng Tư của Hoa Kỳ là một ngày của lịch sử. Sau chiến tranh giành độc lập, 13 thuộc địa Bắc Mỹ thắng Anh quốc trở thành Hoa Kỳ với tổng thống George Washington thì tiếp theo đến trận nội chiến chia đôi Nam Bắc. Vào thời kỳ đó, nước Mỹ gồm các tiểu bang đông-bắc chủ trương giải phóng nô lệ. Các tiểu bang miền Nam quyết đòi giữ lại chế độ nô lệ cho nông nghiệp. Tổng thống miền Nam là Jefferson Davis. Thủ đô là Richmond tại Virginia.

Nội chiến xảy ra thời Tổng thống Abraham Lincoln với hai vị tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc và tướng Robert E. Lee của miền Nam. Khi cuộc chiến Nam Bắc bùng nổ, nước Mỹ chia đôi, 11 tiểu bang miền Nam ly khai. Hoa Kỳ còn lại 21 tiểu bang miền Bắc. Trận đánh cuối cùng, quân miền Bắc chiếm được Richmond vào ngày 2-4-1865. Hai ngày sau tổng thống Lincoln thị sát Richmond, bước vào dinh tổng thống miền Nam đã bỏ chạy. Ngày 15-4-1865, tổng thống Lincoln bị ám sát.

Cuộc chiến tranh với hàng trăm trận đánh tại miền đông Hoa Kỳ trong 4 năm đã làm cho quân hai bên chết 620 ngàn và hàng triệu người bị thương tích..Cuộc chiến tranh tương làm tan nát các đô thị miền đông và vùng Virginia, nhưng không thiếu những cuộc tình bất hủ của thời chiến, tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ Cuốn theo chiều gió.

(Nguyễn Hòa Bình)

Thâm u bí sử

Năm 1982, nhà xuất bản văn nghệ Sài Gòn phát hành một quyển sách có tên là Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng: Kết thúc cuộc chiến 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà. Sách ra được một tháng thì bị tịch thu và gây ra sôi động trong giới tướng lãnh Hà Nội. Trong sách, tướng Trà chỉ trích giới tướng lãnh Hà Nội nhát và đánh giặc kiểu nhà giàu.

Theo ông, công chiến thắng ở miền Nam đến từ mặt trận B2, mà ông là một trong những tư lệnh của chiến trường đó. Theo ông Trần Văn Trà, ông là người đề nghị đánh thẳng vào Ban Mê Thuột thay vì tấn công lẻ tẻ các quận nhỏ.

Kinh nghiệm quân sự của tướng Trà làm nhiều tướng lãnh Hà Nội ghen ghét. Đó cũng là lý do tại sao sách của ông ta bị thâu hồi khi vừa được xuất bản. Về quyển Chiến tranh hay hòa bình. Một vài chi tiết quan trọng của cuốn này nói về các lực lượng tập kết ra Bắc, và có một thời gian lực lượng này (Sư Ðoàn 335) nổi loạn chống lại cộng sản Việt Nam nhưng bị đè bẹp.

(Binh đoàn, binh Trạm, và đường đi B – Nguyễn Kỳ Phong)

Nội chiến Nam Bắc

Câu chuyện đầu hàng…

Lịch sử ghi lại rằng cách đây 150 năm, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của tướng Lee đề nghị phân tán để đánh du kích, nhưng tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị tiếp vận bị giới hạn nên đành chấp nhận thua cuộc.

Với lá thư riêng gửi cho tướng Grant yêu cầu thu xếp buổi họp mặt. Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh và quân lính miền Nam bại trận.

Ngày lịch sử 9-4-1865, tướng Lee và đại tá tùy viên cưỡi ngựa đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.

Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa để canh tác, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.

Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh.

(…)

Thâm u bí sử

Trong Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng: Kết thúc cuộc chiến 30 năm, của thượng tướng Trần Văn Trà tiết lộ:

Tướng Hoàng Cầm dùng Quân đoàn 4 đánh chiếm Phước Long (ngày 6-1-1975). Mất Phước Long, con đường huyết mạch từ Sài Gòn lên Kontum bị tê liệt. Lúc đó Bộ tư lệnh B3 của tướng Hoàng Minh Thảo sẵn sàng chuẩn bị đánh Kontum. Cho đến khi tướng Trà phản đối (có ý kiến thì đúng hơn) với Văn Tiến Dũng và Võ Nguyên Giáp khi họ cho phép tướng Hoàng Minh Thảo (tư lệnh mặt trận B3 Tây Nguyên) mượn một sư đoàn của B2 để đánh Kontum.

Ông đề nghị:

Nếu đánh thì đánh Ban Mê Thuột, vì đó là điểm đối phương không chú ý.

Trong khi quân ủy cãi tới cãi lui về mục tiêu của họ ở Tây Nguyên, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ nghe theo đề nghị của tướng Trà: Ban Mê Thuột là mục tiêu chính.

***

Trong hồi ký của Văn Tiến Dũng (Đại thắng mùa xuân), ông kể lại trong một buổi họp Quân ủy trung uơng để quyết định đánh vùng nào ở Tây Nguyên, thì Lê Đức Thọ bất thình lình bước vào phòng họp và “chỉ đạo” các tướng tư lệnh quân sự đang họp:

‘’Lệnh là phải đánh Ban Mê Thuột, không được bàn cãi. Thọ nhấn mạnh thêm một câu : Chúng ta có năm sư đoàn ở Tây Nguyên mà đánh Buôn Mê Thuột không được là như thế nào?

(Binh đoàn, binh Trạm, và đường đi B – Nguyễn Kỳ Phong)

– : Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, và Hòa hay chiến tranh bị Lê Đức Thọ chỉ trích sách ấy…sai từ đầu đến cuối.

Nội chiến Nam Bắc

Nghĩa trang của phe chiến bại…

Năm 1861 khởi chiến Nam Bắc, năm 1901 tức 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hòa giải dân tộc, các tử sĩ miền Nam được cải táng đưa vào nghĩa trang Arlington của bên thắng cuộc ở Hoa Thịnh Ðốn gọi là Confederate Memoria. Ở đấy người ta dựng lại lịch sử các trận chiến. Những cái chết hào hùng của cả hai bên, các tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ quân phục màu xanh của Nam quân, quân phục màu xám của Bắc quân. Nhưng đặc biệt là hình ảnh của bên thua cuộc lại được lưu ý hơn cả bên thắng cuộc. Lá cờ rách gạch chéo với 13 ngôi sao của miền Nam một thời tung hoành trên chiến trường được treo tại thủ đô cũ Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện “Đầu hàng”.

Trước khi bị ám sát, Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của bậc anh hùng sẽ phải được dựng lại ở chính nơi mà những người anh hùng đã ngã xuống.”

Ðó là bài học chiến tranh, và sau đó là hành xử của người chiến thắng biết tôn trọng kẻ thù…

(Nguyễn Hòa Bình)

Bên lề trận chiến

Chuyện “Dinh Độc Lập 11 giờ 15 phút” như chuyện Lã Sinh Môn (Rashomon-Nhật) vì mỗi người kể mỗi khác. Chuyện 2 chiếc xe tăng húc đổ dinh Độc Lập cũng vậy, vì “lịch sử được làm bằng báo chí” và được “phục dựng” lại…(Lê Văn Phượng, người húc đổ cổng dinh ĐL)

 

Chuyện hai chiếc xe tăng húc đổ dinh Độc Lập

Ngày 1-5-1975, khi rút về căn cứ Long Bình, anh Lê Văn Phượng đã viết tường trình những gì đã xảy ra: Tank 390 của anh húc đổ cổng bên trái và vào dinh Độc Lập trước. Tank 843 của Bùi Quang Thận bị kẹt ở cổn bên phải không vào đươc.

clip_image002

Tanh 390 Tank 843 (bị kẹt lại)

Anh không biết cấp trên báo cáo ra sao để “lịch sử thành văn” chỉ nhắc đến chiếc xe của Bùi Quang Thận. Về sau, do vụ “cắm cờ” đã khá bầm dập nên nhiều anh nghĩ, cải chính làm chi cho phức tạp, phiền toái thêm.

Khi coi phim tài liệu, thấy Bùi Quang Thận cầm một lá cờ rất to, loại cờ không chứa trong chiếc xe tăng tiến vào dinh trong ngày 30-4, Lê Văn Phượng tặc lưỡi nghĩ: “Lịch sử đôi khi được làm bằng báo chí”. Những thước phim, những bức ảnh “húc đổ cổng dinh Độc Lập” được “phục dựng đã thế chỗ sự thật”. Sau đó, Việt Nam lại xung đột với Trung Quốc mà chiếc tank 390 của anh là T59, viện trợ của Trung Quốc, trong khi chiếc tank 843 của Bùi Quang Thận là T54, viện trợ của Liên Xô. Vì vậy anh lại càng không nghĩ tới việc làm rõ sự kiện này.

(Francoise de Mulder)

 

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

Chiều tối, Trung tướng Vĩnh Lộc, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh vào dinh Hoa Lan thuyết trình tình hình quân sự quanh khu vực Sài Gòn. Cuộc thuyết trình khẳng định tình thế hoàn toàn tuyệt vọng với quân lực VNCH. Sau khi hai tướng lĩnh về, tôi đề xuất với ông Minh nên vào dinh Độc Lập ngủ đêm nay. Ở đó có tầng hầm chống lại pháo kích bom. Sau một phút suy nghĩ, ông Minh đồng ý vào dinh Độc Lập. Lúc đó khoảng 9 giờ tối.

Xe từ dinh Hoa Lan ra cổng trước, đi theo đường Hồng Thập Tự, đến đường Công Lý rẽ trái là đến cổng chính vào dinh Độc Lập. Đường đi chưa đến một ngàn mét. Vì có khá đông người, trong đó có cả gia đình của một số dân biểu, nghị sĩ. Khi sĩ quan trong dinh hướng dẫn ông bà Dương Văn Minh đến phòng ngủ của ông bà Thiệu trước đây ở tầng hai. Ông bà Minh mời vợ chồng tôi và vợ chồng dân biểu Nguyễn Hữu Chung vào ở chung phòng. Sự nhớ hồi chiều chưa dùng cơm, tôi hỏi viên sĩ quan trong dinh có gì để ăn không. Viên sĩ quan này bối rối trả lời rằng không còn gì cả dù chỉ là một miếng bánh mì và thịt nguội!

