T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: NGÀY TRỞ VỀ

hoa-facebook-1

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Cha mẹ tôi qua đời trong một tai nạn xe cộ khi anh Nam mười bốn  tuổi và tôi mười hai tuổi. Bác Tư  -anh của ba- mang anh em tôi về nuôi  nấng và thương yêu như con ruột, nhưng vì công việc làm ăn khó khăn, nên Bác thường phải đi xa, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Có lẽ, vì chúng tôi là gánh nặng của gia đình, nên bác gái và  hai anh -con  của bác-  ghét  anh em tôi ra mặt. Từng ấy tuổi,  ngoài giờ đi học, chúng tôi phải gánh vác gần hết mọi công việc nặng nhọc trong gia đình.  Bác gái thường vắng nhà để đi đánh bạc. Anh Trương, anh Thành thì chỉ lo ăn  chơi, bạn bè đàn đúm suốt ngày. Đi thì thôi, mà cứ về đến nhà là bác và các anh kiếm chuyện rày la, chửi bới. Anh Nam là con trai, tính tình bướng bỉnh, không chịu được những sự hà hiếp vô lý, nên thường có thái độ phản kháng và đó là lý do khiến anh hay bị ăn đòn và bị bỏ  đói. Chỉ có những hôm bác Tư  về nhà thì chúng tôi mới được đối xử tử tế. Vì thế, bác không hề hay biết nỗi bất hạnh mà anh em tôi phải hứng chịu.

Có một năm bác Tư về nhà ăn Tết, không biết bằng cách nào anh Trương đã lấy trộm của bác một số tiền khá lớn để dẫn bạn bè đi ăn chơi,  nhậu nhẹt cả mấy ngày. Ở nhà, bác Tư khám phá ra số  tiền bị mất, chưa kịp hỏi đầu đuôi, bác gái đã đề quyết là anh Nam ăn cắp. Anh Nam còn đang bàng hoàng, ngơ ngác thì bác gái đã tát vào mặt anh,  mắng nhiếc xối xả:

-Cái thứ hư hỏng, không có tiền thì nói tao cho đừng giở thói gian tham.

Bác Tư trừng mắt nhìn bác gái, nghiêm nghị hỏi:

– Thằng Trương đâu?.

Thế là bác gái la hét, khóc lóc ầm ĩ:

-Nói vậy là ông nghi ngờ  con tôi phải không?

Mặc cho bác gái làm mình làm mẩy, bác Tư  lạnh lùng bỏ lên lầu. Khoảng hai giờ sau anh Trương về đến, mặt đỏ gay, bơ phờ. Anh sợ sệt nhìn bác Tư khi bị vặn hỏi:

-Mấy ngày nay con đi chơi những đâu…  làm sao mà có tiền tiêu xài?

Anh Trương còn đang ấp a, ấp úng thì  bác gái đã xỉ vào mặt anh  Nam:

-Thằng này, chính thằng này đã lấy tiền của ông.

Rồi bác lôi anh Nam xềnh xệch vào chiếc giường ở cạnh bếp, giở chiếu lên, để lộ ra một gói giấy báo cũ mèm, xếp vội vã. Anh Trương nhào tới đấm đá anh Nam túi bụi. Anh Nam đứng yên  không né tránh. Còn tôi thì như  trên trời rớt xuống. Chuyện gì đây? Tôi biết tính tình của anh tôi, ngay thẳng, tự trọng và thật thà. Có phải bác gái đã lập mưu kế để gỡ tội cho anh Trương không?

-Con không tin là anh con làm chuyện này!

Tôi quỳ xuống, ôm chân bác Tư  khóc nức nở. Bác Vỗ nhẹ vào tay tôi như thầm nói “bác biết”, rồi quay lại, túm ngực áo anh Trương, xô vào vách nhà. Gia đình hỗn loạn trong tiếng khóc, tiếng la. Và ngay khi thủ phạm vẫn  chưa biết  là ai thì có người đến nhà, gọi bác Tư phải đi giải quyết chuyện khẩn  cấp. Trước khi bước ra cửa, bác Tư còn quay lại nói với anh Trương bằng giọng cứng rắn:

-Tao sẽ trở về… ai lấy thì liệu mà nhận tội đi.

Bác gái vẫn tiếp tục la lối, gán tội cho anh Nam, nhưng anh khẳng khái và quyết liệt  trả lời:

-Anh Trương lấy tiền của bác Tư.  Chính bác lấy tiền khác giấu dưới chiếu rồi đổ tội cho con.

