T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 102)

 clip_image001_thumb.jpg

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Như những tác gia trước kia bị loại trừ, nay xuất hiện. Các tác gia dính líu đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm hầu hết đều có mặt, nhưng không có Thụy An, Phùng Cung.

Về những tác giả được khôi phục phải kể Phan Khôi được giới thiệu đầy đủ, súc tích, ngay cả giai đoạn Nhân Văn Giai phẩm : ” chủ nhiệm báo Nhân Văn, rồi các bài viết (…), vẫn với ngòi bút sắc sảo, rắn rỏi sẵn có nhưng ông đi ngược dòng đường lối văn nghệ của Đảng Lao Động Việt Nam lúc ấy, nên đã bị báo chí đương thời phê phán cùng với sự phê phán nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nói chung “. Người chấp bút danh mục này là Văn Tâm (1933-2004) cùng đã bị liên lụy trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và bị treo bút trong nhiều năm.

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Chưa…hỏi đã…ngã
Ngay cả tiếng Nôm cũng thế, nếu viết đúng ngả chúi là sai chính tả, còn nếu viết sai thành ngã chúi thì lại đúng chính tả, vì tự điển dùng dấu hỏi cho nghiêng ngả, ngả nón nhưng dùng dấu ngã cho ngã chúi, ghi đúng theo phát âm lên giọng. Cả lũ nhưng lủ khủ, dỡ hổng nhưng dở bổng là thí dụ khác.

Ngoài ra có nhiều từ miền Nam bị sửa lại cho đúng phát âm miền Bắc như mắc cở thành mắc cỡ, cù lủ thành cù lũ, lũ khũ (viết lủ khủ cũng đúng).

Và có hằng trăm từ bất chợt đổi tông như thế, ba hồi xuống giọng thành hỏi, ba hồi lên giọng thành ngã, không theo qui tắc nào cả, cho đã cái miệng của mình nhưng làm khổ cho cái đầu của người khác. Người Nam và Trung, viết theo phát âm của mình, khác với miền Bắc, nên thường viết sai. Viết trật chính tả là chuyện tự nhiên, viết đúng mới là chuyện hi hữu.

Người Bắc viết “Cô Lan lang thang, mới tám tuổi tủi thân khóc ầm ĩ, âm ỷ bỏ ngỏ bừa bãi nhà cửa” vì họ nói y chang như thế. Trong khi đó, người Nam viết “Cô Lang lang thang, mới tám tủi tủi thân khóc ầm ỉ, âm ỷ bỏ ngỏ bừa bải nhà cửa”, nói thế nào là viết thế ấy. Tại sao dân miền Nam không dùng dấu ngã mà dùng dấu hỏi?

Lý do là người Nam phát âm hỏi hay ngã như nhau nên chỉ dùng một dấu. Chỉ dùng dấu hỏi vì liền sau câu hỏi là dấu (?), nên họ viết “hỏi” với dấu (?), và các dấu ngã đều biến thành hỏi. Người Trung phát âm thanh hỏi và ngã thành nặng nên dùng dấu hỏi y như người Bắc. Đúng là…rừng hỏi ngã hỏi ngã
(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)

Câu đối Tết

Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co chân đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

++++++vẫn còn một nổi buồn man mác. những o giờ mới được  lành lặn…/

Theo Dương Quảng Hàm thì câu đối này của Nguyễn Công Trứ, câu đối làm vào dịp tết lúc còn hàn vi…

(Trích từ Văn Hóa Việt)

Giai thoại làng văn

Số phận của bản thân Thanh Tịnh buồn thật buồn nên ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ngồi với ông hôm ấy ở 4 Lý Nam Đế, ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi còn nhớ hai chuyện như sau:

Trong tập Những người thích đùa có một truyện không được dịch: “Có một anh muốn tự tử, dùng nhiều cách mà không chết được, vì mua phải toàn đồ rởm: dao rởm, thuốc độc rởm, giây thừng thắt cổ rởm. Có người mách cho một cách chết ngay, chết chắc chắn:

– Đọc báo Nhân dân liền ba ngày.”

 Chuyện khác:

– ở khu phố ông người ta bắt được một thằng chuyên ăn cắp xe đạp.

Họ bắt nó biểu diễn mở các thứ khoá. Các loại khoá ngoại tốt nhất nó đều mở

được hết. Hỏi nó: “Khoá nào mày thấy khó mở nhất, không mở được? Nó nói:

“Khoá Việt Nam. Vì xe khoá rồi vẫn đứng nhìn. Mà chính chủ nó cũng không

mở được. Phải dỗ mạnh xe mấy cái mới mở được”.

