T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cây dù…

 Avigdor+Arikha+the+red+umbrella-300x242

Cây Dù – Tranh : Avigdor Arikha

Thỉnh thoảng lang thang trong những khu thương mại, bất chợt gặp bức tranh phố cổ chiều mưa ở những nước có kiến trúc đẹp ở châu Âu. Tôi thường ngắm rất lâu vì không thể nào dừng tưởng tượng về người che dù trên con phố cổ đang mưa ấy? Tranh phố cổ chiều mưa nào cũng diễn tả nét đẹp buồn của một thời xuân sắc đã qua… Thôi thì mạnh ai nấy biết lòng mình, nghệ thuật mà!

Riêng tôi rất biết người đẹp trong tranh chỉ là tưởng tượng của hoạ sĩ, nhưng sự điêu luyện đến vẽ được tưởng tượng nên họa sĩ đã tạo ra được người che dù bằng những nét cọ xuất thần… để người mù hội họa nhập thần… cùng tôn thờ sự đẹp với họa sĩ.

Đặc biệt là lần tôi thấy bức tranh như thế ở thành phố nào đó bên châu Âu thì không nhớ. Nhưng không thể nào quên cây dù của thiếu nữ trên phố cổ chiều mưa vì cây dù màu đỏ. Lúc đó tôi nghĩ, cả không gian buồn của bức tranh đều vui vẻ chết khi cây dù đỏ này đi qua con phố cổ chiều mưa. Vì phố đã đợi nàng từ khi còn là phố mới, đã mấy ngàn năm, như anh đợi em trong tiềm thức lạc loài…

Xem tranh sướng hơn đọc thơ, xem truyện vì tranh giàu tưởng tượng hơn. Rõ hơn là tranh hào phóng hơn vì hoạ sĩ cho phép người thưởng ngoạn hoàn toàn sở hữu tác phẩm khi thưởng thức. Còn đọc thơ, xem truyện mà thả ý tưởng (ăn nói lung tung) không trùng với tác giả thì khốn ngay!

“Ôi cây dù. Hình như đã hay chưa, ai che lên đầu chúng ta một một miếng ván thiên hình tròn. Anh chỉ nhớ chúng ta đã từng chịu trận một cơn mưa quỷ tha ma bắt ở Sài gòn. Ước mơ lớn như mưa của hai người bạn nhỏ là có tiền để mua một cây dù. Em còn nhớ hay em đã quên?”

Khi đọc lại thời thơ dại, tôi hay rơi nước mắt khô. Nhưng đọc lại quãng đời đã sống, có cây dù màu máu chứ không phải màu đỏ lãng mạn như tôi tả bên trên về cây dù màu đỏ trong tranh phố cổ chiều mưa ở châu Âu. Chuyện về cây dù màu máu thế này,

Đôi trai gái lớn lên trong tình anh em ở quê tôi, dù không họ hàng nhưng thân thiết. Người trai cao thượng hay nhút nhát là tùy hỷ. Anh muốn giữ mãi thơ ngây cho người bạn nhỏ.

Nhưng thời gian lão hoá được cả người viết báo thì đôi trai gái kia trưởng thành là tự nhiên hơn. Người anh (bạn) một hôm mở cửa nhà để em gái (bạn) giới thiệu bạn trai của em.

Ba năm tình duyên leo được mấy bực thang lên thiên đàng thì tình câm leo xuống địa ngục với tốc độ ánh sáng. Nhưng trái đất đổi trục, (là tôi hiểu riêng tôi). Cô em đau khổ từ giã vị hôn phu.

Người anh không vội chúc mừng cho mình vì đau khổ ba năm qua đã tu luyện thêm cho tính nhẫn nhục của anh thành chánh quả. Anh có mặt khi cần mấy năm sau sự cố cô em (bạn) từ hôn…

Rồi cũng tới một chiều mưa biên giới, anh em che chung cây dù đi ăn tô hủ tiếu đêm – vì em không thể không ăn đã mấy ngày. Anh từ tốn cầu hôn với cái nhẫn đã sẵn trong túi áo từ bao giờ còn không nhớ nổi…

Cô em (bạn) đã hiểu đời hơn xưa nên đã biết ai mới là người thương yêu mình nhất! Nhưng cái giá không cao mà cũng không rẻ là chiếc nhẫn cầu hôn của anh đã hơi rộng so với ngón tay của cô sau ba năm… nghĩa vụ tình đời.

Xin lỗi! Tôi kể chuyện gần giống chuyện ma của người ta quá rồi! Để tôi gút lại cho độc già kịp đi tiểu.