Anh Trương xấn vào đạp vào bụng anh Nam. Đã vậy, bác gái còn chạy vào bếp lấy cây roi ngựa đưa cho anh Trương. Tôi khóc lóc, van  nài đến khàn cả tiếng mà vẫn không ngăn được những lằn roi, quật vun vút vào thân thể gầy gò của anh Nam. Đêm đó, tôi vừa bôi thuốc trên những vết thương rướm máu của anh, vừa khóc sướt mướt trong nỗi đau xót và lo sợ, khi  nghe anh nói phải rời bỏ căn nhà này. Tôi tha thiết xin được đi theo, nhưng anh Nam ôm tôi vào lòng, nói trong nghẹn ngào:

-Em là con gái, đi với anh không tiện, vì… bây giờ anh cũng chưa biết sẽ đi đâu và làm gì để sống. Cố nhịn nhục vài năm nữa anh sẽ trở lại đón em.

Năm đó anh Nam mười sáu tuổi.

Hai năm trời bặt tin anh, tôi tiếp tục sống trong đày đọa với nước mắt hàng ngày -nước mắt tủi buồn và nước mắt nhớ thương. Sang năm thứ ba, tôi nhận  được thư  của anh Nam, trong đó anh  cho biết đã tình nguyện đăng vào lính. Anh hứa, khi nào được thuyên chuyển đến một nơi ổn định, anh sẽ về đón tôi. Dù nghèo đói, dù vất vả, nhưng anh em có nhau và chắc chắc chúng  tôi sẽ có những ngày vui vẻ, thoải mái. Tôi mừng vui trong sự nôn nao chờ đợi. Nhưng rồi lời hứa đó mãi mãi đi vào hư vô, khi một ngày mùa hè, có người lính đến nhà báo tin anh Nam tử trận chỉ sau hai ngày trình diện đơn vị.

Cả trời đất như sụp đổ. Tôi ngất xỉu trên tay bác Tư  khi vừa kịp nhìn thấy những dòng lệ hiếm hoi trên đôi mắt bàng hoàng của bác. Suốt ngày hôm sau, Bác Tư  cứ đứng trước chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhìn mãi vào tấm ảnh của anh Nam, với mái tóc hớt cao và khuôn mặt vẫn còn nét trẻ thơ, nhưng sao như có nỗi buồn nào đó viền quanh nụ cười.  Cũng như  tôi, bác Tư  vô cùng đau đớn vì không được nhìn mặt anh Nam lần cuối. Thi hài của anh nằm giữa những mảnh gỗ kia không còn toàn vẹn vì đạn pháo kích. Môi bác mím chặt, đôi mắt ráo hoảnh nhưng đỏ hoe và hun hút nỗi buồn. Bàn tay bác nắm lại, đập không ngừng lên nắp quan tài và lặp đi lặp lại hoài một câu nói:

-Bác có lỗi con. Bác đã không làm tròn lời hứa với ba con là sẽ lo lắng, nuôi nấng con cho đến ngày khôn lớn.

Dù có ân hận đến mấy, dù có ước muốn được gần gũi, chăm sóc tôi để đền bù sự mất mát quá lớn của đứa cháu tội nghiệp, nhưng cuộc sống gia đình với miếng cơm, manh áo vẫn buộc bác Tư phải vắng nhà với những chuyến đi xa liên tục. Bác đi mà lòng vẫn đinh ninh  đứa cháu bé bỏng  của mình sẽ được bác dâu và hai người anh đối xử  tử tế như những ngày bác ở nhà đã chứng kiến. Nhưng bác đâu biết rằng, khi bác đi rồi thì màn kịch cũng hạ màn, và cô bé lọ lem là tôi vẫn mãi mãi gánh chịu sự bạc đãi, bất công. Thím Sáu hàng xóm nhiều lần bảo tôi, phải nói thật cho bác Tư biết, chứ  sao lại che đậy cho người xấu để họ lộng hành. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu tôi phải làm gì để đổi lấy hai chữ bình an cho chính bản thân mình.

