T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: ĐỌC “BẾN MY LĂNG” THƠ YẾN LAN

vạc bay

Vạc Bay-Tranh: Mai Tâm

 

BẾN MY LĂNG

                      Yến Lan

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao,
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly,
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng./.

 

Lời Bình:

Nhiều nhà phê bình văn học nghiên cứu về thơ Yến Lan cho biết bến My Lăng không có thật, chỉ là một cái tên tác giả đặt ra. Vậy thì, trước hết ta hãy tưởng tượng bến Mi Lăng là cái bến thế nào. Tra trong tự điển Hán Việt tôi thấy chữ “mi” có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa chung cúa nó mang hình ảnh của sự tươi đẹp, dịu dàng, mong manh. Chữ “lăng” cũng có nhiều nghĩa nhưng trong đó có một nghĩa là “nước đóng thành băng”. Ghép hai chữ “Mi” và chữ “Lăng” ta có thể liên nghĩ đên hai từ nầy chỉ một bến nước buồn, lạnh lẽo và rất đẹp . Vậy đọc bốn câu của khổ thơ đầu ta có thể hiểu được  ý tác giả muốn nói điều gì:

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Trước tiên ta thấy một con thuyền nằm yên nơi một bến sông vắng vẻ. Ánh trăng bát ngát đổ lên thuyền, đổ trên ông lái đò đang say ngủ và rơi đầy trên mặt sách. Đọc thơ ta biết ông lái đò đọc sách. Vậy đây không phải là một ông lái đò bình thường. Cái câu “Trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách” tự nhiên làm ta kính nể ông lái đò ngay, và tự nhiên làm cho ta thấy có cái gì bí ẩn đánh động trí tò mò. Bến sông bây giờ không tầm thường như bao bến sông khác. Nó mang đậm chất thơ vì nó là My Lăng nghĩa là đẹp và rất lạnh, lạnh đến đóng thành băng. Nó mang đậm chất thanh cao, hào hùng ví ông lái đò là người đọc sách. Vậy có thể ông lái đò là một nhân sĩ đang ẩn danh nuôi chí lớn.

Khổ đầu của bài thơ vẽ nên một bức tranh tĩnh lặng, nhưng nhìn bức tranh tĩnh lặng đó thì hồn ta động. Động là vì cảnh hiện ra lồng lộng, trăng tràn lan như thật trước mắt ta, Động là vì ẩn trong giấc ngủ của ông lái đò, ta như có linh cảm đến những biến động trong hồn ông chìm dưới đáy sự yên lặng đó.  Bởi sự kiện trăng rơi trên sách,ta có cảm tưởng giấc ngủ ông lái đò không có chút bình an nào mà chất chứa trong lòng ông muôn vàn u uẩn.

Để chứng minh cho tấm lòng u uẩn của ông lái đò, Yến Lan khẳng định trong bốn câu thơ sau:

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao,
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Thường một người biết thổi sáo hay là địch thì họ sẽ thổi lúc buồn hay lúc vui, còn khi mà họ cảm thấy chán chường  thì họ không thổi bao giờ. Hai câu thơ trên cho ta thấy ông lái đò là một người tài hoa. Tài hoa vì ông đọc sách và biết thổi  địch, lại thổi rất hay nên tiếng địch của ông “chở mãi hồn lên tắm bến trăng sao”. Ở đây ông lái đò “không muốn run người ra tiếng địch” giữa cảnh thơ mộng đầy trăng thì ta biết ông đang có tâm trạng chán chường. Rượu đã hết, ông lái đò ngủ say nhưng không phải ông say rượu, vì ông còn tỉnh táo để biết mình không muốn thổi địch trước cảnh trời đìu hiu, võ vàng và thiếu những vì sao. Diều đó chứng tỏ có tâm sự trĩu nặng hồn ông khiến ông chán chường muốn quên đời trong giấc ngủ say. Câu thơ “Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao” cũng gián tiếp nói lên sự chán chường và phương hướng bị mất trong con người cô đơn trên bến vắng.

Bốn câu thơ diễn tả tâm trạng yếm thế của ông lái đò, cũng làm cho người đọc cùng mang tâm trạng đó, khiến cho cái bến sông rất đẹp dưới trăng tỏa một làn hơi lạnh, khiến cho ta cũng se lòng trước cái võ vàng, cái thiếu vắng trời sao hay đúng ra, sự võ vàng và thiếu vắng  trong lòng ông lái đò kia.