… thì sau khi nhận nhẫn cầu hôn trong một đêm mưa – hai người chung cây dù. Họ đi ăn rồi về làm chuyện động trời hơn sấm sét cho trời đất cũng nể mặt con người là đương nhiên.

Nhưng rất tiếc bạn ạ! Chuyện cây dù là chuyện phù thủy mà – bởi nó là ủm-bu-là…. Cô gái đột nhiên hết ủy mị vì suy dinh dưỡng sau nụ hôn cầu hôn được chấp thuận. Cô trở thành đảm đang mới có chuyện cho chúng ta đọc.

“…đến nhà hàng. Nàng thôi sầu vạn cổ. Tự tay xếp dù như vợ thảo dù ngoan…

Chỉ sau khi bữa tối hoan hỷ đã tàn. Nàng thất sắc với cây dù để nơi quy định của nhà hàng đã biến mất…

Họ chia tay nhau ngay trong đêm cầu hôn vì đàng trai không thể tha thứ được! (Cô thà đừng nhận nhẫn cầu hôn còn hơn nhận để quên khuấy người yêu hiện thời mà chỉ lo tìm kiếm cây dù của thằng bồ cũ đã tặng!”

Rồi người thanh niên đó bỏ việc, biến đi thành phố khác để làm lại cuộc đời. Đọc tới đó, tôi không cảm thương anh vì hình như cô nàng có uẩn khúc! Uẩn khúc suông đuộc của đàn ông coi vậy dễ hiểu hơn rồng bay phượng múa của đàn bà. Nên tôi đọc tiếp…

Anh có gia đình rồi! Hạnh phúc ấm êm để trả thù quá khứ! Một hôm vợ chồng trở lại thành phố mà anh đã ra đi vì thất vọng con người và thất tình đúng nghĩa. Định mệnh an bài cho anh tới dự đám cưới của người tình xưa. Họ chỉ nói với nhau, “Anh vẫn yêu em không có lý do”! Đàng gái đáp lại, “Em hối hận trọn đời với việc đi tìm chiếc nhẫn đính hôn  giá trị nhất của đời em… nhưng anh đã hiểu lầm là em đi tìm chiếc dù… Bây giờ có nói ngón tay em gầy guộc vì hoàn cảnh thì cũng chỉ là…”

Cây dù buồn quá trên trang đọc. Ám ảnh tôi tới mọi quan hệ khi phải xài dù. Khi nào, trường hợp ra làm sao… mình phải xử sự thế nào cho giọt mưa gây khó có điều để kể công. Vạn sự bất như ý nhưng vạn ý ở lòng thành… Cây dù – không mấy đồng bạc. Nhưng nó đã biến tôi thành người đàn ông lịch lãm vô danh trong ký ức một phụ nữ không tên; Cũng nó, biến tôi thành cát bụi vô tri… dù tôi đã về hưu mấy năm rồi! Cây dù không có tội tình chi. Mọi sự do con người…

Chắc không có cây dù nào buồn hơn cây dù tôi sắp kể…,

Chiều nay giông to gió lớn, hãng bị cúp điện vài lần tính phút, nhưng sau đó là cúp luôn. Mọi người cuốn gói về sớm sau khi được lệnh.

Hai người đồng hương với tôi đều khả kính vì họ cũng đều đã trộng tuổi. Nhưng khi có chuyện mới thấy hết cá tính, bản chất một con người ra sao!

Ông già lớn tiếng, lời lẽ, thái độ kẻ chợ tuôn sổ như mưa giông. Ông khẳng định là cây dù của ông. Bà già sợ quá, (sợ thái độ, lời lẽ của ông già). Bà xin lỗi, rồi đội mưa mà đi.

Thật ra ở góc phòng ăn, trước khi qua cửa cà thẻ mới vô được là ra bãi đậu xe. Tôi từng thấy vài cây dù, vài đôi giày; mùa lạnh thì thấy vài cái áo lạnh bỏ quên là chuyện thường. Ai để quên thì hôm sau vô hãng vẫn còn nguyên của để quên của mình.

Trong việc làm, đôi khi bị mất món đồ nghề. Nhưng chỉ vài hôm là thấy lại! Lòng tôi vui như cải tử hoàn sanh dù hiện vật chỉ mấy đồng bạc. Nhưng ở quê tôi đã mất là đời này không thấy lại bao giờ! Món ấy thấy lại ai đang xài, chỉ cần nhỏ nhẹ nói, “Cái này của tôi. Anh, chị có thể cho tôi xin lại được không?” Người kia đương nhiên trả, và hầu hết ai cũng kèm theo lời xin lỗi, “… vì tôi thấy tự nhiên có ở chỗ tôi nên tôi dùng. Xin lỗi không biết là của ông.”