Năm tôi mười bảy tuổi, thừa lúc bác Tư đi Singapore, anh Trương và anh Thành xin  phép bác gái tổ chức tiệc giáng sinh. Cả ngày hôm đó, vì phải nấu nướng bao nhiêu món để đãi khách, nên khi tiệc bắt đầu là tôi đã mệt lã -có thể là do bị cảm từ mấy ngày trước. Thấy mọi người ăn uống vui vẻ, chẳng ai còn để ý và sai bảo gì  nữa, nên  tôi uống hai muỗng thuốc cảm ho ngay khi đầu óc choáng váng.  Buông người xuống giường, tôi trôi nhanh vào giấc ngủ mê man không còn biết  gì nữa.

… Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc vì cảm giác  trống trải và lạnh lẽo. Tôi ngồi bật dậy và chợt nhận ra trên người mình không có quần áo. Tôi sợ hãi, lăn ra phía ngoài thì đụng phải một người đang nằm chắn ngang với mùi bia rượu nồng nặc. Tôi kinh hoảng hét lên. Tiếng hét thất thanh của tôi vang lên lộng lồng giữa đêm khuya thanh vắng đã đánh thức mọi người. Có tiếng chân chạy rầm rầm xuống cầu thang. Tôi với tay lấy tấm chăn mỏng quấn vào người, nhảy xuống giường, chạy đến cửa, định bật công tắc đèn. Nhưng một cánh tay đã choàng ngang cổ tôi xiết mạnh. Tiếng thì thầm thật nhỏ, khiến tôi không nhận ra giọng nói của ai.

-Im, lộn xộn là chết liền.

Giọng bác gái run rẩy từ phía ngoài vọng vào:

-Chuyện gì, chuyện gì thế?

Tôi chưa kịp trả lời thì bị đẩy thật mạnh, ngã chúi về phía trước, đầu đập vào vách tường  đau điếng. Cái bóng đen chạy lướt qua, bác gái hỏi nhỏ:

-Ai! ai đó?

Bác gái bước vào phòng bật đèn lên. Nhìn thấy tôi, bác đưa tay lên bụm miệng, giọng rên rỉ như muốn khóc:

-Trời ơi là trời! tại sao như thế này.. tai họa đến nơi rồi!!!!

Những ngày kế tiếp tôi nằm liệt trên giường, cả thân thể rêm rả không cất người lên nổi. Cái cảm giác kinh hãi và gớm ghiếc khiến tôi lợm giọng, không ăn uống được, dù bác gái cố tình nài ép. Suốt ngày tôi chỉ khóc và khóc, không mó tay đến công việc. Bình thường, bác gái đâu để cho tôi yên ổn nghỉ ngơi. Nhưng lần này bác chăm sóc tôi rất ân cần. Bác ngọt ngào hỏi han:

-Con… con muốn gì cứ nói, bác sẽ cho.

Rồi bác chắc lưỡi, ra vẻ đau xót:

-Bác chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Hôm đó bạn bè, khách khứa của anh con đầy nhà. Bác không biết ai là ai… mấy cái thằng uống rượu vào cho nhiều rồi chẳng ra làm sao… mà con có thấy mặt cái người…. trong phòng con… con có đoán được là ai không?

Tôi lắc đầu trong tiếng khóc tức tưởi. Dù là một đứa con gái khờ khạo, nhưng tôi cũng có thể đoán được thâm ý của bác gái. Có thể bác biết là ai đã hại tôi, nhưng bác giả vờ không biết để hướng suy nghĩ của tôi về người khác. Điều bác đang lo sợ nhất là bác Tư sẽ biết chuyện này, nên nói xa, nói gần như để dặn dò tôi:

-Dạo này công việc làm ăn khó khăn, bác Tư  rất lo lắng, buồn phiền. Bác sợ ổng nghe chuyện này rồi khổ tâm, sinh bệnh hoạn. Con thương bác Tư  thì khoan nói gì.  Chuyện đâu cũng còn đó, để từ từ bác sẽ nói cho.

Anh Thành thì ra vào nóng nảy:

-Mẹ đưa con nhỏ này đi đâu cho rồi. Ở trong nhà khóc lóc mãi ai mà chịu nổi. Nó còn ở đây, có ngày con điên mất.

