T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Cái nợ đồng lần

  nhung-vong-doi

Những Vòng Đời – Tranh: Mai Tâm

       Nói cho ngay…ngay như tựa đề, người viết mụ chữ với câu dân gian của các cụ ta xưa “cái nợ đồng lần, tình yêu như…bát bún riêu” hay “ruộng nương là của đồng lần, trời đất xoay vần kẻ trước người sau”…Sau rốt, mụ chữ tôi búi bấn qua nhà văn nữ trong bài Nợ đồng lần với “nợ ơn nợ nghĩa không phải của riêng ai, mà của toàn thiên hạ, của cuộc đời này” với câu kết: đàn ông là cái nợ đồng lần. Vì nặng nợ với chữ nghĩa, mụ chữ tôi…mụ mẫm đồng lần là tĩnh từ, nên câu Cái nợ đồng lần có nghĩa là “lần lượt như nhau, trước sau cũng phải trải qua cái nợ đồng lần”. Bởi lý sự ấy, bèn cho rằng trong cõi nhân gian, cái nợ đồng lần ai nấy cũng gặp một lần trong đời!

Thế nên mới có bài viết dài hơi dầy chữ này đây…

***

Bài viết này từ khươm mươi niên trước, mụ chữ tôi đang khua khoắng như xẩm tìm gậy với đàm hoa lạc khứ thì bạn cũ trường xưa tếu táo hãy mọt sách ăn giấy về làng Kẻ Noi của bạn. Ngỡ thật, cái ngày chân ướt chân ráo ấy, mụ chữ tôi đọc báo chợ, báo chùa thấy ai đó viết làng Kẻ Noi ở…Hành Thiện, Nam Định.

Thêm nữa, trước kia thì không, sau này như bệnh dịch vì sử gia, nhà biên khảo nhìn gì trên trống đồng lòi tói ra hết chim lạc có từ thời Lạc Việt, đến nhà sàn có từ thời Hùng Vương. Nên chả ai cấm mụ chữ tôi hoang tưởng làng Kẻ Noi cũng có nhà sàn in hịt như trên trống đồng vậy, bèn dẫn chứng với ca dao “cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui” hay “trâu đeo mõ, chó leo thang”. Ấy mà chó ngáp phải ruồi thế quái nào chả biết nữa, đọc Sơn Tây địa chí  thấy Sơn Tây cũng có đất người Mường và nhà sàn thật.

Nhưng ấy là chuyện sau, bởi sau này mụ chữ với đền chùa nên mụ chữ tôi ghé Hồ Tây có chùa thờ nữ thần người Chàm là chùa Bà Banh. Sau dân gian gọi là chùa Bà Đanh, vì “đanh” là cây gậy đá thọc vào chỗ banh ra để bá tánh cầu xin. Nhờ cây gậy, mụ chữ tôi mới tìm ra nghi vấn trong văn học: chùa Bà Đanh là…chùa Bà Banh.

Cùng ngày trời tháng bụt viết để dối già, mụ chữ tôi ngụp lặn với chữ nghĩa từ Bắc Ninh xuống Thái Bình để đi tìm thổ ngơi, miếu mạo, cầu quán chỉ có trong sách vở. Thảng như cầu mái ngói, ngỡ chỉ bên Nhật mới có (như chùa Cầu, Hội An), hoá ra nhờ phiêu lãng quên mình lãng du nên đến đẩu đầu đâu cũng thấy “thượng gia hạ kiều”. Một ngày lọ mọ đến Hà Nam có chùa Bà Đanh với giai thoại trạng Quỳnh ghé chùa làm thơ. Thấy ai đánh rắm to ở đâu thì tìm đến, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng tìm đến chùa để đề thơ: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa – Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Ha! Lá rơi rất mỏng…mỏng dính, lá lại rơi nghiêng…nghiêng ngả nên câu thơ có cái lá rơi tõm vào văn học. Nhưng khổ nỗi chùa Bà Đanh không có cây đa nào mà chỉ có…hai cây cau. Ý đồ mụ chữ tôi là muốn viết một nơi chốn nào phải thực mục sở thị. Nếu không bạn đọc đay cho u đầu, mắng cho mục mả…mắng như vặt thịt ấy.

Ấy là chùa thờ Bụt, “đền” thờ ông, thờ bà, “chùa” không thờ bà Banh, bà Đanh.

Khi mới có máy vi tính, ngày ấy mụ chữ tôi lang thang như thần hoàng làng khó trong “mạng nhện” như thiên la địa võng nên chả hay biết Kẻ Noi nằm ở xó xỉnh nào?

Ấy là chưa kể dạo đó với bài vở mụ chữ tôi viết không có dấu như dưới đây:

“La`ng Ke? Noi thuo^.c ti?nh So*n Ta^y”, diễn nôm là Làng Kẻ Noi thuộc tỉnh Sơn Tây. Hoặc “Ke? Noi, te^n tu.c la` la`ng To’ ”, nôm là Kẻ Noi, tên tục là làng Tó. Chả hiểu từ “tư liệu” nào, mụ chữ tôi ăn đong ăn vay người làng Tó nói…nói như chim.

Thảng như chữ “kẻ”, gân đây mụ chữ tôi mới ăn mày chữ nghĩa trên mạng…

“Kẻ” tiếng Việt cổ chỉ nơi chốn, sau gọi là làng. Kẻ Noi là tiếng Nôm, tiếng Hán là làng Cổ Nhuế. Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ để phân biệt Kẻ Sặt, Kẻ Lủ ở vùng quê. Sau Kẻ Chợ chỉ người khôn ngoan, tiếp đến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường từ Kẻ Chơ mà ra. Với làng Cổ Nhuế, tục truyền rằng: Vào thời Lý, Đông Chinh vương đi đánh giặc ghé qua làng, dân làng tiếp đón nồng hậu. Trước khi ra trận, già làng hỏi nếu vương “bãi sa tràng thịt nát xương tan” thì cho làng lập đền thờ. Vương không thuận, vì thấy dân làng quá nghèo. Vì nghèo ở vùng đầm lầy “lội ngòi noi nước”, noi là “lần theo” mới thành tên Kẻ Noi. Vì nghèo nên phải đi lấy phân về ủ cho hoai để bón ruộng vườn vì vậy mới có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” là nói về nghề này.

