T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Sơn & Đài Phương Trang: Màu Tím Pensée

“. . . So với các nhạc sĩ nhạc Vàng khác cùng thời, Đài Phương Trang không phải là cái tên đình đám nhưng cũng có một số bài hát đi vào lòng người và phổ biến đến ngày hôm nay như: Hoa Mười Giờ (sáng tác chung với nhạc sĩ Ngọc Sơn), Đường Về Ngoại Ô, Căn Nhà Dĩ Vãng … và đặc biệt bài Người Yêu Cô Đơn (sáng tác năm 1973) là ca khúc tiêu biểu của ông . . .

Ngọc Sơn & Đài Phương Trang: Màu Tím Pensée

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Mau tim Pensee 1

Mau tim Pensee 2

Mau tim Pensee 3

Mau tim Pensee 4

 Màu Tím Pensée – Sáng Tác: Ngọc Sơn & Đài Phương Trang

Trình Bày: Giao Linh (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá : hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với cả thủ bút , chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục :Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm “ trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau , hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người . Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm , nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..( T.Vấn : Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam ).

©T.Vấn 2017

Đọc Thêm:

ĐÔI DÒNG VỀ NHẠC SĨ ” ĐÀI PHƯƠNG TRANG “

Nhạc sĩ Đài Phương Trang (tên thật là Phạm Văn Tứ) sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Ông còn viết dưới hai bút danh Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ. Ông là cựu giáo viên âm nhạc Trường Trung học cơ sở Phú Định (Quận 6). Bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp từ năm 1966. Đến nay ông đã có hơn 500 ca khúc. Ông còn là cháu của nhạc sĩ Ngọc Sơn.

So với các nhạc sĩ nhạc Vàng khác cùng thời, Đài Phương Trang không phải là cái tên đình đám nhưng cũng có một số bài hát đi vào lòng người và phổ biến đến ngày hôm nay như: Hoa Mười Giờ (sáng tác chung với nhạc sĩ Ngọc Sơn), Đường Về Ngoại Ô, Căn Nhà Dĩ Vãng … và đặc biệt bài Người Yêu Cô Đơn (sáng tác năm 1973) là ca khúc tiêu biểu của ông
Sau năm 1975, ông là một trong số ít các nhạc sĩ ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Giống như các nhạc sĩ cùng thời như Thanh Sơn, Hàn Châu, Tô Thanh Tùng, Phạm Thế Mỹ, Vinh Sử, Giao Tiên, ngoài sự tiếp nối của dòng nhạc trữ tình Boléro, ông còn viết thêm mảng nhạc quê hương mang âm hưởng Nam Bộ và khá thành công.

Nhưng nhạc hài mới là thể loại nhạc mà ông tâm huyết nhiều nhất. Ấp ủ từ lâu nhưng đến năm 1990 ông mới bắt tay vào viết nhạc hài và tìm bạn diễn. Cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương), hai ông cùng thành lập nhóm “Hai Con Dế”, ra sân khấu với trang phục truyền thống khăn đóng, áo dài và chơi đàn guitar thùng. Sau khi Phương Khanh qua đời, ông tiếp tục duy trì nhóm “Hai Con Dế” với một số bạn diễn như Kông Thanh Bích hoặc Hải Thanh và hiện nay là nhạc sĩ Đức Tân. Mong muốn của ông là được đem lời ca tiếng đàn để phục vụ công chúng qua thể loại ca hài hầu mang đến những nụ cười dí dỏm, ý nhị có tính nghệ thuật nhằm lên án, đả phá các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Do có quan hệ gia đình với nhạc sĩ Ngọc Sơn thế nên hai người có nhiều bài cùng đứng tên đồng tác giả (Ngọc Sơn & Đài Phương Trang), hầu hết đều là những bài hát được nhiều người biết đến như:

Hoa Mười Giờ, Màu Tím Pénsee, Mùa Pénsee nở, Tình Khúc Đêm Mưa …….

