T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 109)

 penrefiil

Văn học miền Nam (II)

Gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, vì có những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị loại trừ sau 30/4/1975. Chúng tôi xin giới thiệu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà phê bình miền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.

***

Thụy Khuê: Anh nghĩ như thế nhưng vẫn còn nhiều người nghĩ ngược lại anh, tại sao vậy?

 Vương Trí Nhàn: Sở dĩ đôi lúc người ta khó công nhận Văn học miền Nam là hình như họ nghĩ như thế này: nếu công nhận Văn học miền Nam thì [Văn học] miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Cách nghĩ “chỉ có một [nền văn học] thôi” là không phải, phải nói chúng ta có cả hai [nền văn học], và hai bên tiếp cận, và bổ sung cho nhau.

Tôi nghĩ độ một trăm năm sau, nếu muốn nhìn lại xã hội Việt Nam thế kỷ XX, thì cần phải đọc cả hai. Nền văn học miền Bắc, tôi tạm gọi là văn học của chiến công, nền văn học lôi cuốn người ta đi vào cuộc chiến tranh. Còn nếu giờ đây có ai muốn đi tìm những tình cảnh con người trong chiến tranh thì tôi khuyên họ hãy tìm đến phần văn học miền Nam. Đọc từ Võ Phiến, Mai Thảo, Y Uyên, Nhật Tiến, Thế Uyên…những tác phẩm của Nhã Ca, Phan Nhật Nam, hay những bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn, chỗ nào tôi cũng thấy chiến tranh, xa gần đều có dây dưa tới chiến tranh.

Nếu trong truyền thống, chúng ta có mảng văn học thôi thúc con người hành động, ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo hay thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thì Văn học miền Bắc nối truyền thống đó rất rõ. Ngược lại, nếu đi tìm cái mạch nối tiếp truyền thống của Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, tức là tìm tới thứ văn học về con người, cả tình thế bi thương, đau đớn, cả sự bơ vơ, bất lực, trong đời sống này không biết tìm ra lối nào để đi đích nào để hướng tới…thì tôi thấy ở Văn học miền Nam rõ hơn đầy đủ hơn.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

Chữ nghĩa…mỏng manh

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cảnh báo về cái hữu hạn của nó. Cũng vậy, theo sách vở, chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún.

Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ Việt cổ trên.

Văn học lưu vong

Phần lớn những người cầm bút lưu vong hay bị day dứt cái mặc cảm tự ti, không những tự ti với dòng văn chương ở quốc gia mình định cư mà còn tự ti với cả dòng văn học ở cố quốc. Sự kiện đứng bên lề và sự kiện xa cách tuyệt đối với độc giả khiến khái niệm “danh vọng” trở thành hão huyền: ngay cả những người xuất sắc nhất trong chúng ta cũng chỉ “nổi tiếng” trong một phạm vi thật nhỏ, chủ yếu với một nhúm bạn bè và những người quen biết. Theo tôi, đây là lý do chính giải thích hiện tượng tại sao có một số cây bút rõ ràng là có tài năng nhưng chỉ đến với văn chương một thời gian ngắn rồi chia tay không một chút luyến tiếc.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong bài “Triển vọng của văn học hải ngoại”, đã tự hỏi: “Vì sao thế?” Vì biết cái ma lực của chữ viết, nhất là lúc đã thành chữ in và tới được tay bạn đọc. Chữ viết trên bản thảo định hình được những điều mông lung rối rắm chất chứa trong lòng tác giả, những điều tác giả tưởng đã biết rõ nhưng thực ra không biết nhiều, đến nỗi khi thành chữ, chính tác giả cũng kinh ngạc ngỡ ngàng. Tiếng vọng từ phiá bạn đọc mang cho tác giả những dư âm đa dạng kỳ thú (hay kỳ dị), đưa cả tác giả lẫn tác phẩm vào một cuộc phiêu lưu mới. Những đợt sóng ấy tiếp nối, đợt sau đẩy đợt trước, người cầm bút miên man hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu kia, thấm thoắt theo nghiệp văn vài chục năm lúc nào không hay”.

Trong câu hỏi của Nguyễn Mộng Giác đã có sẵn câu trả lời. Thời ông cầm bút ở Việt Nam, những tiếng vọng liên tục từ phía độc giả có khả năng tạo nên những “dư âm kỳ thú (hay kỳ dị) đưa cả tác giả lẫn tác phẩm vào một cuộc phiêu lưu mới”. Còn ở hải ngoại thì làm gì có những tiếng vọng như thế? Ở hải ngoại, đăng một bài viết trên báo hay in một cuốn sách, rồi ngỡ chừng như nói vào ống điện thoại chưa nối đường dây. Lặng ngắt. Không nghe gì cả, kể cả một lời chê, một tiếng chửi, cũng không có.

Hoàn toàn lặng ngắt.

Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận.

Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.

(Nguyễn Hưng Quốc – Sống và viết như người lưu vong)

Chữ và nghĩa thổ ngơi (III)

 Do hiện tượng dị hóa: Hai âm tố giống nhau nhưng đứng gần nhau, âm tố này làm cho âm tố kia khác với nó. Có nhiều địa danh thuộc kiểu này.

Do hiện tượng biến âm: Biến âm do ngữ âm địa phương. Chẳng hạn, vì không phân biệt các âm đầu ch – tr, s – x, v – d – gi, một số âm chính o -ô, ă – â, một số vần tận cùng bằng t – c, n – ng, hai dấu hỏi – ngã, nên nhiều địa danh bị sai lệch ở âm đầu, vần, thanh điệu hoặc hai, ba bộ phận trên.

