T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hà Phan: NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY KẺ THÙ

xin dung goi anh bang chu 0103192017

(Ảnh: T.Vấn & Bạn Hữu – Dòng Nhạc Kỷ Niệm)

Sau sự cố bi hài ca khúc “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy bị cho là ám chỉ, trù ẻo cách mạng mùa thu nên bị đề nghị cấm hát, cứ tưởng những người nắm quyền hành trong ngành văn hóa với tất cả lòng tự trọng phải biết mình nên dừng lại ở đâu  để không làm mất niềm tin của dân chúng. Nhưng trong hành động cấm phổ biến bài “Con Dường Xưa Em Đi”, dân chúng ngao ngán hiểu rằng  ngành văn hóa chỉ cần Đảng tin chứ không cần dân tin.

Nạn ấu dâm, hiếp dâm  của nước ta đang làm cho các nước nhìn vào nền văn hóa Việt bằng cặp mắt khinh bỉ nhưng các  ông ở ngành văn hóa đã làm gì cho một xã hội xuống cấp về đạo đức đến thế?  Yahoo mail ra thì trước tiên là những tin tức tục tĩu như “Làm Thế Nào Để Đưa Vợ Lên Đỉnh ba lần”, “Cặp trai gái làm việc ấy trong chổ rút tiền ATM”… Bất cứ trang báo  điện tử nào cũng nhan nhản những thông tin về “Chuyện Ấy”.  Học trò lớp năm, lớp ba đã bị ám ảnh, tò mò về “Chuyện Ấy”. Trai trẻ  hiếp dâm bà già, con gái phá thai ở tuổi vị thành niên, các ông ở ngành văn hóa, kiểm duyệt có vô can?

Cho nên chỉ vì câu  “Chiến Trường Anh Bước Đi” trong  “Con Đường Xưa Em Đi” bị cấm, sự nhỏ mọn, bỉ ổi và tâm trạng sợ hãi của ngành văn hóa đã lộ nguyên hình.

Thuở hai miền còn chia cắt, văn nghệ sĩ miền Bắc  là những chiến sĩ trên mặt văn hóa.

Họ có bổn phận tô hồng chế độ, ca ngợi lãnh tụ và tuyên truyền với  dân chúng  rằng miền Nam đang nghèo đói, khốn khổ trong ách thống trị của Mỹ Ngụy. Và người dân miền Bắc phải hy sinh tất cả cho cuộc giải phóng miền Nam.

Trong khi đó giới văn nghệ sĩ miền Nam được hoàn toàn tự do sáng tác. Và cái chiến trường mà ở đó anh em, cha con phải cầm  súng   giết nhau là nỗi thống khổ , niềm suy tư thao thức cho người trí thức miền Nam. Những ca khúc than trách chiến tranh, những nổi niềm đau đớn khi cuộc chia tay nào cũng có thể là mãi mãi thể hiện trong nhiều ca khúc.  Nhạc sĩ miền Nam không hề sáng tác để tuyên truyền cho thế lực nào .

Hai chữ “Chiến Trường” là nỗi đau ngàn đời của dân tộc Việt, một dân tộc cứ mãi triền miên trong chinh chiến.

Cuộc chiến mấy ngàn năm chống quân Tàu, quân Mông Nguyên, cuộc chiến của Tây Sơn chống quân Thanh, cuộc chiến Điện Biên Phủ, cuộc chiến “Giải phóng miền Nam”, cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc tử chiến ở Gạc Ma, ở biên giới phía Bắc… chẳng phải là “Chiến Trường” sao?

Giới văn nghệ sĩ miền Bắc chỉ được phép nói đến “Chiến Thắng”  mà không bao giờ dám nói đến “Chiến Trường”, Họ dấu biến  tâm trạng đớn đau  của chinh phu và chinh phụ trong giây phút giã biệt để  “Chiến trường anh bước đi”.

Nhưng người dân thì không quên. Và họ đã tìm kiếm sự thiếu thốn trong những ca khúc được viết bằng xúc cảm chân thật về chiến tranh trong những nhạc phẩm của người miền Nam.

Vậy ai đã đưa người dân tới chỗ yêu mến những nhạc phẩm xuất phát từ nỗi niềm xúc cảm chân thành  như “Con Đường Xưa Em Đi”?

Ai đã làm cho người dân chán ngán khi hiểu ra rằng bao năm trời mình đã sống trong lừa phỉnh dối trá và họ tự đi tìm lại những giá trị chân thật?

