T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (64)-NHẠC PHÁP – Maman oh Maman (Mẹ hiền yêu dấu), CARRÈRE & LARRIAGA

maman

Vào những năm tháng cuối cùng của miền Nam VN trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975, trong số những ca khúc Pháp được ưa chuộng hàng đầu tại Hòn ngọc Viễn đông có một bản chẳng những không hề lên bảng xếp hạng ở Pháp, mà tại miền Nam VN cũng không mấy người biết tác giả là ai; về phần ca sĩ thu đĩa, đa số cũng chỉ biết đó là một cậu bé tên là Roméo. Ca khúc ấy là bản Maman oh Maman, được đặt lời Việt với tựa Mẹ hiền yêu dấu.

Cũng nên biết trong nền nhạc phổ thông của Pháp tính từ thập niên 1960 đổ lại, có ít nhất năm ca khúc nổi tiếng mang tựa đề “Maman”, hoặc có chữ “Maman” trong tựa đề. Đó là các bản:

–  “Maman” do Christophe thu đĩa năm 1966

–  “Maman, Maman” do Jean Jacques thu đĩa năm 1969

–  “Maman oh Maman” do Roméo thu đĩa năm 1973

–  “Une maman” do Noam thu đĩa năm 1975

–  “Maman (Chère Maman)” do Christophe Maé thu đĩa năm 2008.

Vì ngày ấy, và cả hiện nay, tựa đề Maman oh Maman (do Roméo thu đĩa) được nhiều người gọi một cách ngắn gọn là “Maman”, dẫn đưa tới những trường hợp lẫn lộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia, gây khó khăn cho những người yêu nhạc muốn tìm hiểu tới nơi tới chốn.

Trước hết viết về hai bản Maman của Christophe và Maman (Chère Maman) của Christophe Mayé.

christophe-maman 

Christophe là nam ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng và được ái mộ nhất trong nền nhạc trẻ của Pháp, mà tên tuổi đi liền với những bản đứng No.1 trên bảng xếp hạng, như Aline (Gọi tên người tình), Mal (Cơn đau tình ái), Oh mon amour (Tình yêu ôi tình yêu)… chúng tôi đã có dịp giới thiệu trước đây.

Riêng về đề tài “mẹ”, Christophe có hai bản: Mère, tu es la seule (Chỉ có mình mẹ mà thôi) và Maman.

Maman của Christophe có nội dung rất cảm động, viết về tâm trạng của một người mẹ vừa vĩnh viễn mất đứa con trai thân yêu; bà nhớ lại ngày xưa, cậu bé thường đòi hỏi “bao giờ mẹ mới mua cho con cái xe lửa chạy bằng điện, con không muốn chơi ké của bạn bè nữa đâu”, nhưng vào ngày lễ của Các bà mẹ, cậu cũng biết ngắt một bó hoa tặng mẹ để cầu chúc mẹ hạnh phúc, dẫu đó chỉ là những bông hoa mồng gà bé nhỏ…, và bà không bao giờ có thể quên được tiếng hát vô tư hồn nhiên của cậu ngày nào:

Ta ba dou…

 Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui disait
Maman maman quand m’achèteras-tu un train électrique ?
Je le voudrais pour ne plus jouer avec celui des copains

Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui disait
Maman maman aujourd’hui c’est ta fête
Pour toi je suis allé cueillir ces petites fleurs
Qui te porteront bonheur ce ne sont que des coquelicots

Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui chantait:

Ta ba dou…

Phụ lục 1: Maman, Christophe

Ngày ấy Maman của Christophe rất được giới trẻ ở Hòn ngọc Viễn đông yêu chuộng, được Thanh Lan trình bày (lời Pháp) trong băng nhạc Tùng Giang 4. Về phiên bản tiếng Việt, theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã không có tác giả nào đặt lời Việt cho toàn bài, rất có thể vì nội dung quá “tây” (bao giờ mẹ mới mua cho con cái xe lửa chạy bằng điện…), hoặc vì giai điệu không thích hợp với ngôn ngữ Việt. Chỉ có một tác giả nào đó phỏng dịch phiên khúc 2 để hát trong một “liên khúc nhạc Pháp”, nhưng dịch không đạt và nghe cũng không xuôi.

VIDEO:

 Thanh Lan Hát Maman Của Christophe

Thế nhưng Maman của Christophe dù được yêu chuộng tới mức nào, cũng là một ca khúc của các thập niên 1960, 1970, còn hiện nay chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21, thành thử nếu đánh từ khóa “Maman Christophe” trên Google, trong đa số trường hợp sẽ hiện ra một bản “Maman” khác, của một chàng “Christophe” khác, đó là bản Maman (Chère Maman) của Christophe Maé.

