T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (65) NHẠC PHÁP – Tu te reconnaîtras (Xin Tự Hiểu Mình), Morgan & Vline Buggy

tu te reconnaitras

Trong số những ca khúc Pháp được ưa chuộng tại Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của miền Nam VN trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975, nổi tiếng quốc tế nhất phải là bản Tu te reconnaîtras, do Anne-Marie David thu đĩa năm 1973, và được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Xin tự hiểu mình.

Tu te reconnaîtras – dịch sang tiếng Anh là “You’ll Recognize Yourself” – là một ca khúc do Claude Morgan soạn nhạc, Vline Buggy đặt lời, được Anne-Marie David đại diện Đại công quốc Lục-xâm-bảo trình bày tại giải Eurovision (Ca khúc Âu Châu) năm 1973, và đã đoạt giải nhất (Grand Prix).

Trước hết xin có đôi dòng về các tác giả của ca khúc.

Claude Morgan là một ca nhạc sĩ trẻ (so với đa số đồng nghiệp cùng thời), và tiểu sử của anh trên trang mạng Wikipedia cũng chỉ có vài hàng ngắn gọn.

Claude Morgan tên thật là Claude Ganem, sinh năm 1947 tại hải cảng Sousse, Tunisie (một cựu thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi); công việc đầu tiên của Claude Morgan sau khi sang Pháp là viết ca khúc (chỉ soạn nhạc hoặc viết cả lời hát), trong đó nổi tiếng nhất phải là bản Tu te reconnaîtras.

Qua năm 1974, Claude Morgan cùng anh bạn ca sĩ Laurent Rossi (con trai Tino Rossi) thành lập ban Bimbo Jet, chuyên trình diễn thể loại disco và nhạc Nam Mỹ, đồng thời thu một số đĩa 45 vòng.

claude morgan

Claude Morgan

 Vline Buggy, người đặt lời hát cho Tu te reconnaîtras, thì trái lại, là một tên tuổi lớn trong làng nhạc Pháp, thuộc thế hệ đàn chị của Claude Morgan.

Điểm đáng nói thứ nhất về “nữ tác giả” Vline Buggy là trước kia “Vline Buggy” là bút hiệu của hai chị em ruột, sau này chỉ còn lại một.

Nguyên hai chị em là con gái của nhà đặt lời hát Georges Konyn (1894-1995, bút hiệu Georges Koger). Người chị, Liliane Konyn, sinh năm 1926, và người em, Évelyne Konyn, sinh năm 1929.

Nối nghiệp cha, hai chị em bắt đầu cùng nhau đặt lời hát cho các ca khúc vào năm 1947; khi ấy Liliane 21 tuổi còn Évelyne mới 18. Évelyne lấy bút hiệu là “Vline” còn Liliane lấy bút hiệu “Buggy”, hợp lại thành “Vline Buggy”.

Từ năm 1947 tới năm 1962, Vline Buggy đặt lời hát cho hàng chục ca khúc của Georges Ulmer, Anny Gould, Yves Montand, Luis Marino, ban Les Chats Sauvages…, trong số này có bốn ca khúc nguyên tác lời Anh của Cliff Richard.

Năm 1962, Évelyne Konyn (Vline) lâm trọng bệnh và qua đời vào tuổi 33, Liliane Konyn tiếp tục sự nghiệp và giữ nguyên bút hiệu “Vline Buggy” để tưởng nhớ em gái.

Cũng từ đó, Vline Buggy (Liliane Konyn) đã đạt nhiều thành công rực rỡ. Trước hết, bà được mời cộng tác với hãng đĩa Éditions Tropicales, lúc đó do nhà soạn nhạc Rudy Revil làm giám đốc.

Thời gian này, ca khúc Girls, Girls, Girls (Made to Love) của đôi song ca Everly Brothers đang làm mưa gió trên bảng xếp hạng ở Mỹ, được Rudy Revil đặt lời Pháp với tựa Rien, Rien, Rien (Không có gì hết) để Claude François thu đĩa. Không hài lòng cho lắm với phiên bản lời Pháp của mình, Rudy Revil đưa cho Vline Buggy nhờ bà “nhuận sắc”, nhưng Vline Buggy đã viết lại toàn bài với tựa đề mới Belles, Belles, Belles (Những người đẹp).