CÁC CA KHÚC SÁNG TÁC TRƯỚC 1975:

Căn Nhà Dĩ Vãng, Đường Về Ngoại Ô, Người Quên Kẻ Nhớ …

CÁC CA KHÚC TRỮ TÌNH VÀ QUÊ HƯƠNG SAU 1975:

Chiều Bên Đồi Sim, Chuyên Đôi Ta, Chuyện Hoa Mười Giờ, Chuyến Xe Miền Tây, Đời Còn Cô Đơn, Đường Vào Tình Yêu, Hai Mùa Noel (1983), Khi Người Yêu Đi Lấy Chồng, Lời Cuối Xa Nhau, Một Cuộc Tình Buồn, Nhớ Mùa Noel, Tình Ca Đêm Noel, Qua Phố Hẹn Xưa, Thề Non Hẹn Biển, Tình Đời Tay Trắng, Trái Tim Sỏi Đá, Ước Mộng Đôi Ta, Về Quê Em …

MỘT SỐ CA KHÚC THEO THỂ LOẠI NHẠC HÀI :

Chòi lá trăng mờ, Đàn ông-đàn bà, Cái gì cũng ôm, Thượng đế cũng khóc, Về quê bắt cua, Vợ tôi, Tình yêu thị trường, Goodbye số đề, Tình thương mến thương, Thằng Bờm …

Nhạc sĩ Ngọc Sơn

(Theo Wikipedia)

Ngọc Sơn (sinh 1934) là một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975 tại Sài Gòn

Ông tên thật là Thái Ngọc Sơn, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1934 tại Sài Gòn. Nhạc sĩ Đài Phương Trang là cháu của ông.

Năm 15 tuổi, ông sáng tác 2 ca khúc đầu tiên là “Ngõ vào đời” và “Có những đêm buồn”. Tuy nhiên cả hai bài đều không được chú ý. Sau đó ông tiếp tục tự học nhạc lý qua sách, đặc biệt là sách của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (xuất bản năm 1951). Ông được Trần Văn Trạch mời hát nhạc tân cho ban Sầm Giang nhưng được ít lâu sau thì thôi.

Năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ký hợp đồng với ông thâu âm 2 bài Ngõ vào đời và Có những đêm buồn vào đĩa nhựa Continental. Ông lại tiếp tục sự nghiệp sáng tác từ đây. Chủ đề tác phẩm của ông giai đoạn này có thể chia ra làm 3 phần:

  • Nhạc tình yêu đôi lứa: Tiêu biểu là Hiện diện của em, Nét son buồn, Màu tím Pensée, Đẹp lòng người yêu (Ngọc Sơn – Tuấn Hải)…
  • Nhạc thời chiến: Tiêu biểu là 100% (Ngọc Sơn – Tuấn Hải), Đường bay mùa ly loạn (Thiên Tường – Tú Nguyệt), Người mang mộng ước (Ngọc Sơn – Hoàng Trang)…
  • Tân cổ: Ăn khế trả vàng (Ngọc Sơn – Yên Sơn), Đoàn chim cánh sắt (Ngọc Sơn – Yên Sơn), Đầu năm đi lễ (Ngọc Sơn – Yên Ba)…

Sau khi thành công với sự nghiệp sáng tác, ông mở nhà xuất bản – hãng đĩa hát Dư Âm và lớp nhạc Ngọc Sơn trên đường Phạm Ngũ Lão. Lớp nhạc khoảng 400 người và nhiều người đã nổi danh như Giao Linh, Yến Linh, Đắc Chung, Phượng Vũ (tác giả Cánh thư mùa hạ)…

Ngoài sáng tác nhạc, ông còn khá nhiều tài lẻ khác:

  • Vẽ minh họa cho các tạp chí Sài Gòn trước 1975
  • Đóng phim/viết nhạc cho một số phim như Như giọt sương khuya, Như giọt mưa rơi, Vực nước mắt…
  • Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp: là thành viên chính thức của hiệp hội nhiếp ảnh các nước Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam. Đây cũng là thú vui hiện nay của ông.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Bình Thạnh, Sài Gòn và vẫn tiếp tục tham gia hoạt động nhiếp ảnh, viết nhạc phim cho đến nay.

Chú Thích:

Về nhạc sĩ Ngọc Sơn, nhà thơ Phạm Doanh của TV&BH có một bài viết liên quan đến ông, chúng tôi cũng giới thiệu lại ở đây để quý độc giả có thêm những thông tin. Với sự cẩn trọng cần thiết, phần nhận xét đúng sai luôn thuộc về người đọc và tất nhiên, người trong cuộc, ở đây là nhạc sĩ Ngọc Sơn và nhà thơ Phạm Doanh.(T.Vấn & Bạn Hữu)

Phạm Doanh : Hiện tượng cầm nhầm thơ văn người khác trên Mạng Toàn Cầu

Bài Mới Nhất
Search