T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Quãng đường nhìn lại

Quang duong nhin lai 

Tranh: Trần Thanh Châu

 

42 năm, nhìn lại một quãng đường. Câu chuyện dưới đây của Ngân Bình, là một câu chuyện đời có thật của chính tác giả và người bạn đời mà như chị đã viết trong bài “em chọn anh như chọn chính định mệnh đời mình”. Rất nhiều người phụ nữ của quãng đường ấy -như chị- đã chọn định mệnh đời mình đơn giản như thế. Để đến ngày hôm nay, sau hơn 40 năm, tóc bạc da mồi, kẻ còn sống người đã chết, nhìn lại quãng đường qua mà những giọt lệ hiếm hoi vẫn còn ứa ra được.

Mấy ai lựa chọn được định mệnh đời mình, nhưng ở cái thời buổi nhiễu nhương ấy, rất nhiều người phụ nữ miền Nam Việt Nam đã đủ can đảm để sẵn sàng chấp nhận một định mệnh cay nghiệt.

Và họ đã được đền bù. Một cách xứng đáng!

Nhân những ngày tháng 4 cay nghiệt cứ mỗi năm lại trở về, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả “Quãng đường nhìn lại” của Ngân Bình.

T.Vấn & Bạn Hữu

1.-

-… Các anh chị có biết rằng, có một ký giả nước ngoài đến thăm Việt Nam, khi trở về nước, ông viết một bài tường thuật đầy đủ. Nhưng, lời lẽ “ấn tượng” nhất của ông ký giả ấy làm tôi rất hãnh diện sau khi đọc là “nếu có được một điều ước, tôi sẽ ước, sau một đêm ngủ dậy tôi được trở thành người Việt Nam”.

-Trời! thằng nào mà ngu dữ vậy?

-Cũng có một nhà báo ngoại quốc khác về một làng mạc hẻo lánh thấy người nông dân xong việc đồng áng, ghé quán nước ăn hai trái chuối. Anh nhà báo kêu lên “nông dân mà được tiêu chuẩn cao thế à?”

-Không lẽ lại có thêm một thằng ngu vượt quá tiêu chuẩn?… Xạo vừa thôi cha nội.

Cả nhóm chúng tôi đang ngáp dài, ngáp vắn -say sưa ngáp đến nỗi quên cả việc lấy tay che miệng lại cho đúng phép lịch sự- bỗng nhiên tỉnh ngủ. Mười bốn con mắt nhìn nhau. Bảy cái đầu cúi xuống thấp để che giấu nụ cười tinh quái, thỏa thê. Dù câu”phê phán” của anh trưởng nhóm của chúng tôi chẳng đến tai tên cán bộ đang khua “mỏ két” khoe mớ kiến thức đóng khung, nông cạn, cũ rích, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy “đã” như vừa ném vào miệng hắn một viên sỏi nóng.

Giờ “học tập chính trị” chấm dứt, chúng tôi uể oải đứng lên sau khi nghe anh trưởng nhóm mà chúng tôi thường gọi là “bầu gánh” ra lệnh:

-Ngày mai nhớ tới đúng giờ.

-Chi vậy?

-Thì… “vũ như cẩn”? hỏi vậy mà cũng hỏi!”.

Sau ngày 30 tháng 4, hàng ngày, chúng tôi đến nhiệm sở để chờ “cách mạng” quyết định số phận. Hoặc được trở thành “công nhân viên nhà nước”!!!. Hoặc về quê, đi kinh tế mới và ngầu hơn là trở thành dân chợ trời, nếu bị “cách mạng” chê. Những ngày chờ đợi, chúng tôi phải nhận lãnh công tác thực hiện các biểu ngữ cho các lớp chính trị hay những buổi hội họp có “tầm vóc”. Trong một thời gian ngắn ngủi, sáu đứa chúng tôi -toàn phụ nữ- trở nên thợ cắt, dán chữ thành thạo – dưới sự “uốn nắn” của anh nhóm trưởng vốn là một kiến trúc sư- chuyên sản xuất những tấm biểu ngữ “đao to, búa lớn” nhưng rỗng tuếch ý nghĩa đến buồn cười. Cái vui là khi cả nhóm -được gọi là “gánh hát”- của chúng tôi tụ lại để làm công tác vĩ đại, được gọi là “chuyển lửa đến cho nhân dân” (???)  -lời của cán bộ chính trị- chúng tôi đã chuyền cho nhau những tin tức kháng chiến, và rất nhiều “tin vịt”, chẳng hạn như “hai năm nữa là tụi này (cộng sản) tiêu”. Tuy là tin vịt, nhưng đó là niềm hy vọng, là cái phao mong manh của dân chúng đang mong chờ, hay tin ông tướng Kỳ vừa nói trên radio, làn sóng… hẹn ngày trở về cứu nước… và nóng hổi nhất là tin tức của người thân đang bị đưa đi cải tạo. Nhiều khi, tin tức chỉ dựa vào những cuộc cầu cơ mê tín với những câu trả lời của “vị khuất mặt, khuất mày” nào đó .v.v… Tin nào cũng nóng hổi. Tin nào cũng hấp dẫn. Tin nào cũng làm nức lòng người đang mong chờ một phép lạ, giống như tôi đang chìm trong nỗi nhớ nhung, lo lắng, vì không biết người thân yêu của mình đang biền biệt phương nào!

