T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 93)

clip_image001

Tục ngữ Ta và Tầu

Lạnh lùng thay láng giềng ôi

Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều

Nhiệt táo nhất bả, lãnh táo nhất bả

(Bếp đỏ lửa, bếp lạnh tanh)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Sửa ca dao

Gần đây người trong nước sửa “tháng giêng” thành “tháng một”! Sửa như thế chỉ gây rắc rối thêm nếu chúng đọc đến bài ca dao :

Tháng giêng là tháng ăn chơi,

Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Những thành phố cổ, nhà cửa so le, đường xá quanh co, khuất khúc, nhưng nó có cái đẹp riêng, ta có nên nhân danh hai chữ “tiện lợi” san bằng tất cả để xây dựng những thành phố mới đường ngang, lối dọc, thẳng tắp nhưng… “giống nhau như hai giọt nước” ? Hay là ít nhất ta cũng chừa lại một vài khu vực cổ kính để lưu niệm ? Ngôn ngữ phản ánh con người, con người không “lô-gích” thì ngôn ngữ cũng không “lô-gích”. Tôi nghĩ chẳng có một thứ ngôn ngữ nào trên thế giới lại hoàn toàn “lô-gích” cả.

Vậy thì thế nào là “bảo tồn”, thế nào là “làm giầu” cho tiếng Việt, thế nào là “bảo thủ”? Ðâu là ranh giới?

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt” nói tiếng…)

Tri thức và trí thức

 Hỏi :

Ai biết khác biệt hai chữ tri thức và trí thức xin giải thích dùm…

Đáp:

Tri :những điều mình biết, quen biết.
Trí: hiểu rõ sự lý, thông minh.
Thức: hai chữ sau đồng âm và có chung một tự Hán và cùng nghiã, là những điều mà người ta kinh nghiệm, học hỏi hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết.

Còn khi hai chữ sau tách riêng đi với chữ khác thì nghĩa đã đổi:
Tri châu : trương quan cuả 1 châu.
Trí thư : gởi thư (thơ).

(Nguồn ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Nguyễn Tuân rất thích truyện tiếu lâm hiện đại nhằm giễu cợt những sự việc, những nhân vật đương thời. Có lần ông kể tôi nghe một truyện về Phạm Tuân:

“Cái hôm người ta phóng con tầu đưa Phạm Tuân lên vũ trụ, Võ Nguyên Giáp có tới dự. Một điều lạ khi nhiên liệu nổ rầm rầm mà con tầu không thấy bay lên. Các công trình sư Liên Xô chạy đôn chạy đáo kiểm tra kỹ thuật mọi mặt đều chẳng có gì trục trặc cả.

Nguyên Giáp ngẫm nghĩ một lát rồi đề nghị cho mình đến gặp Phạm Tuân. Tuy biết Võ Nguyên Giáp không hiểu gì về kỹ thuật, nhưng vì nể nên họ đồng ý. Võ Nguyên Giáp vào gặp Phạm Tuân một lát, vừa quay ra thì con tầu đã vọt thẳng lên trời. Các vị có mặt hôm ấy hỏi tướng Giáp đã làm thế nào. Giáp không nói, chỉ tủm tỉm cười.

Khi về nước, Lê Duẩn lập tức triệu ngay Giáp đến để hỏi. Giáp vẫn không chịu nói. Duẩn nghiêm mặt: “Anh giữ bí mật quốc gia là đúng. Nhưng tôi là tổng bí thư mà anh cũng giữ bí mật sao?

Võ Nguyên Giáp đành phải nói thật:

“Có gì đâu, tôi thọc tay ngay vào túi quần nó. Quả nhiên thấy có mấy cái đinh ốc nó vừa xoáy ở con tàu. Tôi quát: “Muốn sống lắp trở lại ngay!” Thế là con tàu bay vọt lên trời”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Nói lái trong tiếng Việt

Nói lái trong tiếng Việt có tự nghìn xưa, phong phú và đa dạng. Riêng phần chén chú chén anh thôi đã đầy rẫy, đếm không hết kể không xuể như: mộc tồn (con cầy), hạ cờ tây (cầy tơ). Rồi tới lai rai ba sợi thì có “lỳ một lam (làm một ly).

Đang nhậu tới bến mà được hỏi thì: “ít lắm, chỉ mới lai rai “ít ly” thôi. “ít ly” thôi nên tạm hiểu là mới uống đúng “y một lít”.

Vậy là…ít lắm!

Chữ nghĩa tiếng Việt

Tiếng Bắc:

– Ai vấy.

Tiếng Nam:

– Ai vá.

(Tiếng Việt ta hay thật)

Đồng tiền hoẻn

Bài “Đồng tiền hoẻn” hay “Vịnh đồng tiền” có câu:

Mở mặt vuông tròn với thế gian

Kém cạnh cho nên mang tiếng hỏen

Có một số người cho là của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Nhưng cũng có nhiều người lại cho là của bà Hồ Xuân Hương.

Chữ nghĩa làng văn

Với loại viết bằng chữ Nôm thì câu văn khó hiểu, kết cấu truyện lượm thượm và còn đang ở trong hình thức truyện kể. Với loại viết bằng chữ Hán thì người đọc không thấy được tính chất thời đại cũng như đặc tính của ngôn ngữ Việt trong đó vì khi thực hiện các tập này, tác giả chỉ thuần nhắm phần thâu thập các truyện cổ truyền trong dân gian.
Một vài nhà văn Việt thời chữ Nôm có sáng tác loại truyện kể nặng tính chất truyền kỳ – một hình thức truyện ngắn tương đối gần với dạng phôi thai của truyện ngắn ngày nay – như Ðoàn Thị Ðiểm, với sáu truyện trong tập ‘Truyền Kỳ Tân Phả’ , như Cao Bá Quát với mười truyện trong văn cả của ông.

