T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Báu…

_mg_6465Ảnh-Lưu Na

Ông Báu đã làm ở chỗ tôi cả tháng. Biết nhau là người Việt nhưng chỉ chào hỏi qua loa khi chạm mặt chứ chưa có thời giờ nói chuyện nhiều với nhau vì giờ ăn, giờ nghỉ khác nhau. Tôi làm lâu năm nên đã vô chính thức, lên thợ, còn ông mới vô nên còn phụ việc cho thợ để học hỏi từ từ.

“Công việc ở hãng này nhiều thật, nhưng kiếm một chân thợ để vô chính thức lại không dễ chút nào!” Tôi hối hận mãi khi nói thật với ông như thế trong một lần cúp điện, mọi người đều phải tập trung về phòng ăn. Ông hỏi tôi ở hãng này, ông làm bao lâu thì được cho vô chính thức? Tôi hiểu ngay ý ông là ông cần bảo hiểm sức khoẻ để độ thân vì nhìn ông hom hem quá, lại tránh được phạt vạ của ObamaCare với những người không có bảo hiểm sức khoẻ.

Chính vì hiểu nên tôi nói thật để ông đi tìm việc khác, biết đâu ông gặp may chứ ở đây thì tôi biết quá rồi! Nhưng sao cứ áy náy với lời thật của mình đã làm ông buồn thấy rõ…

Đến hôm ông dò hỏi tôi có đường ngang ngõ tắt nào để ông có thể vô chính thức sớm được không? Tôi giận lắm vì ông nghĩ tôi là loại người nào mà đi hỏi tôi những chuyện đi ngang về tắt như thế chứ? Tôi giận đến vác gương mặt đưa đám về nhà. Làm vợ tôi lo. Hỏi mãi tôi mới nói cho qua chuyện. Vợ tôi lại thương cảm cho người làm tôi giận mới lạ, “… người khó thì kể sao cho hết. Cho dù người giàu có trút hết của cũng không cứu hết được người khó. Nhưng bố nó có nghĩ, người khó lại giúp người ít khó hơn như mình là thấy họ khó quá, mình lại thấy mình bớt khổ… Thôi thì bố nó giúp ông ấy được gì thì giúp cho người ta với.”

Ơ! Cái bà nhà tôi ấm ớ thế mà ăn nói ra lý lẽ đấy chứ! Nhưng tôi cũng chỉ bình thường lại được tới mức chào hỏi ông khi gặp. Còn việc hãng thì tôi giữ thân tôi thêm tháng nữa để về hưu non còn chưa biết có giữ nổi không, nói gì tới giúp người khác. Hãng xưởng bây giờ người trẻ, giỏi computer, thông thạo tiếng Anh còn mất việc như cơm bữa thì lớp già như chuông treo chỉ mành.

Thế mà hôm tôi có việc, phải lên văn phòng để ký giấy tờ chuẩn bị về hưu. Tôi về muộn hơn mọi người chừng nửa tiếng. Nhưng ra bãi đậu xe vắng hoe thì ông Báu vẫn đứng lên ngồi xuống, nhấp nhỏm chờ… Tôi hỏi, “Anh chờ người đón à! Có muốn thì lên xe. Tôi chở về dùm cho?”

Khi yên vị trong xe rồi anh ta mới nói cảm ơn tôi. Anh ta nói địa chỉ nhà cho tôi bấm GPS mà lái. Tôi lại hoang mang sao anh có nhà ở khu không tệ mà lại không có xe để đi làm. Từ từ tôi nghe ra, anh nhờ một người khác đưa rước anh đi làm, mỗi tuần anh gởi họ ba mươi đồng tiền xăng. Nhưng hôm nay xe họ hư dọc đường nên anh cũng không biết cách nào để về nhà ngoài đi bộ mà anh đã quyết định khởi bước thì gặp tôi.

Tôi đưa anh đến nhà đã biết ngay là anh ở share phòng vì một căn nhà bình thường thì không thể nhiều xe như thế! Tôi càng khó hiểu khi anh ngồi trong xe tôi, điện thoại của anh cứ reo tới reo lui nhiều lần. Mà lần nào anh cũng nhỏ giọng ra vẻ yêu thương chứ không phải không muốn cho tôi nghe được; lần nào cũng “thưa ba” từng câu. Thưa ba. Thưa ba… xe anh Hiếu hư nên không đón được con… Thưa ba, bạn con đang chở con về; Thưa ba, ba ăn cơm trước đi, đừng để ba đói bụng… Nghe anh “thưa ba” từ bực mình tới tôi thương anh luôn vì tóc anh bạc nhiều hơn cả tôi mà còn lễ phép với cha già như thế thì hiếm đấy!