Đó là những thiện cảm tôi ghi nhận được ở hãng mới đối với tôi. Nhưng tôi đâu dễ tin nên quan sát chung. Thì ra là ở hãng này vì có quá nhiều người trẻ. Họ có đặc điểm nổi bật là không ăn cắp bất cứ cái gì của người khác. Nhưng cũng vì trẻ nên họ cẩu thả, khi cần là họ… mượn quên hỏi để khỏi bị chú bác đòi. Vì khi xài xong ở đâu là họ bỏ luôn ở đó! Những người trẻ ở Mỹ không có thói quen cầm nhầm, là điều tôi rất kính trọng nền giáo dục Mỹ. Nên cũng dễ bỏ qua cho sự cẩu thả của tuổi trẻ vì ai rồi cũng sẽ già…

Trở lại với cây dù. Bà già xin lỗi ông già, rồi đội mưa mà đi. Đúng là lấy tay che trời. Làm cho sự xấu hổ đã ngủ yên trong tôi đội mưa mà thức, “tình yêu bây giờ đã là sự thật/ có cánh tay nào che khuất mặt trời đâu/ em có về ngang hoa úa tình sầu/ hoa lìa cánh rụng vàng trên mặt đất/ có tâm sự cùng cỏ xanh những gì đã mất/ em chưa một lần tâm sự với anh…” Bảo đảm hết nhà thơ mới lớn bây giờ chưa ai sến như tôi.

May là đời thường hấp dẫn hơn đã lôi tôi về thực tại. Bà già Việt nam gặp bà bạn Mỹ tốt bụng, cho bà già quá giang dù ra xe.

Tôi nhìn theo vừa bất mãn. Nhưng bất lực lớn hơn kềm lại. Thì có người đàn ông Việt cỡ tuổi tôi lên tiếng, “Cây dù mấy đồng bạc mà lớn tiếng dữ vậy! Đàn ông con c. gì mà không nhường được cho phụ nữ cây dù lúc trời mưa… không sợ trời đánh hay sao?”

Tôi biết anh ta, mà tôi là người ít biết ai trong hãng nhất. Từ đó suy ra… chắc ai cũng biết anh ta. Tam đoạn luận là thằng con nít sống lâu năm kia cũng nể mặt anh nên không dám cãi. Nên tôi dứt khoát đi tới kết luận về ông già đã phiền não tôi. Đại khái, cái dòng chó sủa mà gặp thằng chạy thì nó sủa hung hơn, nhưng gặp thằng dừng chân thì chó dừng trước; gặp thằng không những dừng mà giậm chân, thì… chó chạy.

Ông già đứng phân trần với người Việt, không ai đồng tình bằng thái độ chứ không ai lên tiếng. Có lẽ do ông đã già, nên người Việt sợ tổn thọ với giáo khoa thư kính lão đắc thọ của người Việt. Mấy đứa nhỏ Việt thì vô tư, “sao chú không che dù cho cô… rồi hát vu vơ mấy câu nhạc tình…”; thằng qủy con kia độc điạ, “trời ơi! Bố có cơ hội đưa em về dưới mưa… trấn em vô gốc dừa! Sao bỏ uồng vậy bố?”

Đám trẻ cười đã rồi ùa ra mưa, họ được về sớm thì trời xập họ cũng không ngán nói gì mưa. Nhưng cánh không già không trẻ như tôi thì trở vô hãng – tối ôm. Ai cũng bật điện thoại thay đèn pin để đi tìm tấm ny-lon, tấm bìa bỏ gì đó, chỉ cần che được mưa để ra tới xe cho khỏi ướt đầu thì khỏi ăn cháo hành vì cảm mưa…

Tôi rọi điện thoại cho cô đồng hương cắt tấm ny-lon, tánh tôi cũng ưa đùa, “Em cắt cho được hai tấm, chứ cắt một tấm là… anh dầm mưa chung với em đó nha!”

Cô em mọi ngày vui vẻ, hôm nay khó ở hay sao mà đổ quạu, “em đang bực mình muốn chết!’

“Chuyện gì?”

“Ông già mắc dịch đó xấu tánh nổi tiếng.Ai mà không biết! Không lẽ chuyện chẳng dính tới em mà em lên tiếng…”

“Xin lỗi.”

“Lỗi gì mà xin…”

“Anh mới biết! Hồi em giận còn dễ thương hơn lúc em vui…”

“… Không rảnh tào lao với anh đâu. Nhưng… Ông ấy có bao giờ có dù, chỉ ỷ mình lớn tuồi nên ai cũng nhường… rồi làm tới!”

