T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (58) – NHẠC PHÁP – Poupée de cire poupée de son (Búp-bê không tình yêu), Gainsbourg

20130816-035445

Sau Françoise Hardy, Sylvie Vartan, và Sheila, kỳ này chúng tôi viết về France Gall, người trẻ nhất trong “nữ tứ quý” của làng nhạc Pháp thời kỳ yé-yé. Nếu Françoise Hardy được xưng tụng là “nữ hoàng phòng thu âm”, Sylvie Vartan là “công chúa trên sân khấu trình diễn”, Sheila là “tiếng hát học trò”, thì France Gall là “tiếng hát nhí nhảnh” – một “búp-bê biết hát”. Như một sự trùng hợp vô tình, ca khúc được ưa chuộng nhất của cô cũng có tựa búp-bê: Poupée de cire, poupée de son (Búp-bê bằng sáp, búp-bê nhồi vải), trước năm 1975, đã được Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa Búp-bê không tình yêu.

France Gall tên thật là Isabelle Geneviève Marie Anne Gall, ra chào đời tại Paris ngày 9/10/1947 trong một gia đình có truyền thống ca nhạc. Ông bố Robert Gall là một nhà viết lời hát, bà mẹ Cécile Berthier là con gái của Tiến sĩ Nhạc sử Paul Berthier (1884-1953), một nhà soạn nhạc đã có công đồng sáng lập ca đoàn Les Petits Chanteurs à la Croix de Bois vào năm 1907.

[Trong thời gian 40 năm – từ 1924 tới 1963 – dưới sự điều khiển của Linh mục nhạc trưởng Fernand Maillet (1896-1963), Les Petits Chanteurs à la Croix de Bois (Ca đoàn Thiếu nam Thánh giá gỗ) đã trở thành ca đoàn Thiên chúa giáo nổi tiếng bậc nhất thế giới. Khoảng năm 1961, 1962, Les Petits Chanteurs à la Croix de Bois đã tới trình diễn tại Sài Gòn]

 Còn người cậu Jacques Berthier (1923-1994) là một nhà soạn lễ nhạc (Công giáo) và nhạc sĩ đại phong cầm trong nhà thờ.

Là con gái duy nhất trong gia đình, France Gall được học dương cầm và ghi-ta từ nhỏ. Năm 13 tuổi, cô bé cùng hai người anh song sinh thành lập một ban nhạc “bỏ túi”, trình diễn ở các bãi biển hoặc các quán nhạc ở Paris.

Nhận ra năng khiếu nơi con gái, đầu năm 1963, Robert Gall khuyến khích France Gall thu âm một số ca khúc để gửi cho nhà sản xuất đĩa nhạc Denis Bourgeois, lúc đó đang là một trong những giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Philips.

Tháng 7/1963, France Gall được Denis Bourgeois gọi tới hát thử cho nghe tại hí viện Théâtre des Champs-Élysées, và được ông ký hợp đồng ngay.

Ba tháng sau, đúng ngày sinh nhật 16 của France Gall (9 tháng 10), ca khúc Ne sois pas si bête do cô thu đĩa được đưa lên làn sóng điện, và khán giả đã vô cùng thích thú trước “tiếng hát trẻ con” mà họ mới được nghe lần đầu.

Ne sois pas si bête (Đừng có ngu ngốc như thế) nguyên là ca khúc lời Anh Stand a little closer không mấy nổi tiếng, nhưng sau khi phiên bản lời Pháp của Pierre Delanoe được France Gall thu đĩa, đã đạt thành công rực rỡ; phát hành vào tháng 11/1963, Ne sois pas si bête đã bán được trên 200.000 đĩa.

