T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự: Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – một người đã khuất bóng (Kỳ 4-Hết)

clip_image001_thumb.jpg

Kỳ 1     Kỳ 2   Kỳ 3

Một ngày tháng Năm năm 1985, công an trại giam Phan Đăng Lưu chuyển tất cả anh em chúng tôi sang Chí Hòa. Từ lúc ngồi chờ ở sân rồi trên chuyến xe vận tải suốt lộ trình di chuyển, chúng tôi đã vui mừng vì được gặp nhau sau cả năm trời xa cách. Đủ thứ chuyện trò hàn huyên không dứt.

Anh Dương Hùng Cường thỉnh thoảng lại nheo mắt nhìn tôi cười cười. Anh Duy Trác thăm hỏi ít câu rồi cũng chỉ mỉm cười chứ không nói gì nhiều.

Tôi nắm nhẹ bàn tay Nhạn và định nói một điều gí đó để động viên tinh thần, nhưng nhìn vào đôi mắt đầy tự tin cùng nụ cười nhẹ thật tươi vui của cô bạn trẻ, tôi hiểu ngay là việc này không cần thiết.

Anh Hoàng Hải Thủy thì khoái trá bảo rằng đã có lần muốn nhờ tên cán bộ vẫn hay hỏi cung, cho anh được gửi cái răng bọc vàng về nhà, để ở nhà có thể bán đi mà chi dùng cho đời sống. Hắn ta không chấp thuận và nói như vậy gia đình sẽ hô hoán rằng anh đã bị đánh đến gẫy cả răng, rất khó lòng mà giải thích.

Tôi nhớ có lúc anh Doãn Quốc Sĩ đến đứng sát bên cạnh, rồi kể về việc cơ quan an ninh Cộng sản đề nghị anh viết bản kiểm điểm, thành khẩn nhận hết mọi tội lỗi, đồng thời cam kết sẽ không bao giờ còn chống đối gì nữa để được khoan hồng và mọi người trong vụ án đều sẽ về sớm, cũng như hồ sơ xuất cảnh đoàn tụ của anh không bị chậm trễ trở ngại. Họ nói anh nên nghĩ tới những người còn trẻ trong vụ án và gia đình những người này nữa. Tuy vậy, anh đã thẳng thừng từ chối và khẳng định rằng, dù ngày mai lên đường để đi, nhưng hôm nay có điều gì phải bầy tỏ thì vẫn cứ lên tiếng như thường. Anh mỉm cười thanh thản và hỏi tôi chắc hẳn cũng đồng ý với anh như thế. Tôi đã trả lời vâng với anh.

(Mấy năm sau, khoảng đầu 1989, ở lần anh Duy Trác và tôi lên thăm anh và anh Hoàng Hải Thủy trên trại Z 30A, ngồi chuyện trò ngoài khu tiếp tân, anh nắm tay tôi và vui vẻ ôn nhắc vài chuyện cũ. Thật điềm đạm từ tốn như vẫn thấy nơi anh, anh thản nhiên và nhẹ nhàng kể thêm về việc ông Chế Lan Viên từng gọi anh là thằng này thằng kia vì mấy lần muốn “chiêu hồi” anh mà không thành công. Trước đấy, từ lần đầu có dịp gặp anh khi chưa xẩy ra vụ án, tôi xưng hô Bác tôi với anh, nhưng anh bảo cứ anh em thôi, cho thân tình.

Đầu năm 2007, khi gia đình tôi vừa sang định cư ở Houston, anh chị Duy Trác đưa chúng tôi lên vùng North thăm anh chị, lúc ấy đang ở với gia đình người con trai lớn. Anh vui mừng nhận ra được tôi ngay. Tuy vẫn còn dáng vẻ khỏe mạnh nhưng anh đã có dấu hiệu hơi lẫn thêm rồi. Chỉ một lời hỏi thăm y như nhau, thế mà trong suốt câu chuyện từ lúc ở nhà cho đến khi ngồi trên xe để cùng đi ăn, rồi thời gian tại tiệm phở và quay về, trong khoảng chừng hai giờ đồng hồ, anh đã lập đi lập lại với tôi tới sáu bẩy lần. Năm ấy, anh Doãn Quốc Sĩ đã ngoài tám mươi rồi còn gì.

Sau khi chị mất năm 2011 được ít lâu, anh sang Cali và ở lại luôn. Bên đó có gia đình người em gái và cũng nhiều gia đình các con của anh hơn.)

Quay sang thấy Lý Thụy Ý nhìn tôi như định trao đổi một điều gì, tự nhiên tôi buột miệng nói nhỏ với Lý Thụy Ý rằng có lẽ đã đến lúc nên trả ông Ch.về với gia đình. Cô bạn đã cười vui và đưa ngay ngón tay ngoéo với tôi không chút ngập ngừng, như thể đã có sẵn quyết định ấy từ bao giờ rồi. Một con người tài hoa và nhan sắc, thật sôi nổi và lãng mạn, làm thơ viết văn rồi nổi danh sớm từ dạo giữ một trang mục về nhà binh ở tờ Văn Nghệ Tiền Phong trước 1975 cả bẩy tám năm trời, nhưng trong chuyện tình cảm thì Lý Thụy Ý lại thật nhiều nỗi truân chuyên sóng gió. Việc giao thiệp quen biết sao đấy với ông họa sĩ Phạm D. Ch. nơi ngày tháng rong chơi sau này, khi Sàigòn đã đổi tên cũng là một trường hợp xì xào điều tiếng to nhỏ. Tôi không để ý sự riêng tư của người khác, nhưng một người bạn có thân quen với gia đình của ông Ch., đã kể với tôi chuyện đó và nói rằng gia đình ấy từng chịu nhiều sóng gió xào xáo.