– Biến âm ở phụ âm đầu:

Hàng Sanh –> Hàng Xanh (Sài Gòn) – Vồng Trôm –> Giồng Trôm (Bến Tre)…

– Biến âm ở vần:

Các Bà –> (đảo) Cát Bà (Hải Phòng) – (Thuận) Hóa –> Huế – rạch (cây) Gằm –> Gầm (Tiền Giang) – huyện Xương Mộc –> Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) – rạch Ong –> Ông – Các Lái–> Cát Lái (Sài Gòn); Hùng Ngự –> Hồng Ngự ; Câu Lãnh –> Cao Lãnh (Đồng Tháp)…

– Biến âm ở thanh điệu:

Vi Dã –> Vĩ Dạ (Huế) – kinh Tẽ –> Tẻ – Thạnh Đa –> Thanh Đa.

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Cửa già

Cửa chùa. Tiếng nhà Phật gọi chùa là “già lam” (hay cửa già).  Truyện Kiều có câu:

Gió quang mây tạnh thảnh thơi

Có người đàn việt lên chơi cửa già

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Chữ nghĩa văn học II

Trong sách giáo khoa lớp 10 (bộ nâng cấp) đưa ra mô hình trắc nghiệm sau.

Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão được sáng tác trong thời kỳ nào?

A : nhà Tống – B : nhà Đường – C : nhà Minh – D : nhà Thanh.

Ai cũng biết Phạm Ngũ Lão là danh tướng đời Trần. Người viết sách dốt sử như thế nên đưa ra đáp án như vậy!

(Hoàng Duy – Chữ nghĩa ngày nay)

Chữ nghĩa tiếng Việt

Lê Quỳnh Mai – Trong truyện của nhà văn Lê Minh Hà có những câu: ” Tốt số hơn bố giàu, Một năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga, Dân bụi chẳng dám bắc bếp nấu ăn, nằm lăn đánh bạc”. Có phải hồi nhỏ nhà văn Lê Minh Hà ảnh hưởng tiếng ru bằng ca dao tục ngữ của mẹ và bà?

Lê Minh Hà – Mẹ tôi mất rất sớm. Nên nếu nói tới những ảnh hưởng của mẹ thì tôi chỉ nhớ rằng nhờ mẹ tôi mà tôi biết nhạc tiền chiến, nhạc vàng, theo cách định danh kỷ quặc hàm ý phê phán ở miền Bắc lúc bấy giờ. Nhưng có thể là tôi thừa hưởng gien lạnh từ ông Nội bà Ngoại thật. Bà Nội tôi không biết chữ, nhưng nói mười câu là phải ba bốn câu ca dao tục ngữ. Ông ngoại tôi chịu ảnh hưởng thơ tiền chiến, và cũng làm thơ rất nhiều, thuộc thế hệ ” thanh thản một gia tài vơi nửa mộng” thời kháng chiến. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhắc đến những bà lão nhà quê mà tôi có dịp ngồi hóng chuyện, những hàng xóm trong khu tập thể mà tôi đã sống 30 năm. Họ là một kho từ ngữ đầy biến ảo.
(Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Lê Minh Hà)

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Khươm mươi niên: rất lâu rồi.

Chỏng lỏn: nói năng đanh đá, xấc xược; trái với dịu dàng, lễ phép.

Đúc: cho đạp mái, lấy gà con.

Tiếng Việt, dễ mà khó

Các con số đếm cần chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm. Như số 1, chẳng hạn. Ðứng một mình là một. Ðứng trước các con số khác cũng là một. Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành “mốt”: hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt. Những chữ “mốt” ấy chính là biến âm của “một”.

Không phải lúc nào “mốt” có nghĩa là một: “Mốt” trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt… không phải là một.

Con số 5 cũng vậy. Ðứng một mình là năm. Ðứng trước các số khác cũng là năm. Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành “lăm”: mười lăm, hai mươi lăm… Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành hăm nhăm. Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành băm nhăm. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như hăm nhăm và băm nhăm.

Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì “mười” biến thành “mươi”: hai mươi, ba mươi, bốn mươi… Dấu huyền bị biến mất. Có điều, “mươi” không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười. Trong nhóm từ “mươi cái áo”, chẳng hạn, “mươi” lớn hơn hoặc nhỏ hơn 10: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Chữ nghĩa làng văn

Chúng ta còn tìm thấy quả sung trong một thành ngữ nữa là: “Ăn quả vả, trả quả sung”. Quả vả to bằng nắm tay, thịt dầy, quả sung nhỏ và tròn. Cả hai thuộc họ cây si, cây đa, cây bồ đề mà đức Thích Ca ngày xưa ngồi tham thiền 49 ngày và giác ngộ. Câu Ăn quả vả, trả quả sung, ngụ ý rằng: ăn thì nhiều mà trả thì ít. Thành ngữ quả vả và quả sung cũng còn ngụ ý: vay trả không tương xứng, trong hai người, có một người khô, và một người dại, chớ dại lần thứ hai!

Bây giờ chúng ta xét tới câu thứ ba:

Bao giờ đường ngọt nước cay

Gánh dừa lon gạo thầy tăng ở tù.

Câu này phải sửa lại như sau mới đúng:

Bao giờ nước ngọt đường cay,

Gánh vừa lon gạo thằng tây ở tù.

(Phụ chú: Câu sau không hẳn là đúng vi “thầy tăng” ở câu trên nói lái là…thằng tây)

 (nguôn Wikipedia)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search