T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 99)

clip_image001_thumb.jpg 

Áo sường sám

Cái áo trường sam  là áo vạt dài, tức áo dài của người Hoa đọc theo âm Hoa. Hán giọng Quảng Đông là sường sám

Các tiệm may hiện nay không hiểu bèn cải biên thành sườn xám, có lẽ định gán cho nó một ý nghĩa…cái sườn màu xám chăng?

(Cao Tự Thanh)

Khác biệt văn hóa

 Khi bạn nói: Cho tôi thêm một cái “dĩa” với người bồi bàn.
Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa.
Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa.

Viết và nói tiếng Việt

Giáo sư Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học ở Hà Nội đã viết nhiều bài về tình trạng “viết và nói tiếng Việt”. Tiếng Việt và tiếng “Hán-Việt” bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp như:

Ðảo và  ốc đảoÐảo là một khoảng đất đá nhô lên giữa một vùng nước rộng lớn hơn (sông, hồ hoặc biển), còn ốc đảo là một khoảng có cây và nước ở giữa sa mạc. Hai từ hoàn toàn khác nhau về cả nghĩa cụ thể lẫn hàm ý, nhưng rất nhiều người thường dùng ốc đảo với nghĩa là đảo.

Sưu tầm – sưu tập: Sưu tầm là tìm kiếm, thu thập và tập hợp lại một cách có hệ thống. Các bộ sưu tập là kết quả của công việc đó. Cách nói đúng là: “Nhà sưu tầm và bộ sưu tập” thí dụ: Nhà sưu tầm X nổi tiếng với những bộ sưu tập quý hiếm. Nhưng gần đây, trên sách báo gọi là nhà sưu tập như thể chữ nhà sưu tầm chưa bao giờ tồn tại vậy.

Chữ và nghĩa

 Gọi là rau má nhưng chẳng liên quan gì đến..má hay mẹ gì cả?

Trái sầu riêng ăn vô chẳng thấy sầu riêng,…sầu chung gì sất! Trái khổ qua ăn đắng sao không kêu là…khổ quá? Bưởi “Năm roi” ăn rất ngọt cớ chi kêu là…năm roi?

Trái…vú sữa, cây…dái ngựa thì xin miễn bàn!

(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Phong kiến

Phong kiến: “Phong kiến” gồm 2 chữ “phong tước” (ban quan tước) và “kiến địa” (ban đất để dựng nước). “Phong kiến” chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt.

Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi.

Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu). Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

(Triệu Thanh tạp chí)

Chữ nghĩa hiện thực

Con gà cục tác lá chanh.
Mới cục vài tiếng đã thành gà quay.

 Giai thoại làng văn

Nguyễn Công Hoan quan niệm chuyện đời, chuyện văn rất đơn giản, cứ như trò đùa vậy thôi:

“Năm 1928, 1929, tôi bắt đầu viết truyện ngắn. Hồi ấy ở Lào Cai. Thấy tôi hay đùa, Tương Huyền bảo tôi viết. Tôi từ chối. Hắn nói mày không viết tao đánh. Tôi viết ba truyện đưa Tương Huyền xem. Tương Huyền nói: “Thế này là xã hội tiểu thuyết chứ còn thế đéo nào nữa!”. Hồi ấy viết thế thôi. Không ai nghĩ sau này thành nhà văn.

 Ông nói: “Ngày nay toà soạn báo là toà không soạn. Ngày xưa toà soạn là phải soạn, cứ ngồi tán với nhau rồi thấy có gì hay là viết. Thí dụ: Hồi Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê, Ngô Tất Tố nói: “Thằng Phụng viết thế khỉ nào được nông thôn. Để tôi viết cho mà xem. Thế là Tắt đèn ra đời”.

Tôi thích truyện ngắn hơn. Còn Bước đường cùng thì thường thôi. Kháng chiến, mất bản thảo. Trong thành còn giữ được một cuốn. Có thằng nó in ra. Năm 1954, vào thành in lại. Tác phẩm tồn tại đến ngày nay là do thế.

Tôi thành ra nổi tiếng. Lý do rất đơn giản!

“ Nhà văn Việt Nam phải học tiếng Việt Nam. Người ta nói “Trăm nghìn người mới có một”. Mình lại nói “trường hợp cá biệt”. Tiếng Việt rất trong sáng, dễ hiểu. Sao cứ bịa ra những tiếng khó hiểu, bây giờ chắc nhiều người không biết nghĩa là gì: tại sao gọi “bến ôtô”, “bến tàu điện”? Tại sao gọi là “bát đàn, bát sứ, bát kiểu”. Tại sao gọi là “bít tất”, “Mọi nhẽ” là gì? Mọi nhẽ nghĩa như vân vân…

 (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chuyện bút nghiên

 Một ông chữ nghĩa bề bề trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. Ấy vậy mà không biết con cua con nào là con cái, con nào là con đực? Bèn hỏi vợ.

Vợ lật con cua lên bình văn luận phú: “Cứ nhìn cái yếm con cua là biết liền. Cái yếm nào có mũi nhọn như cái bút lông là con cua cái. Cái yếm nào hình tròn tòn, bè bè như cái nghiên mực là con cua đực. Ông chồng lầu bầu trong bụng: “Bu nó chứ, con đực mà cũng có…yếm.

Gàn bát sách

“Gàn bát sách”  thì như với Vũ Hoàng Chương nó như sau:

Mỗi lần đánh tổ tôm, thế nào cụ Nguyễn Khuyến cũng phải ù cho bằng được với quân bài “bát sách”. Dù rằng bài có tốt “kính cố ông cụ”, cụ cũng phá ra để ù.

