T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Cuộc sống quanh ta…

cold

Khi còn bé, tôi thích truyện ngụ ngôn “Cái bẫy chuột”. Truyện kể rằng: Một con chuột nhìn qua khe cửa nhà bếp thì thấy bác nông dân cùng vợ đang mở một chiếc hộp. Con chuột tự hỏi: “Không biết trong hộp có gì ngon?” Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi nhìn ra là cái bẫy chuột.

Chuột chạy ra vườn và la làng la xóm: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”

Chị gà cục tác dửng dưng: “Chú Chuột à! Đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với chú, nhưng nó chẳng phiền hà gì đến tôi. Tôi không thể nào bị vướng vào một cái bẫy chuột.”

Chuột lo lắng nói với anh Heo: “Anh Heo ơi, trong nhà ta có một cái bẫy chuột.” Anh Heo tỏ ra thông cảm: “Tôi rất lấy làm tiếc cho chú! Nhưng tôi chẳng thể làm gì được, tôi sẽ cầu nguyện cho chú!”

Chuột chạy tới bác Bò than thở. Bác Bò trấn an Chuột: “Tôi rất hiểu cậu, nhưng tôi chẳng thể giúp gì!”

Chuột lặng lẽ chui vào xó bếp. Lòng buồn thỉu buồn thiu, một mình nhìn cái bẫy chuột tàn nhẫn của bác nông dân…

Thế rồi đêm nọ, một tiếng động vang lên trong ngôi nhà, là tiếng sập bẫy. Vợ của bác nông dân đến xem có bắt được con chuột nào không? Nhưng bởi đêm tối nên bà bị một con rắn độc cắn khi bà mon men tới cái bẫy vốn đã sập vào đuôi con rắn.

Bác nông dân nhanh chóng đưa vợ đi lo thầy lo thuốc. Khi về nhà, vợ bác bị sốt cao. Mọi người đều biết rằng ăn cháo có thể giảm cơn sốt, vì thế bác nông dân bắt chị Gà mần thịt để nấu cháo cho vợ ăn.

Thế nhưng bệnh tình của vợ bác cũng không thuyên giảm. Bạn bè ông và xóm giềng đã tới thăm hỏi, để thết đãi họ, ông đã mần thịt anh Heo.

Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh hiểm nghèo, vợ ông đã qua đời. Nhiều người đến viếng tang lễ và vì thế bác nông dân đã mổ thịt bác Bò để có đủ thức ăn đãi khách vì họ đều là những người đã rất quan tâm tới gia đình bác nông dân!

Câu chuyện thuở bé ở trường làng khi học về truyện ngụ ngôn. Chúng tôi chỉ được cô giáo giảng giải cho nghe sống ở đời: khi bạn nghe, thấy ai đó đang gặp khó khăn dù chuyện đó chẳng ăn nhập gì tới bạn, nhưng hãy nhớ rằng khi một người trong chúng ta gặp nguy khốn, nghĩa là tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp nguy khốn. Bởi tất cả chúng ta đều đồng hành với mọi người trong cuộc sống quanh ta. Hãy để mắt tới mọi người và cùng họ vượt qua khó khăn!

Câu chuyện nhỏ chẳng những không quên mà còn lớn dần theo theo thời gian, hiểu biết… nên hôm tôi đọc chuyện, rồi nhớ hoài về “Phiên tòa xét xử một vụ trộm bánh mì ở New York năm 1935”

   …Vào thời kỳ đại suy thoái ở Mỹ (kéo dài từ năm 1929 tới nửa sau thập niên 30), tại một nơi nghèo nhất trong thành phố New York đã diễn ra vụ xét xử một phụ nữ ăn trộm bánh mì.

Một buổi tối lạnh lẽo tháng 1/1935, phiên tòa ban đêm đang được tiến hành tại khu phố khó khăn nhất thuộc thành phố New York. Một phụ nữ già và rách rưới được đưa đến, bà bị buộc tội ăn trộm một ổ bánh mì.

Khuôn mặt bà u sầu, ẩn trong vẻ u sầu đó là một sự xấu hổ.

Quan tòa hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mì không?”

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Đúng vậy! Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mì!”

Quan tòa lại hỏi: “Nguyên do ăn trộm bánh mì của bà là gì? Có phải vì đói quá không?”

“Đúng ạ!” Người phụ nữ ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn vị thẩm phán và nói: “Đúng là tôi đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình, con gái tôi thì bị bệnh còn 2 đứa cháu nhỏ đang chết đói. Chúng đã mấy ngày hôm nay không được ăn rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ!”.

Nghe người phụ nữ nói xong, mọi người xung quanh bắt đầu lâm râm bàn tán. Tuy nhiên, người chủ lò bánh mì không đồng ý tha thứ. Ông nói: “Đây là một vùng kém an ninh, thưa Ngài!” Ông nói tiếp với quan toà: “Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.”

Vị thẩm phán thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà có hai lựa chọn: Nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam 10 ngày”.

