T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Fidel về với đất đen

fidel-cstro

Cái tin ông Đen (Fidel) chết làm nhiều người không ngủ được suốt đêm hôm qua. Một số -không nhỏ- ca hát nhảy múa tưng bừng để ăn mừng ở những nơi có người gốc Cuba tụ họp sinh sống (trên nước Mỹ – như Little Havana ở Miami chẳng hạn). Một số khác, khóc lóc “tiếc thương vị cha già dân tộc (Cuba)”.

Người nhẩy múa ăn mừng cái chết ồn ào này thì cho rằng đây là khoảnh khắc mà cả mấy thế hệ Cuba ( trong nước và ngoài nước) chờ đợi bấy lâu nay, thậm chí có người đã chờ gần hết cả đời (mình) để đến cái ngày hôm nay, cái ngày họ cho là “ngày ra đi của quỷ dữ”. Với họ, ngày hôm nay, tuy cái xác của lão Đen còn nằm đó (sẽ còn nằm đó trong suốt 9 ngày tới trước khi cho nó đi hẳn vào đất đen ngày 4 tháng 12 năm 2016), là dấu hiệu cơn ác mộng của đất nước đã chấm dứt, và cũng là dấu hiệu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của Cuba, kỷ nguyên không có Fidel Castro, dù em lão Đen là Raul Castro ( lại một lão già vô tích sự  khác) vẫn còn ở vị trí quyền uy. Fidel chết là chế độ Castro cũng chết theo. Ôi những rác rưởi của lịch sử! Thời nào cũng có. Mà chúng tồn tại rất dai. Nói theo một vị nữ lưu dân chủ ở Việt Nam: Không có luật Nhân Quả cho những kẻ độc tài.

Kẻ khóc lóc tiếc thương thì có lẽ do e sợ rằng, tay bạo chúa này chết đi, một tay khác thay thế sẽ độc ác hơn chăng? Cả đời cam chịu, nên đã quen với sự cam chịu, trở thành “ghiền” sự cam chịu, nay gánh nặng gây nên sự cam chịu chợt được nhấc khỏi đôi vai, gây cảm giác trống rỗng tiếc nhớ. Cũng chính nhờ sự cam chịu ấy của đám đông, của quần chúng nghèo khổ quen với sự áp bức, mà các nhà độc tài tồn tại lâu hơn người ta tưởng.

Quả là một nước Cuba (và người Cuba – trong và ngoài nước) hiện đang ở cả hai trạng thái vui và buồn ấy. Những hình ảnh vui đã xuất hiện trên các màn ảnh truyền hình nước Mỹ gần trọn ngày thứ Bảy hôm nay. Còn những hình ảnh buồn thì chưa thấy, hay phải đợi tới 9 ngày ‘quốc tang” cho “kẻ sát nhân, tên đồ tể, con quỷ dữ, gã hung thần” khi ấy thế giới mới được chứng kiến cảnh dân chúng gào khóc tiếc thương lãnh tụ như mấy năm trước được nhìn thấy dân Bắc Hàn khóc gã Kim Chính Nhật qua đời. Có người thấy thế bỗng buột miệng chửi thề dù cả đời chưa biết chửi thề là gì.

Chỉ bực bội một điều.

Cái lão Đen này, vốn không phải là  một gã đần độn, chắc chắn đã biết mình sai lầm để cho cả dân tộc Cuba sống trong nghèo khổ, ngu dốt mấy chục năm nay. Nhưng tự ái cá nhân lão lớn hơn sinh mạng của gần 12 triệu nhân dân, lớn hơn tương lai của cả một dân tộc mà lão tự nhận mình là người suốt đời đấu tranh vì nó. Và vì tự ái, lão cam tâm tiếp tục đánh lừa cả nước, tiếp tục để dân lão khổ, nước lão nghèo.

Người như thế mà lúc chết vẫn cứ gây ồn ào đến khó chịu.

T.Vấn

 

Những lượm lặt đây đó:

 

Lê Nguyễn Duy Hậu

Theo FB Lê Nguyễn Duy Hậu

Fidel Castro qua đời: http://www.bbc.com/news/world-latin-america-38114953

Tháng 8, mình đến Cuba, phần nhiều vì tò mò không biết rằng đất nước sẽ canh giữ cho giấc ngủ của thế giới sẽ ra sao. Kết quả là mình không thất vọng. Những gì mình hình dung về Cuba thậm chí vượt cả mong đợi của bản thân. Tất cả bắt đầu ở sân bay Cancun, Mexico, những người Cuba may mắn đi nước ngoài mang về quê hương các mặt hàng không ai nghĩ có thể vận chuyển bằng máy bay: tủ lạnh, tivi, máy tính, tủ giặt, và… lốp bánh xe. Sự chậm tiến của Cuba đã quá nổi tiếng và không cần phải chứng minh.

