T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: quán, tiệm nơi tôi ở…

 cafe-saigon

Cà Phê Sài Gòn – Tranh: Thanh Châu

 

Ở bên Mỹ này, tất cả tiệm ăn lớn nhỏ đều gọi là nhà hàng. Làm cho chữ quán”, “tiệm” xa lạ dần trong tiếng Việt ở hải ngoại. Nên thỉnh thoảng nghe ai nói chữ “quán”, nghe thật gần gũi như mấy người bạn rủ nhau đi “Quán Cây dừa”. Thử nghĩ xem, nếu họ rủ nhau đi “Nhà hàng Cây dừa” đã nghe kỳ kỳ. Và có lẽ lạ tai nhất nếu nghe họ rủ nhau đi “Cây dừa Restaurant”. Hay nghe tiệm phở, tiệm hủ tiếu dễ nghe hơn Nhà hàng phở, Hủ tiếu restaurant…

Nhưng đó mới là cách nói của thực khách đã nhiêu khê. Những người đi quán, tiệm sẽ nhiêu khê hơn với không quán nào giống quán nào. Có lẽ đó cũng là đặc trưng của quán Việt nam trên đất Mỹ. Nếu bạn vô tiệm cà phê Starbucks của Mỹ ở Florida thì cũng không khác gì Starbucks bên Oregan từ thiết kế tiệm, cung cách phục vụ của nhân viên, đến phẩm chất của ly cà phê. Nhưng vô hai tiệm phở Việt trên cùng một con đường đã khác nhau hoàn toàn từ tiêu chuẩn vệ sinh đến cung cách phục vụ, phẩm chất tô phở. Thậm chí thực khách của hai tiệm cũng khác nhau luôn vì tự nhiên khách của mỗi quán, tiệm đã khác nhau.

Riêng tôi thích, cũng như không thích vài quán, tiệm nơi tôi ở…

Tiệm hủ tiếu…

Cả nhà tôi đi ăn. Thằng con nhỏ ăn cơm chứ không thích hủ tiếu. Cháu tuy nhỏ nhưng khá nhạy với ẩm thực không đủ độ tươi. Cháu nhà thì thầm với mẹ: “Mẹ ơi! Miếng thịt của con kỳ quá!”

Nhà tôi ra dấu với người phục vụ. Rồi nói nhỏ đủ để cô nghe thôi: “Miếng sườn nướng của cháu nhỏ, hình như bị hôi ê. Nhờ chị xem lại cho cháu.”

Cô phục vụ xin lỗi, rồi bưng cả dĩa cơm sườn xuống bếp. Một lát, cô chủ tiệm bưng lên dĩa cơm mới. Cô xin lỗi nhà tôi, xin lỗi cả cháu bé…

Một lời xin lỗi của cô chủ đã làm cho bữa ăn mất vui, chúng tôi định trả tiền nguyên bàn ăn rồi đi quán khác chứ không ăn. Nhưng cô đã làm cho cả nhà tôi ăn uống ngon lành, và vui.

Thêm một xử sự bất ngờ của cô chủ đã biến cả nhà tôi thành những thực khách sẽ trở lại tiệm cô khi cô không tính tiền dĩa cơm của cháu bé, và xin lỗi cháu lần nữa.

Tiệm phở…

Tôi nhìn sang bên đường. Hôm trước, tôi đi ăn trưa với bạn làm chung. Dĩa rau thơm với giá mới bưng ra bàn, bạn tôi đã thấy có cây tăm xỉa răng dùng rồi trong ấy! Anh bạn tôi cũng lịch sự là không hô hoán lên cho cả quán đông vào giờ trưa cùng biết để tẩy chay tiệm phở này. Anh chỉ nói nhỏ với người bưng phở: “Cho xin dĩa giá mới đi anh bạn! Rau giá đâu bao nhiêu tiền mà xài lại chi vậy?” Và chỉ cho anh bưng phở xem cây tăm xài rồi trong dĩa rau giá.

Không may bà chủ tiệm phở đi ngang. Chắc bà cũng thấy mấy bàn gần bàn chúng tôi nhìn ngó nên bà cả vú lấp miệng em, “Này nhá! Anh là ai… tôi cũng không sợ đâu! Đừng có giở trò với tiệm tôi. Đừng chơi trò khốn nạn bỏ tăm bẩn vào rau giá rồi hô hoán. Định phá uy tín tiệm phở của tôi là không được đâu!”