Phụ lục 1: Ne sois pas si bête,  France Gall

Ngay sau thành công của Ne sois pas si bête, Denis Bourgeois đã nhờ Serge Gainsbourg viết một ca khúc thật vui tươi cho France Gall, kết quả là bản N’écoute pas les idoles (Đừng nghe lời những thần tượng).

jane-birkin-serge-gainsbourg

Jane Birkin Serge Gainsbourg

 Serge Gainsbourg (1928-1991) là một tên tuổi nổi tiếng quốc tế, tạo ảnh hưởng và gây tranh luận bậc nhất của Pháp trong suốt ba thập niên 1960, 70, và 80. Ông là ca sĩ, nhạc sĩ dương cầm, nhà viết ca khúc, nhà soạn nhạc cho phim, nhà viết kịch bản, diễn viên, đạo diễn, văn sĩ, thi sĩ, và họa sĩ.

Tuy nhiên tạo ảnh hưởng và gây tranh luận nhiều nhất phải là trong lĩnh vực sáng tác ca khúc với những tư tưởng phóng khoáng, lời hát dung tục, bị nhiều người lên án là “phản đạo đức”.

Sau hai lần kết hôn rồi ly dị, năm 1967 Serge Gainsbourg cặp kè thân mật với thần tượng nhục thể Pháp quốc Brigitte Bardot, lúc ấy đang là vợ của tay triệu phú playboy Gunther Sachs của Đức (đời chồng thứ ba của BB). Những ca khúc của BB thu đĩa trong thời gian này đều do Serge Gainsbourg viết, và đôi khi hát chung.

Qua năm 1968, Serge Gainsbourg gặp gỡ, và tán tỉnh được nữ diễn viên trẻ Jane Birkin (chưa nổi tiếng) của Anh Quốc, lúc đó đang là vợ của nhà soạn nhạc Jim Barry – người nổi tiếng với phần nhạc đệm của nhiều cuốn phim 007 James Bond – đưa tới việc Jane chia tay chồng để chung sống với Serge Gainsbourg.

Cuộc tình đầy đam mê và bất chấp dư luận của họ kéo dài 13 năm, với một cô con gái ra chào đời năm 1971, tức nữ diễn viên kiêm ca sĩ Charlotte Gainsbourg nổi tiếng sau này. Trong thời gian chung sống, Jane Birkin cũng được Serge Gainsbourg đào tạo thành ca sĩ.

Năm 1969, album đầu tiên của hai người có tựa Je t’aime… moi non plus đã gây chấn động thế giới.

Như người yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn ngày ấy còn nhớ, ca khúc chủ đề của album – cũng mang tựa Je t’aime… moi non plus  – nói về tình dục, và âm thanh “nền” của bài hát dài hơn 4 phút ấy chính là tiếng thở hổn hển, tiếng rên rỉ của người đàn bà trong lúc ân ái, được kết thúc bằng “đỉnh cao” (orgasm)!

VIDEO:

 Jane Birkin et Serge Gainsbourg – Je T’aime,…Moi Non Plus

Trở lại với France Gall, có thể nói sự nghiệp trong thời gian 10 năm đầu của cô gắn liền với tên tuổi của Serge Gainsbourg.

N’écoute pas les idoles, ca khúc đầu tiên của Serge Gainsbourg sáng tác riêng cho France Gall, phát hành vào cuối năm 1963, qua đầu năm 1964 đã đứng No.1 tại Pháp trong 3 tuần lễ liên tục.

Ca khúc kế tiếp của France Gall do Serge Gainsbourg sáng tác, bản Laisse tomber les filles (tiếng Anh có nghĩa là “Stop messing around with the girls”), không chỉ được ưa chuộng tại Pháp mà còn ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh vì âm điệu “yé-yé + jazz” độc đáo, mà một số nhà phê bình âm nhạc gọi là “âm điệu pop của Pháp” (French pop sound).

 Phụ lục 2: Laisse tomber les filles,  France Gall

Cho tới những năm gần đây, Laisse tomber les filles (lời Pháp cũng như lời Anh) vẫn được các ca sĩ thuộc các thế hệ đàn em thu đĩa, trong số này April March của Mỹ là người thành công nhất.