Thị trưởng của thành phố New York khi đó là ông Fiorello LaGuardia cũng có mặt và ông chính là vị thẩm phán trong buổi tối hôm đó. Khi đọc tuyên án trên, ông đồng thời cũng đưa tay vào túi, lấy ra một tờ tiền và thả vào chiếc mũ của mình. Ông nói lớn, “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt này. Ngoài ra tôi phạt mỗi người có mặt trong phiên xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và đưa tặng cho bị cáo”.

Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47.5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia. 50 xu (cent) trong đó là do người chủ lò bánh mì đóng góp. Ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử, và các cảnh sát có mặt khi đó đều vui vẻ được đóng góp 50 cent…

“Về lý thuyết, một phụ nữ ăn trộm bánh mì bị phạt tiền đâu có quan hệ gì đến người khác?” Ông Thị trưởng trả lời báo chí một cách minh bạch: “Đó là trả tiền cho sự vô cảm của chúng ta.”

Ông nói tiếp:“Giữa con người với con người không phải là không có mối quan hệ, con người đến thế gian này với tư cách là một phần tử trong xã hội, là đã có khế ước, tương tự như trong quan hệ quyền lợi vật chất là có khế ước pháp lý; Về tình người, chia sẻ trong cuộc sống cũng có khế ước tinh thần. Lương thiện. Không phải chỉ là một giá trị đối lập với sự lạnh lùng, vô cảm, gian trá, tàn nhẫn và tư lợi, mà còn là một loại khế ước về tinh thần. Đó chính là lòng tốt, là một loại ngôn ngữ phổ quát của thế giới, nó có thể khiến cho người mù cảm nhận được và người điếc nghe thấy được. -Mark Twain

Trong cuộc đời, ai cũng có thể gặp phải cảnh nguy nan khốn khó, ai cũng có thể trở thành kẻ yếu, nếu như chúng ta không giúp đỡ người khác trong lúc nguy cấp, ai có thể bảo đảm rằng mình sẽ không bao giờ bị rơi vào những tình huống tương tự. Lòng người chỉ có hướng thiện mới có thể được ánh mặt trời chiếu rọi và ‘khế ước lương thiện’ mới có thể tồn tại phổ biến trên thế giới này. Người hiểu được rằng phải quý trọng loại khế ước này chính là người cao quý. Người hiểu được rằng phải trả tiền cho sự thờ ơ là người sáng suốt. Xã hội đương thời quá lạnh lùng, nếu chúng ta không nhận thức ra và thay đổi, có lẽ chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho sự ích kỷ của mình!”

Từ truyện ngụ ngôn thời thơ dại về cái bẫy chuột, học xong thấy mình hiểu biết hơn; tới lớn lên, đọc xong trang sách phải gấp lại để nghĩ suy về những nền văn hoá trên thế giới mà văn hoá Mỹ nổi trội về việc làm từ thiện. Người Mỹ đóng góp cho những chương trình từ thiện nhiều nhất thế giới thì ai cũng biết, nước Mỹ giàu có thì ai cũng biết, nhưng không phải người Mỹ nào cũng giàu có thì người Việt định cư tại Mỹ đều biết,(vì ăn xài kiểu Mỹ thì khó giàu, hay không sạt nghiệp đã là mừng.)

… VàTết Đinh Dậu – 2017 đã có một người Mỹ từ trong tiệm phở Việt nam bước ra, ông ta cho người vô gia cư Việt nam chút tiền lẻ. Chuyện ấy không có gì lạ, chỉ lạ là ông đã ra gần tới nơi ông đậu xe thì quay lại, cởi cho người không nhà cái áo lạnh ông đang mặc trên người. (Không lẽ cái lạnh buốt da thịt của gió đông tàn nơi viễn xứ, cái lạnh buốt xuân về của người mất quê hương Việt trên nước Mỹ chỉ người Mỹ biết?)

… Và lạ nhất là ông Mỹ (thí chủ) đã đi thì người Việt không nhà trên nước Mỹ lại cởi cho người bạn Mỹ cũng không nhà cái áo lạnh mình vừa được người bản xứ tặng bởi nó rộng quá cho người Việt nhưng vừa với người bạn Mỹ.

Có thể những người cùng cảnh ngộ, họ thấu hiểu nhau hơn nên chia sẻ dễ dàng hơn. Nên càng quý những người không khổ sở như ông Mỹ, nhưng lòng tha nhân không bị lãng quên trong đủ đầy. Hoặc cái lý lẽ thường nghe từ cửa miệng người ích kỷ, hẹp hòi khi nói về những người không nhà đều đại loại là họ chẳng ra gì nên mới lang thang, cù bơ cù bất, nên không phải giúp những kẻ chẳng ra gì. Có lẽ khi đã no cơm ấm áo thì người ta quên nghĩ nếu họ ra gì thì đã không phải sốg lang thang, không cần ai giúp vì không có khó khăn.

Một người không nhà Việt nam đã hội nhập hoàn toàn vào văn hoá chia sẻ của người Mỹ nghĩ gì về đồng hương coi anh ta chẳng ra gì với ánh mắt tảng lơ; Bí thế giáp mặt thì câu trả lời khi anh hỏi xin lại nói hai thứ tiếng và lí nhí vì mắc cỡ với người khác là mình hẹp hòi, nên lí nhí  nói, “sorry… hổng có tiền lẻ.”

Phan

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search