T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan:Tháng Mười Một…

song-que-huong

Sông Quê Hương – Tranh: Mai Tâm

Nơi có cây cầu khỉ…

Khi gió hanh hao về làm vàng hoa cúc, những vuông cỏ khô trước nhà người bản xứ lập loè ánh đèn lễ hội. Tôi vẫn đi về hai buổi qua những ruộng bắp đã thu hoạch mà nhớ những cánh đồng tháng mười âm lịch bên nhà vàng trơ gốc rạ cũng vào mùa này. Mùa tạ ơn đã về trong nỗi nhớ quê xa nhà nhà cúng mừng lúa mới. Nhưng ở nơi xa quê chỉ có lọn gió heo may đã về gợi nhớ gió chướng quê nhà làm chất ngất nỗi niềm; thoáng chiếc nón lá vừa khuất tầm thang máy trong thương xá cũng hụt hẫng trái tim viễn xứ… Nói gì tới những kỷ niệm không tên nhưng ấm lòng dạt trôi biết bao khi chiều buông theo gió hương rừng sau nhà vào thu, sao lại nhớ một miền quê sông nước đến nao lòng bật khúc Tạ Ơn khi mùa về.

Có lẽ, “cái ngặt của tuổi già là ai cũng có một thời tuổi trẻ – T.Vấn”. Ký ức ấy về đâu thì nơi đó là quê hương của tâm hồn. Bình minh dậy nơi đâu có tự do thì nơi đó là quê hương của nỗi nhớ…

Nhà tôi ở xóm cầu gỗ. Tôi thích người Việt nơi đây gọi tên xóm nhà tôi ở như thế vì nghe thân thương hơn cái tên Mỹ của xóm nhà là Woodbridge. Từ đường lớn North 78 quẹo vô xóm nhà theo ngõ Woodbridge Pkwy, người ta làm hai thành cầu gỗ hai bên đường. Mặt cầu vẫn là đường bê tông, hai đầu cầu lót gạch đỏ đều như trải thảm. Nhưng nước chảy thông thương từ những tầng đá chất như suối tự nhiên rất đẹp, lại thêm hoa lá rậm rì bốn mùa…

Bạn bè tới chơi nhà thường hỏi tôi: “Khu nhà ông ở chắc tiền HOA mắc lắm phải không? Vì đầu ngõ vô khu nhà này họ làm đẹp quá!”

Ừ thì hoa theo tiếng Việt là bông hoa cũng được mà theo tiếng Anh là tiền đóng hàng tháng cho Hiệp hội Chủ nhà (Home Owners Association) để họ trả cho những người dọn dẹp, chăm sóc cảnh quan chung cho khu nhà cũng được. Với tôi cây cầu gỗ thật như giả cũng đã quá đủ cho lòng nhớ cây cầu khỉ một thời đã xa. Nhớ lại thời gian rời xa cây cầu khỉ đã hơn tuổi đời khi tôi ở đó. Sống, và dạy học…

Thời đó tôi thường thức dậy sớm nhất trong khu tập thể giáo viên. Vào một sáng Chủ nhật nên mọi người ngủ nướng kỹ hơn nữa. Phần các thầy thì khỏi nói, đêm qua mưa dầm mà nhậu quá trời. Tôi không hy vọng có bạn cùng ra quán uống cà phê, ăn sáng, nên đi một mình.

Con đường đê lầy lội bởi mưa một phần, một phần đêm qua mấy thầy đi nhậu về làm cho nó trơn trợt hơn. Tôi cẩn thận qua được một đoạn đầy những dấu chân người. Đến cây cầu khỉ trước mặt hiện ra những vết sình đất của người dân đi sớm, hay của các thầy về muộn? Dễ nhìn ra lắm, vì những người say thường giậm chân nhiều lần mới bước qua cầu, còn người tỉnh thì qua cầu rồi mới giậm chân là để trút vía cầu đừng theo chân nữa làm khó đi. Người dưới quê mê tín dị đoan những điều khó hiểu. Nhờ quan sát nên tôi thấy được vạt áo của thầy Dũng trên tay vịn cầu khỉ thì biết đêm qua thầy đi mò tôm nên thầy chửi bới cây cầu quá chừng, tới tôi đã ngủ còn giật mình nghe được.

Tôi qua được cây cầu khỉ như kỳ tích, may mắn không ngờ, đến cô giáo Thu đang đánh răng trước phòng nữ trong khu tập thể giáo viên phải ngậm bàn chải để vỗ tay chúc mừng tôi. Tội nghiệp cô Thu cũng hay dậy sớm để thêu thùa hòng kiếm thêm thu nhập cho gia đình cô còn khó khăn.

Tiếp theo là một đoạn đê đất sét cứng, giữa cao, hai bên soải xuống. Người địa phương gọi là đường sườn bò. Mấy thầy còn té lên té xuống, nói gì mấy cô. Nhờ ơn trên che chở, tôi qua được như điềm báo một ngày lành. Thật ra với loại đường này nếu đi chân đất sẽ dễ đi hơn mang dép vì nhờ được mấy đầu ngón chân bấu xuống đất. Nhưng tại tôi mới được học trò cho đôi dép mới, định mang cho nó vui. Vì Chủ nhật trên con đường độc đạo thì thầy trò có đến chín phần mười là sẽ gặp nhau. Thương người học trò đã hai mươi hai tuổi, có vợ và hai con. Nhưng học lớp tám ba năm liền vẫn chưa lên lớp chín. Vậy chứ một tiếng thầy, hai tiếng thầy, xưng con lễ phép với ông thầy chỉ hơn anh ta ba tuổi. Em ấy nói với tôi: “Con mua đôi dép hai ba năm rồi, còn chưa xỏ tới. Thầy lấy mang đi, để nó mục.”

