T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Suy ngẫm…

 hố tư tưởng

Hố Tư Tưởng- Tranh: Mai Tâm

Khó chối cãi được một người đọc nhiều thì kiến thức rộng, nhưng một người kiến thức rộng chưa chắc đã đọc nhiều sách. Đó là sự mâu thuẫn khá mất thời giờ để lý giải. Nguyên tôi có hai người bạn mà nhà họ cùng bị hư hỏng máy điều hoà không khí trong mùa lạnh vừa qua. Một người đã qua Mỹ khoảng ba mươi năm, anh có đi học lại và lấy được bằng kỹ sư hoá chất. Ngồi nghe anh nói về máy điều hoà không khí thì tôi phục sát đất cái kiến thức uyên bác của anh. Anh có thể trình bày lưu loát, thông thạo về cơ cấu của một cái máy lạnh máy sưởi, sự vận hành của nó ra sao… Anh hiểu biết tường tận đến việc căn nhà rộng bao nhiêu square feet thì phải gắn máy lạnh mấy tấn? Anh lý giải về việc hà tiện, gắn máy lạnh nhỏ hơn sẽ hao điện hơn vì máy chạy hoài. Nhưng gắn máy lớn công suất hơn cần thiết cũng không tốt cho căn nhà và sức khoẻ của những người sống trong căn nhà đó. (Tôi chỉ nhớ được 1 tấn máy lạnh cho 400 square feet – nhà 2000 sqft thì gắn máy 5T là chính xác).

Nghe anh nói về sự cải tiến của máy điều hoà không khí đời mới, nhằm tiết giảm điện, nghe rất hay bởi hợp tình hợp lý và khoa học thật sự. Nhưng bạn hữu không ngờ được là anh nghiên cứu, tìm hiểu về máy điều hoà không khí để kêu thợ tới thay cho anh cái máy hiện đại nhất, nhưng giá rẻ nhất so với những công ty lắp đặt máy điều hoà không khí trong vùng. Chúng tôi có hỏi, sao anh rành máy lạnh máy sưởi như thế mà lại tốn tiền thợ cả ngàn đồng cho khoản công thay? Anh trả lời thành thật hơn những người rủng rỉnh chút đô la trong túi rồi nói phách. Anh nói thật là tôi cũng tiếc bạc ngàn tiền công thay máy điều hoà không khí, nhưng hiểu biết của mình chỉ là lý thuyết, sách vở, khi thực tế chạm tay vào cỗ máy cũ kỹ, hỏng hóc… tôi chả biết đường đâu mà mò.Đành kêu thợ thôi.(Dù tôi biết sửa cái máy lạnh máy sưởi cũ không nguy hiểm bằng tôi làm việc với hoá chất, nhưng đúng là kiến thức sách vở thì còn phải thực hành nhiều lắm với kiến thức ấy thì mới hiểu được.)

Trong khi người bạn khác, nhà cũng hư hỏng máy điều hoà không khí. Nhưng gia đình anh mới sang Mỹ chừng 5 năm nay, lại mới mua nhà nên tài chánh còn eo hẹp. Anh mua nhà cũ lắm rồi, nhưng bởi con đông nên tính ra trả tiền nhà cũ cũng nhẹ hơn trả tiền chung cư mướn đến 4 phòng. Từ ngày máy sưởi không chạy, anh gọi bạn bè để nhờ đoán bệnh cho máy sưởi. Trong khi kiến thức cóp nhặt từ Google của tôi chưa trả lời được, nên phải đọc rồi gọi lại cho anh biết vài chi tiết lượm lặt được trên Google. Thế mà anh sửa được cái máy cũ kỹ trở nên chạy êm ru. Anh còn đem kinh nghiệm và sự hiểu biết đi chùi rửa, vô dầu mỡ cho máy điều hoà không khí của nhà bạn bè.

Thỉnh thoảng có dịp, ngồi nghe anh nói chuyện với ông kỹ sư hoá chất thật đã tai. Một người chẳng biết tên từng món trong cái máy lạnh máy sưởi thì biết nó nằm ở đâu, giữ chức năng gì? Một người thì rành tên tiếng Anh của từng món, nhưng không biết nó nằm ở đâu trong cỗ máy? Song, kỹ sư nghe bạn nói tên tiếng Việt thì bù trất. (Ông kỹ sư chỉ biết cái relay, không hiểu ông bạn đang nói về “cục ka-ba” là cái cục gì? Hỏi lại thì ông ấy nói là “cục đề” đó! Cục đề không quăng thì mô-tơ làm sao chạy?) Ông kỹ sư chịu thua.

Riêng tôi là thính giả trung thành, tôi thích nghe để học hỏi về khoa học kỹ thuật, khoa học đời sống vì thật sự ai cũng nói là lên Google sẽ có hết! Đúng. Nhưng đụng từ chuyên môn của ngành nghề thì mình thiếu chuyên môn, làm sao hiểu nổi?

