T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Mùa garage sale khởi động…

 garage sale sign

(Ảnh: Internet)

Chiều về đến xóm cầu gỗ mới hay sương tuyết đã qua mùa, xóm tôi cắm bảng bán garage sale cả xóm vào thứ bảy giữa tháng ba (Mar 18-2017). Bởi xóm này chỉ cho bán garage sale hai lần trong năm nên có nhà ghi là “Spring Sale”, và đến tháng mười thì họ ghi là “Fall Sale”. Tôi cười thầm với nghịch lý, ở Việt nam xóm giàu mới có cầu xi măng, xóm nghèo mới xài cầu gỗ, cầu tre, cầu khỉ… muốn bán buôn gì trước cửa nhà cũng được, và buôn bán quanh năm. Nhưng ở Mỹ xóm cầu xi măng mới được bán garage sale quanh năm, chứ xóm cầu gỗ thì mỗi năm hai lần thôi, và cả xóm chỉ được bán garage sale cùng một ngày. Đúng là xứ gỗ mắc hơn xi măng nên dở khóc dở cười với chuyện về nước Mỹ.

Nhưng hàng chữ “garage sale” như đưa tôi về những ngày mới đặt chân đến Mỹ. Tôi có cảm nghĩ chả kể dân tộc nào, cứ hễ là người mới đến Mỹ thì hầu hết đều háo hức với garage sale. Đơn giản vì các thứ đều cần cho người mới đến định cư thì không đâu giá mềm bằng garage sale, mà lại không thiếu món gì. Nhiều món còn mới nguyên, càng hút hồn người mua với giá bán như cho. Ai cũng đã từng thấy cả gia đình, vài người bạn, hai chị em, hai vợ chồng đi garage sale. Họ tha hồ chọn lựa, nói cười, cuối cùng hớn hở đưa ra xe bao nhiêu thứ trong niềm vui vớ được của hời, nhưng thời gian chỉ ra không cần thiết thì âm thầm lặng lẽ xách đem quăng.

Garage sale nhìn chung là bán đồ cũ. Công việc không lạ lùng gì trên thế giới. Riêng ở Việt nam mà cụ thể là Sài gòn thì đã nổi tiếng với Khu Dân Sinh từ trước 1975. Vào những năm 1960, là nơi tập trung của giới cầm đồ, sau khi người cầm không có tiền chuộc lại thì chủ cầm đồ bỏ ra bán tháo bán đổ để gỡ vốn. Dần dà, người có mắt kinh doanh đứng ra thu mua mọi thứ của người bán vì cần tiền, người phải dọn nhà đi xa-không tiện mang theo lỉnh kỉnh, hay người không có nhu cầu sử dụng một vật gì nữa.

Khu Dân Sinh định hình và nổi tiếng vào những năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền nam thì “đồ Mỹ” trở thành những mặt hàng chiến lược ở Khu Dân Sinh-Sài gòn. Nơi đây cũng không thiếu hàng hoá có nguồn gốc từ trộm cắp, hàng độc, hàng hiếm… như con dao găm, cây mã tấu của Biệt kích Mỹ mà dân giang hồ rất khoái, món đồ chơi của Playboy do Mỹ đem sang, cái kính Rayban, cái nhẫn Pilot của không quân Mỹ, cái quẹt zippo, tới bao diêm – quẹt vô gót giày lên lửa mới giống cao bồi……

Khu Dân Sinh thật đúng với cái tên nhiều ý nghĩa của nó vì nó rất sống động với mặt đời của dân lao động, sinh khí ngút ngàn dưới ý nghĩa nhân sinh, dưới vòm trời lọt thỏm giữa Sài gòn mà chứa hết thế gian của đủ hạng người trong giao dịch, mua bán các loại: từ minh bạch tới mờ ám; từ đồ thờ tới đồ chơi, từ chai rượu Mỹ tới ly trà đá……