Học trò ở đây mười tám, hai mươi mới lên đến lớp chín. Con trai mà nghỉ học thì đi làm dziệc (việc) cho Ban ngành hay Uỷ ban Xã, vì dù gì họ cũng đã thuộc tầng lớp biết đọc biết viết. Con gái nghỉ học tức là đi lấy chồng. Cũng có những em học hành sáng dạ lắm. Nhưng không có lớp mười cho các em lên. Ở cấp Xã chỉ có trường cấp II thôi. Muốn lên trường cấp III phải về trường Huyện. Nhưng phương tiện ngày xưa, lại ở xứ cửa sông cửa biển thì từ Xã lên Huyện phải mất một ngày ngồi đò. Và đâu có mấy gia đình ở vùng quê nước lợ này mà đủ tiền cho con đi học xa vì còn phải lo ăn, lo ở nữa…

Cuối cùng tôi cũng ra được đường cái quan là con đường xi măng chừng hai mét bề ngang và dài như con rắn xuyên qua xóm làng. Đứng ở ngã ba đường, tôi phân vân rẽ phải hay trái? Bên trái được tự nhiên sắp đặt sân banh, quán nhậu, uỷ ban, cầu đò. Bên phải là quán ăn, trường học, trạm xá. Mặt trời mọc thì đi về bên phải, mặt trời lặn thì đi về bên trái. Chân lý đó do thầy Bình-mồng tơi nghĩ ra. Chẳng biết sao thầy Bình dạy Anh văn nhưng chỉ hát mỗi một câu nhạc Việt: “Mồng tơi ơi hỡi mồng tơi, rồi mưa phùn ướt trái mồng tơi…” Nên thầy có tên Bình-mồng tơi là vậy. Cũng để phân biệt thầy với thầy Bình-em gái. Thầy Bình này thích nắm tay con trai hơn nên cứ bị các cô bên trường Mẫu giáo ghẹo, “Bình ơi, cho nắm tay Bình cái đi…” Là thầy Bình-em gái đỏ mặt như xôi gấc.

Tôi nhìn về bên trái, nhớ bữa nhậu chiều qua ở quán chị Tám Hưởng mới ngậm ngùi. Chị là O du kích trong kháng chiến. Sau hòa bình, chị phải mang một cái chân giả. Chị lấy anh Sáu Thưởng như lời hứa của chị: “Chừng nào hòa bình thì làm đám cưới.” Những lúc rảnh, nghe chị kể chuyện tình trong chiến khu cũng đầy nước mắt song song với nụ cười. Anh Sáu Thưởng vì cứu chị bị thương nên anh mất luôn hai giò. Tổng cộng trong nhà chị có ba cái chân giả của hai người nông dân không biết chữ. Họ đi làm cách mạng về chỉ được cuốn sổ thương binh. Hàng tháng được cấp vài ký gạo, tiền không đủ sống nên mở quán kiếm thêm để nuôi con. Chị nói: “Mấy thầy thương thì uống cà phê sáng và ăn nhậu buổi tối ở đây cho tui có gạo nuôi con là cám ơn nhiều.”

Nhìn hai người khật khưỡng trên những cái chân giả. Nhà thì nền đất, mái lá, bên ngoài mưa lớn bên trong mưa nhỏ. Chẳng ai còn nghĩ đến chính trị chính em ở cái xứ ven biển này. Chỉ thấy tội nghiệp, những đêm mưa gió bão bùng, chị ngồi xổm trên chân thật mà nhổ lông gà, duỗi cái chân giả dài ra với ánh đèn dầu vì đâu co lại được. Chân giả làm tại Việt nam thời đó còn thô sơ. Chị còn kể lể, phải quấn giẻ đầu chân cụt trước khi xỏ vào ống chân giả cho đỡ đau, nhưng chỉ đi được một lát là đau thốn lên đến tim. Chị tả vậy biết vậy, nhưng chắc đúng vì quán trưa vắng khách, cũng thường thấy chị tháo bỏ chân giả, rồi cò cò bán quán rất tội nghiệp. Cánh thầy giáo cũng vì thế nên tự đi châm bình trà uống thêm chứ chẳng ai nỡ gọi chị để xin bình trà. Tôi nhớ hoài hình ảnh chị ngồi nhổ lông gà những đêm mưa để làm món nhậu cho mấy ông thầy giáo nghèo. Chứ dân Quản lý thị trường, Công an biên phòng bắt vượt biên thì họ đâu có nhậu nơi đây.

Chị Tám thường lấy bộ lòng xào củ hành cho mấy thầy nhậu trước. Sau đó luộc gà chín tới thì trộn gỏi bắp cải, nước lèo nấu cháo hành là xong cho một bàn. Có khi mấy thầy nhậu hai ba bàn khi tiền lương hàng tháng về thì nhìn chị như con rối, mồ hôi, tóc mai cứ bện lấy thương khó trên gương mặt người phụ nữ quê mùa.

Nhiều khi chúng tôi cười trên sự đau khổ của chị rồi đêm về ăn năn. Giả như thầy Thạnh nói: “Hòa bình mới có mấy năm mà đã ba bốn đứa con nheo nhóc, thấy ớn.”  Thầy Long hoạ tiếp: “Trời se duyên thôi. Anh Sáu Thưởng thì chị Tám Hưởng. Không nheo nhóc sao được?” Cả đám cười ồ lên để đêm về thấy mình không phải…

Đã bao năm rồi vẫn không quên những đêm mưa tù mù đèn dầu ở miền ven biển quê nhà, không quên được những người bạn đầu xanh lao vào ngõ cụt. Rồi phép lạ làm nên thương mến nhau, rồi cùng nhau thương học trò. Hay tự thân những học trò nhỏ hơn thầy chỉ vài tuổi nhưng lễ phép, xử sự đậm tình người đã tạo ra những tình cảm nhớ mãi về một miền quê ven biển thật nghèo nhưng hiền hoà, bao dung, tự tại…

Mặt trời đã nhú mé sông, tôi lững thững đi về bên phải. Định bụng xuống quán cô Chanh để ăn tô bánh canh giò heo cho ấm bụng. Đầu óc lại nghĩ tiếp đến những vui buồn xứ cửa biển tình nồng này thật lắm chuyện vui.

Cô Chanh, thoạt tiên kỳ thủy là người dễ nhìn, trắng da dài tóc. Mười tám tuổi, tốt nghiệp lớp chín. Cô Chanh về thành phố học hai năm để làm Y tá. Công thành danh toại, cô về lại địa phương làm trưởng Trạm xá kiêm luôn nhân viên vì chỉ có mình cô.

Duyên tiền định của cô đến vào một ngày không nắng thì mưa, (theo Dự báo Thời tiết thuở ấy!) Thầy Thạnh đau bụng quá nên bên giáo viên đưa thầy qua cho cô Chanh khám bệnh. Cô Chanh chẩn đoán thầy Thạnh đau ruột thừa, phải đưa về thành phố mổ gấp. Nếu không bể ruột sẽ dẫn đến nhiễm trùng khoang bụng thì hết thuốc chữa.

