T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Đoạn trường

clip_image002

 Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

 Ngày… tháng … năm

Ba ngày nằm liệt trên giường bệnh mới nhìn thấy rõ sự đối xử tàn tệ của gia đình bên chồng. Mình đói lã từ buổi sáng cho đến khi Triều trở về nhà. Bữa trưa, mọi người quây quần bên mâm cơm,  chẳng ai buồn hỏi han mình một tiếng xem có đói, có khát, có cần ăn, có cần uống thuốc hay không? Thân thể rã rời, mệt lã, mình không đủ sức ngồi dậy, nên đành nằm co người trong cơn đói, chờ vài chén cháo Triều mang về lúc xế chiều.

Đã vậy, cô em út còn miả mai “Anh Triều có hiếu với vợ dữ há”. Mình nuốt thức ăn không trôi  giữa hai  hàng nước mắt. Triều ôm vai mình không nói một lời. Mình không muốn làm cho  Triều buồn, nhưng nỗi tủi thân không sao ngăn được tiếng khóc. Bao lâu nay, mình miệt mài làm việc cả ngày lẫn đêm, không than một tiếng,  cũng chỉ là muốn giúp chồng làm tròn bổn phận đối với cha mẹ. Nhưng mình được gì, ngoài những nặng nhẹ, cay đắng. Mình hiểu họ muốn tỏ thái  độ…  nếu mình không thoả mãn được những yêu cầu. Triều vẫn không nói gì ngoài những tiếng thở dài sườn sượt.

Ngày… tháng… năm

Bây giờ thì mọi sự đã rõ ràng. Ngồi trước mặt mình và Triều, ông cha chồng cất  cao giọng:

-Bố mẹ muốn có một căn nhà riêng để ở cho thoải mái. Triều là con trai phải lo cho bố mẹ. Đó là bổn phận mà con phải làm.

Lời phán quyết của ông “sắt thép” nghe đến lạnh người. Triều ngồi đó, trên chiếc ghế rộng, cả người anh như thu lại. Nhỏ nhoi và cô độc đến tội nghiệp. Bà mẹ chồng từ tốn tiếp lời:

-Bố mẹ nuôi con cực khổ từ nhỏ đến lớn, lại còn chạy tiền, chạy của lo cho con ăn học. Chưa nhờ được đứa nào bố đã phải đi cải tạo hơn chục năm. Bây giờ con đã  học hành đỗ đạt, nên danh nên phận, có tiền có của thì phải lo mà báo hiếu bố mẹ cho phải đạo.

Tôi đưa mắt nhìn Triều. Anh quay đi cúi đầu xuống thấp. Cô em út  chanh chua thêm vào:

-Anh Triều là kỹ sư , lại còn có cả cái “shop” may của chị Quyên  thì cái nhà vài trăm ngàn có đáng là bao.

Đầu óc mình muốn nổ tung. Chỉ mong Triều lên tiếng để mình có dịp nói lên những điều phải nói. Nhưng anh chỉ im lặng. Lạ thật. Hình như trước mắt mình, không phải là Triều, người chồng mà bấy lâu mình vẫn nghĩ, anh là nơi nương tựa vững chải cho mình trong những cơn sóng gió của cuộc đời, mà chỉ là Triều, một đứa bé  lên năm lên tám, rụt rè sợ sệt trước cơn giận dữ của bố mẹ. Mình tức tối đến uất người. Thôi thì trước sau cũng phải nói. Nói một lần rồi ra sao thì ra, không lẽ cúi đầu vâng dạ, nhịn nhục đến suốt đời? Vừa định mở miệng thì Triều đã lễ phép thưa:

-Vâng, con sẽ cố gắng làm vui lòng bố mẹ.

Ông bà cụ đứng lên,  cô út cũng đứng lên theo, nhưng không quên trề môi:

-Cố với gắng… cứ làm như…

Bà mẹ chồng quay lại trừng mắt, cô ta nhún vai bỏ vào phòng.

Ngày… tháng… năm

Hai ngày nay mình làm việc miệt mài ở shop may. Ra đi từ lúc mọi người chưa thức dậy và trở về khi mọi người đã ngủ say. Cố tránh mặt Triều để lòng mình được bình tĩnh. Mong rằng, với thời gian mọi sự  sẽ lắng xuống và hy vọng  hai vợ chồng có thể ngồi xuống nói chuyện một cách ôn tồn. Trận cãi vã hai  hôm trước chỉ làm cho mình và Triều  cảm thấy bí lối. Thật sự, mình đã nóng nảy một cách quá đáng. Phần Triều cũng có lỗi là quá nhu nhược không dám trình bày sự thật  cùng bố mẹ anh. Triều viện  lý do:

-Anh nghĩ, dù có nói thế nào bố mẹ cũng không tin là mình không có tiền.