Kết quả, Belles, Belles, Belles đã giúp Claude François, chàng ca sĩ tỉnh lẻ vừa lên Paris thử thời vận, một sớm một chiều nổi tiếng.

Trong tổng số hơn 40 ca khúc của Claude François do Vline Buggy đặt lời sau đó, có nhiều bản rất được ưa chuộng tại miền Nam VN trước năm 1975, như Je sais (1964, Cuộc tình tàn, Phạm Duy đặt lời), J’attendrai (1966, nguyên là bản Reach Out I’ll Be There của ban tứ ca Mỹ The Four Tops).

Về những ca khúc do Vline Buggy đặt lời cho các ca sĩ khác của Pháp thu đĩa, không thể không nhắc tới Le pénitencier (House of the Rising Sun) đi liền với tên tuổi của Johnny Hallyday, do bà viết chung với thi sĩ Hugues Aufray vào năm 1964.

Nhưng nổi tiếng nhất, dĩ nhiên phải là Tu te reconnaîtras, ca khúc đoạt giải Eurovision năm 1973.

Năm 1977, sau hơn 40 năm trong nghề với hàng trăm ca khúc do mình đặt lời, Vline Buggy đã giải nghệ vĩnh viễn.

Vline-Buggy1-1024x682

Vline Buggy

* * *

Tới đây viết về người hát bảnTu te reconnaîtras: Anne-Marie David.

Anne-Marie David là tên thật; cô ra chào đời ngày 23/5/1952 tại thành phố Arles, vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, miền nam nước Pháp.

Tiểu sử Anne-Marie David không cho biết những bước đầu sự nghiệp mà chỉ viết vào năm 18 tuổi, cô đã xuất hiện thường xuyên trên sân khấu ca nhạc kịch ở kinh thành ánh sáng Paris.

Năm 20 tuổi (1972), Anne-Marie David được chọn để thủ vai Mary Magdalene trong vở ca nhạc kịch nổi tiếng nhất thập niên 1970: Jesus Christ Superstar (Chúa Giêsu Kitô, Siêu minh tinh), về sau được thực hiện thành phim mà có lẽ các “bạn trẻ” ngày ấy không mấy ai không biết tới.

Jesus Christ Superstar nguyên là một album nhạc rock phát hành năm 1970, với chủ đề những ngày cuối đời và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, nội dung gồm những ca khúc do các nhân vật chính hát: Chúa Giêsu Kitô, môn đệ phản bội Judas, vua Herod, quan Tổng Trấn Pilate, và nữ môn đệ Mary Magdalene.

Phần nhạc trong Jesus Christ Superstar là của nhà soạn nhạc kiêm kịch tác gia Anh lừng danh thế giới “Sir” Andrew Lloyd Webber, tác giả của những vở ca kịch nổi tiếng như The Phantom of the Opera, Evita, Cats…

Người đặt lời hát cũng là một công dân Anh nổi tiếng quốc tế: “Sir” Tim Rice, tác giả lời hát của nhiều khúc đoạt giải Grammy (âm nhạc), Tony (kịch nghệ), Oscar (điện ảnh), trong đó hai bản nổi tiếng nhất viết chung Andrew Lloyd Webber phải là Don’t Cry for Me, Argentina (vở Evita) và I Don’t Know How to Love Him (vở Jesus Christ Superstar).

Sau khi album được nồng nhiệt đón nhận (phần lớn là giới trẻ), Jesus Christ Superstar đã được đưa lên sân khấu kịch nghệ Broadway (New York) vào tháng 10/1971, và sau 711 buổi diễn, tới tháng 6/1973 mới chấm dứt.

Những tranh luận liên quan tới nội dung vở ca nhạc kịch (và sau này là cuốn phim) chúng tôi sẽ đề cập tới trong phần viết về những ca khúc, nhạc khúc trong phim, còn trong bài này chỉ xin viết về phiên bản lời Pháp của Jesus Christ Superstar do Pierre Delanoe phóng tác năm 1972.

