T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Y Vân: Sài Gòn

“. . .Nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc “Sài Gòn” – là bài ca nổi tiếng viết về Sài Gòn – mà những người ngoại quốc thường hát, vì giai điệu bài này trẻ trung , vui vẻ, tương đối dễ hát.

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn Tà Áo tung bay

Y Vân: Sài Gòn

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

sai-gon-1 sai-gon-2

sai-gon-3 sai-gon-4

sai-gon-5

Sài Gòn – Sáng Tác: Y Vân

Trình bày: Carol Kim (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v… (T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Nghe Thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (31) – Y Vân

Đọc Thêm:

Phạm Vũ: Sài Gòn đẹp lắm

(Kỷ niệm 35 năm Sài Gòn – Gia Định đổi tên)

So với Hà Nội, Sài Gòn có ít ca khúc viết về thành phố này, vì Sài Gòn to lớn quá, các nhạc sĩ sáng tác phần lớn đều từ các miền khác nhau của đất nước đến đây cư ngụ, nên họ quên đi Sài Gòn – nơi họ đang sinh sống – trong khi sáng tác nhạc. Hơn nữa vì Sài Gòn là nơi không có nhiều di tích lịch sử rêu phong, nhiều mảng cây xanh mát và nhiều hồ nước long lanh như Hà Nội, cho nên sư rung động của các nhạc sĩ cũng khó khăn hơn khi muốn có những ca khúc ngợi ca thành phố này.

Nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc “Sài Gòn” – là bài ca nổi tiếng viết về Sài Gòn – mà những người ngoại quốc thường hát, vì giai điệu bài này trẻ trung , vui vẻ, tương đối dễ hát.

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn Tà Áo tung bay

Áo dài là trang phục truyền thống cho thiếu nữ Việt Nam, nên khi mới đến thành phố này, mọi người đều chiêm ngưỡng biết bao tà áo bay tung tăng trước gió…

Theo một số tài liệu lưu truyền thì chiếc Áo dài của phụ nữ Việt Nam khởi phát từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (khoảng giữa thế kỷ 18). Xuất phát từ ý định muốn thay đổi trang phục của người dân, xóa đi hình mẫu trang phục cũ tạo một vẻ mới đối với phụ nữ trong nước. Nền tảng là chiếc áo dài của phụ nữ Chăm (hay Champa, là tên một loài hoa đại, có hương thơm ngát ở xứ sở này – mà hiện nay là quốc hoa cùa nước Lào), kết hợp với chiếc áo Tứ thân ở miền Bắc và một số áo của những dân tộc thiểu số khác, triều thần ở Phú Xuân đã sáng tạo mẫu cho chiếc Áo dài mới này. Đây là sản phẩm kế thừa được vẻ đẹp từ trang phục nữ giới ở cả hai miền Nam – Bắc. Khởi phát từ Huế nhưng Áo dài là sản phẩm văn hóa hội tụ được vẻ đẹp chung cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam và từ lâu Áo dài đã trở thành tài sản chung của cả dân tộc.

Theo thời gian, đường nét, kiểu dáng chiếc Áo dài đã thay đổi khá nhiều. Thân áo lúc thì rộng, lúc thì bó sát cơ thể: lúc cổ cao, lúc cổ thấp, lại có lúc cổ tròn, cổ bẹt; lúc tà áo dài chấm gót, lúc lại lưng lửng gần đầu gối…Chiếc Áo dài hiện tại có thân bó sát cơ thể người, làm cho vẻ đẹp hình thể phụ nữ hiện lên với những đường cong mềm mại, phù hợp với vóc người nhỏ nhắn của phụ nữ Việt Nam. Hai tà áo thả xuống gần sát bàn chân, thướt tha, quấn quýt từng bước đi. Mọi chi tiết khác cũng được thay đổi phù hợp với thị hiếu, nhưng đều tôn lên vẻ đẹp trang nhã, kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng các nữ sinh các trường trung học và đại học nên mặc Áo dài khi đi học – chứ không nên như hiện nay các nữ sinh mặc váy và áo sơ mi đi học – trước nhất đề các em biết vẻ đẹp tiềm ẩn cùa chiếc Áo dài, sau đó để tôn vinh trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Cứ tưởng tượng hàng ngày biết bao Tà áo dài cùa các nữ sinh tung bay trên khắp phố phường, trông như từng đàn bướm lượn bay thì cuộc đời thơ mộng biết bao!

Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!

Địa danh Sài Gòn như chúng ta biết, có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Prey (hay Brai) Nokor” (thị trấn trong rừng) – do Trương Vĩnh Ký nêu ra và đã được các nhà ngôn ngữ học phân tích về mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ thấu đáo. Mặc dù còn có 4 giả thuyết khác về địa danh Sài Gòn: 1- do chữ “Thầy Gòn”, 2- do chữ “Đê Ngạn, Tây Cống”, 3- do từ “Củi Gòn, Cây Gòn Cai Ngon”, 4- do từ “Glainagara”. Còn “Sài Côn” chỉ là cách phiên âm Sài Gòn của người Việt trong các bản chữ Hán mà thôi.

Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau
Người ra thăm bến câu chào nói xôn xao
Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui
Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài gòn ơi!

Sài Gòn là vùng đất mới. Tính từ khi địa danh Sài Gòn được ghi vào sổ sách năm 1698 thì đến nay thành phố này đã thành lập gần 300 năm. Vào đầu năm Mâu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lênh chúa Nguyễn vào kinh lý vùng đất phía Nam. Ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (sau này trở thành một đô thị lớn của Việt Nam). Vùng đất Nam Bộ lúc đó còn ít người, dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình, còn dinh Trấn Biên chì có huyện Phước Long. Năm 1772, lũy thành Bán Bích được xây dựng. Năm 1790, thành Bát Quái ra đời. Đó là một thành lũy vào loại lớn nhất ở phương Nam. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, thành Gia Định thất thủ. Từ năm 1862, một phương án qui hoạch thành phố với 500 ngàn dân được phê duyệt. Thống đốc quân sự người Pháp là Bonard chia tỉnh Gia Định thành 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Sài Gòn lúc bấy giờ vừa là tỉnh lỵ của Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, vừa là huyện lỵ của huyện Bình Dương; còn Chợ Lớn là huyện lỵ của huyện Tân Long, cùng phủ Tân Bình. Năm 1864, Chợ Lớn được tách ra khỏi Sài Gòn (về phương diện địa bạ) vì là thành phố người Hoa đang trên đà phát triển.

La la la la la la la la la la.
Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa.
La la la la la la la la la la.
Ôi đời đẹp quá đẹp quá tràn bao ý thơ.

Thành phố Sài Gòn từ đây có dáng dấp một đô thị theo kiểu phương Tây thế kỷ 19 đã dần dần hình thành theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Thành phố đã hình thành những trục đường lớn có ngã tư, ngã năm, ngã bảy. Nhà nhiều tầng bằng gạch, xi măng cốt thép, công trường, bến cảng, công viên…lần lượt ra đời.

Do vị trí địa lý và những yếu tố đất đai, khí hậu thuận lợi, vùng đất này sớm trở thành nơi hội tụ của các thương nhân bốn biển, năm châu. Cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận, đã tấp nập ra vào cảng Sài Gòn và họ cũng rất quen thuộc các địa danh: chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn. Từ đó, thành phố Sài Gòn đã được Pháp ca ngợi là “Hòn ngọc của Viễn Đông”.

Cuối thế kỷ 19 (ngày 15-3-1874) Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị với hàng loạt công trình lớn được xây dựng theo kiểu phương Tây với những công sở, trung tâm thương mại, công nghệ dịch vụ, giao thông. Đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn sát nhập vào Sài Gòn, thành phố trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương.

Kỳ họp thứ nhất ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh.

Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca
Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa
Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai
Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi …

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hàng năm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy, vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn.

Với 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ như Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà Hát thành phố, Bưu Điện, hệ thống các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chúa Bà Thiên Hậu, chùa Tổ Đình Giác Viên, chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm…), hệ thống các nhà thờ cổ (nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Cha Tam, Chợ Quán, Thủ Đức…mà các cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ có logo “con gà trống” của Pháp). Nhìn chung, một trong những đặc trưng văn hóa của 300 năm lịch sử đất Sài Gòn – Gia Định, nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa , là “ cơ cấu kiến trúc” Việt – Hoa – châu Âu. Một nền văn hóa kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc của người Việt với những nét đặc sắc của văn hóa phương Bắc và phương Tây.

Có thể nói Sài Gòn là trung tâm văn hóa của Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này là nơi phổ biến báo quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo quốc ngữ đầu tiên của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật…đã tạo cho Sài Gòn từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hóa đối với cả nước.

Những lễ hội lớn ở Sài Gòn là lễ hội tưởng niệm, ghi công các anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Hàng năm được tổ chức trọng thể vào mùa xuân.

LỄ HỘI TRONG NGÀY GIỖ VUA HÙNG

Hàng năm, cứ đến ngày giồ Quốc Tổ 10-3 âm lịch, lễ được tổ chức tại Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, kết hợp giữa lễ hội cổ truyền với các hoạt động văn hóa hiện đại. Nghi thức cử nhạc khí cổ truyền (trống đồng, đàn đá, chiêng, trống…) trong bầu không khí trang nghiêm. Sau đó là phần lễ bái, tế lễ cổ truyền của mọi tầng lớp nhân dân trong Đền. Phần hội ngoài sân Đền là chương trình biểu diễn cờ người, võ thuật, múa lân, sư tử, múa rồng…rất hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem.

NGÀY GIỖ TRẦN HƯNG ĐẠO

Hàng năm vào ngày 20-8 âm lịch, ngày giỗ được tổ chức tại Đền thờ Trần Hưng Đạo ở số 36 đường Võ Thị Sáu, quận 1, lễ giỗ Danh tướng Trần Hưng Đạo có quy mô lớn, diễn ra trong ba ngày 19. 20, 21 tháng 8 âm lịch, với các nghi thức hát chầu văn ca ngợi công đức của vị anh hùng. Ngoài ra còn tổ chức chơi cờ người…Trong những ngày này, các tầng lớp nhân dân tề tựu về lễ bái rất đông.