Ngại bạn ngờ mụ chữ tôi…mụ chữ chăng?! Một ngày trời hom hom, đất đơ đơ, bèn dẫn bạn về tận nơi thực mục sở thị làng đầm lầy, muỗi bay như rắc trấu nên đâu có canh tác khỉ gì được. Mụ chữ tôi chỉ một bác Kẻ Noi quần sắn móng lợn, đầu quấn khăn đầu rìu đang quảy gánh. Trong thúng có đồ nghề gắp phân bằng cật tre gộc, trông giống đôi đũa cả nhưng dài hơn. Thúng kia có con dao cau, cuộn giây gai, bình vôi để dịt vết thương, ấy là bác ta làm nghề khác: nghề hoạn lợn. Chuyện này xọ qua chuyện kia…qua làng Phương Lưu, Hải Phòng, tuy cũng hót phân như Kẻ Noi nhưng đánh ruồi không đủ nuôi miệng cóc nên làm nghề khác: nghề đạo chích. Chuyện có tên đạo chích khoét vách vào nhà người ta để khoắng một mẻ để ăn têt. Vì tháng củ mật nên gia chủ hờm sẵn cái lưỡi cày phập xuống ngọt lịm, đạo chích chết tôt. Nhưng may chết vào giờ linh nên được làng rước vào đình thờ là…thần hoàng ăn trộm.

Về ông “đương cảnh thần hòang thượng đẳng thần” trên, mụ chữ tôi mót chữ són câu được tục thờ “thành hoàng” có từ đời Tam Quốc. Thành hoàng từ thành là thành quách, hoàng là cái hào bao quanh thành; ghép lại một từ để chỉ vị thần coi giữ cho cái thành. Vì vậy thành hoàng là ở bên Tàu. Ở bên ta việc thờ “thần hoàng” được đề cập qua chuyện dòng sông Tô Lịch chảy ngược, các vị kỳ lão giết trâu đặt rượu cúng tế thì hết. Khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe sự linh dị, sắm lễ tế, cho hiệu thần sông Tô Lịch là Đô phủ thành hoàng. Gặp khi Lý Thái Tổ lúc dời đô, mộng thấy một cụ đầu bạc phảng phất trước bệ rồng…Sau khi hỏi rõ lai lịch là thần sông Tô Lịch, vua phong làm Quốc đô Thăng Long thần hoàng. Đình thờ thần hoàng, miếu thờ thổ thần. Nhưng cũng có miếu thờ thần hoàng, như miếu làng Ngọc Động, Ninh Bình thờ thần hoàng là ông ăn mày. Ngày hiện hóa của thần hoàng, làng mở hội, nghinh rước “thần hoàng” là…cái bị và cái gậy từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước cái gậy, cái bị về miếu yên vị

Chả lẽ nói vãi thì lại nói vơ về Kẻ Noi, mụ chữ tôi dẫn bạn tới miếu thần hoàng. Nơi chốn này, năm 1469, vua Lê Thánh Tông vi hành qua đây thăm miếu thần hoàng có thờ quang gánh và đôi đũa cả để gắp phân. Vua Lê đã ban câu đối cho làng: ”Khóac tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ – Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian”. Nhưng vào đến miếu, quang gánh có đấy, không có đôi đũa cả tre gộc mà là…hai mảnh xương trâu. Bạn nói: Làng bạn không phải là Kẻ Noi mà là…”Kẻ Nủa”.

Một ngày ngồi không búng ghét đuổi ruồi…Mụ chữ tôi lẩm cẩm như xẩm tìm gậy và…tìm ra mắc mớ gì cách đây 500 năm cụ vua Lê vi hành tới mảnh đất đầm lầy, ruồi muỗi đông như tổ đỉa, dân làng lại gánh phân thối hoăng. Nghĩ cũng lạ…Lạ hơn nữa, sau này lại cũng năm 1469, cụ vua lại lèo hèo lên Sơn Tây. Thế mới rách chuyện.

***

Một ngày khác 9 năm sau, ngày bạn về với thiên cổ, mụ chữ tôi gò gẫm bài viết Thằng bạn mày tao viết về bạn với cái thú chơi đồ cổ. Trong bài có câu khong khảy: “Quái thật! Làng mình tên quái quỷ gì chả hay thì khỉ thật! Hay bạn nỡm mình cũng nên?”. Nên hay không, ngày ấy, mụ chữ tôi cũng rọ rạy phải tìm về quê bạn ở Kẻ Nủa.

Với cái nợ đồng lần, mụ chữ tôi sẽ dắt díu bạn về Kẻ Nủa. Vì bạn là nhà báo, nhà văn, ắt là phải đưa bạn qua ngả Ngã Tư Sở đi Hà Đông để theo nhà thơ Cao Tần thăm…nhà văn Lê Tất Điều ở làng Bái Trượng. Rồi tìm nhà báo Hoàng Hải Thủy ở làng Đơ, đang ngồi đợi bạn trên thượng gia hạ kiều bắc qua sông Nhuệ. Tiếp đến ghé quê nội Dương Nghiễm Mậu cũng ở Hà Đông. Sau đó ngược lên Sơn Tây theo nhà văn Phan Lạc Tiếp với tác phẩm “Bốn mươi năm trở lại”, lọ mọ qua Phùng gặp Quang Dũng. Đi tiếp nữa vào vùng núi Thách Thất, tìm làng Trúc Động, vì Phí Ích Nghiễm vừa theo bạn về quê…về lại quê ngoại. Tại đất Thạch Thất có hai nhà báo đều ở Kẻ Nủa: Áy là Phan Lạc Phúc và Lê Thiệp bạn ta. Thế nhưng phải đợi ngày tháng đong đưa nào đấy với bách quế quy vu kỳ thất, là trăm năm bạn cũng về nhà.

