T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 98)

clip_image001.jpg

Hồi ký

Hồi ký của tác giả cộng sản ngoài Hà Nội có những nét riêng của nó không trộn lộn được với ai. Trong Từ Bến Sông Thương do nhà xuất bản Văn Học in năm 1986, nữ sĩ Anh Thơ kể chuyện những mối tình của người ta và chuyện đời văn của chính mình.

Bà kể báo Đông Tây mời bà cộng tác do thư đề ngày 1. 4.1942, bà nhận lời và sau đó đi phỏng vấn Vũ Trọng Phụng, Tản Đà mặc dầu hai ông này chết từ trước đó ba năm.

Bà cũng kể năm 1944 Thạch Lam viết thư cho bà đề nghị xuất bản một cuốn tiểu thuyết.

Tiếc thay Thạch Lam đã mất từ năm 1942, không biết ai viết thư hộ ông đây? Còn nhiều cái lẩm cẩm nữa mà chính báo ở Hà Nội cũng đã lên tiếng rồi. Người ta nói thi sĩ hay mơ mộng, đúng đấy!

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan khi viết hồi ký Những Năm Tháng Ấy thì nghiêm trang kể chuyện văn chương như khi viết Nhà Văn Hiện Đại, nhưng rải rác suốt cuốn sách chẳng lúc nào quên ca tụng chế độ cộng sản, ca tụng bác Hồ và ca tụng Hằng Phương thi sĩ vợ của ông.

Về một số sách nói tới mặt trái của chế độ Hà Nội xuất bản tại hải ngoại như Hoa Xuyên Tuyết , Mặt Thật (Bùi Tín), Tử Tù Tự Xử Lý (Trần Thư), Đêm Giữa Ban Ngày (Vũ Thư Hiên), hay cuốn sách viết lủng củng, văn bất thành cú, dẫn chứng khoe khoang ta đã đọc hết danh nhân này tới danh nhân khác như cuốn Viết Cho Mẹ & Quốc Hội của Nguyễn Văn Trấn v. v. thì tính chất hồi ký không nổi bật mà ta chỉ dùng như những bản cáo trạng chế độ cộng sản nhiều hơn.

 (Đặng Trần Huân – Không có xe nằm nhà đọc hồi ký)

Tiếng Việt trong sáng

Lái xe: Đó là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ.

Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà”.

Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ. Còn danh từ phải là người lái xe hay gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông là tài xế rõ ràng minh bạch hơn.

(Triêu Thanh tạp chí)

Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Hưng Quốc viết:

“Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút,… chính là sự táo bạo. Không táo bạo, không thể sáng tạo. Trong lãnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ khôn ngoan phóng mình theo những lối mòn có sẵn.”

Tiếng Việt trên net

iêm = em
iu = yêu

(Nguồn: Gio-o.com)

Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Xuân Hoàng: Ông (Võ Phiến) vừa nói đến cốt truyện và đến vấn đề chi tiết trong truyện. Tôi nghĩ đến Nhất Linh. Nhất Linh coi thường cốt truyện, không muốn gọi bằng cái tên thường gọi là cốt truyện: ông đặt tên nó là “Các việc xảy ra”! Theo ông thì trong một cuốn tiểu thuyết cái đó không quan trọng chút nào, vậy muốn viết nên cuốn tiểu thuyết hay tốt hơn là đừng bận tâm về cốt truyện. Quan trọng nhất là chi tiết. Theo Nhất Linh, các nhà văn hơn kém nhau ở chỗ tìm chi tiết.

Ông có cho rằng nói như thế là quá đáng không?

 Võ Phiến: Ối, tôi mà cho là thế này thế nọ thì có nghĩa gì đâu. Có lần trong một cuộc đàm thoại về tiểu thuyết, hai nhà văn lớn của Nhật bản là Yukio Mishima và Kenzaburo Oe cũng đi đến những ý kiến của Nhất Linh.

Thoạt tiên ông bảo không nên chú trọng quá về chi tiết; Mishima hoàn toàn bác bỏ ý nghĩ của nhà văn đàn em, và cuối cùng đã thuyết phục được Oe. Họ đồng ý với nhau rằng đặc điểm của tiểu thuyết Nhật là sở trường về chi tiết, và đó là chỗ thành công của tiểu thuyết Nhật. Tiểu thuyết là một công trình hư cấu, giả tưởng. Cái giả ấy mà thành tuyệt diệu được là nhờ những chi tiết rất thực. Chi tiết mà thực thì công trình giả cấu hoá nên sống động.

Ông kể rằng ông vừa đọc một câu chuyện cấu trúc lỏng lẻo loạng choạng nhưng có nhiều chi tiết hay. Ông định chê, nhưng Mishima bênh vực. Mishima nói ngay là ông thích Oe cũng chính vì trong truyện Oe có những chi tiết hay, ông khen Oe thành công về chi tiết. Như vậy ở đây cũng lại cốt truyện không cần, chi tiết là nhất. Trong khi ấy, kẻ đọc nhảy đọc nhanh lại nhảy phóc qua đầu các chi tiết, chỉ lo rượt đuổi cái cốt truyện.

(Nguyễn Xuân Hòang, Võ Phiến – Viết một cuốn đọc nghìn cuốn)

Tiếng Việt trên net

ah = à
kon = con, ví dụ: kon gái

(Nguồn: Gio-o.com)

Câu đối phúng

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, ví tớ đỡ đần trong mọi việc.