Khi đến Havana thì một màu đỏ tràn ngập của sân bay Jose Marti chào đón các du khách như khẳng định hệ tư tưởng vẫn chưa đổi màu của đất nước. Hệ tư tưởng Nhà nước thì có thể chưa đổi màu nhưng chắc chắn hệ tư tưởng của người dân thì đã đổi. Sự xuất hiện của internet vào đầu năm 2015 như mở ra một chân trời mới cho người Cuba, kết nối họ với những đồng bào bên kia bờ biển (và mở mặt họ với cuộc sống “tư bản”). Hầu như người dân Havana nào cũng sở hữu một smartphones thế hệ mới mua ở thị trường chợ đen và hầu như ai cũng chừa ra một khoảng thu nhập khá lớn của mình để có thể truy cập internet bằng tốc độ của thập niên 90. Nói một tí thì internet ở Cuba là internet công cộng (nhưng không miễn phí, giá truy cập là khoảng USD 3 – USD 7/tiếng) và không có khái niệm internet trong nhà. Cho nên cứ đến buổi tối là các khu vực công cộng (công viên) lại rất đông người Cuba ngồi dán mắt vào điện thoại, ipad (hình ảnh khá giống với trào lưu Pokemon Go thời bấy giờ nhưng tốc độ internet Cuba không cho phép người dân lãng phí như vậy).

Nhưng người Cuba thì lại rất lạc quan. Họ đang trong những ngày đầu tiên chập chững hoà nhập lại với cuộc sống bình thường. Trong họ có sự năng động, có năng lượng bị đè nén suốt 50 năm, và có cả những mầm mống của tệ nạn mà các quốc gia lao vào làm giàu (dựa trên nền tư tưởng giáo điều) luôn mắc phải. Mình thấy được sự chịu khó (tuy còn non trẻ) của người Cuba, trái với hình ảnh hoang tàn của thành phố Havana mà Tố Hữu vẫn thường ca ngợi. Tất cả như chờ đợi một sự kết thúc để bắt đầu điều mới. Sự kết thúc cuộc đời của Fidel Castro hứa hẹn cởi trói toàn diện cho người Cuba. Và cuối cùng thì ngày đó cũng đến.

Mình không phủ nhận Fidel Castro là một nhân vật lịch sử thú vị và đầy cảm hứng. Nếu không thì ông đã không thể mê hoặc người dân Cuba để có người sẵn sàng viết tên ông bằng máu khi chống lại cuộc lật đổ ở Vịnh Con Heo. Ngay cả người trẻ Cuba hiện nay vẫn cảm thấy sự gần gũi với vị lãnh tụ này, và những ai sống đủ lâu để nhớ sự tàn bạo của chế độ Batista sẽ thấy hàm ơn cuộc cách mạng của Fidel. Nhưng Fidel chỉ nên là một nhà cách mạng chứ không nên là một người lãnh đạo quốc gia. Một người lãnh đạo quốc gia sẽ biết rằng chính khách nào cũng chỉ có vai trò lịch sử trong khoảng thời gian nhất định và lợi ích của người Cuba phải nằm ở chính cường quốc to lớn bên kia bờ biển chứ không nằm ở Mozambique hay ở bờ Bến Hải. Một người lãnh đạo quốc gia cũng sẽ biết rằng không cuộc cách mạng nào thành công nếu như dân không được ấm no, tự do, và khai phóng. Mình cảm động trước thiện ý của ông khi muốn hiến máu Cuba cho người Việt Nam nhưng mình không chắc đó là ý hay (cho cả ta và Cuba). Sự chậm tiến của Cuba (và người Cuba) có trách nhiệm rất rất lớn của Fidel Castro và người em của ông đang ra sức sửa sai. Fidel đã sống quá lâu để chứng kiến “thành quả” cách mạng của mình vỡ vụn nhưng không biết ông có kịp nhận ra bản thân đã biến từ một người anh hùng đáng kính trọng thành một tay độc tài không? Cùng thời với ông có Nelson Mandela, người đã từng coi Fidel là cảm hứng cho cuộc đấu tranh của ông, đã khôn ngoan hơn khi biết từ giã quyền lực để đứng về phía tự do để rồi khi ông qua đời, người Nam Phi đã nhảy múa tôn vinh cuộc đời ông. Người Cuba chắc rồi sẽ khóc trong đám tang Fidel nhưng đôi lúc di sản một con người phải là những nụ cười của người dân chứ không phải những giọt nước mắt.

Fidel xin hãy an nghỉ. Ông đã sống cả đời vì dân tộc và đất nước Cuba, và lý tưởng ông hằng theo đuổi một cách trong sáng. Nhưng ông chỉ phạm một lỗi lầm duy nhất là đã tại vị quá lâu để trở thành một lực cản và cố chấp bằng cái giá của sự châm tiến đồng bào ông phải hứng chịu. Xem như lịch sử đã phán xét ông như chính tâm nguyện ở toà án Batista. Mong rằng đất nước Cuba anh em (mình vẫn nghĩ họ là anh em) vẫn sẽ tôn vinh ông và không bắt ông phải sống mãi trong sự nghiệp của bất kỳ ai.

