T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 94)

clip_image001

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

Trăm năm bia đá cũng mòn

Bia chai cũng vỡ, chỉ còn…bia ôm

Chữ ôm

Trong tiếng Việt, có lẽ chữ “ôm” là chữ nhiêu khê nhất, ngoài nghĩa vòng tay qua “ôm” một vật, một người nào đó, còn nghĩa khác như:

– “ôm hoài bão”, “ôm cầm sang thuyền khác”, “mối tình ôm xuống thuyền đài”, “sống để bụng chết ôm theo”, “ôm đầu máu”, v..v..

Nhưng còn không có nghĩa, như: “ôm đồm”: chữ đồm, một mình không có nghĩa gì hết, đi với “ôm” thì nhiều chuyện.

Hoặc giả như: “ôm cột như…rắn ôm cây”. Như đợi đào ôm cây cột điện chẳng hạn.

(Thanh gươm – Khảo một chữ ôm)

“Ra mắt sách”

Việc “ra mắt sách” (giới thiệu sách) nhiều khi cũng đưa đẩy người viết xa rời thực tế. Một trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ, ca tụng tác phẩm chưa đủ còn ca tụng cả nhan sắc của tác giả mặc dầu ông chưa gặp mà chỉ nhìn qua ảnh. Ông viết: “Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị…Có lẽ nếu đem thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du khi cụ mô tả Thúy Vân ở hai câu:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Thì đúng diện mạo chị…ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng tỉa gọt rất thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm ảnh kia, nụ cười của tác giả…tươi ơi là tươi, phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn. Đó là hoa cười…”.

Quý vị hết bàng hoàng chưa?
Còn tới mười hai giòng nữa tả giọng nói và mầu áo của tác giả nhưng xin thôi không trích nữa. Tiết kiệm gì một lời khen, không mất lòng ai. Người được khen, cũng có khi biết là hơi quá nhưng vui trong bụng, người khen viết xong cũng thở phào khoan khoái. Và người đọc thì cũng được vài phút mê ly, lâng lâng như đang mừng đám cưới, như đang uống rượu trước giờ hợp cẩn và nói như mấy chữ trong thơ Đinh Hùng mà Mai Thảo đã mượn làm tên cho tiểu thuyết của mình: Cũng Đủ Lãng Quên Đời.

(Đặng Trần Huân – Cũng đủ lãng quên đời)

Chữ nghĩa trên mạng

Đọc được lời rao của tuổi “teen” là một bé gái tên H., đăng trên net tuyến bạn gái tìm bạn trai đi chơi với dòng chữ sau:

* em mới 15 tuổi hà…đi được ok anh…

* up wa up lại cho toại lòng nhau nhé

* hồn wa vui quá! Nướng dậy trẽ, bây giờ mới dậy

* hihihi…về trễ má la quá trời

Nghe sách báo nói thế!

Nhà văn Nguyễn Công Hoan được mời đến giảng về truyện ngắn cho lớp viết văn trẻ khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du.

Ông nói:

– Truyện ngắn sau này hay hơn truyện ngắn thời chúng tôi rất nhiều. Truyện ngắn thời các anh chị càng ngày càng hay…

Một học viên giơ tay hỏi:

– Thưa bác, bác có thể nêu tên một tác giả tiêu biểu và một truyện ngắn hay không ạ?

Nguyễn Công Hoan cười to:

– Tôi có đọc truyện nào đâu mà nêu!

Sao vừa rồi bác lại nói thế ạ?

Nguyễn Công Hoan thản nhiên:

– Thì tôi nghe sách báo nói thế…Tôi cũng nói thế…

(Phụ chú: Nhà văn Dương Thu Hương học khóa 1 và nhà văn Bảo Ninh học khóa 3 Trường viết văn Nguyễn Du).

Ca dao, tục ngữ thời @ (a-còng!)

Khôn ba năm dại một giờ.