Qua ngày tháng đẩy đưa ngày là lá, tháng là mây…Số là xưa xửa xừa xưa, hiểu là lâu lắm rồi, mụ chữ tôi ực tới bến mới có được bài Hồ trường! Hồ trường ta biêt rót về đâu. Bài gửi đi rồi biến mất tiêu! Đùng môt cái đọc trên mạng lưới bài biên khảo “Dư thương hay Hồ trường?” của tác giả Chân Phuơng. Ngửi hơi văn có hơi hám đụng chạm đến “văn mình vợ người” và tác giả bắt cóc bỏ đĩa mụ chữ tôi như thế này…

(…) Với nội dung dài 19 trang vừa đánh máy vừa kèm hình ảnh vẽ và chụp. Bài “biên khảo” do một tác giả, ông Phí Ngọc Hùng mượn ý từ nhiều “khảo cứu” của các tác giả khác nhau về bài thơ Hồ Trường. Trong giới hạn bài này, chúng tôi sẽ không cắt và dán lại toàn bộ 19 trang đó mà chỉ đề cập đến nội dung cần được phản biện thôi (…).

Thôi thế quái nào được! Thế là mụ chữ tôi có nhời “phản biện”. Nhưng khổ nỗi với danh bất chính ngôn bất thuận lại không biết tác giả là ông hay bà? Nhưng phần mở đầu “Em coi bài Hồ trường! Hồ trường ta biêt rót về đâu thì biết thật, hư – GS Dương Như Nguyện”. Đến trần ai khoai củ này, mụ chữ tôi như xẩm sờ voi và đoán mò tác giả không là ông hay bà mà là…cô! Bởi bà họ Dương xưng chị, trong khi bà chỉ 40 hay 50.

Bèn quắn quả cô đây văn chương nết đất, thông minh tính trời nhưng câu “Với nội dung (…) vừa đánh máy vừa kèm hình ảnh ông (….) mượn ý từ nhiều “khảo cứu” của các tác giả khác nhau”. Bởi cô đa thư loạn mục, là đọc nhiều quá đâm rối mắt nên chả rối ren được văn cách của một nhà làm văn học đã văn dĩ tải đạo trên văn đàn:

“Ấy là truyện không cần có cốt truyện (hay truyện-trong-truyện) hình thành thủ pháp hư cấu. Từ đó, nảy sinh việc trích dẫn, viết lại các văn bản cũ, ngay cả tranh ảnh. Truyện-trong-truyện không có sự mạch lạc trong cốt truyện và sự hợp lý trong tình tiết…Những tình tiết được he hé mở trước và được kín đáo đóng lại sau, tình tiết còn được nhắc lại ở khúc cuối để người đọc không quên khúc đầu, v…v…”.

Chuyện mấy năm sau đọc trên mạng lưới gặp bài viết của cô xem như đã xong. Còn bài Thằng bạn mày tao gửi đi năm 2012, bốn năm sau, năm 2016…Một ngày như mọi ngày, mụ chữ tôi nhận được điện thư của cô. Hơ! Cô như…rách giời rơi xuống:

(…) Xin cảm ơn vì chú gửi bài viết về tình bạn qua bạn bè giữa chú và chú Thiệp qua bao nhiêu năm chân tình và thắm thiết đã dành cho nhau. Cảm động lắm khi biết được các chú từng phóng khoáng chia sẻ và nhường “đồ chơi (đồ cổ)” quý giá của mình cho nhau. Cháu đọc được sự gần gũi trong văn phong và bút pháp của chú và chú Thiệp như có nhiều điều hòa quyện lẫn nhau trong tính cách của các chú. Cháu không khỏi bật cười thành tiếng khi chú thuật lại câu chuyện chú Thiệp giả ngây, giả ngô: Ban đầu xưng tên làng mình là Kẻ Noi, nhưng sau đó lại chối phăng như không biết tên Nôm của làng mình vì giai thoại nổi tiếng không được thơm tho của làng Cổ Nhuế…(…)

Ha! Hoá ra cô Chân Phương là cô cháu của bạn! Cháu như thế nào thì cô tiếp:

(…) Cháu xin được trích lại một phần ghi chép của bố cháu (bố cháu lấy bút hiệu là Minh Văn) để lại về các làng Chi Quan (Kẻ Săn, bên nội của chú Thiệp), Đụn Dương (Kẻ Đụn, bên ngoại của chú Thiệp và bố cháu) (…)

Đến tao đoạn này, mụ chữ tôi mới ớ ra làng của bạn mình là…”Kẻ Săn”

(…) Lịch sử chưa bao giờ Kẻ Noi được sát nhập như một phần của tỉnh Sơn Tây. Vì thế, nhận làng mình là Kẻ Noi, ắt chú Thiệp đã đọc qua giai thoại Ba Giai Tú Xuất,…để mà phá chú đấy! Quê chú Thiệp ở Thạch Thất, Sơn Tây. Chi Quan là huyện lỵ, vì thế con đường chính của làng đi ngang qua nhà chú Thiệp được gọi là Phố Săn. (…)

Hơ! Đến nhiễu nhương “lịch sử” ở trên ắt phải rối rắm với cô cháu bạn quá…

Rối như canh hẹ là giữa thời Lý, Kẻ Noi nằm trong đất Từ Liêm của trấn Sơn Tây. Năm 1832, Minh Mạng sát nhập Từ Liêm vào Hà Đông, vì vậy từ thời nhà Nguyễn, Kẻ Noi thuộc về Hà Đông tức làng Đơ có Cầu Đơ. Thời Pháp thuộc, năm 1888 trở về sau  làng Đơ là tỉnh Cầu Đơ, đến năm 1904, người Pháp đổi thành tỉnh Hà Đông.

Chứ chả phải như các nhà biên khảo…khảo nan khảo dị:

Minh Mạng thứ 12 năm 1832 đặt tên là Hà Đông lấy từ sách Mạnh Tử (Thiên Lương Huệ Vương) qua địa danh ở bên Tàu có Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, v…v… Thêm nữa, qua Lê Thánh Tông đặt tên địa danh theo hướng đông, tây, nam, bắc, Minh Mạng không có lý do gì đặt tên làng Đơ ở phía tây Hà Nội với tên Hà Đông.