Có người bảo rằng “Thôi chiến tranh qua đi đã lâu lắm  rồi, người lính miền Nam đã thua cuộc và họ đã bị trả giá. Bây giờ nên bỏ qua tất cả để hòa hợp dân tộc”.

Tôi không đồng ý với lập luận này.

Đây là cách suy nghĩ xúc phạm đến người miền Nam.

Người dân tự phát hát và tự lưu truyền ca khúc của họ như cách người ta nói là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Người nhạc sĩ miền Nam có lỗi gì với dân tộc mà phải tha tội, bỏ qua?

Và tôi tin rằng  những ca khúc của miền Nam sẽ không chết, dù nó chỉ được hát ở vỉa hè, ở xe bán kẹo kéo, ở người ăn mày mù trong xó chợ…

 

Và trong mặt trận văn hóa chính người miền Nam là “Kẻ Thắng Cuộc”.

Hà Phan


©T.Vấn 2017

Phụ Lục:

(Nguồn: VTC News)

‘Không nên phổ biến những ca khúc viết về lính Cộng hòa’

(VTC News) – Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu nêu quan điểm quanh việc Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành một số tác phẩm được sáng tác trước năm 1975

 Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành một số tác phẩm được sáng tác trước năm 1975. Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu đã có những chia sẻ với PV VTC News xung quanh vấn đề này.
kien-nghi-sa-thai-hlv-doi-tuyen-bong-chuyen-nha-bao-nguyen-luu-len-tieng-0

 Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu.

– Thưa ông Nguyễn Lưu, quan điểm của ông thế nào về việc mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc gồm: “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh – Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An) và “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương)?

Trước tiên, việc cho phép hay tạm dừng lưu hành các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các bài hát là việc làm bình thường và thường xuyên của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới, kể cả nơi tự do như Mỹ.

Tôi khẳng định, không chế độ nào trên thế giới này có thể cào bằng tất cả, từ nơi được coi là tự do nhất, họ cũng tỉnh táo trong việc cho lưu hành các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cho cộng đồng của họ.

 Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước.

Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu

Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước.

Riêng đối với 5 ca khúc trên, tôi thấy có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng. “Con đường xưa anh đi” là con đường nào?

Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc.

Chúng ta không căm thù, không khinh ghét những bước chân ấy, nhưng tốt nhất, chúng ta nên khép lại, coi đó là nỗi đau của lịch sử. Đây là lúc chúng ta nên nắm tay nhau, cùng nhau đi con đường mới, xây dựng đất nước chứ không phải là tìm lại “những bước chân xưa”.

Dựa trên những phân tích trên, tôi cho rằng, quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên của Cục Nghệ thuật biểu diễn là có cơ sở.

nhac si Lam Phuong

Hai ca khúc được sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Lam Phương vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành.

– Dù Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975, nhưng hiện nay có rất nhiều những bài hát viết về người lính Cộng hòa, về chế độ cũ được phát hành rộng rãi, thậm chí, xuất hiện trong cả các chương trình của VTV. Ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, chúng ta không nên cho phát hành những tác phẩm làm phương hại hay khiến cho đối tượng sử dụng có những ý nghĩ khác, bất lợi cho công cuộc xây dựng chính đất nước hiện nay.

Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng.

Nếu suy nghĩ một cách hời hợt, chúng ta cho rằng, việc phát hành tràn lan những ca khúc đó là chuyện bình thường, nhưng sẽ rất đau lòng nếu như chúng ta thấy, ngay trong một nhà, đứa con nghêu ngao hát ca khúc ca ngợi chính những con người ngày xưa đã từng chĩa súng vào đầu cha mẹ chúng. Lớp thanh niên ngày nay không thể ca ngợi bước chân của những người chống lại cha ông họ, chống lại những con người đã đổ xương máu để xây dựng xã hội ngày hôm nay.

Tôi vừa có cuộc nói chuyện với một nghệ sĩ rất nổi tiếng người miền Nam, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm nên dừng phổ biến những bài hát miêu tả tâm trạng, hành vi của những người lính đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.

– Có rất nhiều tác giả trước năm 1975 có tư tưởng đi ngược lại với con đường mà đất nước đang đi. Theo ông, các cơ quan quản lý nên có cách ứng xử thế nào đối với những tác phẩm của họ?

Chúng ta không kỳ thị tác phẩm, tác giả, nhưng cuộc chiến tranh năm xưa đã đi qua, chúng ta khép lại quá khứ nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ quên tất cả. Và những tác giả nào đã từng ít nhiều đứng về phe đối lập với quyền lợi của cộng đồng thì cần phải thận trọng khi sử dụng các tác phẩm của họ.