Tình hình khẩn cấp, không đợi được tàu đò vì tới hai giờ đêm mới có chuyến về thành phố. Nên bên giáo viên phải cậy bên chính quyền để giải quyết. Bên trạm xá, cô Chanh đích thân đi với mấy thầy cô giáo đến gặp ông Sáu Chín là bí thư xã. Ông già lùn, béo ngậy này lại nhập vô đoàn người đang đi kêu cứu để cùng đến Trạm thu mua thủy hải sản. Ông yêu cầu bên thủy sản có ghe nhỏ máy lớn, chạy nhanh. Xin đưa thầy Thạnh về Sài gòn, gấp.

Ông Sáu Chín ngoài tật hám gái như cái tên kháng chiến của ông thì ông cũng tử tế, nhất là với bên thầy cô giáo. Đỉnh cao trí tuệ của ông là nhận định về tình hình địa phương mùa gặt, ông nói tóm tắt trên bàn nhậu: “Tui thích nhìn con gái chổng mông cắt lúa.” Nên ông học Bổ túc văn hoá mãi cũng không tốt nghiệp được cấp II phổ thông, chỉ uống rượu là giỏi.

Hôm đó, cô Chanh theo ghe thủy sản về thành phố để giúp cho thầy Thạnh như người nhà hơn là y tá. Cô chuẩn đoán đúng về bệnh trạng của thầy Thạnh. Thầy phải mổ và bác sĩ ở thành phố còn cho biết là thầy may mắn. Chỗ ruột thừa vừa bể, phải cắt một đoạn ruột nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Thầy chỉ phải mang cái tên: Thầy Thạnh-đứt ruột đến cuối đời thôi.

Cô Chanh ở lại thành phố chăm sóc cho thầy Thạnh đến ngày xuất viện. Chuyện này hoàn toàn tự ý chứ không phải nhiệm vụ của cô. Sau đó, cô thấy gia đình thầy Thạnh nghèo nên lơ là bệnh nhân, chăm sóc không đủ thuốc, bồi bổ không đủ tiền để lo cho thầy Thạnh. Cô vất vả đi lên đi xuống may mà có em từ nhà cô lên nhà thầy Thạnh cả ngày đường xe, đường đò để chăm sóc tiếp cho đến khi thầy khỏe lại.

Cả hơn tháng sau thầy Thạnh mới trở lại nhiệm sở. Thì cô Chanh lại đưa thầy Thạnh về nhà mình để chăm sóc tiếp vì cô sợ thức ăn thiếu vệ sinh bên nhà ăn Liên cơ, (nhiều cơ quan hợp lại gọi là “liên cơ”, từ ngữ sau hoà bình nó thế!) Cô Chanh sợ cả thức ăn ngoài quán xá thiếu vệ sinh cho ruột thầy Thạnh mới lành vết nối, bụng mới lành vết mổ.

Thầy Thạnh tốt số nên lại sức mau như nắng tốt dưa mưa tốt luá. Ơn cứu mạng của cô Chanh hẳn nặng lòng người thầy giáo trẻ. Thầy chăm sóc lại cho cô Chanh đã hao gầy vì cực khổ, lo lắng cho thầy. Rồi hè đến, thầy không về thành phố để thâu đêm vũ trường mà ở lại để lợp mái nhà mới cho cô Chanh, dựng chuồng nuôi heo, đắp bờ mương, vét ao thả cá… Bởi nhà cô Chanh chỉ một mẹ một con. Cha cô đã sớm lên bàn thờ vì ông cũng theo phe kháng chiến hồi chiến tranh.

Hè sang, các thầy cô trở lại trường không lâu đã được ăn đầy tháng con thầy Thạnh với cô Chanh y tá. Từ đó thầy Bình-mồng tơi hết hát nhạc mồng tơi mà đọc thơ… “đến đây thì ở lại đây, hổng chừng đứt ruột lại hay hơn dzìa!”…

Để đáp ứng cho đòi hỏi của dân thành phố xuống công tác: Quán xá phải có vệ sinh một chút. Thầy Thạnh – cô Chanh được sự ủng hộ của toàn trường nên mở quán bán bánh canh giò heo buổi sáng. Bởi cô Chanh nấu bánh canh ngon tuyệt, lại là y tá nên cô rửa tô bằng nước ngọt, có xà bông, làm mọi người được yên tâm về vệ sinh thực phẩm ở xứ nước ngọt quý như vàng.

Từ đó bánh canh bên quán bà Sáu Chiến bị ế, vì ai cũng chê thiếu vệ sinh. Nhưng thầy Hiền nghĩ khác. Một hôm thầy ra quán muộn, quán cô Chanh hết bánh canh. Cô xin lỗi và nói thầy Hiền ăn đỡ bánh canh bên quán bà Sáu Chiến (xéo xéo quán cô Chanh).

Không ăn thì thôi, khơi khơi thầy Hiền nói: “Ăn đây quen rồi. Giò cô Chanh không có lông. Giò bà Sáu Chiến lông không hà!” Đám thầy giáo cười bò lăn… thầy Hiền dạy thể dục nên ít để ý chữ nghĩa. Nhưng khi biết mình đắc tội với thầy Thạnh. Thầy Hiền xin lỗi cô Chanh. Rót rượu xin lỗi thầy Thạnh. Anh em thầy giáo được bữa cười no bụng lại no cả bao tử tới hết tháng lương của thầy Hiền, vì xin lỗi thì phải xin lỗi tới sạch túi mới là xin lỗi. Nhưng bánh canh cô Chanh nổi tiếng về tới Phòng giáo dục huyện là giò cô Chanh không có lông.

Sáng đó, tôi xuống đến quán cô Chanh. Thấy thầy Hiệu trưởng đã ngồi thù lù trong góc quán. Gãi đầu, bứt tai. Thầy tốt nghiệp khoa văn trường Đại học sư phạm thành phố khóa một, lại vui tính nên thầy chơi chữ mê ly. Từng câu, từng chữ thầy nói ra đều ẩn ý một nụ cười cho người hay chữ… Sao sáng nay sư huynh như rầu thúi ruột vậy kìa? Tôi hỏi thầy:

“Chuyện gì rầu vậy sư huynh?”