Trong phòng ngủ của ông Thiệu chỉ có một cái giường dành cho ông bà Minh. Tôi không biết ông bà có chợp mắt được hay không. Vợ chồng tôi và vợ chồng Nguyễn Hữu Chung ngả lưng trên sàn có trải thảm cạnh đó. Vợ tôi và vợ Chung (Nguyễn) rì rầm nói chuyện với nhau cả đêm. Chỗ Chung (Nguyễn) và tôi nằm, nhìn thẳng ra đại lộ Thống Nhất. Trước mắt chúng tôi là quang cảnh máy bay trực thăng liên tục đáp xuống sân thượng tòa đại sứ Mỹ bốc người đưa ra Đệ thất hạm đội, tạo nên một vầng sáng kỳ lạ, nhìn từ xa như một đám cháy lớn. Thật khó tả

tâm trạng của tôi trước quang cảnh này.

Đúng lúc đó tôi bỗng nghe Chung (Nguyễn) nói nhỏ vào tai tôi: “Mai tao đi. Con tao còn nhỏ quá, bên vợ không ai chịu ở lại…”. Gia đình bên vợ Chung (Nguyễn) là người Bắc di cư nên thật khó ở lại. Biết được quyết định của người bạn đã gắn bó với mình trong suốt những năm tháng hoạt động chung ở quốc hội tôi sững sờ nằm lặng yên. Bởi tôi biết lời khuyên của tôi trong trường hợp này là vô ích. Chung (Nguyễn) là người bạn thân nhất của tôi dù đôi khi chúng tôi có quan điểm khác nhau. Tôi không nhớ đêm đó mình có chợp mắt lúc nào hay không. Vầng sáng trước mặt như một đám cháy, kéo dài suốt đêm, đến hừng sáng hôm sau…

(Hồi ký không tên – Lý Quý Chung – Chương: “Thời khắc lịch sử: Đầu hàng”)

– : Chú thích của tác giả: Ở Sài Gòn lúc đó người ta gọi phân biệt hai Chung và hai Trung.

Chung Nguyễn (Nguyễn Hữu Chung) và Chung Lý (Lý Quý Chung) trong quốc hội và báo chí.

Trung Lý (Lý Chánh Trung) và Trung Nguyễn (Nguyễn Văn Trung) dạy đại học.

 

Chuyện hai chiếc xe tăng húc đổ dinh Độc Lập

Chiến tranh chấm dứt, Trung úy Bùi Quang Thận được điều về bộ chỉ huy. Còn Thiếu uý Lê Văn Phượng và tank 390 được điều lên biên giới Tây Ninh, chuẩn bị cho cuộc chiến ở Campuchia, rồi tháng 3-1979 lại được điều ra tham gia cuộc chiến tranh phía Bắc.

Thiếu úy Lê Văn Phượng ra quân, về quê, năm 1992 anh học hớt tóc, rồi dựng lều hành nghề ở bờ hào bên thành nhà Mạc, bị công an đuổi chạy lên, chạy xuống. Sau, người lính đã cho chiếc tank nghiến lên cổng dinh Độc Lập ấy đã phải chạy về mở lán cắt tóc gần cổng trường Sĩ quan lục quân ở Sơn Tây. Tuy không tranh dành quyền lợi ở chốn quan trường, nhưng trong thẳm sâu, người lính ấy cũng tự hào về những gì mà mình đã làm cho đất nước.

Anh đem chuyện “húc đổ cổng dinh Độc Lập” kể với con. Nhưng ở trường, lịch sử dạy không giống như những gì đã xảy ra. Đứa con về khóc: Bố nói bố chỉ huy xe 390 vào dinh Độc Lập trước tiên, con khoe với bạn học và cô, nhưng bài học dạy, bác Bùi Quang Thận lái xe vào trước và cắm cờ trên dinh. Chúng bạn trêu con nói phét. Con xin nghỉ học.

(…)

Góp nhặt…ghi chép…

Theo ông Lý Chánh Trung, ông Minh đã lặng lẽ ra đi mà không hề để lại một dòng hồi ký. Ông Minh có lẽ đã khôn ngoan cứ để cho người đời bàn cãi về việc ai đã ra lệnh giết hai anh em nhà Ngô Đình Diệm, về việc vì sao lại chọn cách đi vào lịch sử như một kẻ đầu hàng.

Ông Lý Chánh Trung là người đọc điếu văn trong tang lễ khi ông Minh mất tại Mỹ ngày 6-8-2001. Sau bài điếu văn, ông thổ lộ: Ông Dương Văn Minh khi nhận trách nhiệm thì sẵn sàng chịu số phận như Thủ tướng Cao Miên Sirik Matak bị Khờ me đỏ giết ở Nam Vang.

Trong nhà quàn ở Rose Hill, nam California có mặt ông bà cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,

ông bà cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, tướng lãnh và một số sĩ quan thân cận ông Minh. Nhưng các khách đến viếng không một ai mặc quân phục. Trong tang lễ, không hình ảnh nào liên quan đến đời quân ngũ của cựu (1) Đại tướng Dương Văn Minh, như: Gươm lệnh, gậy chỉ huy, huy chương, mũ “kết-pi”, v…v…Tuy nhiên lĩnh cữu ông Minh có phủ quốc kỳ VNCH.

***

(1) Năm 1964 khi bị “chỉnh lý” bởi tướng Nguyễn Khánh, “Quốc trưởng” Nguyễn Khánh phong cho ông Minh chức “đại tướng”. Nhưng ông Minh không nhận.

Vì vậy sau có người gọi ông là…“đại tướng”, có người gọi ông là trung tướng.

Chuyện hai chiếc xe tăng húc đổ dinh Độc Lập

Lê Văn Phượng xuất ngũ năm 1992. Sau 1995, chiếc tank 390 được đem về Bảo tàng tăng thiết giáp, Hà Nội. Nhưng tank 390 của Trung Quốc được thay thế với…tăng T54 của Liên Xô.

clip_image004

Tank 390 tại Hà Nội

(Francoise de Mulder)

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

8 giờ sáng ngày 30-4, các nhân vật dự kiến trong tân nội các tập trung tại phủ thủ tướng nằm ở cuối đại lộ Thống Nhất. Khi Tổng thống Dương Văn Minh đến, cuộc họp diễn ra với một số người rất hạn chế, gồm Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu…Trong khi những thành viên còn lại của chính phủ ngồi đợi ở phòng ngoài.

Ông Minh mở đầu buổi họp bằng việc trình bày tình hình quân sự nói chung và Sài Gòn nói riêng là không còn cứu gỡ. Cũng không nên nghĩ tới một cuộc thương thuyết chính trị với chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Hà Nội, qua trung gian chính phủ Pháp. Trong khi đó tình hình an ninh của thành phố Sài Gòn nguy ngập, chính phủ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Ông Dương Văn Minh kết luận: Để tránh cho Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Phòng họp im lặng, không có ai phản đối.

Được sự đồng ý của những thành viên chính yếu của chính phủ, ông Minh ra lệnh cho tôi với tư cách tổng trưởng thông tin cho gọi nhân viên kỹ thuật của đài truyền hình và đài phát thanh đến để thu âm bài tuyên bố. Khoảng 15 phút sau, anh em kỹ thuật viên đến, cuộc thu âm bài tuyên bố giao quyền của Tổng thống Dương Văn Minh hoàn chỉnh. Đích thân chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cầm cuộn băng và nhật lệnh đi đến đài.

(…)

Góp nhặt…ghi chép…

Theo kế hoạch thì chính phủ của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sẽ “ra mắt” vào lúc 10 giờ sáng 30-4-1975, nhưng khi các nhân vật của chính phủ cũ và mới cùng đến số 7 Thống Nhất, họ nghe được tuyên bố bàn giao chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh. Nhiều người trong số họ đã di chuyển sang dinh Độc Lập không phải để tuyên thệ mà để chờ đợi.

Trong thời gian ấy, tướng Nguyễn Hữu Hạnh sang đài phát thanh Sài Gòn tiếp nhận đài để trao cho phía “cách mạng”. Khi tướng Hạnh trở lại phủ thủ tướng, nơi đây đã hoàn toàn vắng lặng. Ông Hạnh chạy đến nhà ông Dương Văn Minh ở đường Hồng Thập Tự thì được biết ông Minh và gia đình đã vào dinh Độc Lập.

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

Cũng đúng lúc này có điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái. Anh cho biết Thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh. Cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó thượng tọa Trí Quang nói chuyện với Giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của Thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Trong khi ấy tôi thấy ông Minh ngồi thừ ra như có gì suy nghĩ lâu lắm. Riêng tôi lại e ngại, nếu đầu hàng chính thức đơn phương thì sẽ ra sao? Vì nhiều đơn vị quân đội VNCH vẫn còn đó, có khả năng họ sẽ phản ứng chống lại.

Chiếc xe của tổng thống Minh và đoàn mô tô bảo vệ đến dinh Độc Lập khoảng 9 giờ 30 sáng. Ông Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng của nội các Nguyễn Bá Cẩn, nội các cuối cùng của chính phủ Thiệu, có mặt ở phòng họp chính. Theo chương trình định trước thì phó thủ tướng Hảo đại diện cho nội các cũ sẽ bàn giao cho nội các mới của ông Dương Văn Minh. Nhưng cuộc bàn giao giữa hai nội các cũ và mới đã không xảy ra. Vì luật sư, nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền được ông Minh chọn làm phó tổng thống, lúc đầu có mặt tại dinh Độc Lập nhưng sau lại về nhà riêng.
Thời gian chờ đợi căng thẳng tôi chợt nghĩ: Cũng nên có mặt nhà báo vào lúc quân giải phóng vào dinh Độc Lập. Lúc này tôi nhớ đến nhà báo nữ tên Mai làm cho hãng thông tấn AFP. Tôi gọi điện cho Mai. Và Mai đến ngay với trưởng văn phòng AFP tại Sài Gòn Jean Louis Arnaud (1). Lúc nào Arnaud cũng ăn mặc trịnh trọng. Một bộ complet màu trắng khói, trên cổ thắt một chiếc nơ và trên tay có sẵn một cuốn sổ nhỏ.

Bỗng có người vào báo có một người Pháp muốn gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Đó là cựu tướng Pháp Vanuxem, ông đề nghị để cứu vãn tình hình tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn: Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa miền Nam. Tướng Minh than: Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!. Đứng xớ rớ một lúc, Vanuxem biến lúc nào tôi không nhớ.

(…)

(1) Jean Louis Arnaud là nhà báo thiên tả.