Năm 1995, April March thu đĩa hai phiên bản, gồm nguyên bản tiếng Pháp Laisse tomber les filles và phiên bản lời Anh có tựa Chick Habit do cô tự đặt lời.

Năm 1999, Chick Habit đã được nữ đạo diễn Mỹ Jamie Babbit sử dụng trong cuốn phim hài kịch tuổi “teen” But I’m a Cheerleader; và tới năm 2007, cả hai phiên bản Anh, Pháp do April March thu đĩa đã được đạo diễn Mỹ Quentin Tarantino đưa vào cuốn phim hoạt động kinh dị Death Proof.

VIDEO:

The Women of Tarantino Tribute – Chick Habit (Laisse Tomber les Filles)

Ngay sau khi thu đĩa ca khúc đầu tiên Ne sois pas si bête, France Gall đã cho thấy cô có một giọng hát rất giống giọng “trẻ con”. Từ đó, các ông bầu ra sức thuyết phục cô thu đĩa những bài hát dành cho nhi đồng, nhưng cô thì chỉ thích hát những ca khúc “người lớn”.

Mãi tới đầu năm 1965, nể lời ông bố Robert Gall, cô mới chịu thu đĩa ca khúc Sacré Charlemagne, do Georges Liferman viết nhạc và cha cô đặt lời. Kết quả, Sacré Charlemagne không chỉ trở thành ca khúc dành cho nhi đồng bán chạy nhất ở Pháp (trên 2 triệu đĩa) mà còn rất phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đặt biệt ở Nhật Bản.

Sau đó, France Gall được mời đại diện Lục-xâm-bảo (Luxembourg) tham dự cuộc thi ca khúc Âu châu (Eurovision) 1965 với ca khúc Poupée de cire, poupée de son của Serge Gainsbourg, và đã đoạt đại giải (chúng tôi sẽ trở lại với ca khúc này ở một phần sau).

Một chi tiết thú vị liên quan tới France Gall và ông vua phim hoạt họa Walt Disney của Mỹ:

Năm 1965, Walt Disney được xem một cuốn phim chiếu trên truyển hình nói về những ca khúc của France Gall. Bị hình ảnh và tiếng hát “trẻ con” của France Gall chinh phục, Walt Disney quyết định thực hiện một cuốn phim ca nhạc dựa trên truyện thần tiên Alice in Wonderland, mặc dù trước đó ông đã thực hiện một cuốn phim Alice in Wonderland  dưới hình thức hoạt họa. Tuy nhiên, France Gall cho biết cô không có ý định bước sang lĩnh vực điện ảnh. Qua năm sau, 1966, Walt Disney qua đời, dự án này bị hủy bỏ.

Cũng trong năm 1965, France Gall thu đĩa thêm ba ca khúc khác của Serge Gainsbourg là các bản Attends ou va-t’en, Nous ne sommes pas des anges, Baby pop.

Đầu năm 1966, Baby pop lên Top và trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của France Gall.

 VIDEO:

France Gall – Baby Pop (1965) Audio HQ – YouTube

Từ đó cho tới năm 1968, Serge Gainsbourg đã viết thêm nhiều ca khúc khác để France Gall thu đĩa, hoặc do hai người hát chung, tuy nhiên chỉ đạt thành công tương đối.

Sự hợp tác giữa Serge Gainsbourg và France Gall chấm dứt vào cuối năm 1968, khi cô đã đủ 21 tuổi và hợp đồng với hãng đĩa Philips chấm dứt.

Năm 1969, France Gall ký hợp đồng với hãng đĩa La Companie, cũng là hãng đĩa cha cô cộng tác. Nhưng những ca khúc do cô tự sáng tác, thu đĩa dưới sự điều khiển của giám đốc nghệ thuật của hãng này đã không đạt thành công mong muốn. Cùng khoảng thời gian, France Gall thử bước sang lĩnh vực sân khấu ca nhạc kịch, nhưng cũng sớm nản chí, và bỏ cuộc.