Có lẽ cái ngoéo tay với tôi lần ấy đã mạnh dạn kết thúc hẳn tất cả tháng ngày phiêu lãng bềnh bồng, để rồi sau này khi đã thành án đi lao động trên trại Bố Lá, Lý Thụy Ý bắt gặp được mối chân tình thật đẹp nơi Việt, anh chàng kỹ sư cơ khí người miền Bắc, đầy nghệ sĩ tính, cũng bị đi lao động cải tạo cùng trại vì vướng vào vấn đề liên quan đến kinh tế gì đó nơi chỗ làm việc.

Và khi ra lại ngoài đời, hai con người của tình yêu tuyệt vời này đã cùng nhau vượt qua biết bao khổ nhọc cơ cực và cay đắng, để cuối cùng đạt đến nỗi sướng vui tràn đầy hạnh phúc trên mọi khía cạnh.

Tôi biết Lý Thụy Ý và Việt ngay sau lúc mãn hạn tù, phải rau cháo đắp đổi từng ngày vô cùng vất vả qua nhiều năm tháng. Lý Thụy Ý xoay xở đủ cách không chút nề hà, từ việc bán xôi rồi quay sang mở quán cà phê, viết bài cho mấy tờ báo thời trang…Và Việt cũng lao vào cuộc mưu sinh với nghề máy móc cũ của mình, hăm hở như một anh con trai mới lớn vừa bắt đầu có một tình yêu và tình yêu này cần phải đạt cho được mọi điều tốt đẹp.

Thế rồi sau những ngày du mục lang thang, khởi đi từ mái lá che chắn tạm bợ, dựng nhờ nơi khoảnh sân nhà chị Hoàng Hương Trang vùng ngã năm Bình Hòa bên Gia Định, hai người dần dần đã có những bước thay đổi ngoạn mục và nhanh chóng, chỉ trong vòng trên dưới mười năm. Những nỗ lực bền bỉ của cả hai, lại luôn gặp nhiều thuận lợi, rồi nhờ bắt nhịp cuộc sống qua việc mua bán nhà cửa đất đai, sau mấy lần dọn chuyển mà lần sau thì nhà cửa lại to đẹp hơn lần trước, cuối cùng nơi chỗ cho tình yêu của họ là một biệt thự khang trang, kiến trúc rất đẹp bên khu phố mới Tân Thuận quận 7. Lý Thụy Ý thanh thản làm thơ viết văn rồi in các tác phẩm của mình. Tại đây, Lý Thụy Ý&Việt đã thường xuyên tiếp đón bạn hữu văn nghệ để đãi đằng thù tạc và thơ văn đàn ca hát xướng.

Trong một lần như thế, trước ngày tôi lên đường sang Hoa Kỳ định cư vào cuối năm 2006, anh Hồ Nam và tôi cũng có một cuộc rượu nghiêng ngả nhớ đời (lão hiền huynh Hồ Nam của tôi_thi sĩ Vương Tân của một thời tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ ngày nào, đã từ trần tại vùng đất ẩn cư cuối đời Mỹ Tho tháng 12 năm 2015 mới rồi).

Gần sát ngày tôi đi, Lý Thụy Ý còn chia tay vợ chồng tôi bằng một bữa ăn thân mật tại quán FaiFo_Phố Hoài của Huy Tưởng bên Tân Định. Thật mừng cho bến đỗ bình yên cuối cùng, ngập tràn hạnh phúc tươi vui của một người bạn dễ mến.

*

Sang tới Chí Hòa, anh em chúng tôi bị phân tán mỗi người một phòng giam khác nhau ở mấy tầng lầu khu ED. Anh Dương Hùng Cường bên phòng 7 và tôi phòng 8. Tuy sát cạnh vách, nhưng chỉ nhìn thấy nhau qua khoảng cách, một người từ sau chấn song sắt trên phòng giam và một người đứng phơi nắng dưới sân, khi được luân phiên xuống tắm giặt hàng tuần tại hồ nước góc sân tầng trệt. Thỉnh thoảng được cho ra ngồi ngoài hành lang ngay trước phòng giam để thay đổi không khí, dù có thật gần nhưng anh em chúng tôi cũng chỉ chuyện trò với nhau dăm ba câu ngắn ngủi.

Những ngày tháng ở đây có lẽ còn ngột ngạt tù túng hơn bên Phan Đăng Lưu, vì cũng gồm nhiều thành phần đa dạng khác nhau, không như những năm tháng trong các trại cải tạo, chỉ toàn là anh em huynh đệ nhà binh một thời. Ngày ngày, mấy chục con người cứ phải quanh quẩn chen chúc nhau trong căn phòng tù túng chật chội, nóng bức. Chiếm số đông là thành phần có dính dáng đến chuyện vượt biên, như các người đầu mối tổ chức, đám thanh niên dân chài vùng Vàm Láng (Gò Công), Bến Đá Bến Đình (Vũng Tầu), là những tay lái ghe tắc xi chuyên nghiệp hay mấy tên cán bộ công an ngoài Cần Giờ Duyên Hải bán bãi. Có tay thanh niên người gốc Hoa tên Triệu Tô Hà, thường được gọi là Tài Ngạn, vì đôi mắt ốc nhồi, lúc nào cũng muốn tôn xưng tôi làm đại ca. Anh chàng này cũng khá nổi danh trong giới vượt biên Sàigòn Chợ Lớn và đi tù cùng với một loạt cán bộ công an vì dinh líu đến vụ “Phương án II” đình đám một thời, quanh việc tổ chức cho những người gốc Hoa ra đi bán chính thức.

