T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 107)

penrefiil  

Nghi vấn văn học về thành ngữ và thơ

“Sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm” , có tác giả cho là câu này của Minh Mạng ám chỉ đất Nghệ An của bà Hồ Xuân Hương. Đồng thời ngoài bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” với những câu “Yếm đào trễ xuống dưới nương long – Đồi gò bồng đảo sương còn ngậm – Một lạch đào nguyên suối chửa thông” . Theo truyền thuyết bà còn có bài “Thiếu nữ ngủ ngày”  khác:

Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.

“Em ngồi em để sự đời em ra”cái váy. Qua một bài viết, tác giả trên cho rằng vua Minh Mạng ác cảm với những bài thơ của ba Hồ Xuân Hương nên mới có câu “Sơn bất cao…”. Đồng thời cùng với tín ngưỡng của người Chàm, vua sai quan bộ Lễ Hòang Công Lý: “Cung nhân luân, chính tâm thuật, giới dâm tắc, thận pháp thù”. Thế là quan bộ Lễ cho dẹp tín ngưỡng phồn thực ỏ miếu Trò, thôn Trám, tiếp đến là…cái váy:

Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang.

Thật ra thì chưa chắc đã là tháng tám vì sử nhà Nguyễn chép: tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc. (Quốc triều chính biên toát yếu). Minh Mạng cấm đàn bà đàng ngoài mặc cái “vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không”. (Vua muốn Ta mặc quần theo Tầu).

Khoảng thời gian Hồ Xuân Hương mất trước đó 10 năm.

Văn học trong nước

Theo Nguyễn Huy Thiệp: “…Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa”.

(Nguyễn Huy Thiệp – Trò chuyện với hoa thủy tiên…)

Tục ngữ Ta và Tầu

 Già còn chơi trống bỏi

Bát thập tuế học xuy cổ thủ

(Già tám chục còn học đòi chiêng trống)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như vẫn xuất hiện trong thơ và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.

Chữ đẩn, ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: “Đẩn cho bưa rồi đi nghể”.

(Ăn cho no rồi đi ngắm gái).

Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn:

“Đẩn cho hắn một chặp!”

 (Đục cho hắn một hồi!).

Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại:
Được mùa thì chê cơm hẩm
Mất mùa thì đẩn cơm thiu

(Nguồn ĐatViet.com)

Tiếng Bắc tiếng Nam

 Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp. Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình…chết đói ! Nam kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn ! Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau : “Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời… mời… mời tùm lum!. Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới…

Cô bạn Nam kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm :
– Em mời gia đình ăn cơm đi !
– Ủa ! gia đình anh mời em “ăng” mà ? Bộ “ăng” cũng phải mời…mời…xơi …xơi sao ?
Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời :
– Dạ mời bác, mời bác, dạ mời… à… à… mời anh, mời em…
Chợt bố cháu lên tiếng :
– Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời…Mà hay thật ! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm! sao con cứ ăn hiếp nó mãi!
(Nguyễn Hữu Huấn – Cái duyên Nam Bắc)

Chữ và nghĩa thổ ngơi (I)

 Ở Việt Nam, có hàng trăm địa danh bị thay đổi hay sai lệch về ngữ âm và chữ viết. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của các địa danh.

Do hiện tượng đồng hóa: Hai âm tố khác nhau nhưng đứng gần nhau, âm tố này làm cho âm tố kia giống với nó. Có hai địa danh thuộc kiểu này:

Pha Đin là đèo trên Quốc lộ 6, từ Sơn La đi huyện Điện Biên, dài. Cũng gọi là Cổng Trời. Chữ Pha Đin từ gốc Tày – Nùng Phạ Đin, nghĩa là “trời đất”, vì đèo quá cao, như chỗ gặp nhau giữa trời và đất. Ở đây có hiện tượng đồng hóa thanh điệu: thanh ngang của Đin đồng hóa thanh nặng của Phạ thành Pha.

Tam Thương là bến trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Tam Thương vốn là từ Hán Việt, dạng gốc là Tạm Thương, nghĩa là “kho tạm”, nằm gần bến. Ở đây thanh ngang của Thương đồng hóa thanh nặng của Tạm thành Tam Thương.

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Chữ nghĩa bệnh già

Người già càng già đi vì suốt ngày không làm gì ngoài:

Nhìn gương thường xuyên, để ý đến chân dung nhiều hơn.

Nói chuyện hay kể chuyện bệnh và chỉ nhau thuốc trị bệnh.

Văn học miền Bắc

Cho đến nay, với nhiều bạn đọc và một số đồng nghiệp, sự có mặt của văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một cái gì “khạc không ra nuốt không vào”. Đọc thì có đọc, trong bụng thậm chí là say mê nữa, nhưng vẫn không muốn công nhận. Bởi so với thứ văn họ quen đọc và cái họ vẫn viết thì Nguyễn Huy Thiệp là cả một sự phá cách. Không đi theo những nền nếp cũ. Rất nhiều điều người khác chỉ thì thào nói vụng nói trộm thì ông nói buột ra, và đã nói là không hối hận. Nhưng đó cũng chính là nhân tố làm nên chỗ mới của Nguyễn Huy Thiệp, kể cả trong các tiểu luận.