Để rồi tới năm 1973, France Gall gặp gỡ Michel Berger, khởi đầu cho một cuộc hợp tác tốt đẹp và một mối tình thiên thu.

france-gall-michel-berger

France Gall Michel Berger

Michel Berger không phải ai xa lạ mà chính là chàng trẻ tuổi “Michel Hursel” mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc Adieu Jolie Candy (Tiễn em nơi phi trường), ca khúc mà chàng đã góp phần đặt lời.

“Michel Hursel” là một trong những bút hiệu mà Michel Berger sử dụng trong những năm đầu.

Michel Berger tên thật là Michel Jean Hamburger, ra chào đời ngày 28/11/1947 tại Paris, con trai của bác sĩ giải phẫu óc nổi tiếng Jean Hamburger và nữ nhạc sĩ dương cầm (dàn nhạc đại hòa tấu) Annette Haas.

Michel Berger không chỉ nối gót mẹ mà còn trở thành ca sĩ, nhà viết ca khúc cho nhiều ca sĩ thời danh như Johnny Halliday, Françoise Hardy, France Gall…, và nhà thực hiện đĩa hát, được ghi nhận là một trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc trẻ Pháp quốc trong hai thập niên 1970, 1980.

Sau khi nổi tiếng với tư cách một ca sĩ qua ca khúc Salut les copains, năm 1967, chưa tròn 20 tuổi, Michel Berger đã trở thành một người viết ca khúc và thực hiện đĩa hát của hãng đĩa EMI.

Qua đầu thập niên 1970, Michel Berger hợp tác với hãng đĩa Warner Music, đảm trách việc thực hiện các album đầu tiên cho nữ ca sĩ trẻ Véronique Sanson. Năm 1973, Michel Berger được trao trách nhiệm thực hiện album Message personnel và đĩa single Je suis moi cho Françoise Hardy…

Cũng vào một ngày trong năm 1973, France Gall đã bị thu hút khi nghe tiếng hát của Michel Berger qua ca khúc Attends-moi (Wait for Me) của anh. Mấy ngày sau, hai người gặp nhau tại đài phát thanh, France Gall đề nghị Michel Berger hợp tác trong việc viết ca khúc cho cô, và anh đã nhận lời.

Năm 1974, La Déclaration d’amour (Bản tuyên ngôn tình yêu), ca khúc đầu tiên của Michel Berger viết cho France Gall, đạt thành công rực rỡ, mở đầu cho giai đoạn thứ hai, và cũng là một bước ngoặt  trong sự nghiệp ca hát của cô.

 Phụ lục 3: La Déclaration d’amour,  France Gall

Qua năm 1975, Samba Mambo, một ca khúc của Michel Berger viết theo thể điệu chacha vui tươi, sôi động, được France Gall thu đĩa đã làm mưa gió trên các sàn nhảy của giới trẻ khắp năm châu.

Phụ lục 4: Samba Mambo,  France Gall

Tại hải ngoại, Samba Mambo được đặt lời Việt vào khoảng cuối thập niên 1980, được Ngọc Lan, Julie, Thanh Lan, Lynda Trang Đài… và nhiều ca sĩ trẻ trong cũng như ngoài nước thu CD, video. Một vài trang mạng ghi tác giả phiên bản lời Việt là Việt Dũng, tuy nhiên không thấy ghi tựa tiếng Việt của bài hát.

Nếu chỉ tính CD, theo cảm quan và nhận xét của chúng tôi, nữ ca sĩ hát bản Samba Mambo lời Pháp lẫn lời Việt đạt nhất là Julie.

