T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: QUÊ NGHÈO

quê nghèo (p)               

Quê Nghèo – Tranh: Huyền Chiêu

 

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo.

Mẹ  và tôi sống chung với bà ngoại  trong một ngôi nhà cũ kỹ. Ngôi nhà ấy dành phần tốt nhất gọi là nhà trên để thờ ông bà. Đàn bà và trẻ nhỏ sống ở nhà dưới là một gian nhà tranh vách đất .

Tôi không có ý niệm về giàu nghèo vì chung quanh tôi nhà nào cũng nghèo.

Đứa bé nghèo lớn lên bên gốc khế, bụi chuối, khóm tre và cảm thấy cuộc sống thật tươi vui. Tôi hay theo bà tôi vào bếp nhóm lửa nấu cơm để được nhìn những cây củi khô hóa kiếp  thành một bếp lửa hồng .Khi lửa bắt đầu reo tí tách, tôi thường chạy ra ngoài nhìn những làn khói len lỏi chui ra  từ mái tranh rồi lan tỏa lên bầu trời xanh trong.

Năm tôi lên sáu, mẹ  cho tôi đi học.

Đứa trẻ nào cũng vậy, ngày đầu  đến trường luôn  là một ngày thiêng liêng .

Tôi run run bước chân vào lớp học như bước vào một ngôi đền thiêng và khi vòng tay cúi đầu chào thầy, tâm hồn tôi xao xuyến dâng lên  một nỗi kính yêu chưa từng có .

Mẹ tôi nói “đứa nào không chịu đi học thì phải đi chăn bò”.

Trẻ chăn bò và trẻ đi học hồi đó địa vị thật cách biệt.

Tôi yêu thầy tôi, tôi kính phục và biết ơn  thầy tôi. Thầy giỏi thật, chỉ một năm học với thầy tôi đã biết đọc, biết viết, đường hoàng bước vào một thế giới xán lạn, không phải là thế giới của chăn bò.

Ngoài giờ học, tôi thích nhất được đi long rong trong xóm để ngắm sự sống sinh động  trôi qua từng phút, từng giây.

Thật thú vị khi nhìn ngắm những dăm bào cuộn tròn, tuôn ra từ cái bào của chú thợ mộc.

Thật vui khi được phép phơi chiếc bánh vừa tráng xong lên chiếc vỉ tre ở lò tráng bánh.

Tôi hay lén nhìn mâm cơm nhà hàng xóm xem hôm nay họ có gì trong bữa cơm đạm bạc.

Đọc đến đoạn văn trời rét căm căm không ai thuê mướn,  nhà mẹ Lê với đàn con nhỏ nhít   không còn hạt gạo nào để nấu, tôi đã khóc.

“Quê Nghèo” của  Phạm Duy là bài hát ưa thích của tôi hồi đó.

“Ruộng khô có những ông già rách vai,

 cuốc đất bên đàn trẻ gầy,

 có người bừa thay trâu cày”

Ông Phạm Duy giỏi thật, ông đã làm tôi rưng rưng nhớ đến những chiếc áo vá của bà tôi, mẹ tôi và của nhiều đứa bạn  trong xóm.

Ở nhà trên, trong nhà  ngoại, cậu tôi có để trên bàn một tập nhạc. Cậu đi học xa nhưng cây đàn violon của cậu vẫn treo trên tường. Cây đàn  làm tôi biết rằng  có một điều gì đó làm cho gia đình tôi khác với  những nhà  trong xóm.

Mỗi ngày tôi đều rón rén bước lên nhà trên, nhẹ nhàng mở tập nhạc, say mê nhìn ngắm từng bản nhạc. Những nốt nhạc như đang nhảy múa trên những dòng kẻ. Tôi tưởng tượng ra nhiều thứ từ những nét vẽ lập thể ngộ nghĩnh trên bìa nhạc của họa sĩ Duy Liêm và tôi đặc biệt thích những bài hát mô tả  làng quê nghèo.

Dần dần tôi hiểu ra người dân quê tôi nghèo vì luôn có chiến tranh. Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc, điêu tàn, xác xơ, nghèo khó.

“Về đây nhìn mây nước bơ vơ

Về đây nhìn cây lá xác xơ

Về đây đâu còn bóng chiều mơ

Đâu còn  mái tranh chờ

đâu tìm thấy người xưa

(Trở Về- Châu Kỳ)

Và Phạm Duy đã dạy cho tôi bài học hay nhất về sự tang thương:

“Người đi trên đống tro tàn

Thương em nhớ mẹ muôn vàn về đâu

Chiều khô nước mắt rưng sầu

Thương thân thiếu phụ, gục đầu hài nhi”

(Về Miền Trung-Phạm Duy)

Khi  súng đạn im tiếng trên quê hương tôi, ai cũng mong  quê hương sẽ được an hưởng thanh bình dù phải bắt đầu từ một đống đổ nát của  chiến tranh.

Nhưng  một cuộc chiến khác lại bắt đầu.

Lần này cuộc chiến còn  bi thảm khủng khiếp hơn nữa  khi  đứa con  tàn sát  chính  mẹ thiên nhiên đã ngàn năm nuôi nấng, bảo bọc mình.

Nhớ lại cái nghèo của chúng tôi thuở ấy sao mà đẹp quá.

Đó là thuở không ai tưới hóa chất lên ruộng đồng

Dòng sông thuở ấy không bị tấn công bởi bao ny lông, trong  vắt  lượn lờ giữa hai bờ tre xanh.

Bãi biển ngày đó hoang vu, tuyệt đẹp với trùng điệp  những  động  cát trắng tinh tồn tại từ hàng triệu năm trước không bị san bằng chia lô làm resort, xây biệt thự nghỉ dưỡng, xây nhà cao tầng cao vút.

Rừng già quê tôi thuở ấy hùng vỹ, kỳ bí, thâm u  hào phóng ban phát oxy cho người và và là nơi ẩn náu  của hàng triệu thú rừng.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Người dân thuở ấy trân trọng và biết ơn rừng chỉ dám làm “tiều phu” xin rừng ít củi khô về đun nấu  chứ không dám làm “lâm tặc” trắng trợn thảm sát hàng triệu thân  gỗ quý ngàn năm tuổi.

Rừng xanh cũng biết ơn  người, giữ gìn cho mưa nguồn  thấm sâu vào từng gốc cây, bụi cỏ rồi  từ tốn  gom nước để dành  cho những cánh đồng thân yêu.

Và hạt lúa thuở ấy đã ban tặng  người dân nghèo những bát cơm thanh sạch dù chỉ ăn với muối.

Thương cái  nghèo  đã giữ  cho  quê hương chúng tôi còn nguyên vẹn.

Tôi nhớ “Nắng lên Xóm Nghèo”(1), Tôi yêu “quê tôi, yêu mãi bây giờ còn yêu”(2).

Những “Mẹ quê vất vả trăm chiều nuôi một đàn con chắt chiu”(3) nay  còn đâu  nữa.

Tôi ước gì người dân quê tôi được  sống giản dị, yên lành, nghèo một chút như xưa  nhưng giữ nguyên núi, rừng, sông biển cho con cháu mai sau.

Huyền Chiêu

(1)Nắng Lên Xóm Nghèo –Phạm Thế Mỹ

(2)Tôi Yêu –Trịnh Hưng

(3)Bà mẹ Quê- Phạm Duy.

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search