“Em chắc không?”

“… Anh coi nè nha! Ngày mai… cho tới muôn đời; tới ổng xuống lỗ cũng không dám xách cây dù đó vô hãng đâu! Bởi trong dù có chữ ký của bà Sue. Để em kể cho nghe, Cô T làm chung với bà Sue có hai chục năm. Chừng ba năm trước, bà Sue về hưu, hãng đãi tiệc vì bà ấy thâm niên nhất hãng – về hưu. Hồi bà ấy ra xe lần cuối, cô T khóc thì thôi, nhưng không quên xách cây dù của bà Sue ra xe cho bà Sue. Nhưng bà Sue nói, “cây dù này chỉ để ra xe khi trời mưa. Bây giờ tôi trao lại cho bạn. Chính em là người móc túi mình lấy cây viết cho bà Sue ký tên lên cây dù để tặng cô T. Cây viết là loại viết ra sơn – không bao giờ phai…”

“Vậy sao ban nãy em kkông lột mặt nạ kẻ xấu. Đối với anh, già trẻ không quan trọng bằng tốt xấu…”

“Bởi vậy, bây giờ em mới bực mình… là em có tánh nhát, không dám nói ra chuyện mình biết chính xác một trăm phần trăm. Nhưng tức trong bụng lâu lắm!”

Cuối cùng chỉ cắt được một tấm ny-lon vừa đủ cho tôi khe khẽ hát dưới mưa giông… giá như em đừng có chồng. Và anh cũng không thuộc về ai…

Hậu quả là ướt như chuột lột vì bị tống ra khỏi tấm ny-lon sực mùi hoá chất. Nhưng khi lái xe trong mưa. Tôi nhớ người thầy đầu tiên đã dạy tôi, “mày nhìn ra cây cổ thụ bên đường. Nó đứng đó có cả trăm năm mưa nắng, đã tưởng chết khô vì hạn hay úng gốc vì mưa; nó từng thấy bao nhiêu những cảnh đời, đã bao phen bị xe tông, xe đụng tưởng tróc gốc khi còn trẻ ; Về già, bao phen sâu đục, mọt đục… Nó vẫn đứng đó tự tại được với sức mạnh kinh khủng là nuôi hàng triệu chiếc lá trên cành. Người thường chỉ biết ghé chân tránh nắng một chút rồi đi tiếp u đạo của họ. Chẳng ai thắc mắc tại sao cái cây cằn cỗi như thế mà tán rộng, lá xanh mát rượi… Chỉ người ngồi nhìn nó hơn nửa đời người của mình, thầy thấy người ta phải như cây cổ thụ kia mới là đúng – đơn giản là bề ngoài xần xùi, xấu xí, già nua… nhưng tiềm ẩn bên trong là bộ rễ vững chắc để đối phó với gió mưa, bộ rễ rộng lớn tới nuôi nổi hàng triệu chiếc lá trên cành… Sức mạnh thực sự không phải là cái thấy được bằng mắt thịt, tư cách càng khó nhận diện trong đời vì là những vở kịch tiếp nối tới bất tận…”

Một chiều mưa cũng như hôm nay, thằng nhỏ mười sáu tuổi đi học nghề thợ tiện với ông thầy Tàu ở đường Minh Phụng trong mùa hè. Bài học về nghề như nước mưa trôi xuống cống, còn nhớ gì đâu! Nhưng bài học ở đời còn mãi ông thầy Tiều.

Nghĩ tới ông già mắc dịch. Một người lớn tuổi mà di sản để lại cho thế hệ sau về mình chỉ thế thôi thì buồn thật. Ông rất bình yên với u minh của ông – là điều tôi thấy được trong hiện tại. Nhưng giải thích nào cũng muộn vì với bản chất thì không thể thay đổi!

Còn một bà già, còn đi làm vì hoàn cảnh riêng nhưng không cần ai chia sẻ nên dối tuổi khi bị hỏi. Câu trả lời là minh chứng cho tội lỗi của người hỏi khiếm nhã hơn là người trả lời dối trá. Với tôi, cô T khỏi đi chùa hay nhà thờ vì cô đã sống đạo ngay trong đời thường. Thương quá đời thường sống đạo như ông già mắc dịch ưa khoe cuối tuần nào cũng đi làm từ thiện, đi tập thiền. Nhưng tuần nào thứ bảy ăn lương một rưỡi, chủ nhật ăn lương gấp đôi thì ông cũng không bao giờ vắng mặt, những bữa ăn do hãng đãi càng thấy rõ chân dung của ông hơn! Nhưng tôi cũng là người không muốn đụng chạm tới người lớn tuổi như tâm lý chung của mọi người, sợ tổn đức, sợ tổn thọ… tôi chỉ sợ tốn hùn $5 đồng mua vòng hoa cho ông vì không đáng.