Christophe Maé sinh năm 1975 tại Vancluse, miền nam nước Pháp, hiện nay là một tên tuổi lớn trong làng nhạc “nguyên chất” ở Pháp và các xứ nói tiếng Pháp.

[Từ “nguyên chất” chúng tôi tạm dịch từ chữ “acoustic”, trong lĩnh vực ca nhạc có nghĩa là không sử dụng các thiết bị điện tử, có khi còn được gọi là “unplugged”, “unwired”]

Christophe Maé học vĩ cầm từ năm lên 5, nhưng sau một khoảng thời gian bị chứng bại xuội, nằm nghe nhạc suốt ngày, anh đã chịu ảnh hưởng của nhạc jazz và blues. Thần tượng của anh là các ca nhạc sĩ Mỹ da đen như Bob Marley, Stevie Wonder, Tracy Chapman… Chính vì ngưỡng phục chàng ca nhạc sĩ khiếm thị Stevie Wonder mà ngoài đàn ghi-ta thùng, sau này Christophe Maé còn học thổi khẩu cầm (harmonia) và trở thành một trong những tay kèn nổi tiếng nhất Âu châu.

Năm 2008, album đầu tay của Christophe Maé tựa đề Mon Paradis (Thiên đường của tôi) đã đứng No.1 tại Pháp và Bỉ; từ đó tới nay, anh đã có thêm 4 album khác đứng No.1 tại hai quốc gia này. Maman (Chère Maman) là một ca khúc trong album Mon Paradis, do Christophe Maé viết chung với Jean-François Oricelli, nhà soạn nhạc kiêm tay ghi-ta thùng nổi tiếng của Pháp.

Maman (Chère Maman)

 Quand je la regarde faire
J’ai les larmes aux yeux
Mais ce n’est qu’une mère
Qui voudrait être le bon Dieu
ce n’est qu’une mère
Qui voudrait être le bon Dieu
Pour ne jamais voir l’enfer dans le vert de mes yeux
Alors je danse vers les jours heureux
Alors je danse vers, et je m’avance vers des jours heureux

Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime passionnément
Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime simplement

Quand je regarde mon père
Et ses yeux amoureux
Elle sera sûrement la dernière
Dans ses bras à lui dire adieu, adieu
Elle a mal sans en avoir l’air


Pour qu’autour d’elle ceux
Qui la regarde faire ferment les yeux
Pour qu’autour d’elle ceux
Qui la regardent faire n’y voient que du feux

Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime passionnément
Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime simplement

Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime passionnément
Je t’aime je t’aime maman maman
Je t’aime simplement

J’ai pas su trouver les mots
Pour te parler je sais
Mais je pense être assez grand
Alors aujourd’hui j’essaie
Tu l’as bien compris je crois
Je t’aime en effet
Tu l’as bien compris je crois
Je t’aime pour de vrai
Je t’aime pour de vrai
Je t’aime pour de vrai
Je t’aime pour de vrai
Tu l’as bien compris je crois
Je t’aime en effet
Tu l’as compris je crois
Je t’aime pour de vrai, je t’aime pour de vrai,
Je t’aime pour de vrai… je t’aime
Je t’aime pour de vrai

VIDEO:

 Christophe Maé – Maman // Chère maman

Tới đây chúng tôi viết sự lẫn lộn giữa hai ca sĩ thu đĩa bản Maman oh MamanMaman, Maman.

Như đã trình bày ở phần đầu, ca khúc Maman oh Maman do cậu bé Roméo thu đĩa năm 1973 trong khi rất được ưa chuộng tại miền Nam VN, thì ở Pháp và các nước Tây Âu, ca khúc này không hề lọt vào bảng xếp hạng; và nếu nhắc tới các ca khúc có tựa đề “Maman” thì sau bản Maman (1966) của Christophe, mọi người sẽ nghĩ tới bản Maman, Maman của tác giả Jo Perrier do cậu bé Jean Jacques thu đĩa năm 1973.

Maman, Maman được nhiều người biết tới vì ca khúc này được Jean Jacques, một công dân Pháp khi ấy mới 12 tuổi, đại diện Lục-xâm-bảo dự thi Giải ca khúc Âu Châu (Eurovision) năm 1969, đứng hạng 6 trong tổng số 16 quốc gia tham dự; sau này đã được Jean Jacques thu đĩa bằng 3 ngôn ngữ khác là Đức, Ý, và Tây-ban-nha.

Chính vì cả Maman, Maman lẫn Maman oh Maman đều do ca sĩ “nhi đồng” thu đĩa, cho nên hiện nay có ít nhất một trang mạng âm nhạc uy tín trong nước, chuyên về “hợp âm trong các ca khúc ngoại quốc”, đã có sự nhầm lẫn khi viết rằng ca sĩ thu đĩa bản Maman oh Maman là Jean Jacques, được cậu trình diễn lần đầu trong cuộc thi Eurovision năm 1969.

