T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Xui xẻo…

bad-luck-wallpaper-448x282

 Ảnh (paroct.com)

Xui xẻo là từ vựng trong ngôn ngữ nói của nhân loại từ khi con người có đủ tư duy để hiểu được và giải thích được khái niệm này. Trong tiếng Việt chúng ta thường nói là may mắn hay kém may mắn – tức xui xẻo; bên tiếng Anh nói là (luck) hay (bad luck). Nhưng sự đời luôn có những việc tưởng như xui xẻo lại hoá ra may mắn và ngược lại. Nên đánh giá một sự việc là may mắn hay kém may mắn chỉ đạt được sự tương đối chứ không thể chính xác. Việc đúng hay sai phải đặt vào bối cảnh của sự việc thì mới hiểu rõ hơn được hoàn cảnh, nguyên nhân mà phán xét…

Chuyện bên Trung quốc, một nhân viên bảo trì hệ thống thang máy của một khu dân cư. Anh ta về quê ăn Tết cả tháng. Khi trở lại làm việc, anh mở một thang máy bị hư hỏng ra để sửa chữa thì mới nhìn thấy xác của một phụ nữ đã bị kẹt trong thang máy và chết vì đói. Không biết người phụ nữ này đã chết từ khi nào trong khoảng thời gian anh ta về quê ăn tết.

Không phải là chuyện phim hành động (action) hay phim kinh dị (horror). Cũng chẳng phải là một câu chuyện cá tháng tư. Mà là câu chuyện thật, được tờ Beijing Youth Daily đăng tải vào đầu tháng 03 năm 2016. Cái chết của người phụ nữ kém may mắn đã trở thành đề tài cho những cuộc trà dư tửu hậu ở khắp Trung quốc. Người cho là cô ấy quá kém may mắn đến chết đói và chết trong hoảng sợ… chắc là ghê gớm lắm! Nhưng kẻ lại cho là cô ta gặp may vì chắc chắn sẽ được bồi thường lớn vì chuyện cả nước đã biết! Nhưng dư luận chung (gặp nhau) từ hai phía là cô ta quá xui xẻo!

Với người không quen, chỉ đọc tin tức về cái chết của người phụ nữ kém may mắn cũng đã thương cảm cho cô ấy biết dường nào. Chúng ta cứ tưởng tượng sự sợ hãi, đói khát và tuyệt vọng như con thú dữ cào cấu cô ấy tới tuyệt mệnh. Quá đáng thương.

Và câu hỏi được đặt ra: How many people died in elevator worldwide each year – bao nhiêu người trên thế giới đã chết trong thang máy mỗi năm? -Theo báo cáo của Consumerwatch, có lẽ khiến bạn nghĩ khác về những chiếc thang máy mà bạn vẫn sử dụng khi có dịp. Consumerwatch cho biết chỉ tại Mỹ thôi đã có đến 900.000 thang máy, trong đó trung bình mỗi thang máy phục vụ khoảng 20.000 lượt người sử dụng. Làm bài toán nhân, hàng năm có khoảng 18 tỷ lượt người sử dụng thang máy tại Mỹ. Thông thường thang máy được lắp đặt chủ yếu tại những khu vực thương mại, hệ thống chợ, và tại các khu dân cư có nhiều nhà cao tầng (khoảng 40 ft hay 5 tầng lầu trở lên). Con số thống kê cho thấy trung bình mỗi lần thang máy sử dụng sẽ nâng (hạ) khoảng 5 khách.

Nếu hiếu kỳ hơn, bạn có thể đọc tiếp. Có 5 loại thang máy khác nhau so về kích thước và khả năng hoạt động, gồm: Hành khách, nâng hàng hóa, LULA (Limited Use/Limited Application), tư gia, và giành cho nhân viên. Thường thì thang máy cho hành khách sử dụng hệ thống thủy lực (hydraulically-driven) với độ cao lớn nhất không quá 50 ft (không quá 15 mét) hoặc sử dụng hệ thống trục cáp kéo (traction-driven) với độ cao hơn 50 ft. Thang máy vận chuyển hàng hóa thường bền hơn, nhưng thô kệch vì không cần đến yếu tố thẩm mỹ. Loại thang máy LULA (như tên gọi) phải đáp ứng luật an toàn, sử dụng chung như phương tiện công cộng cho cư dân của khu chung cư. Thang máy tư gia chỉ sử dụng gia đình. Còn thang máy giành cho nhân viên (theo tên gọi) chỉ những nhân viên có nhu cầu và được phép mới sử dụng. Đó là những thang máy riêng để các nhân viên bảo trì, sửa chữa, hoặc những lần di chuyển mang tính chất hậu trường.