Góp nhặt…ghi chép…

Sau khi Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức, nhường lại ghế tổng thống VNCH cho Trần Văn Hương, người Pháp vẫn tin rằng họ có thể dàn xếp được một giải pháp chính trị. Tại Paris, ông Jean Sauvagnargues, bộ trưởng ngoại giao cộng hòa Pháp đã nhiều lần triệu kiến đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Ba và trưởng đoàn đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Nam Việt Nam Võ Văn Sung đến trụ sở bộ ngoại giao đưa ra các đề nghị về một giải pháp chính trị như chính phủ liên hiệp.

Trong lúc tìm kiếm giải pháp thương lượng lập chính phủ liên hiệp ba thành phần. Ngày 28-4, ông Dương Văn Minh đã bổ nhiệm người trung gian là ông Triệu Quốc Mạnh. Ông Mạnh là người được phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cài vào chức vụ giám đốc cảnh sát đô thành. Lấy cớ thực hiện ý định của tổng thống, ông Mạnh đã giải tán các phòng cảnh sát đặc biệt, các bộ chỉ huy cảnh sát các quận. Những hoạt động của ông Triệu Quốc Mạnh đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát tại Sài Gòn.

Ngày 28-4, ngay sau khi tân Tổng thống Dương Văn Minh vừa thu âm xong bản tuyên bố của mình với yêu cầu cả hai bên ngưng bắn, thì ông Vanussème, tùy viên quân sự của đại sứ quán Pháp xuất hiện. Ông này yêu cầu ngưng phát cuộn băng và đưa ra một đề nghị khiến ông Dương Văn Minh cũng phải kinh ngạc vì sợ mình nghe nhầm. Đề nghị đó là: Chính quyền ông Minh hãy ra tuyên bố chống Liên Xô và kêu gọi Trung Quốc can thiệp, ngăn chặn đại quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Ông ta nói có những nguồn tin ở Washington, ParisBắc Kinh cho biết Trung Quốc không ủng hộ một thắng lợi hoàn toàn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Vanusseme còn nói cứng: Trung Quốc sẽ vào và các ông sẽ đứng vững.

Tuy nhiên, do không biết thực hư ra sao nên ông Dương Văn Minh đã lấy cớ không còn thời gian và Sài Gòn không có liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh để từ chối đề nghị của Vanussème.

(Perfect Spy – Larry Berman)

Góp nhặt…ghi chép…

Sau hai lần từ chối không đi Mỹ, một lần với ông Scott và một lần với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, vào tuần lể cuối cùng của tháng tư, tôi ghé thăm anh Nguyễn Ngọc Huy tại công thự khiêm nhường của anh ở đầu đường Cao Thắng, chúng tôi bàn thảo về các biến cố chính trị đang diễn tiến và thái độ thích hợp phải có của chính chúng tôi, về chuyện đi hay ở. Anh có nhắc tôi giải pháp do Pháp trung gian của Mereillon, và theo tôi anh có vẻ đặt hy vọng nào đó vào giải pháp nầy sẽ cứu được miền Nam.

Tôi đã nói thẳng với anh, theo tôi tôi không tin Mỹ sau khi bỏ Việt Nam lại chịu để Pháp và Trung Quốc tạo được ảnh hưởng với Việt Nam chung cả hai miền Nam Bắc theo như thỏa thuận Mao Trạch Đông-Nixon năm 1972. Tôi cũng cho anh biết thuần túy trên lãnh vực quân sự, họ sẽ tiến thẳng vào Sài Gòn chiếm gọn miền Nam và tạo một sự đã rồi, fait accompli, cả về quân sự lẫn chính trị. Tôi hỏi anh những nhà lãnh đạo miền Bắc đang đà thắng thế quân sự có chịu ngừng lại để điều đình hay không?

(Những ngày cuối cùng của Vùng 1 và miền Nam – Duy Lam)

Góp nhặt sỏi đá

Các tài liệu, sách báo nói về cuộc chiến Việt Nam của cả hai bên, từ nhà nghiên cứ quân sự, ký giả chiến trường và những lời thuật lại của các nhân chứng nói chung dồi dào…

Nhưng không hoàn toàn giống nhau có khi còn…trái ngược nhau là khác. (Trọng Đạt)

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

Khoảng 11 giờ 30 sáng, chiếc tăng đầu tiên T54 của quân giải phóng xuất hiện ở từ đầu đại lộ Thống Nhất, phía Thảo cầm viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ ra đứng tại tiền đình của dinh Độc Lập để chuẩn bị cuộc đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng ngang nhà thờ Đức Bà thì đột ngột nổ liền hai phát nhưng không nhắm vào dinh Độc Lập. Nhưng tiếng nổ chát chúa của hai phát đại bác đã gây hoảng hốt cho tất cả những người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và…lo lắng chờ.

Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!. Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: Mọi người giơ tay lên!. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội.

Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh sinh viên. Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành (hoạ sĩ Ớt), Huỳnh Văn Tòng, v…v… Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Trong tôi có nhưng xót xa: Mình từng chống Mỹ, chống Thiệu để khi kết thúc, mình lại thay Mỹ thay Thiệu đầu hàng!

Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với tổng thống Minh: Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ Ngụy quyền. Ông Minh quay sang tôi đang đứng bên cạnh: Chung, toa hướng dẫn cho người này lên sân thượng. Sau này tôi biết đó là người chỉ huy chiếc tăng ký hiệu 843 tên là Bùi Quang Thận lúc đó mang hàm đại úy. Nói về sự kiện 30-4 tại dinh Độc Lập, có một hai bài viết kể tên ai đó (?) đã đưa bộ đội lên hạ cờ.

 

(…)

Bên lề trận chiến

(,,,) Cùng lúc với thành viên MTGPMN hợp tác trong chính phủ trung lập, Ðại tướng Dương Văn Minh tuyên bố sẵn sàng bang giao với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội này để cử đại sứ đến Sài Gòn ngay sau 24 giờ đồng hồ (…). Kế họach (1) này đánh phủ đầu Hà Nội bằng cách đưa đứa con nuôi của họ là MTGPMN lên nắm chính quyền…(…). Tôi (đại sứ Mérillon) cũng thông báo cho ông Dương Văn Minh hay tôi đã liên lạc với thành viên MTGPMN. Hầu hết đều tán thành giải pháp giúp họ thoát khỏi vòng quỹ đạo của Bắc Việt.

Ngày 27-4, tôi nhận được tin: Tướng Trần Văn Trà bắn tin nhờ tôi thành lập chính phủ trung lập và ông gửi gấp hai nhân vật thân tín của ông vào chính phủ là bà Nguyễn Thị Bình (1) và ông Trương Như Tảng…Tùy viên quân sự của chúng tôi cũng xác nhận 3 sư đoàn tập kết của Trần Văn Trà sẽ vào tiếp thu Sài Gòn, phỗng tay trên của đạo quân Văn Tiến Dũng.

Ngày 28-4, 8:00 giờ tối, sau khi nhận chức tổng thống do Trần Văn Hương bàn giao lại, ông Minh điện thoại xin lỗi tôi, bày tỏ sự hối tiếc đã không hợp tác được với chính phủ Pháp. (,,,)

(Saigon et moi – Jean M. Mérillon)

Góp nhặt sỏi đá

Những nhà nghiên cứu quân sự, ký giả chiến trường, nhà báo và những lời thuật lại của các nhân chứng nói chung dồi dào…Nhưng không hoàn toàn giống nhau có khi còn khác nhau nữa.

Trái ngược nhau như trong dinh Độc Lập với cả chục người có mặt, chỉ từ 11 giờ 30 sáng đến 2 giờ trưa ngày 30-4 vậy mà không ai viết giống ai.

Ngay cả với những bài viết của các tác giả ngoại quốc như SaiGon Has Fallen với Peter Arnett. Hay Ho-Tschi-Minh Stadt với Borries Gallasch, v…v…

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

Sau khi nhận chỉ thị của ông Minh, tôi đưa người bộ đội trẻ tuổi đến thang máy để lên sân thượng. Đến trước thang máy, tôi bấm nút cho cửa mở. Khi cửa mở rồi người bộ đội trẻ vẫn chưa chịu bước vào. Tôi đoán trong đời anh chưa bao giờ đặt chân vào một thang máy. Tôi nói với người bộ đội trẻ: Anh vào đi. Không có gì lo. Tôi cùng vào với anh. Nói xong, tôi vào trước. Sau ít giây do dự, anh bước vào, trên tay là khẩu súng và lá cờ giải phóng. Tôi không thể tưởng tượng được có một ngày như hôm nay: Đi thang máy chung với một người bộ đội.

Tôi bấm nút lên tầng cuối cùng. Cách thang máy không xa, ở trước sân thượng, sát bên ngoài là chỗ cắm cờ. Người bộ đội đi thẳng ra đó hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống. Tôi không bước ra theo. Tôi đứng phía trong một lúc, rồi quay trở lại thang máy đi xuống trước một mình (1).

Trong một bài báo kỷ niệm ngày 30-4-1975 của một tác giả đã đăng vào dịp tháng 4-2003, có ghi lại lời kể của ông Thận khi gặp ông Minh: Ông yêu cầu ông Minh chỉ đường lên hạ cờ Ngụy quyền thì ông Minh liền nói với người đứng kế bên thực hiện lời yêu cầu này. Người đứng kế bên ông Minh chính là tôi. Xem lại các bức ảnh ghi lại giây phút lịch sử này, tôi thấy ngoài lá cờ được đại uý Bùi Quang Thận treo cao trên nóc dinh Độc Lập, còn thấy xuất hiện một chiến sĩ bộ đội treo cờ tại bao lơn (balcon) ở tầng một. Có lẽ chính vì thế mà có sự ngộ nhận đại uý Thận không phải là người duy nhất treo cờ trên nóc dinh Độc Lập và cũng có lý khi có người khác tự nhận là mình (2) đã hướng dẫn bộ đội lên treo cờ.

Khi từ sân thượng tôi trở xuống đại sảnh thì mọi người đã vào trong phòng họp có cái bàn to hình ô van nằm bên cánh phải dinh Độc Lập. Tôi nghe một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: Anh hãy viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng. Ông Minh trả lời rằng sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng!. Ông Minh vẫn đứng yên lặng. Viên chỉ huy đề nghị ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng. Viên chỉ huy yêu cầu những thành viên của chính phủ đang có mặt gồm tổng thống Minh, thủ tướng Mẫu và tổng trưởng thông tin là tôi cùng đến đài phát thanh. Trước khi rời dinh Độc Lập, ông Minh nói với vị chỉ huy: Vợ tôi đang ở đây. Xin các anh bảo đảm an ninh giùm. Viên chỉ huy đáp: Anh hãy an tâm.