 

2.-

Ngày tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh sau hơn một năm dài không tin tức, không chỉ là ngày vui nhất của tôi mà là của cả nhóm. Tình thư anh viết cho tôi không được giấu kỹ như những lá thư ngày xưa anh viết từ quân trường hay từ những đơn vị đồn trú, mà được chuyền tay cho từng người trong nhóm. Lời thư buồn như tiếng than van vọng lên từ cõi tuyệt vọng, không riêng cho tôi mà cho tất cả những bạn bè đang có chồng, có anh, có em, phải mang lấy thân phận kẻ bại trận, không biết sống chết ra sao, nơi vùng đất xa xôi, hẻo lánh nào đó. Những giọt nước mắt tuôn ra, không phải chỉ dành cho người yêu của tôi, mà hình như cho tất cả những ai đang bị lưu đày trên chính quê hương của mình.

Lá thư anh viết từ trại Chi Lăng -Châu Đốc ngày 21 tháng 6 năm 1976, đã được anh lén lút ném ra ngoài trên đường đi lao động với dòng chữ ghi ngoài bì thư “Ai lượm được thư này, xin vui lòng gửi về địa chỉ trên bì thư cho gia đình tôi. Chân thành cám ơn”.

Thư viết có đoạn:

“Em thương, rồi mình sẽ già đi và có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau. Anh rất đau lòng khi nghĩ đến điều ấy. Định mệnh phải không em? Suốt đời mình chỉ biết đổ thừa cho định mệnh. Nhưng anh lại nghĩ, nếu hai đứa đã thành vợ, thành chồng thì chắc chắn bây giờ và sắp tới em phải khổ vì anh hơn nữa. Anh không muốn có những đứa con phải mang suốt đời những vết đen mà xã hội hiện tại đã gán cho cha nó.

Cuộc đời chúng ta đang bước vào một khúc quanh quan trọng. Có những điều anh không thể nói hết…Mẹ anh đã già yếu, anh lo sợ không biết có còn được nhìn thấy mẹ. Em gái anh thì dang dở việc học hành, tội nghiệp nó. Người anh yêu thì xa vời như dĩ vãng. Tất cả những điều đó cô đọng trong lòng anh một niềm đau khôn tả. Nhớ lúc trước anh thấy mình ngây ngô đến buồn cười. Anh cứ nghĩ, mình đi “học tập” một, hai tháng sẽ về và trở thành một người dân bình thường. Hai đứa sẽ xin phép ba má cưới nhau. Em nghỉ học, nghỉ làm, về quê làm ruộng vườn cùng với anh cũng hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng những ước mơ tầm thường đó, đến bây giờ -sau một năm hai tháng hưởng “chính sách khoan hồng” của nhà nước  trong “trại tù cải tạo” anh biết rằng không dễ gì đạt tới.