Thang máy rất tiệc ích. Tuy nhiên nó là sản phẩm do con người làm ra nên có nguy cơ gặp phải những hỏng hóc (defect or malfunction). Hệ thống thắng an toàn nếu hỏng có thể khiến cho thang máy rơi tự do. Cửa có thể bị kẹt. Điện có thể bị chập mạch. Hệ thống dây cáp kéo có thể bị xoắn hoặc chạy lệch đường ray. Nhân viên bảo trì thiếu kinh nghiệm. Sửa chữa không đến nơi đến chốn. Khách đi quá tải… Rất nhiều nguyên do có thể tạo ra một tai nạn thang máy.

Theo thống kê của Bộ Lao Động Mỹ hàng năm Hoa Kỳ có khoảng 27 người thiệt mạng hàng năm liên quan đến thang máy (là những tai nạn có tử vong được báo cáo). Bao nhiêu người bị thương? Con số lên đến 10.200 người bị thương mỗi năm (chủ yếu do cửa thang máy bị trục trặc, kế đó là do thang máy dừng lại lệch với sàn nhà của tầng lầu, và do lỗi an toàn của khách sử dụng). Nếu ta làm thêm một bài toán, số người chết vì thang máy có lẽ không thể nói là không nhiều.

Trở lại chuyện người phụ nữ kẹt trong thang máy quá lâu đến nỗi chết vì đói được từ Beijing Youth Daily đưa tin, lỗi của cô hay của ai đó? Được biết xác cô được tìm thấy trong một thang máy đã hỏng đang được sửa chữa. Khu chung cư xảy ra án mạng tại một thị trấn phía tây của Tây An (Xi’an). Vụ chết người trong thang máy đã khiến dân chúng trên mạng bày tỏ niềm công phẫn. (Có lẽ do hệ thống các trang mạng xã hội trên internet đã góp phần khiến cho câu chuyện tăng thêm phần nghiêm trọng). Họ quy lỗi cho hai cơ quan chủ yếu: Công ty sửa thang máy (The elevator repair company) và Văn phòng điều hành của tòa cao ốc (The building’s management office).

Văn phòng điều hành tòa cao ốc nơi xảy ra vụ án cho tờ Beijing Youth Daily biết thang máy đã được hạ xuống tầng trệt và được tắt điện sau khi nhân viên sửa chữa đã xác định rõ không còn ai trong thang máy nữa. Nhưng tờ Caixin lại đăng tin cho rằng điều tra của cảnh sát cho biết nhân viên sửa chữa chỉ gào to lên: Còn ai trong thang máy không? Chứ không mở thang máy ra xem có còn ai trong đó không?

Giới hữu trách gọi đây là một vụ tắc trách cẩu thả nghiêm trọng (gross negligence). Cơ quan bảo trì thang máy bị cho là có trách nhiệm trực tiếp. Một nhân viên có liên quan đã bị bắt. Tội danh được đưa ra: Ngộ sát do bất cẩn (negligent homicide).

Tin tức khởi sự (do chưa được công bố đầy đủ sau điều tra) nạn nhân trong độ tuổi ba tới bốn mươi. Mang họ Wu. Hai bàn tay bị rách nát có thể do chị cố tình tìm cách mở cửa thang máy.

Được biết thời gian để sửa thang máy bị hư hỏng ở Trung Quốc kéo dài cả tháng là chuyện thường tình. Lần này cận với ngày Tết nên thời gian còn lâu hơn nữa! Nhất là theo luật, nghỉ Tết chỉ kéo dài một tuần. Nhưng đó là lệnh của nhà nước, thực tế dân Trung Quốc ăn Tết âm lịch có khi cả tháng.