[Pierre Delanoe (1918-2006) là nhà soạn ca khúc & đặt lời hát nổi tiếng bậc nhất của Pháp mà chúng tôi đã đôi lần nhắc tới]

Một trong những điểm độc đáo của vở Jesus Christ Superstar (và cũng là khó khăn cho các diễn viên) là vở ca nhạc kịch này hoàn toàn không có đối thoại mà chỉ có diễn xuất và ca hát.

Jesus Christ Superstar phiên bản lời Pháp của Pierre Delanoe được trình diễn ra mắt tại nhà hát Théâtre de Chaillot, tuy không được các nhà phê bình đánh giá cao, nhưng ít ra cũng giúp Anne-Marie David (vai Mary Magdalene) được giới yêu ca nhạc biết tới tên tuổi qua ca khúc La chanson de Marie Madeleine (nguyên tác: I don’t Know How to Love Him).

Anne_Marie_David_-_Tu_Te_Reconna+«tras

 VIDEO:

Anne Marie David- Le Chanson de Marie Madeleine

Tiếp theo, Anne-Marie David đã chọn ca khúc Un peu romantique (Một chút lãng mạn) của hai tác giả C. Level và G. Costa để tham dự cuộc tuyển lựa ca khúc đại diện cho Pháp tại Giải Eurovision năm 1972, tuy nhiên đã chỉ lọt vào vòng Top 10.

Cùng thời gian, Anne-Marie David lọt vào mắt xanh của cặp Michel Mallory & Alice Dona.

Alice Dona tên thật là Alice Donadel, sinh năm 1946 tại Paris, cha gốc Ý mẹ gốc Pháp đều là nhạc sĩ. Bắt đầu sáng tác và ca hát từ năm 1963 (17 tuổi), tới năm 1965, Alice Dona đã thu 11 đĩa 45 vòng nhưng chỉ đạt thành công tương đối.

Tuy nhiên, sau khi lập gia đình rồi chuyển hẳn sang việc sáng tác ca khúc cho các ca sĩ khác, Alice Dona đã thành công rực rỡ. Trong số sáng tác của Alice Dona, ngoài những bản viết cho Anne-Marie David, còn có 9 bản viết cho Claude François, 3 bản cho Joe Dassin, 3 bản cho Mireille Mathieu, 2 bản cho Annie Giradot, và Hervé Vilard, Dalida, Lara Fabian, Sylvie Vartan… mỗi người 1 bản.

Về phần Michel Mallory, ông tên thật là Jean-Paul Cugurno, ra chào đời ngày 25/2/1941 tại làng Monticello trên một hòn đảo nhỏ có đa số dân cư gốc Ý ở ngoài khơi đảo Corse. Năm lên 8 tuổi, Michel Mallory sang Bastia ở đảo lớn (Corse) để học hành; ước mộng thời niên thiếu của cậu chỉ là lớn lên được đá cho đội tuyển bóng tròn Bastia !

Mãi tới năm 15 tuổi, Michel Mallory mới học chơi đàn ghi-ta và ký âm pháp, rồi tự sáng tác và trình bày những ca khúc theo một thể loại riêng, tương tự nhạc đồng quê.

Năm 18 tuổi (1959), Michel Mallory sang Paris, trình diễn tại các phòng trà ca nhạc (cabaret) ở đại lộ Champs Élysée và khu Montmartre, rồi được nhạc trưởng Paul Mauriat của hãng đĩa Barckay cho thu một số đĩa 45 vòng, nhưng không gây được tiếng vang.

Michel Mallory tiếp tục trình diễn tại các phòng trà ca nhạc cho tới khi gặp gỡ Alice Dona vào cuối thập niên 1960, được cô đề nghị hợp tác trong việc viết ca khúc cho các ca sĩ khác, từ đó Michel Mallory trở thành một trong những nhạc sĩ & nhà viết lời hát ăn khách bậc nhất của Pháp.

Tổng cộng, Michel Mallory đã soạn, hoặc hợp soạn trên 1000 ca khúc, đa số do ông đặt lời hát, cho các ca sĩ thời danh như: Claude François, Sylvie Vartan, Tino Rossi, Joe Dassin, Mireille Mathieu, Nicoletta, Michel Sardou, Anne-Marie David…

Với những ca khúc do Michel Mallory & Alice Dona hợp soạn,

Anne-Marie David từ một diễn viên sân khấu ca kịch đã trở thành một ca sĩ nhạc “pop” ăn khách không thua gì các đàn chị, các đồng nghiệp Sylvie Vartan, France Gall, Vicky Léandros…

Một trong những thành công điển hình của Anne-Marie David là bản Lui (Chàng), do Michel Mallory soạn nhạc, Alice Dona viết lời.