Còn anh Trương, kể từ ngày xảy ra chuyện, tôi không thấy bóng dáng anh đâu.  Khoảng một tuần sau, khi tôi bắt đầu tỉnh táo, bác gái gọi tôi lên lầu, nói:

-Hôm qua, bạn của bác Tư nhắn bác lên nhà lấy thư . Bác Tư bảo, đưa con lên đấy để lo cơm nước cho bác, với lại bác cũng có thể coi sóc việc học hành của con…

Tôi không còn nghe bác gái nói thêm gì nữa. Những lời vừa rồi của bác gái như một liều thuốc nhiệm mầu tăng thêm sức lực cho tôi. Tôi cảm thấy vui mừng vì sắp được gặp bác Tư  và sắp được thoát khỏi căn nhà u ám này. Bao lâu nay, tôi mang  trong lòng nỗi đau và nỗi hận. Tôi hận bác gái và các anh đã đối xử khắc nghiệt để anh Nam phải lăn thân vào lửa đạn khi  còn trong lứa tuổi cắp sách đến trường. Còn ở đây ngày nào, tôi còn buồn bã, nhớ thương anh Nam se thắt cả tâm hồn khi nhìn chung quanh, nơi nào cũng có bóng dáng người anh thân yêu với những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui mà hai anh em đã từng chia sẻ. Bây giờ lại thêm chuyện bất hạnh vừa xảy đến cho tôi, những vết thương như ngày càng loang lỡ, nhức buốt hơn.

Sáng hôm sau, tôi xách túi quần áo đi theo bác gái. Chuyến xe đò xuôi về miền tây đưa tôi đến một nơi chốn xa lạ nào đó,  chắc chắn sẽ mang đến cho tôi một cuộc sống ấm cúng hơn trong tình thương của người bác kính yêu. Tôi đã nghĩ như thế trong suốt cuộc hành trình dài hơn bốn tiếng đồng hồ.

***

Khi ở trong căn nhà -mà bác gái bảo bác Tư sẽ đến đây đón tôi – đến ngày thứ ba thì tôi mới biết…

-Ủa! chứ em không biết là em được đưa đến đây để làm người giúp việc trong gia đình này sao?

-Hả?

Tôi loạng choạng dựa vào thành ghế:

-Chị… chị nói vậy là sao?

-…

Thì ra, chủ nhà này cần người giúp việc để thay thế chị Thơm đang xin nghỉ để về quê chăm sóc người mẹ già đang bệnh nặng. Và qua sự giới thiệu của một người nào đó, bác gái đã đưa tôi đến đây, lấy trước một số tiền, rồi đành đoạn bỏ tôi ở lại không nói một lời. Tôi bàng hoàng ôm mặt khóc ngất. Chị Thơm rơm rớm nước mắt nhìn tôi thương cảm. Ánh mắt của chị khiến tôi càng tủi thân hơn. Tôi ngã đầu vào vai chị, thút thít kể hết mọi chuyện. Chị thở dài:

-Trên đời này sao lại có hạng người ác độc như thế?

Chị khuyên tôi an tâm ở lại đây, rồi từ từ dò hỏi tin tức của bác Tư , hoặc viết  thư cho bác rồi gửi về nhà một người hàng xóm tốt bụng nào đó, nhờ họ trao lại cho bác. Tôi nghĩ ngay đến thím Sáu và cảm thấy lòng mình như nhẹ đi. Phải rồi, với cách đó tôi có thể liên lạc với bác Tư.  Tôi không thể mất bác Tư, vì anh Nam đã không còn nữa, thì trên cõi đời tôi có còn ai ngoài bác là người thân duy nhất để tôi nương tựa trong cuộc sống quá nhiều chông gai và cạm bẫy. Thấy tôi có phần tươi tỉnh chị Thơm dặn dò thêm:

-Cô chủ là người tốt bụng, nhân lành, nhưng hơi  kỹ tính, em chịu khó để tâm một chút. Khi biết ý của cô rồi, em cứ ngoan ngoãn, lễ phép, nghe lời cô và quan trọng nhất là thật thà, siêng năng thì sẽ được cô thương mến như con cháu trong nhà.

Chị Thơm còn khoe, khi chị xin nghỉ việc, cô chủ cho chị thêm một tháng lương, còn gửi tiền biếu mẹ chị và may cho chị bốn bộ quần áo mới. Những lời nói của chị Thơm đã tháo gỡ giùm tôi nỗi lo âu nặng trĩu trong lòng. Thôi thì… ở với bác cũng có khác gì người giúp việc, mà lại còn bị đối xử tàn tệ. Biết đâu, nơi chốn này sẽ cho tôi một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nghe lời chị Thơm tôi làm việc cẩn thận, siêng năng và chú ý từng ý thích của mỗi người trong gia đình, nên cô chủ rất hài lòng. Hai đứa con của cô chủ, một bé gái mười tuổi và một cậu trai tám tuổi đều rất mến tôi, nên tôi  càng được lòng bố mẹ của chúng.  Một buổi tối, khi tôi đang ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ cạnh nhà bếp thì cô chủ mở cửa bước vào. Nhìn thấy mắt tôi đỏ hoe, trên tay đang cầm tấm ảnh của anh Nam, cô ngồi xuống cạnh tôi, nhỏ nhẹ hỏi:

-Anh con đây hả?