Đến sau 1975, Khu Dân Sinh trở thành đầu mối của thị trường đóng cửa xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như người được cấp giấy phép sản xuất giấy, lò đường… cần cái động cơ lớn chạy máy trong bối cảnh Sài gòn bưng bít thì đi mua ở đâu? Chỉ có cách ra Khu Dân Sinh đặt hàng với những người mua bán đồ điện. Những “chuyên gia móc ngoặc” này sẽ đặt hàng (ngầm) với cán bộ, bộ đội trong phi trường Tân Sơn Nhất hay mấy anh vố chuyên tải đồ Mỹ bỏ lại từ căn cứ Long Bình ngày xưa. Những người này đánh Mỹ còn được thì chuyện tổ chức đánh cắp đồ Mỹ trong căn cứ, phi trường để đưa ra bán chợ đen không khó mấy với những anh hùng quân đội nhân nhân.

Sự náo hoạt của Khu Dân Sinh-Sài gòn dần đi vào hoạt động phi pháp nhiều hơn sau 1975, với liên kết tội phạm trộm cắp có hệ thống, tổ chức của cánh cán bộ, bộ đội nhà nước đã tiếp thu (thêm) chiến lợi phẩm trong nam. Quá trình tư hữu hoá cửa sau của tầng lớp cán bộ và bộ đội phục viên đã tiếp tay cho Khu Dân Sinh có tới cả cái gạt tàn thuốc lá trong Dinh Độc Lập. Trong bối cảnh bưng bít xã hội chủ nghĩa thì tội phạm xã hội từ trộm cắp lớn như các cấp chính quyền đến trộm cắp vặt như cánh nhập nha, cánh tháo cái đèn xe, cái cốp xe gắn máy ở những quán cà phê cũng đưa ra Khu Dân Sinh để tiêu thụ.

Bước ngoặt của Khu Dân Sinh là sự hình thành nên một nét sinh hoạt Liên hiệp quốc của thành phố Sài gòn sau 1975 là sự xuất hiện bàn ủi Nga sô, quạt máy Đông đức, bình thủy, võng dù Trung cộng, bình bông pha lê của Ba lan, đồ bạc Tiệp khắc… hàng hoá xã hội chủ nghĩa sát cánh với đồ cũ của Mỹ chan hoà màu sắc trong Khu Dân Sinh và để lại ký ức người Sài gòn muôn năm cảm giác hơi sợ sợ giựt đồ, móc túi nhưng lại khoái vô Khu Dân Sinh để mua đồ rẻ mà đồ hiệu nữa chứ! Như mua cái mỏ-lết của Mỹ trong Khu Dân Sinh chỉ gấp đôi tiền mua cái mỏ-lết của Nga. Trong khi xài thì gấp ngàn lần bền, hỏi ai không khoái.

Tương tự trên thế giới, đi một vòng châu Âu (từ tây Âu sang đông Âu) đều thấy những khu mua bán đồ cũ tương tự; ngay cả những nước bắc Âu giàu có như Thụy sĩ, Na uy cũng có mua bán đồ cũ theo hình thức tập trung vào một ngày đẹp trời ở sân nhà thờ theo lối tặng không, hoặc bán garage sale như ở Mỹ với tính cách cá nhân một gia đình.

Sang Nam Mỹ cũng thế, đi chợ trời ở Ba Tây còn có ca hát, nhảy Samba hết sẩy. Sang Mễ càng vui với chợ trời, garage sale, vì họ bán cả trái cây và thịt nướng, nước uống, bia… Tới các nước châu Phi và Trung đông thì sinh hoạt chợ trời, garage sale có thêm lựu đạn, bán cả súng ống, hoả tiễn xách tay cho các phe nhóm nhiều hơn cả môn phái võ lâm ở Trung nguyên bên Tàu.