LUI

Lui, c’était mes rires et mes larmes
Lui, c’était le fond de mon âme
Lui avait la manière de dire
Les mots qui me brûlaient

Lui m’a volé ma solitude
Lui, c’était ma tendre inquiétude
Lui faisait de moi une femme
Et lui, c’était l’amour

{Refrain:}

J’ai froid, mon soleil s’est couché hier
Et mon père va s’endormir dans ce triste hiver
J’ai froid, mon soleil m’a quitté hier
Je le cherche et je l’appelle dans ma prière

Lui avait la façon de prendre
Ce qu’il y avait en moi de tendre
Lui faisait de moi une femme
Et lui, c’était l’amour

Phụ lục 1: Lui, Anne-Marie David

Sau đó, Lui đã được Anne-Marie David thu đĩa bằng nhiều ngôn ngữ khác, mà thành công nhất là phiên bản tiếng Thổ-nhĩ-kỳ.

Sau năm 1975 tại hải ngoại, Lui đã được nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Chàng, mà trong số những nữ ca sĩ thu vào CD, DVD, thành công nhất có lẽ là Kiều Nga.

[Cũng xin viết thêm: trước năm 1975 tại Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời việt cho một ca khúc “Lui” của tác giả khác, cũng với tựa tiếng Việt là “Chàng”, được Thanh Lan, Julie thu vào băng nhựa; tuy nhiên không mấy phổ biến]

CHÀNG (lời Việt: Nhật Ngân)
Chàng là ngàn nỗi đau cho nước mắt trào. Chàng là ngàn thiết tha ôi chất ngất tình.
Và là ngàn chuỗi ân cần đốt tim này chết theo ngày tháng chới với.
Chàng là ngàn giá băng chua xót tháng ngày. Chàng là ngàn đắng cay tôi mãi ngóng chờ.
Chàng là những đêm dài với u buồn cớ sao tình mãi đắm đuối.
Chàng hỡi em nghe giá băng quanh mình tháng ngày.
Ôi nỗi buồn bao đêm xót xa cuộc đời như cuốn xoay!
Chàng hỡi em nghe tháng năm rơi rụng xuống đời.
Ôi mất rồi tình xưa ngất ngây giờ tìm đâu thấy đâu?
Chàng dù tình dối gian tôi vẫn nhớ chàng. Chàng dù tình giá băng tôi đắm đuối hoài.
Và từng lời nói ân cần vẫn mong chàng, biết cho tình vẫn đắm đuối!
Chàng là vầng thái dương tôi mãi ngóng chờ. Chàng là ngàn ánh sao tôi mãi kiếm tìm.
Chàng là bài hát xưa còn ngây ngất tình thiết tha lòng mãi tiếc nhớ……

Phụ lục 2: Chàng (Lui), Kiều Nga

Qua năm 1973, Anne-Marie David được chọn đại diện Lục-xâm-bảo tham dự Giải ca khúc Âu Châu với ca khúc Tu te reconnaîtras của Claude Morgan & Vline Buggy, và đoạt giải.

Sau thành công này, Anne-Marie David được mời lưu diễn khắp Âu Châu và nhiều nước Á Châu trong đó có Nhật Bản, được đặc biệt ái mộ tại Thổ-nhĩ-kỳ, nơi cô lưu lại một thời gian khá dài, thu một album và hai đĩa 45 vòng bằng tiếng Thổ-nhĩ-kỳ, đoạt nhiều giải thưởng tại quốc gia này.

Năm 1979, Anne-Marie David trở lại Giải ca khúc Âu Châu, tổ chức tại Jerusalem, Do Thái, đại diện Pháp quốc với ca khúc Je suis l’enfant soleil (I’m A Child of the Sun), một sáng tác của Eddy Marnay và Hubert Giraud.