Thầy nói: “Thằng Thạnh nó cứ lo sóc con Chanh mẹ, chăm con Chanh con. Không lo nấu bánh canh gì hết. Giờ này chưa có gì ăn, đói chết mồ tổ…”

“Chuyện nhà người ta sao sư huynh rành vậy?”…

“Tối qua, tao ngủ đây chứ đâu. Mưa quá, làm biếng về trường. Cái thằng Thạnh bỏ bạn, nhậu chưa tới đâu đã đi ngủ sớm để sáng dậy sớm nấu bánh canh. Nhưng nó dạy thì dở mà dzợ thì hay. Nên giờ đã sáng bét còn chưa có bánh canh để ăn.

Tôi chỉ biết cười với thầy Hiệu trưởng vui tánh. Thầy Thạnh lu bu trong nhà nào con, nào việc tù lu. Cô Chanh cũng chịu cực bếp núc, buôn bán giỏi. Nhưng sáng nay có người chuyển bụng sanh em bé đã đến Trạm xá nên cô bỏ hết để đi làm bà mụ trước đã…

Thấy cảnh vợ con của thầy Thạnh, tôi ngán lắm. Từ hai người độc thân, tự do như ý. Chỉ ơn nghĩa nhau mà thành đầu tắt mặt tối. Nhưng cũng được điều là cô Chanh đã như người nhà của anh chị em giáo viên. Ai bị bệnh thì được sang nhà cô Chanh nghỉ ngơi để cô chăm sóc, không phải ở trong tập thể. Cô vui lắm với tánh người thích giúp đỡ người khác. Thầy Thạnh cũng vui vẻ hơn xưa, từ ngày lấy vợ thầy càng hiền ra, và thương bạn bè cụ thể hơn. Thầy ưa giành vợ cái khoản tính tiền bàn bạn bè vì có nhiêu đưa nhiêu. Thầy bỏ luôn vào tủ, không đếm.

Thầy Thạnh sáng ra nhìn như một ông Tàu bán hủ tiếu thứ thiệt với khăn tay vắt vai, tạp dề quấn bụng… Sáng đó. Thầy Thạnh nói với tôi nhưng mắt lỉa qua thầy Hiệu trưởng: “Tối qua có người khóc thấy thương với tao. Chết cha tao rồi. Vợ tao có bầu nữa rồi Thạnh ơi!”

Thầy Hiệu trưởng đằng hắng không ưng thầy Thạnh lắm chuyện. Sao tâm sự của hai thầy có vợ lại đi kể cho thầy độc thân (tôi) nghe… Tôi chỉ biết nhìn thầy Hiệu trưởng mà thương cảm cho sư huynh. Cứ vì đàn em thân yêu mà bỏ vợ con ở Sài gòn. Thỉnh thoảng mới về nhà, làm sao tránh khỏi những tai nạn giao thông trên giường chiếu không đèn thời cúp điện triền miên ở Sài gòn.

Ăn xong, tôi đi tiếp cho đến hết con đường là nhà đứa học trò biết may, lại có máy may ở nhà. Tôi đã nhờ em vá đầu gối quần jean cho thầy từ tuần trước. Sẵn rảnh thì đi lấy luôn. Đầu óc lại nghĩ bâng quơ. Chợt nhớ ra hai ba tháng trước. Bất chợt một chiều, thầy Hiệu trưởng đang đá banh sôi nổi với anh em giáo viên và cả dân địa phương thì thầy nhận được điện tín, “Anh về gấp. Má bệnh nặng…” Vậy là thầy bất kể gian nan. Về nhà ở Sài gòn mới hay bà nhạc đi chợ. Lúc qua đường không may nên bị xe tông. Bác gái mất nhiều máu quá, nhưng bốn năm người con ruột thì khác nhóm máu nên không cho mẹ được. Gia đình lại không muốn mua máu ở Trung tâm tiếp huyết vì sợ máu của dân xì ke, ma túy. Vợ thầy Hiệu trưởng mới có sáng kiến gọi thầy về trong hy vọng cùng nhóm máu với nhạc mẫu. Ai dè cùng thiệt. Vậy là thầy cho xả láng.

Bác gái bình phục mau chóng và được về nhà. Vợ thầy cảm kích ơn cứu mạng má em. Chắc cô lấy thân đền đáp quá nhiệt tình nên mới có chuyện thầy ngồi than thở với thầy có vợ là thầy Thạnh: “Chết cha tao rồi…!”

Coi như đi đứt cái danh hiệu tiên tiến năm nay vì thầy Hiệu trưởng đã có hai đứa con. Phải làm kiểm điểm đã đành, không chừng bay chức nữa…

Đoạn sau của thầy Hiệu trưởng mới phản khoa học nhưng có thật. Từ ngày bà nhạc của thầy ở bệnh viện về. Chiều nào không có cho bà ngoại một xị rượu thì ngoại dỗi cơm, không thèm ăn. Ai cũng bảo là trong người bác gái bây giờ toàn là máu thằng rể. Không có rượu đế thì làm sao sống?

Thầy mặc kệ vợ eo xèo sao anh cứ cho má uống rượu, thầy về nhà thường hơn vì đã có bạn nhậu mới ở nhà là nhạc mẫu luôn chờ rể hiền đem tôm cá miền biển về nhậu. Nhờ nhậu, bác gái sống thêm được hơn mười năm nữa mới cưỡi hạc quy tiên.

Nghe người ta nói có con sâu rượu trong máu người hay uống, lại có thể truyền từ người này sang người khác. Nhưng chuyện ấy để khoa học giải thích. Chuyện dở khóc dở cười của thầy Hiệu trưởng với bà nhạc thì cứ tiếp tục râm ran mãi về sau khi anh chị em dạy học có dịp gặp lại.

Tạ ơn những người bạn một thời nhưng cho nhau một đời vẫn nhớ thương nhau.

Cảm ơn thầy Tề, là nhà văn Nửa Trang, là người anh em chia cơm xẻ áo cùng thời đã ghé tôi lai rai mùa về. Mới đó đầu xanh giờ đã hai khứa lâm râm tóc bạc. Mới hồi nào nằm mơ cũng không dám thấy mình lái xe hơi. Vậy mà giờ đi thăm bạn có hơn tiếng lái đã nhờ con gái chở ba đi. Hồi nào Tề hả, chỉ ước đủ tiền để uống cho đã với anh em một bữa khi hè về chia tay. Thì giờ chỉ còn hai anh em mình ngồi nhắc nhau về kỷ niệm đã đủ say, nhớ bạn bè một thuở tưởng như thời cuộc, nhưng lại chỉ có thời cuộc là qua đi thôi…

Chúng tôi nhắc nhau đến từng người bạn, từng chuyện nhỏ như mới hôm qau… Nên xin gọi cây cầu Woodbridge là cây cầu khỉ. Bạn bè nào còn. Xin qua cầu Woodbridge như cây cầu khỉ ngày xưa mà viếng tệ xá của người viết. Nhất là mùa Tạ Ơn đã về rồi các bạn ơi!