Qua khổ thơ thứ ba tác giả hoàn toàn tả cảnh, đúng như lời mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh- Hoài Chân nhận xét trong  quyển “Thi nhân Việt Nam”:“ Cảnh như muốn theo lời mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng. Yến Lan cũng làm thơ lối ấy, nhưng Yến Lan đi quá xa”:

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Tại sao Hoài Thanh- Hoài Chân nói “Yến Lan đi quá xa”? Quá xa vì cảnh thật thơ mộng, nhưng cái thơ mộng đó còn như trong giấc chiêm bao. Hai câu thơ đầu nói đến tơ trăng quá lạnh. Câu thơ thứ ba chỉ hình bóng buổi chiều trôi như ở tít một chân trời tâm tưởng. Câu thứ tư có chữ My Lăng làm cho đêm buồn như đóng băng lóng lánh. Cả khổ thơ cho ta một không gian mộng và với câu thơ “Chiều ngui ngút trôi về nẻo quạnh” tác giả còn cho ta thấy dược thứ thời gian có hình sắc “ngui ngút” bay về nơi xa tít ở chân trời. Đọc thơ ta cảm thấy lạnh bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu, quạnh bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu, hầu như hồn ta đang lắng vào giấc mơ và bay về bên My lăng.

Rồi thì, trong cảnh yên tịnh đó diễn biến bất ngờ xảy ra:

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly,
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Trong văn chương, người kỵ mã thường là hình tượng của hiệp sĩ, của chiến binh. Ở đây chàng kỵ mã đẹp làm sao! Đẹp ở chiếc áo dát đầy trăng, đẹp ở tiếng gọi đò hối hả như chàng đang mang một trong trách trên người nên cần qua sông gấp, đẹp ở chỗ sự nôn nóng cũng đầy chất thơ: “Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”. Bốn câu thơ cho ta nhìn hình ảnh chàng ky mã lồng lộng dưới trăng và chất thơ hiển hiện trên áo, trong âm thanh tiếng gọi đò và cả trên con đường bên bờ kia của bến My Lăng. Tiếng gọi đò hối hả làm cho cảnh đang tỉnh thành động. Tiếng động làm cho bức tranh sống, và sự sống vọng trong bức tranh tỉnh làm cho bức tranh hóa rộng ra, mênh mông và xa vắng.

Qua khổ thơ thứ năm tác giả để nghịch cảnh xảy ra, một người ngủ say và một người cứ goi đò trong đêm vắng:

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Khổ thơ nầy cho ta liên nghĩ đến điều gì? Liên nghĩ đến vận mệnh. Vận mệnh của một cuộc gặp, vận mệnh của một đời người, vận mệnh của quốc gia không tùy thuộc vào ta, có khi tùy thuộc vào phút giây nào đó. Bài thơ không cho ta biết hai người có liên quan nhau không nhưng bài thơ cũng cho ta đoán định đây là hai con người nghĩa khí. Một người có học, canh cánh bên lòng nổi u uẩn. Một người đang mang trọng trách  trong mình. Nếu họ gặp nhau và đưa nhau qua đò biết đâu sẽ làm việc lớn, và chuyến đò kia sẽ là chuyến đò định mệnh. Vì họ không gặp nhau, vì định mệnh không cho họ hội ngộ nên ông lái đò phải:

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

Như vậy, người khách kia đi đâu không biết nhưng ông lái đò đã phí cả thời gian, phí đi kinh sử, mất đi chí lớn, u uất nép mình chèo đò bao năm trên bến My lăng để đợi một người khách sang sông, người khách sẽ làm cuộc đời ông thay đổi. Đó là nhân vật nào ta đâu biết. Một tri kỷ? một đồng chí? Một lãnh tụ chăng? chứ dứt khoát không phải chỉ là một chàng kỵ mã bình thường.

“Bến My Lăng” của Yến Lan có thể cho là một bản anh hùng ca, bi hùng ca hay là một bài thơ lãng mạn tuyệt vời. Ai hiểu sao tùy người ấy nhưng đọc nó, ta nghĩ đến hàng ngàn bến sông trên đất Việt suốt chiều dài lịch sử bị đô hộ của dân ta, hàng vạn con người lăn mình trong những đêm trăng, qua sông vì việc nước và hàng vạn nhân tài dấu mình đâu đó, chờ ngày đem tài trí phụng sự quê hương. “ Bến My lăng” rất đẹp, đẹp về cảnh, đẹp về người và đẹp về chí lớn gởi trong thơ./.

Châu Thạch

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search