Eddy Marnay (1920-2003) và Hubert Giraud (1920-2016) là hai nhà viết ca khúc, đặt lời hát nổi tiếng của Pháp, trước đó đều có ca khúc đoạt giải Eurovision.

Như chúng tôi đã có lần nhắc tới, Eddy Marnay cũng là người về sau này có công giới thiệu “cô bé” Céline Dion; còn Hubert Giraud chính là người soạn nhạc cho những ca khúc nổi tiếng như Sous le ciel de Paris (1951, Édith Piaf thu đĩa), Dors, mon amour (André Claveau hát, đoạt giải Eurovision năm 1958), Il est mort le soleil (1967, Nicoletta thu đĩa), và tới năm 1970, soạn nhạc và đặt lời cho bản Mammy Blue nổi tiếng quốc tế (cũng được Nicoletta thu đĩa)…

Xuất thân là một nhạc sĩ nhạc jazz, các sáng tác của Hubert Giraud thường mang âm hưởng của “thánh ca” (gospel) và R&B (rythm and blues) của người Mỹ da đen, trong số này có ca khúc Je suis l’enfant soleil để Anne-Marie David tham dự giải Eurovision 1979, tổ chức tại Jerusalem, Do-thái.

Cho tới vòng cuối cùng, cả ba ca khúc Je suis l’enfant soleil (Pháp). Hallelujah (Do-thái) và Hey Nana (Vương quốc Bỉ) đều có số điểm ngang ngửa. Chỉ tới giờ phút chót, Hallelujah mới vượt lên và đoạt giải, Hey Nana đứng hạng nhì, và Je suis l’enfant soleil hạng ba.

VIDEO:

Anne Marie David – Je suis l’enfant soleil – Eurovision 1979 (France)

Mặc dù không đoạt giải, Anne-Marie David cũng trở thành nữ ca sĩ thứ nhì (sau Vicky Leandros) được tham dự giải Eurovision hai lần (tính tới thời điểm đó).

Về sau, Je suis l’enfant soleil đã được Anne-Marie David thu đĩa bằng tiếng Đức với tựa Sonnenkind (Sun Child) và tiếng Ý với tựa Ragazza sole (Sun Girl).

Trong hai năm 1982, 1983, Anne-Marie David tới sống và ca hát tại Na-uy. Năm 1987, cô giải nghệ nhưng 16 năm sau trở lại. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải Eurovision, tổ chức tại Copenhagen, thủ đô Đan-mạnh, Anne-Marie David đã trình diễn ca khúc Après toi – ca khúc đoạt giải năm 1972 do Vicky Leandros hát – và được hoan hô nhiệt liệt.

Năm 2011, Anne-Marie David đạt thành công đáng kể khi thu đĩa lại ca khúc Tu te reconnaîtras, với tựa Tu te reconnaîtras (Encore une fois), và tiếp tục ca hát cho tới ngày nay…

* * *

Tới đây, chúng tôi xin trở lại với năm 1973, năm Anne-Marie David đại diện Lục-xâm-bảo tại giải Eurovision và đoạt giải Grand Prix với bản Tu te reconnaîtras.

Giải Eurovision, tiếng Anh thường viết tắt là ESC (European Song Contest: Cuộc thi Ca khúc Âu Châu), là cuộc thi ca khúc lớn nhất, và lâu đời nhất trên thế giới.

Đây là lần thứ ba, một công dân Pháp đại diện cho Lục-xâm-bảo tham dự giải này và đoạt giải. Hai lần trước đó là France Gall với bản Poupée de cire, poupée de son (Búp-bê không tình yêu) năm 1965, và Vicky Leandros với bản Après toi (Vắng bóng người yêu) năm 1972.

Rất có thể một số độc giả sẽ đặt câu hỏi: tại sao các ca sĩ Pháp lại thích đại diện cho Lục-xâm-bảo tham dự giải Eurovision? Theo suy đoán của chúng tôi, vì Lục-xâm-bảo là một trung tâm truyền thông quốc tế, và cũng là thủ đô truyền thông của cả Âu châu, đại diện cho Lục-xâm-bảo hãnh diện hơn là đại diện cho Pháp.