 

Con cua kình…

Chân tôi bước lên cầu Rạch Sấu. Cây cầu gỗ không lớn hơn con đường độc đạo, nhưng có tên bởi nó bắc qua con rạch có cá sấu thật. Đôi khi nước ròng, những con sấu ăn no rồi ngủ quên trên bãi sình như nằm phơi nắng, nhìn dễ sợ lắm. Nhưng sáng nay thì nước lớn. Mặt trời tầm ngọn đước non. Ánh bình minh nhuộm cả sông Soài mênh mông. Cô thôn nữ chèo xuồng ba lá cặp theo mé sông lớn, làm nên bức tranh buổi sáng hữu tình đến dạt dào cảm xúc quê hương. Hình ảnh cô thôn nữ rẽ xuồng vào Rạch Sấu đẹp mê hồn. Quần áo dân dã pha màu với gió sông, nắng sớm lấp loáng trên sông vàng ánh. Mặt trời đậu lên chiếc nón lá làm duyên cho suối tóc bay về bồng lai. Da cô trắng mởn xuân thì rịt gió sông lồ lộ giai nhân sông nước đến mê hoặc hồn người, tay cô thả từng nhịp chèo hai mái đẩy đưa như thôi miên người dân thị thành qua cầu buổi sớm…

Té ra là con Mễn.

Nhưng phát âm theo địa phương thì gọi là “Mển”, nghe dễ thương quá. Nên tôi cũng gọi em là Mển.

Mển học lớp chín đã hai năm. Tháng sau mười tám tuổi. Tôi nhớ ngày sinh nhật của em vì con gái ở đây qua mười tám tuổi ưa nghỉ học ngang xương đi lấy chồng, chả thương gì mấy thầy chôn xuống tuyền đài một mối tình câm. Thật ra em tên là Trương thị Mến. Nhưng gọi Mến cứ phải lên giọng, lại nghe không hay bằng Mễn, vì em có đôi mắt của con nai vàng trong thơ Lưu Trọng Lư nên tôi gọi em là Mễn. Đến cả trường cũng gọi em là Mễn, nhưng nghe bạn bè của em cứ ơi ới gọi: Mển ơi, Mển à. Tôi cũng địa phương hoá theo vì nghe Mển dễ thương hơn Mễn.

Chiếc ghe đến sát gầm cầu Rạch Sấu. Mển ngưng chèo, tay nắm thành cầu. Nói chuyện với thầy:

“Con chào thầy. Thầy đi đâu sớm dzậy?”

“Xuống quán cô Chanh ăn sáng. Giờ thầy đi lấy đồ vá ở nhà Hoàng Yến. Em đi đâu vậy?”

“Con chở lúa vô chòi cho con Lan. Bữa nay ba má con đi đám giỗ bên sông. Con phải vô chòi phụ nó cho vịt ăn, lượm trứng.”

“Cực quá hen. Thôi em đi đi… để nắng.”

“Thầy rảnh hôn thầy? Đi chơi với con đi!”

“Sợ phiền cho em thôi. Hôm nay thầy nghỉ mà.”

“Đâu có gì phiền đâu thầy. Thầy xuống đây giữ xuồng cho con đi. Con chạy qua bên cầu mua hành, gừng. Vô chòi con nấu cháo vịt cho thầy ăn.”

“Để thầy mua cho. Em chờ thầy nha.”

“Dạ thầy.”

Tôi ngồi ở mũi ghe, quay mặt lại nói chuyện với Mển. Bốn bề sông nước mênh mông, bao la như lòng tôi cảm khái. Nhưng nhớ hình ảnh thầy Thạnh chân đất, quần tây xắn lên đến đầu gối, áo sơ-mi bỏ trong quần, thắt dây lưng da tử tế, nhưng trên cổ có cái khăn rằn để lau mồ hôi. Hai tay nhịp chèo, phì phèo thuốc cán. Cô Chanh ngồi ở mũi ghe, nón lá nghiêng che… cho con ngủ. Cái gánh hát nhà thầy Thạnh nửa tỉnh nửa thành đến khó quên. Tôi nghĩ. Thầy Thạnh chỉ cần biết vấn thuốc rê nữa là thành một người nông dân biết đọc!

Tôi cất kỷ niệm về Mển lặng lẽ vào hồn mình như chiếc dầm chèo thôi khua nước sông quê.

Chiếc ghe cặp vào gò giữa sông nước mênh mông, những khóm dừa nước lao xao sau túp lều tranh dân dã trong nắng sớm. Hình ảnh thái hòa làm tâm động hay lá động cũng in đậm vào tâm khảm ông thầy về con người và thiên nhiên sông nước. Mển hiền như lục bình trôi, nhưng ai đã một lần thấy thì không quên được màu tím dịu dàng của hoa lục bình. Tôi đang nhìn em cười với nắng đến nhạt nhòa son phấn phố thị, những chiếc váy thật ngắn ở Sài gòn như đã thuộc về quá khứ rất xa… Có lẽ thầy Thạnh là dân khoa toán nên thầy giải phương trình xong là xong, không như bên văn tôi cứ lơ mơ nỗi niềm để đêm về chong đèn kể lể… “Tạ ơn em. Đã cho thầy Tin Lành trong cuộc đời không có tương lai, và hạnh phúc thì như một điều xa xỉ trong xã hội đương thời. Hình như không có em trong cái xã hội bất nhân, thù địch này. Em cứ ở đây với tình yêu của đất, thật thà với nước tới muôn đời em nhé!

Tôi xuất thần miên man. Mển gọi tôi.

“Thầy nghĩ gì mà mơ màng vậy? Tới rồi.”

“Đây là chòi của nhà em đó hả? Thầy thấy giống một căn nhà chứ gọi là chòi thì không phải lắm đâu!”