(…)

(1) Làm sao người bộ đội…bấm nút thang máy xuống lầu được?

(2) Ám chỉ Nguyễn Hữu Thái?

 

Bên lề trận chiến

Đây là đề nghị của Thủ tướng Chu Ân Lai điện cho Bộ ngoại giao Pháp là sẵn sàng hợp tác với Pháp để xây dựng một chính thể trung lập tại miền Nam nếu có thành phần MTGPMNVN tham dự trong chinh phủ liên hiệp gồm 3 thành phần: Quốc gia, Trung lập, và MTGPMN.

Chu Ân Lai đưa ra một danh sách: Trương Như Tảng, Nguyễn Thị Bình, Đinh Bá Thi, Trung tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Lê Quảng Ba ngỏ hầu làm lực lượng nồng cốt thân Trung Cộng trong chinh phủ hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Nam. (Saigon et moi – Jean M. Mérillon)

– : Chính phủ trung lập bao gồm các nhân vật của “lực lượng thứ ba”, là nhóm nhỏ của phe đối lập yếu ớt có khuynh hướng đứng giữa quốc gia chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Cho tới lúc đó họ bị coi thường cả một thời gian dài ở Sài Gòn không được phép vào trong dinh tổng thống mới của năm 1964. (Những ngày cuối cùng của Sài Gòn – Winfried Scharlau)

– : Bản dịch cuốn hồi ký Saigon et moi của Jean M. Mérillon, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam trước 30-4-1975: Dịch giả là Vũ Hải Hồ tức ký giả Trần Trung Quân ở Paris. Nhưng sau đó cuốn sách này bị Bộ ngoại giao Pháp thu hồi, nay chỉ có một bản duy nhất do tôi tình cờ có được cuốn đó và dịch với tựa đề “Saigon và tôi”. (Vũ Hải Hồ)

Giáo sư Hòang Ngọc Thành, nhà nghiên cứu sử học đã đích viết thư hỏi ông Mérillon đang là đại sứ Pháp tại Liên Xô có viết cuốn Hồi ký Saigon et moi không? Ông Mérillon đã trả lời cho giáo sư Thành bằng văn thư gửi từ Moscou có câu: Tôi không hề viết một cuốn Hồi ký như thế.

– : Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng bộ ngoại giao chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam: 17 ngày sau khi Sài Gòn mất, bà Bình tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc dụng ý tống khứ đạo quân Bắc Việt về bên kia Bến Hải: Miền Nam Việt Nam sẽ sinh hoạt trong điều kiện trung lập 5 năm trước khi thống nhất hai miền Nam Bắc. (Wikipedia)

– : Trương Như Tảng, bộ trưởng bộ tư pháp, là một trong những người thành lập MTGPMN đã “thoát ly” qua Pháp (Paris) tháng 11-1979. (Wikipedia)

Thời khắc lịch sử: Đầu hàng

Ông Minh, ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe jeep của bộ đội. Còn tôi đi theo trên một chiếc xe jeep khác của nhà báo Đức (1). Khi tôi đến đài phát thanh thì tất cả đã vào bên trong. Tôi vừa bước vào sân thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi: Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào sẽ liên lạc lại.

Nghe thế tôi lại đi trở ra. Sau này được biết, khi hai ông Minh và ông Mẫu vào bên trong đài phát thanh thì không còn nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát vào lúc 1 giờ 30 trưa. Sau đó hai ông Minh và ông Mẫu được đưa trở lại dinh Độc Lập. Vào lúc 5 giờ 30 chiều, luật sư Nguyễn Văn Huyền, Phó tổng thống Sài Gòn trở vào dinh Độc Lập

Từ 30-4 cho đến 2-5-1975, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và một số dân biểu, nghị sĩ vẫn còn ở trong dinh Độc Lập. Dự kiến sau khi đại diện Ủy ban quân quản gặp họ, tất cả sẽ được tự do ra về. Trong hai ngày ông bà Minh còn ở lại trong dinh Độc Lập, vợ tôi đã mang các bữa ăn sáng trưa và chiều vào dinh cho hai ông bà. Ngày 2-5-1975, chủ tịch Ủy ban quân quản Trần Văn Trà đến dinh Độc Lập…trả tự do cho ông Minh.

(Hồi ký không tên – Lý Quý Chung – Chương: “Thời khắc lịch sử: Đầu hàng”)

(1) Qua Ho-Tschi-Minh Stadt (TP. Hồ Chí Minh giờ khắc số 0). Nhà báo Borries Gallasch viết: Tôi đứng cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy Bùi Văn Tùng bằng tiếng Pháp, cố gắng xin để được lên xe của ông. Ông gật đầu đồng ý

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến

trong quán nhậu

Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”

về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:

Salem : Mà em làm anh sướng

(đọc ngược lại)

Cuối đường tháng Tư 75 ở dinh Độc Lập

Trước đó không lâu, trong một cánh rừng cao su ở Xuân Lộc (1), Tướng Lê Trọng Tấn giao nhiêm vụ cho Quân đòan 4 đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhât. Tướng Nguyễn Hữu An hỏi: “Nếu Quân đoàn 2 vào Sài Gòn trước có được đánh mục tiêu quan trọng nhất không?”.

Tướng Lê Trọng Tấn gật đầu.

Ngày 24-4, tại vườn cao su Long Thành (2), tướng Nguyễn Hữu An đặt vấn đề với Lữ đoàn 203 và 202: Cậu Tài (Lữ trưởng Lữ đoàn 203) tốt nghiệp Liên Xô. Cậu Tùng (Lữ trưởng Lữ đoàn 202) tốt nghiệp Học viện thiết giáp Trung Quốc. Các cậu có biết khi Liên Xô chấm dứt Thế chiến thứ hai đã dùng một lữ đoàn tăng để dứt điểm. Tại sao mình có lữ đoàn tăng, mình (3) không vào dinh Độc Lập.

Đêm 29-4, tướng Nguyễn Hữu An gửi công điện cho Lữ đoàn 203 (3): “Cố gắng đưa toàn bộ đội hình của các anh qua bên kia cầu đêm nay và độ ba, bốn giờ sáng 30-4. Chiếm xong cầu Rạch Chiếc, cầu Tân Cảng, cầu Sài Gòn. Các anh thi hành lệnh khẩn trương và liên lạc với tôi thường xuyên: Mục tiêu vào Sài Gòn là dinh tổng thống/An”.

(Bên thắng cuộc – Huy Đức)

(1) Quân đòan 4 lúc này dưới quyền chỉ huy của tướng Trần Văn Trà.

(2) Khi này Quân đòan 4 còn dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Cầm.

(3) Tướng Nguyễn Hừu An tốt nghiệp Học viện quân sự Liên Xô.

Quân sử ngoại truyện

Khi vào dinh Độc Lập, tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận (1) chỉ huy là xe đi đầu.

Đi sau là tăng 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy (2). Thấy xe 843 bị kẹt, Vũ Đăng Toàn liền cho xe 390 vòng sau xe 843 và húc vào cổng chính, phá tung cánh cửa sắt, vào trong sân dinh Độc Lập.

Đội trưởng Bùi Quang Thận vì đã biết lệnh của quân đoàn, ai vào trước thì cắm cờ lên dinh Độc Lập nên đã xuống xe, cầm cờ giải phóng chạy lên tầng thượng dinh Độc Lập.

(Đời chiến đấu – Nguyễn Công Trang)

(1) Tăng 843 của Liên Xô.

(2) Tăng 390 của Trung Cộng.

Góp nhặt sỏi đá

Qua những hồi ký, bút ký của nhân chứng có mặt trong trận chiến, có những khúc, những đoạn mà sau này các sử gia có thể dùng làm sử kiện. Nhưng người đọc lại nhìn những sự kiện này qua một góc cạnh khác như sử gia Fustel de Coulanges đã nhận định: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá…”.

Cuối đường tháng Tư 75 ở dinh Độc Lập

10 giờ sáng ngày 29-4-1975, tôi nhận được mệnh lệnh tiến công số 03/ML của Trung tướng Lê Trọng Tấn, phó tư lệnh bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Quân đoàn 4 là đánh chiếm Hố Nai, Tam Hiệp, Biên Hoà, đánh đầu cầu ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đột kích vào nội đô tiêu diệt địch, đánh chiếm Quận 1, nhằm vào mục tiêu chủ yếu là dinh Độc Lập.

Lúc 4 giờ sáng ngày 30-4-1975, tôi đã cùng bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đang ở tại Biên Hoà. Nhưng đường số 1 làm từ thời Pháp, lòng đường hẹp, cầu yếu. Quân địch ở khu căn cứ Biên Hoà, khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn tiếp tục chống trả. Trước tình hình rất khẩn trương như vậy, tôi và bộ tư lệnh quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 6 tiếp tục truy quét tàn binh địch, diệt các mục tiêu còn lại. Sư đoàn 7 không tiến theo đường số 1 nữa mà quay ra đường xa lộ để vào Quận 1.

12 giờ 30 ngày 30-4-1975, Đại đội 7, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) tiến theo đường Hồng Thập Tự, quẹo qua đại lộ Thống Nhất, tới thẳng dinh Độc Lập. Một giờ trước đó, Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Quân đoàn 2 đã tiến vào dinh Độc Lập.

Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vào dinh Độc Lập lúc đó có tư lệnh Nguyễn Hữu An. Ngay sau đó, tư lệnh đã chỉ thị ngay: Tôi nhắc cán bộ cơ quan đi cùng phải duy trì nghiêm kỷ luật, vì theo quy định của bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 phải bàn giao dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4 quản lý.

(Trò chuyện với VnExpress – Hoàng Cầm)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến

trong quán nhậu

Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”

về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:

Capstan : chiếc áo phong sương tình anh nặng.

Cuối đường tháng Tư 75 ở dinh Độc Lập

Vào tới dinh Độc Lập, chuẩn bị tiếp quản, những người lính mệt phờ vì lửa đạn nghỉ ngơi. Trong khi nghỉ ngơi nằm dài ở ngoài sân cỏ, có anh bộ đội viết thư về cho gia đình. Sau này mới biết lần đầu tiên thư viết gửi về Bắc chỉ mất có 4 ngày.