Trở về châu Á thì các nước cũng y chang. Mua bán đồ cũ đã toàn cầu hóa như một nét văn minh nhân loại. Bây giờ, người ta dễ dàng mua máy móc điện toán cũ, phụ tùng xe hơi, đồ gia dụng tới nồi niêu soong chảo ở Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan, Bangkok … nếu gia nhập vô gia đình eBay thì tính toàn cầu còn cao hơn. (Nếu chỉ lần theo những bài viết của người Việt khắp nơi) thì dân ta “cực khoái” garage sale! Hầu như người da trắng thích mua sự phục vụ, cái gì mắc chút cũng không sao, miễn sạch sẽ và phục vụ niềm nở là họ thích; người da màu thích mua cái gì bự, nhiều, rẻ… là chọn lựa tối ưu; thì người châu Á đặc biệt quan tâm đến chữ “sale” tức “bán hạ giá”, có chữ “sale” là mua, đôi khi đã “sale” rồi vẫn còn mắc thì lại không quan tâm…

Trở về Mỹ với giấy bút viết rong, với cái nhìn qua lăng kính người Việt thì garage sale thực sự giúp cho rất nhiều người Việt mới định cư. Từ bộ bàn ăn xài tạm, đến cái tivi coi đỡ, cho tới giày thể thao, là loại người Việt Nam ít dùng trong nước, nhưng qua Mỹ thì rất cần để đi làm. Đôi giày mới nguyên trong tiệm có thể lên đến bạc trăm nhưng garage sale thì ít có đôi giày thể thao nào hơn 10 đô-la.

Người Việt sính garage sale vì rẻ, phù hợp với túi tiền mới qua. Nhưng sau khi đã ổn định đời sống, việc làm. Khi đã có thu nhập rủng rỉnh thì nhiều người quay lưng với garage sale. Sợ người quen thấy mình đang mua garage sale thì xấu hổ! Những người tự ái hão chả bù cho những người lấy garage sale làm niềm vui cuối tuần. Niềm vui nhân bản của đôi vợ chồng tôi quen, dù họ đã có tuổi nhưng thường dậy sớm cuối tuần, cùng đi garage sale như đi dạo buổi sáng, mua về những thứ chỉ nhằm giải quyết thời gian rảnh. Cuối cùng là đem cho những người mới qua hay bạn bè cần thiết. Chả có gì xấu hổ vì không phải trộm cắp mà mua bằng tiền hẳn hoi. Chả có gì chối bỏ kém cỏi bằng chối bỏ lịch sử.

Ừ, thì tôi tin hai người đã có tuổi nên họ nói cũng có lý của họ, còn chuyện đúng sai cũng tùy người nghe. Tôi chỉ thấy garase sale có ích lợi thực sự cho người nghèo, nhưng là cái thú vị lớn lắm với người hoài cổ khi tìm được quyển sách, bức tranh, cái dĩa nhạc của  Elvis Presley, ban nhạc Beatles không chừng… Garage sale đi vào kỷ niệm của người không phải là người bản xứ khi đặt chân đến Mỹ, hay sống và làm việc một thời gian trên xứ sở này như cô hoa hậu hoàn vũ người Thái Lan năm 2015 là Chalita Suansane đã trả lời ban giám khảo câu hỏi: “Cô thích gì nhất ở Mỹ trong những năm du học?” Cô trả lời ngay đến ông giám khảo người Mỹ, “Tôi thích nhất là đi garage sale vào ngày cuối tuần…” Ông ấy chấm điểm tối đa cho cô ngay, nên bị báo chí lên tiếng!

Garase sale ở Mỹ, có người cho là một nét văn hóa Mỹ – cũng không sai vì không ở đâu bán garage sale mạnh như ở Mỹ. Nếu nhìn từ góc độ khác thì việc mua-bán garage sale ở Mỹ mạnh, nói lên tính chất xã hội và con người. Về mặt xã hội là xã hội tiêu thụ, về mặt con người là người xài trước trả sau – nên vô tư! Nhờ vậy, kinh tế Mỹ mới mạnh. Chứ mặc cái áo tới bạc màu như ông nhà báo Việt nam thì ngành may mặc phá sản, đi đôi giày vẹt gót như ông chủ tiệm phở thì tiệm giày hàng xóm đóng cửa cho ông mở tiệm phở lớn thêm ra……

Qua garage sale ta còn thấy cách sống của người Mỹ là mua cái tủ lạnh mới, tivi mới… thì bán garage sale cái tủ lạnh cũ, ti-vi cũ. Khác Việt nam là đưa tủ lạnh cũ, ti-vi cũ ra garage. Dần dần, các thứ trong garage nhà Việt nam – nếu tính thành tiền không hơn ba ngàn đô la. Trong khi cái xe ba, bốn, năm, sáu, bảy… chục ngàn đô la thì đậu ở ngoài với mưa nắng tuyết đá! Đỉnh cao trí tuệ hoàn toàn không thuộc độc quyền của trung ương đảng ở Hà nội, mà ít nhiều cũng theo chân người rời bỏ quê hương.