“Dạ. Ba con cất hơi kỹ để có thể ngủ lại những hôm mưa quá hay bão. Ba ở trong đây có khi cả tuần đó thầy. Từ hồi hòa bình, ba con cực lắm! Sau này tụi con lớn mới phụ ba được công chuyện.”

“Vậy hả. Nhưng còn con Lan, sao nó không đi học?”

“Thầy coi, nó đi học thì ai phụ ba con? Má con thì cứ bịnh hoài. Con với nó phải nghỉ một đứa. Nó học dở nên nó tự nghỉ đó. Không phải con giành đâu nha.”

“Suy ra em học giỏi?”

“Thầy đừng chọc con mà…”

Chúng tôi vào chòi. Mển nói với Lan là cô em kế, thua chị hai tuổi nhưng cao lớn hơn chị nhiều. “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” cũng gần đúng với em Lan có phần vô tư hơn chị nhiều.

Mển nói: “Lan ơi! Em làm cho chị Hai con vịt. Bắc nồi cháo luôn nha cưng. Chị Hai đi cho vịt ăn.”

Tôi theo Mển đi lượm trứng, dễ còn hơn lượm vỏ ốc ngoài biển. Cứ bỏ vào cần xé lót rơm cho êm là việc tôi làm được. Mển cho vịt ăn những bao lúa mới chở vô. Thoáng một lát, trứng vịt đã đầy cần xé. Thầy trò vừa làm vừa trò chuyện, tôi nói cho em nghe về những gia đình ở thành phố ăn cơm cả nhà nhiều người, nhưng chỉ có hai cái trứng luộc giằm trong chén nước mắn, chấm rau luộc, hay bắp cải luộc. Ở đây thì trứng như khoai, bù lăn bù lóc, đến giẫm phải trứng lẫn trong rơm.

Tánh em dễ ngậm ngùi nên mặt buồn so,“Tội nghiệp cho mấy người ở thành phố quá ha thầy. Chừng nào thầy về thăm nhà thầy trên thành phố, cho con gởi chục trứng cho mấy người ta luộc ăn thêm nha thầy…”

Thành thị và thôn quê đang so sánh trong đầu tôi thì Lan gọi vô ăn cháo. Mới biết con gái dưới quê giỏi thật. Mười lăm, mười sáu tuổi đã biết nấu ăn một mình. Bữa ăn ngon miệng thì thôi, lại vui vẻ với đủ thứ chuyện kể của Lan. Cô bé cứ tròn xoe đôi mắt tả về con cua kình: “Con thấy con cua kình bự như miệng rổ. Nó bò vô hang ở đằng gốc mắm, đằng kia kìa! Con sợ người ta thấy thì đào bắt, nhưng một mình con đào không nổi đâu! Con tính hang nó sâu lút đầu người à thầy. Vậy là ngày nào con cũng chèo xuồng ra hang nó. Con lạy nó bò lên cho con bắt chứ con đào sao nổi. Nhưng nó không chịu nên con phải kéo cỏ, kéo chà che lại. Sợ người ta thấy…

Con mà bắt được nó thì cả giòng họ ăn không hết!”

Tôi cười đến sặc với cô bé ngây thơ, với con cua cả giòng họ ăn không hết. Mới biết sức tưởng tượng của Lan-kình mênh mông… Ba thầy trò lại cười bò lăn với cái tên Lan-kình do ông thầy ngẫu hứng nghĩ ra. Nhưng em nhất định không chịu cái tên kỳ cục. “Con giận thầy à nghen…”

Ăn cháo xong, chẳng có việc gì làm ngoài kể chuyện thành phố cho hai cô nhỏ này nghe. Cứ chốc chốc, Lan lại phải ra thăm đàn vịt đẻ vì hình như có chồn rừng về bắt vịt nên đàn vịt tao tác. Nhưng Lan đi thì thầy phải ngưng kể, chờ con vô mới được kể tiếp! Tội nghiệp Lan ở chòi riết nên thèm chuyện như khát nước đợi mưa. Nghe Lan kể không ngờ những hôm lu nước mưa trong chòi cạn sạch. Em khát tới cầu mưa. Tôi hỏi em Lan: “Hồi em cầu mưa xong, em có há họng lên trời đợi mưa không?” Em Lan trả lời: “Ờ! Con quên ha… Hèn gì trời không mưa.”

Mển cười đến làm vỡ trứng, “Sao ở trường thầy nghiêm quá… !”

Mển đếm, xếp trứng vô cần xé khác theo đúng cách để chiều nay chở về giao cho mối lái, đêm họ sẽ cho xuống tàu đò đưa về thành phố.

Ngoài trời đã đứng bóng hàng dừa, nắng chang chang. Chỉ có tiếng gió xào xạc đám dừa nước sau chòi. Lan nằm tòng teng trên chiếc võng ca vọng cổ. Tôi ra dấu cho Mển im lặng để tôi nghe. Từ giọng hát em hiện ra những phận đời côi cút đến thương tâm trong tuồng cải lương “Con gái chị Hằng”. Áo này một tay má sắm má may. Má đã đi rồi áo vẫn còn đây…; đến chuyện tình đã làm mủi lòng bao thế hệ, mà phải trong không gian phù hợp người nghe mới thấm hết xót xa… Điệp ơi! Lan cắt đứt dây chuông để rẽ chia đạo đời đôi ngã/ nhìn theo bóng anh đi mà lả chả lệ… tuôn…trào…

Tôi nghe quên thôi. Mển xong việc, vặn vẹo như con mèo lười vừa ngủ dậy, ngáp vắn ngáp dài như công việc thấy vậy mà không phải vậy. Giờ tôi mới hiểu được đời sống và việc làm của người nông thôn. Thấy tự tại đó nhưng từng hạt gạo, qủa trứng đều là mồ hôi và công sức đáng trân trọng. Tôi còn thấy được tình chị em của Mển không giống anh em tôi là thằng em nhanh chân trốn đi đá banh để thằng anh bị mẹ bắt lại chẻ củi xong mới cho đi. Tôi nhớ người anh kế của tôi, anh ra tới sân banh thì mọi người đã chuẩn bị về, anh tôi đá tôi vì không ai đá banh nữa. Nhưng trước mắt tôi lại là chị bảo em nghe. Em nằm ca hát, chị làm thấy mồ, vậy mà không sanh nạnh. Người nông dân dạy con bằng chính cuộc sống của họ. Nên sự thật thà, yêu mến người thân truyền lại đời đời. Tôi có cảm tưởng mình đang dạy học trò về Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, “anh em như thể tay chân/ như chim liền cánh như cây liền cành…” Nhưng thằng nhóc mê đá banh trong tôi lại không yên. Hôm nay tôi lại nghỉ. Tôi mới là một thanh niên còn mê đá banh mỗi chiều nên chân tay cũng không thể ngồi yên lâu. Tôi nói,

“Lan ơi! Em hát hay lắm, nhưng hát hoài thì thầy không có chỗ ngủ. Đi tìm việc gì làm đi. Sẵn thầy ở đây thì thầy giúp em một tay.”

