T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lâm Tuyền: Tơ Sầu

“… Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa ‘phôi thai’, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế. . . ”

Lâm Tuyền: Tơ Sầu

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

to-sau-1 to-sau-2

to-sau-3 to-sau-4

Tơ Sầu – Sáng Tác: Lâm Tuyền

Trình Bày: Khánh Ly (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v… ( TVấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2015

Nghe thêm: Hoài Nam – 70 năm tình ca – Lâm Tuyền

Đọc Thêm:

Lâm Tuyền-Dạ Chung: Tiếng Thời Gian

 nhạc sĩ  LÂM TUYỀN

(Trích lại từ http://thang-phai.blogspot.com)

Trong ký ức  của tôi, Lâm Tuyền là một nhạc sĩ điển trai, nét mặt có góc cạnh, giọng nói rổn rảng, trực tính. Khi nổi giận như sấm sét, lúc hiền hòa rất dễ mến. Ở Huế, những năm 60, Lâm Tuyền rất nổi tiếng. Nhạc của ông khác hẳn nhạc sĩ của đồng hương như Nguyễn Hũu Ba, Ưng Lang, Văn Giảng, Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh v. v…

Nhạc của Lâm Tuyền rất hay, rất truyền cảm và sang  trọng. Màu sắc  trong âm nhạc Lâm Tuyền lấp lánh như kim cương, một thư kim cương đen rất khó chấp nhận. Phải chăng, chính vì thế, các ca sĩ tránh né hát nhạc Lâm Tuyền, mặc dù vẫn  có đó giọng ca Anh Ngọc hát thành công ca khúc Hình ảnh  một buổi chiều, Tiếng thời gian:“…  Tôi không giữ  trong tay một kho tàng nào cả, chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều khi nắng vàng nhuộm thắm mái tóc em ..”

                Ở Huế,  đầu những năm 50, mà ra tuyên ngôn tình yêu như thế là quá  bạo!  Có thể người ta vẫn thích, nhưng chỉ giữ cái thích như một bí mật. Huế mình lúc ấy  đâu có  bộc lộ tình yêu tây như thế, mặc dầu người ta yêu, chưa chắc tây đã yêu hơn. Tôi biết Lâm Tuyền qua người chị ca sĩ của mình, ca sĩ Mộc Lan.  Lâm Tuyền rất thân Mộc Lan, hơn cả tình bạn; nhưng không vượt qua giới hạn cho phép.
Lâm Tuyền sáng tác rất ít, có thể, đó cũng là lý do nhạc của ông ít được phát trên đài phát thanh.   Hình như, chỉ khi thật sự xúc động, ông mới sáng  tác – và mỗi ca khúc là một chuyện tình – hơn thế nữa, là 1 chuyện tình đã mất mát! Trong âm nhạc của Lâm  Tuyền, thời gian là 1 ám ảnh, một nỗi xót xa, một hoài niệm. Với cách thể hiện rất riêng, ông để lại cho đời những tình khúc chẳng bao giờ nguôi; bồi hồi, nhung nhớ:  Hình ảnh một buổi chiều, Tơ sầu. Tiếng thời gian

Không chỉ phụ nữ lâm vào cảnh tài sắc đố kỵ, căn bệnh đậu mùa quái ác đã hủy hoại gương mặt điển trai của ông, để lại trên gương mặt vốn cuốn hút ấy những nét lồi lõm loang lổ. Vào thời gian này, chị tôi hát bài Tơ sầu của Lâm Tuyền, nghe như nỗi buồn giăng mênh mênh mang mang.

Huế là nơi sản sinh rất nhiều nhân tài, nhưng không giữ chân được vốn quí của mình. Chỉ riêng về âm nhạc, hết Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Mộc Lan, Lâm Tuyền rồi Ung Lang ra đi . Tôi không ngờ mình được gặp lại Lâm Tuyền ở Sài Gòn. Lúc này, ông đang mở môt lớp dạy độc tấu guitar đủ trình độ. Và, có lẽ do cuộc sống thôi thúc, ông nhận chơi  đàn ở các  vũ trường, đại nhạc hội, Lâm Tuyền nổi lên như một guitarist số 1, nghệ thuật của ông pha trộn  giữa flamenco modern, nhưng flamenco vẫ là chủ đạo.

