T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 90)

clip_image001

Chữ nghĩa biên khảo: Tên gọi người Hoa là Chệt

Trong Phụ nữ tân văn số 5-1929 có bài thơ tựa đề Sài Gòn của tác giả Hải Khách:

Sài Gòn nguyên thị nhất đô hội

Đủ Tây, Chà, Chệt, Mọi, Cao Mên

Kể chi là đất người quen

Tiêu khiển cũng một đôi phen lếu láo

Vậy người Nam đã gọi người Hoa là “chệt” trước thập niên 30?

(Phan Anh – Chùa Hoa)

Tục ngữ Tầu

Nhân tâm nan mô, áp đồn nan bác

(Tâm người khó rờ, mề vịt khó lột)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Không đề

“Không đề” là tựa bài thơ được nhiều tác giả chọn nhất:

Một tập thơ sầu ngâm sảng sảng
Vài nai rượu kếch ních tỳ tỳ
Chết về Tiên Bụt cho xong kiếp
Ðù ỏa trần gian! sống mãi chi

(Phạm Thái)

Và hé mở môi không hường một lúc

Sương gió cũ thiên thu về cúi gục

Cỏ nội đồng là sực tỉnh ra hoa

Em ra đi là bưng mặt khóa òa

(Bùi Giáng)

Buổi chiều làm bằng gì nhỉ
Bằng tịch lặng
Tiếng lá rì rào
Những cuộc tình héo úa
Luyến nhớ
Kỷ niệm

(Dương Tường)

..v..v..

Con…và cái

Chữ mòn hay nghĩa mòn. Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau.

Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ.

Chẳng hạn, chữ cái và con.

Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác.

Cũng là con, nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con.

Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.

(Nguyễn Văn Lục – Cuộc di cư của chữ nghĩa)

Chữ nghĩa tiếng Việt

Tôi đang xun xoe khám phá ra địa phương tính trong cái mới thì chợt nghe bên tai một tiếng cười nghịch ngợm, ngang tàng, của Trần Dần. (Ông Trần sinh ở Nam Ðịnh, mất ở Hà Nội, tức sống và chết trên đất Bắc). Bài “Thằng thịt” của ông viết năm 1962:

Như đã nói,

tôi là một cột thịt lực đực

Tư duy nhất

ở phía

đít

Vũm vĩm, đưa đảy

Một cột thịt vọt đứng ngấn trứng

thồn thỗn ao thịt

Những trạm nghỉ thịt, nun nút

nún xút. Thút vút vót mực-thịt-đực

Thằng thịt lông lá tẽ mím một vệt thịt

Lực đực, vũm vĩm, thồn thỗn, nún xút, tẽ mím…, cũng như lựng bựng, xập xoài..., e khó bề gặp được trong tự điển. Lời giải đáp tường tận chưa thấy, nhưng hiểu đại khái, cảm xúc mơ hồ. Trước mơ hồ sau rõ rệt, dần dần tiếng này chữ nọ được chấp nhận vào tự điển. Tiếng nói đã đông đảo dần và sẽ đông đảo thêm nữa bằng cách ấy?

Cùm nụm cùm nựu, lực đực, vũm vĩm v.v…, rồi cũng vậy chăng? Không ai dám chắc điều gì. Xưa nay, trong quá trình tiến hóa vẫn có cái được giữ lại, phát triển, lại có những cái bị đào thải, dần dần mất dạng.

Từ khi loài người biết nói đến nay đã có bao nhiêu thứ tiếng nói xấu số tàn rụi, chết đi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt.

Trong khi ấy, ngôn ngữ của chúng ta dùng đã mấy nghìn năm vẫn còn mới mẻ, táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con, sinh nở tới tấp những đứa trẻ kháu khỉnh, vũm vĩm!

Thích nhá!

(Võ Phiến – Viết chơi)

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Qua tập Lưu hương ký, tiểu sử của bà đã được bạch hóa:

– Bà không phải là vợ lẽ của ông phủ Vĩnh Tường mà bà vợ kế (không phải vợ lẽ) của Quan Hiệp Trấn Trần Phúc Hiển ở Yên Quảng. Trần Phúc Hiển bị tử hình vì bị nghi là nhận hối lộ.