Vì vậy Kẻ Noi nằm ở Sơn Tây hay Hà Đông tuỳ theo cô tiêu pha chữ nghĩa ở thời gian nào. Thế nhưng mọt sách mọt chữ cho lắm cũng khó…tiêu lắm. Bởi nhẽ người trong nước cứ ngẫu hứng qua cầu nay Hà Nam Ninh mai Hà Tây. Mụ chữ tôi ngẫm nguội với cô 100 năm sau…Kẻ Noi, xin lỗi nói lộn…Kẻ hậu sinh chả biết cụ Nguyễn Khuyến thổ cư ở Hà Nam, Nam Định hay Ninh Bình. Rồi họ lại tuỳ hứng với Hà Nam Ninh nay lại là Nam Hà, cụ Tam Nguyên Yên Đổ đâm rối trí chả biết mình ở đâu nữa. Như Quang Dũng, nào ai biết nhà thơ thổ ngơi ở Hà Đông, Sơn Tây hay…Hà Nội, vì Hà Tây bây giờ thuộc về đất ngàn năm văn vật. Nhưng ấy là chuyện sau.

Chuyện bây giờ hay là hãy theo bước chân chim của Hạ Chí Trương…trẻ lãng du, già về cố xứ vì gặp đám trẻ cười hỏi ta…Thế là mụ chữ tôi bật ra ý nghĩ “gà cỏ trở mỏ về rừng”, là đưa cô về cố xứ, về Kẻ Săn thăm căn nhà cũ của chú Thiệp cô.

***

Tức thì hai chú cháu leo lên máy bay…bay về Hà Thành, đất của sĩ phu Bắc Hà. Đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật của mụ chữ tôi lại…đàm hoa lạc khứ nữa, để lạc vào thập niên 30 đầu thế kỷ 20. Như rơi tõm vào “Lỗ hổng thời gian” với ai đó vượt thời gian, lạc đường về quá khứ. Tới bến xe Kim Mã ngay phố Sơn Tây (tên Tây là phố Mehl) và phố Hàng Mã có hãng ô tô Ngựa Vằn và Thỏ Trắng chạy xăng. Ngồi ở tiệm thuốc Bắc, cô cháu hóng hớt ở bến xe Chuồng Bò gần đây có xe ca Mỹ Lâm, Chí Thành, Cư Dương chạy than. Vi chưa đi…tầu hoả bao giờ nên cô muốn đi xe đốt than. Vì xe rơi rớt lại thời Tây thuộc địa chạy than nên phải đợi cả giờ đồng hồ. Đang dòm cái vè xe như tàu lá chuối chụp lên bánh xe to đùng, cái đèn tròn xoay như đĩa nộm rau muống. Than “hầm” xe nóng rồi, lơ xe vẫy vẫy kêu: “nhõm” rồi, “nhõm” rồi.

Mặc dù chả biết nhõm là khỉ gì nhưng trên xe, mụ chữ tôi cũng gióng giả với cô rằng nhõm cũng giống như Kẻ Noi, hay như Quang Dũng, ít ai biết ông là người Sơn Tây hay Hà Đông. Vì cứ theo Phan Lạc Tiếp qua Bốn mươi năm trở lại thì…

(…) Quang Dũng vẫn được biết đến là một nhà thơ Sơn Tây. Anh đã mang hình ảnh của Sơn Tây vào đầy ắp những thi phẩm của mình. “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn. Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng …” Nhưng thực ra quê hương Quang Dũng không phải Sơn Tây, mà là Hà Đông. Quang Dũng đã lớn lên trong căn nhà nằm ở ven con đê Hiệp, thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Đúng như thế. Nhưng tại sao trong thơ Quang Dũng lại chỉ nói đến Sơn Tây mà không tìm thấy hình ảnh nào của Hà Đông cả.

Để hiểu ra có lẽ phải lấy con đường Sơn Tây-Hà Nội thì Đan Phượng, quê của Quang Dũng. Mặc dầu thuộc Hà Đông, nhưng lại nằm ở giáp ranh với Sơn Tâỵ (…)

Xe ca bò lên cầu Phùng, mụ chữ tôi chỉ xuống dòng sông Đáy là một nhánh của sông Hồng, là ranh giới của Lạng Sơn và Hà Đông. Xe ca vừa ho khục khặc, vừa thở như kéo bễ trên Quốc lộ 11 tới giữa Sơn Tây và Hà Đông. Mụ chữ tôi ngược dòng lịch sử cũng năm 1469, cũng vua Lê Thánh Tông thấy mấy ngọn núi phía tây Thăng Long nên đặt tên là Sơn Tây thừa tuyên, Minh Mạng thừ 12 (1832) đổi là tỉnh Sơn Tây.

Xe quẹo vào Quốc lộ 21 tới huyện Thạch Thất. Bèn tỉ tê chữ nghĩa rằng vua ta tới phủ Quốc Oai thấy một vùng có núi đá nên đặt là Thạch Thất. Mặc dù chả nhìn thấy thành Sơn Tây, mụ chữ tôi như chiếc xe than, cũng thở ra thơ “Em từ thành Sơn chạy giặc về – Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm”. Từ xứ Đoài, mụ chữ tôi nhờn môi nói chữ: “Trấn Sơn Nam đất của nhà Trần khởi nghiệp. Thời Nguyễn chia làm hai Sơn Nam hạ gồm Nam Định, Thái Bình và Sơn Nam thượng có Hưng Yên, Hà Đông, Hà Nam. Nam Định do Minh Mạng thứ 2 đặt tên năm 1802, Hà Nam do Thành Thái thứ 2 đặt tên năm 1890. Hà Nam ra đời từ chữcủa Hà Nội và Nam của Nam Định ghép lại.

Tiếp, mụ chữ tôi…khoe chữ: Vua Lê Thánh Tông chia “tứ xứ” để bảo vệ Thăng Long gồm xứ Bắc (xứ Kinh Bắc), xứ Nam (xứ Sơn Nam), xứ Tây (xứ Sơn Tây), xứ Đông (xứ Hải Đông). Sau vua Quang Trung đổi “xứ” thành “trấn”, vì vậy sử sách mới có trấn Kinh Bắc, trấn  Sơn Nam, trấn Sơn Tây, trấn Hải Dương. Sơn Tây dân gian gọi nôm là xứ Đoài. Vì “đoài” là một quẻ trong bát quái của Kinh dịch thuộc về phía tây, vì vậy mới có xứ Đông, xứ Đoài, thôn đông thôn đoài…Nên Nguyễn Bính mới đặt thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”.