Người Việt Nam ta vẫn có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, nhưng trong thời buổi hiện nay, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và cảnh giác để xây dựng một nền nghệ thuật tốt đẹp, không phương hại tới quyền lợi của dân tộc.

– Ông nhận xét thế nào về cách quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn đối với những ca khúc được sáng tác trước năm 1975?

Tôi nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật cần có chiến lược rõ ràng và bao quát hơn, chứ việc thỉnh thoảng ra quyết định tạm dừng lưu hành một vài bài hát chỉ mang tính chất “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa giải quyết được triệt để vấn đề.

Những cơ quan này cần có một bộ phận tư vấn giỏi về chuyên môn, vững vàng về quan điểm để xác định một cách có hệ thống những tác phẩm nào nên dùng, những tác phẩm nào tạm thời giữ lại, chưa nên phổ biến trong giai đoạn hiện nay.

Việc giữ lại một vài tác phẩm, không đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của chúng hay tác giả mà đơn giản chỉ là chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Xin cảm ơn ông!

Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết lý do tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên là do có lời không đúng với bản gốc và có những tác phẩm không đúng tác giả.

Trên truyền thông, trả lời câu hỏi về nội dung, tư tưởng của các ca khúc trên có gì vướng mắc hay không, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa (Cục Nghệ thuật biểu diễn), băn khoăn: “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào đây?” (Bài Con đường xưa em đi).

 

TẠI SAO LẠI CẤM 5 BÀI HÁT ĐÃ ĐƯỢC CẤP PHÉP ?

FB Nguyễn Phú Yên

Saturday, March 11, 2017 at 5:54am

https://www.facebook.com/phuyen.nguyen.311/posts/407007329658326

Câu chuyện âm nhạc (3):
TẠI SAO LẠI CẤM 5 BÀI HÁT ĐÃ ĐƯỢC CẤP PHÉP?

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương). Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết đã xem xét nội dung ca từ 5 bài hát trên, đối chiếu với bản nhạc gốc, đã thẩm định lại và quyết định tạm thời dừng việc lưu hành các bài hát này (tuoitre.vn, ngày 11-3).

Cục NTBD đã sai khi viết bài “Đừng gọi anh bằng chú” là của Diên An, đúng ra đó là bài hát của NS Anh Thy! Có gì đằng sau việc “nhỏ như con thỏ” này để một hội đồng nghệ thuật lao tâm khổ tứ đi soi mói các bài hát mà nhiều người đã biết từ mấy chục năm nay để rồi phải ra quyết định dừng lưu hành? “Tạm dừng” chỉ là cách nói để mọi người phải hiểu là cấm, không lẽ sau này lại ra quyết định dừng hẳn hoặc là được phép xài tiếp?

Trong luật học, người ta gọi việc này là hồi tố. Vậy là Cục NTBD tự cho rằng trước đây mình làm ẩu vì thấy các bài hát này vô hại nên đã cấp phép, bây giờ phải sửa sai? Chuyện tức cười giống như chuyện con nít! Tôi đã từng xem nhiều danh sách các bài hát trước 1975 được phép sử dụng và nhận ra cách làm việc bất cẩn của Cục NTBD vì có rất nhiều bài hát có sau 1975 và nhiều bài hát nước ngoài được nêu ra ở các văn bản này. Điều đó minh chứng trình độ kém hiểu biết của những người thẩm định, chỉ biết dựa vào quyền uy để phán xét và ban ơn với não trạng của phe thắng cuộc. Tôi thật sự nghi ngờ khả năng thẩm định của những quan chức này; họ có đủ thẩm quyền và hiểu biết để nói về 20 năm âm nhạc của miền Nam trước đây không?

Trở lại với 5 bài hát kể trên, Cục NTBD dựa trên cơ sở nào để dừng các bài hát này? Không lẽ chỉ một lý do “đối chiếu với bản nhạc gốc, xem lại ca từ”? Từ năm 1976, phe thắng cuộc đã có quyết định xóa bỏ nền văn hóa miền Nam, trong đó quan trọng nhất là hai lĩnh vực văn chương và âm nhạc, mà họ phán xét các tác phẩm đó với ngôn từ vô cùng cay nghiệt: “chống cộng, phản động, đồi trụy”. Hãy chứng minh đi! Ủa, vậy sao bây giờ cho in lại sách cũ, đấu giá sách cũ, cấp phép phổ biến bài hát cũ chi vậy? Năm bài hát trên có tội tình gì mà đem ra “thẩm vấn” rồi ra “tòa phúc thẩm”?