Cũng may trong phòng giam còn có những người khác nữa, đã bị bắt vì liên quan đến nhiều sự việc hay các tổ chức, hoạt động chính trị, rất sôi nổi vào thời gian ấy. Và những mẩu chuyện chúng tôi trao đổi qua lại với nhau hàng ngày cũng làm vơi bớt đi căng thẳng đầu óc. Một nhạc sĩ Châu Kỳ lúc nào cũng thảnh thơi tự tại, luôn nở nụ cười tươi vui trên môi, bị bắt vì sáng tác các bản nhạc mà chế độ cho là phản động. Các anh em thanh niên tuổi trẻ sôi nổi thuộc xóm đạo Gò Vấp hay dưới vùng Quảng Biên Long Khánh, tham gia Mặt trận Việt Nam Tự do_ ông nghiệp chủ ở Hóc Môn, Tây Ninh, vướng vào Phục Quốc_mấy người của Đại Việt miền Trung tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng quốc gia cực đoan…. Có những nhà tu hành như mục sư Hồ Hiếu Hạ nhà thờ Tin lành Trần Cao Vân, mục sư Nguyễn Hữu Cương nhà thờ An Đông, Đại đức Thích Giải Thắng (ở một ngôi chùa bên Nhà Bè), Đại đức Thích Không Tánh (sau này là Thượng tọa, vẫn về lại chùa Liên Trì bên An Khánh Thủ Thiêm, với những hoạt động nổi bật trong Giáo hội Phật giáo cũng như trong giới đấu tranh cho tự do dân chủ ở quốc nội_ khi chưa bị chuyển đi và ăn cơm chung với tôi, luôn dành lấy việc rửa bát về mình) hay anh Nguyễn Hồng Quang, người Quảng Ngãi (khi ra tù ít lâu trở thành mục sư phái Menonite, cũng là một khuôn mặt đấu tranh quen thuộc cho tự do tôn giáo). Nhờ qua chuyện trò với Hoàng Văn Cường, người con rể của nghệ sĩ Thành Được, tôi biết thêm ít nhiều chi tiết về vụ án liên quan đến các thầy ở chùa Già Lam _ thầy Trí Siêu, thầy Tuệ Sĩ… kéo theo vài người như sư cô Trí Hải và các ni chùa Sư nữ Phú Nhuận, mà tôi có nghe biết từ hồi ở biệt giam bên khu B Phan Đăng Lưu, cũng như rất đông nhiều thành phần khác nữa. Anh Hoàng Văn Cường bị dính líu vì đã trung gian giới thiệu việc mua mấy khẩu súng từ bộ đội đào ngũ bên Cam pu chia cho các thanh niên dưới Long Khánh, thuộc tổ chức của mấy thầy. Về sau này khi ra tù ít lâu, Hoàng Văn Cường là một người sưu tập đồ cổ có tiếng tăm ở Sài gòn.

Hàng ngày, tôi thường đến ngồi mạn đàm về thời sự chính tình với bác Vũ Toản Tự tại chỗ nằm của bác nơi một góc phòng, để cho qua thời gian. Năm đó bác đã ngoài bẩy mươi và là một cán bộ Việt Nam Quốc Dân đảng kỳ cựu. Có thể bác nhìn thấy ở tôi một người có chút tâm huyết đồng điệu, để tin cậy thổ lộ và gửi gắm nhiều điều chuyện. Bác kể chuyện về Việt Quốc và những tháng năm tuổi trẻ hoạt động hăng say, đi từ mảnh đất quê hương Nam Định và những ngày lưu lạc sang vùng Phát Diệm quê tôi. Khi người bạn đồng chí thân thiết là ông giáo Thắng bị Việt minh ám sát, bác đã là người bảo trợ cho mấy người con của bạn mình là Phạm N. S., Phạm C. D. (sau này là Thượng Nghị sĩ và Giáo sư Đại học tên tuổi thời đệ nhị Cộng Hòa). Khi ra tù, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm bác ở trên lầu căn nhà của gia đình nơi đường Nguyễn Văn Sâm cũ cho tới khi bác từ trần.

*

Một buổi sáng sau Tết Nguyên Đán năm 1986 được đâu hai tháng gì đó, anh Lâm Vị Thủy là y tá của trại, đến trước cửa phòng giam và gọi tôi ra sát song sắt để báo tin bác Nguyễn Hoạt vừa cấp cứu đêm qua, rồi mất dưới bệnh xá vì tình trạng cơ thể đã quá suy nhược đến mức kiệt quệ. Bác ở phòng 11 tầng lầu bên trên. Nghe được tin này, tôi thật bàng hoàng và lặng cả người. Tôi nhờ anh báo luôn cho anh Dương Hùng Cường phòng bên cạnh.

Hai hôm sau, anh Lâm Vị Thủy nói gia đình bác Nguyễn Hoạt đã đưa linh cữu bác về để đem đi hỏa táng.

(Anh Lâm Vị Thủy dậy Việt văn tại các trường tư thục ở Sài gòn và cũng là một người làm thơ với những câu thơ đẹp từ dạo 1964 mà tôi còn nhớ mãi :

Muốn làm cây thành phố

Không ai là chim cho

Muốn làm ga xóm nhỏ

Tầu ai qua bây giờ.

Sau năm 1975, anh vẫn tiếp tục đi dậy và bị bắt lần ấy vì liên quan đến việc có lời phê và chữ ký trong các học bạ mà học trò đã làm giả để nộp hồ sơ thi tốt nghiệp sao đó, nhưng rồi bị phát giác. Vào Chí Hòa anh được cử làm y tá, hàng ngày đi phát thuốc cho người ốm đau tại các phòng giam. Thỉnh thoảng anh hay chuyện trò vặt vãnh với tôi mỗi khi ghé đến cửa phòng. Hồi ngoài đời, qua bạn hữu, tôi cũng có biết anh và từng gặp nhau đôi lần. Trường hợp của anh không phải ra tòa mà chỉ đi trại lao động vài năm rồi về).

Bác Nguyễn Hoạt bị bắt sau anh em chúng tôi có lẽ khoảng vài tuần và cũng bị biệt giam bên khu B với tôi nhưng khác dẫy. Một hôm bác nhắn tôi kiếm cho bác ít thuốc lào qua cô tù nữ làm lao động bên ngoài. Tôi nhờ lại cô này việc ấy vì hàng ngày cô đều xuống nhà bếp lấy cơm và dễ dàng hỏi xin từ mấy người tù nam giới dưới đó. Bác nhắn lời cám ơn tôi, thật đúng là của người phúc ta. Thế rồi không biết họ đưa bác sang Chí Hòa lúc nào nhưng trước lần chuyển tất cả anh em chúng tôi.

