T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 100)

clip_image001_thumb.jpg

Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh do một bà tên Đanh lập nên, còn gọi là Bảo Sơn Tự như tên đề trước tam quan và cách Hà Nam hai cây số. Một buổi được Cống Quỳnh đến viếng và đề thơ:

Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Khéo đứng chi mà đứng mãi đây
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt
Đưới chân đứng chéo một đôi giầy

Chưa…hỏi đã…ngã

Phân biệt hỏi ngã không cần thiết.

Lý do duy nhất được nêu ra, để bênh vực cho việc duy trì hỏi ngã, là chúng làm phân biệt từ này với từ kia, như lẽ khác lẻ, bả khác với bã. Lập luận này xem ra không vững chắc cho lắm, vì nói sai hay viết sai hỏi ngã người ta vẫn hiểu.

Ngay cả miền Bắc cũng phát âm khác nhau, dân Hà nội xưa khác Hà Nội nay, dân không-Hanội lại khác dân Hànội, Hànội di cư khác Hànội xưa…Hỏi ngã không cần thiết vì dân Hànội nói người không-Hànội vẫn hiểu, mặc dầu hỏi ngã phát âm khác nhau.

Lý do là một từ sẽ làm sáng tỏ bằng các từ kế bên, như trường hợp chữ viết. Người miền Nam, chỉ dùng thanh hỏi gần như thanh ngã, nói chuyện người Bắc có hiểu không? Vẫn hiểu như thường, có khi còn hiểu rõ hơn khi nghe vài vùng ở miền Bắc, như nghe dân đảo Cát bà, người Bắc di cư nghe dân Hànội ngày nay. Nhớ lại hồi xưa khi học lớp năm, khoảng 1948, thì đã có bạn thân là người Bắc, con của dân Bắc kỳ 30 cạo mủ cao su. Tụi này nói chuyện với nhau rất bình thường, không một ai nói là không hiểu, và cũng không phân biệt Bắc hay Nam, chỉ hơi lạ là có một thằng bạn nói N thành L và ngược lại, tuy lạ tai nhưng vẫn hiểu như thường. Hỏi quê ở đâu thì trả lời là Hải Dương, ngày nay mới biết là ở vùng biển người ta hay nói như thế.

Xem ra nói lộn xộn hỏi ngã cũng “hổng” sao.

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

Tục ngữ Tầu

Nhẫn tự tâm đầu nhất bả đao
(Chữ nhẫn trên đầu gác một dao – Chiết tự)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Nhị sách và cửu vạn

Trong Thi tù tùng thoại, hồi ký của Hùynh Thúc Kháng ở Côn Đảo 1915 có ghi thú chơi tổ tôm, chắn với 120 quân bài. Trong đó có bốn quân bài: chi chi, nhị sách, bát sách và cửu vạn.

Cây “nhị sách” chống gậy, bị coi là quân “ăn mày”. Đó là chuyện của cụ Hùynh Thúc Khác vào năm 1915 ở Côn Đảo.

Cây “cửu vạn” vác thùng đồ trên vai. Năm 1990 ở ngoài Bắc gọi những người hành nghề khuân vác ở bến xe, bến đò những và người buôn lậu ở biên giới được kêu là cửu vạn.

(Hoàng Hải Thủy – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Nhuận bút

Ngày xưa người ta viết bằng bút lông, để ngòi bút khô lâu sẽ giòn gãy rụng lông nên thỉnh thoảng phải nhúng nước. Vì thế các báo chí, nhà xuất bản ở Trung Quốc trả tiền thù lao cho tác giả đều gọi là tiền nhuận bút (thấm ướt ngòi bút).

Về sau viết bài bằng bút sắt rồi bút bi, máy đánh chữ và thậm chí hiện nay viết trên máy tính cũng được gọi là trả tiền…nhuận bút.

(Cao Tự Thanh)

Xạo luận vui về chữ “Tử”

Quân lính chết gọi là…quân tử.
Học trò chết gọi là…sĩ tử.
Chết một cách lãng xẹt gọi là…lãng tử.

(Nguồn ĐatViet.com)

Không có chữ Việt cổ

Ít lâu nay có nhiều nhà biên khảo cho rằng chữ Việt cổ (chữ nòng nọc (*) có từ thời lập quốc. Qua tích thần thoại vua Hùng Vương mang quân đến núi Khả Lao, Thanh Hóa được thần báo mộng cho trống đồng thúc quân mà thắng trận. Sau khi thắng, vua ban sắc phong là Đồng cổ đại vương và lập đền thờ Đồng cổ thần từ.