Lan trả lời: “Con chỉ muốn đi bắt con cua kình. Thầy giúp con hôn?”

“Được. Chúng ta đi.”

Lan quay qua hỏi Mển: “Chị Hai đi luôn cho vui?”

“Ừ, đợi chị thay đồ. Nhưng mà hổng được đâu Lan ơi, mình đi hết thì ai coi chừng vịt?”

“Hổng sao đâu! Em thả chó ra nãy giờ, chồn chạy hết rồi! Bây giờ em nhốt chó lại là xong, để thôi nó vật vịt. Với, em ở đây một mình. Hồi buồn quá, em cũng chèo xuồng đi chơi một mình hoài hà… Hai đừng méc ba nghen.”

Mển hỏi tôi: “Thầy thay đồ ba con nha thầy? Chứ đồ thầy đâu đi bắt cua được.”

Hai chị em Mển được một trận cười khoái chí khi thấy thầy trong bộ bà ba đen bạc màu sương gió. Không có gương nên tôi không biết hình thù mình lúc đó ra sao? Chỉ thấy xót xa cho hai em trong hai bộ bà ba cũ, phèn đã nhuộm đến đầu gối, cùi chõ áo. Nhưng hai em rất hăng hái lấy mai, xẻng để đào, đem nước uống xuống ghe.

Lan cầm chèo còn nghề hơn Mển, chắc nhờ sức khỏe. Lan chèo nhanh đến rẽ sóng thuyền đi. Không bao lâu chúng tôi đã đến cây mắm. Nhìn về căn chòi mới thấy hơi xa và nhìn cây mắm thì lớn hơn mình nghĩ.

Chúng tôi bắt tay vào việc, khi mồ hôi đã thấm lưng thì tôi hăng nhất. Cứ hất từng xẻng bùn đầy sang hai bên. Hai em quan sát dấu vết của con cua và cho tin khả tín nên tôi càng hăng đào. Thấm mệt thì dừng tay, có Lan có Mển tiếp tục đào. Càng xuống sâu, sình càng rắn lại như đất dẻo, rồi đất sét. Thầy trò dừng tay nghỉ mệt, uống nước. Tôi mới thấy cái hố đào được đã cả một mét khối đất. Dấu vết con cua vẫn còn nên chúng tôi tiếp tục hăng say đào. Thêm mét khối đất nữa được chuyển lên bờ thì chúng tôi thấm mệt. Cái hố đã sâu bằng đầu người và ba người đứng lọt trong đó thì cái hố đâu phải nhỏ. Nghĩ lại em Lan cũng kinh nghiệm đầy mình mới đoán biết được hang cua sâu lút đầu người.

Đất càng ngày càng cứng, rễ cây mắm càng dầy. Chúng tôi lại ngồi nghỉ, uống nước. Tôi không tưởng tượng được sức khỏe của hai cô gái quê này. Thấy mảnh mai là vậy nhưng khi làm việc thì bền bỉ, dẻo dai. Thay phiên nhau đào và chuyền đất lên trong khó khăn của chật chội và rễ cây mắm đan lưới dưới đất sâu. Các em kiên nhẫn đến đáng nể. Tôi thì tin tưởng ở dấu vết con cua vẫn còn nên tiếp tục. Bây giờ chỉ còn đào được một lỗ tròn bằng hai miệng thúng với thế hướng rẽ trái vì rễ cây mắm to quá đã cản đường xuốn sâu. Đất thì bắt đầu nhão lại là dấu hiệu con cua sinh sống trong đó. Cái lỗ tròn bằng hai miệng thúng đã quá tầm tay, nên tôi từ từ mất hút vào trong đó. Không còn xài xẻng, mai được nữa nên phải đào đất bằng tay. Tôi chuyền ra cho Mển, Mển chuyền cho Lan mới đủ sức ném được qua đống đất mà chúng tôi đã đào lên.

Tôi đã vô cái miệng thúng lớn hết một thân người nên việc chuyền đất ra càng khó. Tôi lại không biết coi dấu vết con cua quẹo bên nào nên làm mất dấu. Làm em Lan khóc ngọt, “Dzầy là mất con cua của con rồi,…” Cô bé hết tinh thần trong cơn mệt lả. Nhìn thương thảm làm sao.

Mển nhìn mặt trời đoán giờ, rồi nói với em Lan: “Lan ơi! Tới giờ cho vịt ăn rồi đó. Em về cho vịt ăn đi. Xong rồi quay ra đây. Để chị Hai coi lại coi sao. Đừng khóc nữa.”…

Mển nói vậy thôi mà Lan hết ngậm ngùi, ra sông tắm rửa, lặng lẽ chèo về chòi cho vịt ăn.

Còn lại hai thầy trò, Mển hỏi tôi: “Thầy tính sao giờ, thầy?”

Tôi nói: “Em vô coi thử đi, nếu tìm được dấu vết thì thầy đào tiếp. Ráng bắt cho được con cua này cho Lan. Nhìn nó khóc tội nghiệp quá!”

“Nó dzậy đó thầy ơi! Về nhà là nó quên hết hà.”

“Em coi lại thử đi. Ráng tìm cho ra dấu vết.”

Mển tìm được dấu vết con cua, rồi ở luôn trong đó. Moi móc từng bụm đất nhão chuyền ra cho tôi. Tôi thay phiên thì đường hầm sâu hút như đã tới âm phủ. Thật vô cùng vất vả cho hai thầy trò ngoan cố, nhưng chạm mắt nhau trong không gian hẹp lại thích thú đồng minh với tính cứng đầu. Cứ “ráng đi thầy”, rồi “ráng đi Mển”… tới tảng đá cục cựa dưới bụng làm tôi hoảng hồn, la làng!