Có thể nói, cũng giống một số trường hợp khác trong làng nhạc trẻ Việt Nam, sau khi ra hải ngoại, tiếng hát của Julie mới đạt tới đỉnh cao. Lấy bản Mùa thu chết làm thí dụ điển hình. Trước năm 1975, Julie đã được một số thính giả biết tới qua ca khúc này, nhưng phải đợi tới sau khi ra hải ngoại, nghe cô hát lại, người ta mới cảm nhận trọn vẹn cái hay của ý thơ Appolinaire, nét nhạc Phạm Duy, và tiếng hát Julie.

Rất tiếc sau này, Julie rất ít hát…

 Phụ lục 5: Samba Mambo,  Julie

Viết tiếp về Michel Berger và France Gall. Cộng tác với nhau, gần gũi nhau, dần dần hai người đã nhận ra rằng họ không chỉ đơn thuần là hai đồng nghiệp cùng tuổi, mà còn chung một nhịp tim.

Qua năm 1976, vào ngày 22/6, hai người kết hôn. Nhân dịp này, Michel Berger đã viết cho cô vợ mới cưới một tình khúc tuyệt vời để nhớ lại ngày mới yêu nhau: Ce coir, je ne dors pas (Đêm nay, em nằm thao thức).

 Ce Soir, Je Ne Dors Pas
Ce soir, je ne dors pas
Comme la toute toute première fois
Où tu es venu contre moi
Où j’avais peur de toi
Ce soir, je ne dors pas
Comme la toute toute première fois
Où tu dormais dans mes bras
Où je prononçais ton nom tout bas

Quand j’étais enfant, mon prince charmant
Était si différent de toi
Quand j’étais enfant, mon prince charmant
Était bien autrement, pourquoi

Ce soir je ne dors pas
C’est la toute toute première fois
Que je te sais loin de moi
Et le vide n’en finit pas

Quand j’étais enfant, mon prince charmant
Était si différent de toi
Quand j’étais enfant, mon prince charmant
Était bien autrement, pourquoi

Ce soir je ne dors pas
C’est la toute toute première fois
Où je comprends que c’est toi
Ce garçon que je n’attendais pas
Phụ lục 6: Ce soir, je ne dors pas,  France Gall

Ce soir, je ne dors pas được đặt lời Việt với tựa Đêm buồn mênh mang, được Ngọc Lan thu CD năm 1981 (Asia CD 7: Luyến Tiếc, gồm ba tiếng hát Kiều Nga, Ngọc Lan, Minh Xuân). Rất tiếc, trên bìa CD cũng như trên các trang mạng chúng tôi tham khảo đã không ghi tên tác giả phiên bản lời Việt.

Với thính giả người Việt hải ngoại, và cả trong nước sau này, Ce soir je ne dors pas / Đêm buồn mênh mang đã trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của Ngọc Lan.

Điểm yếu trong giọng hát của Ngọc Lan là thiếu hơi và không đủ mạnh, nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, chính sự thiếu hơi và không đủ mạnh ấy đã khiến tiếng hát của cô trở nên mong manh, vốn đã buồn càng thêm buồn. (Rồi đây chúng tôi sẽ có dịp phân tích tiếng hát Ngọc Lan trong loạt bài viết về tiếng hát Đặng Lệ Quân – một giọng hát rất buồn khác của nền ca nhạc Á châu).

Đêm buồn mênh mang

Đêm nay lòng bâng khuâng
Lần đầu đã thấy tim rung động
Người tình từ đâu đến đây
Lòng ta bỗng dưng thấy ấm nồng

Đêm nay ngủ không yên
Người tình bỗng đến trong êm đềm
Tuyệt vời tay trong tay đắm say
Ta gọi tên thiết tha người ơi … hỡi người !!!

Khi tình yêu đến đây
Ta chợt như khói bay
Mãi đi về xa ngút khơi
Người ơi … !!!

Khi tình yêu vút bay
Ta cần chi hỡi anh
Cớ sao tình ta dở dang
Anh hỡi … !!!