Mình bật cười (một nụ cười thảm hại làm sao!!!)

-Không thì sao. Vậy anh đào đâu ra tiền để mua nhà. Anh nghĩ mình có thể vay mượn được à?  Em nhắc cho anh nhớ, những  món nợ ngập đầu mình đang mang còn chưa trả hết đó nghe. Tại sao anh không nói rõ cho bố mẹ biết, từ ngày anh ra trường đến giờ, chưa đầy năm năm mà đã ba lần bị “lay off”,  “shop” may thì lỗ lã, mượn đầu này, đắp đầu kia. Nhà này rộng thênh thang sao không ở, lại đòi nhà khác. Hai đứa mình đi cả ngày, tối mịt mới về thì cũng chỉ có bố mẹ ở nhà thôi chứ có ai  phiền hà gì đến ông bà đâu.

Triều xuống giọng ra chiều áy náy:

-Nói gì thì nói, chứ bố mẹ chồng mà ở với con dâu thì cũng không làm sao bằng nhà mình.

Nỗi bực tức dâng cao trong cổ họng mình gằn giọng:

-Nè! con dâu này chưa có một lời nói, một thái độ thất lễ nào để anh phải nói câu đó nghe. Nếu  ai muốn tạo của cải riêng thì cứ tự nhiên,  chứ đừng vịn cớ này cớ nọ mà đổ tội cho người khác.  Có muốn thì tự kiếm tiền mua đi, tôi không có khả năng để làm chuyện đó.

Triều nhỏ nhẹ:

-Anh không có ý đó, nhưng anh sợ… có nhiều điều nói ra bố mẹ hiểu lầm… rồi tủi thân. Từ bé đến giờ anh chưa bao giờ làm phật ý bố mẹ.

Mình lùi lại nhìn Triều. Người đàn ông cao lớn,  trầm tĩnh và cứng rắn của những ngày trước đây sao? Không! đây không phải là Triều của ba năm trước, khi hai đứa quyết định lấy nhau. Ngày xưa, Triều luôn có quyết định mau chóng và dứt khoát trong mọi chuyện, sao giờ đây anh lại  nhu nhược và yếu đuối thế này. Có đúng như anh Kông nói “thì chỉ tại nó là đứa con có hiếu, có hiếu đến độ mù quáng,  không nhận ra cái đúng,  cái sai của bố mẹ mình”.

Ngày… tháng… năm

Lá thư của Như gửi cho mình từ Việt Nam bị bóc ra. Ba năm chung sống với nhau chưa bao giờ Triều làm điều này. Vậy thì ai vào đây? Mình lắc đầu ngao ngán, lẳng lặng  bước vào phòng không nói  một lời. Ngoài kia,  cô em út lại lên giọng móc ngoéo:

-Lại  có thư Việt Nam gửi sang đòi tiền , hèn gì mà anh Triều chẳng có tiền mua nhà cho bố mẹ.

Giọng Triều gắt gỏng vang lên:

-Miêng!  em lại nói bậy bạ gì nữa đây?

Chỉ chờ thế là bố chồng chen vào:

-Con Miêng nói không đúng sao?  Anh là đàn ông mà tiền bạc, chi tiêu bao nhiêu cũng do vợ nắm hết  là thế nào?

Mình không còn muốn nghe gì nữa hết. Nỗi chán chường tràn lên tận đỉnh đầu.  Mở nhạc,  đeo máy nghe vào, nhắm mắt lại, cố quên hết mọi sự,  lòng tự nhủ lòng “nếu muốn giữ lại tình cảm vợ chồng được êm đẹp, phải tập làm người mù và người điếc”.

Ngày… tháng … năm

Vậy là bố chồng đã ra tới “shop” may để làm nhiệm vụ kiểm soát. Chỉ mới ba ngày thôi mà chị Tư đã chạy vào nói nhỏ:

-Quyên ơi! ông già chồng của bà làm việc kiểu này là thợ thuyền đi hết đó nghe. Nhiều người bực mình vì cái lối dòm ngó, kiểm soát của ổng lắm rồi.

Mình thở dài nghĩ thầm “Hậu quả có ra sao thì cũng vừa ý Triều thôi”. Sau lần nói chuyện với chị Tư, mình mới để ý cái lối chủ cả của bố chồng:

-Chừng nào mới xong đống hàng này mà nói chuyện mãi thế?

-Ăn trưa gì mà lâu vậy?

Có người làm thinh, chẳng nói chẳng rằng, nhưng cũng có người xỏ ngọt:

-Bác ơi cháu làm ăn cái, chứ đâu có tính tiền giờ. Hễ cháu làm chậm thì vợ con cháu đói, chứ đâu có mắc mớ gì đến chủ “shop” mà bác lo chi cho mệt.