Tình bạn giữa chị tôi và Lâm  Tuyền vẫn như khi ở Huế, nếu không muốn nói, chị tôi có phần biệt đãi hơn. Tuy đã phải chấp nhận việc đem bán nghệ thuật ở nơi công cộng, nhưng cuộc sống của Lâm Tuyền vẫn không dễ chịu hơn, ông thường gặp chị tôi, mượn vốn và trả rất đúng hẹn.  Thương bạn cũ có tài, không gặp thời; nên chị tôi không bao giờ từ chối. Và để khỏi nhận lại tiền cho mượn, chị tôi gửi tôi cho Lâm Tuyền đào tạo.  Lớp dạy đàn của Lâm Tuyền tổ chức như  lớp học của 1 ông đồ, cũ kèm mới, lớn kèm bé.  Tôi là kẻ thích chơi đàn, nhưng không có ý định theo đuổi nghiệp cầm ca, nên chỉ theo học mấy tháng; thuộc được dăm, ba bài solo tủ, rồi nghỉ. Nghệ thuật độc tấu guitar của Lâm  Tuyền  vào thời gian này đã đạt tới trình độ độc tôn.  Những  ca khúc do ông độc tấu được dùng làm làm đài hiệu, phát trên Đài phát thanh Sài gòn. Đặc biệt là bài La Cumpasita  do ông tự biên soạn  hòa âm, dành riêng cho dân  chơi guitar độc tấu. Người ta  như quên mất 1 nhạc sĩ Lâm Tuyền sáng tác ca khúc, chỉ còn guitarist Lâm Tuyền, với  cây guitar vật bất ly thân .

Thế rồi, rất đột ngột, tôi nhận được tin  Lâm Tuyền bị bắt, vì tội vượt biên sang Singapore để thức hiện giấc mộng chinh phục người yêu nhạc nước ngoài yêu nhạc nước ngoài bằng tiếng đàn của mình.
Sau biến cố này, người ta không còn nhắc tới Lâm Tuyền nữa. Nhạc của ông trước đây, rất ít ca sĩ hát, bây giờ lại càng lạnh ngắt. Lâm Tuyền đã từ bỏ âm nhạc? Đã ẩn cư?
Nếu định nghĩa, nhạc sĩ là phải sáng tác, chúng ta rất tiếc Lâm Tuyền không còn đam mê cái đẹp ấy nữa. Nhưng, với cây đàn, ta vẫn còn đó, cây guitarist tài năng! Số phận có vẻ không chiều nhạc sĩ gian truân này nữa rồi!  Lâm Tuyền rút vào bóng tối, truyến tiếng đàn của ông  cho học trò yêu guitar. Việc làm ấy có mục đích:
lưu lại nghệ thuật độc tấu của ông.
               – giải quyết vấn đề sinh kế của cuộc sống ẩn cư.

Sau 1975, tôi gặp lại  nhạc sĩ Lâm Tuyền mấy lần – ông già đi là lẽ dĩ nhiên – nhưng nỗi buồn ẩn hiện trong những nét khắc khổ trên gương mặt, khiến làm tôi nao lòng! Đã từng biết ông, từng được ông truyền những kỹ thuật solo, làm sao tôi có thể thản nhiên !!!
Đã bước sang  năm thứ 2 của thế kỷ XXI, Lâm Tuyền không còn nữa, ông mất cách đây mấy năm, ra đi âm thầm, đúng theo cách người ta đối xử với ông.
Tiếng thời gian đã lịm tắt, hình ảnh một buổi chiều đã lịm tắt theo.
Không gian hình như cũng có tơ sầu buông. []

TRẦN ÁNG SƠN

( Nxb Trẻ, tp HCM 2002,  tập 2  – tr.  141 –  146)

Bài Mới Nhất
Search