Mới ngày nào bác còn nhắn dặn tôi qua anh Lâm Vị Thủy rằng phải cẩn thận với ông Hải con. Tôi không hiểu điều bác muốn nói nên hỏi bác Vũ Toản Tự và biết thêm đôi chút. Ông Hải con này cũng là một cán bộ Việt Quốc kỳ cựu cùng thời với hai bác và có một cuộc đời hoạt động ngang dọc khá kỳ bí, từng học trường Hoàng Phố về, rồi lưu lạc đây đó trước khi di cư vào Nam năm 1954. Có một người thân cận với ông hồi còn hoạt động chung, không biết sao về sau lại trở thành cán bộ cộng sản khá cao cấp ngoài Bắc. Tôi vẫn nhớ dáng vóc nhỏ người của ông cùng cái biệt danh đi kèm, mỗi khi nhìn thấy ông dưới sân đứng phơi nắng. Mấy người trong Việt Quốc nói rằng ông cũng rất nghệ sĩ và từ trước vẫn sống một mình, không có vợ con gì cả. Bị bắt vào Chí Hòa cùng với nhiều thành phần Quốc dân đảng khác như bác Vũ Toản Tự, cụ Nguyễn Văn Lực (sau khi ra tù, tôi quen biết với anh Nguyễn Cái Thế, một trong những người con của cụ. Ngày cụ mất, tôi có dự tang lễ. Cùng với mấy anh em nữa, chúng tôi kính viếng cụ bức đại tự hai chữ Chính Nhân viết theo lối thư pháp. Tôi cũng có dự mấy lần giỗ cụ)…nơi thời điểm xẩy ra nhiều vụ bắt bớ các thành phần đảng phái quốc gia khi ấy. Ông cũng ở cùng lầu bên trên với bác Nguyễn Hoạt và được trả tự do sau cái chết của bác vài năm.

Đi theo người bạn, tôi có đến nhà thăm ông ở con hẻm nhỏ đường Thích Quảng Đức Phú Nhuận, và được xem vài bức tranh tranh sơn dầu do ông vẽ cùng với tập bản thảo thơ văn viết tay trên giấy đã ố vàng theo thời gian. Khi ông từ trần, tang sự rất đơn giản và âm thầm.

Bác Nguyễn Hoạt ở cùng khu vực cổng xe lửa số 6 nhưng về phía bên kia, gần với xóm đạo Bùi Phát, và cách nhà tôi bên này chừng vài phút đi bộ. Khi tôi về, rất đều đặn cho tới khi sang định cư ở Hoa Kỳ cuối 2006, hàng năm đến ngày giỗ bác tôi vẫn nhớ và đem đồ lễ sang nhà thắp nhang rồi dự bữa giỗ thanh đạm với bác gái và chỉ có thêm vài người họ hàng. Mới năm rồi, tôi được tin bác gái Nguyễn Hoạt cũng đã từ trần. Tôi chưa thể nào quên hình ảnh bác Nguyễn Hoạt trai lúc nào cũng điềm đạm, tuy dáng người hơi gầy yếu và bác gái thì thật đôn hậu nhỏ nhẹ hiền lành, đúng vẻ một người phụ nữ chân quê mẫu mực vùng đồng bằng Bắc bộ.

Một nhà văn nhà báo lão thành, một cán bộ Việt Nam Quốc Dân đảng kỳ cựu như bác Nguyễn Hoạt, lúc cuối đời buồn thảm và lặng lẽ quá.

Xin kính cẩn nhớ đến hai bác với tất cả thành tâm.

*

Rồi khoảng giữa năm 1986, không hiểu sao anh Dương Hùng Cường lại bị đưa về Phan Đăng Lưu cùng với anh Doãn Quốc Sĩ, cô Lý Thụy Ý và Nguyễn Thị Nhạn.

Trước đó đâu chừng một hai ngày, họ đã dồn mấy anh em chúng tôi, anh Dương Hùng Cường, anh Hoàng Hải Thủy, anh Duy Trác và tôi vào chung một phòng rồi mới tách chuyển sau đó. Khi dọn đồ đạc để di chuyển, anh Dương Hùng Cường nháy mắt nhìn tôi cười và nhắc rằng đến ngày về nhớ đem theo Saigòn mỹ tửu đến Thương nhớ mười hai. Và đó cũng là lần cuối cùng anh Dương Hùng Cường và tôi gặp nhau.

Anh Duy Trác và tôi còn ở chung phòng thêm một thời gian nữa. Anh em chúng tôi có dịp quây quần bên nhau quanh bữa cơm tù và nằm cạnh nhau hàn huyên chuyện này chuyện kia được nhiều ngày đêm, cũng là thêm một kỷ niệm êm đềm trong tù. Anh Duy Trác bồi hồi kể về quãng đời niên thiếu cơ cực ngoài Hà nội và khúc quanh đưa anh đến với việc ca hát, khởi đầu từ sau mấy lần trình diễn trong các buổi văn nghệ Sinh viên học sinh di cư, dạo mới chân ướt chân ráo vào đến Sài gòn năm 1954, giọng hát của anh đã tạo ra sự chú ý rồi được mời đi hát cho đài phát thanh Pháp Á. Nhờ đó anh có điều kiện về tiền bạc để trang trải cuộc sống và trau dồi thêm nhạc lý cho vững chắc hơn bên cạnh việc tiếp tục đi học. Và nghề ca hát tay trái này đã theo anh mãi cho tới lúc đã trở thành một luật sư, cũng như vẫn còn tiếp tục theo với thời gian rất lâu nữa.

*

Khi về lại Phan Đăng Lưu anh Dương Hùng Cường ở biệt giam bên khu C. Có một lần trong năm 1987, chính quyền Cộng sản lại định đem vụ án của anh em chúng tôi ra xử nhưng rồi cũng đình phiên tòa. Hôm ấy chỉ có anh Hoàng Hải Thủy, anh Duy Trác và tôi được đưa đến pháp đình từ Chí Hòa, còn những người bên Phan Đăng Lưu thì không, nên chúng tôi lỡ một dịp nhìn thấy nhau.