Em yêu, mình quen nhau bắt đầu ngày 27 tháng 12 năm 1972 đến nay đã bốn năm hơn với biết bao kỷ niệm nồng nàn, tha thiết. Những buổi sáng sương mù rừng thông Đà Lạt. Những ngày nóng bức rong chơi giữa thành phố SG. Những ngây thơ, những giận hờn, thương yêu làm sao anh không nhớ. Anh còn nhớ lời thư em viết cho anh “Dù phải chờ anh đến bao lâu em vẫn chờ, nhưng anh phải cho em một niềm tin”. Bây giờ thì làm sao anh có thể cho em niềm tin. Làm sao người ta có thể chờ nhau trong vô vọng. Con gái rồi tuổi xuân sẽ hết, cha mẹ sẽ phải lo âu. Em thương yêu nhất đời, hãy cố quên anh đi. Hãy nghĩ đến em và ba má mà lo cho cuộc đời. Anh thì chẳng còn gì nữa. Cứ nghĩ rằng anh không còn nữa trên cuộc đời này. Anh yêu em và tha thiết xin em.. Nếu hay tin em lập gia đình… chắc anh sẽ vui… dù phải mất nhau và xa nhau mãi mãi. Dù thế nào mình cũng phải xa nhau…”

Nước mắt tôi không ngừng tuôn chảy mỗi khi giở tờ thư nhầu nát.  Từng dòng chữ, từng lời thư u uẩn, buồn bã như từng mũi kim đâm vào thịt da nhức buốt.

Anh ơi! anh ơi, anh đâu rồi, làm sao em hôn giòng tóc rối, anh ơi, anh ơi, anh đâu rồi, làm sao, làm sao ta có đôi….(*)

 

3.-

Ba má không bao giờ cho tôi đi xa một mình, bởi vì là đứa con duy nhất nên tôi được bảo vệ kỹ càng. Nhưng lần này, lá thư anh gửi về từ trại cải tạo, với lời van xin tha thiết đã làm xiêu lòng ba má tôi. Thế là tôi xuống Cần Thơ, cùng má anh đi thăm anh ở trại Chi Lăng, Châu Đốc.

Sau những giây phút chờ đợi với cảm giác hồi hộp, náo nức, tôi cũng được nhìn thấy anh trong đoàn người đang nhanh chân tiến bước đến khu thăm viếng. Nét mặt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn khi gặp mặt người thân của các anh vẫn không che lấp được vẻ tiều tụy, hốc hác, xanh xao. Anh có phần khá hơn những bạn bè khác. Má anh và tôi mừng rơi nước mắt khi thấy anh không đến nỗi gầy gò, tàn tạ như chúng tôi hình dung. Tôi lắng nghe anh kể “bí quyết” giữ sức khỏe với cảm giác nhờn nhợn dâng lên trong cổ họng:

-Có lần, nhìn đàn chuột chạy lăng xăng ở góc nhà trong lúc đang bị cơn đói hành hạ, anh chợt nghĩ, những con chuột này sẽ cung cấp chất protein mà mình đang thiếu. Nhưng nhìn thấy những đốm da ghẻ lở trên mình những con chuột cống lang dơ bẩn, anh cũng cảm thấy rùng mình vừa gớm ghiếc, vừa sợ bị lây bệnh. Anh hỏi một người bạn tù là bác sĩ, anh ấy cho biết, đó chỉ là bệnh ngoài da, nên khi nướng lên và lột da thì ăn vào không bị ảnh hưởng gì cả. Sau một lúc bàn thảo, vì lý do sức khỏe, anh và anh bạn bạo gan quyết định. Một buổi trưa, anh và người bạn bác sĩ ấy thảy hai con chuột mập ú lên lò nướng. Những người bạn trong tổ bu lại xem với ánh mắt kinh ngạc, vì xưa nay người ta chỉ ăn chuột đồng, chứ không ai dám ăn loại chuột cống hôi hám này. Chẳng có hành, tỏi hay một loại gia vị nào để ướp cho thơm, nên khi vừa cắn vào miếng thịt đầu tiên, mùi tanh tưởi xông lên làm anh muốn mửa. Nhưng anh và người bạn dặn nhau, dù thế nào cũng phải ráng ăn một cách ngon lành, không thôi sẽ bị bạn bè nhạo báng. Vậy là hai thằng vừa ăn, vừa gật gù khen ngon. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, hai đứa anh tăng cân mau chóng. Nhìn thấy kết quả bất ngờ đó, mọi người tranh nhau săn “mồi” đến nỗi bây giờ thứ sinh vật trước kia tràn ngập trong trại, bây giờ trở nên khan hiếm.

Nghe mà thương, mà xót cho các anh không lời nào tả xiết. Ngày xưa, những người sĩ quan trẻ tuổi, với lý tưởng cao ngất trời, với con đường binh nghiệp thênh thang trước mắt, có bao giờ các anh nghĩ rằng mình sẽ chịu đựng một cuộc sống giam hãm tù đày, bị đối xử tàn tệ, dù không muốn khuất phục quân thù nhưng vẫn phải cúi đầu nhịn nhục trong niềm phẫn uất, căm hờn.