Qua huyện Thạch Thất, xe chạy trên Tỉnh lộ 21 hướng về phủ Quốc Oai dọc theo tả ngạn bờ sông Tích Lịch, cả hai lõ mắt tìm làng Kẻ Săn nhưng chả thấy đâu. Dừng lại ở quán bên đường, lơ xe nhẩy tót xuống làm bàm với bà bán quán và mang về một rổ khoai. Ngồi trên xe chỉ nghe óc bóc …“bủ” với…“khoai trứng”. Người Hạ Chí Trương vẫn đeo cứng sau lưng “Trẻ lãng du già về cố xứ – Giọng không thay pha tuyết mái đầu”. Bởi đần đù mình già đầu rồi với muối nhiều hơn tiêu, giọng vẫn vậy nhưng giọng người cố xứ có thay đổi thì phải. Bèn bất sĩ hạ vấn, nôm là không mất sĩ diện gì mà không hỏi. Lơ xe cho hay bủ là…bà già, khoai trứng là…khoai sọ, là thổ đàm người Sơn Tây. Và theo bà bán quán thì làng Kẻ Săn bị cháy năm 1939 nên cả làng rời qua hữu ngạn sông Tích Lịch. Xe tiếp tục chạy về hướng phủ Quốc Oai…

Chợt nhớ điện thư hôm nào của cô có đoạn…Mụ chữ tôi nhắc nhớm lại…

(…) Về nguyên quán thật của chú Thiệp, cháu xin thưa thêm điều sau đây: Ngay từ ngày còn bé, cháu thường được nghe người lớn cho nghe bài vè “Con gái Sơn Tây”. Cháu thấy bài vè sau này có một số dị bản với hai câu đầu như sau:

Gái Sơn Tây yếm thủng tày dần

Răng đen hạt nhót chân đi cù lèo

Hai câu này bị hai lỗi chính tả liên quan đến các đồ dùng hằng ngày của nhà nông: Vật dụng đầu tiên là cái “giần” dùng để đãi cám và trấu ra khỏi gạo sau khi giã. Vật dụng thứ hai là chiếc “cù nèo” giống như chiếc liềm nhưng có cán dài dùng để cắt cỏ. Vì thế, nguyên thủy hai câu trên của bài vè, thật ra như sau:

Gái Sơn Tây yếm thủng tày giần

Răng đen hạt nhót chân đi cù nèo (…)

Trộm thấy cô vặn vẹo chữ nghĩa “cái giần” với “cù nèo” hâm hâm như cụ Ngộ Không trong Chữ nghĩa làng văn cũng với rổ rá, thúng mẹt. Như: Lăng Ngừ ở Nam Định thờ Thái sư Trần Thủ Độ ngoài hai bức tượng người nữ Chiêm Thành chầu hầu. Trong lăng bầy nào là dần, sàng, nong, nia bằng đá tròn, dẹt. Tất cả dụng cụ sàng sẩy lúa gạo được gọi bằng “Ông”. Bi ký viết hai tượng Chiêm Thành và dần, sàng, nong, nia để trấn yểm cho mùa màng. Mụ chữ tôi học lại với cô có bấy nhiêu…

Nhân với nong nia sàng sẩy, bắt qua “bài vè” Con gái Sơn Tây, mụ chữ tôi sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ của ai đó thì chi tiết về “Hai nách cô thơm như ổ chuột chù – Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm” của những cô gái Sơn Tây, có thể là do thổ ngơi đất đỏ tại vùng này. Tiếp, mụ chữ tôi lực đực bài thơ từ truyện truyền kỳ:

Xưa có một chàng trong đám hát ghẹo Phú Thọ lang thang qua xứ Đoài, gặp một cô gái Sơn Tây đem lòng mê mệt, nhưng mối tình ấy không được đáp lại. Về nhà nhìn mụ vợ “Tóc rễ tre, chải lược bồ cào – Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung” bèn “nhân cách hoá” vợ làm “bài thơ” Cô gái Sơn Tây. Được thể, mụ chữ tôi hẻo chữ về lối hát ví von của Sơn Tây chịu ảnh hưởng lối hát ghẹo của Phú Thọ hơn là  quan họ Bắc Ninh. Hai lối hát này có khác biệt nhỏ nên rất dễ bị nhầm lẫn, hát quan họ gọi nhau là “quan anh quan chị”, theo tục lệ hai bên không được lấy nhau. Hát ví von ở Sơn Tây được gọi là “hát anh chị”, còn họ có lấy được nhau không…không ai nói tới. Mà chỉ nghe nói gái Sơn Tây “Đêm nằm nghĩ hết gần xa – Giở mình một cái gẫy ba thang giường”

Qua thượng gia hạ kiều đi ngược lại huyện Thách Thất, mụ chữ tôi leo heo ở phủ Quốc Oai có hai cầu mái ngói do Phùng Khắc Khoan dựng năm 1602, cái này là cầu ông Cống, cái kia là cầu ông Nghè ở chùa Thầy. Ngắm ruộng vườn, chả thấy “mía re” đâu chỉ thấy “rạch ngô” (ruộng ngô). Được thể mụ chữ tôi gà gưỡng làng Mía, tên nôm của làng Đường Lâm (Kẻ Mía) là đất hai vua: Phùng Hưng (761-802) và Ngô Quyền (898-844). Từ rạch ngô,.mụ chữ tôi giẹo giọ giai thoại trạng Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá, tục gọi là làng Bùng, huyện Thạch Thất. Cụ trạng đi sứ qua đất nhà Ngô thời Tam Quốc. Cụ nhét hạt gì đó vào…”cốc đạo” mang về, ta gọi là ngô cho…ra ngô ra khoai. Về đền thờ nữ thần người Chàm, theo cụ Ngộ Không ở gần Hồ Tây có Làng Già, trại giam 5.000 tù binh Chàm, trong đó có 100 cung nữ. Vì vậy mới có đền Bà Đanh, lăng Trần Thủ Độ có hai cung nữ Chàm là thế…Thế nhưng lúa Chiêm và ngô là thực phẩm của người Chàm thì chả tội vạ gì thân già vác dùi nặng, cụ trạng Bùng chả dại nhét hạt ngô vào hậu môn cho…lùng bùng, nhỡ rơi rớt ở dọc đường thì sao.