Nói về lịch sử của garage sale thì dòng tộc nhà giá rẻ khá đông vui với những bà con xa gần lớn nhỏ như: Yard Sale, Rummage Sale, Tag Sale, Lawn Sale, Attic Sale, Moving sale, hoặc Junk Sale. Hình thức đơn lẻ một gia đình bán đi những thứ không cần thiết tới quy mô “hoành tráng” của  garage sale là Community garage sale. Đông vui hết biết. Nhất là đám nhóc tì cũng tranh thủ làm ăn với nghề bán nước chanh (lemonade), năm mươi xu, một đồng. Tạo nên không khí vui nhộn vào hè hay sang thu. Cánh nhóc tì háo hức từ khi đi phụ cha hay mẹ đi cắm những bảng quảng cáo tự chế (makeshift), hoặc mua sẵn một bảng nhỏ ở các chợ Wal Mart, Home Depot, Office Max, Lowe’s Store có chữ “Garage Sale” rực rỡ để gây chú ý ở những ngã ba, ngã tư gần nhà. Nhiều khi tiền bảng cắm nhiều hơn tiền bán được sau một buổi garage sale. Sao người Mỹ làm vậy?

Có thể đây là nét văn hóa hơn thương mại như nhiều bài viết về garage sale nhận định. Vào thời lập quốc Hoa Kỳ, (trong những phim xưa) khi người này qua nhà người kia mua lại gallon sữa bò, có thoả thuận giá cả. Nhưng xã hội Mỹ kỹ nghệ hoá đến những hệ thống siêu thị tầm cỡ thì thôi trả giá như bây giờ. Người Mỹ hoài niệm chăng? Dù sao trả giá ở một garage sale trên nước Mỹ cũng không làm cho người bán nghèo đi hay người mua phá sản, chỉ là gợi nhớ về một thời đã xa trên mảnh đất này. Nhưng chớ trả giá với bà bán quảng cáo cho báo đài Việt ngữ, bà ấy nói xấu thương hiệu của mình tới sập tiệm. Nên chỉ trả giá ở garage sale của Mỹ thì dù được hay không, người bán cũng cảm ơn người mua bằng nụ cười dễ mến để viết về nước Mỹ.

Người Mỹ có câu: “Rác của người này là báu vật của người kia – Your trash is someone’s treasure”; người Việt xưa cũng nói: “Cũ người mới ta”, từ câu ca dao, “ra đường thấy cánh hoa rơi/ hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Còn người Việt bây giờ thì nói kinh lắm! “Vợ là mì gói của ta/ là hàng đặc sản của thằng cha láng giềng”. Âu, garage sale mang tính nhân bản tử tế đấy chứ! Đừng quên những ngày dậy sớm đi lùng sục garage sale chỉ cốt để mua được vài món cần dùng trong một gia đình mới định cư với giá thấp nhất. Đừng quên niềm vui trong sáng, nụ cười tươi như hoa của hiền nội khi mua được cái chảo non-stick với giá 5 đồng. Khứa lão chơi được cây cần câu 12 feet mà trả có hai chục thì sướng như được ăn… đặc sản. Xứ giàu này nó vậy, phải bán bỏ cái còn tốt, thậm chí cái chưa xài do quà cáp lễ lộc mà có, thì sức mua mới cao, kinh tế mới lên. Nên người Việt đừng ngại bán bớt đồ cũ trong nhà cũng là một nét hội nhập vì nhà ở ở Mỹ rất thoáng đãng, cớ sao mua nhà to mà cả gia đình lại ở trong nhà kho vì quá nhiều đồ đạc?

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search