Về tới nhà trong trời mưa tối mặt, tâm tư tối tăm với sự đời. Ngồi với cái laptop ngoài garage… nghĩ không ra chuyện ngày mai. Ông già mắc dịch có cố tránh thì vẫn gặp mặt cô T trên hành lang, trong phòng ăn… Hai người lớn tuổi ấy nhìn nhau ra sao cho xấp nhỏ nể mặt cả hai?

Chuyện cây dù có chữ ký của bà Sue nào đó… chắc chắn giờ này đã và đang được loan tải rộng rãi qua điện thoại. Sáng mai vô hãng sẽ bắt gặp những nụ cười khó hiểu, những ánh mắt bí hiểm dồn về hai vai chính của vở kịch đáng buồn chiều nay…

Cây dù. Tôi nghĩ là một vật rẻ tiền thôi vì không phải là cái xài thường nên khó có giá. Nhưng cái giá của cây dù khi có cơ hội là trời mưa thì vô giá. Và qua đó, ta nhận biết được nhiều điều không dám quyết trước kia! Một hoàn cảnh nhỏ có thể nói lên tư cách lớn và ngược lại…

Mặt trời mùa hè lợi dụng mưa đã đi ngủ sớm. Bóng đêm về cũng như cây dù đen che cả bầu trời. Không gian bị giới hạn lại rồi nên tôi cũng đâu còn gì để nhìn xa trông rộng. Chỉ còn trong ký ức một cây dù…

…ngày ấy anh quen em, nhưng em đã có… Vì yêu quá thật lòng nên anh không muốn gì hơn sự bình yên cho em. Anh trở thành chiếc bóng lặng thầm để còn được quan tâm tới em là giả; cái thật là còn được thấy em. Ba năm không nhớ tên mình để tránh né tự ái. Rồi bỗng dưng tuyệt vọng với tin vui vì em đã chia tay vị hôn phu.
Ngụp lặn với em thêm hai năm không có gì vui vì anh vô vai bác sĩ riêng và em là con bệnh sầu đời. Nhưng làm sao cưỡng nổi một cơn mưa với hai người chỉ có một cây dù. Anh đã trao ra chiếc nhẫn cầu hôn đã nằm trong túi mấy đời áo anh từ hồi quen biết em. Nước mắt, nụ cười, nụ hôn mưa là phần thưởng cho cả đời, nhưng anh đã ngu dại chỉ nhận cho một phút hãnh diện cho lòng tự tin trong anh. Đó là lỗi anh. May là em không nhận ra khi người con gái đã yêu.

Nhưng chiếc nhẫn năm năm tình lận đận nên tay em đã gầy hơn xưa. Nó tuột mất trong chiếc dù khi chúng ta tới nhà hàng, và em bỗng trở nên đảm đang sau nụ hôn mưa – là giành xếp dù. Rồi cái dù của chúng ta sau bữa tối mà hai người từ đó không còn bữa ăn tối nào nữa trong đời vì chỉ còn những bữa ăn sau mặt trời lặn… cái dù biến mất với một người gian; một người chết vì ngu dù nay còn thở là anh đã nóng giận khi em cứ nhất quyết phải tìm cho ra cây dù. Em tìm từ lặng lẽ… tới làm khó nhà hàng. Nhưng anh hiểu ra lý do… mà chẳng thằng đàn ông nào chấp nhận là cây dù do thằng bồ cũ của em tặng nên em không thể mất. Nhưng mất lớn hơn em là sự ngu xuẩn. Em cố tìm cây dù vì cái nhẫn cầu hôn của anh – em tin là nó đã lọt trong ấy khi em giành xếp dù. Anh thỉ chỉ tin sự độc đoán ngu xuẩn của mình.

Bây giờ. Nhớ lại chuyện mình. Anh rất muốn viết hai chữ “em yêu” xin tha thứ cho anh. Nhưng tư cách đâu để gọi một người đàn bà mà mình đã làm khổ họ từ xuân xanh tới tóc đã phai màu chỉ vì ngu xuẩn và độc đoán của bản thân.

Cây dù. Em ơi. Anh sầu muộn cả đời với cây dù. Nhưng hôm nay có một người già nam đã nói với anh là anh sầu muộn cả đời vì em – cây dù chỉ là cái cớ. Với ông mới là sanh tử. Nhưng có người đàn bà không còn trẻ vừa tát tai cho anh một cái thay em. Thật đáng.

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search