Những lần ngồi nghe hai ông bạn trò chuyện hay những người bạn khác cũng trò chuyện tương tự, tôi thường nghĩ đến khả năng của con người to lớn hơn bản thân con người nhiều lắm. Nhưng phải có động lực thúc đẩy thì người ta mới động não, tư duy mới sáng tạo. Như anh bạn mới qua, theo anh nói từ nhỏ đến khi rời Việt nam, nhà anh đâu có máy lạnh đâu mà biết. Rõ ràng là anh không ngờ mình có thể sửa được một cái máy điều hoà không khí bị hư hỏng. Giả sử ở Mỹ một ngày nào không còn lái xe hơi mà lái máy bay đi làm, đi chợ… anh sẽ sửa được máy bay với điều kiện đừng giàu có lên, cứ nghèo thì óc sáng tạo sẽ làm việc hiệu quả. Hay ông kỹ sư không còn làm ra cả trăm ngàn một năm thì sẽ biết sửa máy lạnh máy sưởi nhà mình.Nói về khả năng của con người rất khó lường, có tư duy trừu tượng để hình dung ra không gian ba chiều nên không biết con người còn nghĩ tới đâu và sẽ làm gì? Đó là những câu hỏi thầm lặng không của riêng ai vì dường như ai cũng có lúc suy tư thầm lặng về đời sống quanh mình… như chiều nay tôi đọc một trang về thế giới loài vật mới biết:

“Nếu đặt con chim ó vào trong một chiếc lồng, có kích thước khoảng 2 mét vuông. Dù lồng không có nóc, nhưng ó vẫn tự cầm tù mình vìchim ó muốn bay, phải chạy lấy đà khoảng 3- 4m mới cất cánh được…”

“Con dơi thường bay đi kiếm ăn vào buổi tối. Dơi là sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác. Nhưng nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Vì thếđặt một chú dơi trên sàn nhàhoặc mặt phẳng, dơi chỉ có thể lê bước loanh quanh cho đời mỏi mệt chứ không thể bay đi. Nếu gặp may, dơi được rớt từ một độ cao nhỏ thôi, cũngđãđủ cho dơi tung mình bay vào không trung…”

Đến con ong nghệ mới lạ kỳ!

“Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, ong cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết. Ong không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua… đáy ly!”

Đọc đến đó. Tôi gấp sách lại. Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt. Vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp,tính so sánh, tệ nhất là sự lệ thuộc vào kinh nghiệm của người đi trước để tự làm cuộc sống của mình trở nên mệt mỏi. Nếu nghĩ suy tận cùng thì sự mệt mỏi chỉ là một phần nhỏ do sinh tồn, mà phần nhiều vì so sánh. Cuộc sống có những nỗi đau chúng ta phải trải qua rồi mới thấm thía, có những mệt mỏi không phải hoàn toàn do cuộc mưu sinh, mà lại bắt nguồn từ tâm đố kỵ. Chúng ta có rất nhiều chuyện đủ để gục ngã, nhưng cái thực sự làm chúng ta gục ngã lại chính là tâm thái của mình.

Một người sống đơn giản sẽ dễ khỏe mạnh như người tu hành, người biết yêu thương chân thành luôn giàu có cảm xúc. Từ đó tâm trí cũng sáng suốt hơn người đã nghĩ không thông lại càng cố nghĩ, sao không đừng nghĩ nữa khi đã nghĩ không thông cho đầu óc thêm mệt mỏi chứ ích gì? Cái đã không có được thì đừng muốn nữa, tại sao lại phải tự làm khổ mình?

Sống bon chen thì đến đâu là đủ, nhưng sống tiếp nhận là dịu dàng ngay, cho dù là chấp nhận sự xuất hiện của một người hay chấp nhận sự ra đi của một người. Cuộc sống mệt mỏi do sinh tồn không nhiều mà so sánh, thích so sánh mới thực sự làm chúng ta mệt mỏi trong cuộc sống không có sự công bằng tuyệt đối, nhưng tương đối có công bằng trong quan hệ con người. Nếu chúng ta có được nhiều thứ hơn người khác, thì mặt hưởng thụ hơn lại nhỏ hơn việc phải gánh vác nhiều hơn người khác. Người ta không bao giờ biết mình kiên cường ra sao, cho đến một ngày ngoài kiên cường ra, người ta không còn lựa chọn nào khác. Cái gì thuộc về, hãy tiếp nhận lấy. Chúng ta đã cố gắng, trân trọng, không thẹn với lòng thì những cái khác thuộc về vận mệnh. Tại sao cứ phải chống đỡ quá sức đến mệt mỏi mà không cho bản thân được nghỉ ngơi một lúc, một dạo? Ai cũng có quyền nói “Tôi mệt quá!” để nghỉ ngơi một lát. Miễn đừng nói “Tôi không thể” trong cuộc đời có rất nhiều chuyện đủ làm bạn gục ngã, nhưng cái thực sự làm bạn gục ngã chính là tâm thái của mình.

Từ chuyện đời thường tới ngõ ngách tư duy được nói ra ở quán cà phê. Nhưng mỗi người ra về lại có rất nhiều điều để tự suy ngẫm…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search