Đêm nay … buồn mênh mang
Lần đầu nước mắt rơi âm thầm
Người tình ơi xa xăm có hay
Em vẫn luôn ngày đêm với nỗi buồn

Khi tình yêu đến đây
Ta chợt như khói bay
Mãi đi về xa ngút khơi
Người ơi … !!!

Khi tình yêu vút bay
Ta cần chi hỡi anh
Cớ sao tình ta dở dang
Anh hỡi … !!!

Đêm nay … buồn mênh mang
Lần đầu nước mắt rơi âm thầm
Người tình ơi xa xăm có hay
Xa rời anh biết em còn chi
Hỡi người !!!

 

Phụ lục 7: Ce soir, je ne dors pas / Đêm buồn mênh mang, Ngọc Lan

Năm 1978, để khuyến khích France Gall trở lại với sân khấu, Michel Berger đã viết vở ca nhạc kịch Starmania với sự hợp tác của nhà viết lời hát Luc Plamondon, do France Gall thủ vai chính Cristal.

Trước đó, không có nhà sản xuất nào dám bỏ vốn thực hiện thể loại ca nhạc kịch này trên sân khấu Pháp. Nhưng Starmania đã thành công rực rỡ, được diễn liên tục trong hai thập niên 1980, 1990, và  đưa tên tuổi của France Gall đi vào lịch sử ca nhạc kịch Pháp.

france-gall-trong-vs%c6%92-starmania

France Gall trong vở Starmania

Tháng 8 năm 1992, hai vợ chồng đang chuẩn bị cho một chuyến lưu diễn vòng quanh nước Pháp, Michel Berger đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào tuổi 44. Tuy nhiên, theo đúng truyền thống của giới nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong tiếng Anh gọi là “the show must go on”, qua năm 1993, dù chương trình lưu diễn bị hủy bỏ, France Gall vẫn tiếp tục trình diễn tại Paris những sáng tác của người chồng vắn số.

Cũng trong năm 1993, France Gall bị chẩn đoán ung thư vú nhưng đã chữa trị thành công.

Năm 1995, France Gall sang Los Angeles và ở lại đây 1 năm để trình diễn và thu âm album thứ 8 của mình. Năm 1996, France Gall trở về Pháp, trình diễn tại đại hí viện Olympia Paris.

Năm 1997, tại họa lại ập tới, Pauline Hamberger, cô con gái độc nhất của Michel Berger và France Gall qua đời vào tuổi 19 vì chứng viêm phổi bẩm sinh di truyền (cystic fibrosis); và được chôn chung mộ với người cha nổi tiếng tại Nghĩa trang Montmartre. France Gall quyết định từ giã nghiệp cầm ca.

michel_berger_-_tombe_-_cimetire_de_montmartre_-_paris

[Michel Berger và France Gall còn có một người con trai, Raphael Hamberger, sinh năm 1981, hiện là một chuyên viên soundtrack – phụ trách lồng nhạc vào phim ảnh, video, quảng cáo]

Ba năm sau (2000), France Gall trở lại sân khấu một lần duy nhất để phụ diễn cho nam danh ca Johnny Halliday tại hí viện Olympia Paris.

Từ đó tới nay, France Gall dành phần lớn thì giờ cho các công tác từ thiện. Trước kia, ngay từ thập niên 1980, France Gall đã tích cực hoạt động cho phong trào cứu đói Phi Châu, tổ chức các buổi trình diễn gây quỹ cho Action Écoles, một tổ chức học sinh thiện nguyện ở Pháp. Hiện nay France Gall là một trong những nhà bảo trợ Coeurs de Femmes, một tổ chức từ thiện mà đối tượng chính là các “cô gái hè phố”.

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về bản Poupée de cire, poupée de son (Búp-bê không tình yêu).

Sau thành công của các bản N’écoute pas les idoles, Laisse tomber les filles, Sacré Charlemagne…, France Gall được mời đại diện Đại công quốc Lục-xâm-bảo (Grand Duchy of Luxembourg), một tiểu vương quốc mà tiếng Pháp là quốc ngữ, tham dự cuộc thi ca khúc Âu châu (Eurovision Song Contest) năm 1965.