Khi tiếng người cán bộ vang lên chát chúa, báo tin chỉ còn năm phút nữa buổi ”thăm nuôi” sẽ chấm dứt, anh cầm tay tôi, nói với má anh về cuộc tình năm năm của chúng tôi và cám ơn tôi đã sắt son chờ đợi anh. Một điều thật bất ngờ cho tôi là khi anh mở chiếc hộp diêm nhỏ xíu, trong đó có đôi vòng nhẫn đơn sơ và xin tôi chờ anh thêm hai năm nữa, khi ấy anh sẽ được thả về sau khi đã “học tập” đủ ba năm như “chính sách nhà nước” quy định và chúng tôi sẽ sống bên nhau cho đến hết cuộc đời.

Má anh vừa gật đầu, vừa sụt sùi lau nước mắt khi anh hỏi bằng giọng trịnh trọng:

-Má đồng ý cho tụi con cưới nhau khi con về nha má.

Ôi! giây phút thiêng liêng, cảm động đó em sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời mình. Nó như một nhắc nhở ân cần, một chứng tích tình yêu ý nghĩa nhất anh đã dành cho em. Em xin nhận như lời hẹn ước đợi chờ anh, dù từng mùa xuân có trôi qua và tàn phai trên mái tóc. Anh của em! hãy tin em như anh đã tin vào tình yêu của chúng mình. Dù em bây giờ, ngày từng ngày với nỗi cô đơn trống vắng, với những chiều nước mắt rưng mi, nhưng em vẫn cảm thấy hình như trong nỗi buồn có một chút gì hạnh phúc. Thứ hạnh phúc không dệt toàn bằng màu hồng mà có hòa lẫn màu đen. Thứ hạnh phúc không chỉ có tiếng cười, mà còn có tiếng khóc. Nhưng khóc hay cười em vẫn nghĩ rằng em rất hạnh phúc. Vì em đang có tình yêu. Một tình yêu thủy chung, tha thiết, nồng nàn.

Rồi ngày đi. Rồi đêm tới. Và anh sẽ về. Em không biết ngày anh về, mây có giăng cho trời xanh mơ ước, nắng có hồng cho hạnh phúc nở hoa không? Nhưng dù thế nào thì với em, đó sẽ là một ngày vui tuyệt diệu, một ngày đẹp huy hoàng. Em sẽ cầm tay anh thật chặt. Em sẽ nhìn vào mắt anh thật sâu, để gửi vào đó tất cả những mê đắm, những nhiệt nồng của tình yêu em nâng niu, gìn giữ bấy nhiêu ngày -chỉ dành cho anh, trọn vẹn và duy nhất cho anh.

Ngày anh về, chúng mình sẽ quên hết buồn đau xa cách để sống bên nhau trọn vẹn yêu thương một đời, để đền bù những đợi chờ, mong nhớ đã qua và cùng nhau tạo dựng một mái gia đình ấm êm hạnh phúc, rộn rã tiếng cười nói của trẻ thơ  -những đứa trẻ xinh đẹp tuyệt vời mà chúng mình vẫn hằng mơ ước.

Anh ạ! ước mơ thánh thiện đó đã giúp em giữ vững niềm tin và hy vọng trong tháng ngày đợi chờ anh. Em vẫn ngắm hoài ngón tay đeo nhẫn của mình nằm ngoan hiền trong vòng nhẫn anh trao -vòng nhẫn trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng của chúng mình – và sung sướng thầm nhủ -em đã là vợ của anh, “cô vợ ngây thơ” mà anh vẫn thường âu yếm “gọi” trong những cánh thư tình đẫm ngọt tình yêu.

Anh của em! Em yêu anh.Và yêu anh thật nhiều. Ngày xưa. Bây giờ và mãi mãi…

Tôi xếp trang nhật ký lại, nhưng ánh mắt nồng nàn của anh khi lồng vào ngón tay áp út của tôi vòng nhẫn do chính tay anh tỉ mỉ đục đẽo, gọt dũa từ chiếc “biđông” nhà binh đựng nước uống, với giọng nói ấm áp vẫn hiện rõ trong trí nhớ của tôi. Tôi sẽ dựa vào nó để hâm nóng niềm hy vọng. Tôi sẽ dựa vào nó để đứng vững trước những cám dỗ của cuộc đời.

