T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 101)

 clip_image001_thumb.jpg

Giai thoại làng văn

Mười lăm ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại câu thơ chia ly:
Ông đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu

 Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng. Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi. Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ:

“Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.

Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay của Kim Cương: “Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép được làm đầy tớ trung thành của Kim Cương. Và:

 Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.

Sai hay đúng

Xuân Diệu sau khi viếng thăm nhà thờ của ông Kiều Phú, thôn Đại Đình, là hậu duệ ông Cai Tổng Kình tên tự Nguyễn Quang Hoà tục gọi là Tổng Cóc ở làng Tứ Xã nay thuộc huyện Phong Châu, Vĩnh Phú. Về lại Hà Nội, Xuân Diệu viết sách và cho là hai câu đối “Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới“. Và “Sáng mồng một mở then tạo hoá để cho thiếu nữ rước xuân vào“ là của bà Hồ Xuân Hương với ông Tổng Cóc.

Gà, bò

Nên lưu ý là về gà, bò, vốn từ vựng tiếng Việt rất dồi dào. Không những dồi dào mà còn chi li: gà, bò có nhiều loại khác nhau.

Ví dụ: gà ác (còn gọi là gà ri), gà ấp, gà cỏ, gà cồ, gà chọi, gà chuối, gà dao, gà độ, gà gô (còn gọi là đa đa), gà giò, gà hoa, gà hoa mơ, gà kiến, gà lôi (còn gọi là gà tây), gà mái ghẹ (hay gà mái tơ), gà nòi, gà nổ, gà ô, gà pha, gà phèn, gà sao, gà tàu, gà tre, gà xước, gà mã lửa, gà kim tiền, gà qué, gà sống, gà tồ, gà xiêm.

Bò cũng thế, tuy không nhiều bằng: bê, bò dái (còn gọi là bò mộng), bò tơ, bò sữa, bò rừng (bò tót), bò u, bò vá, bò vang, v.v…

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt: Cọp và Chó) 

Bói đò

Bói đò: Nguyên giữa chợ Gia Lạc (vùng Vĩ Dạ) và chợ Dinh (vùng Gia Hội) trên sông Hương Huế có một con đò ngang mà người ta cho là rất thiêng, thật ra là bến đò ngang duy nhất để người Huế ở khu Gia Hội có thể xuất hành trong ngày Tết. Tâm lý xuất hành rất quan trọng ở người Huế, ví dụ ra đi khỏi nhà lỡ có người gọi giật lui liền quay về, không dám đi đâu nữa, tức bực suốt ngày hôm ấy. Hơn nữa, chợ Gia Lạc lại chỉ đông vào ba ngày Tết nên càng bao hàm tính xuất hành của chuyến đò đầu năm.

Đò chìm thi hết bói

Kiến văn tiểu lục – Lê Qúy Đôn II

“Đa ngôn đa bại – Đa sự đa lự”

(nói nhiều thất bại nhiều, nhiễu sự thì lo nhiều)

 Chưa…hỏi đã…ngã

Dấu hỏi ngã không cần thiết vì toàn bộ sẽ bổ túc cho nhau. Như câu “chẳng lẽ anh ta chơi chẵn lẻ” dẫu cho có đổi thành “chẵn lẻ anh ta chơi chẳng lẽ” thì tin chắc là ai cũng hiểu được. Mỗi từ sẽ được làm cho rõ ràng hơn nhờ từ kề bên, nhờ vào một phần hay nguyên một câu. Nhưng viết sai âm thì khác.

Nói “en không en tét đèn ngầu chừa thượng đứa” thì không ai hiểu gì cả. Cứ thử tưởng tượng chữ Quảng Ngải, dùng để ghi phát âm của dân miền này, được công nhận là chính thức thì việc gì sẽ xảy ra? Ai viết “ăn không ăn tắt đèn ngồi chờ thượng đế” sẽ bị không điểm vì sai chính tả.

Chúng ta không phủ nhận là hỏi ngã nâng cao tính phân biệt từ đơn và một dấu đứng đơn lẻ, nhưng tính phân biệt này không thật cần thiết, đồng thời chính nó làm cho rất nhiều người, không-Bắc, viết sai tùm lum.

Đó là lý do tại sao hỏi ngã khó nhớ hơn âm tiết.
(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

Bò bía

Thấy xe bò bía bèn sấn vào gọi mấy cuốn. Thấy chỉ có lạp xưởng, tép khô với rau. Nhưng không có thịt bò! Hỏi không có bò sao gọi là bò bía? Thực ra đọc theo âm Hoa Hán bạc bính là bánh mỏng (bánh tráng) với giọng Triều Châu Nghĩa là pò pía .

Sau người Việt từ pò pía chuyển thành bò bía.

(Cao Tự Thanh)

Giai đoạn phiên âm

Đây là những chữ trích trong sách của giáo sĩ Christoforo Borris xuất bản năm 1631 tại La Mã, viết bằng chữ Ý. Chúng ta có thể coi những chữ phiên âm trong sách nầy đã được ông dùng trong thời gian từ 1618 đến 1621, là thời gian ông sống ở Đàng Trong.