Cũng nên biết Lục-xâm-bảo – tên gọi đầy đủ là “Đại công quốc Lục-xâm-bảo” (Grand Duchy of Luxembourg) – tuy là một quốc gia nhỏ bé, diện tích chỉ vào khoảng 2.500 cây số vuông (tương đương Sài Gòn – Gia Định và vùng phụ cận), nhưng lại là nơi đặt trụ sở của những công ty sản xuất phim ảnh, công ty truyền thanh truyền hình quốc tế, chẳng hạn RTL (Radio Télévision Luxembourg) Group, với 59 đài truyền hình và 31 đài phát thanh ở 10 quốc gia Âu châu.

Trong số này, nổi tiếng nhất là Radio Luxembourg, nguồn nghe nhạc phong phú nhất cho người yêu nhạc tại các quốc gia Tây Âu. Không ít ca sĩ nổi tiếng của Pháp thời nhạc trẻ, đã cho biết họ chịu ảnh hưởng của thần tượng này, thể loại nhạc kia là qua nghe Radio Luxembourg.

[Thực ra từ trước tới nay Lục-xâm-bảo không chỉ “chiêu dụ” các sĩ ngoại quốc hát tiếng Pháp đại diện tham dự giải Eurovision mà còn nhờ cả các ca sĩ hát tiếng Đức (Lục-xâm-bảo sử dụng ba ngôn ngữ chính: Pháp, Đức, và thổ ngữ Lục-xâm-bảo), tuy nhiên chỉ có các ca sĩ hát tiếng Pháp đoạt giải]

Là quốc gia đoạt giải năm 1972 (bản Après toi, Vicky Leandros trình bày), Lục-xâm-bảo được đăng cai tổ chức giải Eurovision 1973. Với “khí thế” sẵn có, các nhân vật trách nhiệm việc tuyển chọn ca khúc & ca sĩ tham dự cuộc thi năm nay đã hạ quyết tâm tạo kỷ lục.

Cũng nên biết, trước khi diễn ra cuộc thi Eurovision 1973, Lục-xâm-bảo đã giữ kỷ lục về số lần đoạt giải (3 lần) nhưng không liên tục; trong khi đó Tây-ban-nha tuy mới chỉ đoạt hai giải, nhưng trong 2 năm liên tiếp (1968, 1969).

[Trên thực tế, việc Tây-ban-nha “đoạt hai giải trong 2 năm liên tục” cũng không được xem là trọn vẹn, bởi vì trong cuộc thi Eurovision 1969, với số điểm chung kết bằng nhau, cả bốn quốc gia sau đây đã đứng nhất đồng hạng: Tây-ban-nha, Anh,Pháp, và Hòa-lan]

Thời gian này cũng là lúc Anne-Marie David vừa nổi bật trong làng ca nhạc Pháp quốc, cho nên đã được Lục-xâm-bảo mời đại diện; và cô đã chọn bản Tu te reconnaîtras của Claude Morgan & Vline Buggy.

Nhưng khác với buổi chung kết của năm trước, trong đó bản Après toi do Vicky Leandros (cũng đại diện Lục-xâm-bảo) trình diễn đã được tuyệt đại đa số khán giả hiện diện cũng như khán giả theo dõi qua màn ảnh truyền hình từ khắp năm châu tiên đoán sẽ đoạt giải nhất, năm nay Tu te reconnaîtras có số điểm ban đầu thua hai ca khúc Eres tú của Tây-ban-nha và Power to All Our Friends của Anh quốc (do đàn anh Cliff Richard trình diễn).

Phải đợi tới phút chót, Tu te reconnaîtras mới từ hạng ba nhảy lên hạng nhất với 129 điểm (hơn Tây-ban-nha 4 điểm, hơn Anh quốc 6 điểm), đem lại giải Eurovision thứ tư cho Lục-xâm-bảo, và trở thành quốc gia đầu tiên đoạt giải trong 2 năm liên tục (nếu không tính Tây-ban-nha đoạt 1 giải + 1 giải đồng hạng).