Bà làm dữ theo sự chú ý càng lúc càng nhiều của thực khách trong quán, và bạn tôi đâu phải người để người khác mắng khốn nạn tuỳ tiện! Anh ta làm dữ lại, thậm chí làm lớn chuyện cho bõ ghét.

Tôi chỉ thấy khách chưa ăn bỏ đi cũng nhiều, người đang ăn cũng gác đũa, bỏ đi…

Phải như quán, tiệm Việt nam trong thành phố đều biết cách xử sự hội nhập như tiệm hủ tiếu thì hay biết mấy. Nhưng xử sự kiểu tiệm phở lại không ít mới đáng buồn.

 Nhà hàng

Hình như ai cũng thấy bức chân dung của mình là đẹp nhất, câu nói của mình là hay nhất, suy nghĩ của mình là đúng nhất. Nếu không, người ta không khoe ai tấm ảnh mới nhất, nói câu vừa nghĩ ra, thực hiện ý nghĩ vừa quyết định…

 Hôm đó, tôi đi ăn với mấy người bạn. Bàn bên cạnh là một gia đình ồn ào không tưởng tượng nổi! Ba đứa bé dưới mười tuổi liên tục cãi nhau oang oang và quậy phá tưng bừng trong lúc đợi nhà hàng dọn thức ăn lên. Điều nổi bật nhất mà tôi nhớ hoài là tiếng người mẹ rầy la chúng còn lớn hơn tiếng bọn trẻ:“ngồi yên coi!”,“má đánh bây giờ!”,“con quỷ này… trả lại cho em!”, “thằng mắc dịch này… ở nhà không khóc cho đã nư mày đi. Hễ đi đâu là khóc… như ông nội mày chết!””

Xoảng. Một cái muỗng bằng sứ rớt xuống đất. Người mẹ phát vào mông thằng con trai lớn. Nó với em trai út khóc la om xòm. Con bé giữa hai anh em trai – đánh đổ ly nước đá lạnh thật lớn ra bàn. Nước chảy lênh láng xuống đất……

Cha nó:“(Chửi thề) cái đám chó đẻ này, dẫn đi đâu, mất mặt tới đó!””

Mẹ bọn trẻ: “(lườm, nguýt…) Không có chó đực thì chó cái sao đẻ được!””

Cả nhà hàng cùng bực mình vì sự ồn ào của gia đình nhốn nháo, sự bực tức nhanh chóng chuyển qua cười không ra tiếng… bao ánh mắt dồn vào gánh xiếc lưu động hơn là một gia đình.

Kể tiếp, kể bao giờ cho hết chuyện gia đình này. Chỉ thấy một đôi vợ chồng người Mỹ trong góc nhà hàng lặng lẽ ra đi, những ánh mắt đồng hương nhìn theo đôi vợ chồng Mỹ, rồi buông ánh mắt trách khứ gia đình nọ… vô vách tường, chứ có ai dám nhìn họ đâu! Những người phục vụ ở nhà hàng thì thở dài… cũng thở vô vách tường luôn. Trong khi tay họ thì lo dọn dẹp những đổ vỡ do bọn trẻ gây ra. Hình như người ta thích biểu hiện thái độ một cách hèn hạ hơn là lên tiếng một cách rõ ràng.

Bàn chúng tôi cũng ngồi đợi thức ăn nên rảnh, một người nói: “Cái gia đình này không tốn tiền mua máy nhạc, tivi…” Cả bàn tôi cười ồ lên với ý nghĩ khôi hài của một người bạn. Người bạn khác lại hỏi: “Ai có số điện thoại của Trung tâm Vân Sơn, cho tôi xin…” Cả bàn chúng tôi lại cười ồ lên… Một người bạn khác nữa, tiếp hơi vô trận cười sảng khoái… “Bà này không đọc báo cập nhật, bây giờ người ta thụ tinh nhân tạo dễ như ăn cơm, không có chó đực thì chó cái vẫn sanh đôi, sanh tư, sáu, tám, mười… được như thường.””

Tiếng cười nơi bàn tôi chỉ lắng xuống khi tiếng muỗng nĩa khua vang, thức ăn đã được dọn ra đầy bàn. Bàn của gia đình nọ càng ồn khi thức ăn được dọn ra vì ba đứa trẻ đòi đủ thứ cho mình. Người cha không can thiệp gì hơn là chăm chú giải quyết tô bún gì đó của ông, rất lớn. Người mẹ vô phương với bầy tiểu quỷ, tiếng khóc la và nạt nộ lên tới cao điểm, kết thúc bằng một tiếng đá ghế của người đàn ông ngồi bàn xa xa… Ông ấy nóng giận vứt mấy tờ hai chục xuống bàn cho hai tô gì đó của hai ông bà không quá hai chục.