Sao trăng gì thì ý đồ mụ chữ tôi gọ gạy là dật sử, truyền kỳ, giai thoại cũng…mù mịt lắm. Quá mù ra mưa là chuyện ta ảnh hưởng người Chàm qua nghệ thuật múa hát cùng âm điệu “Nam ai Nam bình”. Điệu Nam bình buồn man mác, bi luỵ, da diết từ tích phân ly Huyền Trân với Chế Mân. Giai thoại khác từ vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành rồi di dân Nghệ An vào Bình Định, vì sống chung với 30.000 (sic) tù binh Chàm, trong đó có cả nô tỳ người Chàm nên họ có điệu nam ai nam oán là vậy.

Hơ! Cứ như có túc duyên hay sao ấy, cụ vua Lê Thánh Tông cứ theo ngòi bút trào ra giấy. Thê nên với văn bài này, với tình cờ, ngẫu sự ngẫu nhiên, đẩy đưa đưa đẩy nên mụ chữ tôi cũng chả biết mình viết cái giống giuộc gì nữa. Mà chỉ hay biết cô đang ngộp chữ với nhiều giai thoại dường như “giả”, là không thật của các nhà biên khảo. Ừ thì mụ chữ tôi nào có khác gì họ, thảng như chuyến đi này đây, ít nữa mụ chữ tôi dàn trải thành bài bản trong tâm thái “hiện thực giả, hư cấu thật” bởi nhẽ có hiện thực giả mới có hư cấu thật. Nghe thủng rồi…rồi cô nhòm lên con dốc và thở ra…

Chiếc xe Renault còn sót lại từ năm 1902 cũng đang leo lên dốc thở ra khói thì…tịt. Chuyện là thấy người ta ăn khoai (khoai trứng) cũng vác mai đi đào, mụ chữ tôi đào xới với bất ngôn nhi dụ, tức không nói ra cũng hiểu được chuyện ở dưới kia: Nhân có “thằng cốc” (thằng mõ) đi ngang qua, lơ xe đưa cho cái tụ (cái siêu nước). Thằng mõ mang cái cái tụ đi rồi về. Lơ xe cầm cái tụ đổ xằng vào cái bát rót (cái phễu), xăng chui vào máy rồi châm xăng đốt, máy nổ “bịch…bịch” như…xe bình bịch của Tây chạy ở đường phố Hà Nội. Thế là phải đợi một giờ nữa cho nóng máy. Từ trên dốc nhòm xa  xa là chùa Tây Phương, mụ chữ tôi lại luẩn khuất với khúc văn…

(…) Sau cải tạo, nhớ dạo “nín thở qua sông”, tôi sống như cỏ cây trong một khu vườn ở Lái Thiêu. Thỉnh thoảng có bạn đi xe đò lên thăm. Một hôm ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài Đôi mắt người Sơn Tây: “Vừng trán em vương trời quê hương – Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Nhà thơ tác giả Tiễn em vốn ngày xưa học ở bên Tây, chợt nghiêng đầu hỏi: “Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque (vẻ đẹp Hy Lạp) ở đây kìa”. Và tôi trả lời: “Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây quả có một vẻ đẹp đến từ Tây Phương thật” (…)

Cái xe thổ tả Renault Goelette của Tây thở phì phò như ống bề lò rèn từ từ khoai cũng nhừ tới làng Kẻ Săn, xe rong ruổi qua làng chả thấy con đường chính của làng Chi Quan đi ngang qua nhà chú Thiệp được gọi là Phố Săn đâu? Mụ chữ tôi nhẩm chừng cô lèo hèo từ ông cụ thân sinh, nay ông cụ đã quá vãng nên chả biết hỏi ai.

Thôi thì giở lại bài viết Hoa đào của chú cô, để tìm lại một thoáng hương xưa…

(…) Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc trong gia đình trung lưu. Ngôi nhà tôi lớn lên nơi góc sân có một cây bích đào cứ theo lời Thày tôi thì do ông nội tôi trồng từ lâu lắm. Cây đã già cỗi gốc to xù xì và vào những ngày đông tháng giá da nó lên mốc những mảng vỏ có màu xanh bàng bạc. Mỗi độ đông về cây trơ trụi lá và khỏang Tết là nở hoa. Hồi tưởng lại tôi chỉ nhớ mong manh Thày tôi sửa soạn chờ hoa nở lo kiếm chai rượu ngon và bày tiệc cùng bạn bè thưởng hoa ngay dưới gốc cây trong cái giá lạnh của mùa đông xứ Bắc. Tôi lúc đó chỉ độ bốn năm tuổi vẫn được Thày tôi cho ngồi trong lòng, trong khi người lớn ngâm thơ nói chuyện (…)

***

Đã đến lúc phải rời nơi đây, lơ xe mắn chuyện là về phủ Quốc Oai xem cầu ông Nghè bắc qua chùa Thầy rồi từ đây về Hà Nội gần hơn. Lơ xe hặm hụi ở làng Thanh Mai có “rượu làng Mơ, cờ Mông Phụ” và hươu vượn uống rượu mơ chỉ uống với mấy quả mơ xanh, tươi, giòn. Trộm nghĩ tích này từ truyện Tam Quốc: Tào Tháo và Lưu Bị luận thế sự, cả hai uống rượu mơ với mơ xanh. Mặt lại…xanh lè nghĩ từ chùa Hạ, chùa Trung, bò lên chùa Thượng trên đỉnh núi Sài Sơn nên về quách cho rồi.

Trên đường trở lại Hà Nội, là người hoài cổ, hoài cố quận, mụ chữ tôi xằn xò về căn nhà xưa cũ của mình ở số 26 phố Chợ Đuổi, nhà có cổng bên hông, đẩy cửa vào, là cái…“xí sở”. Những ngày còn bé leo lên ba bốn bậc tam cấp ngồi trên hai hòn gạch như ếch ộp, lúi húi như cóc nhảy thả cái nợ đời qua cái lỗ, vào cái thùng tôn.

