T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 91)

clip_image001

Chữ nghĩa trên mạng

Đọc được lời rao của tuổi “teen” trên “tuyến gái” internet:

“Tình hình là còn lonely mà lại sắp đến t7 cn (thứ bẩy, chủ nhật) rồi nên ai mú đi chung thì cứ vào mà Dk (đăng ký) nha…

Chữ nghĩa làng văn

Với hai từ “rờ” và “sờ” theo tự điển của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa là “rờ” có hai nghĩa:

Thứ nhất, là “sờ”, là dùng tay mó. Ví dụ “Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ – Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”.

Thứ hai, là “lén nậng, bóp vật kín của đàn bà khi người ta ngủ”.

Đọc định nghĩa thứ hai, thú thực có ba điều tôi (Nguyễn Hưng Quốc) không hiểu nổi:

– Một, tại sao chỉ “nậng” (hay nựng) và bóp vật kín của đàn bà mới gọi là…rờ?

– Hai, tại sao lại phải nhất thiết là vật kín?

– Ba, tại sao phải đợi đến lúc người ta…ngủ?

Đọc xong địng nghĩa chữ “rờ” của hai ông, tự nhiên tôi đâm ra phân vân nghĩ ngợi:

– Chả lẽ cả đời hai ông ấy chưa từng biết “sờ” hay “rờ” là gì cả?

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt: sờ và rờ)

Chữ Hán, chữ Việt I

Ngày xưa, có thầy đồ nổi tiếng dạy giỏi nên có rất nhiều học trò tới theo học, thầy đồ lại có cô con gái rất xinh, lại hay chữ. Trong số các nam sinh có một anh cũng rất giỏi chăm chỉ, nên được cô gái để ý.

Một hôm thầy đồ dẫn các học trò sang làng bên có chuyện, chỉ còn anh học trò nọ ở nhà để giã giò, anh ta liền cởi hết quần áo chỉ mặc chiếc quần đùi mỏng để giã giò cho dễ. Hăng say lao động, anh không để ý nên “cái ấy” của anh thò ra lúc nào mà không biết. Cô gái đang xay lúa nhìn thấy hỏi anh học trò bằng chữ Hán:

– Hà vật (cái gì vậy)
Anh học trò mắc cở, trả lời:
– Thủ tam tam tử (đầu con ba ba chết)
Cô gái thắc mắc:
– Tử hà bất táng (chết sao không đem chôn)
– Gia bần vô hữa quan tài táng (nhà nghèo không có tiền mua quan tài để chôn)
Cô gái thấy thương liền nói với chàng trai
– Bán dạ đáo phòng  trung, táng sự quan tài nhục (nửa đêm vào phòng, cho chôn vào quan tài thịt)
Được lời như cởi tấm lòng, đúng nửa đêm anh ta vào phòng để cô gái “táng” cái “thủ tam tam tử” vào “quan tài”. Trong lúc “làm tang lễ”, cô gái hỏi chàng trai:
– Tử hà cường hĩ (chết rồi sao còn khoẻ thế)
Chàng trai thở hổn hển:
– Táng ư đắc địa, nhi cải tử hoàn sinh (chôn nơi đất hợp, đang chết tự nhiên sống lại.

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Hỏi: Tui có chút thắc mắc, theo trong tự điển chữ Việt:

Lạt (danh từ) : dây bằng tre, giang hay mây chẻ mỏng.
Cột (động từ) : buộc.
Thông thường tui chỉ nghe nói “buộc lạt” chứ không nghe nói “cột lạt”! Tại sao vậy???

Đáp: Hổng biết tại sao luôn!

(Nguồn ĐatViet.com)

Thả thơ II

Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết.

Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…

Dưới đây thêm một thí dụ với Nguyễn Bính:

Sáng giăng _ _ _ nửa vườn chè

Một gian nhà nhỏ đi về có nhau

Vì tầm tôi phải chạy dâu

Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay

(Thời trước – Thơ tình Nguyễn Bính)

Chúng ta phải chọn 1 trong 5 chữ “sáng – soi – chiếu – lên – chia

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Chữ nghĩa trong câu đối

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “xuất đối dị, dị đối…dị” như vợ khóc chồng là thợ nhuộm:

Thiếp từ khi lá thắm duyên xe, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh

Câu phúng trên do cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị hàng xóm khóc chồng, có đủ mầu sắc của nhà thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh…

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Thả thơ với Nguyễn Bính

Chữ được chọn: “chia”.

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Chữ nghĩa thập niên 20

Quy mã – Là cưỡi ngựa về quê nhà. Xưa Tư Mã Tương Như có đề vào cột cầu Lam (Thăng tiên kiều) mấy chữ rằng : Không xe ngựa cưỡi, thì sẽ không qua cầu này…

Sau làm nên có xe ngựa mới về.

Hai chữ ấy dùng để chỉ một việc có cũng như không.

(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực

Chả giò vất vả, nhọc sức theo bước chân của những người di dân ngược Bắc suôi Nam. Món ăn này khởi thủy từ Sài Gòn. Ngày xưa còn ngăn sông cách trở, vượt đèo lội suối ra tới Hà Nội được người Bắc gọi là…”nem Sài Gòn”. Cứ theo những người viết đi trước ngày ấy ở Hồ Gươm có nhiều bảng thật to, quảng cáo cho nhiều quán trước ga tầu điện cho món Nam kỳ này. Nem Saigon nổi tiếng thời đó có hiệu ăn Tế Mỹ, cuốn nem nhân cua biển, hơi bẹt một tí rán phồng vừa đủ vàng chấm nước mắm pha dấm ớt, kèm vài lõi bắp cải chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út có vị chua chua, nếu dùng để đưa cay với ly rượu Mơ, ngon thật không còn gì bằng.