Các truyện này cho tới ngày nay vẫn chưa có điề kiện để được lưu hành rộng rãi cho nên không có ảnh hưởng trong văn chương. Nhìn chung các mặt ngôn ngữ, không khí cũng như hình thức các truyện ngắn cũ đều khác xa với truyện ngắn gần đây.

(Nguyễn Văn Sâm – Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

Bố cái đại vương

Danh từ Bố Cái Ðại Vương, Cái là danh từ Mã Lai, có nghĩa là ông cha hùng mạnh, ông cha thủ lãnh. Hiện nay Mã Lai vẫn còn có danh từ Ibu La’ki, đúng nghĩa Bố Cái, vì Ibu=bố, La’ki=Cái, Ibu La’ki có nghĩa là nhà lãnh đạo.

Chữ nghĩa làng văn

Nhân đọc cuốn Từ và vốn tiếng Việt hiện đại và tác giả Nguyễn Văn Tu, giáo sư ngôn ngữ học ở Hà Nội cho là hai từ “vua” là chữ Hán cổ.

Theo tôi (Thiếu Khanh) thì “vua” là tiếng Việt mà âm cổ từ chữ “vương”. “Vương” là chữ thuần Việt .

Trong khi “vương” viết theo lối Tầu với ba vạch ngang và một vạch dọc ở giữa nối liền ba vạch ngang tượng trưng cho “người” nối liền “thiên – địa – nhân”. “Người” đây là hiền giả chứ không phải là vua theo nghĩa Tầu.

“Vua” của họ từ nhà Chu lớn, bé đều xưng là “đế”, không ai xưng vương. Đế phong cho con thứ là vương, như vua Đường phong cho con út là Đường vương

(Thiếu Khanh – Văn hóa Việt Nam)

Người người lớp lớp…

1954, Trần Dần tham gia chiến địch Điện Biên Phủ với Đỗ Nhuận, họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cái chết của Tô Ngọc Vân trong chiến dịch tác động mạnh mẽ đến ông. Ông viết một hơi tiểu thuyết Người người lớp lớp.

Tại sao gọi là người Tàu

Theo Lê Quý Đôn:

“…Tàu buôn từ Quảng Đông đến Hội An thuận gió mùa thì chỉ ở hai, ba ngày thôi. Tàu từ Phước Kiến đến thì nạp 2.000 quan, lúc tàu trở về thì chỉ nạp 200 quan.

Có lẽ vì người Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, thêm người Hải Nam đến tấp nập, đông đảp trên các tàu buôn lớn nên dân ta gọi họ là “dân Tàu” cho tiện…”.

(Phụ chú: Người Nam gọi là “Tàu”, người Bắc gọi là “Tầu” ?)

(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Chiết tự

Câu thơ dân gian “Bao giờ thằng ngốc làm vua – Cha con nhà Nguyễn bỏ chùa ra đi”.

Chiết tự chữ ngốc và chữ nhân là chử Bảo: Ám chỉ vua…Bảo Đại.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Chữ nghĩa làng văn

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em lấy chồng anh tiếc lắm thay

Bàn về câu “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, phải chăng tác giả túng vận nên tác giả chỉ nói suông, cho hợp với vần “iếc” trong từ “tiếc” ở câu sau?

Đây là bài theo thể lục bát thất ngôn, khi đưa ra chữ “biếc” để gieo vần, tác giả hoàn toàn tự do vì chưa phải tìm vần. Nếu chữ “tiếc” gieo vần với chữ “biếc” mà không có nghĩa thì mới gọi là câu thơ bị ép vần vì tác giả bị túng vần.

Thế nhưng phải có một loài tầm xuân nở ra xanh biếc?!

Vì đã có một nhà thơ đã diễn tả: “Chạm vào nhánh tầm xuân – Vẫn xanh biếc nụ, vẫn ngần ấy hương”. Theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Đức thì hoa tầm xuân mọc dài từ Thanh Hóa, Nghệ an, Bình Thuận. Hoa thuộc họ đậu mầu xanh tím.

Và được dân giã gọi là “Hoa đậu biếc”.

***

Còn bài ca dao đi vào văn chương qua sự đối đáp giữa Trịnh Tráng và Đào Duy Từ thì vẫn là những ẩn khuất! Vì lấy gì làm bằng chứng hai người đối đáp nhau bằng…ca dao như thế? Văn khố nào giữ bút tích của người xưa…

Thật khó tìm thấy câu chuyện văn chương này trong những thư tịch khả tín. Thế nhưng giai thoại thì vẫn được dễ dãi chấp nhận qua một số nhà biên khảo và học giả.

(Phan Bảo Thư – báo Sài Gòn Nhỏ)

Tiếng Tầu tiếng Ta

Ngày xưa ở bên Tầu, các quan Tầu như Lý Bạch, được người sau gọi là ông tiên bị đày xuống cõi nhân gian nên có tên là “Trích tiên”. Cũng như Bạch Cư Dị bị đi đày gọi là “biếm trích”, nơi bị đầy được gọi là “trích địa”.

Ngày nay ở bên Ta, các quan Ta bị đi đày bị kêu là được “cải tạo”, nơi bị đầy gọi là “trại cải tạo”. Cải tạo là tiếng…Tầu. Thế mới đau.

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search