Thế là cô len chân vào chuyện là theo Tô Hoài: Hà Đông từ làng Đơ mà thành, nên dấu ấn “làng” hiện rõ nét nơi phố nhỏ, nơi ngõ ngang ngõ dọc. Ngõ là nơi ẩn chứa những bất ngờ mà chưa có ai kể cho chúng ta nghe trong con ngõ uốn lượn, quanh co, ngoằn ngoèo như con đường làng ta sẽ bắt gặp cái…cổng tam quan. Hát cô đầu thường thì tới phố Bông Đỏ, phố có tên này vì những nhà hát cô đầu phải treo đèn lồng đỏ trước cửa. Nhưng để hoài niệm, để lắng nghe tiếng gọi của làng từ ngàn xưa, không có gi thú bằng đi hát cô đầu trong ngõ cống Đơ hay ngõ Noi.. Ra khỏi ngõ ngách là gặp phu phen Kẻ Noi đẩy xe bò với những chiếc thùng tôn rỗng kêu “lanh canh…lanh canh”. Mụ chừ tôi xẵng xớm rằng Hà Đông của cô có khỉ gì không ngoài “Xẩm chợ Hà Đông”. Ngược lại Hà Nội của mụ chữ tôi khác, bây giờ già rồi, trí nhớ kém cỏi, chỗ còn chỗ mất, lờ mờ như khói, lãng đãng như sương thì: Ấy là chiếc xe ba gác với một người kéo, một người đẩy. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng bánh xe gỗ ót ét, rền rĩ như hát, như khóc. Tới cửa nhà, trong gió lạnh phất phơ, họ không rao âm ỉ “phàn sôi…phá sa” như ông Tàu già phố Cầu Gỗ. Hay “sực tắc…sực tắc” của gánh hàng mì gõ đầu ngõ Sầm Cống. Mà trong gió heo may, sau tiếng đập cửa vọng vào nhà là hai tiếng…“đổ thùng…đổ thùng”. Lát sau trong khuya khoắt, bánh xe gỗ rền rĩ như khóc, như hát…hát khúc nam ai nam oán lạc loài, lạc lõng vào bóng đêm.

Về đến Đan Phượng, Hà Đông, bỗng cô nắng nỏ làng Kẻ Noi có gì lạ. Trong đầu đất mụ chữ tôi trộm nghĩ “kẻ” là làng thì đâu cần gọi là…làng Kẻ Noi nữa. Rồi cũng dục dặc với cô Kẻ Noi có ngõ Noi vừa dài ngoằng ngoẵng, vừa ngoằn ngoèo len lỏi qua ba làng: Làng Dậu, làng Nghĩa Đô, làng Bưởi. Sau này nhiều nhà thơ trẻ ghé ngõ Noi làm thơ, như “Thuơng ai về ngõ vắng…” hoặc “Ngõ cũ chiều nay, em lại về…”. Thấy ngõ Noi để…gánh phân mà mụ chữ tôi thơ thẩn tả…như thật, cô hỏi tiếp đến cầu Diễn. Thì như đã bảo với “hiện tượng giả, hư cấu thật”, vì chả nhìn thấy cầu Diễn đâu, bèn lấy cầu Phượng Trì để đẽo câu gọt chữ về Quang Dũng. Mỗi lần nhà thơ về Đan Phượng đều ghé “thượng gia hạ kiều” này uống bát chè xanh, làm cữ thuốc lào, và làm thơ “Tiền nước trả em rồi . nắng gắt – Đường xa xa mờ mờ núi và mây”.

Thế là mụ chữ tôi vẹo vọ với cô nếu như đình làng là nơi chỗ quan viên họp việc làng, thì cầu mái ngói âm dương như mái đình là nơi dân làng nghỉ chân, tránh nắng những trưa hè gay gắt. Bởi thế trong cầu có quán nước chè xanh nên còn được gọi là cầu quán. Quán có cái chõng tre bày một dãy bát uống nước chè xanh, cái ang đựng bánh dầy, bánh gai, lọ kẹo bột, vài quả bưởi, dăm nải chuối. Và vài gói thuốc lào nên chả thiếu cái điếu cầy gác bên chõng tre. Chiều tối quán dọn hàng về, cái chõng tre và ghế dài…ngủ ở lại, khách lỡ đường ghé qua khoèo một giấc, vì vậy mới có câu dân gian “bơ vơ điếm cỏ, cầu sương”, hay “nằm cầu gối đất” là cái cảnh này đây.

Chợt nhớ một nhà văn cây đa cây đề vung tay quá trán qua câu thơ sau lưng anh cứt đái văng đầy. Làm như bị giời xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn với ngôn từ, vì cho đỡ bốc mùi nên phải nhuốm mùi nho phong mực tàu giấy bản với cầu tiêu là “xí sở”, hậu môn là “cốc đạo”. Thế nhưng kể chuyện hoặc ngay cả viết văn…văn phải có hình ảnh và mùi vị nên mụ chữ tôi để con chữ ngo nguậy như thế này đây…

Xe chạy qua cầu, mụ chữ tôi chỉ cho cô xa xa phía bên trái là chợ cứt làng Kẻ Noi có từ năm 1986 trên bãi đất hoang. Để có cứt mang về chợ, những chàng trai làng Cổ Nhuế với chiếc xe đạp thồ cùng hai chiếc sọt được lót lá chuối đã miệt mài đi tìm cứt khắp nơi đem về bán phiên chợ đêm. Trên những con đường Hà Nội, ngay từ xa bắt gặp những chàng trai quần xắn móng lợn, đầu đội nón cối, áo bộ đội bạc màu. Chàng cắm cúi đạp xe với 2 thùng 2 bên, cây sào chọc cứt dài 2 thước với một đầu là chiếc gáo hình nón bằng tôn, chàng đi đến đâu, người dân bịt mũi dạt ra đến đấy. Đó chính là chàng trai Cổ Nhuế đã lừng lững đi vào văn học: Thanh niên Cổ Nhuế xin thề – Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương. Đến như nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng có câu thơ: Anh bước đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng anh cứt đái văng đầy.

Mụ chữ tôi ba điều bốn chuyện với cô những người bán cứt đeo khẩu trang. Chợ cứt không đông, chỉ có chừng hơn ba bốn chục người vừa mua vừa bán. Hình như họ vốn đã quen biết nhau. Tất cả đều bán mua, mua bán âm thầm. Không có ai nói to tiếng hoặc mặc cả như ở các chợ khác. Hoàn toàn im lặng và câm nín. Họ họp chợ từ hai ba giờ sáng, khi trời đất còn tối tăm nhập nhoạng. Dù có đốt đèn đốt đuốc họp chợ cũng chỉ mờ nhân ảnh, người người âm thầm, lầm lũi đi lại trong bóng đêm như những bóng ma. Như đám ma trơi của chợ âm phủ vào rằm tháng 5 ở chợ Sùi, Nam Định.