 

4.-

Rồi cũng đến ngày “gánh hát” của chúng tôi tan rã khi mỗi người được phân đến một nhiệm sở khác nhau. Ngày cuối cùng ngồi lại với nhau, chúng tôi trao đổi biết bao tâm sự. Những niềm vui, những nỗi buồn. Những khó khăn, nghiệt ngã mà từng người chúng tôi đang trải qua. Những giọt nước long lanh, ứa ra từ những đôi mắt ẩn chứa biết bao niềm u uẩn. Sẽ không còn nữa những buổi trưa, mỗi đứa đem một món, góp chung lại thành bữa ăn thịnh soạn đến năm, sáu món. Không còn nữa những trận cười thỏa thích với những câu châm biếm bóng gió của ông bầu gánh mà  “ai cũng hiểu chỉ một người (cán ngố) không hiểu”.

Nhớ có lần trong buổi hội thảo chính trị, chị Tâm hoảng hốt chạy vào hậu trường báo tin:

-Chết rồi… cái biểu ngữ… rớt mất một chữ… coi chừng mình bị gán tội phản động, phá rối… thì bỏ mạng.

Anh “bầu gánh” từ tốn:

-Khoan run bà ơi!… cho tôi biết, rớt chữ nào.

-Chữ giàu.

Anh gật gù với nụ cười thâm thúy:

-Rớt chữ giàu…Cộng hòa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh muôn năm… Hừ! chữ nào không rớt mà lại rớt chữ giàu. Mấy bà biết tại sao không?

Cả đám nhao nhao:

-Tại sao?

-Thì tại vì … nghèo mà đổi thành giàu…Gian dối… Lừa bịp, nó không chịu, nó mắc cở nên gieo mình xuống đất tự tử.

Khuôn mặt diễn xuất cộng thêm giọng nói đầy kịch tính của anh “bầu gánh” làm cả đám phá lên cười, bụm miệng không kịp.

Thế rồi… Những bàn tay xiết chặt trong niềm cảm xúc. Những bàn tay rời nhau trong tiếng thở dài. Ôi! làm sao nói hết nỗi buồn. Buồn như đất nước mình đang chìm trong tăm tối. Buồn vì những điều mà dân chúng đang ngày đêm trông ngóng vẫn chưa có chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm.

 

5.-

Vườn Đào, 20-3-1978

Em yêu dấu,

Cứ nghĩ đến ngày gặp nhau là anh nóng ran cả ruột. Như vậy là một năm rưỡi rồi phải không em? Anh cứ sợ khi gặp nhau chúng ta đều xúc động chẳng nói được gì, khi về mới hối tiếc. Em biết không, ở đây lúc nào cũng buồn, nhớ nhà, nhớ chuyện xưa, nhớ thời “hoàng kim” và bao nhiêu điều khác làm thần kinh lúc nào cũng căng thẳng, con người lúc nào cũng như sắp cháy vậy. Và một điều thường xuyên mâu thuẫn trong anh là thương em và lo cho cuộc sống sau này (biết có không?) của chúng ta.

Anh suy nghĩ miên man, cứ nghĩ em phải mặc bộ đồ bà ba, đi chân đất, vai vác cuốc là anh rất khổ tâm. Nhưng biết làm sao để khỏi phải sống như thế. Không còn con đường nào khác nếu anh được thả ra và được sống yên. Rồi còn bao nhiêu phiền hà về chính trị mà chắc anh sẽ phải chịu đựng suốt đời, chẳng hạn như “chính quyền” nghi ngờ, đe dọa, khinh miệt… Anh sẽ sống như một sinh vật yếu đuối, co rút, sợ sệt, nhiều khi không đủ sức để bảo vệ người mình yêu thương. Và dĩ nhiên em sẽ cùng gánh chịu những tai họa cùng anh và cả con của chúng mình nữa. Bất cứ ở đâu và hoàn cảnh nào anh vẫn yêu em, vẫn muốn em được sung sướng cả tinh thần lẫn vật chất. Em không thể cực khổ vì yêu anh.

Em yêu dấu, bây giờ anh nói với em những điều quan trọng. Em hãy nhớ, mỗi chữ, mỗi lời này có thể hại chết người, nên đọc xong em hãy đốt bỏ ngay và đừng kể cho ai nghe, nhất là má và các chị của anh. Anh đủ sáng suốt và khôn ngoan để quyết định cuộc đời mình. Nhớ nhé, chỉ mình em và anh biết thôi.