Vụ này khiến dân chúng nhớ đến vụ một phụ nữ khác (30 tuổi) chết trong thang máy mùa hè năm ngoái tại Kinh Châu (Jingzhou). Báo chí mô tả là bị nuốt sống (eaten alive) khi bước vào thang máy giẫm chân lên một tấm sắt của một thang máy siêu tốc tại một siêu thị lớn và tấm sắt này xụp xuống, nhưng đứa con nhỏ của cô đã được bà mẹ kịp thời đẩy mạnh ra một cách an toàn vào phút cuối.

Vẫn biết tai nạn xảy ra là chuyện ngoài ý muốn, chẳng ai muốn tai nạn xảy ra cho người – huống chi là mình. Nhưng tai nạn là tai nạn! Người Mỹ nói: accident is accident. Người Việt nói văn hoa hơn nhưng cũng cùng ý nghĩa là Trời kêu ai nấy dạ!

Với chuyện của chị Wu. Dư luận loạn lên với nhiều giả thuyết, như: Phải chăng lỗi do người phụ nữ bất cẩn vì vội vã trong những ngày cuối năm. Hoặc chị ỷ y như một thói quen đã nhập tâm: Chắc không sao đâu? Nguồn dư luận khác lại đổ lỗi do làm ăn tắc trách tồn tại và mang tính hệ thống của văn hóa cẩu thả xưa nay? Thành phần ba phải chỉ tin là ngày Tết đến gần nên nhân viên nôn nao, thành ra bất cẩn hơn bình thường? Who is to be blamed – Đổ lỗi cho ai – thì một mạng người cũng đã chết trong đói khát và tuyệt vọng!

Giữa một biển người hơn một tỷ nhân mạng của Trung Quốc, cái chết của người phụ nữ kém may mắn trong thang máy mấy ngày áp tết cũng na ná như bao nhiêu cái chết được coi là tai nạn. Từ chuyện đi tàu điện. Ăn uống ở nhà hàng. Nhân viên làm việc trong các nhà máy hóa chất. Thợ mỏ. Giáo viên. Ngộ độc không khí ô nhiễm. Bị bỏ rơi. Tại nạn giao thông thảm khốc. Tù nhân trong trại giam. Các vụ thanh toán tội phạm hình sự… Với nhà nước cộng sản Trung quốc thì dễ như ăn cơm, nếu cần, lôi ra bắn bỏ một vài con chốt thí là trấn an được dư luận cả tỷ người bất bình. Nhưng với gia đình chị Wu, ám ảnh kinh hoàng đến bao giờ, rất thương tâm. Để rồi hàng loạt những câu hỏi khác xuất hiện. Tại sao gia đình chị không ai báo cáo về sự mất tích? Người phụ nữ không mang theo điện thoại, hay điện thoại hết pin? Hay chị sống cô đơn như bao nhiêu con người trong thời đại văn minh (thừa mứa tiện nghi nhưng ốc đảo tâm hồn)? Một vụ án được ngụy trang? Hay đơn giản là chị có gọi nhưng không ai để ý đến?

Bất luận lý do gì, câu chuyện của chị là một câu chuyện thương tâm. Và chuyện ai là người có lỗi – who is to be blamed – có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời riêng tùy theo suy nghĩ, hoàn cảnh của mỗi người. Và cũng không phải là chuyện một tai nạn thang máy ở Trung quốc thì bị bới móc, bị mặc áo chính trị cho một tai nạn là không phải vì tai nạn thang máy xảy ra ở khắp nơi như báo cáo của Consumerwatch ở trên. Điều còn lại cho chúng ta là dù công việc có gấp đến đâu trong đời sống chạy theo thời gian bây giờ, thì an toàn cũng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Nếu thấy thang máy đã quá đông người thì ta nán lại chuyến sau, trễ đôi ba phút còn hơn chết tức tưởi vì thang máy quá tải; Dù bận rộn thật hay chỉ là muốn khoe điện thoại mới thì cũng trông trước nhìn sau khi băng qua đường… đừng dán mắt vô cái điện thoại vì chuyện không đâu rồi ân hận muộn màng.

Và cuối cùng, thế giới có nhỏ lại vì internet, nhưng đó là thế giới ảo. Thế giới thật vẫn không thay đổi diện tích nên một người đi hết cả đời cũng không giáp vòng trái đất này được, cớ gì phải du lịch sang Trung quốc để xác suất nguy hiểm mọi bề cao hơn cho mình rồi lại nói là… xui xẻo!

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search