Rồi cả nể nên tôi cũng bước xuống xe để vào chào cha anh một cái. Đúng là cha con anh ở share phòng nhà người ta. Hai cha con một căn phòng nhỏ xíu. Cha có tấm nệm đơn ở góc phòng, anh trải tấm comforter gấp đôi làm hai lớp dưới nền gạch chứ trải một lớp sẽ hết lối đi. Nhưng tuyệt đối ngăn nắp và sạch sẽ.

Bác trai đã ngoài tám mươi, dáng người nhỏ choắt lại tật nguyền, chỉ đôi mắt còn tinh. Bác tự hào giới thiệu nơi ở của hai cha con, tự hào hơn nữa khi mời tôi dùng bữa chiều.

Tôi qua Mỹ lâu rồi nên quên luôn hình ảnh chiếc bàn ăn tróc lở vẹc-ni, những ghế ngồi không ngại nhiều mũi đinh, ốc vít bắt chằng chịt miễn sao đủ cứng cáp để ngồi là được. Trên bàn ăn vỏn vẹn nồi cơm nhỏ, hai quả trứng luộc chưa giằm nhưng nằm sẵn trong dĩa nước mắm chua ngọt khá hấp dẫn, tỏi ớt đậm đà. Tô nước bắp cải luộc với cà chua, dĩa bắp cải luộc thấy đã muốn ăn vì nghĩ tới độ giòn chín tới của người khéo luộc bắp cải.

Tôi đang đói lại càng đói với bữa chiều hấp dẫn nên không khách sáo, mời là ăn thôi. Ba chúng tôi ăn sạch sẽ mọi thứ trên bàn. Bác trai vui lắm nên nói luyên thuyên, trò chuyện hơi khó nhưng cố nói vì vui. Bác dọn bàn nhưng không cho tôi hay Báu rửa chén. Cứ, “để đó bác, để đó bác lo… nhà này tuy ở bốn năm người share phòng, nhưng ai cũng thương bác nên chả ai than phiền đâu mà lo. ” Bác đi đứng khó nhưng nhanh nhẹn vô phòng, lấy ra chai cognac còn hai phần ba chai, hai cái chung nhỏ (vì không có cái thứ ba). Bác đưa hết ra patio, nơi có bàn ghế sắt để cùng ngồi chơi chiều thu đã về man mác. Bác bảo Báu tiếp tôi đi, bác rửa bát xong sẽ ra…

Tôi với Báu không thân, không xa, cũng không gần. Nhưng một tiếng “thưa ba” mỗi lời chiều nay của Báu làm tôi qúy mến anh. Khi gặp bác trai tôi càng qúy mến hơn người cha tật nguyền nhưng hết lòng thương con; tôi qúy Báu hơn với đôi đũa chỉ biết gắp cho cha, dù thức ăn đạm bạc. Giờ nghe anh nói càng thấy mình nhỏ nhoi,“Xin lỗi anh nhiều, tôi biết tôi đã làm phiền anh. Mong anh thông cảm cho tôi cần có bảo hiểm sức khoẻ vì bệnh của tôi chứ ba tôi có medicare, không phải lo. Tôi chỉ sợ tôi đi trước ba tôi thì ai lo cho ông… Chúng tôi chỉ còn hai cha con.”

Tôi xin lỗi Báu. Rồi uống tì tì. Uống hoài không hết xấu hổ. Tôi gọi về nhà cho vợ tôi yên tâm. Tôi bảo đưa điện thoại cho con gái út của tôi vì giờ này thì tôi biết cháu đã về nhà, “bố sẽ nhắn tin cho con địa chỉ nhà bạn bố. Con đưa hết những thứ bố đã dặn mẹ đến đây cho bố. Giúp bố nha con gái. Cảm ơn con.”