Hai ông bà người Việt đi ra khỏi nhà hàng trong ngỡ ngàng của đồng hương còn lại. Tôi tính trong bụng là toàn thể nhân viên nhà hàng đang có mặt chỉ là những người làm công, chứ nếu có chủ nhà hàng ở đây thì vị chủ đã can thiệp.

Ồ, thằng bé lớn đã yên phận một góc bàn với dĩa cơm sườn thật bự, nhưng nó khóc thét lên vì tự phục vụ cho mình một muỗng ớt xay đỏ ối, nó bỏ vô miệng thì kêu trời! Bàn bên tôi lại cười ồ lên thương xót, tội nghiệp thằng nhỏ mập ù.

Có hai ông bà già nọ đang ăn, nhưng họ ngưng đũa. Bà sang bàn gia đình nọ để giúp người mẹ vô phương kia, ổn định trật tự cho hai đứa nhỏ khóc la vì mẹ nó đang cấp cứu thằng lớn ăn ớt xay.

Ông già, lượn qua bàn tôi trước khi đến giúp vợ một tay. Ông đi qua rồi, nhưng lời ông còn rớt lại trên bàn chúng tôi: “Có gì vui mà các anh cười nghiêng ngả thế!””

Ông đến xin lỗi và xin phép người cha của bọn trẻ để được giúp chúng có bữa ăn nhà hàng. Chắc khác với cơm nhà nên trẻ con quậy dữ vì thấy món nào cũng hấp dẫn. Người cha bọn trẻ hét lên cho chúng trật tự lại được một giây, những đứa trẻ vô phương lại làm phiền mẹ chúng……

Hình như ông bà già bỏ dở bữa ăn để giúp người nhưng không trọn vẹn nên mất hứng ăn tiếp, ông vô trả tiền rồi đưa vợ về.

Giá chúng tôi ra về trước ông một bước thì không nhức nhối với lời trách nhẹ nhàng của ông mà sao cứ ở mãi trong lòng, ông nói: “Hai vợ chồng người Mỹ nọ bất mãn các anh cười to quá trong nhà hàng mà họ bỏ về, chứ không phải đám trẻ này đâu! Trẻ con nào không ồn.”

”Thì ra, ai cũng thấy bức chân dung của mình là đẹp nhất, câu nói của mình là hay nhất, suy nghĩ của mình là đúng nhất… Nếu không, người ta không khoe ai tấm ảnh mới nhất, nói câu vừa nghĩ ra, thực hiện ý nghĩ vừa quyết định… Người ta thấy hết mọi tấm lưng. Trừ lưng mình.

Quán nhà…

Một ngày nắng sau cơn mưa bão ướt rượt thành Đà, lại chiều thứ sáu nên đi quán xả hơi với mấy người bạn vài ve cho hết cơ man một tuần làm việc tối mặt. Quán thì quen như quán nhà, tôi nghĩ đến những căn nhà của những người bạn đang ngồi chung bàn với nhau đây, đều là những căn nhà mà chúng tôi đã ở (sống) mấy chục năm, sao chẳng có căn nào giống quán, trong khi cái quán này mới mở có mấy năm mà bạn bè cứ nói “ghé quán nhà đi” thì ai cũng biết!

Quán xá thì hằng hà, nhưng chỉ có quán nhà là điểm hẹn sau quá trình chọn lọc. Vì nơi đó, những người lao động như chúng tôi được chào đón xởi lởi bởi những gương mặt tươi vui, niềm hớn hở rạng ngời trên môi cười của chị chủ quán, khác với chủ gia hay chủ nhà của những người phải hẹn nhau đến đây vì về trễ thì bà chủ nhà chù bụ, làm cho gương mặt vốn đã lại thêm… Mà về sớm thì: hí, háy, nguýt, liếc… Ý nói: “sao hôm nay về sớm vậy?”