-Dạ…

Tôi nói không thành câu giữa hai hàng nước mắt ràn rụa. Có lẽ, trước khi đi chị Thơm đã kể mọi chuyện về tôi, nên cô chủ xoa nhẹ vai tôi, an ủi:

-Thôi đừng buồn nữa, từ từ rồi tìm cách liên lạc với bác của con. Còn anh con … sao không làm bàn thờ để mỗi đêm đốt nhang cho anh con được ấm áp linh hồn.

Trời ơi! đó không phải là điều tôi đang mong ước sao?  Nhưng vì ăn nhờ ở đậu nhà của chủ, biết họ có kiêng cử gì không, nên tôi chẳng dám xin. Tôi quỳ xuống đất, cúi người thật thấp cám ơn cô trong nỗi nghẹn ngào:

-Con đội ơn cô.

Cô chủ bước đến ôm đầu tôi, không giấu được nỗi xúc động:

-Tội nghiệp quá… nhớ cầu nguyện anh con phù hộ cho con gặp lại bác của con.

Từ đó, tôi cảm thấy ngày tháng sống của mình bắt đầu có ý nghĩa. Đôi lúc tôi có cảm tưởng như đây là cô chú và hai em ruột thịt của tôi.

Khi bắt đầu quen thuộc với mọi công việc trong nhà và tinh thần cũng tạm ổn định, tôi viết thư cho bác Tư qua địa chỉ nhà của thím Sáu. Nhưng chưa nhận được tin tức gì thì đã đến ngày 30 tháng 4. Tôi may mắn được cô chủ cho đi theo trong chuyến di tản để bắt đầu một cuộc đổi đời.

***

Năm đầu tiên đến Mỹ, ban ngày tôi đi làm cùng cô chủ trong một shop may gia công, chiều về, hai cô cháu xúm xít sửa soạn bữa cơm cho cả nhà. Tiền lương mỗi tháng tôi đưa hết cho cô. Cô nhất định không nhận, nhưng tôi tha thiết van nài:

-Từ trước đến nay cô đã không xem con là người giúp việc mà đối xử với con như một đứa cháu. Vậy thì cô phải cho phép đứa cháu này đóng góp chút  ít để đền đáp công ơn cưu mang của cô chú.

Cô chủ vuốt tóc tôi mà nước mắt rưng rưng vì cảm động. Tôi cũng không giấu được những giọt lệ sung sướng, vì trời đã ban cho tôi một mái ấm gia đình.

***

Mười lăm năm sau -khi ấy tôi đã có chồng và sinh được một bé gái- tôi quyết định về Việt Nam thăm bác Tư. Cũng phải hai mươi năm hơn, kể từ khi tôi rời khỏi nhà bác Tư, trải qua bao thăng trầm, gian nan trong cuộc sống nhưng niềm oán hận trong lòng tôi vẫn không nguôi. Tôi muốn có một ngày nào đó  trở về, đứng trước mặt bác gái, cầm xấp tiền, ném vào mặt bác, để nhắc cho bác nhớ rằng, cũng vì tiền mà bác nỡ lòng đem  đứa cháu của chồng mình bán cho thiên hạ và không cần biết đến chuyện gì sẽ xảy đến cho nó. Nghĩ đến sự đau khổ, hỗ thẹn của người đàn bà ác độc đó tôi thấy hả hê trong lòng.

Trước ngày đi, cô chủ gọi tôi sang nhà. Sau một lúc trò chuyện cô chợt hỏi tôi:

-Nếu gặp lại bác gái, con sẽ xử sự thế nào?