Theo lời kể lại của France Gall sau này, Serge Gainsbourg đã cho cô bé nghe thử 10 ca khúc khác nhau do ông sáng tác, và tìm cách thuyết phục cô chọn ca khúc mà ông cho là thích hợp nhất với giọng hát của cô. Nhưng France Gall đã dứt khoát chọn bản Poupée de cire, Poupée de son chỉ vì cô thích tiết tấu, nhịp điệu lôi cuốn cũng như nội dung khác lạ của ca khúc.

…Một nàng ca sĩ tự ví mình như con búp-bê tối ngày chỉ thích ca hát trong gương, và nhìn cuộc đời màu hồng, dâng cho đời những bản tình ca ngọt ngào. Rồi một ngày, nó chợt nhận ra rằng mình cứ mãi ca hát về tình yêu trong khi tâm hồn chẳng biết yêu là gì…

 Poupée de cire, poupée de son

 Je suis une poupée de cire
Une poupée de son
Mon cœur est gravé dans mes chansons
Poupée de cire poupée de son

Suis-je meilleure suis-je pire
Qu´une poupée de salon
Je vois la vie en rose bonbon
Poupée de cire poupée de son

Mes disques sont un miroir
Dans lequel chacun peut me voir
Je suis partout à la fois
Brisée en mille éclats de voix

Autour de moi j´entends rire
Les poupées de chiffon
Celles qui dansent sur mes chansons
Poupée de cire poupée de son
Elles se laissent séduire
Pour un oui pour un nom

L´amour n´est pas que dans les chansons
Poupée de cire poupée de son

Mes disques sont un miroir
Dans lequel chacun peut me voir
Je suis partout à la fois
Brisée en mille éclats de voix

Seule parfois je soupire
Je me dis à quoi bon
Chanter ainsi l´amour sans raison
Sans rien connaître des garçons

 

Je n´suis qu´une poupée de cire
Qu´une poupée de son
Sous le soleil de mes cheveux blonds
Poupée de cire poupée de son

Mais un jour je vivrai mes chansons
Poupée de cire poupée de son
Sans craindre la chaleur des garçons
Poupée de cire poupée de son.

 

Nhiều người kể lại rằng khi France Gall hát bản Poupée de cire, poupée de son trong các buổi tranh tài của giải (Eurovision) 1965 tổ chức tại Naples, Ý-đại-lợi, cô đã bị la ó (booed) vì ca khúc này đã đi lệch hướng quá xa so với những ca khúc thường được trình diễn tại cuộc thi này; viết một cách nôm na là “không giống ai”!

Về phần các nhà phê bình, đa số cho rằng phần trình diễn của France Gall trong buổi thi chung kết tối 20/3/1965 không đáng gọi là lần trình diễn hay nhất của cô, thậm chí có người còn vạch ra rằng cô đã hát lạc “tông”, mặt mũi thì tái mét!… Kể cả Claude François, lúc đó đang là người yêu của cô bé 17 tuổi, khi được France Gall điện thoại ngay sau phần trình diễn của mình, đã phải la lớn “Em hát lạc tông. Thật khủng khiếp!”

Thế nhưng ban giám khảo lại bị France Gall chinh phục, và Poupée de cire, poupée de son đã đoạt đại giải (Grand Prix).

Phụ lục 8: Poupée de cire, poupée de son,  France Gall

Gần đây, năm 2005, nhân dịp mừng 50 năm của Eurovision, Poupée de cire, poupée de son đã được vinh danh là một trong 14 ca khúc hay nhất đã đoại giải từ trước tới nay.

Chỉ một ngày sau cuộc thi, Poupée de cire, poupée de son đã bán được 16 ngàn đĩa tại Pháp, nơi mà France Gall (và Serge Gainsbourg) đã bị dư luận chỉ trích dữ dội về việc không đại diện cho Pháp mà lại đại diện cho Lục-xâm-bảo tham dự giải Eurovision. Bốn tháng sau, số bán đã lên tới nửa triệu đĩa!