Thế rồi một buổi chiều khoảng cuối tháng Giêng năm 1988, người y tá trại lên ghé tai tôi nói nhỏ là anh Dương Hùng Cường, mà anh ta biết cùng vụ án với tôi, vừa đột ngột qua đời đêm vừa rồi và đã đưa xác về Bệnh xá. Thật sững sờ quá, tôi lặng người đi trong nỗi bàng hoàng, không hiểu điều gì đã xẩy ra cho anh. Người y tá này thay thế anh Lâm Vị Thủy đã đi trại lao động và là một bác sĩ gốc ngoài Hà nội, bị tù vì vướng sai phạm gì đó tại bệnh viện nơi anh ta làm việc. Tôi cũng có được chút thân quen nhưng hỏi nguyên nhân, anh ta chỉ vắn tắt nói rằng anh Dương Hùng Cường bị tử vong, có lẽ do đột quị hay tai biến gì đó và không biết về kết luận dưới bệnh xá ra sao.

Lần gặp nhau sau cùng trước khi anh ấy bị đưa về lại Phan Đăng Lưu, tôi nhớ sắc diện anh rất hồng hào khỏe mạnh. Anh nói với tôi là nhờ thăm nuôi tiếp tế đều đặn nên tăng ký lô quá xá. Không hiểu đấy có phải là dấu hiệu liên quan đến một vấn đề về huyết áp hay tim mạch gì chăng trong cái chết của anh.

Hai ba tháng sau, có đợt chuyển người từ Phan Đăng Lưu sang và tôi biết thêm vài chi tiết về cái chết của anh Dương Hùng Cường, do các anh em từng ở phòng tập thể đối diện với biệt giam bên anh kể lại. Các anh em này nói, buổi chiều tối hôm ấy, anh Dương Hùng Cường vẫn còn vui vẻ ca hát nghêu ngao và chuyện trò qua lại với bên phòng tập thể nơi ô cửa gió như thường ngày. Thế rồi sáng sớm hôm sau, nghe tiếng ồn ào của đám cán bộ trước cửa biệt giam và nhìn sang thì thấy bên trong cánh cửa mở toang, anh Dương Hùng Cường đã nằm bất động, nửa thân mình vắt chéo trên sàn xi măng, đầu và hai cánh tay thõng thượt chúi choài xuống dưới nền về phía trước, như muốn nhoai người ra cửa, khuôn mặt bị bầm tím. Anh đã mất từ lúc nào trong đêm và không biết rõ nguyên nhân do đâu. Đành rằng như vậy thì oan khốc quá, nhưng theo lẽ tự nhiên thường tình, anh Dương Hùng Cường cũng như tât cả mọi người, chẳng ai có thể chọn cho mình một cái chết theo cách thế ra sao.

*

Đầu tháng Năm 1988, mấy ngày sau phiên tòa mà chính quyền cộng sản xử anh em chúng tôi trong vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng”, tôi và anh Duy Trác được trả tự do vì đã ở đủ thời hạn tù giam. Ngay tối hôm sau, vợ chồng tôi sang thăm chị Vũ Hoàng Oanh và các cháu. Cả nhà cũng vừa làm giỗ một trăm ngày cho anh Dương Hùng Cường trước đấy vài hôm.

Trong nỗi mừng tủi và bằng giọng nói nhẹ buồn, chị bùi ngùi kể lại hôm nghe tin anh mất rồi khi vào nhìn mặt anh lần cuối, cùng chuyện hôm đám tang anh, mà tôi có nghe bà xã tôi thuật qua từ nhà. Tôi ngồi lặng im và lòng buồn vô hạn, ngước nhìn lên di ảnh anh trên bàn thờ, lung linh trong ánh điện và chập chờn quanh làn khói hương tỏa nhẹ, dường như tôi vừa thoáng bắt gặp cái nháy mắt và nụ cười quen thuộc.

Anh chết thảm thương quá mà ngày đưa tiễn anh lại còn bị chính quyền cộng sản đối xử thật hèn mạt vô nhân. Chỉ có chị và các cháu được ngồi trên xe tang, và rồi dưới sự thúc dục của mấy tên công an sát bên cạnh, ngay khi vừa ra khỏi cổng trại giam, người tài xế xe tang đã phải lái đi vội vàng với tốc độ rất nhanh qua những ngả đường vòng vèo. Họ hàng bà con thân thuộc và bạn hữu của gia đình, cùng một vị sư và ban hộ niệm, ngồi chờ sẵn bên ngoài nơi vài nhà thân quen, cũng như tại các quán nước, ở dọc theo con đường Hòa Hưng, từ cổng Khám Chí Hòa ra đến ngã ba Lê Văn Duyệt, cho dù kịp leo lên xe lam để đi theo, nhưng rồi cũng chỉ được một đoạn và sau đó thì bị bỏ rơi mất hút.

Khi mọi người lên đến nghĩa trang trên Lái Thiêu Binh Dương thì mộ anh đã được lấp xong, trước sự ngơ ngác không thể nào hiểu nổi tại sao. Đám công an cũng biến mất từ bao giờ. Các cháu có đem theo máy ảnh để chụp hình ảnh tang sự và lúc hạ huyệt, nhưng có một tên công an đưa tay giành lấy máy, nói sẽ giúp thực hiện tiếp tục cho việc này.Về nhà đem ra tiệm dể tráng rửa thì cuộn phim đã bị làm cho hư hỏng hoàn toàn, không thể thấy được một tấm ảnh nào.