Tu te reconnaîtras

Dans les rêves de l’enfance
Dans l’élève que le maître a puni
Dans la gare où commence
La première aventure de la vie

Dans celui qui doute
Dans celui qui croit

Tu verras
Tu te reconnaîtras
À chaque instant
Dans chaque joie
Dans chaque larme

Tu verras
Tu te reconnaîtras
Dans cet enfant
Parmi ces gens
Tous comme toi

Dans les rêves de l’artiste
Que la gloire n’a jamais couronné
Dans ce monde égoïste
Qui renie ce qu’il a adoré

Dans ceux qui ont peur
Dans ceux qui ont froid

Tu verras
Tu te reconnaîtras
À chaque instant
Dans chaque joie
Dans chaque larme

Tu verras
Tu te reconnaîtras
Dans cet enfant
Parmi ces gens
Tous comme toi

Tu verras
Tu te reconnaîtras
Dans cet amour
Que j’ai pour toi
Oui, tu verras
Tu te reconnaîtras

Phụ lục 3: Tu te reconnaîtras, Anne-Marie David

VIDEO :

Anne-Marie David – Tu te reconnaîtras (Eurovision Song Contest 1973)

Sau khi Tu te reconnaîtras đoạt giải Eurovision 1973, ca khúc này đã được Anne-Marie David thu đĩa bằng 4 ngôn ngữ khác, gồm tiếng Ý (hai phiên bản khác nhau), Tây-ban-nha, Đức, và tiếng Anh.

Trong số này, phiên bản lời Anh có tựa đề Wonderful Dream của tác giả Shaun Lawton, tuy cũng mang tư tưởng hoài niệm tuổi trẻ nhưng có nội dung khác hẳn nguyên tác.

Wonderful Dream

Just a boy and a girl with a promise we’d always be true

We grew up all too soon and discovered how little we knew
Would the dream leave the ground? Was the future so sound?
You and I, we had a dream to fly
Wonderful dream, beautiful dream, don’t let it die
You and I, we had a dream to fly
Wonderful dream, beautiful dream, don’t let it die
Then one day, you were gone, and my dreams all came tumbling down
Childhood tears, broken years, our true love can no longer be found
Though I’d waited so long, still the dream lingers on
You and I, we had a dream to fly
Wonderful dream, beautiful dream, don’t let it die
You and I, we had a dream to fly
Wonderful dream, beautiful dream, don’t let it die
You and I, we had a dream to fly
Wonderful dream, beautiful dream, don’t let it die
Oh Lord, don’t let it die

VIDEO:

Anne Marie David – Wonderful Dream

Tại miền Nam VN trước năm 1975, Tu te reconnaitras đã được Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt với tựa Xin tự hiểu mình, phỏng theo nội dung của nguyên tác.

Xin tự hiểu mình

Từ trong mơ, giữa tuổi thơ,
Từ trong lớp lúc ta dạy bởi ma soeur
Từ nơi em nhấc đôi chân son,
Còn mang tất dấn thân vào đời phiêu lưu

Tìm mình trong nỗi ưu tư
và tìm trong ngóng chờ

ĐK:
Xin cho gặp
Hãy cho ta tự hiểu mình
phút giây thơ dại
Tìm trong nỗi vui và trong khóc than

Xin cho gặp
Hãy cho ta tự hiểu mình
Khiến trong thơ dại
tìm trong thế gian để ta thấy ta

2.
Tìm trong mơ khi nghệ sĩ
ngàn mong ước vẫn không đạt ngày vinh quang
Và nhân gian, lắm gian ngoa
Nhiều chê bai, cớ sao hoài lời suy tôn

Tìm mình trong ái tình
tìm mình trong giá băng

(ĐK)

Trước năm 1975, Tu te reconnaitras / Xin tự hiểu mình đã được Thanh Lan trình bày song ngữ trong băng nhạc Tình Ca Nhạc Trẻ 2 do Nguyễn Duy Biên và Vũ Xuân Hùng thực hiện. Sau này tại hải ngoại, trong số các nữ ca sĩ tên tuổi thu vào CD có Julie và Ngọc Lan (hát chung với Như Mai trong CD ASIA 11, mà một vài trang mạng ghi sai là Ngọc Hương).

Phụ lục 4: Tu te reconnaîtras / Xin tự hiểu mình, Thanh Lan (pre 1975)

Phụ lục 5: Tu te reconnaîtras / Xin tự hiểu mình, Ngọc Lan & Như Mai

Phụ lục 6: Tu te reconnaîtras /Xin tự hiểu mình, Julie

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search