Tính ra sự niềm nở của người buôn bán không được coi trọng nhưng cũng có giá trị nhất định đối với những người thiếu sự cảm thông, chả ai hiểu cho nỗi khổ tâm của tầng lớp thứ tư trong xã hội Mỹ, đứng dưới phụ nữ là vinh dự, dưới trẻ em là vinh hạnh; nhưng dưới cả con chó thì biết là chúng tôi thấp cổ bé miệng đến dường nào! Nghĩ, tủi thân dữ lắm, con chó muốn sủa là sủa, nhưng đàn ông muốn nói thì phải lựa lời. Mà lời hay ý đẹp thì chó sủa hết rồi nên đàn ông đa số bị câm, chỉ biết đi quán. Ở đó, chỉ cần đáp lại chủ quán, mấy cháu sinh viên đi làm thêm, phần tiền lẻ của tấm chi phiếu lương tuần thôi là đôi bên đã cực kỳ sảng khoái; trong khi phần tiền chẵn của tấm chi phiếu thì bỏ vô nhà băng, đem giấy chứng nhận đã ký thác vào nhà băng về nơi không bao giờ thành quán được vì đó là nhà, nơi, những kẻ độc cô cầu bại lầm lũi, cô đơn…

Tôi đang tổng quát ý kiến của quý bạn chung bàn: Ở quán nhà, xô bia chục chai uống chưa hết đã có cháu gái đến hỏi: “Mấy chú muốn cháu lấy thêm nước đá để ướp bia cho lạnh hơn không?”

Cô nhỏ còn nhỏ hơn con gái nhỏ của chúng tôi ở nhà, đời chưa xanh tóc đã xa gia đình đi tìm tương lai, kiếm đồng tiền lẻ trong hàng quán để trang trải nợ nần sách đèn. Ước gì con cái chúng tôi hiểu được một phần cực khổ của những người trang lứa với chúng nhưng kém may mắn hơn. Những cậu ấm cô chiêu được sanh đẻ hay lớn lên bên đây không hiểu được những người trang lứa với chúng đang vất vả kiếm sống để tự nuôi thân, có cháu còn dành dụm từng đồng bạc nhỏ để gởi về quê nhà cho cha mẹ trả nợ đút lót thì cháu mới được đi học ở nước ngoài. Đâu phải hết du sinh là con ông cháu cha cả đâu! Thiếu gì những cháu khi hỏi ra mới biết là con của thầy cô giáo nghèo trong nước, con nhà lao động bình dân nhưng các cháu học giỏi nên được học bổng ở nước ngoài, cha mẹ và tự thân phải tự lo phần ăn ở suốt thời gian theo học…

Qúy bạn trong bàn tôi ra quyết nghị: đừng làm khó bọn nhỏ, thương chúng với. Cho chúng nhiều tiền thưởng hơn nữa đi, vì đó cũng là một cách đầu tư cho tương lai dân tộc trong ý nghĩa vĩ đại hơn những điều nhảm nhí mà chúng bị nhồi sọ. Chúng ta đừng quá ích kỷ là chỉ lo đầu tư cho con cái mình ở nhà, vì đằng nào chúng ta cũng không tránh khỏi những đồng minh tháo chạy ấy. Còn nhỏ ở nhà thì kè kè bên mẹ để hợp soạn bản cáo trạng đanh thép về tội lỗi của người cha đi làm không về đúng giờ mà cứ la cà ngoài quán. Nhưng khi chúng đủ lông đủ cánh để bay đi thì mấy đứa nhớ đường về nhà, nhớ những lời trách khứ người nuôi dưỡng mình để biết tự xấu hổ mà tu thân.

Chúng tôi đều thấy mỗi lần mấy con bé ngoài quán nhà lượn ngang bàn, đều hỏi: “Mấy chú cần thêm gì không, mấy chú ăn có ngon miệng không…?” Làm cho chúng tôi cảm kích sự quan hoài – dù biết đó chỉ là cái nhất thời trong cái vạn đại ở nhà là lúc nào chúng tôi cũng bị càm ràm về thói quen ăn uống, (ăn thì không chịu ăn rau, mà uống thì không biết uống nước lã…) Con cái chúng ta giỏi thật, nhưng chúng tôi không muốn chúng thật giỏi thêm nữa để bản cáo trạng thêm dài.