Ngồi chuyện trò, thỉnh thoảng chị Vũ Hoàng Oanh chỉ thở dài thật nhẹ và đôi mắt buồn ngấn lệ. Chị đã nén mọi đau thương vào bên trong con người hiền lành, vốn sẵn nhẫn nhục chịu đựng từ lâu. Có vẻ như chị thanh thản chấp nhận cái chết của anh Dương Hùng Cường như thể một định mệnh đã an bài khắc nghiệt. Dù rằng, chị chỉ được thông báo nguyên nhân cái chết của anh Dương Hùng Cường là do “đột tử trong đêm” vậy thôi. Và chắc cũng chẳng có thể làm gì hơn được trong hoàn cảnh như thế. Tôi thầm ngưỡng phục sự can đảm của chị và hiểu rằng chị biết vẫn còn phải tiếp tục vất vả nặng gánh lâu dài vì đàn con trẻ dại.

Hồi chưa bị bắt, thỉnh thoảng có nhiều buổi chiều đi ngang qua vùng ông Tạ, tôi vẫn thường bắt gặp dáng người gầy guộc của chị đang lặng lẽ đạp xe nơi phía trước, và đằng sau xe luôn cột buộc một thùng các tông, chắc chị vừa đi lấy vài thứ bánh kẹo quanh khu đó cho ngày bán căng tin hôm sau. Tôi đạp theo mãi cho đến khi chị quẹo khuất vào một con hẻm tắt ở ngã ba cuối đường.

Chị chợt cười vui kể với tôi rẳng mới đi xem bói bên Thanh Đa tuần trước, bà thầy nói sẽ có một người bạn thân thiết của chồng ghé về thăm, chị chưa hề nghĩ ra ai thì không ngờ hôm nay lại ứng vào tôi.

*

Ngày giỗ đầu của anh Dương Hùng Cường thật cảm động. Ngoài bà con họ hàng, còn có rất đông bạn hữu anh và của gia đình tham dự. Tôi đem đến đặt trên bàn thờ anh một chai Sài gòn mỹ tửu có dán ở bên cạnh vỏ chai bài thơ Rượu ngày giỗ bạn viết trên giấy. Cắm xong nén nhang, dường như tôi lại thấy cái nháy mắt và nụ cười thật tươi của anh nơi khuôn mặt trên khung hình.

Mọi thứ như tạm nguôi ngoai và chị Vũ Hoàng Oanh lại trở về với sinh hoạt hàng ngày của một cô giáo, bên cạnh việc bán căng tin ở trường học để có thêm thu nhập, vun vén cho đời sống gia đình. Nhưng rồi tai ương bất hạnh lại một lần nữa đổ ập xuống, đưa đến cái chết bất đắc kỳ tử vô cùng thảm thương cho chị, chỉ sau ngày giỗ đầu anh Dương Hùng Cường được vài tháng.

Một em sinh viên quê miền Trung phụ việc bán hàng tại quầy căng tin, đã nhờ chị thay mặt cho gia đình ở xa, cùng đáp xe đò đi xuống bên nhà vợ tương lai dưới Biên Hòa để nói về chuyện cưới xin. Xong việc và trở lại Sàigòn vào buổi chiều, hai cô cháu lấy lại xe đã gửi ở bến xe để đạp về nhà. Đến ngõ hẻm quen thuộc và lúc chị quẹo sang vừa qua được nửa phần đường, bất thần một chiếc xe mười hai chỗ do gã tài xế say rượu từ đằng xa phóng vút tới với tốc độ rất nhanh, vì đang cố chạy trốn hiện trường mấy tai nạn vừa mới liên tiếp gây ra trước đó, hất văng chị nằm sõng soài trên mặt lộ. Chiếc xe đạp bị gẫy nát và chị tử vong ngay sau đó tại bệnh viện.

Một buổi tối trong mấy ngày tang sự buồn thảm và linh cữu chị vẫn còn quàn tại nhà tang lễ bệnh viện Trưng Vương, anh chị Thịnh & Yến hỏi ý kiến tôi về tình trạng tương lai của lũ cháu mồ côi. (chị Yến là em gái chị Vũ Hoàng Oanh, hiện anh chị định cư ở New Jersey). Anh chị thật phân vân suy nghĩ chưa biết tính toán ra sao cho vấn đề liên quan đến tương lai các đứa cháu mồ côi. Tôi hiểu tâm trạng này vì biết gia đình anh chị cũng đông con. Anh cho biết họ hàng anh Dương Hùng Cường ngỏ ý muốn nhận nuôi cháu Hoàng là út trai và có thể thêm Hoài, là cháu gái út nữa. Công ty của gã tài xế gây ra tai nạn cũng hứa nhận sẽ một hai cháu lớn vào làm việc trong văn phòng của họ. Tôi nhìn lên đôi mắt anh Dương Hùng Cường trên bàn thờ rồi nói với anh chị Thịnh & Yến, về điều rất thật lòng mà tôi đã nghĩ tới ngay sau lúc biết tin chị Vũ Hoàng Oanh đã không qua khỏi, có cả cháu Linh lớn nhất trong nhà, cũng đang ngồi cùng nghe. Tôi nói rằng với công việc bán hàng ở căng tin trường học mà chị để lại mà các cháu quá quen thuộc vì vẫn thay nhau phụ đỡ hàng ngày cho mẹ, thì đủ đắp đổi qua ngày, không đến nỗi lo lắng lắm về sinh kế. Các cháu đủ sức đùm bọc, nương tựa vào nhau trong cuộc sống và tiếp tục học hành. Sự khổ nhọc vất vả gần gũi bên nhau sẽ nuôi giữ mãi tình nghĩa chị em. Đừng nghĩ đến việc chia đàn sẻ nghé mà chị em phải tan tác rồi sẽ đưa đến xa cách nhau dần dần. Dẫu sao mất mẹ nhưng còn sự nâng đỡ của chú dì là anh chị Thịnh & Yến, một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các cháu. Mọi sự hứa hẹn nào đó với các cháu đều đáng quý và chỉ nên ghi nhận chứ không thể là một chọn lựa thực tế. Điều này nhận ngay được sự tán thành và các cháu của anh chị Dương Hùng Cường đã vâng theo như vậy.