Theo Lê Văn Siêu qua Việt Nam văn minh sử cương dẫn đoạn truyện cổ tích trên rồi chú thích:
“Xin lưu ý hồi này chữ Hán chưa truyền vào Giao Chỉ làm sao vua Hùng Vương có chữ để phongcho thần là Đồng cổ đại vương hay Áp Lãng chân nhân hoặc Đồng cổ thần từ …
Việc mang quân đi đánh phương Nam theo truyền thuyết có thể là có thật. Nhưng đặt duệ hiệu theo những tiếng Nôm nào đó, còn sự phong tặng chỉ là thêm thắt của người đời sau”.

Như thế theo tác giả Lê Văn Siêu đã gián tiếp khẳng định nước ta chưa có chữ viết vào thời Hùng vương.

(Phụ chú: (*) Chữ khoa đẩu có hình dạng giống như con nòng nọc đầu to đuôi nhỏ)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Yên hà

Yên hà: mây và khói. Nơi sơn lâm tịch lâu cho người thích ở ẩn dật.
Thơ có câu “Nghêu ngao vui thú yên hà – Phong trần cởi bỏ, phù hoa tiếc gì”.

Yên hà cố tật: Người quen thói hút thuốc phiện (đi mây về khói).

Dân ca tình tự dân gian

Dưới đây là nguyên bản bài Cô gái hái chè ở vùng Thái Nguyên miền Bắc quê hương của bà Đặng Thị Huệ thời chúa Trịnh Sâm:

Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Bấy giờ em biết làm sao?
Nếu em càng giẫy nó càng vào sâu
Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ

Bói bài

Ngày Tết, nhà nào ở Huế cũng có phổ biến trò chơi bài bạc. Tuy nhiên, bài bạc ở đây không cốt để ăn thua nhau bằng tiền bạc (dù cũng có chuyện tiền bạc chút ít) mà chỉ nhằm có cớ để xen lẫn trong đó trò bói bài. Người ta thường đoán vận mệnh hên xui trong năm bằng cách nhìn qua sự ăn thua trên từng ván bài.

Công tử bột

Công tử bột là ai vậy, mà hễ bất kỳ chàng trai nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng… đều bị liệt vào hạng người này.

Theo nhiều người kể lại, các chàng công tử bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn.
Nhưng cớ sao lại gọi là công tử bột ?

Công tử là con quan, thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng “bột” là gì ? Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa trong “bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phỗng bột” cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn bụ bẫm…
Và từ “bột”, vốn là cách đọc chệch của âm từ “poste” trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép).

Hóa ra công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện. Hiện nay các hình ảnh đó đã xa vắng, khác lạ so với chúng ta, không còn hình ảnh nào để gợi nhớ tới họ nữa.

Thiếu văn hóa

Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hoàng Ngọc Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác.

Nhưng Hoàng Ngọc Hiến nói:
“Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Mài dao dạy vợ

Ngày xưa có một người nhà quê lấy phải vợ độc ác. Người vợ này đối xử với mẹ chồng rất là hỗn láo vô lễ. Người chồng khuyên hoài không được, bèn nghĩ ra một kế.

Anh ta sắm một con dao bầu thật sắc. Mỗi ngày lấy ra mài. Người vợ lấy làm lạ hỏi, nhưng anh ta không đáp. Người vợ tò mò hỏi hoài, cuối cùng anh ta trả lời: “Tôi mài dao để có dịp giết mẹ đi thôi. Mẹ đã già, sống mà ngày nào cũng cãi cọ với mình vậy thì thà chết đi cho rồi”. Người vợ thấy thế hoảng hốt, rồi ăn năn: “Xin mình đừng giết mẹ, từ nay tôi hứa sẽ không có điều chi to tiếng trong nhà nữa”. Từ đó trong nhà thuận hòa vui vẻ.

“Mài dao dạy vợ” ý nói sự khôn ngoan của người chồng để khuyên bảo vợ mình làm điều phải.

Khác biệt văn hóa

Khen vật gì to:
Hà Nội: To vật vã.
Sài Gòn: Bự bành ki

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Thí dụ như:
Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cảnh cụt leo vào, leo ra

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Tiếng Huế

– “Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba…en đẩn . Mi quai chướng khôn ?”

Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy:
– “Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh . . . Mày coi có kỳ không ?”.

Ngộ Không
(Sưu Tầm)

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search