Theo những điều nghe được thì đến đúng 3 năm theo”chính sách” đã nói (Chỉ nói phét thôi. Đó là nghề của họ) thì bọn anh vẫn không được thả ra. Hiện nay đã lựa ra hai thành phần, bọn anh được nhốt riêng và đối xử tàn tệ, khắc nghiệt hơn. Còn một thành phần nữa, nếu cần để xoa dịu dư luận thì chúng sẽ thả ra, cho về địa phương quản lý và dĩ nhiên muốn bắt lại lúc nào cũng được. Anh đã suy nghĩ kỹ, dưới chế độ này anh không thể tồn tại được, vì chẳng có một điều khoản nhỏ nào có thể hòa hợp được. Sự bóc lột tàn tệ sức lao động, sự bóp nghẹt mọi quyền làm người. Anh không thể chịu được, không thể nào ngồi yên, dù trước đó đã cố gắng dung hòa vì những người thân yêu, vì muốn sống bình thường,  vì tưởng rằng mình sẽ chịu được. Do đó, trước sau gì anh cũng phải đi. Nếu được thả sớm thì càng tốt, bằng không thì chờ thời cơ thuận tiện. Anh nghĩ mình phải làm cái gì đó.

Em yêu dấu, nghĩ đến đây anh rất đau lòng, vì thế nào đi nữa, nhất định mình cũng phải xa nhau, có thể là xa nhau mãi mãi. Em phải chấm dứt mọi sự liên lạc với anh và gia đình anh ngay từ bây giờ, để khi hữu sự em không bị liên lụy. Anh xin em, vì yêu anh, em hãy cố gắng nén đau lòng mà làm theo lời anh dặn. Đến bây giờ mình mới thấy rõ một điều tưởng chừng như vô lý là “đất trời tuy rộng nhưng không có chỗ dung thân”. Có lẽ em cũng không muốn thấy anh sống một đời còn lại khiếp nhược và ươn hèn phải không? Em đừng lo cho anh. Anh không còn trẻ thơ để làm những điều mà sau này phải hối tiếc. Anh biết, đây là một quyết định đau lòng. Nhưng em yêu dấu, quyết định nào vào lúc này cũng làm cho lòng mình đau như xé. Ba năm qua em đã chờ đợi anh một cách “dũng cảm”, trong khi đó có nhiều người vợ đã bỏ chồng, bỏ con -có nhiều bạn tù của anh đã tự sát vì không chịu nổi cảnh này. Xét cho cùng thì những người đàn bà này cũng không đáng trách, nhưng sự chờ đợi, chung thủy của em mãi mãi và mãi mãi làm anh kính phục. Sáu năm yêu nhau, anh đã mang đến cho em toàn bất hạnh phải không? Bây giờ, em nên xây dựng cuộc đời mới. Có thể, anh sẽ không bao giờ trở về. Đó là  những lời tha thiết nhất anh muốn nói với em. Xin em nghe lời anh. Xin ba má tha thứ cho anh. Xin bạn bè, những người quen biết tha thứ cho anh. Anh vẫn yêu em nhưng làm sao chúng mình gần nhau được.

Em yêu của anh, anh không biết phải viết thế nào để em hiểu hết lòng anh, hiểu hết những khó khăn mà anh phải chịu đựng và sắp phải chịu đựng. Anh chỉ cầu mong và tin tưởng ở sự thông minh, nhạy cảm của em. Anh tin ở sự sâu sắc đặc biệt của cô học trò đã từng cầm bút viết tâm sự mình thành thơ văn. Em có hiểu cho anh không?

Khi về đến nhà, em hãy viết cho anh một lá thư và cho biết em vẫn khỏe mạnh. Chỉ một câu vắn tắt như vậy để anh biết em đã hiểu và làm theo lời anh. Đừng viết gì thêm, vì anh đang bị theo dõi, thư kiểm duyệt rất kỹ.

Gửi theo em một tình yêu sâu đậm nhất, nồng nàn nhất. Anh đang rất xúc động đến run tay, viết không rõ nét. Tạm biệt em yêu dấu của anh.