Ta thử xem ca từ bài “Cánh thiệp đầu xuân” (trích): “Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn/ Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình… Tôi chúc yên lành người người khắp chốn/ Mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì… Tôi chúc ngày mai dù đường xa vời/ Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi…”. Toàn là những lời chúc tốt đẹp ngày đầu xuân đối với mọi người, thậm chí trong bài không có từ “binh sĩ” như trong bài “Ly rượu mừng” đã được cấp phép mới đây.

(Hương Lan hát https://www.youtube.com/watch?v=rtrB7yLtj9Q

Bài “Rừng xưa” chỉ là chuyện tình của đôi lứa lúc chia xa: “Người về đâu hỡi người về đâu/ Có nhớ chăng một chiều bên suối mơ/ Nghe gió cuốn mây trôi về nơi xa tít chân trời/ Tình đã trao không lời/ Rồi mùa thu thương tiếc quá/ Anh nỡ đi trong lòng hoa xác xơ/ Ôi thắm thoát trôi qua mười năm quá xa rồi mà tình mãi còn vương/ Bao năm qua người ơi mang tin yêu cho đời/ Mong có ngày đoàn viên giữa suối reo triền miên/ Về với em nghe nắng mai chan hòa, nghe lúa vàng dâng tràn đầy hương yêu/ Người về đâu hỡi người về đâu/ Đây ước mơ của miền Nam mến yêu/ Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình tìm hạnh phúc ngày qua”.
(Hoàng Oanh hát: https://www.youtube.com/watch?v=R10wxL9WiEQ)

Bài “Chuyện buồn ngày xuân” là bài hát tình buồn của người con gái lúc chia tay người yêu: “Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình/ Giữa đêm xuân lạnh lùng/ Chim xa bầy còn thương tổ ấm/ Huống chi người tội lắm anh ơi/ Xuân năm nào có nhau mình bên ly rượu đào/ Mùi quê hương ngọt ngào nhưng bây giờ người đi kẻ nhớ/ Đến bao giờ lòng hết bơ vơ/ Trùng dương sóng gào đưa anh vào tương lai mờ tối/ Em biết anh vì xôn xao trong phút giây kinh hoàng/ Đời anh đâu muốn phụ phàng nhưng tình vẫn ngăn đôi/ Khi bước chân lên tàu là ngàn năm ta chia phôi/ Thương anh em mới biết đêm dài/ Mới hay nước mắt tuôn trào vì ai/ Em xin dành trái tim để yêu anh trọn đời/ Khắc tên anh ngàn lời để mai này ngàn năm còn nhớ/ Đến câu chuyện buồn của đôi ta”.
(Thanh Tuyền hát https://www.youtube.com/watch?v=xYr_R779opY)

Bài “Đừng gọi anh bằng chú” là tâm tình vui tươi của anh lính trẻ khi đi tán gái (trích): “Em ơi đừng gọi anh bằng chú/ Khi em em chín thơm hoa mộng/ Chưa vấn vương gì em lúc xuân thì/ Còn anh mới đôi mươi/ Đừng gọi anh bằng chú sợ ngăn cách đôi ta/ Em làm công chúa nhé anh tráng sĩ hiên ngang/ Tung hoành trên bốn biển khi tàu anh trở về quà anh sẽ cho em/ Xin em đừng gọi anh bằng chú/ Ô hay sao chú ưa mơ mộng/ Sao chú hay nhìn, sao chú hay cười làm con bé bâng khuâng…”.
(Trung Chỉnh & Phương Hoài Tâm hát https://www.youtube.com/watch?v=GPFOPiLkgdQ)

Bài “Con đường xưa em đi” nói về tình buồn của chàng trai khi chia tay người yêu (trích): “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê/ Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi/ Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về chiến trường anh bước đi/ Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe hỏi còn ai cố tri/ Em ơi nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời/ Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài…”.
(Đan Trường hát https://www.youtube.com/watch?v=B0pgSXCwEjY)

Nếu xem lại ca từ các bài hát này, ta thấy chẳng có bài nào vi phạm các tiêu chí “chống cộng, phản động, đồi trụy” ở đây cả! Đó là những giai điệu gợi lên tình cảm nhân văn và quý giá mà người nhạc sĩ đã thể hiện được trong hoàn cảnh chiến tranh. Trong khi bộ mặt văn hóa hiện nay rơi vào thảm trạng tệ hại, cần bỏ công sức để chấn chỉnh và phát huy những giá trị tốt đẹp thì các quan “rách việc” đi xét lại việc cấp phép mà chính mình đã đặt bút ký tên vào đó!
(11-3-2017)

(Nguồn: FB Nguyễn Phú Yên)

Bài Mới Nhất
Search