* * *

Luật sư Lê Công Định: VNExpress đưa tin, theo Telegraph, hồi tháng 4/2016, ông Fidel Castro phát biểu trước các chính trị gia Cuba rằng ông có thể qua đời sớm nhưng lý tưởng của ông sẽ còn sống mãi.

Tôi e rằng lý tưởng cộng sản của ông đã chết trước ông từ lâu, không chỉ ở Cuba, mà trên toàn thế giới. Cái ông gọi là “lý tưởng” đơn giản chỉ là mớ lý thuyết thất bại, đã mang lại sự nghèo đói và lạc hậu của một dân tộc.

Tiện đây, xin sửa một từ sai mà VNExpress dùng. Ở các nước cộng sản nói chung, bao gồm cả Cuba, quan chức và đảng viên Đảng Cộng sản được gọi là “chính trị gia” sao?

Tôi tưởng từ “chính trị gia” hay “chính khách” chỉ dành cho những người làm chính trị có viễn kiến phát triển quốc gia một cách độc lập, không làm con rối của bất kỳ chủ thuyết áp đặt sẵn nào. Họ là những người tham chính bằng tranh cử tự do, chứ không được bổ nhiệm vào bộ máy hành chính rồi leo dần lên vị trí chóp bu bằng bợ đỡ hoặc cung phụng tiền bạc cho ai.

Ngay cả Fidel Castro cũng chỉ là một nhà cách mạng thuần tuý. Ông thay đổi thể chế cũ bằng thể chế mới do mình và các đồng chí thiết kế và thiết lập. Tuy nhiên, thể chế đó không tạo nên môi trường minh bạch và dân chủ cho các sinh hoạt chính trị đúng nghĩa.

Ông có thể vĩ đại trong mắt những kẻ ngợi ca chủ thuyết độc tài toàn trị hoặc thần dân chấp nhận nô lệ trong vương quốc cộng sản, nhưng chắc chắn sự nghiệp của ông mãi mãi bị khinh miệt bởi những ai từng hoặc đang tranh đấu cho sự tôn trọng quyền Con Người.

Vĩnh biệt ông, tôi ngậm ngùi, không phải cho ông, mà cho các nạn nhân của chính ông ở Cuba và của Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới.

* * *

Nguyễn Đức Thành: Con đường và di sản

Lý Quang Diệu (1923-2015) và Phidel Castro (1926-2016) là hai nhà cách mạng cùng một thế hệ, trong giai đoạn đỉnh cao của phong trào giải phóng thuộc địa đang diễn ra sục sôi trên toàn thế giới. Cả hai đều trở thành lãnh đạo đất nước vào năm 1959. Họ phải lựa chọn con đường cho đất nước non trẻ của mình. Cả hai đều là những người tràn trề năng lượng, tính cách mạnh mẽ, sắc sảo, đều là các nhà hùng biện, lôi cuốn quần chúng.

Phidel Castro đã chọn con đường theo chủ nghĩa cộng sản. Trong phiên toà xử ông tội lật đổ chính quyền, ông từng hùng hồn tuyên bố: “Lịch sử sẽ xoá án cho tôi.”

Lý Quang Diệu, trong cuộc vật lộn với các phe phái, phong trào trong nước, đã kiên quyết tuyên bố: “Nếu chủ nghĩa cộng sản thắng thế, thì tôi thà đưa Singapore trở lại làm thuộc địa của Anh.”

Cả hai đều kiên định con đường mình đã chọn. Cả hai đã duy trì quyền lực của mình đến cuối đời. Cả hai đều rất thọ. Cả hai đều để lại một di sản sau lưng.

* * *

Phạm Thanh Nghiên: Ông từng tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, tôi không tin ông là người yêu nước. Bởi một người yêu nước không bao giờ đem sinh mạng đồng bào mình để hiến dâng cho một cuộc nội chiến ở một đất nước khác. Nghiêm khắc nhìn nhận, ông không chỉ gây tội ác cho người dân nước ông, mà cho cả nước tôi nữa.

Chết ở tuổi 90, một cái kết đẹp, quá mỹ mãn cho ông. Ông ra đi, nhưng “di sản” của ông đã tạo ra và để lại trên đất nước ông, người dân vẫn gánh chịu. Những nhà độc tài- xem ra “được” miễn trừ bởi Luật Nhân quả?

Tôi tin chắc một điều, đi trọn một vòng tròn của đời người, ông vẫn không biết cái con đường mang tên Xã hội chủ nghĩa nó như thế nào. Tôi tin chắc như thế, Fidel ạ.

 

Bài Mới Nhất
Search