Vì vậy người đánh bài ai cũng nơm nớp sợ đánh ra quân bát sách vì chỉ sợ cụ Nguyễn Khuyến ù. Bài đang ăn to, không muốn, phá đi để ăn mảnh lấy tiếng thì thật là…gàn.

Từ đấy, dân trong làng tổ tôm gọi cây bài “gàn bát sách” là chỉ…cụ Tam Nguyên.

(Hứa Văn Thiên – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

 Truyện chớp: Truyện văn chương

 Có lẽ ranh giới tận cùng của truyện chớp là một câu. Nhưng câu cũng có năm, bảy loại câu. Trong văn chương hiện đại, dưới ngòi bút của không ít nhà văn có tên tuổi, nhiều câu dài dằng dặc trong một hay hai trang giấy, nghĩa là dài bằng cả một truyện thật ngắn bình thường. Bởi vậy, câu trong truyện chớp phải là những câu vừa phải. Càng ngắn càng tốt.

Thí dụ như một chớp “Truyện văn chương” dưới đây:
”Hắn đứng lên ghế, thò đầu vào sợi dây thòng lọng treo trên xà nhà. Ðộng tác ấy chợt làm loé lên trong hắn một tứ thơ. Hắn mừng rỡ: cả đời làm thơ, chưa bao giờ hắn bắt gặp một tứ thơ hay đến thế.

Hắn líu quíu định bước xuống tìm giấy để chép. Chiếc ghế ngã”.

Chưa…hỏi đã…ngã

Viết cho đúng dấu hỏi (?) ngã (~) không đơn giản, làm nhức đầu một số người Nam, đồng thời lại quá dễ dàng đối với người Bắc. Người Nam không biết tại sao chỉ có hai dấu mà mình không làm sao nhớ được, người Bắc lại không thể tưởng tượng được lại có loại người không nhớ nổi hai dấu này.

Vấn đề: Không thể nhớ được hỏi ngã.

Vì không nhớ hỏi ngã nên có người cho mình có trí nhớ kém; có người cho là bộ nhớ (memory) của mình bị trục trặc, không chịu lưu giữ dữ kiện; có người cho là tại già trở nên lù khù; có người nghi ngờ mình mắc bịnh si khờ người già.

Giải thích: Không nhớ không phải tại mình già, mà tại vì hỏi ngã quá phức tạp không một ai có thể nhớ hết được, trừ phi là người Bắc. Có lời khuyên các bạn, nhớ được tới đâu hay tới đó, nhưng đừng cố gắng thái quá có cơ đi nhà thương Chợ Quán.

Vấn đề: Sách chỉ dẫn hỏi ngã có giúp ích nhiều không?

Giải thích: Để viết đúng các từ láy được một nhà thơ tóm tắt bằng hai câu thơ sau đây:
Chị huyền vác nặng ngã đau
Anh sắc không hỏi một câu được là.

Chỉ có 4 từ mà phải đặt thơ kiểu Lục Vân Tiên? Có tác giả viết nguyên cả một cuốn sách vài trăm trang để chỉ dẫn hỏi ngã cho thiên hạ thì còn gì là mẹo, sách nghiên cứu thì có. Người viết sách qui tắc hỏi ngã không thấy được cái khó khăn của người miền Nam, không am tường phát âm miền khác, nên nêu ra hằng lô qui tắc, hằng trăm từ có hỏi ngã phải học thuộc lòng, và tin rằng ai cũng nhớ được.

Không ai có thể nhớ được nhiều như thế. Cứ cho là nhớ được đi, nhưng nhớ được bao lâu, vài ngày hay vài tuần?

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

Số XII

Thập niên theo định dạng [thập niên xxxx] . Không nên viết “những năm 40” vì sẽ tạo ra câu hỏi là 1840 hay 1940.

Những năm, thế kỷ… trước Công nguyên theo dạng [xxxx TCN] Theo đúng định nghĩa của Công nguyên, tiếng Việt không dùng cụm từ “sau Công nguyên”. Do đó, năm nay là 2011, không phải là 2011 sau Công Nguyên.

Trong bài viết, nên dùng cách viết “một”, “hai”, “ba”, … thay cho “1”, “2”, “3” trong một câu văn; trừ phi con số có đơn vị đo lường kèm theo sau hoặc nằm trong danh sách, số liệu.

(nguồn Wikipedia)

Từ Hán –Việt được nho hóa

Tỉ = so sánh, giống như, ví như, bằng với. Tỉ dụ, tỉ như.
Tháp = sạp, giường nhỏ và dài; sạp gỗ để ngủ.
Thằng = thừng, dây thừng, dây đỏi, dây chạc. Chằng, dây chằng.
Thô = vải bố, vải to sợi; ô dề, không gọn gàng xinh xắn.

Lê Dục Tú bảo “ký” nằm giữa văn học và báo chí, mà không giải thích tại sao?

Ðể biết lý do, trước tiên cần phân biệt văn học với báo chí. Bài văn khác bài báo, bài báo lý tưởng là một báo cáo hoàn toàn khách quan nhằm mục đích thông tin: “Lúc 11 giờ sáng nay, cuộc họp thường niên cấp bộ trưởng giữa các nước trong khối ASEAN đã khai mạc ở Hà Nội…”.

Bài báo đòi chính xác, nhưng từ chối cảm nghĩ của người viết ra nó. Trong khi bài văn, nó nhất thiết phải chủ quan, phải chứa cảm nghĩ của tác giả. Anh viết gì thì viết, phải có tâm hồn, trí óc anh trong ấy, mới là viết văn!

”Ký” là văn, không phải báo, vì ký có chứa cảm nghĩ của “ký giả”.

Ký dễ bị nhầm với báo, vì ký kể chuyện thật hoặc tả cảnh thật, người thật.

(Thu Tứ)

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search