Chúng tôi đã đào qua luôn chỗ con cua nằm. Phải kinh nghiệm dữ lắm, Mển chỉ tôi mới thấy ra con cua ém mình khôn khéo vô cùng vào một hốc rễ cây mà dân thành phố như tôi thì đánh chết cũng không nhìn ra được.

Moi được con cua kình như những nhà khảo cổ đào được báu vật. Thầy trò ngồi thở dốc dưới hố sâu như một cái huyệt chôn người chết. Tôi chưa bao giờ thấy một con cua to đến thế này. Nó già như ông trăng, già đến không thèm nhúc nhích. Mển thích chí mê hồn với thành tích hôm nay. Cứ gõ cộp cộp lên lưng con cua già, rồi cười khanh khách. Tôi nhìn lên bầu trời không gợn một áng mây…

“Thầy nghĩ gì mà nhìn trời hoài vậy?” Mển hỏi đột ngột. Nên tôi trả lời: “Em nhìn lên trời thử xem, đây là câu thành ngữ: ếch ngồi đáy giếng mà thầy nói bao nhiêu các em cũng không hiểu.”

“Con hiểu mà. Mình ngồi dưới đây thì ông trời nhỏ xíu… phải hông thầy?”

“Nhưng ông trời thật của mình là ở trên kia, là bao la, là bát ngát. Mình ngồi mãi dưới này chỉ là giếng đâu ếch đó. Em có hiểu không?”

“Thầy nói, con hổng hiểu gì gáo (ráo)!”

“Thôi lên. Tắm rửa rồi về.”

“Mệt quá thầy ơi! Cho con nghỉ một chút…”

Tới cả ngàn năm sau ông thầy cũng không hiểu gì ráo nên ngồi yên cho Mển tựa vai thầy nghỉ mệt.

Tới cô trò xổng hồn mơ màng, “Thầy dzái trời cái gì dzậy thầy?”

“Thầy vái ông trời rụng thiên thạch, lấp kín hố này, cho giếng đâu ếch đó. Em có sợ chết không?”

“Thầy bị ma nhập rồi hả thầy? Đừng làm con sợ. Thôi lên. Nhanh lên…”

Chúng tôi ra sông tắm. Mển tắm cho con cua già rêu vàng, rêu xanh mọc đầy trên mình nó. Con cua không cần cột tay trói chân cũng nằm im như đá linh. Chả biết đá thiêng hay đá tội tình.

Lan chèo xuồng ra chưa tới nơi, nghe tiếng chị cười nên em cũng reo vui. “Bắt được rồi hả chị Hai?” Tiếng hai chị em vang theo sông nước tới muôn trùng…

Tạm biệt căn chòi mà tôi nghĩ lúc rời xa là thể nào tôi cũng trở lại vì một phần tâm tư đã hoà vào đất, nước nơi này. Nhưng nghiệt ngã chờ tôi muôn lối dưới trời bao la, bát ngát. Khung trời nhỏ xíu tôi yêu sẽ mãi là kỷ niệm chốn quê nhà.

Mển chèo xuồng về chòi, rồi chèo về nhà vì ba em đã ra chòi ngủ đêm để coi đàn vịt. Lan ngồi mê mẩn với con cua già trong khoang ghe. Hai cần xé trứng đầy ụ chở về cũng là hai cần xé mồ hôi nước mắt người nông thôn đổi lấy cuộc sống của cả một gia đình hiền lành, chất phác. Cầu cho họ an lành.

Mặt trời đỏ ối trên sông Soài vẫy chào một ngày lành đã qua. Tôi cứ nhìn Mển buông từng nhịp chèo mà buông thả tâm tư theo gió. Tôi thấy mình mặc quần jean Levi’s, áo thun adidas, cổ quấn khăn rằn, chân đất; tay chèo nước ngược, tay chống gió chướng, để Mển mãi hồn nhiên… tôi ngủ thiếp đi.

Câu chuyện của hai chị em nhà họ Trương đánh thức tôi dậy,

“Lan ơi! Chị Hai thấy… hay mình thả nó đi nha Lan?”

“Chị Hai nói gì kỳ dzậy. Cực thấy mồ tổ mới bắt được con cua vĩ đại như dzầy! Rồi biểu thả!”…

“Hai thấy nó giống như bà già mù ăn xin ở cầu đò Phú Xuân. Tội nghiệp quá hà.”

Lan lay tôi, “Thầy, thầy dậy đi. Thầy tính sao, chị Hai con nói…?”

“Ừm… Thả bà tiên dưới gốc cây mắm đi em. Bà ấy sẽ ban thưởng cho em đó.”

“Thiệt hôn thầy?”

“Nếu em chịu thả thì tối nay em ngủ mơ sẽ gặp bà tiên cua. Em ước gì thì nghĩ sẵn đi để không kịp xin tiên ban cho.”

“Nhưng không đem về xóm… thì đâu ai biết mình bắt được con cua bự nhứt từ trước tới giờ?”

Mển nói chen vào: “Có thầy làm chứng là người ta tin hết đó. Thả nó đi Lan ơi!”

Lan ngồi suy nghĩ lâu. Cô bé nhoẻn miệng cười: “Con ước bà tiên may cho con bốn cái áo dài. Hôm trước con thấy mấy chị trong xóm đi đám cưới, mấy chị mặc áo dài đẹp lắm. Con thích bốn màu là màu đỏ lựu chín, màu xanh lá mạ, màu tím hoa cà với màu vàng bông đậu bắp…”

Như một thỏa ước với thần linh đã ngã ngũ. Cô bé thả con cua già xuống làn nước sông đùng đục. Giòng nước mang đi bốn màu hoa quả của người chân quê, kẻ thị thành gởi theo câu lỡ lời “giếng đâu ếch đó” nhé bà tiên cua, vì người cầm chèo đã hoen mắt hiểu khi chiếc xuồng cặp vào cầu Rạch Sấu để thầy về…

Tạ ơn em mùa về ngọt ngào kỷ niệm…

Điện thoại reo, Tề gọi tôi cho hay bạn đã về tới nhà bình an. Tôi cũng vừa qua cơn mơ ba mươi năm gặp lại. Chỉ khác khung trời sông nước hữu tình thì đây viễn xứ, những chiếc lá vàng xào xạc thay tiếng lá rặng dừa nước sau chòi ru mãi tình quê…

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search