Cũng qua Lưu Hương Ký, bà có hai bài thơ tình chữ Nôm với Quan Hiệp Trấn. Đồng thời chuyện bà là kế thất của Trần Phúc Hiển cũng ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn

Bà than thở: “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất – Miệng túi càn khôn khép lại rồi”.

Bà mất năm 1822…Năm 1823 thời Minh Mạng, phủ Tam Đới của Trần Phúc Hiển mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường.

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh (II)

Mỗi lần có hội hè đình đám, mối lo hàng đầu của ban tổ chức là phải sắp xếp các chiếu ăn, chia phần ăn làm sao cho đúng với ngôi thứ, vai vế của hàng chức sắc.

Cái phao câu, nôm na là cái đít gà, đã từng là đối tượng của nhiều cuộc tranh chấp, sát phạt nhau. Cái danh vọng tột đỉnh của đám chức sắc là được ngồi chễm chệ giữa làng, vừa liếm vừa mút cái đít kia.

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh nghĩa là gì ?

Có người hiểu rằng ngon nhất là cái phao câu, ngon thứ nhì là cái đầu cánh. Người khác lại hiểu là phao câu chỉ có một miếng, đầu cánh thì có hai. Do đó phao câu được dành cho người cao nhất trong làng và hai cái đầu cánh là của người thứ nhì.

(Nguyễn Dư – Con gà cục tác lá chanh)

Tiếng Việt vừa dễ vừa khó hiểu

Xin hỏi các huynh làm ơn cho hỏi: Có nhiều ca sĩ trong nước lên sân khấu hay “ngỏ lời”:

“Gửi lời chào thân thương” tay “Quý khán giả thân thương”.

Hay ở ngoài nước với những câu quảng cáo trên báo chí:

“Bác sĩ phục vụ cộng đồng” hoặc ““Luật sư phục vụ cộng đồng”
Họ muốn nói cái chi dzậy. Cám ơn trước.

Đáp: Xin miễn trả lời

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Phê bình II

Sau Phạm Quỳnh, sau đó mãi đến năm 1931 ta mới thấy xuất hiện thêm những bài phê bình của Thiếu Sơn Lê Sĩ quý trên Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn. Năm 1933, Thiếu Sơn cho xuất bản quyển Phê bình và cảo luận nhưng thiếu chính xác, sâu sắc.

Từ năm 1935 trở đi, ta mới thấy những bài phê bình thật sự có tính cách phê bình của Hoài Thanh, Nguyễn Bách Khoa (bút hiệu của Trương Tửu), Trần Thanh Mại, Lê Thanh, Thái Phỉ, Kiều Thanh Quế, Hải Triều, Vũ Ngọc Phan, Thạch Lam.

Trong suốt thời tiền chiến chỉ có Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh là đáng kể…

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có . . . thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà…đã thông cho được:

Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn !

(Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn !).

Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê! hoặc khủng khiếp quá!, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ!: Con bé đó đẹp quá trời !
Răng mà cú tráu rứa tê ?

(Sao mà cộc cằn quá vậy ?)

Chữ cú tráu nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa.

(Nguồn ĐatViet.com)

Đề: Tả chú thương binh.

Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.

Thêm bớt

Bài thơ Thu phong của Tản Đà có 8 câu, bị chủ bút Lê Tràng Kiều bớt đi còn 4 câu. Chưa hết, bài Cô lái đò của Nguyễn Bính bị ai đó thêm vào 4 câu cuối như dưới đây:

Xuân đã đem mong nhớ trở về

….

Để buồn cho những khách sang sông

Và 4 câu thơ ngớ ngẩn thêm vào là:

“…Thế rồi trên bến một đêm kia

Người khách tình duyên lại trở về

Cô gái đã vui duyên phận mới

Khách còn trở lại nữa làm chi…”

(Xuân Đẩu – Vài nét chấm phá trong thơ)

Dấu chấm không đơn giản

Rắc rối là dấu chấm lưng (…) vì nó có thể kết thúc một câu, nhưng nó có thể nằm giữa câu trong trường hợp liệt kê hoặc do chủ ý người viết muốn gây bất ngờ hay diễn tả sự ngắt quãng, sự kéo dài về âm thanh,..v..v..
Hãy so sánh mấy thí dụ sau:
– Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương… (thơ Hàn Mặc Tử)
– Cờ bạc là bác thằng…ăn trộm.
– Bước chân ra đi, nó khóc mãi…khóc mãi…

(Nguồn : e-cadao.com)

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search