Biết vậy dại sớm khỏi chờ ba năm.

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi: Có ai biết cái đù đì là cái gì không?

Vì mình thường nghe người ta nói cái đù đì, chẳng hạn khi mình hỏi thằng bạn “mày làm cái gì đó?” nó trả lời: “làm cái đù đì” mà tui không biết cái đù đì là cái gì.

– Chắc là đ… đi wá…. hông biết có đúng hôn….clip_image002

– Trau dồi Việt Ngữ kiểu này chắc tiêu quá.

Đáp: Già có cô út năm nay mới lên hai tuổi rưỡi cũng hay hỏi lung tung ,nhiều khi làm già bực mình. có lần già đang dở tay chuyện gì đó, cô út lượm được cái đèn bin đem ra nghịch thích thú lắm và hỏi già
– Cái gì đây bố?
– Cái đù đì ông sư.
Già trả lời vậy, và tối đó cô út ôm cái đù đì ông sư mà ngủ, đợi con ngủ say già mới lấy đèn bin đi cất, sáng ra con bé khóc với mẹ đòi cái đù đì ông sư của nó làm bà xã già thành con nai vàng ngơ ngác vì không hiểu cái đù đì ông sư của nó là cái gì?
Theo già thì cái đù đì hay đù đì ông sư là một câu thần chú rất dễ thương để làm hài lòng trẻ nhỏ và làm ngẩn ngơ người già.

Sáng nay đi lễ chùa trên
Đù đì em kiếm gặp hên không chừng ?
Thấy sư gõ mõ không ngừng
Dùi to dấu kỹ, cứ dùng dùi con clip_image003
Đù đì chả biết mất, còn
Nghe đâu sư gửi quần hồng chăm lo
Trong chùa tín nữ đôi co

Đù đì đâu sẵn mà cho đồng phồ!

(Nguồn ĐatViet.com)

Chi hồ giả dã

Chi hồ giả dã: Tiếng Hán cổ đại (văn ngôn) khó nhất là cách dùng hư từ. “Chi, hồ, giả, dã, yên, tai..” là những hư từ của tiếng Hán cổ. Nắm vững cách dùng mấy chữ này thì phần văn pháp coi như đã thông, không cần học cú pháp, văn phạm gì cả. Các cụ đồ nho ta xưa học chữ Hán cổ đọc chữ Nho, không có biết “văn phạm” là gì mà viết vẫn hay. Ấy là nhờ nắm vững hư từ “chi, hồ, giả, dã…”.

Ở Tàu cũng vậy, trước năm 1990, chẳng có sách nào về văn phạm: chủ từ, túc từ, tĩnh từ, động từ, câu đơn, câu kép. Về sau này bắt chước tây phương, họ vẫn viết đúng quy luật, là nhờ chú trọng cách dùng hư từ. Họ chỉ có sách giảng cách dùng hư từ, ta có thể tạm coi đó là các sách về văn phạm. Vì thế các nhà nho Trung Quốc khi dạy học cách viết văn cho đúng, thường đọc câu “Chi, hồ, giả, dã, yên, tai..” để khuyên học trò.

(Hoàng Long Hải – Phạm Thế Định)

Truyện cực ngắn: Truyện một câu

Nói cách khác, truyện thật ngắn ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa.

Một phụ nữ đẹp nói với bạn: “Nhắm mắt là tao lại thấy cái đầu lướt sóng, cái bờm đen, cái chiều nghiêng, rồi bất thình lình điện thoại lại reo, làm tao mất mẹ cái mộng ảo.”

Cơm Tầu

Tiệm ăn Tầu ở miền Nam ở tỉnh lỵ thường bắt đầu bằng chữ A như A Lý (A Múi?). Hoặc kèm theo “Ký” như Phát Ký, Sáng Ký.