Tôi nhét vội lá thư vào túi áo, gục đầu trên những ngón tay che kín khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Chuyến đi thật rộn ràng, háo hức khi tôi nghĩ đến anh, đến cuộc viếng thăm mà tôi chờ đợi rất lâu để được nhìn thấy anh, người tình yêu dấu. Trong nỗi vui mừng, ngập tràn niềm xúc động, anh nắm tay tôi. Bàn tay anh sao lạnh lẽo giữa tiết trời nóng bức và dường như thoáng chút run rẩy khi anh kề tai tôi nói nhỏ “thư của anh, em cầm lấy, giấu thật kỹ nghe em…”. Tôi nhìn sâu vào mắt anh, cảm động trong tiếng “dạ” mềm mại, ngọt ngào. Tưởng rằng, lá thư này sẽ là niềm an ủi với tình yêu thương ngọt ngào, là hành trang quý báu anh dành cho tôi trong chuyến trở về, sau một ngày vất vả chờ đợi, chen chút, mệt mỏi trên chiếc xe đò với lượng người quá tải mà một đứa con gái gầy nhom, yếu đuối như tôi chỉ đặt được một bàn chân trên bệ gỗ gắn phía sau xe, mong manh và nguy hiểm chết người. Nhưng không, lá thư chằng chịt những dòng chữ nhỏ rí ấy là lưỡi dao cắt đứt niềm tin yêu, hy vọng và thiêu rụi mối tình đầu sâu đậm của tôi trong đớn đau, tức tưởi.

 

6.-

Nhân dịp đi Cần thơ tôi ghé thăm gia đình anh. Chị của anh nhìn tôi mắt đỏ hoe. Sau dăm ba câu chuyện hỏi thăm đời sống của nhau, chị bước vào trong, đem ra cho tôi chiếc hộp nhỏ, trong đó có một tập thơ, chiếc kẹp tóc và chiếc lược bằng nhôm với dòng chữ khắc tay “Em yêu! anh mơ suốt đời được chải tóc cho em”. Nước mắt tôi ứa ra. Nghẹn ngào. Buồn tủi. Ước mơ đó mãi mãi trở thành vô vọng phải không anh?

Chị Hai đưa tay gạt nước mắt:

-Nghe nó kể đã cắt đứt liên lạc với em, chị thương hai đứa hết sức. Nhưng nó nói không muốn em phải khổ…

Tôi ra về lòng nặng trĩu khi nghĩ đến nỗi buồn mà anh phải giấu kín để đi đến một quyết định đau lòng. Những lời thơ u uất, đắng cay của anh làm nặng nề thêm cho cuộc tình tan sẽ đi vào dĩ vãng.

 

7.-

-Cô đưa tay tôi xem cho.

Dung ngước nhìn chú Mạnh, rồi nhìn tôi. Đôi mắt tròn xoe, đầy vẻ ngạc nhiên của Dung chẳng làm tôi náo nức, thiết tha như rất nhiều lần tôi nài nỉ chú xem bói cho tôi. Trong “cơ quan“, chú Mạnh nổi tiếng xem chỉ tay rất hay. Điều đặc biệt là chú chỉ xem cho người nào chú muốn xem, chứ như tôi, cả năm qua, năm lần bảy lượt năn nỉ nhưng lúc nào chú cũng lắc đầu. Lần gật đầu này của chú -dù tôi không òn ỉ như mọi khi- lại nhận được cái lắc đầu chán nản của tôi:

-Không, cháu không muốn.

Chú Mạnh chắc lưỡi:

-Đưa tay đây.

Tôi vẫn quyết liệt từ chối:

-Không, cháu không muốn.

Mặc cho tôi lắc đầu nguầy nguậy, chú vẫn nắm lấy bàn tay tôi, uốn cong lên, xoa nhẹ. Tôi không phản kháng, cũng không thấp thỏm chờ đợi, nghe ngóng, nhưng câu nói của chú khiến tôi bật cười:

-Sáu tháng nữa cô sẽ có đám hỏi hoặc đám cưới.

-Chú ơi! bồ của cháu đi học tập mút mùa, có ai đâu mà cưới hỏi.

-Tôi không biết cô sẽ lấy ai, nhưng đám cưới, đám hỏi chắc chắn sẽ có.

Trước khi bước vào phòng trực, chú lặp lại câu nói ấy một lần nữa với giọng nói chắc nịch. Dung kéo tay tôi bước theo chú, thì thào:

-Ước gì lời của chú Mạnh sẽ trở thành sự thật và chú rể sẽ là “người ấy” của mi.