Bố chồng đâu biết rằng, mình phải biết điều, biết xử thì thợ mới ở lại làm việc lâu dài. Nếu không, họ chạy chỗ khác thì chủ “shop” coi như cụt tay. Khổ nỗi, cứ mỗi lần ông lên  giọng chủ cả thì  mình lại phải xuống nước giả lả với họ cho khỏi mích lòng. Đã mệt lại còn thêm chuyện cho đau đầu…

Ngày… tháng… năm

Mấy hôm nay bố chồng không ra “shop”, mình cảm thấy nhẹ hẳn người. Không khí trong “shop” cũng có vẻ dễ chịu. Buổi trưa ngồi ăn cơm với chị Tư mới biết lý do sự rút lui của ông. Đó là vì ông chạm mặt với anh Khiêm, người phụ trách khâu ủi đồ. Ngày trước, anh Khiêm và ông học tập  cải tạo chung. Anh Khiêm nói, ở trại tù  ông làm “ăng ten”, chuyên theo dõi và báo cáo việc làm của bạn tù cho cán bộ biết,  nhiều người bị tra tấn, hành hạ cũng vì hành động  thiếu tư cách và kém đạo đức của ông. Vì thế, khi gặp ông, anh Khiêm vừa hỏi thăm vài câu ông đã lẩn vào trong, rồi về lúc nào không ai hay.

Thì ra vậy! Cho đến giờ phút này thì mình có thể giải tỏa nỗi thắc mắc trong lòng “tại sao ông chỉ biết sung sướng cho ông mà không nghĩ đến nỗi khó khăn của người khác?”.

 

Ngày… tháng… năm

Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Mình  không kềm chế được những nỗi ẩn ức trong lòng khi bố chồng nói xa, nói gần về lá thư của đứa em ở Việt Nam gửi sang báo tin anh Hai của mình phải vào bệnh viện.

-Cứ nay người này đau, mai người kia ốm thì ở đây chỉ có nước bán nhà.

Cố nuốt cơn giận vào lòng, mình từ tốn:

-Thưa bố, ngày xưa bố chưa sang đây, tụi con phải gửi tiền về  cho bố mẹ mỗi tháng mà còn chưa phải bán nhà, thì có xá gì ông anh bệnh hoạn của con, một năm chỉ có hai trăm bạc.

Ông gầm lên như bị trúng đạn:

-Chị đừng có hỗn láo, cha mẹ chị dạy chị ăn nói với bố chồng thế à?

Mình đứng lên, hai tay nắm chặt để kềm giữ cơn run rẩy:

-Thưa bố, ba mẹ con dạy con phải biết sống vì người khác chứ đừng vì muốn sung sướng cho bản thân mà bất chấp sự đau khổ của người thân của mình.

Mắt ông tóe lửa,  tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống mình:

-Triều! mày có biết dạy vợ mày không? Đồ khốn kiếp, mày phải trừng  trị con vợ mất dạy của mày cho tao.

Mình nhìn ông bằng nụ cười lạnh nhạt. Ông nhảy bổ đến bên mình, vung tay lên. Nhanh như chớp,Triều kéo mình ra phía sau để rồi anh lãnh trọn một cái tát nháng lửa. Mình bước ra cửa, bỏ lại sau lưng những câu chửi rủa tục tằn.

Ngày… tháng … năm

Cuối cùng mình đành làm người thua cuộc. Sau mấy ngày suy nghĩ và cầu nguyện mình đã tìm ra một giải pháp tạm xem là yên ổn đôi bề. Mình không muốn Triều phải bị đay nghiến mỗi ngày vì cái tội bất hiếu, không chịu sắm sửa nhà  cửa cho bố mẹ. Mình quyết định dọn ra chung cư và  để căn nhà đó lại cho bố mẹ và cô em út của Triều.  Bạn bè cho rằng mình dại. Cái dại, cái khôn, đôi khi cũng khó mà chọn lựa. Thật sự, mình không nỡ nhìn Triều bị đay nghiến ngày từng ngày và cũng muốn được yên thân.

Bố chồng cấm mình từ rày không được léo hánh đến nhà ông-căn nhà mà vợ chồng mình tằn tiện để có đủ tiền down mà mua nó. Đến bây giờ vẫn còn trả nợ… và rồi sẽ tiếp tục trả thêm mười lăm năm nữa- dẫu ông có bệnh hoạn cũng không muốn mình tới thăm.

Cám ơn bố chồng đã nói dùm điều mình muốn mà không dám nói []

Ngân Bình

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search