T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Văn Trạch: TỪ MỘT CÂU HÒ

                      Coi Tam                                                                

            Tiếng hát lời ru quê mẹ như một điều mặc nhiên có sẵn trong mỗi một chúng ta, đôi lúc do môi trường sống, nó lặng đi, nhưng chỉ cần một gợi nhắc nho nhỏ, niềm xúc cảm lại hiện về – giống như cây cỏ chỉ ở đất Quảng Trị:  lây lất khô héo nhưng dai dẳng, cần một con mưa là xanh ngắt.
Lời ca lắm khi phổ thông tự nhiên qúa nên chúng ta thường dễ dãi và ít thắc mắc về ngôn từ hay ý nghĩa như những loại thơ văn khác, bình thường như kiểu:

             Nửa đêm giờ tý canh ba
Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi

Có lần tôi đem nhận xét này trình bày với các bậc Trưởng Thượng, những người rất tâm đắc với thi phú và có trí nhớ tuyệt vời.  Qúy vị ấy cũng có ý nghĩ như vậy bởi mọi người đều biết đây là sản phẩm của nông dân với ngôn ngữ đời thường, bình dị đôi khi dung tục và truyền khẩu nên theo thời gian sai lạc đi mà không có ai sửa chữa hiệu đính…
Có một câu hò, được phổ biến rộng rãi, tôi thuộc nằm lòng, nhưng đến khi nhắc lại từng lời, ta mới chú ý thấy cái qúa bình thường của nó:

            Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.

Những điều ai cũng biết… nhưng thực tế, theo sự suy diễn, nguồn gốc nó không phải như vậy:  câu chuyện có đầu có đuôi, có xuất xứ đàng hoàng…: từ một chuyện tình: là tâm sự,  là thắc mắc, là ngạc nhiên của một đôi tình nhân, vào một đêm thanh vắng, lén gặp nhau ngoài đồng, nhỏ to tâm sự dưới bụi tre kín đáo, thế mà sáng ra, cả làng đều biết!  Chàng và nàng lại gặp nhau, kiểm tra từ lúc xuất phát cho đến khi tới điểm hẹn xem thử có thấy, có gặp bóng dáng nào?
Cả hai đều lắc đầu và thảng thốt:
Con mèo, con chó cũng KHÔNG

Bụi tre MỘT CHẮC, ngoài đồng CHẲNG CÓ AI!

Thế thì tại sao mọi người đều rõ?!
Sự thực việc xuất xứ của câu hò không biết như thế nào và chúng ta cũng không nên bận tâm về việc suy diễn để có được ý thứ hai.
Dù sao thì từ một câu hò bình thường nó đã trở nên sắc sảo, sinh động và rất Quảng Trị!

Lê Văn Trạch

(Trích; Dặm trường lưu dấu)

Bài Mới Nhất
Search