Tôi lắc đầu nghi ngờ. Làm sao có thể tin được điều chú Mạnh nói bằng thái độ đầy tự tin khi anh đã ra đi biền biệt không hẹn ngày trở lại, và tôi thì lòng đã dặn lòng, suốt đời sẽ chung thủy với mối tình đầu cũng là tình cuối. Phiên trực đêm đó tôi thức trắng bên trang nhật ký viết cho anh. Và lời tiên đoán của chú Mạnh không hề được nhắc đến trong những dòng chữ tràn đầy nỗi nhớ, niềm thương của người con gái đang mang một tâm sự não nề.

 

8.-

Như đã có lần tôi viết cho anh “Em chọn anh như chọn chính định mệnh của đời mình”. Lá thư tôi gửi đến anh -với tư cách là em gái- sau khi nhận được những kỷ vật của anh do chị Hai trao lại, đã đưa anh đến thăm tôi trong khoảnh khắc ngắn ngủi trong chuyến vượt trại và anh đang trên đường đến Vũng Tàu để tìm lực lượng kháng chiến. Chúng tôi chỉ được nhìn nhau, nói với nhau những lời vội vàng trong mười lăm phút ngắn ngủi. Nhưng chính mười lăm phút phù du ấy đã buộc chặt cuộc đời chúng tôi vào nhau cho đến ngày hôm nay. Bốn mươi lăm năm tính từ ngày đầu quen biết qua cánh thư học trò, trong đó là tám năm chờ đợi và ba mươi sáu năm với cuộc sống hôn nhân.

Có lẽ, tất cả đều là định mệnh. Định mệnh gắn liền với cuộc đời mỗi người, nên chú Mạnh đã nhìn thấy những điều sẽ xảy ra cho tôi. Định mệnh đã cắt đứt lý tưởng tiếp tục chiến đấu của anh khi anh không liên lạc được với kháng chiến quân mà anh đã từng nghe rất nhiều tin đồn và phải trở về nương náu trong căn nhà bé nhỏ của tôi. Sáu tháng sau chúng tôi làm lễ hỏi thật kín đáo trong căn nhà nhỏ được đóng kín các cánh cửa, đúng như chú Mạnh đã tiên đoán.

Sau lễ hỏi, vì sự an toàn, anh và ba người bạn cùng trốn khỏi trại tù ngày trước đã rủ nhau vượt biên. Và vì không đủ tiền nên anh phải ra đi một mình. Chuyến đi không thành, anh bị bắt trên chiếc ghe nhỏ đang di chuyển ra tàu lớn. Lần này, anh lại liều lĩnh trốn thoát trong tầm đạn, trở về Sàigòn an toàn. Chúng tôi ôm nhau vui mừng trong nước mắt. Anh nhìn tôi xót xa:

-Mới có mấy ngày mà em gầy guộc như con mèo ướt. Anh nhất định sẽ không bao giờ đi vượt biên, nếu không phải là người tổ chức và  không có em đi cùng.

Thế rồi anh tiếp tục đi khắp nơi. Khoác lên người đủ “màu áo”. Có lúc là sinh viên nghiên cứu dược liệu. Có lúc là công nhân lao động. Tạ Ơn Trên đã cho tôi dịp may để được làm việc “tạm” trong phòng tổ chức cán bộ trong khi bà trưởng phòng chưa tìm được người tín cẩn. Tôi may mắn được bà “tạm tin” giao hết những con dấu của cơ quan, để tôi có cơ hội làm giấy tờ giả với con dấu thật cho anh sử dụng trong suốt thời gian dong ruổi tìm đường vượt biên.

Một năm sau, chúng tôi làm lễ cưới. Một lễ cưới mà chỉ có ba má tôi và vài người bà con ruột rà ngày trước có dịp gặp anh, cùng vị linh mục chủ tế mới biết anh thật sự là ai. Khi sinh đứa con gái đầu lòng được hơn một tháng, chúng tôi lên chiếc ghe nhỏ mong manh do chính anh làm tài công vượt trùng dương và đã đến được bến bờ tự do.

Ba mươi sáu năm hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân trọn niềm ước mơ. Hai đứa con gái đã khôn lớn,nên người. Giờ đây, ngồi ôn lại những đoạn đường trắc trở, chông gai. Hoà lẫn trong nước mắt, nụ cười đã trải qua, tôi chỉ biết cảm tạ Chúa đã cho tôi một mái ấm gia đình tràn trề hạnh phúc bên cạnh người yêu dấu từ hôm qua, hôm nay và đến cuối cuộc đời []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search