Tiếp đó là bữa cơm chiều. Bữa cơm đó chúng tôi nấu ngay tại sân dinh Độc Lập bằng thực phẩm mang theo xe là từng xe nấu riêng trong ống “coóng” (ăng gô) treo ở gốc cây, vẫn là cá khô, thịt hộp, rau khô. Xong, chúng tôi mời ông Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của VNCH. Tôi có nói với ông Minh ăn cơm bữa ni với cộng sản cho vui nhưng ông từ chối.

(Đời chiến đấu – Nguyễn Công Trang)

Nguyễn Công Trang là phó chính ủy Sư đoàn F325 thuộc Quân đoàn 2, người trực tiếp có mặt trong buổi trưa ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.

Góp nhặt sỏi đá

Nói theo Victor Hugo: Lịch sử là gì? Lịch sử là dư âm của quá khứ trong tương lai, là sự phản chiếu tương lai vào quá khứ. Cũng như nhà sử học tiên khởi Halikamasseus tập trung vào lịch sử văn hoá mà ông ghi lại những việc diễn ra trong quá khứ: Con người muốn nắm bắt quá khứ, diễn đạt theo sự kiện, theo “từ ngữ” mang tính chất tương đối của người ghi lại bằng những câu chuyện kể thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội nhân văn thời ấy.

Từ cái nhìn và ghi lại chuyện kể của quá khứ gắn liền với xã hội nhân văn thời ấy của Halikamasseus, kẻ chiến bại nhìn kẻ chiến thắng qua một lăng kính nhân bản khác…

Bữa cơm cuối cùng của cuộc chiến ở dinh Độc Lập

Đại tá Phạm Ngọc Sơn nhớ lại: Khoảng hơn 11 giờ ngày 30-4-1975, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, khi đến ngã tư Hàng Xanh, chưa biết đường nào đến dinh Độc Lập, ông (Phạm Ngọc Sơn) đã xuống xe hỏi đồng bào đứng ở hai bên đường và được mọi người cùng giơ tay chỉ hướng rẽ trái. Tiến qua cầu Thị Nghè, ông quan sát và thấy nơi đây vừa diễn ra sự chống trả quyết liệt của địch, xác lính Ngụy còn nằm quanh đó. Đoàn xe chúng tôi đi đến thảo cầm viên rồi rẽ phải và chạy được một đoạn thì nhìn thấy dinh Độc Lập. Tiến thẳng vào dinh, chúng tôi thấy xe tăng và bộ binh của ta đã triển khai xung quanh dinh Độc Lập.

Tôi xem đồng hồ, đã hơn 12 giờ trưa, mọi người nhanh chóng xuống xe. Các đồng chí bộ chỉ huy quân đoàn: Tư lệnh Nguyễn Hữu An, Phó tư lệnh Hoàng Đan, Phó chính ủy Nguyễn Công Trang, Thiếu tướng Nam Long vào đứng ở giữa dinh Độc Lập trao đổi gì đó, hầu như mọi người chưa ai biết nội các Sài Gòn ở đâu (?!). Vốn con nhà tác chiến nhạy bén, tôi chạy lên tầng 2 tìm kiếm thì gặp một người mặc thường phục từ trong phòng đi ra. Tôi chặn lại hỏi: Ông đi đâu?. Ông ta trả lời: Tôi xuống xe ô tô, lấy đồ dùng. Tôi không cho đi và hỏi: Ông Dương Văn Minh đâu? Người đó nói: Mấy ông giải phóng đưa đi đâu tôi không rõ. Tôi lại hỏi: Thế chính quyền các ông đâu cả…Người đó đưa tôi vào phòng họp tầng 2: Họ ngồi cả đây.

Khoảng gần 1 giờ, đồng chí Bùi Văn Tùng đưa Dương Văn Minh từ đài phát thanh Sài Gòn về. Sau đó, tư lệnh An chỉ thị cho tôi (Phạm Ngọc Sơn) đưa Dương Văn Minh gặp gia đình (?!), vợ con. Tôi đến trước mặt ông Minh nói: Ông Dương Văn Minh, Quân giải phóng cho phép ông được gặp vợ con và gia đình 15 phút. Ông nói rõ với vợ con và gia đình yên tâm không lo sợ gì cả, Quân giải phóng bảo đảm an toàn cho gia đình ông. Đến căn phòng bên cùng tầng 2, tôi gõ cửa, một bà chừng trên dưới 50 tuổi ra mở cửa, Dương Văn Minh bước vào. Đúng 15 phút sau, Dương Văn Minh mở cửa đi ra. Tôi đưa Dương Văn Minh trở về phòng.

***

Hơn 16 giờ, tư lệnh Nguyễn Hữu An gọi tôi xuống xuống chỉ thị cho triển khai cơm nước bữa chiều, kể cả nấu cơm cho nội các Sài Gòn. Thực ra việc này là của cơ quan hậu cần, nhưng “các cụ” thường nói: Mấy thằng tác chiến nó nhanh nhạy hơn. Tôi triển khai cho nuôi quân nấu cơm, nhưng không còn thứ thức ăn gì. Tôi nói với nội các Sài Gòn: Đã gần tối đáng lẽ quân giải phóng bảo đảm cơm nước cho các ông, nhưng chưa có điều kiện, các ông cứ cho vài người nấu cơm ăn? Nghe tôi nói một người khoảng 47-50 tuổi đi đến và nói: Tôi là Đại tá Vũ Xuân Chiêm, tổng trưởng hành dinh, để tôi tổ chức nấu ăn cho. Tôi hỏi có gạo, thực phẩm không, ông ta giơ chùm chìa khóa ra. Thấy tôi đồng ý, ông Chiêm gọi mấy cô gái đi nấu ăn và đưa tôi đến kho thực phẩm. Mở cửa kho của phủ tổng thống,….

…mở cửa kho của phủ tổng thống, có khá đầy đủ gạo thơm, chim, gà đã làm thịt, cá thu và gia vị để cả trong tủ lạnh, các loại bát đũa loại xịn…Tôi cho họ lấy gạo và cá để nấu ăn, còn gà, chim tôi gọi anh em bộ đội vào phân chia cho mỗi bộ phận một ít.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn kể lại bữa cơm chiều 30-4-1975 tại dinh Độc Lập có bia, nước ngọt, chim quay, gà luộc, cá kho và cơm gạo tám thơm thật ngon. (?!)

(Trần Văn Định)

(?!) Sực nhớ hồi chiều chưa dùng cơm, tôi hỏi viên sĩ quan trong dinh có gì để ăn không. Viên sĩ quan này bối rối trả lời rằng không còn gì cả dù chỉ là một miếng bánh mì và thịt nguội!

(Hồi ký không tên – Lý Quý Chung)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến

trong quán nhậu

Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”

về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:

Bastos : Bọn anh suốt tháng ôm sầu.

Ký ức 30-4-1975 ở sân dinh Độc Lập

Năm 1974, chàng hạ sĩ 20 tuổi Nguyễn Xuân Thành học hết lớp ba, rồi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, được điều động sang đoàn tiền phương của tổng cục kỹ thuật, bộ quốc phòng, vừa mới thành lập. Ước nguyện ra trận tiền của anh đã thành hiện thực. Đoàn tiền phương này bao gồm các cán bộ gốc miền Nam. Ngồi trên xe tải chở đoàn tiền phương, trong tay hạ sĩ Thành lúc nào cũng có một khẩu AK47, 4 băng đạn giắt vào lưng, trên xe còn nhiều hòm đạn, lựu đạn. Xe cắm cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Sáng ngày 30-4, đoàn tiền phương hướng về Sài Gòn. hạ sĩ Thành kể: Suốt dọc đường từ Biên Hòa về tới cầu Sài Gòn, hai bên đường, giầy cao cổ, quần áo, mũ sắt và quân trang, quân dụng do binh lính chế độ Sài Gòn bỏ lại nhiều vô số. Dấu vết của các cuộc đụng độ, giao tranh vẫn còn…Lúc đoàn tiền phương đến cầu Sài Gòn, thì tình hình giao thông tại đây bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Một số xe tăng của quân giải phóng bị bắn cháy chắn ngang cầu…

Hạ sĩ Thành kể tiếp: Khi vào tới trước dinh Độc Lập đoàn tiền phương thấy tràn ngập các đơn vị, xe tăng, xe tải, xe thiết giáp. Mọi người đang tập trung cười nói tại đó, không biết sẽ đi đâu nữa, vì đây là điểm cuối cùng. Một lúc sau, mọi người ra chỗ bãi cỏ gần cổng ngồi. Hạ sĩ Thành khi ấy thấy một nửa đầu rồng (?!) gắn ở cánh cửa dinh bị văng ra đang nằm trên đất, rồi một cô phóng viên nước ngoài đang quay phim chụp ảnh nhặt nửa chiếc đầu rồng ấy đút vào túi rết.

Hạ sĩ Thành đi tìm thông báo cho ông phó phòng bảo vệ đoàn kỹ thuật tiền phương. Nhưng vị này bảo: Thôi, kệ cô ấy!

***

Khoảng 4 giờ chiều, các đơn vị triển khai nấu cơm. Hạ sĩ Thành vẫn nhớ, khi đó, dân Sài Gòn kéo ra rất đông để xem Việt Cộng. Họ muốn xem mặt mũi Việt Cộng ác ôn ra sao, nấu ăn như thế nào và ăn cái gì. Cơm nấu xong, bộ đội dọn ra ăn. Dân Sài Gòn có người còn xin cơm ăn thử. Có người thấy bộ đội đeo nhiều thứ đàng sau thì hỏi xem có lương khô không, xin một mẩu để ăn cho biết. Bộ đội lại vui vẻ lấy lương khô cho dân.

Có một chi tiết rất sống động mà đến bây giờ hạ sĩ Thành vẫn không thể nào quên được.

Đó là hình ảnh những xe thiết giáp có nhiệm vụ bảo đảm mang theo những sọt lợn (?!), sọt gà để khi dừng chân hành quân thì thịt cho bộ đội ăn. Lúc ăn xong bữa cơm chiều ở công viên trước dinh Độc Lập, bộ đội thả lợn ra, đem cơm thừa đổ vào một cái phướn to, rồi dùng thìa gõ vào những chiếc phướn, gọi lợn đến ăn cơm. Dân Sài Gòn thấy rất lạ và rất phấn khích. Những con lợn này đã quen với việc hành quân, nên khi được thả ra chúng cứ quanh quẩn ở đó với bộ đội, không đi đâu cả.

Đến sẩm tối, mọi người tìm chỗ để mắc võng la liệt. Tuy nhiên, chẳng ai ngủ được, phần vì đây là đêm đầu tiên ở Sài Gòn, phần vì cả ngày đã hành quân căng thẳng.