Nhưng sự lẫn lộn liên quan tới “Maman oh Maman” không dừng ở đây, mà hiện nay có khá nhiều trang mạng trong nước đã viết  Maman oh Maman do Romeo Santos thu đĩa, tức là có sự lẫn lộn giữa cậu bé Roméo của Pháp với chàng Romeo Santos của Mỹ.

[Romeo Santos tên thật là Anthony Santos, sinh năm 1981, là một ca nhạc sĩ, nhà viết ca khúc, nhà sản xuất đĩa nhạc kiêm diễn viên Mỹ gốc Mỹ la-tinh nổi tiếng. Anh là người thành lập ban nhạc Aventura chuyên trình bày các ca khúc theo thể điệu “bachata” – một biến thể của bolero phát xuất từ Cộng hòa Dominic. Sau khi ban Aventura đường ai nấy đi, Romeo Santos đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp hát solo, tới nay đã có 7 ca khúc đứng No.1 trên bảng xếp hạng Hot Latin Songs và 9 bản trên bảng xếp hạng Tropical Songs ở Hoa Kỳ]

Trở lại với thời gian trước năm 1975 tại miền Nam VN, như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên, trong số 5 bản “Maman” được nhắc tới, chỉ có hai bản Maman của Christophe và Maman oh Maman của Roméo được đông đảo người yêu nhạc Pháp biết tới và yêu chuộng, và trong đó chỉ có một bản, Maman oh Maman, được đặt lời Việt toàn bài.

Ngày ấy, không hiểu tiệm bán đĩa hát ngoại quốc Anna nổi tiếng ở đường Nguyễn Huệ đã kịp nhập đĩa này vào Sài Gòn chưa, riêng chúng tôi chỉ được thưởng thức Maman oh Maman qua chương trình nhạc ngoại quốc trên các đài phát thanh, và cũng chỉ được biết tên ca sĩ trình bày chứ không biết tên nhạc sĩ sáng tác.

Sau này có cơ hội tìm hiểu, chúng tôi mới biết Maman oh Maman là một sáng tác chung của Claude Carrère và Jim Larriaga, do hãng đĩa Disques Carrère phát hành.

Claude Carrère (1930-2014), mà chúng tôi đã hơn một lần nhắc tới, là một tên tuổi lớn trong làng ca nhạc Pháp, ngoài công việc của một nhà viết ca khúc, nhà đặt lời hát, nhà sản xuất đĩa nhạc, ông còn có công giới thiệu nhiều mầm non, trong số đó có Sheila, Carlos, và Roméo.

Còn Jim Larriaga (sinh năm 1941) xuất thân là một anh thợ cắt tóc sau trở thành nhà soạn ca khúc; trong số sáng tác của anh, có hai ca khúc nổi tiếng do Roméo thu đĩa.

Về phần cậu bé Roméo, tên thật là Georges Brize, sinh năm 1961, được ghi nhận là một trong những “tiếng hát trẻ con” của Pháp được ái mộ nhất trong thập niên 1970. Cậu bắt đầu trình diễn vào năm lên 8 tuổi, và sau khi xuất hiện trên truyền hình qua bản Ave Maria của Schubert, đã lọt vào mắt xanh ông bầu Claude Carrère.

Claude Carrère trao cho Jim Larriaga việc soạn một số ca khúc đặc biệt thích hợp với tiếng hát trẻ con của Roméo, trong đó có bản Maman oh Maman, do ông đặt lời hát.

Xét về giai điệu, Maman oh Maman không có gì đáng gọi là độc đáo, mới lạ, nhưng sao nghe “bắt tai” lạ thường; theo nhận xét của cá nhân chúng tôi, Jim Larriaga đã khai thác một cách tài tình đặc điểm dặt dìu của thể điệu valse chậm vừa. Về lời hát cũng thế, một lần nữa Claude Carrère đã chứng minh những gì đơn giản, bình thường nhất trên đời luôn luôn là những gì hay nhất, đẹp nhất (the simple things in life are always the best!)

Maman oh Maman

 Maman, oh Maman, toi qui m’as donné,

tant de tendresse depuis tant d’années.

Tu le sais bien, quand je serai grand

je penserai à toi Maman.

 

Maman, oh Maman, le jour et la nuit,

je veillerai toujours sur ta vie.

Je serai là à tous les instants,

pour te protéger Maman.


Refrain:

 Je te promets si jamais tu pleures de te serrer fort sur mon coeur.

Il n’y aura pas d’amour aussi grand que mon amour pour toi Maman.

 

Maman, oh Maman, quand tu me souris,

c’est un soleil qui chasse la pluie.

J’essaierai de sourire autant

chaque jour pour toi Maman.