Mấy tháng sau, khoảng đầu năm 1990, anh Thế Hoài vốn gốc bên nhẩy dù, một người bạn văn chương chữ nghĩa hồi trước của anh Dương Hùng Cường, khi vừa ra khỏi trại tù cải tạo, đã tìm đến nhà thăm. Chạnh lòng trước hoàn cảnh côi cút của các cháu, anh ngỏ ý muốn đỡ đầu và lo việc học hành cho cháu Hoài, là cháu gái nhỏ tuổi trong nhà. Gia đình anh đã sang Hoa Kỳ từ lâu và ly tán sao đó. Khi về lại Sàigòn, anh sống như một người độc thân với gia đình người em trai bên Thủ Thiêm và điều kiện vật chất thì cũng có chút dư dả. Tôi trình bầy với anh về điều đã tính toán xong cho các cháu trước đây để khỏi buồn lòng chân tình của anh dành cho người bạn quá cố. Sau đó ít lâu, anh làm đám cưới với cô Hiệu trưởng trường Mầm non gần khu nhà tôi, vừa có được đứa con trai thì anh đột ngột qua đời.

*

Các cháu của anh chị Dương Hùng Cường chắc học được tính tốt của mẹ nên rất cần mẫn và siêng năng trong mọi công việc. Nhờ vậy cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của các cháu đều suôn sẻ tốt đẹp, mọi việc luôn tiến triển trong sự thương yêu và giúp đỡ của mọi người cùng với sự phù trì thiêng liêng của anh chị.

Khi ra tù cải tạo năm 1978, anh Dương Hùng Cường đã làm giấy tờ con nuôi để gửi cháu gái thứ hai cho một chị bạn có quốc tịch Pháp được xuất cảnh. Năm 1992, do mai mối giới thiệu của cô chị này bên Paris, một anh chàng Việt kiều chủ một nhà hàng nhỏ, đã về làm đám cưới với Hoài, cô em gái út, khi cháu này vừa xong trung học. Anh Song Nam, hồi trước hoạt động báo chí bên Hải quân, cũng là bạn chữ nghĩa với anh Dương Hùng Cường đã sốt sắng nhận lời làm chủ hôn bên nhà gái. Đám cưới của cháu thật trang trọng và đầy đủ mọi lễ nghi. Sau đấy, cháu sang Pháp theo chồng, như vậy cũng là một điều thật tốt đẹp cho cháu.

Mấy năm sau, tôi là đại diện nhà gái trong đám cưới cháu Linh và chú rể là dân Đà Lạt về Sàigòn đi học, một trong những anh chàng từng phụ bán căng tin với mẹ cô dâu. Có gia đình rồi nhưng cháu vẫn luôn bên cạnh các em. Nhờ bạn bè giúp đỡ, đôi vợ chồng trẻ này xoay thêm công việc kinh doanh vật liệu xây dựng nhập cảng như tôn lá và thép miếng Inox, thành công đến rất nhanh vì là những loại hàng có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường thời gian đó.

Căn nhà trệt lợp tôn ọp ẹp cũ nát, trước đây vốn nằm trong dẫy nhà kho năm xưa thuộc công ty dược phẩm của anh trai chị Vũ Hoàng Oanh, đã được các cháu xây cất lại thành căn nhà mấy tầng lầu rất khang trang, rộng rãi. Lầu trên cùng các cháu dành riêng làm gian thờ bố mẹ. Mỗi năm sang dự đám giỗ anh chị Dương Hùng Cường, tôi hay nói vui với các cháu là khi hóa vàng, phải nhớ đốt thêm tấm hình chụp nhà mới, để bố mẹ còn biết đường mà tìm về, kẻo không lại nhầm nhà.

Có một chi tiết khá thú vị khi tôi gặp được ông anh ruột của anh Dương Hùng Cường từ ngoài Hànội vào chơi thăm các cháu trong một lần giỗ. Ông cho biết đúng ra tên thật của anh Dương Hùng Cường do cha mẹ đặt từ thuở còn bé là Dương Hùng Cương (không có dấu huyền), còn Dương Hùng Cường là tên của ông. Khi đi học cứ nhầm qua đổi lại rồi hai anh em đổi luôn tên cho nhau và sửa lại giấy tờ từ hồi nào cũng không nhớ nữa.

Tôi cũng chưa bao giờ nhớ ra để hỏi anh Dương Hùng Cường về việc tất cả các cháu gái đều được anh chọn đặt tên đệm là Mạc…Dương Mạc Thi (cháu này mất tích trên đường vượt biển), Mạc Thư, Mạc Linh, Mạc An, Mạc Ly, Mạc Hoài. Đây là một điều khá đặc biệt để dễ nhận ra các cô con gái nhà ông Dương Hùng Cường.

Đến năm 2004, tôi lại chủ hôn bên đàng gái trong đám cưới cháu An, con gái thứ của anh chị. Chú rể cũng là một anh chàng Việt kiều Pháp về làm việc ở Sàigòn. Trước đó, bà xã tôi đã đỡ đầu cho cháu Rửa tội theo đạo tại nhà thờ Đa Minh Ba chuông Phú Nhuận,vì cháu cảm nhận được sức mạnh và nguồn trợ lực thiêng liêng nơi niềm tin vào Chúa, từ khi theo các bạn lui tới tham dự các sinh hoạt ở ngôi nhà thờ này..

Khi con gái đầu lòng cứng cáp, gia đình An sang Pháp nghỉ hè. Lúc về, cháu khoe với tôi hình ảnh và kể chuyện đến thăm bác Trần Tam Tiệp. Năm đó anh Trần Tam Tiệp đã suy yếu nhiều và gần tám mươi rồi. Tôi có biết việc anh bị tai nạn giao thông năm 1994, đã làm ảnh hưởng đến não, rồi mấy lần tai biến tiếp theo sau đó đã khiến anh không còn được minh mẫn nữa. Kể từ khi anh em chúng tôi bên nhà bị bắt, rồi đến cái chết của bác Nguyễn Hoạt và anh Dương Hùng Cường trong tù, anh đã bị dằn vặt cũng như day dứt nhiều lắm. Lúc mãn hạn tù trở về, tôi gửi thư sang anh nhưng chỉ thăm hỏi thường tình, không nhắc gì đến những chuyện đã qua. Trong một lần về Việt Nam du lịch, Paul Thảo, người con trai thứ của anh Trần Tam Tiệp có tìm đến thăm tôi và cho biết chừng như anh đã nhẹ lòng phần nào sau lúc nhận được thư tôi.