Chợ âm phủ có cây gạo cổ thụ ở ruộng dâu bày mươi bát nhang, dăm nải chuối. Chợ chỉ bán hoa quả, không thấy hàng cá, hàng tôm nào cả. Người đi chợ đêm để gặp thân nhân đã qua đời, người cõi âm như bay là là, như lướt qua ruộng dâu trong đêm như những âm hồn về họp chợ gặp người cõi dương vào tháng năm có tên chợ Sùi.

Cho ăn gan giời trứng trâu mụ chữ tôi không dám bổm bảm với cô rằng chợ cứt theo phát triển của đô thị hóa bây giờ là chợ tình. Khách hàng tìm đến đây người đi dép lê, dắt chiếc xe đạp cà tàng, thảnh thơi đi vào. Ừ thì mỗi mảnh đất đều có sinh phần của nó, như ngã ba Chú Ía với chị Tình nhằm ở cái tuổi mới nhớn. Chưa được nhớn lắm, trộm vía cô chứ…chứ với hoài đồng vọng mụ chữ tôi vẫn tiếc nuối một thời cùng cái thú “ỉa đồng một bãi bằng vạn đại quận công”. Bởi dưới đít gió máy vi vu,  thông thống…thống khoái gì đâu! Nhưng nhè lá cây mắt mèo để chùi đít thì…nát đít. Vì vậy không khoái củ tỉ bằng ù té chạy về nhà “đánh chịn”, không phải…“đánh chén” mà là rê rê đít vào cạnh bệ gạch. Giời ạ! Nó vừa ngứa ngáy, vừa đê mê làm sao ấy…Ấy nhưng bằng cái tuổi này, nghĩ lại mà hú hồn không bị trĩ rom, trĩ ròm là may.

May mà xe về đến bến xe Kim Mã, đang ngơ ngác như Từ Thức về trần nghe lơ xe giựt giọc “nhõm” rồi, mụ chữ tôi biết tỏng thổ đàm Sơn Tây nhõm là “xong” hay “hết”… Hết chuyện thì leo máy bay ngồi ôm rổ “khoai trứng”, tỉnh giấc hoè là có mặt ở Hiu-tân. Bèn hiu hắt xa gần Hà Đông, Sơn Tây, đình chùa miếu mạo chỉ là giấc hương quan mơ luống canh dài qua đồng chiều cuống rạ ấy thôi…

***

Thôi thì Kẻ Noi cũng đã đi vào sử thi và văn học. Bởi nao nuốt về một địa danh tự cổ chí kim, từ thời Trung cổ Hy-La đến Tam hoàng Ngũ đế đều không có một nơi chốn nào như vậy. Nếu có chăng nữa chỉ khuất tất trong sử học. Cách rách với ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ là ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai. “Ta” đây Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (sic – theo Minh sử), thổ ngơi ở Hà Đông. Năm 1407, nhà Minh sang đánh nhà Hồ đem về Tàu sư sãi, thái giám trong đó có Nguyễn An. Vì thời Trần năm 1397, ông thái giám Nguyễn An góp phần xây dựng cung điện Thăng Long. Lúc này vua Minh cho dời cố đô Nam Kinh lên Yên Kinh và đổi tên là Bắc Kinh. Vua Minh cũng đổi tên Nguyễn An là A Lưu, ông chủ trì việc xây dựng cố cung là Tử Cấm Thành. Chuyện rất ít người hay biết là…là Tử Cấm Thành không có…cầu tiêu.

Ngẫu sự có thể vì ông là người Cổ Nhuế chăng?

Thêm ngẫu nhiên ông mất năm 1453, thì 16 năm sau: Năm 1469, vua Lê Thánh Tông tới miếu làng Cổ Nhuế ban cho làng câu đối: “Thân trụ nhất nhung y, năng đảm thế gian đa năng sự – Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ trí nhân tâm”.

Trong văn học, người viết về đất quê như gà què ăn quẩn cối xay, quanh quẩn như “Làng cổ” hay “Làng có nhiều ông cống ông nghè” với dăm bài viết ngắn tũn. Trong khi Kẻ Noi mặc dù hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều hoặc người và đất quê không được như: “Nhất cao là núi Ba Vì – Nhất thanh nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”. Nhưng người viết về Kẻ Noi đông như nêm cối, có người dài hơi dầy chữ…chữ nghĩa dày đặc bò lổm ngổm như ruồi bu. Ấy là chưa kể Kẻ Noi có ngõ Noi, con ngõ dài nhất Bắc Kỳ nhì Đông Đương có nhà hát ả đào với ca trù, mưỡu. Với thơ, con ngõ đã đi vào sử thi thời Lê Trịnh và Nguyễn Huệ qua vở kịch Kiều Loan. Hoàng Cầm gửi gấm trong kịch thơ: “Tôi đứng chờ thu trong biếc ngõ – Thấy ông ôm mặt khóc Tần phi”.

Miếu thần hoàng không còn nữa, mang theo gánh thúng, cặp đũa cả. Chỉ còn lại câu cổ thi không những đầy hào khí, hào sảng như một Kinh Kha hề Kinh Kha, mà còn như “cấu” vào…lòng dạ con người ta qua câu cổ văn…văn chương thiên cổ sự: khóac tấm áo bào giang tay gánh vác thiên hạ, vung ba thước kiếm tận thu lòng dạ thế gian…

Ừ thì cái nợ đồng lần vừa trả xong, ít nhất thằng bạn mày tao trăm năm một cõi đi về và mụ chữ tôi đang ở bên bờ đôi ngả đã gặp nhau ở làng Cổ Nhuế đất Kẻ Noi.

Thạch trúc gia trang

                                                                        Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                           (viết xong 2003, tựa đề: “Kẻ Noi với Lê Thiệp”

                                                            viết lại 2016 với bài khác: “Cái nợ đồng lần”)

Nguồn: Phạm Xuân Độ, Lê Minh Hà, Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Quốc Trụ, Hàn Sĩ, Trần Ngọc Thêm, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tiến, Tô Hoài, Nguyễn Hưng Quốc, Lý Khắc Cung, Phan Lạc Phúc, Phan Kế Bính, Bùi Thụy Đào Nguyên.

.

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search