Đêm 30-4, vẫn theo lời hạ sĩ Thành, cả đoàn tiền phương không dám ngủ vì sợ hầm ngầm của địch đào dưới lòng đất…Đoàn tiền phương phải đóng quân ra những chỗ trống, kéo điện ra ngoài để quan sát. Đêm đó, không ai ngủ được, vì đó là đêm mới giải phóng. Nhờ có đèn điện việc đầu tiên hạ sĩ Thành làm là viết thư về cho bố mẹ..

Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Bố mẹ kính yêu, các em xa nhớ! Con đã vào đến Sài Gòn rồi và con vẫn còn sống!

(Nguyễn Xuân Thành)

: Hạ sĩ Nguyễn Xuân Thành nay là…thiếu tướng, thuộc Học viện quốc phòng.

Tận cùng của trận chiến

30-4-1975, vào khoảng 7 giờ sáng, tôi dừng quân trên một tọa độ cách thủ đô Sài Gòn hơn hai chục cây số đường dài. Nơi đây là đoạn cuối của Quốc lộ 1. Chỉ còn một quãng đường ngắn ngủi nữa thôi, Quốc lộ 1 sẽ chấm dứt. Tối qua, 29-4 chúng tôi rút về tới Long Bình thì bộ chỉ huy Liên đoàn 24 Biệt động quân đã di chuyển đi đâu mất.

Tiểu Đoàn 82 Biệt động quân của tôi như con gà con lạc đàn. Tôi vào máy gọi Liên đoàn 24 BĐQ, gọi Tiểu Đoàn 81 BĐQ, gọi Tiểu đoàn 63 BĐQ, và gọi cả Sư đoàn 18 BB/HQ (1) trên tần số riêng. Tần số nào cũng rối loạn. Tôi không bắt liên lạc được với ai. Nửa đêm, thình lình máy vô tuyến đưa lệnh, chẳng hiểu của giới chức nào, chỉ vắn tắt một câu:

Các đơn vị cấp tốc rút về phòng thủ Sài-Gòn!

Chúng tôi bỏ Long Bình, rồi từng bước, rút về hướng thủ đô, để “phòng thủ thủ đô”. Cuối cùng, lết bộ tới Cầu Hang (Biên Hòa) thì mỏi mệt quá, tôi cho quân dừng lại nghỉ. Trên Quốc lộ 1, cách Cầu Hang chừng hai trăm mét, hơn sáu chục người lính sống sót cuối cùng của Tiểu đoàn 82 BĐQ bơ vơ. Vào giờ này, quân số Tiểu đoàn 82 BĐQ của Quân khu 2 còn lại chừng hơn sáu mươi binh sĩ, với bốn sĩ quan là tôi, trung úy Trâm, thiếu úy Thủy, chuẩn úy Thiều.

Từ nửa khuya, những đơn vị đồn trú ở Long Bình đã bắt đầu theo cơ giới rút đi. Lúc tôi tới Cầu Hang thì những vị tu hành áo vàng của ngôi chùa Theravada bên kia lộ đang lên xe chạy về hướng Sài Gòn. Giờ này họ đã quay trở lại. Họ trở lại chùa, khóa chặt cổng ngoài. Có một điều lạ lùng, khác với những lần rút lui từ Quảng Đức và từ Long Khánh, đó là, trong lần rút bỏ Biên Hoà này, tôi không thấy dân chúng bồng bế nhau chạy theo quân đội. Chiếc xe nhà binh sau cùng di chuyển qua Cầu Hang đã khuất bóng từ lâu. Khoảng tám giờ sáng thì không còn ai đi sau chúng tôi nữa. Sau lưng chúng tôi, thành phố Biên Hòa có lẽ…lặng lẽ đã rơi vào tay Bắc quân. Trước mắt chúng tôi là Quốc lộ 1, dài mút mắt, hướng Sài Gòn. Cuối trời hướng tây có từng cột khói đen cuồn cuộn bốc lên. Trong vài túp lá, quán cóc bên đường xe lửa, xác những người bạn nhảy dù chết cách đó một vài ngày còn nằm trên sạp tre. Họ đã hy sinh khi nhổ chốt địch để lấy lại đoạn đường quanh Cầu Hang. Tôi không còn tâm trí đâu mà lo chôn cất cho những người bạn đã kiêu dũng nằm xuống này.

Chính tôi cũng không rõ số phận chúng tôi sẽ như thế nào trong vài giờ sắp tới.

10 giờ sáng 30-4-1975. Tôi thẫn thờ rời cái quán cóc bên đường. Chiếc xe jeep của Thiếu tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 BB đã khuất dạng nơi khúc quanh có vườn cây xanh, về hướng Thủ Đức. Tư lệnh đã quay lại tìm tôi, nhưng giây phút cuối cùng, chúng tôi không kịp gặp nhau. Vào giờ phút này, trên máy thu thanh, ông Dương Văn Minh đang oang oang ra lệnh cho chúng tôi buông súng. Ông Dương Văn Minh gọi kẻ thù của chúng tôi là “những người anh em”. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, buổi sáng 30-4-1975, cuộc chiến tranh Việt Nam hai mươi năm đi vào trang chót. Đùng một cái, sáng nay, ông ta ra lệnh cho chúng tôi buông súng. Đầu hàng? Đầu hàng cách nào? Đầu hàng ở đâu? Đầu hàng với ai? Giữa đồng không mông quạnh, tôi đứng chết trân. Mặt trời lên, thày trò lặng lẽ nhìn nhau. Những bàn tay đen đủi đưa lên quẹt nước mắt.

Hướng Tân Uyên có tiếng trống múa lân thùng! thùng!…thùng… thùng… nghe lớn dần… lớn dần. Tới Cầu Hang, đoàn múa lân quẹo phải. Tôi thấy một cán binh Bắc quân trên vai quàng AK, vác lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam đi đầu, tiếp đó là cái đầu lân nhảy múa, rồi một đoàn người điên cuồng, la hét, hoan hô, đả đảo, nối theo sau. Tiếng loa vang vang,

Hoan hô Mặt trận giải phóng miền Nam!

Đù má tụi mi! Tụi mi chọc giận ông phải không?

Chửi thề xong, ông hạ sĩ Phi xả hết một dây đạn M60 về hướng đoàn múa lân. Chỉ là bắn dọa! Đạn bay cao. Đoàn múa lân như ong vỡ tổ, chạy tán loạn.

Thôi! Ta đi! Tôi ra lệnh cho những người lính cuối cùng của đơn vị.

– Mình đi đâu bây giờ, Thiếu tá? Thiếu úy Thủy băn khoăn hỏi.

– Thì cứ đi về hướng Sài Gòn, tìm xem có ai ở đâu đó, mình nhập vào với họ.

Chúng tôi tiếp tục lê gót theo đường, về hướng Sài Gòn. Cứ đi được vài trăm mét, lại dừng chân nghỉ mệt. Có mục tiêu nào cho chúng tôi tìm tới đâu mà phải vội vàng? Khi đi ngang khu núi đá vôi Bửu Long thì thằng Don đưa ống nghe cho tôi,

– Có Hai Lẻ Bảy (207) gọi Thái Sơn!

Tôi nghe tiếng Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng LĐ24/BĐQ,

– Thái Sơn! Đây Hai Lẻ Bảy! Anh cho hai chiếc xe tới đón chú và con cái về Đường Sơn quán (2). Các đơn vị đang tập trung ở đây chờ lệnh!

Giọng anh Thanh vẫn bình tĩnh, từ tốn, không có vẻ gì là lo lắng.

Tôi đành cho anh em ngừng lại bên đường, chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, hai chiếc xe be từ hướng Thủ Đức chạy lên. Xe ngừng, ông tài xế ló đầu ra lớn tiếng hỏi,

– Có phải Tiểu đoàn 82 Biệt động quân đó không?

– Phải rồi! 82 đây!

– Lên xe đi! Tôi chở các ông về Đường Sơn quán!

– Có ai ở đó không?

– Đông lắm! Có lẽ các ông là những người tới sau cùng.

Xe trở đầu, chúng tôi lên xe. Tôi, trung úy Trâm và thằng Don ngồi trên cabin chiếc xe đi đầu. Chú Thủy và chú Thiều đi xe sau. Thành xe be thấp hơn thành xe GMC, không có thế để đứng, những người lính đành phải ngồi chồm hổm. Ông tài xế xe be, cười rất tươi,

– Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Hết đánh nhau rồi các anh ơi!

Tôi là một người lính nhà nghề, nên dù cho “hòa bình” có ở ngay trước mắt, hiệu lệnh phản phục kích xe vẫn được tôi ân cần nhắc nhở cho thuộc cấp. Hai khẩu M60, một của hạ sĩ Phi, một của trung sĩ Tài, được đặt trên nóc buồng lái của hai chiếc xe be.

Xe đang bon bon trên con lộ vắng thì khựng lại, bò từ từ. Trên mặt lộ, đàng xa, có người dang tay phất phất lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, ra hiệu cho xe chạy chậm lại. Tới gần, tôi nhận ra một du kích Việt cộng, quân phục xanh, mũ tai bèo, dép râu. Tên du kích cột lá cờ trên cánh tay phải, cờ phất lia, phất lịa. Tay trái nó dương họng khẩu AK47 hướng vào đầu xe của tôi. Xe vừa ngừng thì hai bên đường có tiếng la,

Bắn! Bắn!…Không cho đứa nào chạy thoát!

Rồi thì tiếng súng đủ loại rộ lên. Những người lính VNCH trên hai chiếc xe be vừa ngừng trên mặt quốc lộ trở thành những cái bia sống. “Hòa bình” rồi, tại sao người ta nỡ đang tay giết chúng tôi, khi chúng tôi đang trên đường về điểm tập trung để buông súng?

– Choác! Choác! ….Choác!

Tôi tối tăm mặt mũi vì loạt đạn bất ngờ. Tấm kiếng che gió của chiếc xe tôi đang ngồi lãnh cả chục viên AK của loạt đạn đầu tiên. Mảnh thủy tinh văng rào rào trên đầu, cổ, mặt mũi tôi. Ông tài xế gục trên vô lăng. Thùng nước xe bể, hơi nước phun “phì…phì…” che kín đầu xe. Tôi phóng nhanh xuống đường. Sau một cái lạng mình, tôi đã ở đàng sau thành xe. Tôi rút khẩu Colt45, vẩy một viên về hướng thằng du kích. Viên đạn trật mục tiêu. Một BĐQ vừa nhảy khỏi xe, té trên mặt đường. Hình như anh ta bị trúng đạn, không ngồi dậy được.