Phiên âm : Nghĩa

Kemoi : Kẻ mọi
Cacciam : Cả chàm (Kẻ Chàm)
Omgne : Ông nghè

Maqui, Macò : Ma quỉ, ma quái
Onsaij di lay : Ông Sãi đi lại

Chữ quốc ngữ

Cho đến bây giờ, chúng ta chưa tìm biết được ai là tác giả đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự La tinh là…“chữ quốc ngữ”.

Thực ra đây là một trường hợp sử dụng từ sai lầm vì “quốc” là nước, “ngữ” là “tiếng”. “Quốc ngữ” là tiếng nói của một nước.

Như thế khi ta dùng từ ngữ “chữ quốc ngữ” để chỉ chữ viết của nước ta là sai hoàn toàn bởi lầm lộn giữa “văn tự” và tiếng nói (ngôn ngữ). Trong Việt Nam Văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã nêu vấn đề trên, nhưng theo ông thì “Từ ngữ này mọi người đã quen dùng rồi không đổi được nữa”.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Nâu sòng

Màu nhuộm bằng củ nâu (mầu nâu) và lá sòng (mầu đen).

Nghĩa bóng những người, đã phát tâm tu niệm, rời bỏ tất cả những xa hoa phù phiếm. Trong Truyện Kiều có câu: “Nâu sòng từ bén mầu thiền – Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu”.

Văn hóa ẩm thực: Tạp pín lù

Tạp pín lù, âm Hán Việt là đả biên lô, tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa. Cũng như ăn sán lẩu là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây (Tàu?) bày ra một từ khí bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gắp qua chén và, không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng”. (Vương Hồng Sển – Sài Gòn tạp pín lù).

Tạp pín lùsán lẩu (sanh lô) là món ăn cầu kì, đắt tiền. Thức ăn toàn là đồ tươi chứ không phải đồ ăn còn thừa như lâm vố. Tô Hoài nhầm cái váy thời trang được cắt may, lắp ghép bằng nhiều miếng vải với cái váy đụp, đầy mụn vá của mấy bà nhà quê.

Lâm vố là tổng hợp các đồ ăn thừa của lính Pháp, được xuất trại tái sinh thành cơm vỉa hè bình dân. Sà bần, hẩu lốn, được nấu bằng đồ ăn còn lại của gia đình.

Tạp pín lù, sán lẩu trong Nam, cù lao lửa (Vũ Bằng gọi là Cù lao hổ) ngoài Bắc, là đặc sản của một số hiệu ăn sang. Đồ ăn tươi được nấu ngay trên bàn ăn.

Cù lao lửa ban đầu là tên cái xoong dùng để nấu món ăn. Xoong hình máng, viền tròn xung quanh lò than. Toàn bộ trông như một cù lao nằm trên lò lửa. Cái xoong cù lao lửa còn có tên gọi khác là cái hoả thực.

(tạp pín lù), lẩu (sán lẩu), lốn (hẩu lốn) là ba cách phát âm khác nhau của từ Hán Việt , nghĩa là cái lò, cái bếp lửa. Do đó, đòi hỏi tối thiểu của món lẩu, bất cứ là lẩu gì, là phải có cái lò lửa để đun nước dùng, nhúng đồ ăn, đặt trước mặt thực khách.

Bây giờ, người ta sẽ hoa mắt vì… lẩu. Thôi thì đủ thứ! Lẩu bò, lẩu heo, lẩu dê, lẩu đà điểu, lẩu cá, lẩu gà, lẩu ba ba, lẩu chó v.v. Có sách dạy nấu 101 món ăn lẩu Trung Hoa (nxb Phụ Nữ, 1997). Thật ra, chả cần phải tìm kiếm đâu xa, chỉ việc đặt cái lò trên bàn ăn, bắc xoong nước lên, để bó rau, xóc cua, rổ ốc… bên cạnh là ba miền nước ta cũng có cả mấy chục thứ lẩu. Lẩu rau muống, lẩu rau cần, lẩu cua, lẩu ốc… Xoong nước dùng đặt trên lò, nhúng rau vào, gắp ra ăn… là lẩu rau, lẩu chay đấy.

(Nguyễn Dư – “Cao lầu, hẩu lốn, loạn… sà bần” )

Chữ nghĩa làng văn

Bài thơ dưới đây:

Phó cho con Nguyễn thị Đào
Nước trong loe lẻo cắm sào chờ ai?
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già .
Trước đây có người cho là của bà Huyện Thanh Quan.

Nay người lại cho là của…bà Hồ Xuân Hương.

Ca dao

Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc về những nét bông đùa, hóm hinh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân của tiếng Việt ta. Như:

Ai đời chồng thấp, vợ cao,

Rờ vú không tới lấy sào mà quơ.

Còn về phụ nữ nhan sắc tàn phai, ca dao ta có câu châm biếm:

Mồ cha con bướm khôn ngoan,

Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay.

(Lê  Thương – Ca dao trào phúng)

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ” và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.

Việc dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ, cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:

 Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít

Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Ngộ Không
(Sưu Tầm)

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search