 (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Ngọng ngẹo trong ngôn ngữ

Chúng ta gặp nhiều nhà thơ với chứng thác loạn ngôn ngữ, như thất điều ngữ pháp (dysgrammatisme) hay loạn phối hợp từ (dysphasie) như Bùi Giáng trong bài Hán hương u hương chẳng hạn:

Âm u ô úc ôn tù niệm

Yếm ố ư uyên uyển tội từ

Thất điều ngữ pháp là dùng chữ vô nghĩa, những cặp chữ nói lái, bố trí từ hỗn loạn, không liên quan đến ngữ nghĩa, bất tuân cú pháp, bất chấp ngữ phạm.

(Trần Văn Tích – báo Sài Gòn Nhỏ)

Chữ Nho

Chữ “Nho” do chữ “nhân” (người) ghép với chữ “nhu” (cần dùng) có nghĩa là loại người cần dùng cho xã hội.

Chữ nhu còn có nghĩa là chờ đợi (người giỏi chờ lúc ra giúp đời)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Buôn tảo bán tần

Tảo, tần là tên hai loại rau mọc ở dưới nước, ven bờ khe suối. Trong bài thơ “Thái tần” có câu:
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo

Nghĩa là: Đi hái rau Tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau Tảo, bên lạch nước kia. Theo cách chú giải thì câu thơ trên ca ngợi người vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong văn hóa Trung Quốc, Tảo, Tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ “buôn tảo bán tần” đã có trong Kinh Thi.

Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo, tần cũng được xử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn:
Sớm khuya chăm việc tảo tần
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai
(Phạm Tải – Ngọc Hoa)

Sau này, “Buôn tảo bán tần” được hiểu với nghĩa rộng hơn chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ:
Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
(Ca dao)

Chữ nghĩa làng văn

Các từ kết thúc bằng âm “en” thường chỉ “các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn”. Thí dụ: chen, chẹn, chèn, len, men, nghẽn, nghẹn, nén, v,v…

Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt dễ mà khó)

Chúng  ta mất hết cả rồi sao?

 Một trong 12 bài di cảo của Vũ Hoàng Chương đã được bà Đinh Thị Thục Oanh (vợ VHC) đính chính vào ngày 17 tháng 7 năm 1999. Chữ in nghiêng là đúng nguyên tác của  tác giả.

Sáng chưa sáng hẳn tối chưa đành

Gà lợn om sòm cả bức tranh

Rằng vách có tai thơ có họa

Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh

 

Dấu hỏi xoay quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc máu thắm rơi

Chiều nay một dấu than buông dứt

Đanh đóng vào xăng tiếng trả lời

 

Chúng ta mất hết cả rồi sao ?

Cả đến âm thanh một thuở nào !

Da trống tơ đàn ôi trúc phách

Đều khổ như khúc hát gầy hao

 

Đàn mang tiếng đáy mà không đáy

Mất hết rồi sao sợi nhớ thương

Tay phách từ lâu nay  lạc phách

Không còn đựng mãi bến Tầm Dương.

(Thế Phong – Chiêu niệm  bốn nhà văn Sài Gòn)

Ý tại ngôn ngoại

Còn có ý ở ngoài lời nói, khiến cho người tự hiểu lấy.

Lời nói bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa.

Chữ và nghĩa

“Cường điệu”, từ dùng sau 1975, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Để dịch từ “hyperbole” trong tiếng Anh.

Nó đồng nghĩa với “phóng đại”, “thậm xưng”. Biện pháp tu từ “phóng đại”, vì thế, còn được gọi là “cường điệu”, và “ngoa dụ”. Ngoài ra, nó còn được gọi là “nói quá” (“overstatement“), ngược lại với biện pháp “nói giảm” (understatement) ở trên.

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Ngôn sử

Khi vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.

Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Hắn bảo tôi :

– Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Chính mầy hơi bị nhỏ đấy. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, sau khi được tiền lùi vài trăm cây.

-Tiền lùi ?
– Đó cũng là một từ mới nữa. “Lùi” có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó được năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây.

(Lượm lặt của thiên hạ – Web: bacdau.wordpress.com)

Cửa thiền

Cửa thiền: nhà chùa.

Thiền là yên lặng. Nhà Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên mọi sự về Phật đều gọi là thiền.

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search