T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đình Chương: Màu Kỷ Niệm

“. . .Bài Màu Kỷ Niệm là một trong những ca khúc nổi tiếng của Phạm Đình Chương. Sáng tác năm 1964, bài này cũng là một đề tài tranh cãi cho những bạn yêu nhạc. Thật vậy, lời bài hát có 4 đoạn, Phạm Đình Chương viết 3 đoạn, và dùng 4 câu thơ của Nguyên Sa trích trong bài Tuổi Mười Ba cho đoạn 2, có đổi vài chữ (“áo tím“ đổi thành “luyến thương“). . .”

Phạm Đình Chương: Màu Kỷ Niệm

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

mau-ky-niem-1 mau-ky-niem-2

mau-ky-niem-3 mau-ky-niem-4

mau-ky-niem-5

Màu Kỷ Niệm – Sáng Tác: Phạm Đình Chương

Trình Bày: Hà Thanh (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

 Nghe Thêm:

Hoài Nam -70 Năm Tình Ca (25)- Phạm Đình Chương 1

Hoài Nam -70 Năm Tình Ca (26)- Phạm Đình Chương 2

Đọc Thêm:

MÀU KỶ NIỆM
Ý thơ: NGUYÊN SA
Nhạc: PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG – NGƯỜI PHỔ THƠ MANG TÍNH THIÊN TÀI

Minh Hồ

Thật ra nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương là được ông phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ “Lệ đá xanh”, nhưng ông đã đổi tựa và thêm ý tứ cho phù hợp với tâm trạng của ông lúc bấy giờ.

Có người nhận xét, lối phổ thơ thành nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mang đặc tính thiên tài, từ những vần thơ của các thi sĩ trở thành những nhạc phẩm luôn lưu lại nhiều kỷ niệm sâu đậm trong lòng người ái mộ như các ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Nửa hồn thương đau, Đêm màu hồng, Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê) v.v… cho nên nếu so sánh cung cách phổ thơ của Phạm Duy, có thể nói Phạm Đình Chương xuất sắc không kém, do ông lấy văn học đưa vào nhạc, còn Phạm Duy đôi khi đưa thơ vào nhạc mang tính thị hiếu nhiều hơn.

Có người nói sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn rộng tỏa trên bình diện của thể nhạc trữ tình lãng mạn, với những sáng tác phong phú đủ chủ đề về tuổi trẻ, tình yêu, hiện thực, hoặc chia sẻ nhịp rung cảm cùng mọi người như các tác phẩm : Bài ca tuổi trẻ, Thuở ban đầu, Mười thương, Mộng dưới hoa, Bài ca ngợi tình yêu, Đêm cuối cùng, Heo may tình cũ, Xóm đêm v.v…

Xuyên qua các nhạc phẩm trên, người ta lại càng nhận thức đầy đủ hơn nơi ý nhạc lời ca của Phạm Đinh Chương có một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt và cũng không kém phần thương đau, xót xa trong tan vỡ của yêu đương luyến nhớ, hay những khối chân tình qua từng bước chân phiêu bạt mà ông đã đi qua.

“Có lẽ sự rung động dễ thương của những con tim khi chớm nở loài hoa tình yêu mới là cảm xúc tuyệt diệu nhất được Phạm Đình Chương diễn tả bằng chính nội tâm hiện thực của ông qua ca khúc “Mộng dưới hoa” phổ thơ Đinh Hùng :
Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn anh không nói năng ….

“Cuối cùng không thể không đề cập đến “Trường khúc Tam Giang” tức “Hội Trùng Dương” với những nỗi niềm diễn tả tâm tư mang lời tự thuật thật sống động, đặc sắc của 3 con sông lớn đại biểu cho mạch sống của ba miền và được xem như là một đại tác phẩm trường tấu để đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Trường ca này được liên kết thật chặt chẽ bằng những tiết tấu phối hợp sự biến âm đặc biệt biểu hiện tình cảm khi nhẹ nhàng, lúc khoan thai, khi hùng tráng, lúc trầm lắng, khi ngọt ngào, lúc thiết tha, quyện lẫn trong các câu hò mang sắc thái âm điệu thổ ngữ Bắc, Trung, Nam rất duyên dáng chân thành và trong sáng tình yêu quê hương vốn được hun đúc từ ngàn đời, tựa như 3 dòng sông tuôn chảy miệt mài ra biển Đông.

BÀI MÀU KỶ NIỆM
Bài Màu Kỷ Niệm là một trong những ca khúc nổi tiếng của Phạm Đình Chương. Sáng tác năm 1964, bài này cũng là một đề tài tranh cãi cho những bạn yêu nhạc.

Thật vậy, lời bài hát có 4 đoạn, Phạm Đình Chương viết 3 đoạn, và dùng 4 câu thơ của Nguyên Sa trích trong bài Tuổi Mười Ba cho đoạn 2, có đổi vài chữ (“áo tím“ đổi thành “luyến thương“).

Như vậy có thể nào gọi bài này là thơ Nguyên Sa được Phạm Đình Chương phổ nhạc không? Chắc là không vì chỉ có một phần tư lời bài hát là thơ của Nguyên Sa. Có thể nói là Phạm Đình Chương lấy ý thơ Nguyên Sa không? Chắc cũng không nốt, vì chủ đề của bài hát khác với chủ đề của bài thơ.

Trong bản in nguyên thủy năm 1965, Phạm Đình Chương chỉ ghi vắn tắt “Tặng Nguyên Sa”.

Lời bài hát “Màu Kỷ Niệm”
Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi
Cho ngon màu trìu mến ướt lên môi

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu luyến thương

Ngày hành quân, anh đi về cánh rừng thưa
Thấy sắc hoa tươi nên mơ màu áo năm xưa
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ

Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời

Ôi màu hoa, màu….. thương…… nhớ.

***
Nguyên văn bài thơ “Tuổi mười ba” của Nguyên Sa

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng.

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.

Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế ?

Tôi nói lâu rồi.. nhưng ngập ngừng khe khẽ
Để giận hờn chim bướm chả giùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi “nắng chưa phai…”
Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới….”

Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu nhưng chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt mình thi tứ?

Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chia sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm “chưa phải lúc….”

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím

Chả có gì…. sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ… hay là ai ?
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)

Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi

Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu”
Hôm nay nữa…. nhưng lòng mình sao lạ quá…

(Nguồn: FB Minh Hồ)

Bài Mới Nhất
Search