Tôi giựt khẩu M16 trên tay anh,

– Đưa tao!

Tôi kéo cơ bẩm. Đạn tuôn ra khỏi nòng. Tên du kích giãy giụa trên vũng máu. Lá cờ mặt trận phủ trên mình thằng du kích. Tôi ghếch mũi súng về lề phải con đường, nơi hàng chục họng AK và B40 đang đua nhau nã đạn vào hai chiếc xe be. “Oành!” một trái B40 nổ ngay trước mặt tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nhiều mảnh B40 và đá, sỏi đã ghim vào cẳng mình. Chủ nhân khẩu M16 mà tôi đang xử dụng bị bay mất cái đầu; máu từ cổ anh xịt thành vòi; phần thân thể còn lại của anh giựt giựt trên mặt lộ. Khẩu B40 cách tôi chỉ vài sải tay, ngay bên kia đường. Tôi nhắm đầu thằng xạ thủ B40 quạt một tràng M16. Ngón tay tôi tiếp tục siết cò. Địch đông lắm. Chúng đứng lố nhố trong vườn có những luống đậu, dây leo. Một băng đạn ria đại vào đây cũng có thể hạ gục cả chục tên. Chúng tôi không dự trù sẽ vướng vào một cuộc giao tranh vừa bất ngờ vừa điên cuồng này. Chúng tôi ở vào cái thế không biết xoay trở cách nào để phản công. Thôi, đành liều mạng! Ai đang ở đâu nằm tại đó, chống trả. Cũng may, đêm qua, ở Long Bình, chúng tôi có cả kho đạn lận lưng cho ngày hôm nay.

Đạn địch từ hai bên đường trước mặt tôi tưới như mưa vào những người lính còn đứng trên xe. Những thân hình rằn ri rơi rụng xuống mặt lộ. Có người chân vừa chạm đất, đã lăn ra chết. Có đôi người vừa nhảy ra khỏi sàn xe, còn lơ lửng trên không, tay đã bóp cò, nã đạn về hướng địch. Hầu như ai cũng lo bóp cò. Không ai để ý đến thân thể mình đã trúng thương nơi đâu. Hạ sĩ Đinh Lít nằm nghiêng dưới gầm xe, tay trái anh đã trúng đạn, xuội lơ, tay phải ôm cứng khẩu M16. Anh nằm trên vũng máu, mặt anh tỉnh như không. Mặc cho đạn địch cài dày dặc xung quanh. Với một tay còn lại, anh liên tục bắn hết băng đạn này, tới băng đạn khác. Lựu đạn miểng, lựu đạn nổ, lựu đạn cay, B40, M72, chớp nhoá, “Cành! Cành!…” -“Choác! Choác!…” – “Xoẹt! Xoẹt!…” – “Oành! Oành!…” Hai bên đường, địch vẫn tiếp tục ào ra. Xác bộ đội Bắc Việt đè lên nhau từng lớp, ngổn ngang. “Cành! Cành! Cành!…” Trên xe, hạ sĩ Phi vừa rải từng tràng M60 về phía quân thù, vừa la rú như người mất trí,

Đù má tụi mi! Chết cùng chết! Ông chết! Tụi mi cũng chết!

***

30-4-1975 sau buổi trưa, trên đoạn cuối của Quốc lộ 1, một cuộc hỗn chiến. Dân chúng tràn ra đường, xem hai bên đánh nhau. Có đôi ba người dân thường, liều mạng chạy vào khu giao tranh, mang vác những biệt động quân bị thương đem đi cứu cấp. Khẩu đại liên của trung sĩ Tài trên xe thứ nhì đã được di chuyển xuống lề đường. Đạn nổ rền trời. Đạn bay qua. Đạn bay lại. Địch chết. Biệt động quân chết. Dân chúng cũng chết! Những người lính biệt động cuối cùng  ruột đổ lòng thòng vẫn ôm súng bắn như khùng, như điên. Hết đạn, những con cọp giãy chết đành dùng tất cả những gì cha mẹ ban cho để tự vệ: Nắm đấm, gót chân, đầu gối, khuỷu tay và cả…răng. Trong phút giây tuyệt vọng, những chiến sĩ VNCH lăn xả vào địch, la hét, vật lộn, đấm đá, cào cấu, cắn xé. Binh nhấtt Liêu Chí Cường (gốc Chợ Lớn) trước khi chết, còn cố ôm cứng một thằng địch để cắn vào mặt nó. Tôi biết chắc người đó là chú Cường, vì cái khăn len xanh cố hữu, bốn mùa quấn trên cổ chú (cái khăn của người tình phụ).

Tôi đã bắn hết số đạn mang theo trên lưng người lính nằm chết dưới chân tôi. Tôi vừa rướn người, quơ quào được một băng M16 trên sàn xe thì đạn 12,7 ly của địch từ xa ào ào bắn tới. Có tiếng Trung Úy Trâm thét lên, bên hông trái xe,

Thái Sơn ơi! Hình như tank tới!

– Làm gì có tank! Chỉ có 12,7 ly thôi!

Đạn phòng không của địch quét sát mặt đường nhựa, toé lửa khi nổ lần thứ hai. Những viên 12,7 ly nổ “đúp” (hai lần), chui qua thân người bị đạn, hất thân mình người đó lên khỏi mặt đất, đục những lỗ to như bàn tay trên thân thể nạn nhân. Trên mặt lộ là cả chục xác biệt động quân không toàn thây. Khẩu M60 của hạ sĩ Phi đã gãy nát. Hạ sĩ Phi vỡ óc. Hạ sĩ Đinh Lít cũng vỡ óc. Sáu bánh xe be xẹp lép. Chiếc xe nằm bẹp xuống mặt đường. Trên sàn xe, trên mặt lộ, chỗ nào cũng ngập máu. Máu đọng thành vũng, máu chảy tràn xuống ruộng. Bên tôi, không còn khẩu M16 nào hoạt động. Những biệt động quân đi trên xe thứ nhất có lẽ đã chết gần hết. Những người đi trên xe thứ nhì đang là mục tiêu cho khẩu 12,7 ly. Tôi thấy họ rút chạy vào ruộng mía bên phải quốc lộ. Đám dân đứng xem đánh nhau, bị trúng đạn cũng nhiều.

Súng của tôi lại hết đạn rồi. Tôi trườn ra giữa đường để nhặt khẩu AK và giây đạn của tên du kích. Khẩu đại liên của trung sĩ Tài đã gãy làm đôi. Hai em bé tải đạn cho Tài đều chết vì trúng đạn 12,7 ly. Trung Sĩ Tài đang lăn lộn trên vũng máu. Tôi lăn mình vài vòng, tới bên Tài. Tài nhìn tôi, thều thào,

– Chạy đi!…Ông thày…chạy đi!…

Tôi định xốc Tài lên để dìu anh vào lề đường thì hai mắt anh đã lạc. Đạn bay xém bên mình tôi, nổ “toang toác!” trên mặt lộ. Chợt ai đó nắm sợi dây ba chạc sau lưng tôi, lôi tôi chạy về bờ ruộng bên trái quốc lộ.

Anh em chết hết rồi. Chạy đi, thày ơi! Đó là tiếng trung úy Trâm.

“Toác!Toác!”- “Chíu! Chíu!” đạn địch đuổi theo. Tôi cắm đầu chạy. Chạy được một đỗi thì tôi đuối sức, lảo đảo. Trâm bèn ghé vai, vác tôi lên lưng. Trâm khỏe như một đô vật. Trâm cõng tôi, nhanh chân lẩn vào rặng dừa bên trái lộ. Hết vạt dừa, Trâm đặt tôi xuống đất.

Chúng tôi lội trên mảnh ruộng vừa gặt xong. Chân tôi vướng gốc rạ. Tôi ngã bổ nhào trên mặt ruộng. Trên mặt ruộng có những đồ chơi của trẻ con vương vãi đó đây. Một con búp bê bằng nhựa, một cái xe hơi bằng nhựa, những chén bát nhỏ tí, cũng bằng nhựa, màu mè xanh đỏ. Tôi chợt nhớ tới vợ con tôi ngoài Ban Mê Thuột. Chắc vợ con tôi đã chết hết.

Tôi nghĩ tới đất nước tôi. Đất nước tôi đã mất. Đơn vị tôi đã tan tác. Một phút bất thần, phẫn uất. Tôi rút khẩu súng Colt ra, kê nòng súng vào mang tai mình, bóp cò. Bàn tay như sắt nguội của trung úy Trâm phạt ngang một cú Karaté. Viên đạn bay lên trời. Khẩu Colt văng trên mặt ruộng. Chẳng nói chẳng rằng, Trung úy Trâm lầm lì, xốc vai tôi bước đi. Ngoài lộ vẫn còn lác đác tiếng đạn bắn qua, bắn lại và tiếng lựu đạn nổ. Trâm lột sợi dây ba chạc của tôi, của anh, mũ sắt của tôi, của anh, vứt trên một gò mả. Trâm từng bước dìu tôi về hướng xóm làng gần đó. Giờ đó tôi như con sên yếu đuối, mặc cho chú Trâm tha lôi đi đâu thì đi. Chúng tôi vừa đụng đầu một con lộ đất thì một người dân đạp xe tới chặn đường,

Ông thiếu tá bị thương hả?

Thói quen, ngược đời, đi trận tôi thường đeo lon trắng. Về nhà tôi lại đeo lon đen. Người dân đã nhìn thấy cặp lon trắng của tôi. Ông cụ có vẻ động lòng,

Ông trung úy lấy xe này đưa thiếu tá chạy đi! Luẩn quẩn ở đây lâu không tốt đâu!

– Cám ơn cụ!

Trâm lanh tay nhận chiếc xe đạp thồ từ tay người dân tốt bụng.

Con lộ đất dẫn tới một văn phòng hội đồng xã, cửa đóng, khóa ngoài. Rồi con lộ đất dẫn vào một ngôi nhà thờ xứ đạo. Trong sân nhà thờ, lố nhố nhiều người đang tập trung. Một xe GMC chất đầy súng ống nằm ngay giữa sân. Đó đây, từng đống quân trang, quân phục VNCH vừa bị cởi bỏ. Trâm dựng cái xe đạp ngay giữa sân. Chú đứng quan sát một phút, rồi thở dài,

Cởi quân phục vứt đi chỉ còn cái may-ô với cái quần xà-lỏn. Mình làm sao đây, Thái Sơn?