THẢO CẦM VIÊN

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những địa chỉ văn hóa của thành phố, nơi bảo tồn động – thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Bắt đầu xây dựng vào tháng 3-1864 trên một khu đất rộng 12ha nằm cạnh sông Rạch Lăng (phía đông bắc Sài Gòn). Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quí ở trong nước và trên thế giới, nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia như cacao, café. Vani. Một vài giống mía gọi là Jardin Acclimater…Nhiều loại động vật lạ và quí hiếm được đưa về nuôi ở đây và nơi đây được gọi là Sở Thú.

Năm 1929, Pháp cho xây Temple du Souvenir có kiến trúc giống như Đền thờ lăng tẩm Huế. Trên lầu có thư viện khá rộng. Năm 1956, tòa nhà này được tu sửa và thiết kế lại, viện bảo tàng Blanchard de la Bross tại đó được đổi là Viện Bảo Tàng Quốc gia Sài Gòn, Sở thú đổi là Thào Cầm Viên. Nơi đây hàng ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quam.

CÔNG VIÊN VĂN HÓA TAO ĐÀN

Với diện tích 90.503m2, công viên Văn hóa là nơi lý tưởng cho du khách trong nước và ngoài nước. Nơi đây thường xuyên diễn ra các chương trình Lễ – Tết – Hội dân tộc như: hội Hoa Xuân, hội Đền Hùng, lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam…đồng thời cũng là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố với các hoạt động: sân khấu ca nhạc Trống đồng, nơi tổ chức biểu diễn những chương trình ca nhạc chọn lọc, chất lượng mang tính nghệ thuật cao, đã hấp dẫn và lôi cuốn công chúng.

CÔNG VIÊN NƯỚC “SAIGON WATER PARK”

Mở cửa từ ngày 13-12-1997, là khu giải trí hiện đại dưới nước đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các trò chơi: cầu trượt nước và hồ bơi mới lạ theo tiêu chuẩn quốc tế. Công viên nằm trên khu đất rộng 5ha bên bờ sông Sài Gòn thuộc quân Thủ Đức,cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Tới đây, khách có thể tham gia các trò chơi như “Thác bạc, Ghềnh sông” từ độ cao 15m của 6 cầu trượt khác nhau, thả mình trượt qua 120m gồm các khúc quanh vòng vèo trước khi bay xuống hồ nước trong xanh. Thấp hơn một chút là cầu trượt nhiều làn và cầu trượt xoắn gồm hai ống trượt xoắn vào nhau bắt đầu từ độ cao 12m và dài 70m. Với những nét độc đáo của mình, công viên nhanh chóng thu hút nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tìm nơi nghỉ ngơi vui đùa với sóng nước ngoài trời ngay trong thành phố.

CHỢ LỚN

Năm 1788, một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán. Khu chợ đó phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể xem như một China Town (thành phố người Hoa) của Việt Nam với những phố chợ san sát và đầy ắp hàng hóa từ lâm thổ sản đến những hàng tiểu thủ công nghiệp. Khu vực Chợ Lớn là nơi tham quan hấp dẫn cho du khách đến tìm hiểu cuộc sống thường ngày của nhân dân thành phố nói chung và của cộng đồng người Hoa nói riêng.

CHỢ BẾN THÀNH

Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam và khách quốc tế. Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất sình lầy kế bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn (lúc đó). Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3-1914.

Chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của thành phố, mà còn của các tỉnh phía Nam. Cũng như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hàng hóa trong chợ Bến Thành rất phong phú, dường như có đủ mặt các sản vật trong nước và hàng công nghệ hiện đại trên thế giới. Thăm chợ Bến Thành cũng là một thú vui của bao người.

Tóm lại, thời gian thấm thoát trôi qua, nhìn lại thế mà đã vừa tròn 35 năm thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định (thêm huyện Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ) – hai Tỉnh Thành nhập chung – được Quốc Hội đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tương tự, gần đây hơn, Quốc Hội quyết định vào ngày 1-8-2008, thành phố Hà Nội mở rộng và sáp nhập tỉnh Hà Tây (thêm huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Hai Tỉnh Thành nhập chung này trở nên một đại đô thị lớn nhất nước về diện tích, hơn cả thành phố HCM [Hà Nội: diện tích 3 344km2, dân số 6 500 000 (2009). Tp.HCM diện tích 2095km2, dân số 7 100 000 (2009)]. Thế là từ đây Sài Gòn – Thành phố HCM đã mất đi vị trí là một thành phố lớn nhất nước rồi !

(Tham khảo: sách Non nước Việt Nam, Tổng cục Du lịch – Hà Nội 2005)

(Nguồn:Newvwietart.com)
Bài Mới Nhất
Search