(Refrain)

 Maman, oh Maman, toi qui m’as donné,

tant de tendresse depuis tant d’années.

Tu le sais bien, quand je serai grand

je penserai à toi Maman.

 

Phụ lục 2: Maman oh Maman, Roméo

VIDEO :

Roméo interprète “Maman” dans une émission TV

Dưới “bàn tay phù thủy” của Claude Carrère và Jim Larriaga, Roméo đã mau chóng trở thành một hiện tượng ca nhạc; chỉ trong thời gian 3 năm, cậu đã thu 3 album và 7 đĩa 45 vòng, với tổng số bán ra lên tới 4 triệu (kỷ lục của “ca sĩ trẻ con” ở Pháp.

VIDEO:

Roméo “Petit Papa Noël”

Rất tiếc, qua tuổi thiếu niên, sau khi “vỡ giọng”, Roméo đã từ giã ca nhạc. Hiện nay, Georges Brize (tên thật của Roméo) là một nhà báo kiêm nhà dịch thuật.

Me Hien Yeu Dau

Tại miền Nam VN, Maman oh Maman đã trở thành ca khúc Pháp đầu tiên của thời nhạc trẻ được một “nữ tác giả” đặt lời Việt, đó là Thanh Lan với tựa Mẹ hiền yêu dấu.

Chúng tôi nhấn mạnh mấy chữ “thời nhạc trẻ” bởi trước đó, vào cuối thập niên 1950, đã có hai ca khúc phổ thông của Pháp được nữ thi sĩ  Hương Huyền Trinh (cô của Ngô Thụy Miên) đặt lời Việt, là La Complainte des Infidèles (Lòng người ly hương) và Domino (Khúc nhạc muôn đời).

Viết một cách chính xác, Maman oh Maman đã được Thanh Lan “phỏng dịch” sang tiếng Việt với tựa Mẹ hiền yêu dấu.

Theo nhận xét của riêng cá nhân chúng tôi, tài chuyển ngữ của cô cựu sinh viên Văn Khoa xuất thân trường Pháp ấy phải được xem là “đạt”; tuy nhiên đạt tới mức nào, xin để người thưởng ngoạn khách quan đánh giá.

Mẹ Hiền Yêu Dấu (Thanh Lan)

 

Người mẹ hiền yêu dấu mẹ đã trao về ta
thật bao âu yếm trong những năm vừa qua
mẹ hiền có biết khi lớn khôn ra đời
con sẽ nhớ hoài bóng dáng người.

Người mẹ hiền yêu hỡi lúc sáng hay về đêm
lòng nguyện luôn luôn săn sóc mẹ bình yên
và con sẽ đến vào bất cứ lúc nào
khi có ai làm mẹ nghẹn ngào.

ĐK:

Và con xin hứa nếu lỡ mẹ rơi lệ
con sẽ ôm mẹ thật sát trong lòng
chẳng tình thương nào to lớn hơn cho bằng
tình thương yêu con đã trao cho mẹ.

Người mẹ hiền yêu dấu những lúc mẹ cười vui
là mặt trời rạng rỡ mưa buốt không còn rơi
và con sẽ cố từ sáng đến trưa chiều
khi thấy mẹ thì cười vui thật nhiều.

 

(ĐK)
Người mẹ hiền yêu dấu mẹ đã trao về ta
thật bao âu yếm trong những năm vừa qua
mẹ hiền có biết khi lớn khôn ra đời
con sẽ nhớ hoài bóng dáng người.

mẹ hiền có biết khi lớn khôn ra đời
con sẽ nhớ hoài bóng dáng người.

Trước năm 1975, Maman oh Maman / Mẹ hiền yêu dấu đã được chính Thanh Lan trình bày song ngữ trong băng nhạc Thế Giới Nhạc Trẻ do Kỳ Phát thực hiện.

thanhlan-truoc1975

 

VIDEO:

Thanh Lan – Mẹ Hiền Yêu Dấu (Maman) – Thu Âm Trước 1975

Sau năm 1975, Mẹ hiền yêu dấu rất được phổ biến tại hải ngoại, và về sau cả ở trong nước. Trong số những phiên bản được thu đĩa tại hải ngoại, chúng tôi chọn gửi tới độc giả các bản do Thái Hiền, Ngọc Lan trình bày, và bản lời Pháp & Việt qua tiếng hát Julie. Có điều hơi đáng tiếc là cả ba nữ ca sĩ này đã không hát đầy đủ phiên bản lời Việt của Thanh Lan.

Phụ lục 3: Mẹ hiền yêu dấu, Thái Hiền

Phụ lục 4: Mẹ hiền yêu dấu, Ngọc Lan

Phụ lục 5: Maman oh Maman / Mẹ hiền yêu dấu, Julie

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search