Các bạn thấy không, ở đây, người chủ quán nhà tự làm, tự bưng ra bàn để mời khách quen một món mới còn đang trong vòng thử nghiệm. Niềm hãnh diện cho cả đôi bên: người sáng tạo ra món mới và người được hân hạnh mời thử món mới, làm cho không khí quán nhà thân tình bao nhiêu thì ở nhà không bao giờ thành quán được bởi sự lạnh lùng của ngôn ngữ, giả sử:

“Mới hôm qua uống từ sáng tới tối, hôm nay lại khui bia nữa hả! Riết rồi ngày nào cũng uống…”

“Tại em làm món ăn hấp dẫn quá nên anh khui chai bia để thưởng thức cho trọn vẹn. Sung sướng gì với bia đắng nghét. Không tin thì em uống đi. Anh ăn thôi…”

“Đừng có bày đặt,… cuối tuần này đi bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ đó nghen, em lấy hẹn rồi đó! Anh mà đi nhậu nữa thì đừng có trách em…”

Nói năng như thế còn chưa đã miệng, đứng dậy, còn “xí” một cái nữa rồi mới nghoe nguẩy vào phòng. Tưởng làm gì đại sự. Cuối cùng cũng chỉ là bật tivi để xem tiếp phim Hàn.

Ngôn ngữ trong quán nhà làm cho người đàn ông hưng phấn bao nhiêu thì ngôn ngữ trong nhà không bao giờ thành quán được làm cho người đàn ông mãi là đứa con trai lớn, nó không bao giờ trưởng thành được dưới sức ép vạn cân của lòng từ bi bất ngờ, lòng nhân đạo mưa nắng và sự quan trọng hoá vấn đề… lãng xẹt.

Vậy đó, chúng tôi đang cà khịa với nhau để sau khi ra về thì trự nào về đến nhà cũng ngậm câm như hến. “Đàn ông có ưu điểm là ít nói, nhưng có khuyết điểm là hễ nói ra là nói bậy – nhất là trong nhà mình.” Sự tổng kết ý kiến bàn tròn chứ chẳng phải kết luận của riêng ai, nhưng biểu quyết đồng thuận, không có ý kiến chống đối. Coi như bữa nhậu thành công tốt đẹp.

Quán nhà là điểm hẹn, nơi bình an thật sự của những người không có tiếng nói trong xã hội này, quán nhà như cái xã hội thu nhỏ ấy mới thật sự là tử tế. Người bán quán muốn có đồng lời để nuôi gia đình thì gia đình có sống, mấy cháu du sinh muốn có đồng ra đồng vô để sinh sống nơi xứ lạ quê người thì các cháu cũng có được đồng ra đồng vô. Những người không được lên tiếng ở nhà, chỗ làm, đều thực sự thấy được sự bình đẳng, tự do phát biểu trong thiên đàng nhỏ nhoi của họ là cái quán nhà. Tình người cũng từ đó mà lan toả ra những cảm thông rất người, như: có nhỡ thiếu tiền trong bóp thì hôm sau ghé lại thanh toán cũng không sao, có nhỡ quá chén thì mấy cháu nhỏ đưa chú về tận nhà. Hôm sau, hôm sau nữa, gặp lại chúng thì cho cháu hai chục tiền xăng, cảm ơn cháu đã đưa chú về hôm trước… Hai chục không lớn đến phải tính toán trong chi tiêu nhưng điều còn lại như một món nợ ân tình với bọn trẻ du sinh nghèo. Con cái chúng tôi cũng trẻ nhưng trẻ ở Mỹ không biết thông cảm lúc người khác cần, chúng chỉ biết đến sự cần của bản thân, nếu không được đáp ứng tức khắc thì rất là bất mãn những người liên đới trách nhiệm tới nhu cầu của chúng.

Tôi nghĩ đến cái tình đời đọng lại trong khói nhang trên bàn thờ không làm cho người đàn ông vui sướng bằng hớp bia đời thường ngoài quán. Người đàn ông nào chết đi cũng trở thành một “tấm gương cho đời sau noi theo”, sáo văn và sáo ngữ mà những đứa trẻ lơ lớ tiếng Việt hay đọc trước linh cữu cha nó là thành quả giáo dục của người Việt hải ngoại đó hay sao? Sao không dạy những đứa trẻ hãy hiểu người cha của nó cần gì, muốn gì, khi ông ấy còn sống; thay vì giáo dục chúng bới móc cho ra thật nhiều lỗi lầm của người cha để hun đúc nên những bản cáo trạng đanh thép với lời lẽ dửng dưng, không chút tình máu mủ. Rồi lại gà cho chúng viết, đọc những áng văn sáo rỗng để trả ơn sinh thành dưỡng dục khi cha chúng qua đời…

Tôi nghĩ thế trên đường về, nhưng đến nhà là quên hết để sống còn trong vô vọng vì cái lối mòn tư duy của người Việt còn cần nhiều đời nữa mới loãng được, cái văn hoá sống không cho ăn chết làm văn tế ruồi đã thành truyền thống mỉa mai tự ngàn đời. Một đời không thay đổi được.

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search