Mỗi tiệm tùy theo sắc dân mỗi khác nhau như Triều Châu nặng về cá, cháo, hủ tíu. Hải Nam là thịt gà. Quảng Đông với thịt heo, vịt, cơm chiên, nhưng không nêm nhiều gia vị cay như Tứ Xuyên.

Những món ăn Tầu quen thuộc với người Việt:

Cơm chiên Dương Châu (Dương Châu xả phạn) thực ra là cơm còn thừa (tức cơm nguội) đem chiên lại. Nhưng đúng ra là xào rất ít mỡ, và được nổi tiếng với cái địa danh Dương Châu.

Người Tầu có câu: “Thực tại Quảng Châu – Tử tại Liễu Châu”, nghĩa “Cơm ngon ăn ở Quảng Châu – Chết chôn ở Liễu Châu” vì quan tài ở đây không bao giờ…mục.

Bánh bao (tài páo), nhân bánh pao cũng là thịt còn dư lại. Nhưng được Từ Hy khen ngon vì Hán tộc biết…tiết kiệm nên nó…ngon.

(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Chữ và nghĩa

Nón ma lôi : Nón của lính thú đời xưa.

Nón  dấu : nón dấu là loại nón được đan bằng tre, có chóp, dùng cho binh lính thời xưa.

Nón mê : nón rách.

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Hoàng Xuân Hãn và Trần Thanh Mại đều cho là “toàn bộ” thơ Nôm khoảng gần 100 bài, tất cả không phải của bà Hồ Xuân Hương. Tất cả là “thơ dân gian” của một “ông đồ” nào đó nhuận sắc cùng thời với Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.

Cũng giống như “thơ Bút Tre” hiện nay, từ thơ “Bút Tre thật” rồi được nhiều người bắt chước theo thành thơ dân gian, họ đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ “Bút Tre mới”…

Riêng thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào dân gian ta đã ngót 200 năm. Bản in sớm nhất là “Xuân Hương di cảo” in năm 1914.

Các bản khắc ván “Xuân Hương thi tập” in năm 192, in năm 1923.

Bản chép tay “Quốc văn tùng ký” soạn thời Tự Đức đến Duy Tân.

Các bản chép tay “Xuân Hương thi sao“, “Tạp thảo tập“, “Quế Sơn thi tập“, “Xuân Hương thi vịnh“, “Liệt truyện thi ngâm” và “Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập“.

Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi?

Sau hơn 40 năm âm thầm nghiền ngẫm…Kiều Thu Hoạch một chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, ông đã công bố cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” với 84 bài thơ. Có thể nói: cuốn sách là một công trình đầy đủ về văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, chú thích chữ Nôm cho chúng ta 3 thông tin rất có giá trị:

– Một là thời điểm xuất hiện “Xuân Hương thi tập” là thời vua Minh Mạng (1820-1840)

– Hai là lúc bấy giờ Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng hay thơ Nôm.

– Ba là lúc bấy giờ Xuân Hương vẫn còn trẻ, còn được người đời (qua văn bản) gọi bằng “cô”.

Qua các văn bản chữ Nôm xưa, Kiều Thu Hoạch đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho nữ sỹ như các bài:

– “Đánh cờ người”, “Tát nước”, “Cái nợ chồng con”, “Đánh đu”, “Bà đanh”, “Đồng tiền hoẻn”, “Ông cử võ”…

(Nguyễn Khôi – Trở về với bản gốc thơ Nôm Hồ Xuân Hương)

Chữ nghĩa làng văn

Anh có biết không, muốn đánh giá một nhà văn mới vào nghề, hãy xem ngôn ngữ của anh ta. Nếu văn anh ta không có cái giọng riêng, anh ta khó lòng có thể trở thành một nhà văn thực thụ. Còn khi đã có giọng riêng, có tiếng nói của mình, với tư cách một nhà văn, anh ta đáng để ta hy vọng. Khi ấy ta có thể xem xét các mặt khác trong những gì anh ta đã viết.

(Tchekov bàn về văn học)

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search