Theo cuộc di cư 54, không gọi là nem Sài Gòn nữa mà mang cái tên mới là “chả giò”, vẫn là món ăn của người miền Nam do…người Bắc làm.

Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam

Thi nhân Việt Nam là một tác phẩm phê bình thơ với cảm quan, cảm tính của Hòai Thanh. Do đó ông phê bình thơ bằng nhạy cảm, khiếu thẩm mỹ thưởng ngoạn của riêng ông.

Cũng như Vũ Ngọc Phan, ông chú trọng vào văn chương để phê bình tác phẩm. Tuy nhiên có một điểm khác với họ Vũ, ông chỉ khen chứ không…chê.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Đam đam

Đam đam: Chữ Hán, nghĩa là nhìn xuống không hề chớp mắt.

Chữ Việt ta là….“đăm đăm”.

Truyện cực ngắn: Chuyện văn chương

Hắn mê văn chương đến độ nhìn cái gì hắn cũng thấy ra hình chữ. Ngay cả vợ hắn cũng xuất hiện dưới mắt hắn như một con chữ ngọ nguậy. Con chữ ấy nói chuyện với hắn, cơm nước cho hắn, săn sóc hắn, vuốt ve hắn, hờn giận hắn. Con chữ ấy quằn quại và lâu lâu lại rên lên khe khẽ dưới bụng hắn. Ðến khi con chữ ấy bỏ hắn ra đi, ngồi một mình trong căn nhà lặng ngắt, hắn mới thấy, thấp thoáng từ xa, thật xa, hình ảnh thật, bằng xương bằng thịt, của vợ hắn. Lần đầu.

Chữ nghĩa xưa cũ

Cô kia mắt kẻm kèm nhèm

Ăn 3 xu kẹo kéo mắt sáng bằng đèn ôtô

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục II

Bà Hồ Xuân Hương lập nên Cổ nguyệt đường ở bên Tây Hồ để làm nơi chỗ thi văn tác phú với tao nhân mặc khách thời ấy. Trong đó có Chiêu Hổ. Ông trêu ghẹo bà:

Người cổ còn đeo chữ nguyệt

Buồng xuân chi để lạnh mùi hương

Chữ “hồ” cắt làm đôi ra hai chữ “cổ”“nguyệt”.

Cũng như Hồ Tây sau này cắt ra làm hai hồ:

Hồ Tây và hồ Trúc Bạch giữa có con đường tên….Cổ Ngư.

Nhà văn

Có một lần, một anh bạn mắng xơi xơi vào mặt tôi (Nguyễn Đức Thiện): “ anh là cái gì, là nhà “ dăng “ hả? Nhà “ dăng” là cái quái gì?” Tôi không dám cãi một câu. Thì bởi: nhà văn thì cũng bình thường thôi, như bao nhiêu người bình thường khác.

Có người bảo: văn chương giống như cái chợ. Ai thích thì vào không thích thì thôi. Vào không mua, không bán, thì dạo chơi. Thích thì dạo lâu, không thích thì thoáng qua rồi đi. Không thiếu  gì người đã hăm hở bước vào nghề văn chương với nhiệt huyết cao. Nhưng chỉ một thời gian, có khi vì hoàn cảnh, và cũng có khi lực bất tòng tâm, họ chia tay với văn chương mà không lời từ biệt. Nhưng cũng có người, ngày này sang tháng khác, năm này qua năm khác, lầm lũi một mình viết và cho ra đời những tác phẩm của mình. Cho nên, ai từng những ai đã từng ghé chợ văn chương”, từng cầm bút viết thành tác phẩm đều có thể gọi họ là nhà văn, thậm chí, chính họ cũng có quyền xưng danh là nhà văn, nhà thơ nữa mà chẳng ai có quyền bắt bẻ…

Cho đến bây giờ, những nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội nhà văn. Một nhà văn dưới tuổi bảy mươi may lắm ba bốn năm mới được tài trợ sáng tác một lần. Nhà văn nào sung mãnh trong sáng tác thì vài năm một lần được tham gia trại viết để hoàn thành tác phẩm. Cái mà họ được thường xuyên nhất là một số ấn phẩm do Hội nhà văn chủ trì in ấn.

Viết đến đây, tôi xin kể một chuyện vui: Có một nhà văn động viên một người viết vào Hội. Người kia hỏi: “ Vào hội để làm gì?” . Anh nhà văn kia cười: “ Vào để khỏi phải viết nữa”. Anh ấy hài hước như vậy vì thực tế có những người vào hội rồi, vỗ ngực xưng danh “ ta là nhà văn”, rồi bẵng bặt có khi vài ba năm sau mới viết được một truyện ngắn, hoặc một bài ngăn ngắn để nhắc với mọi người rằng “ ta là nhà văn”. Thế nên, điều lệ mới đây của hội nhà văn đã phải nhắc đến thời hạn không sáng tác của nhà văn để giới hạn độ “lỳ” của những nhà văn chỉ cần có cái danh xưng.

(Nguyễn Đức Thiện – Danh xưng “Nhà văn”)

Tiếng Nam tiếng Bắc

Nam kêu bát to, Bắc gọi cái liễn.

Nam kêu bát nhỏ, Bắc gọi bát đàn.

 

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

Bài Mới Nhất
Search