Những ngày cuối năm 2006, tôi đến định cư tại Houston Texas và thư đi tin lại rồi mãi mãi nợ lời hứa một lần sang Paris thăm anh. Gần đến Giáng Sinh 2009, tôi gửi thiệp chúc mừng sớm và khi nhận được, anh đã thật xúc động. Paul mail cho tôi biết như thế, kèm theo tấm ảnh chụp anh chăm chú nhìn vào tấm thiệp của tôi đang cầm trên hai tay. Paul còn nói sau Tết dương lịch sẽ dọn đến nhà mới rộng rãi hơn cùng với ước mong được đón tiếp tôi trong một tương lai thật gần để tạo niềm vui bất ngờ cho bố. Thế rồi chỉ còn hai ngày nữa là Giáng sinh năm đó thì anh thanh thản ra đi sau hơn mười lăm năm chống chỏi với bệnh tật. Tôi có được xem hình ảnh tang lễ của anh do anh Đỗ Việt gửi sang. Thôi thì cũng xong một phận người trong cõi vô thường của cuộc đời và cái chết là sự nghỉ ngơi lớn nhất cho anh.

*

Từ ngày sang Hoa Kỳ, tôi không còn có mặt trong ngày giỗ anh Dương Hùng Cường hàng năm. Cuộc sống hối hả nơi quê người nhiều lúc đã làm tôi quên đi hẳn hình ảnh cái nháy mắt và nụ cười quen thuộc của anh. Nhưng thật bất ngờ tại nơi đây tôi gặp lại cháu Mạc Ly, một trong mấy cô con gái của anh Dương Hùng Cường, từ bên Cali dọn nhà đến Houston trước ngày tôi qua được ít lâu. Hồi còn đi làm cho công ty ngoại quốc tại Sàigòn, cháu xin được một học bổng sang Hoa Kỳ du học rồi lấy chồng và ở lại luôn. Mỗi lần vợ chồng cháu ghé nhà thăm tôi, hay chú cháu gặp nhau ở đâu đó ngoài siêu thị, đã như một nhắc nhớ, khiến tôi lại thấy anh Dương Hùng Cường vẫn gần gũi quá.

Thật tiếc vì anh chị không được nhìn thấy tất cả các con của mình đều trưởng thành vững chãi trên đường đời. Sau ngày tôi đi vài năm, An đã theo chồng sang Paris sinh sống hẳn. Cậu út trai duy nhất Dương Phụng Hoàng mà ngày xưa lúc còn lẫm chẫm, mỗi lần tôi đến nhà vẫn thường thấy anh chăm chút đút từng muỗng cơm, giờ cũng đã lấy vợ. Có mấy năm liền, gia đình cháu Linh từ Việt Nam sang Houston ăn Tết với bà mẹ chồng, đều mang theo cho tôi vài món quà hương vị quê nhà. Năm trước đây, nhân dịp từ Paris đến Cali để theo học thêm một khóa chuyên môn, cháu Hoài ghé Houston để chị em gặp nhau và cháu cũng đến chào thăm tôi, người bạn vai em thân thiết của bố cháu ngày xưa.

Ở nơi xa thẳm muôn trùng, với một giao cảm thiêng liêng, chắc hẳn anh Dương Hùng Cường cũng thật vui sướng dõi mắt trông theo đàn con nhỏ bé của mình, mới thuở nào còn là lũ chim ngơ ngác chưa kịp ra ràng, thoắt chốc đã mạnh mẽ vươn cánh tung bay đi muôn phương trời mạnh mẽ như vậy.

*

Khi mê mải bước đi lặng lẽ về nơi phía xa cuối của hành trình cuộc sống, và rồi bất chợt lúc nào đó, ai mà chẳng bàng hoàng chợt nhận ra rằng không bao giờ còn có thể quay trở lại những nơi chỗ cũ của tháng ngày đã qua được nữa. Có chăng là phảng phất đâu đấy đôi chút nhạt nhòa điều này chuyện kia, ẩn hiện nơi ký ức, chợt về từ những dấu mốc nhắc nhớ nào vừa đến. Và mỗi một nhân ảnh lãng đãng thấp thoáng nơi bóng thời gian cũ kỹ, lại ùa theo từng khuôn dáng khác nơi từng thời đoạn tháng năm, nhiều khi thốt nhiên hiển hiện giống như giấc mơ trong đêm vừa mới đây, rồi lại chấp chới trôi ngay vào khoảng không vô định. Nhớ ra có ở đó vô vàn kỷ niệm êm đềm, niềm vui và sự buồn phiền, khổ đau dằn vặt và hạnh phúc nhỏ nhoi. Nhiều lúc còn bắt gặp cái hụt hẫng chập chờn nào đấy, bàng hoàng trong thoáng ngẩn ngơ tiếc nuối dịu dàng, về những điều bâng quơ chẳng rõ ràng cho lắm, đã bỗng dưng mất hút từ bao giờ xa xăm quá. Tôi vẫn có hoài thứ tâm trạng quen thuộc như thế. Và cùng tâm thái ấy, mỗi lần nhớ tới anh Dương Hùng Cường, một quãng đời tôi từ tháng năm cũ lại lần lượt trở về, thật bồi hồi làm bâng khuâng xao xuyến quá.

Những khi như vậy, phải chăng lẩn thẩn quá hay không, nhưng có lẽ là một thứ lẩn thẩn cần thiết với tôi, vì còn biết tìm đâu ra chỗ trú ẩn yên ổn nào khác cho đôi lúc suy tưởng thảng thốt vu vơ, nơi ngày tháng mỏi mệt này và nhiều nỗi thất vọng về chính mình.

(Hết)

 

Houston tháng 6/2016

ngọctự.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search