Con gái út tôi đưa đến chai rượu của thằng rể – chồng của con gái lớn tôi tặng bố vợ từ năm rồi mà tôi đâu có uống. Nhiều thức nhấm mà vợ tôi gom hết trong tủ lạnh cho tôi. Bác trai cũng vừa rửa chén bát xong. Ba chúng tôi nhậu một bữa đã đời với hai cái chung rượt đuổi mới vui tới bến. Ông già tám ba mà chịu chơi như hồi ba tám. Ông qua hết tình đời nên ráo hoảnh – như kể chuyện vui,

“… hồi sau hoà bình khổ thấy mồ. Bác làm thờ hồ mà người ta ăn còn không có thì ai xây nhà mà bác có việc để làm. Chút tiền dành dụm được nhờ má tụi nhỏ khéo lo xa thì bả bệnh một cú là vừa đủ chôn cất cho bả luôn. Hết sạch luôn con ơi! Bác đi vác mướn ở bến ghe, bến tàu nuôi con chớ tụi nhỏ chưa đủ lớn làm sao tự sống. Ai dè gặp má thằng Báu, chồng chết tai nạn trong hãng quốc doanh thời đó thì bồi thường không đủ ma chay. Gánh trái cây của bả cũng làm sao nuôi nổi bầy con nhỏ. Rổ rá cạp lại để đói chung cho vui. Bác thương thằng Báu mới mười mấy tuồi đầu mà nó nói với bác, bây giờ ba là ba của con. Con là con của ba. Ba nói sao con làm vậy vì con thấy ba thương má con thiệt tình. Con thương ba lắm!

Nó còn con nít mà nói nghe đứt ruột. Bác với nó làm như chó như trâu với bên bác sáu đứa con, bên má nó bảy đứa. Hai vợ chồng nữa là mười lăm miệng ăn. Đâu có dễ đâu con trong thời cả nước ăn bo bo. Vậy mà bác với thằng Báu có cách cho tụi nhỏ đi quá giang ghe vượt biên.

Nhưng gia đình qua hết bên đây là sai lầm. Tụi nhỏ không khổ nên không biết thương người thân. Từng đứa lớn lên là ra đi không về vì tụi nó cần tới những chỗ sang trọng hơn. Tới má thằng Báu còn vô tình trước nhà cao cửa rộng. Bả chết rồi nên bác buồn thôi tại còn thương chứ giận lắm! Bác bị đột qụy ai mà biết trước. Đi không được, nói không được. Bả tống bác vô nhà dưỡng lão cho chết sớm, cho xong chuyện, để bả còn vui với cháu nội, cháu ngoại, xe hơi, nhà lớn… Một thằng Báu nó không cam lòng, thân nó bệnh hoạn, thất nghiệp triền miên… vậy mà nó vô nhà già lượm bác về để nó lo. Tưởng sao, con vợ nó dắt hai đứa con đi luôn, “ổng đâu có ruột thịt gì với anh đâu mà anh đem về nhà để làm khổ em. Tiền em làm đâu có dễ, em làm cho con em thôi chứ mắc gì tới ổng mà bắt em lo…”

Vậy đó. Hết đời một già một trẻ lo cho mọi người quên mình nên mình bị quên khi còn sống. Nhờ nó mạnh ý. Nó tập cho bác riết bác mới nói lại được, đi lại được. Giờ nấu được nồi cơm cha con ăn là vui rồi. Thiệt là thằng con không đẻ mà thương. Thỉnh thoảng bác nhờ mấy người ở chung nhà share phòng này mua cho chai rượu. Hôm nào thằng Báu lãnh lương, mua chút thức ăn ngon về nhà thì cha con làm vài chung cho vui.

Buồn nào cũng cũ quá rồi nên quên đi. Bệnh nào cũng bất trị thì nhớ làm chi cho mệt mình…”

Tạm biệt bác trai với Báu. Con gái tôi đã đến để đưa bố về. Cháu nghe không hết đầu đuôi câu chuyện nhưng cũng xúc động mà xui bố làm một việc tôi chưa từng làm bao giờ là đi xin xỏ để được hướng dẫn (training) cho chú Báu lên thợ và đứng vào chỗ tôi sau khi tôi về hưu.

Mong cho anh sớm được vô chính thức để có bảo hiểm sức khoẻ, để còn song hành chặng cuối với người cha dượng tình sâu nghĩa nặng.

 

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search