Tôi rờ rẫm những khẩu M16 trên xe, “Lên đạn. Dựng khẩu súng thẳng đứng. Đưa nòng súng vào dưới cằm. Lách ngón chân vào cò súng. Nhấn ngón chân xuống. Thế là xong!”

Tôi đang suy nghĩ, sắp thử một cú nữa, thì chú Trâm van lơn,

Thày ơi! Thôi đi thày ơi! Đừng bỏ em, thày ơi!

Trung úy Trâm ôm chặt vai tôi. Thày trò tôi ôm nhau…

Những người đứng gần đó nhìn nhau…Như đám ma giữa sân nhà thờ. Một đám ma không có người chết. Những người đang đứng đây cầm tay nhau cũng ôm nhau,.Một thanh niên cưỡi chiếc Honda 90 từ hướng Quốc lộ 1 phóng tới. Anh kè sát bên tôi, nói nhỏ,

Thiếu tá lên xe, em chở đi trốn.

Trâm đẩy tôi lên yên sau xe, chú leo lên theo.

Chúng nó chết nhiều lắm! Chúng nó bắt được mấy anh lính bị thương, tra khảo họ xem cấp chỉ huy của họ là ai, đâu rồi? Họ khai thiếu tá chắc chết rồi. Chúng kiểm xác chết. Không có xác. Chúng đang túa đi lùng.  Em sẽ đưa thiếu tá đi dấu. Không để chúng nó bắt.

Xe chạy trong đường làng quanh co một đỗi thì ngừng.

Anh thanh niên dựng xe, đập cửa một căn nhà gỗ, mái dừa,

Mẹ ơi! Con đây! Hải đây! Mẹ mở cửa cho con!

Cánh cửa hé mở, một bà già, tiếng Bắc di cư,

Đánh nhau, súng nổ ầm ầm mà mày cứ nhơn nhơn ra đường. Đóng cửa lại cho tao đỡ lo!

– Vâng con về ngay. Mẹ cho con gửi hai anh này. Có ai hỏi, mẹ cứ nhận là hai con của mẹ. Anh Cả, anh Hai đi lính vắng nhà lâu rồi, chòm xóm không nhớ mặt đâu! Mẹ làm ơn, làm phúc. Con đi một chút nữa con về ngay. Mẹ đừng lo!

Bà mẹ nhìn tôi và Trâm, bà biết ngay hai đứa chúng tôi là lính VNCH đang bị truy đuổi. Bà cụ không dài dòng hỏi han. Cụ đưa tay chỉ cho tôi cái tủ đứng góc nhà,

Hai đứa lấy quần áo “si-vin” của thằng Hải mà mặc vào ngay đi! Đưa quần áo nhà binh cho tao đi dấu!

Thoáng chốc, tôi và Trâm thành hai anh dân sự. Bà cụ Bắc kỳ đã chôn hai bộ rằn ri dưới bùn ruộng muống sau nhà.

Trước sân, anh Hải con bà cụ đang bơm lốp xe. Tôi và Trâm ngồi uống nước vối nóng, nghe ngóng động tĩnh. Chợt, ngoài đường có tiếng đối đáp.

Anh có thấy hai thằng lính rằn ri chạy qua đây không? Một giọng Nghệ-Tĩnh gặng hỏi.

Có! Chúng nó chạy thẳng sang hướng Thủ Đức. Đấy! Chổ cây dừa nghiêng…

Tên chỉ huy liếc mắt vào trong nhà. Thấy tôi và Trâm, nó hỏi trống không,

– Chứ hai anh kia làm chi rứa?

– Anh Cả và anh Hai của tôi đó!  Hải nhanh miệng.

Tên chỉ huy hết nghi, quay sang đồng bọn, nó ra lệnh:

– Nhanh lên! Đuổi theo chúng nó nhanh lên! Hướng cây dừa nghiêng. Đừng cho chúng nó chạy thoát! Các đồng chí cẩn thận đấy! Tụi nó có súng!

Rồi tiếng chân người huỳnh huỵch chạy đi, xa dần. Bà già lấy khoai lang luộc đưa cho chúng tôi ăn đỡ lòng. Anh Hải rồ máy xe. Nửa giờ sau anh trở về.

Thiếu tá đi được rồi! Quân của chúng nó đi hết rồi.

– Hai con có còn tiền để đi xe về quê không? Nếu không mẹ cho! Bà cụ ân cần.

– Cám ơn bác. Chúng cháu còn tiền đây.

Bà cụ nhìn chúng tôi…Tôi và chú Trâm bước ra vườn sau, theo bờ ruộng rau muống, leo lên con lộ đá đi về hướng Thủ Đức. Quay lại. Bà cụ vẫn còn nhìn theo chúng tôi…

***

Hai đứa tôi nhanh chân nhập vào dòng người hướng về Thủ Đức. Chợt sau lưng tôi có tiếng gọi: “Thái Sơn ơi! Trâm ơi!”. Thì ra người gọi chúng tôi là Thiếu úy Trần Văn Thủy. Ba thày trò tôi không dám lớn tiếng hỏi han nhau về những gì đã trải qua. Chúng tôi đi như những người dân chạy loạn đang tìm đường về nhà. Chúng tôi vào Thủ Đức. Nhà cửa đóng kín mít. Vài chiếc xe cháy dở dang.  Vài tiệm buôn bị đốt phá. Nhiều người tay mang băng đỏ chở nhau trên Honda. Xe chạy nhanh như bay, qua lại nhiều lần trên đường phố.

Tới chợ Thủ Đức, chúng tôi may mắn đón được chiếc xe lam chạy đường Thủ Đức, Thị Nghè, giá sáu trăm đồng một người. Chiếc xe bò ì ạch vì quá tải. Xe qua mặt từng đoàn người bận quần đùi, áo thun, chân đất, đang chen vai nhau, đi về hướng Sài Gòn. Tôi nhận ra, trong đoàn người áo thun, quần xà lỏn đang đi dưới đường, có Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tài, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 81 Biệt động quân. Có lẽ anh ta cởi bỏ quân phục nơi Đường Sơn quán.

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến

ở…Đường Sơn quán

Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”

về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:

Bastos : Biết anh sướng, tôi ôm sát.

Còn cách ngã ba xa lộ Đại Hàn chừng hơn trăm mét, chúng tôi phải xuống xe đi bộ vòng qua một khu ao cá và ruộng nước bên trái quốc lộ, vì giữa đường có một chiếc T54 đang cháy. Có vài cán binh Bắc Việt ôm AK chặn không cho bộ hành và xe cộ qua lại đoạn đường này. Lội hết vạt ruộng thì thày trò tôi tới xa lộ Đại Hàn. Lúc này, trên xa lộ, tank T54 và xe chuyển quân của lính chính quy Bắc Việt đang nối đuôi nhau hướng về Sài Gòn. Sau khi cuốc bộ một đỗi, chúng tôi tới cây cầu đúc. Qua cầu, chúng tôi lẫn trong biển người xuôi ngược.

Chúng tôi về tới Thị Nghè thì mặt trời xế bóng. Giữa cầu Thị Nghè là một chiếc M41 đứt xích vì B40. Chiếc chiến xa nằm bẹp, bụng xe đè sát mặt cầu. Trên pháo tháp, có vết máu đã khô, nhưng không thấy xác người chết. Bên cạnh đó, vương vãi vài bộ quân phục VNCH, dây đạn, nón sắt, ba lô…Tôi không dám về nhà mẹ tôi, sợ trong lúc tình hình lộn xộn, chòm xóm biết mình là sĩ quan QLVNCH, sinh chuyện không hay.

Qua cầu, chúng tôi tiếp tục đi. Bây giờ, trong phố, người qua lại nườm nượp. Bên lề đường, sát tường rào sở thú, những người đi hôi của đang bày bán đủ thứ, chăn màn, quần áo, chén bát, sách truyện, tranh ảnh, rượu bia…Quên đời? Chỉ còn cách uống rượu. Năm trăm đồng một chai Hennessy. Ba thày trò tôi kẹp nách mỗi người một chai. Tôi vẫy tay chận một chiếc xích lô máy để vào Chợ Lớn, về nhà Trung úy Trần Văn Phước, vừa có nơi lạ để nghỉ qua đêm, xóm giềng không biết mình là ai, vừa tìm xem chú Phước còn hay mất.

Xe ngừng, tôi vừa bước xuống đất thì Phước từ trong nhà ào ra ôm chầm lấy tôi,

– Anh Hai! Anh Hai! Mừng quá! Anh Hai ơi!

Thì ra trong cuộc lui binh dưới mưa pháo ngày 29-4, Phước bị tụt lại đàng sau, mất liên lạc với tiểu đoàn không biết tôi vào Long Bình. Phước đi thẳng một lèo, theo xa lộ về tới Sài Gòn.

Đêm 30-4, bốn anh em tôi ngồi bên nhau, cạn ba chai Hennessy.

Chuyện một thời chinh chiến

bên chai Hennessy

Trông lên thì chẳng bẳng ai,

Trông xuống chẳng ai hơn mình

(nho táo là: Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư)

Chú Thủy cho tôi biết ngay đợt tấn công đầu của địch, chiếc xe thứ nhì đã bị thương và chết khá nhiều. Nhiều BĐQ bị thương đã được dân chúng di tản đi cứu cấp. Thiếu úy Thủy đã cố gắng mở một mũi bọc hông phải để giải tỏa áp lực địch nhưng không thành công, vì địch quá đông. Đến lúc khẩu phòng không 12.7 ly của địch tham chiến thì Thủy cho anh em phân tán chạy vào nhà dân. Sau đó Thủy được dân chúng cưu mang, cho quần áo cải trang rút chạy. Chú Thủy nói, hình như chú Thiều bị thương ngay từ phút đầu, không rõ số mệnh ra sao. Sáng 1-5-1975, tôi đưa Thủy và Trâm một số tiền để làm lộ phí về quê.

Từ dạo ấy, anh em chúng tôi không còn dịp gặp lại nhau nữa.

(Vương Mộng Long)

Vương Mộng Long, K20 VB, thiếu tá BĐQ.

(1) Sư đoàn 18 đối đầu với Quân đoàn 4 trên đường tiến vào Sài Gòn. Tướng Hoàng Cầm sử dụng Trung đoàn 14 của Sư đoàn 341 và trung đoàn pháo binh 55 để đánh Long Bình.

(2) Đường Sơn quán nằm trong rừng cao su trên xa lộ Đại Hàn của tướng Mai Hữu Xuân.

 

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search