Tới mùa hè 1965, sau khi Poupée de cire, poupée de son được France Gall thu đĩa bằng tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Nhật, tổng số bán ra đã lên tới 2 triệu đĩa.

Riêng tại xứ hoa anh đào, phiên bản Poupée de cire, poupée de son bằng tiếng Nhật có tựa đề “Yume Miru Chanson Ningyo”, đã làm mưa gió trên thị trường trong một thời gian dài, đưa tên tuổi của France Gall đứng trên ban The Beatles trong bảng xếp hạng 2 năm liên tiếp.

france-gall-japanese

VIDEO:

France Gall – Yume miru chanson ningyo (1965)

Tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, Poupée de cire, poupée de son đã được Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa Búp-bê không tình yêu.

Tương tự trường hợp ca khúc La Maritza / Dòng sông tuổi nhỏ của anh trước đó, Poupée de cire, poupée de son / Búp-bê không tình yêu cũng được Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ một cách tài tình và trung thực.

Ngày ấy, Poupée de cire, poupée de son / Búp-bê không tình yêu được thu vào băng nhựa với hai tiếng hát Thanh Mai (lời Việt) và Thanh Lan (lời Pháp). Sau năm 75, tại hải ngoại, Ngọc Lan là ca sĩ hát lại bản này thành công nhất. Hiện nay, Poupée de cire, poupée de son / Búp-bê không tình yêu được xem là ca khúc Pháp lời Việt thịnh hành và phổ biến nhất ở Việt Nam, được trình bày dưới nhiều hình thức, theo nhiều thể điệu khác nhau.

thanhmai-truoc-1975

Nữ ca sĩ Thanh Mai trước 75

Búp-bê không tình yêu

 Tôi như con búp bê bằng nhựa
Một thứ búp bê thật xinh xắn
Đựng đầy trong trái tim ngàn muôn ca khúc
Buồn vui nhớ mong khóc thương mơ mộng

Sáng láng tươi vui như hàng ngàn
Vạn búp bê xinh lòng kung kính
Nhìn về mê đắm như kẹo thần thơ ấu
Lòng như đóa hoa trong ngày đầu xuân

Thơ ngây như hương dưới nắng hồng
Tâm hồn dại khờ chẳng dấu chút gì
Rong chơi ca vui suốt tháng ngày
Cho đời hàng ngàn hàng vạn điệu ca (x2)

Có lúc tôi nghe tim sao buồn
Vạn nước mắt em đành rơi xuống
Trọn đời ca hát cho tình yêu ai đó
Còn tôi tháng năm mãi sầu đời buồn

Tôi như con búp bê bằng nhựa
Một thứ búp bê thật xinh xắn
Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá
Vì sao búp bê thiếu một tình yêu

Thơ ngây như hương dưới nắng hồng
Tâm hồn dại khờ chẳng dấu chút gì
Rong chơi ca vui suốt tháng ngày
Cho đời hàng ngàn hàng vạn điệu ca

Có lúc tôi nghe tim sao buồn
Vạn nước mắt em đành rơi xuống
Trọn đời ca hát cho tình yêu ai đó
Còn tôi tháng năm mãi sầu đời buồn

Tôi như con búp bê bằng nhựa
Một thứ búp bê thật xinh xắn
Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá
Vì sao búp bê thiếu một tình yêu

Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá
Vì sao búp bê thiếu một tình yêu.


Phụ lục 9: Búp-bê không tình yêu / Poupée de cire, poupée de son, Thanh Mai & Thanh Lan (trước 1975)

 

Phụ lục 10: Búp-bê không tình yêu, Mina 

VIDEO:

Ngọc Lan – Búp Bê Không Tình Yêu (reprise de Poupée de cire, poupée de son)

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search