Bà đi đâu vợi mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

(Nguyễn Khuyến – Câu đối khóc vợ)

Gàn bát sách

 Trong hồi ký Thi tù tùng thoại, hồi ký của Hùynh Thúc Kháng ở Côn Đảo 1915 có ghi thú chơi tổ tôm, chắn với 120 quân bài. Trong đó có bốn quân bài: chi chi, nhị sách, bát sách và cửu vạn.

“Gàn bát sách” là tiếng của người Bắc, người Trung, người Nam không biết “gàn bát sách” là cái gì. Ấy là chưa kể không biết vì sao người Bắc có tục lệ bỏ cỗ bài chắn hay tổ tôm vào quan tài, để “bọn quân bài đi theo hầu hạ người chết”.

Nhưng bỏ quân “bát sách” ra. Vì sợ thằng bát sách nó gàn, nó làm, nó nói những điều gàn dở làm phiền người quá vãng.

(Hoàng Hải Thủy – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Góa phụ

Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.

(Triêu Thanh tạp chí)

Sự xuất hiện của bài Từ

Trong văn học Trung hoa, Từ là một thể thơ với những câu dài ngắn không đều và xuất hiện sau Thi. Đó là nhà thơ Trung hoa muốn phá vỡ những quy tắc khắt khe của bài Đường luật để đem lại cho điệu thơ nhiều biến đổi, cũng để thích ứng lời thơ cho việc phổ nhạc. Bài Từ khởi lên ngay từ đời Đường (Lý Bạch đã có làm, Ôn Đình Quân đời Vãn Đường thường chuyên), qua đời Tống thì rất thịnh hành. Bài Từ không có một khuôn khổ duy nhất. Các thi gia, nhạc gia chế ra nhiều điệu, đặt cho mỗi điệu một tên Mỗi điệu có một số câu với số chữ và cách gieo vần nhất định.

Trong văn học ta bài Từ chữ Hán có ngay từ đời Lý (bài Từ nổi tiếng của sư Ngô Chân Lưu tiễn sứ giả Lý Giác, theo điệu Tống Vương Lang quy). Song về Việt văn thì có lẽ chỉ tới đây ta mới băt gặp lần đầu dưới ngòi bút của Phạm Thái và Quỳnh Như.

Cũng bởi Từ là lối sáng tác nặng tình cảm, để đạo đạt những u tình, kiến ngộ, nhất là rất xứng hợp để tài tử giai nhân khơi tả nỗi sầu tư luyến tưởng. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên thấy xuất hiện dưới bút của đôi công tử tiểu thư Lê mạt này trong câu truyện tình duyên của họ.

Tuy nhiên loại Từ này không thấy nẩy nở về sau, trừ có ngành ca Huế về sau lợi dụng nó rộng rãi, còn không thấy dưới ngòi bút các thi gia. Có lẽ phần vì nó lả lướt, phóng túng, không mực thước nghiêm trang như bài Đường Luật, nên không hợp với óc quy củ của nho gia ta, phần nữa vì nếu chỉ cần cho âm điệu biến đổi, tiết tấu phong phú thì ta đã có sẵn những lối song thất, hát nói, giầu nhạc tính hơn nhiều.

Trong những sáng tác của Phạm Thái và Quỳnh Như, còn lưu lại mươi bài Từ, thường được lồng vào những câu lục bát hoặc song thất. Như Thăm chùa Non Nước, Gửi Trương Quỳnh Như, vv..

(Phạm Thế NgũViệt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên II)

Ngầu pín là gì?

Ngầu là ngưu, tức con bò (thủy ngưu mới là con trâu).

Pín là âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, giọng Quan thoại chỉ công cụ gây giống của con đực.

(Cao Tự Thanh)

Tiếng lóng mới ở trong nước

– Vi tính (computer) : làm như hay lắm, ra vẻ ta đây.

Ví dụ : thằng ấy vi tính lắm cơ , lúc nào cũng đệm

tiếng Anh khi nói chuyện.
– Tinh vi : ra vẻ ta đây.

– Trắng phớ : nói thẳng ra đi
– Không hề : không sợ, không bi.

(Nguồn: Thanhda.com)

Chữ nhẫn

Từ những kinh nghiệm của thực tế cuộc sống mà người Hán đã sáng tạo ra cách viết chữ “nhẫn”.  Chữ nhẫn là chữ đao (con dao) ở trên và chữ tâm (con tim) ở dưới.

Lưỡi dao ấy ở ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…

Đúng vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ nhẫn lại có bộ đao phía trên như biểu hiện của những nỗi thống khổ sâu sắc như dao nhọn, chúng có thể khía vào trong tâm trí, trong con tim ta, làm cho ta đau đớn, tủi nhục và khó chịu.

Nhẫn, chính là thể hiện bản chất của con người. Khổng Tử xưa đã nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (việc nhỏ mà không nhẫn được, thì việc lớn ắt sẽ hỏng).

Vì thế mà người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về nó để treo trên tường trong nhà.

Chuyện văn học

 Giáo sư hỏi sinh viên khoa Văn ở Đại học Tổng Hợp:

– Các anh chị cho biết làm thế nào để phân biệt được một tác phẩm văn học cổ điển với một tác phẩm văn học tân hình thức hay hậu hiện đại?

– Thưa giáo sư, trong tác phẩm văn học cổ điển ta chỉ thấy được nụ hôn của nhân vật từ trang 99 trở đi. Còn tác phẩm tân hình thức hay hậu hiện đại thì họ đã làm tình với nhau ngay ở trang đầu tiên.

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search