Tôi cúi đầu im lặng, không dám nói lên ý nghĩ của mình. Dẫu sao, những điều tôi nghĩ cũng chẳng tốt lành gì, nếu không nói là nhỏ mọn, hẹp hòi. Cô xoa nhẹ bàn tay tôi, nói thật dịu dàng:

-Cô biết con chưa quên được chuyện cũ. Nhưng con à! oán thù nên cởi không nên buộc. Nếu con không tha thứ được cho bác ấy thì người đau khổ đầu tiên là con. Có phải nhiều năm nay lòng con luôn nặng nề khi nghĩ đến điều đó không? Bây giờ trở về, con có đủ điều kiện để quăng tiền vào mặt bác, xỉ vả, kể lể tội tình của bác…  nhưng kết cuộc con sẽ nhận được gì hay chỉ đem đau khổ đến cho bác Tư của con.

Tôi bật khóc khi bị cô chủ đọc hết  ý nghĩ của mình:

-Nhưng cô ơi! nhớ đến cái chết tức tửi của anh Nam, con không bao giờ quên được những gì bác gái đã đối xử với anh em con. Cho đến bây giờ, cứ vài đêm con lại nghe thoang thoảng bên tai tiếng rên đau đớn của anh con khi bị bác và các anh xúm lại đánh. Lòng con chưa nguôi được nỗi giận hờn.

Cô chủ đưa hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt tôi:

-Cô hiểu nỗi đau của con. Nhưng con hãy nhìn theo câu chuyện theo cách khác. Giả như ngày trước, bác gái không đem con đến nhà cô thì bây giờ cuộc sống con sẽ ra sao giữa cái xã hội xô bồ, phức tạp và khốn khổ đó. Có phải, nhờ sự bạc đãi của bác gái mà con đã có được một cuộc sống mà biết bao người ở Việt Nam đang mơ ước không? Hãy cố nghĩ như vậy con sẽ thấy sự oán hận trong lòng con nhẹ đi. Con biết không, nếu con đối xử tốt thì tự bác ấy sẽ hỗ thẹn.

Tôi ra về với bao nhiêu ý nghĩ mâu thuẫn trong đầu. Nên hay không nên làm những điều tôi đang muốn làm?

***

Tôi đến nhà bác Tư khi đám tang của bác gái vừa xong. Bác Tư cầm tay tôi, nước mắt rưng rưng:

-Con còn giận bác gái phải không?

Tôi cúi đầu im lặng, không biết phải trả lời sao. Nếu nói không, thì tôi đã dối lòng. Nhưng nếu nói còn, thì trong chữ còn đó có vướng víu chút gì xốn xang khi biết bác gái đã qua đời. Giọng bác Tư đều đều, buồn bã:

-Những ngày sắp mất, bác gái cứ nhắc con và mong được gặp con một lần. Thật tình, bác Tư rất giận con, vì những lá thư con gửi về, chưa bao giờ con có một lời hỏi thăm bác gái và hai anh. Bác giận cháu mình sao không tình, không nghĩa, nên nói với bác gái  “đừng nhắc nó nữa, nó bỏ nhà đi không nói một lời, rồi bây giờ… bộ nó tưởng cứ có tiền gửi về là không cần han hỏi một lời đến người đã thay tôi chăm sóc nó từ bé hay sao..”. Bác gái không nói gì chỉ ôm mặt khóc rưng rức, làm bác Tư  càng giận con. Nhưng mới đây thôi… hai ngày trước khi nhắm mắt, bác gái mới nói tất cả sự thật cho bác nghe. Bác nghẹn ngào rớt nước mắt, vì đã trách lầm đứa cháu tội nghiệp của mình mà đâu hiểu nỗi thống khổ của nó. Bác giận bác gái biết bao nhiêu. Nhưng nhìn cái thân hình da bọc xương, hai bàn tay chấp lại, mắt nhắm nghiền, miệng cứ lảm nhảm “cho tôi gặp con Hoài, tôi muốn lạy nó một lạy để xin tha thứ, cho tôi được ra đi  thanh thản.”

Trái tim tôi như thắt lại trong niềm hối tiếc. Nếu tôi nghe lời cô chủ, đừng chần chờ, nấn ná, thì tôi đã gặp bác gái trước giờ lâm chung để nắm tay bác mà nói “con không giận bác nữa đâu” cho bác được nhẹ lòng trước khi nhắm mắt.

Sau khi đốt nén hương cho bác gái tôi ra về với cõi lòng nặng trĩu. Bây giờ, tôi mới thấm thía lời khuyên của cô chủ “Nếu con không tha thứ được cho bác thì người đau khổ đầu tiên là con”[]

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search