“Trừ đôi ba người thực sự xuất chúng, còn nhìn chung văn chương của các cụ ta ngày xưa và những nhà văn hiện đại ngày nay, so với các dân tộc khác, phải thừa nhận là kém cỏi”. Thông thường, những ý nghĩ như thế không ai dám viết trên mặt giấy. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã viết, và nếu như không đồng ý hoàn toàn thì nhiều người đã bắt đầu thấy sự có lý của nó.

Những khi bàn về một số đồng nghiệp, những chữ xuất hiện dưới ngòi bút ông thường là: sơ xuất, nhầm lẫn, sự bắt chước lố bịch, vị kỷ, hư đốn, đểu cáng, bất lương – toàn những “đức tính” khiến người ta ghê ghê. Một lần khác ông nói toẹt ra: “Khoảng hơn chục năm trở lại đây trở lại đây ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ khí phách lớn. Đến ngay cả nỗi buồn cũng không phải là nỗi buồn lớn” (nếu lấy lại bản in trên báo thì người ta nhớ là ông còn nói đến tình trạng điên điên khùng khùng, chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn…). Nghe cũng dễ sốc nhưng chỉ cần tự hỏi “Làm sao mà người ta có thể nói được sự thật về xã hội trong khi sự thật về chính cái giới của mình thì lảng tránh?” sẽ thấy Nguyễn Huy Thiệp có lý.

(Vương Trí Nhàn – Giăng lưới bắt… lý luận)

Truyện chớp: Không đề

 Vừa qua trên đườg phố Hà Nội xảy ra một vụ án nghiêm trọng. Nạn nhân là một người ăn mày bị giật chiếc dây chuyền vàng…bởi một người cụt tay ngồi trên chiếc Honda @ do một người cụt chân đèo.

Bên đường có một người mù…nhìn thấy kể cho một người điếc nghe. Người điếc bảo người câm gọi điện thoại di động cho công an. Đến giờ vẫn chưa bắt được thủ phạm…

Văn học hải ngoại

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong bài “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” cho biết những nhà xuất bản uy tín trước đây như Văn Nghệ, Thanh Văn, An Tiêm…ngày càng ngại bỏ tiền xuất bản sách, nhất là loại sáng tác như thơ, tiểu thuyết. “Tình trạng trước kia sách in ra nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu, độc giả đứng trước rừng sách nhiều màu không biết nên mua sách nào sau nhiều lần “trao thân lầm tướng cướp” quyết định không mua sách nữa, không có người mua sách thì ngành xuất bản sa sút kéo theo động cơ thúc đẩy việc sáng tác… Cái vòng lẩn quẩn không lối thoát ấy có thể xảy ra cả trong nước, nhưng ở hải ngoại trầm trọng hơn do tình trạng lão hoá của sinh hoạt chữ nghĩa.”

Lão hóa theo Nguyễn Mộng Giác là một khi người cầm bút chỉ nhằm viết cho những người cùng cảnh ngộ lưu vong như mình đọc, thì họ sẽ cứ viết như lâu nay họ đã từng viết: “tiếc nuối một thời hoàng kim đã mất, xót xa trăn trở với những khổ ải đã trải qua, lật từng trang bồi hồi với những kỷ niệm đẹp, mơ ước ngày trở về có khải hoàn môn dựng trên khắp nẻo đường và gặp lại một quê hương y nguyên như thời hoàng kim cũ.”

Có thể nói thêm là lão hoá không chỉ ở người viết mà còn cả ở người đọc nữa, bởi vì ở hải ngoại số người đọc báo Việt và văn chương Việt ngày như một giảm xuống. Cứ nhìn vào các tạp chí văn chương như Văn Học, Hợp Lưu hay Văn thì biết. Đã đến lúc người viết nhận ra rằng tác phẩm của một nhà văn không chỉ nhắm vào một nhóm người, mà là cho cả một dân tộc nếu không có tham vọng có một readership lớn hơn, vượt khỏi biên giới của một nước. Những câu hỏi rất cũ đặt ra cho người cầm bút như Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Bây giờ vẫn còn có thể đặt lại trong một ý nghĩa mới.

(Nguyễn Xuân Hoàng – Văn học Việt Nam trong và ngoài nước)

Chữ nghĩa dân gian!

”Vô vọng bất thành quan”…nghĩa là gì?

Cụ nào hanh thông xin mách dùm…

Chữ Việt lạ kỳ

Từ con báo tiếng hán ta có con beo và…con cáo.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search